Có phải em là Tịnh Thảo không ?
Ôi! Thầy… Hoàng tử…
…
Đã từ lâu anh không còn đợi ai
Mùa đông đã vắng tiếng mưa dài
Mùa thu áo trắng tìm đâu nữa
Mộng cũ ơ hờ theo gió bay …
Anh nhớ ngôi trường Phan Châu Trinh và con đường Quang Trung rợp bóng cây xanh đi qua đường Lê Lợi đầy phượng vỹ ngày đó lắm Thảo à. Bây giờ ngôi trường và con đường có còn như xưa không em?
Con đường vẫn như ngày cũ nhưng ngôi trường thì không còn nữa anh à !
Vì sao hở em ?
Nó gần đổ nát rồi, người ta đã xây dựng một ngôi trường mới khang trang hơn đối diện với ngôi trường cũ…
Vậy sao?!… Vậy mà anh vẫn mơ một ngày nào đó về thăm lại ngôi trường cũ. Anh nhớ lắm!
Anh nhớ ngôi trường hay nhớ kí ức tuổi thơ?
Anh nhớ ngôi trường, nhớ bãi cỏ xanh ven triền sông quê ngoại của em. Ttrong giấc mơ anh vẫn thường nhìn thấy một ngôi nhà trên cỏ…
Hoàng tử ơi, em cũng nhớ về những ngày tháng cũ!….
Một bầy con gái bu quanh gốc mận trong khu vườn đầy nắng, nhỏ Niên đeo tòn ten trên cây mận nói với xuống:
Nè, nhỏ nào chạy vào bếp lấy cái rổ to to hứng mận, chứ ta đôi xuống dập hết còn đâu mà ăn. Nhớ lấy muối ớt luôn.
Con Tịnh Thảo vào lấy chứ ai, nó rành đường đi nước bước nhà nhỏ Niên quá mà.
Ơ!… Sao lại ta mà không là đứa khác.
Nhỏ Niên nó chấm mày làm chị dâu nó, mày phải tập làm quen với bếp núc nhà nó là vừa…
Thôi ta không thèm ăn mận đâu, kệ tụi bây. Thảo phụng phịu gần khóc, nhỏ Niên từ trên cây hét toáng:
Tụi bây nhiều chuyện quá, ta tụt xuống là tụi bây nhịn nghen.
Nhỏ Hằng giở màn năn nỉ thật đểu:
Thôi Thảo à, nhà mi hy sinh vì mận đi, tổ quốc sẽ ghi công mi.
Những chùm mận lủng lẳng trên tay nhỏ Niên thật hấp dẫn, cả bọn nuốt ực nước miếng, Thảo đành ngậm đắng đi vào bếp nhà nhỏ Niên. Anh Sang đã đứng đó tự bao giờ, chìa cho Thảo cái rổ và đĩa muối ớt, anh cười với Thư thật hiền:
Anh tìm sẵn cho Thảo rồi đây. Nói với các bạn ăn lẹ rồi vào học chứ thầy gần đến rồi đó!
Dạ!… mà anh Sang nè, thầy là bạn anh hở? Thầy dạy có dễ hiểu và có hiền không?
Yên chí đi nhóc, đó là một Hoàng tử, ngày xưa học toán giỏi nhất lớp anh nhưng anh nói trước không hiền đâu, hiền làm sao dạy nổi mấy cô.
Hoàng tử? Sao lại là Hoàng tử ?
Vì thầy thuộc dòng họ vua chúa , tên thầy là Bảo Yên, ngang vai với con vua Bảo Đại… Hiểu chưa?
Nhưng sao Hoàng tử mà phải dạy kèm?
Lo học đi, đừng thắc mắc nhiều mau già đó nhóc, thời thế thế thời thời phải thế.
Thảo tròn xoe mắt nhìn anh Sang không hiểu anh nói gì, nhưng ở ngoài vườn tiếng bọn nó chát chúa vang vang:
Đó, ta nói có sai, hắn vào trong đó là bị ông anh quý tử của nhỏ Niên bắt cóc rồi. Thảo ơi là Thảo, nhà mi ở đâu, hú ba hồn chín vía hiện về ngay.
Anh Sang tủm tỉm cười còn Thảo thì nóng ran hai má , vội vàng cầm rổ chạy ra, vấp phải cục đá té cái ạch, đau thấu trời xanh, bọn nó cười nghiêng ngã:
Niên ơi là Niên! Sao nhà mi lại chọn chi con nhỏ hậu đậu nhất bọn làm chị dâu hở Niên?
Thảo vừa đau vừa xấu hổ oà lên khóc tức tưởi. Nhỏ Niên tuột từ trên cây xuống nạt:
Im hết, tụi bây ăn hiếp hắn vừa thôi.
Anh Sang cũng bước ra vườn, tay cầm bông gòn và chai thuốc đỏ, giọng lo lắng:
Có sao không Thảo? Chảy máu đầu gối rồi kìa, để anh bôi thuốc cho.
Thảo hoảng hồn. Úi ! Úi, không được đâu.
Cả bọn cười ồ
Nó là con ma xấu hổ, anh để em bôi thuốc cho nó và anh chịu khó trèo lên hái mận cho nó ăn là nó hết đau liền.
Anh Sang lắc đầu: “Tui hết biết mấy cô luôn”. Nói vậy nhưng anh vẫn thoăn thoắt trèo lên. Anh lúc nào cũng chìu em gái và lũ bạn của nó mà.
Thầy đến bằng chiếc xe đạp cà tàng, dáng cao gầy, khuôn mặt nghiêm nghị lạnh băng. Nhỏ Hằng nói nhỏ với Anh Thư :
Thầy là Hoàng tử đó, mi coi thử có bà con gì với cái họ dài lòng thòng “Công Tằng Tôn Nữ Anh Thư” của mi không “?
Im mầy, Thầy cùng vai vế với ông nội ta đó !
Hihi… Vậy mi phải gọi thầy là” ông nội Thầy”.
Giọng thầy thật ấm nhưng rõ , dứt khoát:
Chương trình Toán lớp 12 hơi nặng, các em cố gắng học đều để học hết chương trình sớm , sau đó chúng ta sẽ tập trung giải đề thi.
Nhỏ Tuyết láu táu:
Gì mà căng dữ vậy thầy, mới ngày đầu tiên, cho giao lưu đi thầy.
Thầy thản nhiên như không nghe tiếng mè nheo, cầm viên phấn trắng tiến về phía bảng đen và bắt đầu thao thao bất tuyệt. Cả bọn lắc đầu ngán ngẩm.
Mùa hè oi nồng, nắng rát bỏng, ve râm ran trên cành mận nghe muốn điếc tai và nhưng đề toán khô khốc thật khó thương, Thảo rên rĩ:
Thầy ơi, thư giãn một chút đi thầy, bọn em stress rồi.
Thầy đôi viên phấn vụn ra ngoài cửa sổ và cười thật hiền:
Niên vào mượn cây đàn của anh Sang, thầy sẽ đàn cho các em nghe bài hát thầy mới viết.
Hoan hô thầy Hoàng tử!
Nhưng nghe xong l phải học trở lại nghiêm túc nha!
Nhỏ Tuyết lắc đầu:
Thầy nghiêm túc phát… sợ!
Tiếng đàn guitar dìu dặt thật da diết quyện với giọng ca của thầy thật ấm..
Thảo như bị thôi miên…
Tiếng nhỏ Tuyết vang lên
Thầy ơi , thầy bắt mất hồn Tịnh Thảo rồi.
Thảo vùng chạy ra khỏi ngôi nhà của Niên, ánh mắt anh Sang buồn bã nhìn theo…
Buổi sáng trời mưa tầm tã. Gần thi rồi,Thảo không dám đến nhà nhỏ Niên từ hôm đó, sợ khuôn mặt lạnh lùng với đôi môi mín chặt của Niên, sợ ánh mắt buồn buồn của anh Sang nên Thảo trốn biệt ở nhà tự ôn bài. Những bài giải tích hóc búa, phải chi có thầy Hoàng tử… Mưa mùa hè mà dầm dề như mùa đông, suốt hai ngày không dứt . Nhà Thảo ở gần sông, từ cửa sổ của căn gác gỗ Thảo nhìn thấy mặt sông bình yên trắng mờ trong mưa. Có tiếng gọi trước cổng nhà. Trời mưa mà ai đến lúc này? Thảo cầm chiếc dù chạy ra :
Ôi Thầy!… Sao thầy biết nhà em ?
Gần đến ngày thi rồi mà sao em không đến học hở Thảo?
Tại vì…
Thầy hiểu… Thôi thầy sẽ đến đây dạy riêng cho Thảo vậy.
Ơ… Thầy…
Thầy biết Thảo mất căn bản về toán giải tích, thầy sẽ dạy lại phần cơ bản cho Thảo.
Thầy đã nói là làm. Khi nắng vàng rơi rớt trên bãi cỏ triền sông, khi mưa giông ào ào kéo về như thác lũ, thầy vẫn đến đều đặn mỗi chiều. Và khi đã dạy, thầy say sưa giảng giải, lạnh lùng, nghiêm khắc, mặc cho Thảo mệt mõi mè nheo:
Đau đầu quá thầy ơi, cho giải lao đi thầy!
Ráng học cho xong, rồi thầy sẽ đàn cho Thảo nghe.
Dạ!..
Thảo ngoan lắm!
Mắt thầy nhìn Thảo thật lạ.
…
Thầy ơi, cho Thảo hỏi thầy một câu thôi:
Thầy nghe đây, em hỏi gì cứ hỏi, nhưng không được dài dòng lôi thôi nha:
Thầy có phải là Hoàng tử không?
Vì sao em hỏi vậy?
Vì… Thầy hứa đừng cười Thảo nha.
Thầy hứa .
Vì lúc nhỏ Thảo thích làm công chúa lắm. Ai cũng trêu chọc Thảo, chỉ có ba gọi Thảo là “công chúa của ba”.
Thầy là Bảo Yên, ngang vai vế với con vua Bảo Đại. Thầy là cháu đời thứ năm của vua Minh Mạng.
Ôi!… Sợ bệ hạ quá ! nô tỳ có lỡ dại nói gì phạm thượng bệ hạ xá tội ha ?
Không phải ai trong dòng họ Hoàng tộc cũng có thể làm vua đâu em à.
Thầy mất mẹ từ năm lên hai tuổi, sống với ba và mẹ kế, còn bất hạnh hơn những người ngoài hoàng tộc.
Thảo lặng người !
Ngày cuối cùng của buổi học, thầy và Thảo cùng trầm ngâm. Thầy tập trung giảng nốt những bài toán khó, Thảo chăm chú lắng nghe, nhưng dường như không hiểu gì. Thầy nhìn Thảo lắc đầu:
Thảo đừng nói gì lúc này hết, thầy cũng vậy, hãy tập trung thi thật tốt, điều gì đến rồi sẽ đến Thảo nha.
Dạ…
Thầy biết là Thảo ngoan mà!.
Những ngày chờ đợi kết quả thật căng thẳng, chán nản. Thầy dỗ dành, động viên Thảo như trẻ con:
Đừng lo, thầy tin là Thảo sẽ thi đỗ mà .
Thầy xót xa nhìn Thảo gầy rộc và xanh mét vì lo âu.
Thầy à, Thảo muốn về thăm ngoại một thời gian
Nhà ngoại ở đâu?
Đi đến cuối con sông này là nhà ngoại
Ngoại ô thành phố ?
Dạ, gần chiếc cầu gãy, nhà ngoại cũng nằm bên sông.
Để thầy đưa Thảo về đó .
Con đường đi về quê ngoại có những bãi cỏ xanh ngút ngát, những chú trâu hiền lành gặm ngon lành từng vạt nắng chiều, những cánh cò trắng hồn nhiên đi lại trên lưng trâu thật yên bình.
Tuyệt vời Thảo à, ước gì mình có một ngôi nhà trên cỏ.
Để làm gì hở thầy?
Thầy nhìn vào mắt Thảo thật lâu… rồi lắc đầu
Em còn nhỏ quá Thảo ơi!… Thầy không nỡ… Thầy sắp đi thật xa, không biết có còn gặp lại?
Đất dưới chân như lún sâu đến tận cùng, Thảo oà khóc:
Thầy ơi!… Đừng đi
Thảo nghe thầy nói nè.
Thảo đừng gọi thầy nữa, vì từ bây giờ anh không còn dạy Thảo và anh sẽ ở bên cạnh để dỗ dành nên Thảo phải mạnh mẽ hơn, Thảo phải sống thật hạnh phúc thì anh mới yên lòng.
Thảo nói trong tiếng khóc:
Em hiểu rồi, anh thuộc về dòng họ Hoàng tộc, còn em chỉ là cô Tấm nghèo hèn, em phải ở lại với ruộng đồng, cây cỏ, với dòng sông…
Đừng nói vậy đau lòng lắm Thảo. Nếu là Hoàng tử anh cũng sẵn sàng quỳ xuống chân một cô Tấm ngoan hiền như em. Em biết điều đó không hở Thảo?
Hoàng tử ơi.
Vậy mà anh đi biền biệt!…
Anh về gom nắng hư hao
Dây tơ hồng úa
Trăm năm tình lỡ
Nghẹn ngào những giấc mơ…
Giấc mơ cứ trở về trong anh , lãng đãng như sương như khói…
Anh đưa Thảo băng qua những đồng cỏ xanh ngút ngàn dẫn vào con đường làng quanh co…
Em ghét tên của em lắm Hoàng tử à, nghe sao yếu đuối, hèn mọn quá!
Em khờ khạo quá Thảo à, em tưởng đá cứng rắn lắm sao ? nước chảy đá cũng mòn và nước cũng chẳng mạnh mẽ gì, nước cũng trôi đi và hoá thành mây. Còn cỏ có một sức sống bền bĩ. Người ta có vùi dập, có đốt cháy thì đến mùa xuân cỏ vẫn hồi sinh trở lại.
Em không thích sống dai dẳng vậy đâu Hoàng tử à.
Bây giờ nơi anh ở là mấy giờ rồi hở anh?
Năm giờ chiều em à, có gì không em? Sao em cứ hỏi hoài về thời gian vậy?
Vì em muốn tưởng tượng ra nơi anh ở như thế nào. Buổi chiều ở đó đang nắng hay mưa? Chắc trời lạnh lắm hở anh?
Nắng ở đây hiếm hoi lắm em à! Tuyết đang rơi, may mà anh đi làm về kịp, nếu không sẽ không thấy đường lái xe về nhà đó em.
Anh ăn tối chưa ? Nàng có nấu cho anh những món anh thích không?
Nàng cũng vừa lái xe về sau anh năm phút, ăn uống đơn giản thôi em à! Nàng làm việc cả ngày cũng mệt lắm rồi!
Em hiểu . Anh cố gắng chăm sóc nàng và các con thật tốt nha anh.
Tịnh Thảo ơi, em vẫn hồn hậu như ngày xưa!
Hoàng tử! chiều nay gió thật lạnh nhưng em vẫn lang thang bên bờ sông với những cơn ho rát buốt, em thèm được khóc như một đứa trẻ …
Chẳng hiểu như thế này là em đã tự làm mình đau hay ai làm em đau?!…
Em là ai hở anh ? Sao suốt cuộc đời này em cứ mãi miết đi tìm một cái ta u buồn của chính em!
Lễ hội đã tan, Hoàng tử trở về cung, chàng chẳng đi tìm cô Tấm tội nghiệp làm gì, chiếc hài đỏ nàng vội vàng bỏ lại nằm chơ vơ trên cỏ…
Tịnh Thảo ơi, trái tim anh nhói đau khi đọc những dòng em viết !…
Hoàng tử à, bây giờ là 3 giờ chiều thì bên đó là mấy giờ?
Anh đã thắc mắc vì sao em cứ hỏi hoài câu đó?
Vì em lãng đãng hay quên, mà lại muốn biết về thời gian và không gian nơi anh đang sống. Như bây giờ đây em phải khó nhọc hình dung ra anh đang làm gì, nghĩ gì, vui hay buồn, thanh thản hay bất an?
Anh nói rằng anh hết buồn rồi và cảm giác trống rỗng thật đáng sợ? Cảm giác đó thường xuyên có trong em anh à! Đó là cảm giác của sự cô độc, chông chênh… Ta sống trong ngôi nhà của cùng với những người thân vậy mà sao như ta đang sống một mình trên hoang đảo?!…Cảm giác đơn độc như Robinson đang khó nhọc nhóm lửa trong cơn mưa?!… Và nước mắt cay nồng!… Gió se sắt lạnh và nắng cũng nhạt nhoà u buồn… Trời đã bắt đầu sang đông rồi anh à, em muốn anh thức dậy và nói cười với em, Hoàng tử à, như có lần anh đã nói: “Anh sẽ làm bất cứ điều gì cho Tịnh Thảo cười “. Sao bây giờ anh không làm điều đó như anh đã hứa?
Ôi Tịnh Thảo !
Bình minh của em là bóng đêm của anh.
Dường như chúng ta đã sống ở hai thế giới khác nhau.
Chẳng khác gì âm dương cách trở.
Biết làm sao bây giờ hở em ?!…
Hoàng tử yêu thương!
Bây giờ là đêm, em không ngủ được.
Làm sao em có thể vượt qua bóng đêm cô độc này hở anh?
Anh đã hao gầy trong nỗi buồn nào đó mà em vẫn chưa biết được, cuộc đời anh như khép kín trước em, vậy mà em vẫn yêu anh đến rát buốt …
Phải chăng đó là định mệnh!
Định mệnh thật khắc nghiệt khi để anh và em gặp lại nhau ở cuối con đường mây bay, không phải là con đường trên mặt đất.
Những giọt nước mắt của anh trong cơn say là những giọt nước mắt đẹp nhất mà anh chắt lọc nó từ tâm hồn anh … Cho em được trân trọng nắm giữ nó trong sâu thẳm nhất của trái tim em…Hình như ta đã đi tìm nhau từ tiền kiếp Hoàng tử à! Trong giấc mơ trinh nguyên của thời con gái bóng dáng chàng hoàng tử Bảo Yên đã hiển hiện tự thưở nào
Anh và em gặp lại nhau trong giấc mơ và chia tay vội vã trong bóng đêm chập chờn, để rồi khi bình minh thức giấc ta trở về với những lo toan của cuộc sống đời thường…
Chúng ta đã tìm đến nhau trong nỗi cô độc tâm tưởng và chia sẻ tất cả buồn vui của một kí ức tràn ngập yêu thương. Ta đã bình yên và hạnh phúc trong thế giới riêng của ta . Tâm hồn ta đã bay lên với những với những hoài vọng tinh khôi… Vậy mà ta vẫn không thoát khỏi cội rễ đời thường đã bám sâu từ mặt đất .
Chúng ta đều đã đi qua một đoạn đường quá dài, ở đó ta vướng vào những món nợ của cuộc đời mà ta chẳng bao giờ trả hết, một mái nhà và những người thân… Ta mắc nợ họ và biết ơn họ vì họ đã cho ta một chốn về ấm áp… Có phải không anh ?
Dù chỉ là cõi tạm ở chốn nhân gian thì ta cũng từng gắn bó và yêu thương …
Nhiều lần em đã tự hỏi rằng ta có quyền sống cho niềm đam mê của riêng mình hay không?!… Lúc nào em cũng cố kiềm nén cảm xúc của chính em để sống cho người thân… Cho đến khi gặp lại anh thì em quên tất cả… Những lúc giật mình nhìn lại, em sợ chính em,
Bảo Yên thương yêu !
Em biết làm gì bây giờ ?!
Ngoài trốn chạy anh…
Dù điều đó làm đau buồn suốt quãng đời còn lại của em!…
Anh van xin em, đừng rời bỏ anh, anh không chịu nổi đâu Tịnh Thảo ơi!…
Anh thương yêu
Lần cuối viết cho anh thật nhiều muộn phiền và đắng đót!
Em chuẩn bị vào bệnh viện và lại đối đầu với một cuộc phẫu thuật. Em đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nguy hiểm mà không hiểu vì sao em vẫn vượt qua, vẫn tồn tại trên cuộc đời này với những đớn đau dằn vặt cả thể xác lẫn tâm hồn.
Không biết phải bắt đầu từ đâu, sao anh lại tìm gặp em và nói những lời yêu thương, khi chúng ta đã đi gần hết con đường…
Phải chi anh đừng nhớ về kí ức, anh đừng khóc vì tuyệt vọng, anh đừng gởi cho em những bài ca với giai điệu da diết, đầy khắc khoải về thân phận con người…
Chúng ta là những kẻ bất hạnh ! Dường như chúng ta không có quyền được sống, chúng ta chỉ tồn tại… Tự do, tình yêu, hạnh phúc, đam mê về nghệ thuật thi ca nhạc hoạ… đều bị kiềm chế đến mức dồn nén để lúc nào ta cũng như kẻ mộng du hoang tưởng lang thang trong bóng đêm cô độc…
Đó là lí do mà có lúc em hỏi anh: Em là người hay là ma ?!…
Anh thương yêu
Cô bé đó như một thiên thần! Em ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thánh thiện của nó. Không biết các nàng công chúa trong triều Nguyễn ngày xưa có đẹp như nó không?!… Nó đã thừa hưởng tất cả những ưu điểm của anh và nàng. Em như sững sờ trước vẻ đẹp của nó. Và nó đã xử xự rất thông minh, khôn khéo. Con là Miên Thảo, thì ra ba đã đặt tên con trùng với tên cô, điều đó chứng tỏ rằng ba con dù có ở đâu , sống với ai cũng không nguôi nhớ thương cô… Nhưng ở đây lạnh lắm cô à, gia đình con cần có ba…
Nó đáng yêu hơn là đáng trách, Nó yêu anh và muốn anh là của nó và gia đình nó. Đó là điều hoàn toàn chính đáng anh à! Thế hệ nó lớn lên may mắn hơn thế hệ chúng ta nên nó rạch ròi và sòng phẳng, hơn nữa nó vẫn hoàn toàn còn là đứa trẻ, vậy nên chúng ta không có quyền đánh mất niềm tin thơ trẻ. Anh và em cách nhau nửa vòng trái đất, sẽ không bao giờ gặp lại, dù chỉ là cuộc gặp gỡ trong thế giới ảo mong manh này.
Thôi đành vậy! Vĩnh biệt anh! Hoàng tử u buồn!
Em trở về với thân phận cô Tấm, một cô Tấm không bao giờ trở thành hoàng hậu, không bao giờ trả thù một cách độc ác, cay nghiệt như cô Tấm trong giấc mơ cổ tích. Em sẽ mãi mãi là cô Tấm hiền lành sống an nhiên sống với cây cỏ, ruộng đồng, dòng sông…
Tịnh Thảo ơi, vậy là thêm một lần anh mất em.
Hãy tha thứ cho bất hạnh của cuộc đời anh, vì đã không giữ em được, làm sao được?!
Tôi đã mơ về ngôi nhà trong cỏ
Ánh bình minh mời gọi tiếng chim về
Áng mây trắng bồng bềnh trong nắng ấm
Những giọt sương long lanh trên đầu ngọn cỏ
Có tiếng em lay thật khẽ:
Dậy đi anh!
Đón ngày mới cùng em
Khi bóng chiều nhuộm hoàng hôn tím thẫm
Chúng tôi nhìn đàn chim bay về tổ
Những cơn gió heo may se sắt đi qua
Tôi ấp ủ em trong vòng tay ấm
và ru em bằng lời ca của cỏ
Rồi một ngày giông gió
Tôi giật mình thức giấc
Không còn bình minh
Không còn bóng chiều
Không còn em
Chỉ còn chút nắng hư hao
Những sợi tơ hồng héo úa
Và một giấc mơ nghẹn ngào
Trong bóng đêm thăm thẳm …
Trần thị Trúc Hạ
Chúng ta là những kẻ bất hạnh ! Dường như chúng ta không có quyền được sống, chúng ta chỉ tồn tại… Tự do, tình yêu, hạnh phúc, đam mê về nghệ thuật thi ca nhạc hoạ… đều bị kiềm chế đến mức dồn nén để lúc nào ta cũng như kẻ mộng du hoang tưởng lang thang trong bóng đêm cô độc…( TTTH)
Trúc Hạ ơi , “CHÚNG TA” không phải là những kẻ bất hạnh thật sự đâu , “CHÚNG TA” CAM TÂM CHẤP NHẬN làm một kẻ bất hạnh thế thôi …bởi vì “CHÚNG TA “quá yếu đuối, quá lệ thuộc , quá sợ hãi MỘT ĐIỀU GÌ hay MỘT THẾ LỰC nào đó ! KHÔNG SỐNG mà chỉ TỒN TẠI thì thật là đáng buồn , buồn khủng khiếp !
Mở cái ngoặc đơn KHÔNG có chị Thu Dung ở trong cái phạm trù ” CHÚNG TA , CHÚNG MÌNH ” đó nghen !!! đóng cái ngoặc đơn
Buồn ghê !….
Ui ! Con nhóc Trúc Hạ càng ngày viết càng ” lên tay “. Anh rất mừng và chúc cho em thành công trên con đường văn chương em nhé, hoa hậu Tổ dân phố.
🌞🌺🐁🐃🐫🐇🐂🐓🐎🐠🐚🐙🐬🐒🐥🐱🐛🐢🐝🐞⛅️☔️🌈
Ngân ngấn nước mắt cảm động!Tuổi hồn nhiên đi qua trong nhung nhớ..Một thuở mộng mơ HoàngTử..Tài ba phong độ luôn ngự trái tim Thầm kín sâu lắng Cái Tình Chỉ dám thể hiện vẽ trên bút ngà!?…Độc thoại hai tâm hồn đã…Nhĩ về nhau …Tình thiết tha mơ ước..”Yêu muốn gần đến không được”Những lời tự tình ưu tư ray rứt!Buồn thật buồn nỗi cô độc…Được họa lên cùng một lúc tưởng chừng như”Thần giao cách cảm -thấu hiểu cả lòng nhau”Cuối cùng kết thúc bằng bài thơ Hoàng Tử dành cho Tịnh Thảo…Thất Tình!?…Cảm xúc thật luôn trong phút chốc trong tôi ! Bao giờ cũng thế nên trái tim nông nổi?Đọc bài của Chị Trúc Hạ nghe xúc động đầy hoài niệm….
Aitrinhngoctran
Sao lúc nào bạn cũng hiểu được tất cả những điều mình muốn gởi gắm, bạn là ai?!…
đọc lại “Giấc mơ cỏ dại” của TTTH trên FB và những comments trên đó, tôi xin bổ sung thêm vài cảm nhận:
1. Giọng văn của TTTH (không chỉ trong truyện này mà nhiều truyện khác đã đăng trên TT) lúc nào cũng trong trẻo, đắm thắm với những hoài niệm của lứa tuổi ô mai luôn có những mơ ước bình dị, dù đó là hoài niệm vui hay buồn bằng một lối viết đầy nhân văn mà ít người (nhất là thế hệ chịu – hay chứng kiến những biến đổi của đất nước) làm được, nếu không muốn nói là thiên về châm chích, mỉa mai.
2. Niềm tin của tuổi thơ thật đáng trân quý: “Con là Miên Thảo, thì ra ba đã đặt tên con trùng với tên cô, điều đó chứng tỏ rằng ba con dù có ở đâu , sống với ai cũng không nguôi nhớ thương cô… Nhưng ở đây lạnh lắm cô à, gia đình con cần có ba…
Nó đáng yêu hơn là đáng trách, Nó yêu anh và muốn anh là của nó và gia đình nó. Đó là điều hoàn toàn chính đáng anh à! Thế hệ nó lớn lên may mắn hơn thế hệ chúng ta nên nó rạch ròi và sòng phẳng, hơn nữa nó vẫn hoàn toàn còn là đứa trẻ, vậy nên chúng ta không có quyền đánh mất niềm tin thơ trẻ” (TTTH) chúng ta không thể và không có quyền đánh mất nó, phải chăng tác giả muốn chúng ta hiểu rõ hơn tính nhân văn của truyện?
3. Đúng như Phung Kim Huong nói trên FB, không giống nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đâu lão Tạ.
Đọc kỹ rồi mới thấy… bác Đào!
Muốn làm Nguyễn thị Hoàng hả? Đọc kỹ… hay lắm! Bỏ chữ STRESS trong bài đi, vì giống như đang ăn một bát cơm ngon mà cắn trúng một cục sạn vậy!
Hòi niệm ký ức tuổi học trò thời con gái thật đáng yêu. Giọng văn mượt mà, nhẹ nhàng, sâu lắng của lứa tuổi ô mai ngày trước trong Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thằng Bờm vẫn còn đọng lại trong lứa tuổi “xế tà” của cô giáo. Cảm ơn Trần Thị Trúc Hạ đã cho tôi sống lại những tháng ngày hồn nhiên, nghịch ngợm trong ngôi trường có nhiều thằng “quỷ sứ” cỡ như Dulehue, Lưu Thy, Lực Mạnh …
@ Văn chương đồi lúc cũng cần có chút “hư cấu”, sao lại gọi “xạo bà cố” Thanh Xuân, bộ ông không sợ bị – được uống nước sông Hàn sao?Hihi…
Cô giáo đã gần về “nai” (hưu) mà kể chuyện làm người đọc cứ ngỡ như mình đọc Tuổi ngọc ngày xưa hoặc Mực Tím, Áo Trắng sau này. Tác giả hóa thân mình thành nhân vật Thảo (hay quên, lãng đãng, nhiều lần giải phẩu, nhà trong các truyện ngắn luôn có dòng sông phía trước…) thiệt tài tình. Truyện ngắn này lại có nhiều thơ mà thơ cũng dễ thương nữa. Cám ơn cô giáo.
kí ức đẹp thì nhớ hoài
Còn tuổi già thì bệnh hoạn , cô độc…
Có gì mà viết hở anh Quý?!…
Chúc cô giáo mãi mãi còn những giấc mơ thơm mùi cỏ dại .
Con đường Quang Trung Lê Lợi đã thay đổi nhiều còn ngôi trường vẫn còn đó màu vàng nhạt rêu phong. Xạo bà cố quá