CHƯƠNG 7:
– Đừng sợ nghe Diệp. Coi như một cuộc picnic vậy thôi .
Tôi thu người trong một góc tối nhất của hốc đá , tôi đang rất sợ hãi cái bóng tối hun hút âm u này , Lưu đang tựa người vào chiếc ba lô , không biết nó thức hay ngủ vì tiếng thở của nó rất rõ bên cạnh tôi… Nhiều người lạ cũng đang âm thầm chờ đợi . Cao nói nhỏ :
-Phi chuẩn bị theo sát anh , từng người một thôi nhé.
Tôi cột lại đôi bata , níu tay Cao đứng lên :
– Còn Duy đâu rối anh ???
-Ở ngoài đảo . Diệp gọi Lưu dậy đi.
Tôi lay vai Lưu, tiếng sóng vỗ đều êm ả dưới kia. Từ hốc đá này , cát làm một vệt bóng nhờ nhờ trắng. Tôi thầm thì :
-Gần đến giờ chưa anh ?
Cao đưa chiếc đồng hồ lên , kim dạ quang lấp lánh:
-Độ 15 phút nữa.
Từ buổi chiều di chuyển người ra đây chờ đêm tới. Tôi chẳng nói với Lưu về chuyện nhà dù lòng tôi vẫn nhắc nhở không nguôi … Mẹ , Tùng , Ngô. Ngôi nhà xinh xắn nằm giữa vườn cây xanh có nhiều cửa sổ với những tấm rideaux màu tím nhạt…Có sân thượng buổi tối ngồi đếm sao chờ trăng mọc bên kia cư xá…căn phòng nhỏ quen thuộc với những chiếc đàn tranh , guitar ,piano với những tiếng rung trong đêm khuya làm run rẩy trái tim… Còn nữa…”đêm nguyệt vỡ “ rạng ngời trên tường trắng , bóng sáng chập chờn trong đôi mắt mẹ tôi, tiếng hát Tùng ấm nồng từng đêm trong tiếng guitar gỗ bập bùng của từng giấc mơ tôi êm ả …Tôi muốn hỏi Lưu có nhớ điều gì khi đành đoạn chia lìa…nhưng tôi không thể nào nói lên thành lời, tôi chớp mắt khi nó chào mẹ với nụ cười vô cùng con nít , không gợn một chút buồn đau…Một điều gì đó đang dâng lên , uất ức nghẹn ngào …Giờ này , tôi đang học bài và nghe nhạc chứ , giờ này ba đang đọc báo hay nghe tin tức trên radio , giờ này mẹ vừa đan laine vừa coi vô tuyến truyền hình trong phòng khách với bọn nhỏ…
Rồi tôi quay lưng, tất cả bỏ lại phía sau…hạnh phúc trôi qua như một chớp mắt…thôi ,hãy bắt chước thiền sư Soyen Saku : hãy giữ vững thái độ không sợ hãi của một anh hùng và trái tim yêu của trẻ thơ… Đừng nuối tiếc quá khứ , hãy nhìn vào tương lai.
-Chúng ta đi thôi.
Dấu hiệu từ ghe nhỏ đã đáp , tôi nắm tay Lưu, váng vất, bàng hoàng như trong cơn mơ….thái độ không sợ hãi của một anh hùng … một anh hùng… câu ấy cứ lập đi lập lại từ vô thức. Nước lạnh buốt dưới chân tôi, tự nhiên có một nỗi sợ hãi nào đó dậy lên kinh khiếp, tôi thấy run rẩy khắp người …tôi bước nhanh , níu tay Cao , hốt hoảng:
-Anh Cao , tự nhiên Diệp sợ quá.
Cao dừng lại , trong bóng đêm tôi không nhìn thấy đôi mắt Cao xót xa ái ngại thế nào …Bây giờ nói câu gì cũng là thừa thãi…Cao kéo tôi bước đi trong làn nước lạnh . tôi muốn tháo đôi bata ra cầm tay mà cũng không cúi xuống nỗi.Tiếng máy ghe nổ nghe rất xa vời , tôi không nghĩ tới quá khứ , tôi cũng chẳng tha thiết gì tới tương lai nữa…trước mắt tôi là bóng tối của không gian vô tận, bóng tối với nỗi sợ hãi khủng khiếp bao trùm , đe dọa, ánh chớp của chiếc đèn pin của Cao với ghe nhỏ đột ngột tắt ngấm …như có ai rút hết máu trong người tôi khi tiếng súng nổ quá gần trên bãi …Cao chợt tỉnh dùng đèn pin ra hiệu cho ghe lớn thoát đi bằng mọi cách . Tên phản bội nào đó lợi dụng bóng đêm đã lên ghe nhỏ , giăng ra một chiếc bẫy người . Lưu vừa ném chiếc ba lô vừa hét :
-đồ phản bội , khốn nạn , đồ phản bội .
Cao vừa nhào tới che cho Lưu thoát khỏi cái báng súng của một tên du kích . Anh ngã xuống , hai ba tên khác nhào lên người anh…Chúng đâu biết anh là võ sư của một võ đường nổi tiếng …chỉ bằng đòn chân…Từng tên một văng xuống nước … Chiếc F5 chòng chành không người điều khiển,tiếng súng bắn gần như giữa trái tim tôi, giọng ai đó thất thanh :
-Đừng chống cự , Cao , đừng chống cự.
Cao nhoài người đứng dậy nhưng không được , anh bị thương đâu đó. Ai đó dìu anh đứng lên. Anh quay tìm tôi, thì thầm :
– Ném cây đi Diệp , ném hết đi , đừng giữ gì trong người …
Tôi níu tay anh , máu ướt nhớt đầy tay tôi , mùi máu mặn như nước biển…Phi đỡ anh lên bờ. Điều an ủi duy nhất là anh đã cố gắng ra tín hiệu cho ghe lớn nhổ neo trốn đi… Phi cột chiếc khăn choàng cổ lên tay anh cầm máu vết thương. Chiếc ba lô Lưu mang trĩu xuống nặng nề…Chúng tôi đi ngược lên con đường đã xuống , cát nặng nề vướng víu bước chân …đêm không trăng mà muôn ngàn vì sao sáng quá… những vì sao nhìn xuống trần gian chớp mắt tội tình…
Lên gần quốc lộ, ba Phi ngừng lại điều đình, không hiểu ông đã nói những gì mà tên du kích cộc cằn ra lệnh:
-Bây giờ mấy người bỏ hết cây ra đây đi rồi giải tán tự do.
Thêm mấy tên du kích nữa xuất hiện bao quanh . Ba Phi năn nỉ :
-Chúng tôi chung hết cho ghe lớn rồi , chỉ có mang theo 15 cây , anh em thông cảm cho lại 1/3 để về làm ăn .
Một tên cười khẩy :
-để ông nội còn vốn vượt biên nữa hả ? thôi dẹp đi .
Một tên khác hỏi :
-Mấy người cùng chung một gia đình sao ?
-Dạ , gia đình tôi và mấy đứa cháu .
Chiếc đèn pin soi qua mặt chúng tôi một lượt , tiếng ai hỏi , thất thanh :
-Chị Diệp , phải chị Diệp không ?
Tôi ngước lên , nheo mắt vì chói , Lưu thầm thì :
-Thằng Minh hồi sửa xe đạp trước nhà mình đó .
Tôi nhớ rồi , thằng bé mặt mũi thật dễ thương nhưng lấm lem dầu mở ngồi vá xe với ba nó dưới gốc phượng nhà tôi …lúc ấy nó độ 11, 12 tuổi …Chính nó dạy tôi vá xe , sơn xe và đổi lại tôi đã cho nó những quyển truyện tranh tôi không thích đọc nữa … Sau 1972 nó về quê ở Ninh Hòa … Có tin đồn ba nó nằm vùng , giả dạng sửa xe để theo dõi ba tôi.
-chị Diệp đi với ai đó ?
Tôi trả lời khó khăn, không biết còn cuộc gặp gỡ nào giữa cố nhân oái oăm như thế này chăng :
-Gia đình bác chị , nhà anh Cao đó.
Minh quá biết Cao , nó vẫn thèm thuồng nhìn Duy,Lưu,Tùng ,Ngô mặc võ phục đi học…Nó trầm ngâm :
-Em không muốn làm khó gia đình chị , nhưng mọi sự đã đến nước này rồi thì rất kẹt . Thôi em lấy 10 cây .
Không ai nói thêm lời nào cả, ba Phi đưa vàng cho nó , nó cũng chẳng thèm đếm lại hay quan tâm vàng thật giả …Nó cho bọn kia giải tán rồi đích thân đưa chúng tôi lên quốc lộ đón xe về.
CHƯƠNG 8:
Số vàng của chúng tôi không bị mất mác , nhưng sau đó mẹ Cao nhắn mỗi người phải trả lại ba Phi 1 cây… Cao bị khủng hoảng nặng nề … suốt ngày nằm dài trong phòng không muốn trò chuyện với ai… Chúng tôi trở về 12 người nhưng 40 người đã thoát…trong đó có Duy… mấy tuần sau Minh ghé nhà cho biết : chủ ghe nhỏ đã nhiều lần tổ chức nên bị theo dõi rát đành “bán “ chúng tôi để lấy lại niềm tin…Cao kiệt quệ hẵn đi sau bao ngày hao tâm tổn trí mà kết quả là một con số không to tướng. Vết thương ở vai Cao đã lành sau 3 tuần lễ và thời gian đó đủ để Duy đánh bức điện tín về từ Palawan: Duy thi đậu.
Cái dấu hiệu “ thoát đi bằng mọi cách “ được gửi đi đêm nào từ chiếc đèn pin trên tay Cao đã dẫn đến kết cuộc ấy. Nhận được tin Duy , tôi vội đạp xe cầm điện tín đến nhà Cao. Cao đang ráp thử chiếc máy tín hiệu truyền tin cũ
-điện tín của Duy đây anh.
Cao đọc , nheo mắt nhìn tôi :
– Tiếc không Diệp ?
– Không có thì giờ để tiếc. Mẹ Diệp nói chiều anh tới nhà ăn cơm
– chi vậy ?
– Mẹ Diệp mừng , cúng đất đai thần phật gì đó.
Cao cười, sau cơn bệnh , anh có vẻ khác lạ sao đó tôi không hiểu được. Anh kéo ghế cho tôi ngồi bên cạnh ‘ xưởng cơ khí “ của anh…Chiếc radio chạy bằng máy biến thế , chiếc quạt máy chạy bằng pin…vô số những máy móc ngộ nghĩnh… Ngày xưa , khi anh học lớp 7 và tôi mới chập chững vào lớp 1, anh đã cho tôi một chiếc quạt máy chạy bằng moteur sơn màu xanh két, mỗi khi khởi động máy chạy rầm rầm nghe điếc cả tai nhưng tôi rất thích . Một hôm đang chạy ngon lành bỗng rã rời bay tan hoang mỗi nơi một mảnh…
– Nghĩ gì vậy cô ?
-Diệp nhớ tới cái quạt máy anh cho Diệp ngày xưa . Mười mấy năm rồi mà Diệp cũng nhớ cái hình ảnh nó tả tơi từng mảnh , Diệp vừa lượm vừa khóc khi thấy món quà tan nát …Sau đó anh hứa anh sẽ làm cái khác , nhưng rồi cả anh lẫn Diệp đều quên bẵng đi .
Cao bật cười :
-Hồi nhỏ anh ngớ ngẩn tệ
-Bây giờ anh còn ngớ ngẩn hơn
Cao ngạc nhiên :
-Sao thế cô ?
Cao nói giọng Bắc thật dễ thương bởi mẹ anh người Bắc nhưng ít khi nào anh nói giọng Bắc …Anh luôn nói tiếng Huế với tôi vì ba anh người Huế.
-Anh không thấy sao , đáng lẽ chỗ của Duy là của anh.
– Nói gì lạ vậy nhỏ ?
-Chứ gì nữa , hôm nọ ba Hoàng nói anh sẽ cùng ông lo chuyện ghe lớn chứ anh đâu có bổn phận hướng dẫn người từ ghe nhỏ.
Cao nhìn tôi :
– Diệp này , Duy đi được em không mừng hơn anh đi được sao ?
Tôi nhìn thẳng vào mắt Cao , tôi không muốn nói dối và không thể nói dối :
– Nói cho đúng thì Diệp mừng như nhau nhưng đó là một sự bất công … Duy chẳng bỏ ra tí công sức nào trong khi anh đã đầu tư bao nhiêu tim , óc …không kể tiền bạc nữa…
Cao nói nhỏ :
-Có một lần Diệp nói Diệp bực mình khi thấy gia đình mình quá đạo đức , quá trong sáng để luôn bị thiệt thòi , nhưng ở Diệp , đức tính đó cũng bị nhiễm nặng ghê đấy chứ .
-Đừng nói lăng nhăng nữa đi , chắc mẹ anh cũng tố khổ anh nhiều rồi…ai cũng biết anh nhường chỗ cho Duy .
– Thì có sao ! Mạng anh sao thiên di chưa chiếu tới . Mỗi người một số chứ em .
– Thôi bây giờ Diệp về , chiều nhớ tới !
Tôi đạp xe về, tôi đã vừa nói cho Cao nghe một trong những xôn xao dư luận . Cao đổi chỗ cho Duy vì biết tôi là một con nhóc chết nhát sẽ không dám đi đâu nếu không có người thân bên cạnh , hơn nữa , sẽ không ai dám hoạch họe khi Lưu đi không vé …tôi đã quen ra đường phải níu tay một người nào đó mà tôi tin tưởng nếu không tôi sẽ chẳng muốn ra đường.
Tôi đi theo Cao như đi theo định mệnh của mình, chưa bao giờ Cao làm mất niềm tin của tôi… Với Cao , tôi như một đứa bé yếu đuối cần được chở che , bảo bọc …tôi quen được đối xử kiểu ấy từ Cao , nhưng cũng cách đối xử ấy ở người lạ , tôi coi như một xúc phạm nặng nề … Ngoài cái nhạy cảm vốn có trong bản ngã , tôi còn được bao phủ bởi cái cao ngạo cần thiết như con nhím vậy để đối phó với cuộc đời.
CHƯƠNG 9 :
Trong một lần dọn dẹp xưởng vẽ của Duy, tôi tìm thấy một bức tranh đang vẽ dở dang… bức tranh làm tôi xúc động đến run rẩy trái tim… Hình ảnh cô gái rất cô đơn từ đồi cát cao nhìn xuống, tay ôm một con hải âu bị thương, máu tràn đôi cánh trắng… Ôi, những giấc mơ ám ảnh buồn đau, tối tăm và tuyệt vọng…
CHƯƠNG 10:
Giữa những công việc bận rộn của Cao, anh thường tìm đến tôi như một chốn nghỉ ngơi êm ả nhất… những buổi tối ngồi trên xích đu dưới giàn Huỳnh Anh chờ trăng lên bên kia cư xá nghe thoảng hương Dạ Lý từ khu vườn bên cạnh… Đêm thơm như một giòng sữa… đêm yên tĩnh lạ lùng như những đêm xưa… Không có một biến động chính trị 30/4 nào cả… không có những tuổi trẻ lao đầu vào các trò chơi sinh tử… không có lưu vong… không có đào tẩu… không có vượt thoát… đêm yên tĩnh lạ lùng như những đêm xưa…
-Trăng đẹp quá.
-Không đâu , trăng chỉ đẹp vào những đêm không trăng.
-Còn biển?
-Biển chỉ đẹp vào những ngày không mưa gió.
Cao trả lời thật bình thản. Đúng vậy, đã từ bao lâu rồi chúng tôi chẳng hề nghĩ đến chất thơ của cuộc đời nữa… , những đêm không trăng âm u, những ngày biển êm sóng gió là những đồng lõa trung thành nhất của các mưu toan vượt biển… Dù thành công hay thất bại, chúng tôi đang lao vào với tất cả niềm tin rằng mình sẽ thoát… Chúng tôi biết rằng dù cuộc tổ chức có quy mô, chu đáo đến thế nào đi nữa cũng vẫn có những sơ suất mà định mệnh cay nghiệt sẽ ra tay đúng lúc.
Tôi không nghĩ rằng mình đang tham gia vào các công việc nguy hiểm và gây nhiều ngộ nhận từ mọi phía… tôi nghĩ mình sẽ tự tìm cho mình và các em một dịp thoát thân… Vậy thôi . Tôi đâu ngại ngần gì khi tìm xuống Chụt, xuống Cầu Đá, ra Ninh Hòa, hoặc Cam Ranh… những nơi có một số người quen biết có ghe, có bãi… Họ nói : cô kiếm 12 người, tôi để cô 2 chỗ… Đại khái vậy… Việc này cần sử dụng tối đa uy tín của mình đối với cả hai bên chủ và khách… Tới giờ phút này tôi vẫn tự hào tôi chưa hề vấp một sai lầm nào trầm trọng… Nhưng sự thành công chỉ đến có một lần và cũng mang đến điều tai tiếng… Một lần Khánh là bạn Duy đi vượt biển bị bắt nhốt ở Đồng Găng 8 tháng vì chẳng phải chủ mưu hay chủ ghe, chủ bãi, nó khai đi tắm biển đêm gặp ghe vượt biên lùa đi(vì nó không mang theo tư trang vàng bạc gì cả nên được thả sớm)… Nó tìm tôi năn nỉ :
-Tụi nó nói hỏi chị, chị có những tuy dô rẻ mà an toàn .
– Không đâu em, chị sợ có gì em bị bắt thì chị lại ân hận .
-Không sao mà, chị cứ giới thiệu rồi tự em tìm hiểu lấy .
Tôi ngần ngại… trước đây tôi có đưa cho một chủ ghe 3000 đồng(tương đương 1 lượng vàng)để làm dầu bên hòn Nội, chờ đợi hoài vẫn chưa động tĩnh nên coi như bỏ… Chỗ rất thân tình nên nửa muốn để dành, nửa muốn nhường cho Khánh vì nó khẩn khoản quá.
– Được rồi, như thế này. Chị đã bỏ tiền làm dầu rồi nhưng họ bắt qua đó nằm chờ… Lưu chờ 10 ngày sốt ruột bỏ về đi học lại, em không bận gì thì để chị liên lạc lại hỏi thời gian, ở bên đó họ bảo đảm an ninh những ngày em nằm chờ .
– Chị làm dầu hết bao nhiêu
– Cỡ 3000 đồng, nhưng chị không lấy tiền bây giờ, khi nào em thoát chị sẽ đến nhà lấy 2 cây. Còn nếu có chuyện gì xảy ra em không mất tiền và cũng đừng trách chị .
Chỉ có vậy thôi, nhưng nếu tin ở định mệnh thì mỗi người một số… Khánh ra Hòn Một chỉ 4 ngày là đi thoát, nó đánh điện về từ cùng một địa chỉ với Duy… Mẹ Khánh mừng rỡ lắm, hoan hỉ xuống giao tiền và còn quà cáp hậu hĩ… Nhưng một thời gian ngắn sau, có luật Cấm Vận của Hoa Kỳ với Việt Nam thì không còn ai có thể thư từ trực tiếp nữa mà phải qua một nước thứ ba… thời gian 4,5 tháng thư mới tới là chuyện thường, nếu không thất lạc. Mà tụi nhóc vượt biển như Khánh, như Duy khi đi mỗi đứa không hề có một ly vàng nào nên cũng rất khó khăn khi gởi thư… Nên có tin đồn bức điện tín Khánh đánh về Việt Nam là giả … Biết chắc chắn đó là những lời gièm pha đầy ác ý nhưng tôi cũng vô cùng uất ức… Gia đình Khánh rất trí thức, biết điều, ông bà vẫn an ủi tôi khi gặp:”Kệ miệng thế con ơi . Hai bác biết ơn con là đủ rồi.”
CHƯƠNG 11:
Giữa những công việc bề bộn của tôi, rất nhiều lần tôi nhớ đến Cao khi gặp những điều khó khăn không như ý muốn… nhưng sao tôi không thể tìm ở Cao một chốn dung thân êm ả nữa… Từ khi tôi tất bật lao đầu vào công việc này, Cao có vẻ xa lạ với tôi… hay tại Cao đã nghe những lời gièm pha đầy ác ý, hay tại Cao thấy tôi ngang cơ với Cao trong mọi việc… tôi không còn là con bé nhút nhát run sợ để trong lúc hiểm nguy nhất Cao vẫn còn khuyên nhủ: ném cây đi Diệp , ném hết đi , đừng giữ gì trong người …(nhưng tôi đã không ném , tôi vẫn giữ khư khư số cây ít ỏi còn lại của cả gia đình…) Hay tại Cao quá mệt nhoài với những công việc của anh để không còn một chỗ nhỏ nhoi nào giành cho tôi nữa??? Tôi không biết, nhưng cái vẻ lạnh nhạt của anh tách rời tôi hẵn, tôi không thể quỵ lụy, không thể phục tùng, không thể đến bên anh hồn nhiên như ngày cũ…
Tôi vẫn tự nhủ tôi không hề yêu Cao, nhưng tự thâm tâm, có một điều gì khác hơn tình yêu và quan trọng hơn tình yêu nữa… Những ràng buột sống chết của chúng tôi còn mãnh liệt hơn tình yêu, sự hy sinh của Cao để Duy đến một bến bờ bình an làm tôi có ý nghĩ tôi sẽ trả lại cho Cao bằng mọi cách cái hàm ân này. Tôi có thể ở lại, chịu đựng những đọa đày nếu có ai đó bảo đảm để Cao đi thật an toàn… Tôi sợ nhìn vào đôi mắt Cao chán chường tuyệt vọng… Tôi sợ những lúc nhìn Cao nằm dài ngày này qua ngày khác trong phòng yếu đuối, bệnh hoạn và cô đơn hết sức.
Nhiều lúc gặp khó khăn, tôi lại muốn vất bỏ hết, tìm đến Cao như một nơi nương tựa, nhưng đôi mắt Cao như lạnh lùng ngăn cản, tôi không đủ can đảm để hỏi Cao về những thắc mắc của mình cũng như không đủ bình tĩnh để giải bày những gièm pha đến từ mọi phía(Lời mẹ Cao : con bé ấy bây giờ nó lanh còn hơn sóc!). Cao phải hiểu tất cả chứ, trừ khi anh cố tình không hiểu. Cao phải biết rõ những ý nghĩ, hành động và mục đích của tôi như tôi đã hiểu anh.Tôi có thể chết đi chứ không bao giờ làm việc gì có hại đến danh dự bản thân và gia đình. Cao hiểu tất cả nhưng đã đến lúc anh không còn muốn hiểu thì tôi cũng chẳng việc gì phải nhọc lòng phân bua!!! Khi chúng ta không cùng một ý nghĩ thì mỗi người phải tự liệu lấy phần mình .
Sau những lời nói của mẹ Cao, tôi càng tự lập vững vàng hơn nữa… tôi không muốn bà hiểu lầm mặc dù gặp tôi bà vẫn rất tử tế dễ thương… tôi không muốn nói rằng tôi đang mang nặng nề mặc cảm sa cơ thất thế nhưng rõ ràng là như vậy. Ba tôi sẽ không ngờ đâu, con bé giòn cười tươi khóc của ông ngày nào bây giờ lại muốn dùng đôi tay yếu đuối của mình chuyển xoay định mệnh… tôi đau đớn khi thấy tuổi trẻ của mình qua đi vô ích, học hành dang dở… (lại nhớ ngày nào khi trả lời phỏng vấn cho một tờ báo dành cho tuổi học trò: Em muốn làm tùy viên báo chí của tổng thống… Ai đã gieo vào đầu tôi cái mơ ước ngông cuồng dễ thương thế nhỉ?)… gia đình túng thiếu… tôi không giúp ích gì được cho mẹ tôi, ngay cả nỗi buồn của bà tôi cũng không thể sớt chia…
Nhiều khi căng thẳng quá, vài viên thuốc an thần đưa tôi vào giấc ngủ nặng nề mệt nhọc với những cơn ác mộng kinh hoàng… cuối giấc ngủ tôi vẫn cảm thấy bàn tay mát dịu của mẹ tôi xoa trên trán… tôi vẫn muốn úp mặt vào người mẹ tôi khóc òa như những ngày thơ dại nhưng không được nữa… tôi vẫn muốn cười hồn nhiên với những niềm vui bé nhỏ… tôi vẫn muốn ôm trong tay một bó hồng mà không nghĩ gì đến những chiếc gai sắc nhọn… tôi vẫn muốn trở lại với một dạ vũ xưa với chiếc soiré vàng rực hướng dương và Cao nheo mắt chọc :
-Diệp rực rỡ như một mặt trời, nhìn Diệp phải nheo mắt lại cho khỏi chói.
Tôi vẫn muốn ôm trong tay một con chim biển lớn, thong thả từ ghềnh cao đi xuống, áo và tóc bay tung…tôi vẫn muốn ngồi cạnh bàn làm việc của Cao, lục soạn những thư từ sách vở …
Nhưng tất cả đã qua đi không bao giờ trở lại, không phải do tôi vụng về đánh mất mà chính đời sống tàn nhẫn đã cướp đoạt của tôi.
Có nhiều người vì căm thù cuộc sống họ đã đi tìm cái chết, nhưng muốn căm thù cuộc sống trước hết phải yêu nó đến tận cùng… Nhưng tôi thì khác . Tôi đã từng yêu nó đến tận cùng… tôi cũng từng căm thù nó . Và, tôi phải tìm mọi cách để lấy lại những gì nó cướp đi của tôi…
Tôn Nữ Thu Dung
Diệp không còn hồn nhiên như xưa!Giấc mơ cũng lụi tàn theo đó!Đối đầu thất bại trong đổ vỡ…Từ trái tim rạn nứt bơ vơ Tự ái thái độ Cao thờ ơ! Mất niềm tin ở Cao có thể Mang cho Diệp tinh thần hỗ trợ”Cuộc đào thoát đến bờ Tự do”!”Ý muốn… định mệnh đã không cho ! Diệp tự xoay khi lâm thế bí!Tất cả vẫn còn là phía trước…Diệp tự an ủi đứng lên mà bước….