
Dù không chút cảm tình với nhà thơ, nhà chính trị Tố Hữu nhưng khi kể chuyện cuối năm ta trong đầu tôi vẫn ghi nhớ hai câu thơ của ông:
“Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn
Dở, hay, khôn, dại những chê khen”
Đó là cái nhìn hướng nội- nhìn trở lại những công việc mình đã làm trong năm qua để rút ra bài học.
Năm qua có lẽ điều đáng kể nhất với tôi là được đọc trên mạng 2 tập sách của ông già Trần Đỉnh . Vỡ vạc ra nhiều thứ. Trần Đỉnh bằng cây bút nhà báo, tâm hồn nhà thơ và bản lĩnh của một nhà chính trị đã cho ra đời đứa con “già tháng, già năm” : tập hồi ký Đèn Cù – mà ông gọi là “truyện tôi”-. Tôi cho rằng Đèn Cù sẽ tạo cú hích cho nhiều tác phẩm na ná như vậy trình làng trong những năm về sau. Bởi vì các nhân chứng sống của thế kỷ 20 vẫn còn, còn nhiều; và những sự kiện nằm yên trong các bộ nhớ của họ sẽ tiếp tục ra đời.
Lâu nay hình như tôi đang sống trong bóng tối của một rạp chiếu phim (ciné). Ngước nhìn lên màn ảnh, những câu chuyện cứ thế hiện dần ra. Xem đến đâu biết đến đấy. Người coi trước biết trước, người coi sau biết sau. Tuy nhiên, cái đoàn làm phim đó – những người trong cuộc- thì ít ai biết họ.
Ở một tỉnh ven biển miền trung Việt Nam, nơi có cây cầu được báo chí ca tụng là cây cầu vượt cây cầu vượt biển dài nhất nước; theo tôi chính xác hơn có lẽ đó là một cây cầu dài vượt đầm nước mặn ( không nhiều cầu vượt đầm nước mặn trên thế giới ). Một ngày nọ cây cầu bị hỏng. Do được thiết kế chịu lực yếu chỉ cho phép xe dưới 30 tấn chạy qua. Sau khi đưa vào sử dụng xe bốn, năm mươi tấn chạy qua kìn kìn suốt năm. Thế là cây cầu bị đứt dây cáp phải ngừng sử dụng. Sau đó người ta thay bộ cáp khác xịn cho cầu. Điều đáng chú ý là bộ dây cáp trước đây được mua từ Trung Cộng rồi bị đứt là vì chịu quá tải do đoàn xe ngày đêm chở một thứ kim loại nặng là titanium để bán cho Trung Cộng. Người đi du lịch Trung Cộng về nói: sang bên đó thấy cát đen đổ đống cao như núi ở Hải Khẩu, tỉnh đảo Hải Nam. Trung Cộng mua nhiều titanium để làm gì? Tại sao ta mua cũng mua của Trung Cộng mà bán cũng bán cho Trung Cộng? Tiền bán titanium chạy về đâu? Để rồi suốt một dọc ven biển ấy mảng cây xanh chắn gió trồng lâu năm bị bóc sạch, dân kêu trời không thấu!
Lại chuyện cát đen : một tỉnh ven biển miền trung khác cũng có mỏ titanium lớn nằm dưới lớp cát biển. Dân tỉnh có cầu dài đến khai thác, tỉnh này cho nhưng bộ cấm cửa. Bộ cử người đến kiểm tra. Dân múc cát biển phủ đống titanium to như núi đã bóc lên, sự việc bị nhà báo phát hiện phanh phui. Thế là Dân chạy ra Hà Nội xin phép bộ- xin không được. Dân chạy qua văn phòng TƯ đảng, gặp tay thư ký X, Y, Z nào đó. Kết cuộc: trong mấy ngày nghỉ lễ hàng trăm xe chở titanium chạy kìn kìn qua trạm gác công an. Tỷ lệ ăn chia đã được thỏa thuận từ Hà Nội. Trạm gác đếm xe tính tiền. Thực hiện đúng câu: “đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ” tiền lãi bán cát đen được chia làm 3 phần theo tỷ lệ như trên. Dân nào mà sướng vậy? – Dân doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào? – người trong nhà. Tôi chợt ngộ ra vấn đề: Khác với các nước tư bản, xuất cảng phải qua khâu giấy tờ thủ tục rườm rà, tiêu chuẩn chất lượng lôi thôi. Mua bán với Trung Cộng thật dễ dàng! kiểu gì cũng mua, kiểu gì cũng bán, kiểu gì cũng chơi, có tiền đút túi liền.
Ê kíp làm phim nào cũng có ba bộ phận: đạo diễn – diễn viên – quần chúng. Thực ra bộ phim này là phim cũ mấy năm rồi, tôi chỉ là một người xem phim rồi kể lại cốt truyện chính mà thôi. Trong phim còn nhiều tình tiết li kì, hấp dẫn, gay cấn, éo le chứ không đơn giản như những gì tôi kể bạn nghe.
Rốt cuộc, tôi rút ra một điều: Ở đất nước này tiền bạc giải quyết mọi vấn đề. Tiền thì Trung Cộng không thiếu.
XUNG PHONG