GỪNG ĐI BỎ PHIẾU ( Đại Sứ Quán Yanqui)

dokh

Đại sứ quán Yanqui

Cái kính sau của cửa xe bị vỡ, đập vào mặt tôi gió đêm của đại lộ lớn rất vắng và tối chập chùng. Đây là khu vực quyền lực im lìm đến đáng sợ trên nhiều cây số, đột nhiên trước Bộ Lao động lao xao ánh đèn, công an lốm đốm trước vài ba trăm người tụ họp ồn ào. Người tài xế taxi phóng nhanh, long xọc xạch chiếc xe Đài Loan đời cũ. Chỉ mới tám giờ tối nhưng đêm nay giới nghiêm “hạn chế”. Hạn chế là thế nào, tôi hỏi. Là ra đường không được tụ tập hay đi đâu xa mà chỉ được lẩn quẩn gần nhà. Hai cái pickup của biệt động chợt lướt qua âm thầm (xe biệt động là Nhật Bản đời mới) mỗi chiếc sáu anh bám vào thành, giáo gươm tua tủa và gọn gàng sắc phục ninja. Những khoảng trống tối dài không dứt và hun hút, còn năm hay mười phút nữa mới đến trường bay. Vài ba tiếng lẹt đẹt nổ ở gần, tôi nghe trong đêm nửa dạ lý nửa mùi thuốc súng. Lại lẹt đẹt đây đó, vào giờ các phòng phiếu vừa mới đóng cửa làm sao phân thắng bại, có phản đối, biểu tình, cũng phải đợi đến ngày kia hay sớm lắm ngày mai. Trừ khi quân đội hạ thủ ngay, thằng nào đánh trước làm cha. Nếu trước cái phi cảng mà có thiết giáp án ngữ, hồn ma của thời Liên Xô tăng viện mặt trận Sandino, BRDM hình thon thả với pháo tháp lè tè, nhú nhô nòng đại liên 14 ly rưỡi trên nền trời… giông bão, thì đêm nay nội chiến Nicaragua (lần thứ ba) lại bắt đầu chứ sao. Tôi lui người lại nhưng ném cái nhìn giương mắt ra thật xa.

Casino Pharaoh ở Cây số 9 chẳng hiểu đóng hay là mở và vắng ngắt nhưng vẫn lập lòe đèn chớp nháy, làm tôi vừa vững dạ lại vừa thất vọng. Trại Không quân im lìm cổng gác và rốt cuộc thì trường bay không có xe bọc sắt, chỉ có chuyến đến chót của hàng không TACA. Vài mươi khách đến và một trăm người đón dán mắt vào cửa kính, các thiếu nữ chờ người thân xếp thành một hàng dài chổng mông (tựa vào thành và lom khom nhìn vào bên trong thì phải chổng mông thôi). Biện pháp an ninh đặc biệt ngày hôm nay là nhân viên của các khách sạn cầm bảng đón khách đến bị đuổi ra đứng chờ ở cổng thay vì được chờ như thường lệ ở bên trong. Sự cố gây tụ họp và ồn ào là một tốp người Anh hành lý bị thất lạc, không phải là đảo chánh! Tôi nhớ lại một chuyện đố vui Trung Mỹ (và Nam Mỹ):
Sao ở Washington DC không bao giờ thấy có đảo chánh? Nhờ nền dân chủ Mỹ lâu đời và vững chãi? Không phải!
Nhờ Hiến pháp Mỹ và Bản Tuyên ngôn Dân quyền được tôn trọng? Không phải! Hay nhờ quân đội Mỹ kỷ luật và phục tòng chính quyền dân sự? Cũng không phải nữa… Ở Washington DC không bao giờ có đảo chánh vì ở đó không có… Toà Đại sứ Hoa Kỳ!

Những tiếng nổ lẹt đẹt mới nói đến tôi biết là tiếng pháo ăn mừng sớm của phe nào đó nhưng gắng tưởng tượng ra là tiếng súng cho ly kỳ (còn mùi dạ lý là tôi bịa ra chứ hương đêm Managua tôi nào biết mùi gì). Xe thiết giáp Liên xô từ ngày sang đây tôi chưa từng thấy dáng, chỉ mới lúc nãy ở phía ngoại ô xa trên đường đi Léon, trong đêm khập khễnh một chiếc UAZ cũ đang lò mò khắc phục những gập ghềnh.

Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandino (FSLN) thất cử vào năm 1990 sau một thập niên nắm quyền và nội chiến (với kháng chiến Contra được Mỹ ủng hộ). 15 năm kế tiếp, Nicaragua rơi trở lại vào quỹ đạo của Hoa Kỳ qua ba kỳ bầu cử liên tục. Hôm nay, 5.11.2006, là cơ may khôi phục bằng lá phiếu nếu “nhà cách mạng Mác xít”, cựu Chủ tịch Daniel Ortega tái đắc cử Tổng thống. Được vậy thì trục của bướng bỉnh và khó bảo ở khu vực sẽ thêm một lãnh tụ thứ ba bên cạnh hai ông Hugo Chavez (Venezuela) và Fidel Castro (Cuba), ấy là người Mỹ lo xa. Ông Ortega giờ thì theo chính ông đã nhiều thay đổi, và trên ảnh còn thấy ông cười (tuy kiểu mới tập nên vẫn còn hơi chút gì gượng tạo). Băng rôn, biểu ngữ tranh cử của ông đều một màu hồng tuyền kiểu Hello Kitty [1] coi đến dễ thương. Đầu của ông thì đã bắt đầu thưa tóc, 15 năm rồi, chắc từ khi ông không còn đội mũ nồi của các comandante nữa (mà ngay Che còn sống thì cũng hói nữa là). Sáng nay, đồng chí Daniel này đi bỏ phiếu bằng xe Mercedes SUV (nhưng mà Mercedes G sản xuất tại Âu châu chứ không phải kiểu M sản xuất tại Mỹ) nhưng tôi không được thấy tận mắt.

Sáng nay, tôi đi theo Gừng, xem cô bỏ phiếu ở một ngoại ô lối gầy lồi lõm và những tường vôi màu chua nứt nẻ, khúc ở giữa phố La Sabana và phố La Libertad của thủ đô Managua.
Anh đến rồi, (Gừng hỏi trên điện thoại).
Tôi lỡ một chuyến bay tại vì thói quen hay đúng ra là tật coi thường, thôi nằm thêm năm phút nữa, đâm ra làm trễ mất một ngày. Nhưng giờ, vào lúc Gừng nhấc di động ở trên, nghĩa là hôm thứ Bảy, một ngày trước khi bầu cử, tôi mới vừa nhận phòng ở Best Western Las Mercedes đối diện với trường bay. Các khách sạn quốc tế khác trong phố không còn chỗ, báo chí và các phái đoàn quan sát nước ngoài vào dịp này đến chiếm hết buồng thuê. Managua không phải là một thành phố khách du lịch dập dìu, và còn có thể gọi về mặt này là một nơi thanh vắng đìu hiu, cho nên nếu không kể các khách sạn địa phương và ba lô thì sức chứa chỉ có mấy trăm phòng. Gừng còn đang bận làm việc, hôm nay công ty bận kiểm kê hàng hoá, Gừng hẹn tôi ba giờ, lúng túng và ngập ngừng suy nghĩ là không biết gặp ở đâu đây, ậm à, công ty Gừng làm việc lại ở đầu kia thành phố. Thì chỗ nào trung tâm cho tiện cả đôi bên, tôi đề nghị, ba giờ, rồi, trong bar của khách sạn Intercontinental. Tôi đến đây là lần đầu, nhưng Managua như nhiều thành phố khác, có một Intercontinental, và Intercontinental nào mà chẳng có ít nhất một cái bar, không trên lầu thì cũng dưới nhà.

Bar của Intercontinental là ở từng một, và nhìn quanh quất không thấy cầu thang tôi chạy vội vào thang máy đang khép cửa. Hai anh cao to ở bên trong liếc tôi dò xét, tôi nhìn ông già mặc sơ mi hở cổ và áo lắm túi của thợ câu cá đứng giữa mà sững sờ. Ông ta mỉm cười thân thiện, hai cánh cửa thép sáng ngời đã đóng kín lại, tôi đành ấp úng chào và ứng khẩu:
Cám ơn ông lại có mặt ở nơi này…
(Thì đây cũng là lần thứ tư ông sang đây mà quan sát bầu cử.)
Cám ơn ông về quyển sách vừa ra mắt, tôi tiếp. Đừng nên quan tâm lắm về phát biểu của bà Pelosi. Mặc kệ bà ta, giờ thì tôi thao thao không ngưng lại được, ông không đại diện Đảng Dân chủ thì thôi, đã sao nào, cám ơn ông là… ông, cám ơn ông là… Jimmy Carter.
Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ vừa mới ra một quyển sách, phê bình thẳng tay chính sách của nước ông, đến nỗi lãnh tụ của Đảng Dân chủ tại Hạ viện là bà vừa mới nói đến, tuy cầm đầu đối lập nhưng vẫn còn cảm thấy quá lời. Bà phải nhích ra xa xa, tuyên bố là ông không đại diện cho Đảng, không đại diện cho tất cả những đảng viên Dân chủ mà chỉ đại diện cho cá nhân ông, theo thói thường của những nhà chính trị lõi đời thận trọng.
Còn anh, ở nơi đây làm gì? Carter hỏi.
Tôi cũng quan sát vậy, tôi nói, và tôi cũng chỉ đại diện cho tôi!
Ông bật cười, anh có cái áo trông đẹp nhỉ.
Tôi có cái áo ít túi hơn ông một tí, nhưng sặc sỡ rằn ri dã chiến, không phải thứ màu vàng của ông tầm thường safari nhãn Walkabout.
Để mà lỡ gặp phải Oliver North, tôi nhanh trí.
Trung tá North, nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới trào Reagan, là một trong những nhân vật chính của vụ bán súng (lén) cho Iran để lấy tiền giúp (lén) cho kháng chiến Contra ở Iran. Chuyện này đổ bể (tức là lén mà không khéo), ông trở thành người hùng… thủ tiêu tài liệu mật để khỏi đi tù (trong vụ phạm pháp này, Đô đốc Poindexter, từng là xếp lớn của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, đã bị kết án tội phạm). “Ollie” hiện cũng đang có mặt ở Managua, ở Hilton La Princesa thì phải. Mặc đồ bông nguỵ trang rằn cọp biển mà gặp trung tá Thuỷ quân Lục chiến North ắt sẽ tức khắc gây thiện cảm nơi chàng.
Hay là để gặp phải Jaime Morales thì cũng tiện, tôi nhanh trí tiếp, ít khi nào tôi nhanh trí và nhanh trí nhiều đến vậy.
Ông Morales, cựu phát ngôn nhân của kháng chiến Contra, tức là kháng chiến theo Mỹ và chống cách mạng, ngày hôm nay lại là ứng cử viên Phó Tổng thống của liên danh Ortega! Ông này từng bị Ortega tịch thu tư thất đồ sộ, nay đã được đền bù xứng đáng và hai ông ôm nhau hát bè ca từ Hoà bình và Hoà giải trên nhạc bài Give peace a chance của John Lennon. Ví von đại khái, chuyện này như Nông Đức Mạnh ra tranh cử Tổng thống ở Việt Nam, giữ vai phó là Nguyễn Cao Kỳ (chứ ai vào đó) và nhạc tranh cử của hai ông là bài Beautiful Sunday (Daniel Boone)
Sớm mai tươi hồng, một ngày tươi đẹp,
Hây hây hây là một sáng tươi hồng!

(lời Việt Phạm Duy [2] )
Không hay sao được và hay chết đi được (“hay chết liền”) nhưng mở dấu ngoặc, nếu Việt Nam mà có bầu cử tự do thì chắc cũng phải vậy thôi. May mà tôi không đi vớ tím, chứ không tôi đã chìa ra cho Carter xem để thêm vào, còn cái này, là để lỡ gặp phải Đức Hồng y Obando y Bravo. Vị này, cựu thù của ông Ortega, đã khoan dung tha thứ từ ngày Ortega luôn miệng nhắc đến Đấng Tối cao (tôi suy diễn thêm là chuyện này nếu ở nước ta, thì có thêm cả Đức cha Phạm Minh Mẫn). Nhưng vớ tím Hồng y, trên toàn thế giới bao la này chỉ có một cửa hàng ở Vatican bày bán.
Đoạn trên đây, cả chương ngắn này, là do tôi vừa hư cấu hoàn toàn. Xin nhấn mạnh “hư cấu hoàn toàn”, kẻo có người vừa đọc nhanh vừa khó tính lại vạch ra là áo đi câu của Jimmy Carter không phải nhãn Walkabout (nhãn này là của Australia), nhưng đã bịa chuyện thì sao tôi không cho ông mặc hẳn áo nhãn Banana Republic! Hư cấu nhưng đây dựa vào kinh nghiệm sống (và tất nhiên là có thật), một bận vào khách sạn Biltmore ở Los Angeles tìm nhà tiểu lại phải đi thang máy cùng với ứng cử viên Tổng thống John Anderson [3] và các bảo vệ tuỳ tùng! Lần này, tôi đi Managua không phải là để gặp Jimmy Carter, cho dù ngẫu nhiên, mà là để gặp Gừng, và là chủ ý. Tuy Gừng cũng như Carter, tôi chưa hề được thấy tận mắt, chỉ mới biết qua hình.

Đỗ Kh.

Advertisement

2 thoughts on “GỪNG ĐI BỎ PHIẾU ( Đại Sứ Quán Yanqui)

  1. Chặng hiểu gì cả chuyện gặp Gừng?Đề cập nào là chuyện giới nghiêm–Lính tráng và xe chiến đấu.Rồi là chuyện Sòng bạc-Quán Bar và cuộc hẹn với Gừng Và chuyện bầu cữ”Gừng đi bỏ phiếu….”Chẵng hiểu gì cả!?Không quen mà hẹn là sao ta???

  2. Duyen Xanh nói:

    đọc thong thả thấm từ từ những dí dỏm của nhà văn Đỗ Kh.
    mình có thể đọc trang này qua trang khác không thấy chán mà ngược lại thú vị ( cười )

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s