NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.
MELISSA PHẠM “Lúc ấy tôi chỉ là đứa bé”
Rời Saigon tháng Tư năm 1975, chúng tôi đi thẳng sang Phi Luật Tân, ở đấy một đêm rồi sang Guam. Chúng tôi chỉ ở Guam vài ngày, rồi đi Fort Chaffee thuộc Tiểu bang Arkansas, và được một nhà thờ bảo trợ về Milwaukee, tiểu bang Wisconsin.
Cha tôi không nói được tiếng Anh, muốn nói gì với Mỹ phải có người thông dịch. Chỉ có chị tôi nói được tiếng Anh đôi chút.
Toàn thể gia đình tôi đến ở chen chúc trên gác thượng một căn nhà phụ của nhà thờ, phải trải nệm lên sàn mà ngủ. Sau đó người ta kiếm được cho chúng tôi một căn nhà ba phòng ngủ, một phòng tắm, nhưng gia đình chúng tôi đông, nên vẫn chật chội.
Trường học ở đây khác lạ, làm tôi rất sợ. Cả bốn anh chị em chúng tôi đều học một truờng. Người ta thuê một thầy giáo Mỹ nói được tiếng Việt để dạy thêm chúng tôi mỗi ngày một giờ sau buổi trưa. Chỉ trừ giờ học này, còn chúng tôi vẫn học chung với các học trò khác. Chúng tôi học Anh ngữ khá mau. Đặc biệt chúng tôi rất giỏi toán vì môn này không đòi hỏi tiếng Anh nhiều.
Chúng tôi sống ở đấy được ba năm. Trong thời gian này tôi đã đổi trường đến ba lần, chúng tôi luôn luôn là những người Việt Nam duy nhất tại đây. Chỉ trong những dịp đặc biệt, người Việt trong vùng mới gặp gỡ được nhau. Chúng tôi đã tìm đến gặp gỡ nhau trong những dịp này.
Ở Chicago có một linh mục Việt Nam thường đến giúp đỡ chúng tôi. Cha tôi tìm được việc làm tại một hãng thợ hàn. Công việc này hơi khó cho cha tôi vì cha tôi chưa hề làm việc ấy bao giờ.
Cô tôi di chuyển đi Los Angeles. Một cô khác đi cùng tàu với chúng tôi đã đến Nebraska, rồi lại chuyển đi San Jose. Cô viết thư cho chúng tôi biết ở đấy khá hơn vì đông người Việt, có thể nương tựa nhau được. Ở Wisconsin cuộc sống chúng tôi khó khăn vì ai cũng phải có việc làm mới nuôi nổi gia đình, bọn trẻ con cũng phải vừa học vừa làm.
Vì vậy tất cả chúng tôi bèn quyết định đi Cali. Nhưng trước khi ra đi, chị lớn tôi lấy chồng, chị sang ở Texas, anh lớn tôi lấy vợ, ở lại Winsconsin. Còn những người khác trong gia đình đều đến Cali.
Khi tới San Jose, tôi học lớp Sáu. Qua năm sau thì vào Trung học Đệ Nhất Cấp. Tại đây khó hội nhập hơn. Sống ở vùng Trung Tây nước Mỹ, người ta khác. Còn ở Cali tôi thấy người ta có nhiều thành kiến hơn. Học cùng với nhau nhiều năm mà học sinh vẫn khó làm bạn và chia ra thành nhiều nhóm.
Đa số học sinh to lớn hơn tôi. Đôi khi chúng trêu chọc, nhái giọng nói, tiếng nói của tôi vì tôi là ngưòi Việt. Có lẽ chuyện ấy không đáng chi, nhưng lúc ít tuổi, trẻ con rất dễ tổn thương.
Các anh chị em tôi học ở những trường khác cũng để ý thấy như vậy. Đôi khi những người đi đường cũng hay nói những câu độc ác và nhái giọng nói chúng tôi.
Sau đó tôi lên trung học đệ nhất cấp. Các giáo sư đối xử với tôi rất tốt, tôi cũng đạt được nhiều kết quả tốt. Tôi trở thành thủ khoa của lớp. Trong những năm trung học đệ nhất cấp, tôi đã là học sinh đầu lớp. Hiện nay tôi đang theo học đại học, ngành kỹ sư điện toán.
Tôi mong ước một ngày kia sẽ lập gia đình, có hai đứa con. Tôi không muốn có một gia đình như cha mẹ tôi. Ở Mỹ này mà đông con thì tốn kém lắm. Có lẽ tôi sẽ thành hôn vói một người Việt. Tôi thích thế vì có chung một văn hóa vẫn dễ thuận thảo với nhau hơn.
Hiện nay, tôi đang đứng giữa hai thế giới mà không dám chắc mình thuộc bên nào. Vấn đề là sự thông cảm và sự suy nghĩ. Đôi khi tôi thấy mình là kẻ lạ trong đám người Việt, và khi đứng trong đám người Mỹ, tôi cũng vẫn là kẻ lạ.
Tôi không có thể nói tiếng Việt thông thạo nữa. Nhưng vì các kinh nghiệm đã trải qua, tôi cũng không thực sự là người Mỹ. Các bạn tôi cũng cảm thấy như thế. Ngay trong giấc ngủ, tôi cũng đã mơ bằng cả hai thứ ngôn ngữ. Thế có lạ không?
Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ về Việt Nam, vẫn nhớ đến các bạn hữu của tôi ở đấy. Tôi nhớ cảm giác trong những dịp đặc biệt: những ngày lễ Tết, những ngọn đèn, những cuộc thăm viếng nhà nhau. Tôi nhớ tất cả những thứ ấy.
Bấy giờ tôi hãy còn nhỏ lắm. Rất nhỏ. Khi ngắm nhìn tấm ảnh lúc tôi còn ở Việt Nam, gần như tôi không nhận ra được chính mình. Khi đến Mỹ, gần như tôi đã đến một thế giới khác, đã bỏ thế giới cũ lại đàng sau. Điều ấy thực khó khăn cho tôi bởi vì lúc ấy tôi chỉ là một đứa bé.
Cái gì gần gũi không quên?Hay nhớ khó bỏ đó tình người ta?Bất luận trẻ nhỏ hay già Cũng đều tâm trạng rời xa khó lòng!Hội nhập thế giới người đông Phải quen biết nhóm có cùng tiếng chung Hiểu tình cảnh để cảm thông Tránh cái cảm giác lạc lõng bơ vơ?Cali..người Việt nhiều nhờ…”Trước lạ sau quen giúp đỡ nhiệt tình?”Ân cần giúp người mới đến…Để sớm hòa nhập thân Tình ở đây?”Tôi là đứa bé khờ dại !Cần lắm bàn tay đôi mắt quan tâm Bất cứ ở đâu được Nhận Từ Người Chân Chính vẫn hạnh phúc hơn?”