NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.
NGUYỄN THỊ KIM ANH “Cố quên những đau thương”
Vào hôm sau ngày Saigon mất, em gái tôi và tôi ra Vũng Tàu cố tìm đường vượt biên. Chúng tôi ăn mặc như nông dân: bà ba đen, đội nón lá, trả mỗi người 15,000 đồng để lên một chiếc tàu nhỏ ra đi. Nhưng chỉ mới chừng một cây số thì tàu tuần bắt được, mang chúng tôi về lại. Họ nhốt chúng tôi vào khu đất trống cạnh một trường học một đêm. Chúng tôi cười cợt vì lẽ chúng tôi nói láo với họ, bảo chúng tôi đi lánh nạn trong lúc đánh nhau, bây giờ đang muốn trở về làng để bắt đầu một cuộc sống mới, vân vân. Lúc ấy mới một hôm sau ngày họ chiếm, do đó họ chưa có chính sách đối xử với những người vượt biên, vì vậy họ chỉ nhốt chúng tôi có một đêm. Suốt đêm ấy, chúng tôi chuyện trò, chẳng sợ hãi gì. Hôm sau họ cho ít bắp rồi thả chúng tôi ra.
Chúng tôi kiếm xe đò về lại Saigon, tiền nong hết sạch, mà vẫn còn kẹt lại Việt Nam. Đó là chuyến đầu. Mãi đến chuyến thứ sáu tôi mới đi nổi. Chuyến ấy tôi phải giả dạng làm người Hoa, đi vào tháng Bẩy năm 1979.
Trở về lại Saigon, mọi người đang chạy nhốn nháo. Đường phố đầy người. Từ hôm ấy, chúng tôi bắt đầu thấy rất nhiều lính Bắc Việt đi trên đường phố.
Các trường học mở lại. Họ yêu cầu tất cả giáo sư đến một trường để học tập chính sách mới, lề lối mới, giáo trình mới. Chúng tôi phải học hết hai mươi ngày. Sau đó họ cho một giấy chứng nhận chúng tôi đã hoàn tất khóa học. Ngày nào cũng phải viết những bài về các đề tài, ví dụ “Tại sao chúng tôi yêu bác Hồ”, toàn những thứ láo toét như vậy. Thuyết trình viên gồm cả người Bắc lẫn người Nam. Họ nói về chủ nghiã Cộng sản, về việc làm thế nào họ đã thắng cuộc chiến. Họ kết án chính quyền Mỹ tàn phá đất nước. Chúng tôi cứ thế chép, trình bày ngay ngắn, đẹp đẽ, rồi nạp bài. Nếu cứ viết y những gì họ nói, đồng ý trăm phần trăm là có điểm tối đa.
Chúng tôi đã tham dự khóa đầu tiên với khoảng năm sáu trăm giáo sư trong vùng. Và khi chỉ có bạn bè với nhau, chúng tôi thường nói chuyện thành thật. Cho nên mỗi khi thấy người ta chuyện trò thành từng nhóm, họ cho người ngồi xen vào, các cuộc bàn bạc lại phải đổi hướng, hoặc ngưng ngay lại. Họ cố kiểm soát tất cả, đặc biệt những cuộc bàn bạc riêng tư. Họ cho như thế là nguy hiểm, bởi vì họ không biết người ta nói gì.
Nhà trường bắt đầu niên học mới vào tháng Bảy 1975. Vì không có người thay thế, họ phải cho lưu dụng các nhân viên hành chánh cũ, nhưng tại mỗi trường, họ đều đưa các đảng viên đến làm trưởng nhóm. Họ chia nhà trường thành các nhóm nghiên cứu xã hội, nhóm sinh ngữ và nhóm khoa học. Trưởng nhóm đều phải là đảng viên. Tại một số trường, có khi họ chọn những người mà họ cho rằng có khả năng làm Thủ trưởng tốt của đảng. Tôi là người được chọn làm trưởng nhóm ngoại ngữ. Vì họ không có ai khác, và vì tôi đã viết những bài học tập đúng ý họ nên họ đã chọn tôi.
Nhóm tôi có chín người, ba người dạy Pháp văn, Anh văn, mấy người kia dạy Văn chương và khoa học xã hội. Chúng tôi đã quen nhau từ hai, ba năm. Mỗi tuần chúng tôi họp một lần. Một trưởng nhóm khác cũng tới tham dự thảo luận, nhưng cứ mỗi lần anh ta ra khỏi phòng, tức khắc chúng tôi bàn chuyện vượt biên, tìm cách ra đi.
Chúng tôi còn thuyết phục được cả một đảng viên trẻ tuổi rằng đảng Cộng sản không tốt đẹp gì, cô ta cũng muốn đi. Sau này, khi tôi đã đi khỏi nước, cô ấy vẫn còn viết thư sang cho tôi. Cô ấy đã đến nhà tôi, hỏi em tôi địa chỉ để viết thư cho tôi. Cô cho biết vì cha cô là một đảng viên kỳ cựu nhiều tuổi đảng nên cô đã gia nhập đảng. Nhờ cha mà cô được đãi ngộ tử tế, có mức sống khá ở ngoài Bắc, nhưng khi vào Nam làm việc với chúng tôi, cô rất có cảm tình vói chúng tôi. Cô biết gia đình tôi đã rời Saigon đi năm 1975, cô biết chúng tôi cũng sửa soạn đi, nhưng cô vẫn bảo vệ cho chúng tôi, kể cả phải nói dối để che chở chúng tôi.
Ngày tôi đi không thoát, tôi đã bảo cô ấy là tôi đi thăm cha mẹ tôi. Nếu có ai hỏi thì cô sẽ chống đỡ hộ, bởi vì cô thừa biết cha mẹ tôi đã ra đi rồi. Ông có thấy không, rất nhiều người tưởng tôi sẽ trở thành đảng viên. Tôi đã cố làm bạn với cô ấy, bởi vì cô có thể bao bọc cho tôi nếu có chuyện xảy ra.
Vào tháng mười một 1975, tôi đi lần nữa. Tôi viết cho cô một miếng giấy bảo là tôi đi thăm cha mẹ. Sau mười ngày nghỉ dậy, nếu tôi không trở lại thì nhờ cô tìm cớ nói hộ tôi. Nhờ thế, cô ấy đã bảo là tôi đi thăm cha mẹ. Nhưng sau ba, bốn ngày, đi không được, tôi trở lại, cô chỉ nhoẻn cười. Cô luôn luôn che chở cho tôi, cô ấy tốt hết sức.
Lần nào ra đi, tôi cũng mất hết tiền bạc. Lần thứ hai ra Nha Trang tới một người bạn, người ta bảo năm giờ thì đến một điểm hẹn để ra đi. Chúng tôi tụ tập đến chỗ chờ xe lam. Cứ thế đợi. Năm giờ. Năm giờ rưỡi. Sáu giờ. Sáu giờ rưỡi. Rồi bảy giờ. Bảy giờ rưỡi. Chẳng một bóng ma nào đến đón. Họ ẵm hết tiền nong, bỏ chúng tôi lại.
Cuối năm 1975, cô tôi từ Bắc vào. Bà ở lại ngoài Bắc từ khi chúng tôi di cư vào Nam, lúc ấy tôi hãy còn nhỏ quá nên chẳng nhớ gì về cô tôi cả. Cô tôi lễ mễ mang vào Nam nào là… gạo, vài quả trứng, mấy món lặt vặt, vì cô tôi nghe nói người trong Saigon nghèo lắm, cô muốn giúp đỡ chúng tôi. Chú tôi cũng vào cùng với cô. Chú kể rằng chú nghe nói miền Nam nghèo đói lắm nên miền Bắc cần phải chống Mỹ để cứu miền Nam. Đấy chính vì sao mà người miền Bắc đã có một niềm tin rất mãnh liệt để nỗ lực cứu nguy cho anh chị em miền Nam.
Trong những ngày ấy Cộng sản liên tục đổi tiền, tôi cũng chẳng biết vì sao. Sau hai lần đổi tiền, khối người tự tử vì không đủ tiền mà sống-trong đó có một vài người giàu có, đặc biệt là người Hoa. Lúc ấy nếu có vàng thì còn giấu được, đó là lý do tại sao mọi người đều muốn giữ vàng. Tiền thì tiếp tục trở thành đống giấy lộn.
Đối với người Hoa, Cộng sản cho đi rất dễ, trước hết là vì tiền, thứ hai để tránh các vấn đề với Trung Quốc. Họ không muốn có người Hoa ở Việt Nam.
Vì vậy tôi đi học tiếng Hoa, kiếm vài bộ quần áo Tàu, em gái tôi cũng thế. Sau đó chúng tôi trả tiền kiếm đường xuống dưới miệt đồng bằng tìm tàu đi Mã Lai. Chuyến đi hết ba ngày bốn đêm.
Trên đường sang Mã Lai chúng tôi bị hải tặc Thái Lan chặn cướp tất cả sáu lần. Đến được Mã Lai chúng tôi mất hết, chỉ còn lại mạng sống thôi.
Lần đầu tiên thấy cướp Thái Lan, chúng tôi cứ ngỡ tàu ngoại quốc giải cứu, ai nấy đều nhảy lên la mừng, tưởng bình yên thoát nạn, nhưng đến khi chiếu ống nhòm nhìn thấy cờ, chúng tôi mới biết là có chuyện.
Vài người trên tàu đã có kinh nghiệm với bọn hải tặc vội bảo đàn bà thay quần áo, lấy than bôi nhọ mặt mày, thân hình, làm cho xấu xí đi. Chúng tôi vội làm ngay, lấy quần áo đàn ông mặc vào, bôi nhem nhuốc thân hình. Chúng tôi có đủ thì giờ bởi vì chiếc tàu chúng tôi nhìn thấy hãy còn xa lắm.
Trong chuyến đầu bị chặn, tài công bị hải tặc Thái Lan đánh gần chết. Khi chúng tới hỏi vàng đâu, thay vì cứ nói “chúng tôi không có vàng”, anh ta lại bảo chúng tôi phải dùng vàng để mua xăng, mua dầu. Chúng bèn đổ hết xăng dầu ra cho cạn đáy mà tìm. Không thấy vàng, chúng đánh tài công thậm tệ, chúng định giết anh ta. Chúng đè anh nằm sấp mặt lên sàn tàu, rồi trước mặt chúng tôi, bọn chúng đứng trên người anh, nhảy dọng lên dọng xuống lên lưng, lên chân, lên đầu anh.
Lần thứ sáu bị chận thì không có chuyện gì tệ hại lắm, vì lẽ khi chúng đến thì tất cả chúng tôi đã mất sạch hết rồi, manh áo cũng không còn. Những bọn trước đã lấy hết, rồi để lại cho ít gạo, nước mắm. Bọn cuối cùng đến, thấy chẳng còn gì lấy được, bèn cho chúng tôi ít cá, ít sữa cho trẻ con rồi kéo cả tàu chúng tôi sang Mã Lai. Bọn cướp tử tế, tôi nghĩ thế.
Ngay từ sau khi gặp bọn hải tặc thứ nhất, chúng tôi đã hết xăng nhớt, tài công thì bất tỉnh, tàu chúng tôi cứ thế nổi trôi. Chúng tôi kinh hoàng vì lúc ấy ban đêm, không có chút ánh sáng. Bọn chúng đã vứt cả hải bàn của chúng tôi xuống biển. Ai nấy đều chắc mẩm sẽ không thoát khỏi tử thần.
Một hôm, thấy có mấy chiếc tàu chạy qua, chúng tôi vội giương cờ lên, phất nữa, nhưng không tàu nào dừng. Sáng hôm sau, lại thấy một tàu nữa chạy lại. Tàu hải tặc, chúng lại cướp nữa. Bọn này rất trẻ, tôi đoán chỉ chừng 16, 17 tuổi. Bọn chúng cạo đầu nhẵn thín, mặt bôi trắng. Bọn chúng đều vác một con dao dài, chúng dí dao vào cổ từng người để hỏi tiền. Bọn chúng chỉ biết vài ba chữ Việt như: Tiền, đô la, vàng, đồng hồ. Chừng ấy chữ. Ai nấy sợ thất thần. Không ai có thể biết chúng sẽ làm gì.
Khi tới Mã Lai, chúng tôi thấy một chiếc tàu nhỏ, vài người Việt Nam đang đánh cá. Nhưng họ mặc những chiếc áo sặc sỡ do hội Hồng Thập Tự phát cho, vài người đã ở đây đến hai, ba năm, nên nước da đen thẫm. Khi thấy hai chiếc tàu đánh cá ấy tất cả chúng tôi cứ đinh ninh là người Mã, sợ họ cũng làm như bọn Thái, nên vội bảo tài công ra sức chạy. Mấy người Việt đuổi theo, la lên: “Lại đây nè! Lại đây nè!”. Cuối cùng mới nghe ra người Việt mà ngừng lại.
Họ chỉ cho chúng tôi đi thẳng vào khu tỵ nạn. Nhưng họ dặn khi đến thì phải tự đánh chìm tàu, kẻo người Mã cũng bắt chúng tôi đi nữa.
Chúng tôi làm đúng lời dặn, rồi nhảy cả xuống biển, Vài người nhảy xuống dùng búa phá thủng đáy cho chìm tàu, còn chúng tôi chạy băng qua bãi biển, vào trong trại mà núp.
Một nhóm người Đức tiến tới, hỏi xuất xứ của chúng tôi. Họ yêu cầu chúng tôi leo lên lại cái tàu thủng đáy, rồi nhảy xuống để cho họ quay phim.
Chúng tôi cười. Không tin nổi. Họ muốn chúng tôi lại bơi ra tàu rồi nhảy xuống bơi vào bờ để họ làm phim. Thật lạ quá, nhưng chúng tôi vẫn làm, chúng tôi phải ở lại cho được.
Thế đấy. Giây phút đầu tiên của tự do là làm tài tử đóng phim. Và đúng vào lúc chúng tôi cố quên tất cả những chuyện đau thương đã xảy ra cho chúng tôi, bởi vì chúng tôi biết giờ đây chúng tôi đã được tự do.
Vượt biên bị bắt bị nhốt….Được thả vì luật hiện hành chưa ra…Trở về tiền nong sạch cả!Trí thức sàng lọc để mà rẽ chia?Phe nhóm -theo dõi để mà…”Xem tư tưởng có Chính Tà ra sao?”Tuyên truyền hầu dễ rêu rao…”Kẽ Thắng mạnh Thế- Cấp Cao tự hào…?”Trí thức rơi vào lao đao…Tìm đường mà vượt tìm vào Tự do…Tình hình đầy những chiêu trò…Phận người thân quẫy”bắt giò”chờ cơ…!