CUỘC BẦU CỬ “VĨ ĐẠI”

Ngày 6/11/2018 này, dân Mỹ sẽ đi bầu hàng loạt chức vụ lớn nhỏ cấp địa phương, tiểu bang và liên bang. Quan trọng hơn cả là việc bầu toàn thể Hạ Viện liên bang và 1/3 Thượng Viện liên bang. Ta sẽ không bàn về các cuộc bầu địa phương và tiểu bang, chỉ bàn về cuộc bầu quốc hội liên bang.
Việc đảng DC tìm đủ mọi cách để xé bỏ kết quả bầu tổng thống vừa qua đã quá rõ ràng, quá thô bạo, và quá trơ trẽn, đã được bàn quá nhiều, không cần nói thêm. Vả lại, bài này sẽ bàn về cuộc bầu cử giữa mùa tới đây, không liên quan gì đến cuộc bầu tổng thống hết.
Đề tài tranh cử của hai bên là gì?
Bên phiá CH dĩ nhiên là đang khoe những thành tựu của TT Trump và hứa hẹn sẽ tiếp tục con đường đó, cũng như cố gắng thực hiện những việc chưa làm được. TT Trump khi ra tranh cử đã hứa khá nhiều chuyện và cho đến nay, ông đã thực hiện được không ít. Ngay cả báo Washington Post cũng đã phải nhìn nhận TT Trump là tổng thống ‘lương thiện nhất’, giữ lời hứa hơn tất cả các tổng thống khác.
Về phiá DC, thú thật với quý vị, kẻ này hơi bối rối không biết phải viết gì vì lý do rất giản dị là dường như đảng DC không có chương trình cụ thể gì ngoài kế hoạch … lật đổ TT Trump qua cả chục vụ điều tra, rồi đàn hặc và truất nhiệm, hay nếu không được thì tìm mọi cách phá, đòi hỏi ngược lại tất cả những gì TT Trump đã làm hay muốn làm. Nói cách khác, nếu muốn biết DC muốn làm gì thì cứ nghĩ đến những việc TT Trump đã hay sẽ làm, rồi quay ngược lại thì sẽ biến thành chương trình kinh bang tế thế của DC.
Bên nào sẽ thắng?
Phải nói ngay để tránh mọi hiểu lầm, kẻ này không đủ “khả năng, viễn kiến, tầm nhìn xa” để có thể làm Trạng Trình, đoán mò bằng những câu sấm mù mờ mà mấy trăm năm sau, ai cũng có thể diễn giải theo ý mình, cách nào cũng đúng. Hơn thế nữa, tiên đoán về chính trị Mỹ thì thật sự Trạng Trình có tái sinh cũng … mù tịt. Chỉ một ngày trước ngày bầu năm 2016 vừa qua, ai dám nói bà Hillary sẽ về nhà giữ cháu ngoại?
Một điều cần phải cân nhắc khi đi bỏ phiếu: giữa tư cách cá nhân của một ông Trump, là tiêu điểm của cuộc bầu cử dưới cái nhìn của đảng DC, và thành quả kinh tế là chủ điểm của bầu cử theo đảng CH, cái nào quan trọng hơn?
Nếu DC thắng, chiếm đa số tại Hạ Viện, cho dù vẫn không chiếm được Thượng Viện, thì như đã bàn nhiều lần, ta sẽ thấy hàng loạt vụ điều tra, vài công tố độc lập có thể được Hạ Viện bổ nhiệm để điều tra cửu tộc nhà họ Trump và cả tam tộc các phụ tá, cố vấn, bà con, chú bác, dâu rể,… Thậm chí có thể sẽ đàn hặc TT Trump luôn. Tình trạng lạc quan tếu nhất, các dân biểu DC không làm những việc trên thì, ít ra họ cũng sẽ bác bỏ tất cả mọi dự luật phe CH hay TT Trump có thể đề nghị. Hay ngược lại, phe CH và TT Trump sẽ bác tất cả mọi dự luật phe DC đề nghị. Nôm na ra, guồng máy chính quyền Mỹ sẽ hoàn toàn tê liệt, từ tổng thống đến bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu, quan chức,… tất cả đều lãnh lương để ngồi chơi xơi nước, chửi bới qua lại. Chẳng có một đạo luật đáng kể nào được ban hành. Chờ đến bầu cử 2020. TT Trump chỉ còn một cách: cai trị bằng sắc lệnh, qua mặt quốc hội, theo đúng cách của TT Obama trong nhiệm kỳ hai đấy.
Nếu phe CH thắng, giữ được thế đa số tại Hạ Viện, thì TT Trump sẽ có dịp tiếp tục những việc ông đã làm từ hai năm qua, và làm thêm những gì đã hứa mà chưa thực hiện được.
TTDC báo động: nếu CH thắng giữ được cả hai viện thì sẽ là đại hoạ vì “con ngựa chứng Trump sẽ không còn ai cầm cương và sẽ đá loạn xà ngầu”. TTDC quên mất một chuyện lớn: dân Mỹ đã đi bầu tháng 11/2016, cho ‘con ngựa chứng’ được chạy nhẩy, tại sao bây giờ lại một hai đòi nhốt con ngựa đó lại? Ý dân vứt đi đâu rồi?
Trong cuộc bầu cử này, yếu tố quyết định thật sự là hậu thuẫn của khối đa số mà TT Nixon gọi là “đa số thầm lặng’, -silent majority-, đang ủng hộ TT Trump. Không ai biết khối này đông đảo đến cỡ nào và nhất là sẽ tham gia bầu cử đông đảo đến mức nào. Đây là bí số chẳng những quan trọng nhất mà cũng là hiểm hóc nhất. Đó chính là bí số đã khiến tất cả khối DC vàTTDC tiên đoán sai bét trong cuộc bầu tổng thống vừa qua. Mà cũng là bí số khiến không ai dám chắc kết quả bầu cử lần này sẽ ra sao.
Chuyện chính trong bài này là cộng đồng Việt tỵ nạn tính sao?
Như đã có dịp bàn qua nhiều lần, dù muốn hay không, đây cũng là đất ta sinh sống, nơi mà các quyết định của các chính khách có tác động trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Do đó, việc cộng đồng Việt tỵ nạn tham gia vào sinh hoạt chính trị Mỹ là điều tối cần thiết để có thể bảo vệ quyền lợi của chúng ta một cách hữu hiệu nhất. Tham gia bằng cách ra ứng cử càng nhiều chức vụ càng tốt, bất kể ở cấp nào, địa phương, tiểu bang hay liên bang. Và tham gia bằng cách đi bỏ phiếu. Và dĩ nhiên tham gia bằng cách tìm hiểu cho kỹ mọi vấn đề trước khi lấy quyết định cho chính mình.
Diễn Đàn này chủ trương cố giảm thiểu tình trạng chia rẽ trong cộng đồng nên cố tránh đi vào vấn đề cá nhân các ứng cử viên gốc Việt bất kể thuộc đảng nào. Do đó sẽ không ủng hộ hay chống bất cứ cá nhân nào. Không có nghiã là diễn đàn này nghĩ rằng ai đi bỏ phiếu cho ai cũng được. Mà vấn đề là cần bỏ phiếu theo chủ trương, theo sách lược,… của ứng cử viên, chứ không theo cá nhân hay cá tính của ứng cử viên.
Một điểm cần nhớ cho rõ: quan trọng là quyền lợi của nước Mỹ nói chung và quyền lợi của cộng đồng tỵ nạn nói riêng. Cần phải biết ứng cử viên đó và đảng của người ấy đã, đang, và sẽ làm gì cho cộng đồng chúng ta và cho nước Mỹ. Đó mới chính là những tiêu chuẩn căn bản để bỏ phiếu. Chứ không thể bỏ phiếu theo tiêu chuẩn… bạn bè, chỗ quen biết, bà con, hay… ‘cùng gốc Việt’.
Trên căn bản, những ứng cử viên ‘cùng gốc Việt’ tất nhiên phải hiểu cộng đồng tỵ nạn hơn những người không phải gốc tỵ nạn Việt, do đó có thể hiểu và bảo vệ nhu cầu của chúng ta hữu hiệu hơn những người khác. Vấn đề là trên thực tế không phải tất cả các ứng cử viên gốc Việt đều có cách suy nghĩ và hành xử giống hệt nhau.
Một ví dụ điển hình: một ứng cử viên tỵ nạn có thể vì thù ghét cá nhân TT Trump vẫn quyết tâm chống ông Trump đến cùng, chống luôn cả việc ông đang đánh Trung Cộng để giảm uy thế của TC, rất có lợi cho VN. Trong trường hợp này thì chúng ta có nên nhắm mắt bỏ phiếu cho người này chỉ vì họ ‘cùng gốc Việt’ không?
Trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta, hiện nay có 4 vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần cân nhắc.
1. Vấn đề kinh tế hiện hữu tại Mỹ
Dĩ nhiên, một số lớn dân tỵ nạn hiện còn trong tuổi đi làm, phải đóng thuế, nên họ cần phải cân nhắc cho kỹ việc TT Trump đã giảm thuế quy mô cũng như tạo ra được cả triệu việc làm. Chuyện công của ai là chuỵên tranh cãi phe phái không thể là yếu tố quyết định lá phiếu.
Một số không nhỏ dân tỵ nạn thuộc loại dưới trung lưu, không phải đóng thuế gì hết, cũng có nhiều người vì lớn tuổi chẳng đi làm gì hết mà sống bằng trợ cấp. Đối với họ, việc TT Trump giảm thuế, tạo công ăn việc làm chẳng có nghiã lý gì hết, trái lại, họ lo sợ giảm thuế sẽ giảm thu nhập của chính phủ, đưa đến việc cắt giảm trợ cấp của họ. Đây là một trong những luận điệu tuyên truyền rất mạnh của khối DC, để hù dọa thiên hạ.
Xin nói cho rõ: giảm thuế lợi tức, nhất là giảm thuế cho các đại gia và giảm thuế đánh trên lợi nhuận của các đại công ty, không phải là thể hiện tính phe đảng của TT Trump với nhà giàu để hại người nghèo như tuyên truyền ngớ ngẩn của phe chống TT Trump la hoảng. Việc giảm thuế cho các đại doanh gia và đại công ty có mục đích rõ ràng là khuyến khích việc đầu tư, mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho thiên hạ, phát triển kinh tế chung cho cả nước. Giảm thuế lợi tức cá nhân cho quý vị cũng giúp cho quý vị có thêm chút tiền để xài, tức là giúp các công ty bán thêm chút hàng hóa. Quý vị nào không muốn xài số tiền đó, có thể gửi ngân hàng, giúp ngân hàng có thêm ít tiền cho các doanh gia vay mượn để phát triển cơ sở kinh doanh của họ. Kinh tế nói chung sẽ phát triển (thật ra, đã và đang phát triển mạnh theo tất cả những thống kê chính thức). Mà kinh tế phát triển thì tức là lợi nhuận công ty tăng, lương thiên hạ tăng, thì cũng là dịp Nhà Nước thu thuế nhiều hơn, có tiền nhiều hơn, chứ không phải ít đi.
Như kẻ này đã chứng minh nhiều lần, kinh nghiệm những lần giảm thuế từ TT Kennedy đến TT Reagan và TT Bush con, sau thời gian đầu thì thu nhập thuế của chính phủ đều tăng vọt. Trong lịch sử cận đại Mỹ, đã có nhiều lần các tổng thống giảm thuế, nhưng chưa có một tổng thống nào bị hụt tiền đến độ phải cắt giảm trợ cấp.
Nếu quý vị nghe một ứng cử viên hô hoán TT Trump giảm thuế cho nhà giàu rồi sẽ cắt trợ cấp của người nghèo, thì xin quý vị hãy tỉnh táo suy luận để tránh nghe lập luận lừa phỉnh mỵ dân hay hù dọa thiên hạ. (Muốn tìm hiểu thêm về chuyện giảm thuế trước khi đi bầu, xin quý vị đọc lại bài ‘Luật Giảm Thuế’ trên diễn đàn này, tháng Chạp năm 2017)
Trong câu chuyện kinh tế, nhiều cụ tỵ nạn sao y bản chính TTDC, đã đưa ra những lập luận giả dối đáng ngạc nhiên.
Họ tố cáo TT Trump giảm thuế, kinh tế tăng trưởng, thu nhập của chính phủ phải tăng mạnh, cớ sao lại có chuyện nợ công vẫn tăng ào ạt lên tới xấp xỉ 21.000 tỷ đô, ngân sách vẫn thâm thủng nặng? Rõ ràng Trump lại nói láo sao?
Chỉ là tố cáo nếu không phải vì gian ý thì cũng chỉ vì thiếu hiểu biết. Giảm thuế có hiệu lực năm nay, tức là thu nhập của Nhà Nước đã giảm ngay, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ mới bắt đầu và chưa thể có tác dụng gì trên chi tiêu trong ngân sách đã được thiết lập cả năm trước. Chi tiêu của Nhà Nước có muốn cắt giảm như TT Trump đang cố làm, cũng không thể thực hiện trong vài tháng. Một ví dụ điển hình: muốn giảm nhân sự để tiết kiệm tiền lương, sa thải nhân viên hay công chức, cũng phải cấp cho họ một số tiền lớn cho họ sống trong khi chờ đợi có việc mới, chứ không có chuyện sa thải họ với hai tay trắng. Một ví dụ khác: tiền lãi phải trả trên hơn 20.000 tỷ công nợ, TT Trump không thể quyết định ngày mai sẽ ngưng trả. Nói cách khác hậu quả của chính sách kinh tế của TT Obama cần thời gian để thay đổi. Kinh tế Mỹ như cái tàu hàng lớn, muốn quay ngược lại, không thể một sớm một chiều, trở đầu như cái xuồng câu cá. Chưa kể cái giả dối thô bạo khi vài cụ tỵ nạn mê Obama la hoảng về số công nợ tăng lên tới 21.000 tỷ. Những người này núp ở đâu khi TT Obama tăng công nợ gấp đôi từ xấp xỉ 10.000 tỷ lên tới 20.000 tỷ đô?
Họ nói kinh tế phục hồi là nhờ TT Obama, ông Trump chỉ thừa hưởng gia tài thôi. Chuyện này, tôi đã bàn quá nhiều nhưng như nước đổ lá môn, họ vẫn nhắm mắt và bịt tai không muốn biết sự thật. Tôi sẽ không phí thời giờ viết lại tri₫ong bài này. Chỉ xin tóm lược rất ngắn gọn câu chuyện trước mắt.
Phục hồi của TT Obama có thật, nhưng chiếc xe của Obama chạy ì ạch 10 cây số một giờ trong 7 năm sau. Ông Trump ra tranh cử, hứa sẽ thi hành một loạt biện pháp để phục hồi tăng trưởng kinh tế thật sự và tạo công ăn việc làm lại. Các kinh tế gia DC nhao nhao báo động TT Trump sẽ lôi kinh tế xuống ruộng lại. Ông Trump đắc cử, thi hành những biện pháp đã hứa, chiếc xe chạy vọt lên 60 cây số một giờ. Cả triệu việc làm được tái tạo, chứng khoán bay bổng, kinh tế tăng trưởng quá mạnh khiến chính quyền phải tăng lãi suất để làm chậm lại. Phe Obama nhanh như chớp nhẩy ra vỗ ngực nhận công. Theo đúng mô thức Obama: cái gì tốt là công của tôi, cái gì xấu là lỗi của tất cả mọi người khác. Tại sao những tăng vọt đó không xẩy ra trong những năm từ 2009 tới 2016? Mà lại chỉ xẩy ra sau khi ông Trump đã nhậm chức và đã ban hành những biện pháp kinh tế mới?
2. Obamacare
Một cụ tỵ nạn báo động, tố TT Trump muốn thu hồi Obamacare, tức là “lấy đi bảo hiểm y tế của thiên hạ”. Đây là một lập luận cực kỳ thiếu lương thiện. Trong chế độ dân chủ, tự do cạnh tranh, kể cả cạnh tranh về tư tưởng, ai cũng có quyền chống những ý kiến khác ý của mình, nhưng điều kiện tối thiểu là phải lương thiện. Không bao giờ lại có chuyện vớ vẩn TT Trump và đảng CH muốn lấy đi bảo hiểm y tế của thiên hạ hết. Fake news! Vấn đề chỉ là cái Obamacare đầy sai lầm, gây ra đủ thứ tai hại trong hiện tại và cả tương lai, do đó, cần phải làm lại, tức là thay thế bằng một luật bảo hiểm y tế mới. Vì chưa đạt được đồng thuận ý kiến trên giải pháp mới nên Obamacare vẫn còn đó. Nói trắng ra, trước sau gì thì mọi người, ai cũng có bảo hiểm y tế hết, quý vị không cần phải lo sợ chuyện CH sẽ lấy đi bảo hiểm y tế cho quý vị. Tranh cãi giữa CH và DC chỉ là vấn đề bảo hiểm kiểu nào tốt hơn thôi.
3. Vấn đề di trú
Đây cũng là một đề tài những người thiếu lương thiện mang ra khai thác để hù dọa dân tỵ nạn. Họ tố TT Trump kỳ thị, sẽ tìm cách trục xuất dân tỵ nạn ta về VN hết. Chuyện gọi là… bố láo. Tất cả dân tỵ nạn ta qua Mỹ và sống ở đây hoàn toàn hợp pháp, được nhận qua một luật được cả hai viện quốc hội phê chuẩn và tổng thống ký. Không ai nên dở trò xập xí xập ngầu lẫn lộn chúng ta với đám di dân lậu mà TT Trump đang tìm cách ngăn chặn. Không có tổng thống nào có thể trục xuất chúng ta đi đâu hết.
Ngoại trừ hai trường hợp.
– Những người chưa được vào quốc tịch, chỉ mới ở trong trường hợp ‘thử thách’ có thẻ xanh: nếu phạm pháp, tất nhiên luật Mỹ (chứ không phải luật Trump!) sẽ không cho trở thành dân Mỹ và sẽ bị trục xuất. Ở đây, phải nói cho rõ để tránh xuyên tạc bóp méo. Vi phạm luật là vi phạm luật. Nặng hay nhẹ và bị trừng phạt như thế nào, trục xuất hay không là quyết định của quan tòa (chứ cũng không phải là phán quyết của Trump đâu!).
– Những công dân CHXHCNVN qua đây du học hay du lịch, ở lậu lại tất nhiên sẽ bị coi là di dân lậu, có bị bắt và trục xuất là chuyện đương nhiên theo luật Mỹ (chứ không phải luật Trump!)
Báo chí Việt tỵ nạn tung tin T Trump bắt nhốt hơn một chục ngàn người gốc Việt và sẽ trục xuất họ. Vẫn chỉ là cái mánh xuyên tạc để hù dọa. Đại khái hầu hết những người này đã bị bắt từ thời TT Obama (vẫn không phải là Trump đâu!), nhưng Mỹ không trục xuất về VN được vì VC không chịu nhận. Năm 1995, TT Clinton ký thỏa ước với VC, ‘công dân Việt’ phạm tội bị trục xuất về VN, nhưng chỉ áp dụng cho những người qua Mỹ sau năm 1995 thôi. Do đó, tình trạng cả chục ngàn người phạm tội đang bị nhốt chưa có giải pháp. TT Obama và Trump đã và đang điều đình với chính quyền VC về chuyện này, là chuyện chẳng phải lỗi của TT Trump.
4. Lo ngại về việc Hán hóa quê hương chúng ta
Vâng, thưa quý vị, dù sao, VN vẫn là quê hương chúng ta và chúng ta vẫn lo sợ cho việc VN sẽ bị mất vào tay Trung Cộng, một cách thô bỉ nhất như biến thành một tỉnh của Tầu, hay một cách gián tiếp, biến thành một xứ bị Tàu đô hộ qua các quan thái thú VC. Dù muốn hay không thì VN vẫn là quê hương, đất nước của chúng ta. Chính quyền VC chỉ là những người đang nắm quyền, không sớm thì muộn cũng sẽ không còn nữa. Đất nước là chuyện vĩnh viễn, chế độ là chuyện nhất thời, ta không nên lẫn lộn.
Trong cái nhìn đó, kẻ thù gần là chế độ VC, kẻ thù xa là chủ nghiã bành trướng của tân đế quốc Trung Cộng. TT Trump đang cố gắng ngăn chặn tham vọng đó. Bất kể vì lý do gì. Rất có thể TT Trump muốn chặn TC để bảo vệ thế đứng thống trị thế giới của Mỹ chứ chẳng phải vì yêu thương dân Việt ta. Không cần biết. Ta chỉ cần biết trong sách lược chặn TC đó, VN có thể tựa lưng vào để tránh trở thành ngôi sao nhí trên cờ máu. Nôm na ra, ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: ủng hộ sách lược chặn TC của TT Trump, không có tam thập lục chước nào khác hết.
Muốn ủng hộ thì phải giúp cho ông thực hiện được sách lược đó. Nghiã là phải củng cố thế lực chính trị của TT Trump bằng cách giúp cho ông có đồng minh trong quốc hội, Hạ Viện cũng như Thượng Viện. Không có đồng minh, TT Trump trong hai năm tới sẽ bị trói tay, không thực hành được bất cứ sách lược nào hết, không ra được bất cứ luật nào hết. Họ Tập sẽ tha hồ lộng hành tại Biển Đông. Đó có phải là điều quý vị mong muốn không?
Như đã phân tích ở trên, việc đảng DC hay đảng CH kiểm soát được quốc hội sẽ có những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Có thể nói đến mức biến cuộc bầu giữa mùa này thành cuộc bầu giữa mùa quan trọng nhất trong lịch sử cận đại Mỹ. Nước Mỹ sẽ đi vào bế tắc toàn diện trong ít nhất hai năm nữa, hay TT Trump sẽ tiếp tục thực hiện những lời hứa như trong hai năm qua? Một mình TT Trump không thể làm gì được. Quốc hội đóng vai trò giúp ông hay cản ông, đó là quyết định của quý vị.
Lá phiếu của quý vị chính là lá phiếu quyết định chuyện này.

VŨ LINH
( Diễn Đàn Trái Chiều)

Advertisement

SỰ THẬT SAU TẤN TUỒNG ĐIỀU TRẦN

Cuộc chiến đánh thẩm phán Kavanaugh đã leo thang mạnh trong tuần qua, cùng lúc với cuộc điều trần trước Thượng Viện của cả ông Kavanaugh và bà Ford, là người tố giác ông sách nhiễu tình dục cách đây hơn 35 năm.
Cuộc điều trần hiện rõ như một tấn tuồng với các diễn viên cực dở.
Tại sao là một tấn tuồng? Tại vì ai cũng biết cuộc điều trần chẳng thay đổi một ly ông cụ nào về cuộc biểu quyết. Bất kể chuyện gì xẩy ra trong cuộc điều trần, các nghị sĩ chống vẫn chống, ủng hộ vẫn ủng hộ, lừng chừng vẫn bận thăm dò cử tri.
Câu hỏi quan trọng nhất: tại sao lại có thể có chuyện vô lý như vậy? Tại sao lại có chuyện coi thường sự thật và khinh mạn thiên hạ như vậy? Ta thử nhìn lại toàn bộ câu chuyện cho kỹ.

CUỘC ĐIỀU TRẦN TRƯỚC THƯỢNG VIỆN

Trước hết, phải nói ngay phe CH đã chịu thua từng bước từng bước. Liên tục dời ngày điều trần theo yêu sách của bà Ford khi bà này đòi thêm thời giờ để ‘chuẩn bị’, chấp nhận điều kiện không có đối chất với ông Kavanaugh, không dám chất vấn trực tiếp bà Ford mà phải thuê một bà công tố làm việc này, rồi hoãn ngày biểu quyết.
Trong khi CH rét, thối lui liên tục vì sợ mất phiếu phụ nữ, thì ông Rush Limbaugh, một bình luận gia bảo thủ cực đoan nổi tiếng qua các bài nói chuyện trên radio, đã lớn tiếng cảnh giác CH tiếp tục thối lui sẽ mất phiếu của cử tri của Trump trong cuộc bầu quốc hội tới. Đúng là tình trạng nhức răng, tiến thoái lưỡng nan cho các ông bà CH.
Phần điều trần của bà Ford:
Để tránh hình ảnh một chục ông đánh hội đồng một bà Ford cũng như để có vẻ đây là một cuộc điều trần chuyên nghiệp, không mang tính chính trị, khối đa số 11 nghị sĩ CH đã nhường quyền chất vấn của họ cho bà Rachel Mitchell, một công tố chuyên về những tố tụng sách nhiễu tình dục. Bà Mitchell đã tra hỏi bà Ford như một thám tử cảnh sát điều tra một nạn nhân. Mục đích của bà Mitchell hiển nhiên không phải là tố cáo bà Ford về tội gì hết, là điều mà khối CH muốn tránh tối đa, mà chỉ là đặt những câu hỏi để bà Ford liên tục trả lời “không nhớ”, reo mối nghi ngờ lên những tố cáo của bà Ford. Qua cả chục lần “không nhớ” của bà Ford, bà Mitchell coi như đã chu toàn trách nhiệm.
Khối thiểu số 10 nghị sĩ DC tất cả đều ca đúng một bài: ca tụng bà Ford mút mùa và đòi hỏi FBI điều tra. Nói cách khác, tìm cách câu giờ cho qua bầu cử. Chẳng ai có một câu hỏi về câu chuyện bà Ford hết.
Về phần bà Ford, bà diễn tuồng một nạn nhân đau khổ, bối rối, rất giỏi. CNN dĩ nhiên đăng ngay hình bà Ford đang mếu máo muốn khóc. Câu chuyện của bà không có gì mới lạ. Tất cả đều đã được báo chí phổ biến từ hai tuần nay. Hầu hết những chi tiết khác mà bà Mitchell hỏi thì đều chỉ có một câu trả lời: không nhớ rõ.
Bà Ford đưa ra tên 3 người mà bà cho là có thể làm nhân chứng, nhưng cả 3 người đều cho biết họ không nhớ là đã có câu chuyện bà Ford kể lại, kể cả bà Leland Keyser mà bà Ford gọi là bạn đời –lifelong friend-. Trả lời câu hỏi về chuyện này, bà Ford giải thích bà Keyser “có vấn đề sức khoẻ” (ai muốn hiểu sao thì hiểu), và bà Keyser đã viết thư xin lỗi bà Ford. Bà Ford ‘quên’ không nói rõ là bà Keyser xin lỗi vì đã phải nói sự thật bất lợi cho bạn chứ không xin lỗi là đã nói láo.
Phần điều trần của ông Kavanaugh:
Ông Kavanaugh mở đầu với bài phát biểu dài gần một tiếng đồng hồ, tự bênh vực và đả kích phe DC với những lời lẽ mạnh bạo nhất. Đôi lúc, ông quá xúc động, nói không ra lời. Ông chấp nhận việc bà Ford có thể đã bị tấn công tình dục đâu đó, nhưng khẳng định không phải là ông. Ông mạnh miệng đả kích việc phe DC đã lợi dụng câu chuyện vì mưu đồ chính trị, tàn sát ông, tên tuổi ông, sự nghiệp và cả gia đình của ông, đồng thời cũng gây tổn thương cho bà Ford qua tấn tuồng điều trần này.
Điểm quan trọng: ông Kavanaugh trình cho Ủy Ban một lịch trình sinh hoạt cá nhân trong đó ông ghi rõ việc làm mỗi ngày từ năm 1980, có ghi rõ 3 tháng mùa hè 1982, ông Kavanaugh đã không có mặt ở Maryland là nơi xẩy ra câu chuyện.
Trái ngược hoàn toàn với phần trình bày của bà Ford, các nghị sĩ DC không có một người nào có một lời khen hay lịch sự với TP Kanavaugh. Tất cả đều chất vấn với đủ loại câu hỏi hóc búa về điều tra của FBI, về tuổi trẻ của ông, về việc ông uống bia, có bạn gái, dự party,… Trong khi phần lớn các nghị sĩ CH thắc mắc tại sao bà Feinstein giữ im lặng trong hai tháng, đợi đúng một tuần trước khi biểu quyết mới tung hồ sơ bà Ford ra. Có cần FBI điều tra không?
Phần điều trần của bà Ford dĩ nhiên quan trọng hơn vì bà là người tố cáo. Nhưng tiếc thay, bà đã chẳng đưa ra được bằng chứng hay nhân chứng nào. Hầu hết các câu hỏi về chi tiết đều chỉ có một câu trả lời: “không nhớ”. Thế thì ai biết đường nào mà mò?
Kẻ này vừa coi vừa ngủ gật. Cho đến khi TP Kavanaugh đăng đàn thì tỉnh ngủ hẳn với bài diễn văn mở đầu nổ đùng như bom. Sau khi hai ba nghị sĩ nhường phần đặt câu hỏi cho bà Mitchell, tới phiên nghị sĩ Lindsey Graham thì ông này dành lại quyền chất vấn. Phát biểu của ông này nổ còn hơn bom CBU, mạt sát phe DC bằng những tố cáo nặng nề hiếm thấy trong quốc hội Mỹ. Đây có lẽ là phần hấp dẫn nhất trong cuộc điều trần:

Sau đó, tất cả các nghị sĩ CH đều tự phát biểu, cho bà Mitchell về hưu non. Sai lầm của bà Mitchell là hỏi như cái máy, hết sức nhàm chán, những câu hỏi chi tiết ít ai hiểu ý nghĩa của câu hỏi, khiến cả hội trường ngủ gật. Có lợi cho bà Ford.
Dù vậy, bà Mitchell cũng khơi ra được vài điểm đáng chú ý:
– Bà Ford cho biết hai luật sư thầy dùi ngồi bên cạnh là do bà Feinstein ‘giới thiệu’. Chứng tỏ bà Feinstein đã ‘hợp tác’ chặt chẽ với bà Ford ngay từ đầu, từ trước khi bà Feinstein tung câu chuyện ra. Điều này đi ngược lại cái biện giải muốn giữ bí mật cho bà Ford nên không công bố bức thư sớm hơn. Muốn giữ bí mật sao lại lo giới thiệu luật sư cho bà Ford?
– Bà Ford nói bà không biết ai trả tiền bà đi thử máy đo nói thật (kiểm tra nói dối) và cũng không nói rõ lý do tại sao phải làm chuyện này. Trước hết, chẳng ai biết bà đi kiểm tra nói dối về chuyện gì, có liên quan đến vụ tố ông Kavanaugh hay không. Sau đó, điều lạ lùng là bà Ford không nhớ ai đã giới thiệu chuyên gia làm việc này cho bà, không biết tốn bao nhiêu và ai trả tiền (số tiền này do hai luật sư thầy dùi của bà Ford trả, có lẽ do bà Feinstein ‘thu xếp’).
– Bà Ford khẳng định bà viết thư nặc danh vì không muốn chường mặt ra. Nếu bà nghĩ bà có thể gặp một dân biểu DC, viết thư cho bà nghị sĩ, thuê luật sư, kể chuyện cho báo Washington Post mà vẫn có thể không chường mặt ra thì hoặc là bà nói láo, hoặc là bà ngu ngơ hơn đứa con nít tiểu học chứ không phải là giáo sư đại học về tâm lý. Quái lạ hơn nữa, bà nghị sĩ Feinstein biện giải việc bà giữ câu chuyện bí mật vì bà tôn trọng ý của bà Ford muốn dấu tên. Xin lỗi, bà là ‘niên trưởng’ của DC trong Ủy Ban, đã làm chính trị Mỹ đến bát tuần mà có thể nghĩ sẽ giữ bí mật này sao? Trong chính trị Mỹ, giữ bí mật không khác gì lấy lưới đánh cá chặn nước. Sự thật giản dị hơn nhiều: bà Feinstein ngay từ đầu đã bàn thảo kế hoạch phục kích ông Kavanaugh với bà Ford, giới thiệu luật sư, trả tiền bà Ford đi thử máy nói thật, dìm câu chuyện, đợi đến giờ chót mới bung ra, với hy vọng sẽ là lý do chính đáng để hoãn mọi việc đến sau bầu cử.
– Bà Ford bị vạch rõ nói láo một chuyện: ban đầu, bà từ chối ra điều trần tại Hoa Thịnh Đốn, vịn lý do bà sợ đi máy bay và đòi FBI điều tra, y chang lập luận của khối DC, tìm cách câu giờ cho đến khi TNS Grassley cho tối hậu thư thì đành phải ra điều trần. Bà Mitchell chứng minh bà Ford đi máy bay rất thường xuyên, rất thích đi nghỉ hè tại Hawaii và du lịch thế giới. Khi chủ tịch Ủy Ban nhắc lại Thượng Viện sẵn sàng cử người đi San Francisco gặp bà để bà khỏi phải đi máy bay qua thủ đô, thì bà Ford nói bà “không hay biết” đề nghị này. Đề nghị này, cả nước biết vì báo đăng đầy rẫy (kể cả diễn đàn này), “không hay biết“ nghiã là sao?
– Bà Ford nói đi dự party tại một nhà gần một câu lạc bộ có hồ bơi, nơi bà đi lội trước khi đến dự party. Bà Mitchell đưa ra bản đồ cho thấy nhà bà Ford cách hồ bơi gần 9 miles, không thể đi bộ được. Bà Ford khi đó 15 tuổi, chưa được lái xe, tất nhiên có người chở đến và đưa về. Bà Ford không nhớ ai, và cũng chưa có một người nào nhận đã làm chuyện này. Party đó có 5 người tham dự theo bà Ford. Ngoài bà và ông Kavanaugh ra, cả 3 người kia đều ký giấy xác nhận không biết gì về cái party đó. Thế thì ai đưa bà về? Ý định của bà Mitchell: chứng minh cái party đó đã không xẩy ra, hay nếu xẩy ra thì bà Ford cũng đã không có mặt tại đó.
– Chuyện lạ: bà Ford khai bà lên lầu để đi vào nhà cầu trên lầu (căn nhà không có nhà cầu dưới nhà, gần phòng khách sao?), nhà cầu trên lầu ngay cạnh một phòng ngủ, bà bất ngờ bị xô vào phòng ngủ và đè ngay lên giường, bà đánh lộn, xô ông Kavanaugh ra, chạy ra khỏi phòng. Trong tình huống đó mà bà lại nhớ rõ căn phòng như thế nào, có bàn ghế tủ giường như thế nào theo lời khai của chính bà. Những chuyện lớn như nhà nào, của ai, bà đến và đi như thế nào,… thì lại không nhớ. Trí nhớ của bà Mỹ gọi là ‘selective memory’, trí nhớ có tuyển lựa.
(Những điểm trên, dĩ nhiên TTDC không nêu lên!)

SỰ THẬT

Toàn bộ câu chuyện bà Ford thấy rõ là chuyện bá láp, vô căn cứ, mà nếu ra trước tòa án thật, quan tòa sẽ bác bỏ ngay sau hai phút coi hồ sơ. Thế nhưng các nghị sĩ DC lại muốn bám vào để cản việc bổ phiệm một thẩm phán vào TCPV. Câu hỏi lớn dĩ nhiên là tại sao?
Ai cũng hiểu đây là một âm mưu lộ liễu của đảng DC để cản việc phê chuẩn TP Kavanaugh không hơn không kém.
Việc không có bằng chứng cụ thể và không có nhân chứng đã không cho phép khối DC thẳng thắn tố giác TP Kavanaugh, nhưng những tố cáo của bà Ford đã đủ là lý do để DC kiếm cách câu giờ, đòi điều tra một chuyện không thể điều tra. Chỉ với chủ đích là cố trì hoãn đến sau ngày bầu lại quốc hội, hy vọng DC chiếm được đa số tại Thượng Viện là coi như ông Kavanaugh tiêu tan hy vọng vào TCPV. Chẳng những vậy, mà TT Trump và khối CH cũng sẽ tiêu tan hy vọng bổ nhiệm bất cứ một thẩm phán bảo thủ nào khác vào TCPV.
Tại sao lại phải nghiến răng nghiến lợi, bất chấp mọi việc để cản TP Kavanaugh?
Thật ra đây không còn là việc cản cá nhân ông Kavanaugh nữa, mà cũng chẳng còn là chuyện phá TT Trump luôn. Vấn đề đi xa hơn hơn cá nhân hai vị này rất nhiều. Càng không phải là chuyện sex gì đó của mấy bà vô danh. Trên bàn cân là hướng đi của toàn bộ xã hội Mỹ trong cả một thế hệ tới.
Ta nhìn lại TCPV.
Tư pháp là nhánh thứ ba của cơ cấu chính quyền Mỹ, sau hành pháp và lập pháp, mà trong ngành tư pháp, TCPV là cơ quan có tiếng nói quyết định. Cho đến nay, ít người để ý đến vai trò của TCPV, nhưng trên thực tế TCPV nắm giữ vai trò then chốt hơn cả hai nhánh kia. Đây là nhánh có trách nhiệm ‘bảo vệ Hiến Pháp’ trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế, có quyền ‘diễn giải’ Hiến Pháp, nghiã là gián tiếp thay thế luôn cả Hiến Pháp, là nền tảng của thể chế chính trị Mỹ.

Từ trái qua phải:
– Hàng đứng: bà Elena Kagan (Obama); ông Samuel Alito (Bush con); bà Sonia Sotomayor (Obama); ông Neil Gorsuch (Trump).
– Hàng ngồi: bà Ruth Ginsburg (Clinton); ông Anthony Kennedy mới từ nhiệm (Reagan); chánh án TCPV John Roberts (Bush con); ông Clarence Thomas (Bush cha); ông Stephen Breyer (Clinton).

Điểm cực kỳ quan trọng của TCPV là nhân sự và quyết định của TCPV là chuyện vĩnh viễn. Các thẩm phán ngồi đó cho đến chết hay tự ý từ chức với lý do chính đáng. Các án quyết có giá trị hầu như vĩnh viễn, không ai thay đổi được, ngoại trừ chính TCPV. Trong khi nhân sự trong hành pháp và lập pháp đến rồi đi, có thể thay đổi vài năm một lần, và những quyết định của hành pháp và những luật của lập pháp cũng vậy, có thể thay đổi liên tục. Hơn thế nữa, TCPV cũng có quyền hủy bỏ các quyết định của hành pháp hay các luật của lập pháp, trong khi cả hành pháp lẫn lập pháp đều không thể đụng đến một án quyết của TCPV.
Trong cái nhìn đó, TCPV đóng vai trò cực kỳ quan trọng, như thuyền trưởng lái con tầu Cờ Hoa đi về hướng tả hay hữu. Hành pháp và lập pháp chỉ là thủy thủ đoàn.
Trước đây, TCPV có bốn vị bảo thủ, bốn vị cấp tiến và một vị… ‘trung dung’, là TP Kennedy. Một cách thật ngắn gọn và giản dị, ông Kennedy có khuynh hướng bảo thủ về các vấn đề chính trị và kinh tế như quyền mang vũ khí, quyền tự do gây quỹ tranh cử, quyền hạn của hành pháp,… nhưng lại thiên về cấp tiến trong các quyết định mang tính xã hội, như ủng hộ phá thai, hôn nhân đồng tính, trợ cấp,…
Khi TP Kennedy từ chức và ông Kavanaugh được bổ nhiệm thay thế thì phe cấp tiến hốt hoảng sợ những cải cách xã hội của các tổng thống cấp tiến từ thời TT Kennedy, qua thời các TT Johnson, Clinton và Obama sẽ bị thu hồi, nhất là luật cho phá thai tự do. Kinh hoàng hơn nữa cho phe DC là họ sẽ phải chịu đựng sự ‘thống trị’ của khuynh hướng bảo thủ, ngăn chặn bước tiến của ‘văn minh cấp tiến’ của họ trong hai ba chục năm nữa, tức là trong nguyên một thế hệ.
Đó là chưa nói đến việc trong ngắn hạn, TP Kavanaugh có thể là người sẽ cứu TT Trump nếu ông này bị thưa kiện ra trước TCPV vì bất cứ chuyện gì. TP Kavanaugh trước đây là phụ tá cho công tố Kenneth Starr truy tố TT Clinton. Nhưng sau đó, ông làm phụ tá cho TT Bush và thay đổi lập trường, cho rằng sau khi làm phụ tá cho TT Bsuh thì ông khám phá ra trách nhiệm khổng lồ của một tổng thống và sự nguy hại của việc truy tố một tổng thống đương nhiệm. Do đó, quan điểm hiện nay của TP Kavanaugh là không truy tố tổng thống khi còn tại chức, mà phải đợi sau khi mãn nhiệm muốn truy tố gì thì truy tố. Đây dĩ nhiên là chuyện phe DC không chấp nhận vì họ muốn đảo chánh TT Trump càng sớm càng tốt qua việc truy tố về một tội nào đó.
Vì hậu quả của việc bổ nhiệm ông Kavanaugh đối với họ quá lớn, quá tai hại, nên phe DC chấp nhận trả mọi giá để cản cho bằng được ông Kavanaugh. Đó chính là lý do tại sao bà Ford được lôi từ trong nhà kho của 35 năm trước, chùi rửa rồi mang ra trình làng. Cho dù không bằng chứng hay nhân chứng cũng không sao, vì đây không còn là chuyện pháp lý, phải chứng minh tội lỗi gì hết, mà là chuyện chính trị, đánh là đánh, không cần lý do hay lý luận.
Ai cũng thấy chuyện bà Ford là chuyện vớ vẩn. Cả phe DC cũng thấy vậy khi bà TNS Feinstein nhìn nhận không chắc bà Ford đã nói thật, nhưng đây là cách cuối cùng không còn cách nào khác để cản ông Kavanaugh cũng như để chiếm đa số tại Thượng Viện. Họ hy vọng việc này sẽ khích động cử tri phụ nữ trước ngày bầu cử, khiến các nghị sĩ CH rét, phải chịu thua.
Phe CH hiểu rất rõ vấn đề nên bằng mọi giá tìm cách phê chuẩn ông Kavanaugh trước bầu cử. Không ai biết chắc kết quả bầu cử, nếu CH mất Hạ Viện không sao, nhưng mất Thượng Viện thì sẽ là đại họa cho CH vì phe DC sẽ bác bất cứ ai được TT Trump đề cử vào TCPV (hay bất cứ chức vụ nào khác) để rồi tất cả các quyết định của các tòa phá án liên bang, phần lớn do quan tòa cấp tiến của các TT Clinton và Obama nắm, sẽ có hiệu lực (chuyện này đã bàn qua tuần rồi).
CH hiện chỉ có đa số đúng 1 phiếu tại Thượng Viện. Chỉ cần 2 nghị sĩ CH ‘đào ngũ’ là ông Kavanaugh sẽ không được phê chuẩn. Hiện chỉ còn ba nghị sĩ CH với quan điểm chưa rõ rệt, đòi FBI điều tra trước; bù lại, cũng có ít ra là 3 nghị sĩ DC có thể bỏ phiếu thuận.
Trong câu chuyện TP Kavanaugh, vấn đề xin lập lại để mọi người nhìn cho rõ: chẳng liên quan gì đến cá nhân ông Kavanaugh hay cá nhân TT Trump, càng không liên hệ đến chuyện sex hay bảo vệ phụ nữ hay gì gì khác. Quý bà trước khi la hoảng cần nhìn cho rõ họ đang bị lợi dụng làm vũ khí đánh nhau thôi. Tất cả chỉ vì mục tiêu của đảng DC và TTDC là bảo vệ ý thức hệ cấp tiến bằng cách cản việc ông Kavanaugh trở thành thẩm phán TCPV thôi. Cản việc nước Mỹ rẽ qua hướng bảo thủ. Do đó, tất cả những tranh cãi về thủ tục pháp lý và lý luận phải trái, bằng chứng hay nhân chứng, đều bằng thừa. Đối với phe DC, mục tiêu tối hậu biện minh cho mọi phương tiện. Chấm hết.
Tin giờ chót: Ủy Ban Tư Pháp đã biểu quyết khuyến cáo việc phê chuẩn TP Kavanaugh, theo đúng làn ranh đảng phái, 11 thuận, 10 chống. Tuy nhiên, Thượng Viện đã yêu cầu TT Trump ra lệnh cho FBI điều tra thêm, với thời hạn cuối nộp báo cáo là Thứ Sáu 5/10 để TV có thể biểu quyết Thứ Ba 9/10. Một lần nữa, phe CH tháo lui, nhượng bộ phe DC, để cho FBI điều tra trước khi biểu quyết.
Quý độc giả nào nghĩ sau khi FBI điều tra và bạch hóa ông Kavanaugh, phe DC sẽ vui vẻ chấp nhận, biểu quyết phê chuẩn ông Kavanaugh, xin cho biết danh tánh. Kẻ này sẽ trân trọng tặng giải thưởng “Người ngây ngô nhất thế giới”.

VŨ LINH

ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG GÌ?

Câu trả lời cho tựa bài viết tuần này hiển nhiên: đảng DC là một trong hai chính đảng của đại cường Cờ Hoa, là đảng có quan điểm thiên tả, có thể gọi một cách nhẹ nhàng hơn, là ‘cấp tiến’. Là đảng tự nhận phục vụ người dân… thấp cổ bé họng, như dân nghèo, dân da màu, dân lao động và dân tỵ nạn.
TT Thiệu đã nói một câu để đời, có thể áp dụng vào rất nhiều chuyện. Kể cả áp dụng vào đảng DC Mỹ: đừng nghe những gì họ nói, mà hãy nhìn kỹ những gì họ làm.

Năm 1992, có bầu tổng thống giữa đương kim TT Bush (cha) và thống đốc Clinton. Tôi gặp một bà cụ tỵ nạn, hỏi bà có tính đi bầu không?
– Có chứ, mình phải đi bầu để bảo vệ quyền lợi mình chứ.
– Thế cụ tính bầu cho ai?
– Thì bắt buộc phải bầu cho Clinton chứ gì nữa. Bầu mấy thằng Cộng Hòa của tụi trắng kỳ thị, nó cắt hết tiền trợ cấp, có khi còn đuổi về VN nữa, có điên không?
Câu chuyện tóm gọn vài huyền thoại lớn mà nhiều ông bà tỵ nạn ta cho đến nay vẫn ôm cứng trong đầu. Trong mấy thập niên qua, đảng DC phải nói là đã được xây dựng trên một mớ huyền thoại, mười phần thì phịa hết bẩy tám. Kẻ này đã viết không biết bao nhiêu lần trước đây, bây giờ viết lại vẫn không thừa thãi vì những huyền thoại vẫn còn đó.

ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN NGHÈO?
Đây là hình ảnh quan trọng nhất, được nhiều người chấp nhận nhất. Nhưng cũng là huyền thoại lớn nhất. Nhìn vào thực tế thì thấy: các lãnh tụ DC như Obama, Clinton, Pelosi,… đều có gia tài bạc trăm triệu. Họ đều xuất thân bình thường như quý độc giả và kẻ này, đừng hỏi tại sao sau khi làm chính trị ‘phục vụ dân nghèo’, bây giờ lại giàu vậy. Ba thượng nghị sĩ giàu nhất Thượng Viện là Mark Warner, Richard Blumenthal, và Dianne Feinstein, đều thuộc đảng DC hết. Các đại tài phiệt giàu nhất Mỹ đều theo DC: Bill Gates, George Soros, Jeff Bezos, Warren Buffet, Mark Zuckerberg,…
Tại sao những người giàu nhất lại thường theo DC, ra vẻ tranh đấu cho dân nghèo, dân lao động? Một phần vì mặc cảm, một phần vì muốn che dấu những hoạt động kinh doanh, cách làm giàu mờ ám của họ.
Jeff Bezos, ông chủ của Amazon và Washington Post, là vua… giết tiểu thương và trung thương. Cách kinh doanh làm giàu của anh ta là giết hay nuốt các cơ sở thương mại bán lẻ nhỏ. Bill Gates là nhà từ thiện lớn nhất thế giới, nhưng anh ta đã làm giàu bằng những mánh mung kinh doanh xảo trá nhất mà Steve Jobs (Apple) đã từng vạch ra. Zuckerberg bán dữ liệu cá nhân của cả chục triệu người sử dụng Facebook cho các công ty nghiên cứu thị trường vì mục tiêu kinh doanh hay chính trị.
Trên căn bản, đúng là DC chủ trương giúp dân nghèo nhiều nhất, qua trợ cấp đủ loại, từ phiếu thực phẩm đến bảo hiểm y tế, trợ cấp đông con, tiền thất nghiệp, v.v… Những người nào mơ mộng những thứ này, nên ủng hộ đảng DC.
TT Obama đã hãnh diện khoe số người lãnh Medicaid, là bảo hiểm y tế của Nhà Nước cấp cho dân nghèo, đạt được kỷ lục cao nhất xưa nay. Một kỷ lục mà nhiều người hoan hô, nhưng là một tin đáng buồn hơn vui. Đúng vậy, trách nhiệm của người lãnh đạo là làm cho dân giàu nước mạnh, chứ không phải là làm sao cho càng nhiều người nghèo khổ, sống nhờ Nhà Nước càng tốt.
Trợ cấp trên căn bản là cần thiết, vì lý do nhân đạo, giúp những người kém may mắn và tránh bất ổn xã hội. Có những người thật sự có nhu cầu trợ cấp, Nhà Nước có tránh nhiệm giúp họ, chẳng ai trách gì họ. Nhưng nếu trợ cấp bị lạm dụng, nhiều người có thể tự lực cánh sinh nhưng vẫn lạm dụng trợ cấp, thì đó là những trường hợp khó thông cảm được.
Trợ cấp cũng có mặt trái: biến con người thành nô lệ. Một khi dính vào tròng trợ cấp, khó thoát ra, và càng ngày càng lệ thuộc trợ cấp, lệ thuộc vào đảng đã ban phát trợ cấp. Đâm ra ỷ lại vào trợ cấp, mất dần ý chí tự lập, sanh ra làm biếng luôn. Mà một khi đã lệ thuộc vào trợ cấp thì sẽ mãi mãi phải vật lộn với mức chi tiêu trong vòng trợ cấp, có nghiã là sẽ ngàn đời nghèo túng, không bao giờ có cơ hội khá hơn vì trợ cấp chỉ giúp sống qua ngày, không bao giờ giúp leo lên bực thang xã hội.
Đó có phải là phương thuốc lý tưởng nhất để giúp dân nghèo không? Tuyệt đối không! Cách giúp dân nghèo đúng nhất là giúp họ thoát ra khỏi vòng nghèo túng chứ không phải giam hãm họ trong vòng trợ cấp càng đông và càng lâu càng tốt.
Mà cách giúp hữu hiệu nhất là tạo công ăn việc làm qua tăng trưởng kinh tế, không phải qua tái phân phối lợi tức, chia lại những gì đang có, dựa trên việc tăng thuế nhà giàu chia lại cho dân nghèo. Nói cách khác, cần làm cho cái bánh lớn ra, tất cả mọi người đều có phần lớn ra, thay vì cứ giữ cái bánh như cũ rồi lo chia phần cho đều hơn. Trách nhiệm của Nhà Nước là bảo đảm khi chiếc bánh lớn ra thì phần của mỗi người, nhất là phần của người nghèo, cũng sẽ lớn ra, không bị mấy ông nhà giàu hay quyền thế cưỡng chiếm mất.
Trợ cấp đến một giới hạn nào đó là cần thiết và chính đáng. Nhưng thực tế chính trị ngày nay, đảng DC nhờ công của TT Obama, đã biến trợ cấp thành một hình thức hối lộ, mua phiếu cử tri không hơn không kém.
Sự khác biệt căn bản giữa CH và DC rất rõ ràng: CH tin ở tinh thần cầu tiến và khả năng thành đạt của cá nhân, giúp người nghèo tự mình vươn lên để thoát ra khỏi vòng nghèo túng, DC giúp người nghèo bằng cách lấy của nhà giàu chia lại cho người nghèo để họ mãi mãi thoi thóp trong nghèo túng, mãi mãi lệ thuộc vào trợ cấp và mãi mãi phải bầu cho DC. DC cho rằng dân ngu khu đen vĩnh viễn u tối, chỉ có lãnh đạo và công chức là ưu việt biết cách cứu nhân độ thế.

ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA TRỢ CẤP?
Trong lịch sử cận đại Mỹ từ sau Thế Chiến Thứ Hai, đã có 6 tổng thống DC và 6 CH, không kể TT Trump. Trong tất cả 6 ông CH, đã có 3 ông cắt thuế, nhưng không có một ông nào cắt một xu trợ cấp nào của bất cứ ai. Trái lại, ngoài TT Johnson, chỉ có một tổng thống duy nhất đã tăng trợ cấp một cách quy mô: đó là TT Bush con của CH, với trợ cấp Medicare Part D, Nhà Nước bồi hoàn tiền mua thuốc cho các cụ lãnh Medicare. Vậy chứ mỗi lần bầu cử tổng thống là bài ca con cá vàng “CH cắt trợ cấp” lại được ban hợp ca DC hát lên với dàn nhạc TTDC, như cái đĩa hát rè của thập niên 40. Vẫn có người nghe và tin.

ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN LAO ĐỘNG?
Theo cơ quan thăm dò Gallup, hai năm sau khi Obamacare ra đời năm 2010, một nửa số doanh nghiệp tiểu thương đã đóng băng không thuê thêm nhân viên, trong khi một phần năm doanh nghiệp nhỏ đã sa thải nhân viên. Năm 2014 là năm đầu tiên Obamacare được áp dụng trọn vẹn, cũng là năm đầu tiên trong lịch sử Mỹ mà số doanh nghiệp tiểu thương ‘âm thầm đóng cửa’ cao hơn số doanh nghiệp ‘tưng bừng khai trương’. Tỷ lệ thất nghiệp leo lên tới 10%. Năm đó cũng là năm DC thất bại nặng nề nhất lịch sừ bầu cử quốc hội giữa mùa.
Thất nghiệp không phải là ưu tư của đảng DC. Càng nhiều người thất nghiệp càng tốt vì họ sẽ phải lệ thuộc vào trợ cấp, bắt buộc phải bỏ phiếu cho DC.
DC là đảng cổ võ cho nghiệp đoàn vì nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi nhân công. Chỉ tiếc là coi vậy chứ chưa chắc đã là vậy.
Những người tỵ nạn thời 75 hẳn còn nhớ hai hãng máy bay lớn nhất Mỹ thời đó là Pan American Airline và Eastern Airline. Rất nhiều dân tỵ nạn thời mới qua, những năm sau 75, đã làm việc cho hai hãng đó. Cả hai hãng đều đã không còn nữa. Phá sản dưới thời TT Carter, tất cả nhân công bị sa thải hết, hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp khi đó. Tại sao? Vì chi phí lương nhân viên quá cao, không thể cạnh tranh được với mấy hãng máy bay không có nghiệp đoàn của các hãng nhỏ mới ra, hay hãng ngoại quốc. Lương cao là do kết quả tranh đấu của nghiệp đoàn. Nhìn cho kỹ, nghiệp đoàn chỉ có lợi ngắn hạn, trong cái nhìn thiển cận, nhưng đưa đến thảm họa phá sản trong đường dài.
Kỹ nghệ xe hơi của Mỹ cũng ở trong tình trạng tương tự. Không cạnh tranh nổi với Nhật, Hàn Quốc, và Âu Châu vì lương nhân công quá cao. Đáng lẽ đã xập tiệm nếu không có TT Bush và TT Obama bơm tiền vào cứu.
Nghiệp đoàn cũng đang tranh đấu đòi tăng lương tối thiểu lên tới 15 đô một giờ, và được đảng DC ủng hộ trong khi CH chống đối. Vấn đề phải nhìn cho kỹ.
Đối với những đại công ty như Wal-Mart (mà bà Hillary trước đây là thành viên Hội Đồng Quản Trị) mà các vị chủ tịch, tổng giám đốc lãnh lương bạc triệu hay chục triệu trong khi một số lớn mấy người bán hàng chỉ được làm bán thời, lãnh lương chết đói mà không có quyền lợi bảo hiểm y tế, nghỉ thường niên,… thì việc tăng lương tối thiểu cho nhân công là chuyện đáng làm và cần làm, nhưng lại không xẩy ra.
Nhưng đối với hàng triệu cơ sở kinh doanh tiểu và trung thương, tăng lương tối thiểu sẽ giết chết họ. Như cột báo này đã viết nhiều lần, thử hỏi ông chủ tiệm phở tại khu Bolsa, nếu bị bắt phải tăng lương tối thiểu lên 15 đô một giờ cho những người chạy bàn, rửa chén, quét dọn, thì ông sẽ phản ứng như thế nào? Vui vẻ tăng lương họ để rồi lỗ lã, phá sản? Hay là sa thải họ để đi thuê dân Mễ lậu, trả lương rẻ hơn? Như vậy tăng lương tối thiểu có giúp cho dân lao động tiểu thương không? Hiển nhiên là không. Cho dù đóng cửa hay sa thải đi thuê dân Mễ lậu thì kết quả là dân lao động Mỹ vẫn mất job, thay vì lương được lên 15 đô. Đó là quy luật kinh tế, không cần biết đảng nào đang nắm quyền.
Tăng lương tối thiểu không phải là giải pháp, chỉ có tăng trưởng kinh tế mới giúp mọi người khá hơn. Có tăng trưởng kinh tế thì tự động sẽ có tăng lương thực tế. Không có tăng trưởng mà chỉ muốn tăng lương thì mọi người sẽ mất việc, chưa kể sẽ có nạn lạm phát, đồng tiền mất giá để rồi tăng lương cũng như không.

ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ TÚP LỀU LỚN?
Túp lều lớn mang ý nghĩa đa dạng, bao dung, bình quyền, không kỳ thị, nhân ái… DC là đảng của đủ sắc dân, đủ tôn giáo, đủ khuynh hướng chính trị. Nghe quá hay.
Sự thật, cái lều DC bé như cái “lều chó con” -nói theo Hồng Y Dolan- chỉ chấp nhận những người cùng chia sẻ quan điểm cấp tiến. Một ông bảo thủ đắc cử tổng thống? ‘Not My President’, tìm đủ cách chống đối và lật đổ. Một nhà báo nói chuyện ‘phản động’ với sinh viên? Nhìn vào những bạo động tại đại học Berkeley thì biết. Bình quyền? Một thống đốc tuyên bố “All lives matter, not just black lives matter” bị bắt buộc phải xin lỗi và rút lời.
Đa dạng tôn giáo? ‘Phải đạo chính trị’ của DC là phải kính trọng … Hồi giáo như tôn giáo của hòa bình, nhưng cấm không được quảng bá Thiên Chúa giáo; cấm không được gọi khủng bố Hồi giáo là …’khủng bố Hồi giáo’, nhưng lại mau mắn gọi các sư Miến Điện là ‘khủng bố Phật giáo’.
Thế nào là nhân ái? Có phải là nhân đạo và bác ái không? Là quý trọng và bảo vệ mạng sống của con người không? Thế thì sao lại chủ trương phá thai tự do? Chỉ vì muốn bảo vệ quyền của phụ nữ ham vui thả giàn mà không muốn nhận trách nhiệm? Mạng của một bào thai không quan trọng bằng một đêm vui chơi thoải mái?
Rất ‘rộng rãi’ trong chính sách phá thai, nhưng lại chống đối kịch liệt án tử hình cho những tội đại hình. Sinh mạng của những bào thai vô tội có thể hủy tự do, nhưng sinh mạng của những tên tội đồ ghê gớm nhất thì lại phải bảo vệ bằng mọi giá.

ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN DA MÀU?
Nội chiến Nam Bắc Mỹ xẩy ra vì tổng thống Abraham Lincoln của đảng CH chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ da đen bị khối DC miền nam nước Mỹ chống lại.
Ngay cả cho đến thời các TT Kennedy và Johnson, lúc đầu mấy ông này cũng chống lại những tranh đấu của dân da đen đòi bình quyền. Cho đến khi miền nam đại loạn, biểu tình, chống đối nổi lên khắp nơi dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King thì TT Johnson bắt buộc phải nhượng bộ, ký luật nhân quyền, rồi đúng theo mô thức của chính trị gia, nhẩy ra vỗ ngực khoe công ‘giải phóng’ dân da đen! TT Johnson khi ký các đạo luật nhân quyền cho dân da đen cũng vẫn gọi họ là “mấy tên mọi” –f…cking niggers!
Ngày nay, DC là đảng được dân da màu ủng hộ thật. Một phần vì TT Johnson đã mang lại công bằng cho họ khi ra luật Civil Rights Act và Voting Rights Act (mở cửa cho việc ông Obama đắc cử tổng thống), nhưng đó là chuyện của nửa thế kỷ trước. Ngày nay dân da đen ủng hộ đảng DC chỉ vì là đảng ban bố trợ cấp rộng rãi nhất lịch sử Mỹ. Bất cứ ông bà nào ra tranh cử với danh nghiã DC sẽ được dân da màu (đen, nâu, vàng) nhiệt liệt ủng hộ ngay, vì trợ cấp.
Chính sách trợ cấp bừa bãi đã phá nát nền tảng gia đình trong khối dân da đen, khi hàng loạt phụ nữ không chồng mà vẫn đầy con nhờ Nhà Nước nuôi, chẳng biết đứa nào là con ai. Trong 10 đứa trẻ con da đen chạy long nhong ngoài đường, đã có 7 đứa không có bố chính thức. Đó có phải là chính sách ‘bạn’ với dân da đen không?
Trong vấn đề di dân bất hợp pháp cũng vậy, tất cả chỉ là chuyện đếm phiếu không hơn không kém. DC hô hào ân xá vì lý do nhân đạo, vì muốn bảo vệ trẻ con di dân, vì muốn di dân được đoàn tụ gia đình,… nhưng chỉ là ngụy biện thôi.
Trong hai năm 2009-2010, DC nắm Tòa Bạch Ốc, và kiểm soát cả thượng viện lẫn hạ viện, họ đã có thể ra luật ân xá toàn diện cả chục triệu di dân lậu. Nhưng họ không làm gì hết, vì đa số dân biểu nghị sĩ DC cũng không thực sự muốn ân xá. Hô hào ân xá bằng miệng thu được cảm tình và phiếu của cử tri gốc Mễ. Ân xá bằng luật thật sự sẽ mất hết phiếu của cử tri da trắng.

ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ BẠN CỦA DÂN TỴ NẠN VIỆT?

Đây là lập luận của những ông bà tỵ nạn Việt ủng hộ đảng DC. Nhiều dân HO nhớ ơn DC vì nghĩ TT Carter của DC đã là người mở rộng cánh tay đón HO vào Mỹ. Nhưng nhìn lại cho kỹ, coi dzậy mà hổng phải dzậy đâu, các cụ ơi.
Trước tiên, đảng DC là đảng đã bức tử VNCH, sau khi thanh toán TT Diệm để có thể áp đặt lính Mỹ vào miền Nam, để rồi vẫn thua VC, rồi ép TT Nixon phải bỏ miền Nam VN qua hàng loạt biện pháp khóa tay như cấm bành trướng chiến tranh qua Căm-Pu-Chia và Lào, cấm thả bom đường mòn Hồ Chí Minh, cắt giảm ngân sách, cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho Nam VN. Chuyện ‘Nixon bán đứng Nam VN cho Mao’ chỉ là chuyện đổ thừa chạy tội không có căn bản cũng chẳng hợp tình hay hợp lý mà cột báo này đã bàn quá nhiều lần.
Năm 1972, ứng cử viên tổng thống của đảng DC là George McGovern. Ông này chủ trương Mỹ rút quân ra khỏi Nam VN ngay lập tức, chỉ với một điều kiện duy nhất: CSBV trả lại tù nhân Mỹ. Chuyện miền Nam VN sẽ bị CSBV chiếm không phải là chuyện Mỹ phải thắc mắc hay điều đình gì hết. Năm 1975, ông McGovern kịch liệt chống việc TT Ford nhận dân tỵ nạn VN vào Mỹ. Cùng chống với ông, có hai tiếng nói hăng nhất là Jerry Brown, khi đó đã là Thống Đốc Cali và cựu PTT Joe Biden khi đó là thượng nghị sĩ.
Năm 1978 khi hàng triệu quân cán chính miền Nam còn chết dở sống dở trong tù cải tạo từ Cà Mau đến Sơn La, TT Carter, với hậu thuẫn của vài thượng nghị sĩ cựu quân nhân như John McCain, John Kerry,… gửi một phái đoàn qua Hà Nội thảo luận việc bỏ cấm vận và thiết lập bang giao nếu VC giúp tìm xác lính Mỹ. VC khi đó đang khủng hoảng kinh tế, trên bờ phá sản, lại cũng chuẩn bị đánh Căm-Pu-Chia và đối phó với Trung Cộng, nên ra giá sẽ cho phép Mỹ đến tìm xác lính Mỹ đổi lấy việc TT Carter nhận tù cải tạo qua diện HO, và nhận hàng vạn thuyền nhân bị VC trục xuất, để xả bớt ưu tư an ninh nội bộ (lo sợ chưa kiểm soát được khối quân cán chính ‘ngụy’, lo sợ dân Việt gốc Hoa nằm vùng cho TC) và gánh nặng kinh tế (bớt miệng ăn).
Những người nghĩ TT Carter đón nhận HO và thuyền nhân vì lý do nhân đạo, thương dân Việt, mang ơn Carter, chỉ là những người ngủ mơ. Ưu tiên của TT Carter là xác lính Mỹ để được bầu lại khi ra tái tranh cử. Nhận tù cải tạo và thuyền nhân là cái giá mà VC bắt TT Carter phải trả để VC cho phép tìm xác lính Mỹ.
Nhìn vào quan hệ Mỹ-Việt, ta thấy TT Carter là người đầu tiên bắc lại nhịp cầu với CSVN, TT Clinton là người thiết lập ngoại giao, bỏ cấm vận kinh tế với CSVN, cho CSVN gia nhập các tổ chức quốc tế, TT Obama là người bỏ luôn cấm vận quân sự với CSVN. Cả ba đều có chính sách thân thiện nhất với CSVN, và cả ba đều thuộc đảng DC. Dĩ nhiên, cả ba ông cũng đều lớn tiếng đòi nhân quyền cho VN. Chẳng có một kết quả cụ thể nào ngoài việc VC thỉnh thoảng thả một tù chính trị qua Mỹ cho Mỹ vui. VC thả một, bắt thêm một trăm.
Nhiều cụ tỵ nạn ta đã quên bẵng khối cấp tiến DC và TTDC đã là nguyên nhân lớn nhất khiến ta thua cuộc, phải vắt chân lên cổ bỏ xứ đi tỵ nạn, cũng quên luôn là đảng DC đã kịch liệt chống lại việc nhận chúng ta vào Mỹ năm 75.

Nói tóm lại, tất cả những chuyện Dân Chủ là đảng của dân nghèo, lao động, di dân, da màu, tỵ nạn, v.v… chỉ là những huyền thoại do đảng Dân Chủ tạo ra, rồi được truyền thông phe ta quảng bá. Nguyên tắc chỉ đạo của nghệ thuật tuyên truyền là cho dù là một điều không đúng sự thật, nhưng nói mãi cũng sẽ có người tin, càng về lâu về dài càng nhiều người tin.

VŨ LINH ( Diễn Đàn Trái Chiều)

JOHN McCAIN

Trong mấy ngày qua, TTDC và cả đảng DC xì xụp vái lạy và tung hô cố TNS John McCain như chưa bao giờ thấy. Những lời ca tụng ông này lên đến không phải 9 mà là 19 tầng mây.

Công bằng mà nói, ông McCain cũng đáng được ca tụng so với hầu hết các chính khách thời cơ hay tham nhũng của cả hai đảng. Riêng đối với dân VN như Diễn Đàn này đã viết nhiều lần, chúng ta không thể không nhớ ơn ông McCain, vừa trong tư thế một quân nhân đã chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam của chúng ta bất kể trong hoàn cảnh như thế nào hay vì lý do gì, vừa trong tư thế một thượng nghị sĩ uy quyền đã tranh đấu cho các cựu quân nhân của VNCH và gia đình được qua Mỹ định cư.

Cá nhân tôi rất tôn trọng và ghi ơn ông McCain trên hai vấn đề đó. Tôi có nhiều bạn được qua Mỹ nhờ ông McCain. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, tôi đã viết nhiều bài ủng hộ ông McCain và đã cực kỳ thất vọng khi thấy ông bị TNS Obama hạ.

Nhưng, những năm cuối đời của ông, ông đã khiến tôi thất vọng khi ông đã để cái ‘TÔI’ của ông che mờ những quyết định chính trị, nổi giận chống TT Trump, đả kích ông này hơn cả các ông bà trong đảng đối lập DC, và quan trọng hơn cả, đã để ý muốn trả thù cá nhân chi phối đến độ biểu quyết chống việc thu hồi Obamacare trong khi chính ông, trong lúc vận động tái tranh cử thượng nghị sĩ, năm 2016 đã khẳng định với cử tri sẽ chống Obamacare tuyệt đối và sẽ tìm mọi cách thu hồi nó, chưa kể khi ở Thượng Viện, ông đã nhiều lần biểu quyết thu hồi Obamacare. Chỉ vì thù ghét, muốn phá TT Trump, khi phải quyết định thực sự, lá phiếu cuối cùng của ông đã cứu sống Obamacare.

Một hành động ‘không đẹp’ khác: theo dặn dò của ông chồng trước khi qua đời, bà quả phụ Cindy McCain quyết định không cho mời bà Sarah Palin dự tang lễ. Mà cũng không mời luôn 3 phụ tá chính của ông trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, ông Steve Schmidt, giám đốc Ban Vận Động, ông John Weaver, cố vấn chiến lược, và bà Nicole Wallace, cố vấn. Trước đây, ông McCain đã công khai lên tiếng cho rằng đám phụ tá và nhất là bà Palin quá dở khiến ông thất bại, thua ông Obama.

Người hùng McCain đã thiếu can đảm để nhìn nhận hai chuyện:

– Trước cũng như sau khi lựa chọn bà Palin, không ai tin ông McCain sẽ thắng. Khi đó, ông là người hùng thật, nhưng là người hùng của một cuộc chiến mà giới trẻ không biết đến và giới già muốn quên đi. Ông thua không phải lỗi của bà Palin hay các phụ tá.

– Nếu bà Palin và đám phụ tá thật sự quá dở thì trách nhiệm là chính ông McCain khi đã chọn họ. Những quyết định quan trọng nhất của ông trước khi làm tổng thống đã là một chuỗi sai lầm thì khi ông làm tổng thống thật, ai biết được còn sai lầm lớn nào khác?

Nhỏ mọn hay không thì đó vẫn là những quyết định của ông McCain và gia đình, họ hoàn toàn có quyền. Ông McCain cũng chỉ là người bằng xương bằng thịt, nhiều đức tính và công trạng, nhưng cũng không thiếu sai sót.

Điểm đáng bàn là thái độ giả dối thô bỉ của phe cấp tiến và TTDC. Tất cả những lời ca tụng ông McCain mà ta đang nghe hay đọc trên TTDC, những lời ca tụng đó ở đâu khi ông McCain tranh cử tổng thống chống lại ‘Đấng Tiên Tri’ năm 2008?

Khi đó, những báo lớn như Washington Post và New York Times, và nhất là đài CNN, đã không tiếc lời thoá mạ ông McCain như là ‘chó con’ –lapdog- của Bush, là kỳ thị chủng tộc, là thiên hữu cực đoan, là phát xít, là già lú (vì đã lựa bà Sarah Palin đứng cùng liên danh), là diều hâu hiếu chiến (vì muốn đánh mạnh Iraq và Afghanistan), là đầy thành kiến phe đảng, là tham nhũng có quan hệ mật thiết với các tài phiệt trong vụ án Keating Five (quý độc giả muốn biết thêm, có thể vào Google truy cứu), là ‘tù binh giả’ (“phony POW”) vì đã hợp tác với CSBV khi bị tù, là bất nghĩa khi bỏ bà vợ tàn phế đã chờ ông bao nhiêu năm để lấy bà vợ vừa giàu, vừa trẻ đẹp, vừa có nhiều quan hệ chính trị có thể giúp sự nghiệp chính trị của ông, là đủ thứ đáng khinh ghét.

Don Lemon, anh phóng viên da đen của CNN hiện nay suốt ngày mạt sát TT Trump, khi đó tố ông McCain là “người đã tạo ra một không khí kỳ thị và hận thù”. Bây giờ, thì cũng chính anh Lemon này suốt ngày thổi ông McCain lên mây.

Theo một nghiên cứu của trung tâm Pew Research, tin tức và bình luận khi đó có cảm tình với McCain chỉ là 14%, còn 86% đả kích hay bất lợi, chỉ hơn TT Trump hiện nay một chút.

Bây giờ cũng chính cái TTDC đó ca tụng ông McCain lên mây, tuyệt hảo hơn một ông Thánh, quên hết những sỉ vả trước đây.

Ca tụng là chuyện bình thường với người quá cố, nhưng trong trường hợp ông McCain, đã mang thêm ý nghĩa khác mà không ai không thấy: dùng ông McCain để đánh xéo Trump. Một cách ghi ơn không thật lòng mà chắc ông McCain sẽ buồn nhiều hơn vui.

FBI MÁNH MUNG

Một dân biểu CH, ông Mark Meadows đã cho biết một viên chức FBI, Jonathan Moffa trong cuộc điều trần trước Hạ Viện, đã nhìn nhận FBI dưới thời ông Comey đã xì tin mật ra cho báo chí, rồi dựa trên tin do báo đăng, xin trát tòa FISA để điều tra về ban vận động tranh cử của ông Trump. Ông Moffa cho biết khi đó, FBI xì tin mật cho báo chí là việc làm bình thường mỗi khi có nhu cầu.

Ông Moffa khi đó làm việc cùng với ông Strzock là nhân viên FBI mới bị sa thải, trong vụ điều tra về emails của bà Hillary rồi sau đó được chuyển qua điều tra về vụ Hồ Sơ Nga.

Một nguồn tin FBI đã cải chính tin này, cho rằng việc xì tin mà ông Moffa nói không liên hệ trực tiếp đến trát tòa FISA, và việc xì tin cũng không phải là việc thông dụng.

Ông Meadows không nói rõ FBI đã xì tin gì và lấy trát tòa điều tra ai. Điều này hiển nhiên các dân biểu trong Ủy Ban điều tra biết rõ hơn.

Trong vụ lộn xộn này, còn rất nhiều chuyện mà chúng ta không biết, trong khi TTDC tìm cách dấu dùm tội của đám Nhà Nước Ngầm khi đó tìm đủ cách hại ông Trump, giúp bà Hillary.

MỸ THỎA HIỆP VỚI MEXICO

Chính phủ Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mexico về việc hủy bỏ Hiệp Ước NAFTA để thay thế bằng một hiệp ước khác, công bằng hơn cho Mỹ.

Có vài chi tiết đã được công bố tuy còn nhiều điều khoản khác chưa bàn xong, trong đó có những chi tiết về thuế quan đánh trên thép và nhôm, có thể vì có liên quan nhiều đến Canada nên phải bàn tiếp với Canada. Đại cương thì

– 75% trị giá các bộ phận xe ráp tại Mexico phải xuất phát từ Bắc Mỹ Châu (tức là từ Mỹ);

– 40% đến 45% việc ráp xe phải được thực hiện bởi các nhân công lãnh lương tối thiểu 16 đô một giờ (tức là lương tương đương với lương Mỹ để tránh việc chuyển job từ Mỹ qua Mễ);

– Không tăng thuế quan trên các sản phẩm canh nông trao đổi giữa Mỹ và Mễ.

Việc làm tới là Mỹ và Mễ đều phải có thỏa hiệp mới với Canada thì việc thay thế NAFTA mới được hoàn tất.

Việc thương lượng lại NAFTA do con rể của TT Trump, ông Jared Kushner âm thầm điều đình từ nhiều tháng nay. Nếu chuyện này thành công thì sẽ là một thắng lợi lớn của TT Trump trong kế hoạch tìm những thỏa ước thương mại quốc tế công bằng hơn cho Mỹ. Đây là loại chiến thắng sẽ bảo đảm TT Trump tiếp tục được hậu thuẫn mạnh của giới lao động Mỹ và sẽ là nhức đầu lớn cho đảng DC. TTDC dĩ nhiên đã đăng tin thỏa hiệp với Mexico một cách rắt ngắn gọn cho có thôi.

KINH TẾ MỸ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG

Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tại Atlanta đã tiên đoán tăng trưởng kinh tế có thể sẽ lên tới 4,6% trong tam cá nguyệt 3 của năm nay. Mức tăng trưởng của các đầu tư vào máy móc kỹ nghệ được dự đoán sẽ lên tới mức kỷ lục 7,5%, là chỉ dấu việc các công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào khu vực kỹ nghệ.

Những mức tăng trưởng kỷ lục này không phải là không có mặt trái: Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kềm hãm nguy cơ lạm phát vì tăng trưởng quá nhanh.

Trong khi đó, một văn phòng nghiên cứu kinh tế đã cho biết ‘chỉ số tin tưởng vào tương lai’ của giới tiêu thụ đã leo lên mức cao nhất từ 18 năm nay. Chỉ số này được tính dựa trên nhiều yếu tố, trong đó ‘khả năng có thể tìm được việc làm dễ dàng’ là yếu tố chính, và ‘khả năng của giới tiêu thụ có thể mua các sản phẩm lớn’ [đắt như xe, tủ lạnh, máy lạnh,…] là yếu tố quan trọng khác.

Theo một thăm dò mới, 83% các doanh gia nhận định kinh doanh chưa khi nào tốt đẹp như hiện nay, trong khi 76% tin tưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Thị trường chứng khoán tiếp tục leo thang mạnh, với Dow Jones vượt qua mức 26.000 và Nasdaq qua khỏi mức 8.000 điểm. Cả hai đều là những kỷ lục chưa bao giờ thấy. Chứng minh các nhà đầu tư đã chẳng quan tâm một ly nào về những ‘đại họa’ và ‘tận thế’ của TT Trump mà TTDC đang hô hoán.

Việc này có lẽ giải thích rõ ràng một thăm dò mới của đài TV phe ta CBS. Theo một chuyên gia thăm dò của CBS, ông Anthony Salvanto, ‘cơn thủy triều xanh’ tràn ngập cuộc bầu quốc hội cuối năm nay [ý nói DC sẽ đại thắng] là điều khó có thể xẩy ra.

Nhớ lại TT Obama đã từng lớn tiếng tuyên bố “Thời đại của tăng trưởng kinh tế trên 2% đã qua rồi, nước Mỹ sẽ không bao giờ thấy được mức tăng tưởng này nữa”. Bây giờ thì trên 4% là chuyện bình thường. Thế mà không ít người vẫn nằng nặc cho rằng tăng trưởng kinh tế hiện nay là ‘thành quả lâu dài’ của chính sách kinh tế của Obama.

Ta thử tưởng tượng nếu kinh tế bây giờ bị trì trệ xem mấy vị này có dám nói đó là ‘thành quả lâu dài’ của Obama không? Tiêu chuẩn của họ: tốt là của Obama hết ráo, xấu là tại … một vạn lý do không dính dáng gì đến Obama hết.

PHỤ TÁ CỦA BÀ HILLARY VÀ MUELLER

Cuộc điều tra của công tố Mueller bị phe TT Trump chống trong khi phe cấp tiến hoan nghênh là điều dễ hiểu. Cái đáng nói là cuộc điều tra đã gây tranh cãi ngay trong đám cận thần và phụ tá của TT Clinton và bà Hillary.

Phe hợp tác hay hoan nghênh ông Mueller đáng nói nhất là LS Lanny Davis đang bênh vực LS Cohen của ông Trump. Ông Davis trước đây là luật sư biện hộ cho TT Clinton trong vụ công tố Kenneth Starr điều tra về vụ Whitewater và Monica, sau đó làm cố vấn trong ban vận động tranh cử tổng thống của bà Hillary; bây giờ là LS biện hộ cho ông Cohen, tìm đủ cách giúp công tố Mueller đi vồ ông Trump, có vẻ như là hành động trả thủ dùm bà Hillary đã thất cử.

Các phụ tá của nhà Clinton bây giờ đả kích ông Mueller cũng không phải là những người nhẹ ký gì.

Đứng đầu là giáo sư luật của đại học Harvard, Alan Dershowitz, luôn luôn viết báo và lên TV đả kích ông Mueller đã lạm quyền, tố cáo TT Trump những chuyện vô lý, chẳng có gì là vi phạm luật lệ hết. Ông Dershowitz là DC kỳ cựu, cấp tiến nặng, rất thân cận với TT Clinton trước đây.

Thứ nhì là ông Mark Penn, trước đây là cố vấn chuyên làm thăm dò dư luận và thống kê cho ban vận động tranh cử của bà Hillary. Ông Penn cũng không tiếc lời đả kích công tố Mueller đã đi quá xa. Ông này cũng tố giác việc bắt các ông Manafort và Cohen rõ ràng là cách ông Mueller giăng bẫy để vồ Trump, chứ những tội của hai ông này chẳng liên hệ gì đến việc Trump ‘thông đồng’ với Nga hay cản trở công lý.

Ông thứ ba mới nhất là LS nặng ký Bob Bennett, là người đã biện hộ cho TT Clinton trong vụ bà Paula Jones thưa kiện vì xách nhiễu tình dục, đưa đến vụ điều tra cô Monica và đàn hặc. Ông Benneth còn đi xa hơn hai ông trên: ca tụng thẩm phán Kavanaugh hết lời.

TTDC TIẾP TỤC XUYÊN TẠC

Báo phe ta Washington Post đăng bài, chỉ trích việc một số ‘công dân Mỹ’ đi Mexico về bị chặn tại biên giới để truy cứu thông hành vì nghi là thông hành giả hay thông hành cấp dựa trên giấy khai sinh giả. Ý muốn tố TT Trump tìm cách trục xuất dân gốc Mễ dù là đã có quốc tịch Mỹ.

Việc chặn xét thông hành có nguyên nhân rõ rệt. Chính phủ Mỹ biết rất nhiều bác sĩ và nữ hộ sinh sống trong những vùng sát biên giới thường bán giấy khai sinh giả, chứng nhận đã sanh trên đất Mỹ để đứa trẻ tự động được quốc tịch Mỹ. Do đó, phải chặn xét để kiểm tra.

Điều WaPo không viết ra là việc tra xét này đã có từ hồi nào đến giờ, ít ra cũng từ thời TT Johnson chứ không phải là biện pháp do TT Trump mới chế ra. Trái lại, theo thống kê chính thức của bộ Ngoại Giao, con số di dân bị bắt vì thông hành giả hiện đang ở mức thấp nhất.

Cách đây ít năm, dưới thời TT Obama, WaPo cũng đã viết bài về vấn đề này và ca tụng việc chính quyền lùng bắt di dân lậu với thông hành và giấy khai sanh giả, cũng như việc lùng bắt bác sĩ và nữ hộ sinh.

Thế mới thấy cái gian trá một chiều của TTDC. Cùng một việc làm, dưới thời Obama thì được ca tụng, dưới thời Trump thì bị chỉ trích. Cụ nào giải thích được, kẻ này xin tình nguyện tiếp tay phổ biến cho thiên hạ biết.

WaPo cũng đã mở ra mục mới, chuyên kiểm tra dữ kiện –fact check- các quảng cáo chính trị của các ứng cử viên quốc hội của CH. Cũng là chuyện tốt, giảm được các quảng cáo phịa của các chính trị gia. Vấn đề là tại sao WaPo lại chỉ kiểm tra các ứng cử viên CH, mà lại không kiểm tra các ứng cử viên DC?

KINH TẾ KEYNESIAN VÀ OBAMA

Cách đây ít lâu, đã có bài viết về Kinh Tế Obama-Trump trên Diễn Đàn này hồi đầu tháng 8 vừa qua. Một vị nhân sĩ đã ‘phản ứng’ bằng cách chuyển lại một bài viết bằng tiếng Anh về “Kinh Tế của Keys”, Keynesian economics, được gọi là chính sách kinh tế mà TT Obama đã ‘ứng dụng’.

Phản ứng này thật ra hết sức quan trọng và hữu dụng để hiểu thêm vấn đề kinh tế rất phức tạp của Mỹ. Nhân dịp này, tôi xin bổ túc thật vắn tắt để quý độc giả của DĐTC hiểu rõ hơn.

Keynesian economics là kinh tế theo lý thuyết của John Maynard Keynes (không phải Keys). Ông Keynes là một đại lý thuyết gia kinh tế người Anh, có thể nói là tác giả của sự phục hồi kinh tế của Âu Châu ngay sau Đại Chiến Thế Giới Thứ Nhì chấm dứt.

Khi đó dĩ nhiên có nhu cầu tái thiết. Vấn đề là cả Âu Châu là đống gạch vụn, chẳng còn ai có tiền, cũng chẳng còn bao nhiêu nhà máy hãng xưởng hoạt động ngoài hãng xưởng của Anh Quốc. Việc tái thiết chỉ có thể thực hiện được qua nỗ lực của Nhà Nước. Nhà Nước sẽ đứng ra lập hãng xưởng, tạo dự án để cung cấp việc làm cho cả nước. Chi phí sẽ do Nhà Nước gánh chịu bằng bội chi ngân sách và công nợ. Nhà Nước sẽ mắc nợ ngập đầu và ngân sách bị thâm thủng rất nặng. Nhưng ông Keynes biện giải tất cả chỉ là khó khăn nhất thời, vì sau đó, kinh tế sẽ sống lại, sẽ có tăng trưởng mạnh, Nhà Nước sẽ thu thuế lại để lấp bội chi cũng như trả nợ. Ông Keynes tính toán rất đúng và Âu Châu đã phục hồi, nhất là với sự trợ giúp của Kế Hoạch Marshall của Mỹ, bơm 100 tỷ đô (tính theo đối giá tương đương với năm 2106). Sách lược này được coi như là nền tảng của chính sách kinh tế Nhà Nước Vú Em của khối cấp tiến.

Sau này, chính sách này được cải sửa ít nhiều cho hợp với thế kỷ 21, được gọi là kinh tế neo-keynesian, hay là tân-keynesian.

TT Obama áp dụng chính sách kinh tế tân-keynesian này, và kết quả là đã thất bại.

Ông cho ra luật kích cầu kinh tế, dựa trên việc Nhà Nước tung ra khoảng 800 tỷ tiền các dự án đủ loại, nhằm giúp tạo công ăn việc làm. Vài tháng sau khi luật được ban hành, tỷ lệ thất nghiệp thay vì giảm mạnh như TT Obama hứa, đã vọt từ 6% lên tới 10% và khựng tại đây trong hơn 5 năm trời trước khi suy giảm. Kinh tế có phục hồi, nhưng là cuộc phục hồi yếu và chậm nhất lịch sử, theo CNN.

Tại sao thất bại? Vì nhiều lý do từ thực tế đến lý thuyết. Đại khái:

– Việc xử dụng số tiền đó là một sai lầm vĩ đại, vì phần lớn bị xẻ nát ra phân tán cho 50 tiểu bang vì nhu cầu chính trị, một cách ‘hối lộ’ các dân biểu và nghị sĩ để họ biểu quyết thuận cho luật kích cầu. Đã vậy một số lớn được chi cho những dự án vớ vẩn mà phe cấp tiến coi trọng như… trồng hoa các nhà tù, các nghiên cứu khoa học cực kỳ tốn kém mà kết quả cụ thể chẳng bao nhiêu, và nhất là tài trợ các khoản trợ cấp xã hội và tiền thất nghiệp trong mục tiêu tái phân phối lợi tức (ưu tiên số một của TT Obama), không giúp gì cho tăng trưởng kinh tế hay tạo công ăn việc làm.

– Kinh tế Mỹ cũng chẳng có gì để tiêu xài. Dự án lớn nhất có thể làm được là nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, nhà máy điện nước,… (là việc TT Trump đang muốn làm) thì tốn quá nhiều tiền, hơn xa mức được TT Obama cung cấp. TT Obama sau đó đã tuyên bố một câu để đời, đại khái là “chúng ta đã không tìm ra được những dự án sẵn sàng để dùng xẻng cuốc” (We couldn’t find enough shovel-ready projects).

– Kinh tế Âu Châu sau Thế Chiến là con số không, chỉ có Nhà Nước, qua viện trợ ào ạt của Mỹ là có tiền và có phương tiện. Kinh tế Mỹ thập niên 2010 dù khủng hoảng, vẫn là nền kinh tế thị trường cực kỳ lớn và hùng mạnh. Tám trăm tỷ chỉ là muối bỏ biển, chẳng có một tác dụng nào hết, trong khi các tác nhân thực tế của kinh tế Mỹ là hàng triệu doanh gia chứ không phải là một ông Nhà Nước. Và các doanh gia này đều lo âu trước viễn tượng bị đóng thuế nặng hơn, nên lo gửi tiền ra ngoài nước chứ không đầu tư mở mang hãng xưởng. Ngay khi đó, rất nhiều kinh tế gia cấp tiến đã chỉ trích TT Obama rất nặng vì cho luật kích cầu đó chỉ là chuyện màu mè chính trị. Nếu muốn có kết quả thật phải chi ra cỡ năm bẩy lần số tiền đó và tập trung vào một số dự án lớn rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà TT Obama đã đánh giá sai: kinh tế Mỹ quá lớn để có thể áp dụng thuyết Keynesian một cách nhỏ giọt.

Kinh tế bảo thủ của TT Trump giảm thiểu vai trò Nhà Nước tối đa, chỉ lấy những biện pháp gián tiếp như ấn định thuế suất hay lãi suất, giảm thiểu các thủ tục luật lệ kinh doanh để ‘cởi trói’ cho các doanh gia. Nhà Nước không tung một xu nào ra để kích cầu kinh tế. Khác một trời một vực với kinh tế tân-keynesian. Những người nói kinh tế hiện hữu là thành quả lâu dài của kinh tế Obama là những người không biết gì về kinh tế, chỉ bàn góp theo tính phe đảng ngớ ngẩn.

VŨ LINH ( Diễn Đàn Trái Chiều)

(Trong phạm vi giới hạn của bản Tin Vắn, DĐ này không thể phân tích chi tiết hơn)

CÁC VỤ ÁN MANAFORT VÀ COHEN

Tuần qua, TTDC đã mở tiệc liên hoan ăn mừng cái mà họ gọi là “thảm họa” cho TT Trump, sau khi hai cộng sự viên của ông bị kết tội.
Ông Paul Manafort, cựu giám đốc Ủy Ban Tranh Cử của ông Trump bị một bồi thẩm đoàn kết án 8 tội, trong khi ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, thú nhận vi phạm 8 tội khác.
Ta thử xem lại câu chuyện.

Mỗi lần có tin xấu là y như rằng, TTDC hý hửng loan tin với những danh từ như “worst day”, “most terrible day”, “beginning of the end”,… Các cụ tỵ nạn hý hửng thông ngôn ngay “ngày thảm họa”, “ngày đại nạn”, “ngày tàn đã điểm”,… Nếu kẻ này nhớ không lầm thì tất cả đều đã được thấy nhan nhản trên báo Mỹ từ ngày ông Trump đọc bài diễn văn chửi di dân lậu Mễ khi ra mắt để tranh cử tổng thống mùa hè 2015, cách đây cũng ba năm hơn.
Nếu ta tin vào TTDC thì ông Trump đã đối diện với tận thế cả trăm lần. Xin liệt kê một vài thí dụ nhé:
– Ngày ông bị khui ra đã bốc phét về chuyện ‘chụp bướm’ với một nhà báo.
– Ba lần ông tranh luận với bà Hillary trên TV.
– Một ngày trước ngày bầu cử khi New York Times khẳng định bà Hillary có 98% hy vọng đắc cử.
– Ngày ông tuyên thệ nhậm chức khi nửa triệu phụ nữ xuống đồng chống.
– Ngày tướng Michael Flynn bị ép từ chức.
– Ngày ông sa thải giám đốc FBI Comey.
– Ngày công tố Mueller được bổ nhiệm.
– Ngày ông so sánh nhóm thượng tôn da trắng với nhóm Antifa.
– Ngày ông bắt tay với Putin tại Helsinki.
– Ngày cô Omarosa lên TV tố ông kỳ thị.
Còn nhiều lắm, nhưng xin quý vị tha lỗi diễn đàn này không đủ chỗ để liệt kê ra hết.
Tin bất lợi nào cũng được biến thành tin cực xấu. Tin xấu nào của Trump cũng được hóa phép thành tận thế, cho tới vài hôm sau lại một đại họa mới, rồi lại tận thế khác. Ba năm tận thế rồi mà vẫn chưa… tận thế. Các cụ tỵ nạn cứ kiên nhẫn chờ nhé.
Trở lại câu chuyện hai ông Manafort và Cohen, đây là hai vụ án hoàn toàn khác biệt, không liên hệ gì với nhau tuy cả hai đều dính dáng đến TT Trump.

VỤ MANAFORT

Mùa xuân 2016, ứng cử viên Donald Trump bất thình lình nổi lên như cồn, có triển vọng thắng cử trong cuộc chạy đua trong nội bộ đảng CH để ra tranh cử tổng thống. Ủy ban vận động của ông Trump lớn như thổi, cần có văn phòng tại cả mấy chục tiểu bang và nhất là cần sự điều động và phối hợp chặt chẽ của một chuyên gia có kinh nghiệm. Ông Trump nhìn qua nhìn lại quanh mình chẳng thấy ai hết. Chung quanh toàn là các doanh gia đầy kinh nghiệm doanh thương, nhưng về chính trị, nhất là chính trị tranh cử tổng thống trên tầm mức quốc gia thì chẳng có một người nào hết.
Qua sự giới thiệu của một ‘cố vấn’, ông tìm ra được ông Paul Manafort. Ông này là chuyên gia tổ chức sinh hoạt chính trị từ hơn 30 năm nay, đã từng hợp tác với các ủy ban vận động của các ứng cử viên CH từ thời TT Reagan. Đã vậy, lại có quan hệ rất rộng rãi với giới chính khách Hoa Thịnh Đốn, CH và cả DC, cũng như các giới ngoại giao. Ông Manafort được mời tham gia với tư cách cố vấn trong Ủy Ban Vận Động Tranh Cử cho ông Trump tháng Ba, 2016. Sau một tháng, được bổ nhiệm làm giám đốc. Chỉ vỏn vẹn có hai tháng sau, tháng Sáu, sau khi ông Trump biết được ông Manafort đã từng nhận bạc triệu đô của Ukraine, ông Trump mau mắn sa thải ông Manafort ngay, bổ nhiệm ông Steve Bannon thay thế.
Đó là ‘lịch sử’ quan hệ giữa ông Manafort và ông Trump, trong khi TTDC cố gắng tô vẽ ông Manafort như là một cận thần lâu năm, đồng lõa đủ thứ tội với ông Trump. Mục đích là cài kết hai ông vào với nhau để tố một người có tội là đương nhiên người kia cũng có tội lây. Tiếng Mỹ gọi là guilty by association.
Nhắc lại chuyện xưa, TT Clinton bị dính dáng vào cả chục vụ xì-căng-đan nhưng vẫn chẳng mất chức, dù có tới hơn 40 đàn em vào tù. TT Trump còn thua xa. Chưa ai đi tù.
Ông Manafort bị công tố Mueller chụp bắt, đưa ra tòa truy tố về 18 tội. Tất cả đều là những tội liên quan đến doanh thương hay làm việc cho khối áp lực Ukraine cách đây hơn một chục năm. Cả thế giới đều nhìn thấy rõ điều mà quan tòa xử vụ ông Manafort đã nói huỵch tẹt ra: “các ông [luật sư của ông Mueller] thật ra chẳng cần biết ông Manafort đã phạm tội gì, chỉ là cố bắt được ông Manafort để ép ông ta khai báo tội của Trump thôi”. Ngay cả trong vụ xử ông Manafort, một bà trong bồi thẩm đoàn đã nhìn nhận họ thấy rõ tính toán ‘truy lùng phù thủy’ của ông Mueller, nhưng vẫn đành phải kết tội ông Manafort vì ông này có tội thật.
Bồi thẩm đoàn của phiên xử ông Paul Manafort đã tuyên án ông này phạm 8 tội, gồm có 5 tội khai gian thuế, một tội không khai trương mục ngân hàng tại ngoại quốc (Ukraine), và hai tội chuyển tiền bất hợp pháp qua ngân hàng. Một chục tội còn lại đã không đạt được sự nhất trí của bồi thẩm đoàn nên coi như không bị kết tội.
Chưa rõ chừng nào thì quan tòa mới tuyên án. Chỉ biết việc tuyên án này sẽ giúp công tố Mueller áp lực, ép ông Manafort phải hợp tác, tố Trump chuyện gì đó, hy vọng nhẹ án hơn. Ngược lại, cũng có thể ông Manafort sẽ bất hợp tác mạnh hơn để hy vọng được TT Trump ân xá. Ai biết được họ tính toán những chuyện gì trong hậu trường? TT Trump ngay sau vụ kết án này, đã công khai ca tụng ông Manafort, khiến TTDC đoán mò TT Trump có ý định ân xá cho ông Manafort.
Tội của ông Manafort khá nặng, theo các chuyên gia, có thể bị tù tổng cộng tới 80 năm nếu chống án thất bại, hay nhẹ nhất cũng hai ba chục năm. Ông Manafort năm nay 69 tuổi, tương lai bóc lịch đến chết. Dĩ nhiên là câu chuyện chưa kết thúc. Quan tòa chưa tuyên án và ông Manafort tất nhiên sẽ kháng cáo, chưa biết tới cấp nào, biết đâu sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện và sẽ kéo dài cả năm trời? Hay có khi TT Trump sẽ ân xá?
Vụ án Manafort có ảnh hưởng như thế nào với TT Trump? Câu trả lời là ‘zero’! Bất kể TTDC khua phèng la cỡ nào. Tội của ông Manafort có thật, đến độ ông Trump khi vừa nghe đến đã vội vã sa thải ông này ngay. Nhưng những tội đó tuyệt đối chẳng dây dưa rễ má gì đến TT Trump hay cuộc vận động tranh cử năm 2016, hay việc thông đồng với Nga là mục tiêu thực sự của cuộc điều tra của công tố Mueller.
Thế thì tại sao TT Trump có ý định ân xá? Đó là vì TT Trump là người rất coi trọng lòng trung thành của bạn bè, đồng nghiệp và cộng sự viên. Ông Manafort từ ngày bị sa thải, qua những ngày bị công tố Mueller rượt đuổi, cho đến bây giờ bị bồi thẩm đoàn kết án, đã không hề tuyên bố bất cứ một câu nào bất lợi cho TT Trump, không hợp tác gì với ông Mueller. Đó là điều TT Trump coi rất trọng. Ân xá ông Manafort cũng là một thông điệp cho tất cả những ai khác có thể bị ông Mueller rượt bắt.

VỤ COHEN

Không biết là cố tình vì thiếu lương thiện, hay vô tình vì u mê, một cụ tỵ nạn đã viết “Trump thuê luật sư Cohen để biện hộ cho ông ta”.
Trước hết, TT Trump chưa bị ai kết án bất cứ tội gì hết nên chẳng có gì để phải được biện hộ hết.
Sau đó, ông Michael Cohen đã là luật sư riêng của ông Trump từ hơn 20 năm qua, không phải mới được “thuê” để “biện hộ” cho ông Trump trong vụ công tố Mueller điều tra. Ông Cohen cũng chẳng là luật sư biện hộ bất cứ chuyện gì hết. Ông là loại luật sư cố vấn pháp luật, lo thủ tục giấy tờ cho các vụ giao dịch doanh thương của ông Trump, cũng như giúp giải quyết những tranh chấp pháp lý, đề nghị phương cách giải quyết hay đi thuê luật sư cho ông Trump. Hầu hết các đại gia Mỹ đều có loại luật sư cố vấn riêng này, không phải chỉ một luật sư mà có khi nguyên một văn phòng luật sư.
Với tư cách cố vấn pháp luật đó, ông Cohen là người biết rất rõ tất cả những giao dịch doanh thương, xã giao, chính trị, hay bất cứ gì khác của ông Trump từ mấy chục năm nay, kể cả việc trả tiền chơi gái. Đó chính là cái lý do quan trọng nhất công tố Mueller rình bắt ông Cohen.
Cái tội của ông này là ngoài việc làm cố vấn pháp luật cho ông Trump, cũng đã có rất nhiều giao dịch riêng tư với nhiều thân chủ khác. Ngoài ra, ông Cohen cũng thuộc loại ma giáo, mánh mung kiếm tiền cho mình bằng nhiều cách bất chính, đặc biệt là trốn thuế. Dù sao, những việc này cũng chẳng liên quan sơ múi gì đến ông Trump là một thân chủ như những thân chủ khác thôi. Nhưng là một thân chủ mà ông Mueller đang rình bắt.
Lấy một ví dụ dễ hiểu: quý vị có một vị bác sĩ riêng từ nhiều năm nay. Vị bác sĩ này bị bắt về tội khai gian Medicaid chẳng hạn, chuyện này chẳng liên quan gì đến quý vị hết, đúng không? Thế thì tại sao quý vị phải thắc mắc? Tại vì có người đang muốn biết quý vị có bị bệnh gì hay không và ông bác sĩ đó là người biết rõ chuyện này hơn ai hết. Thộp cổ ông bác sĩ này để bắt ông ta khai quý vị có bệnh gì hay không, đó là toàn bộ câu chuyện vụ án Cohen.
Ông Micheal Cohen bị công tố Mueller truy tố không rõ bao nhiêu tội và những tội gì. Chỉ biết ông sợ hãi đến độ điều đình và nhìn nhận đã phạm 8 tội, 6 tội trốn thuế và 2 tội vi phạm luật tài trợ bầu cử mà theo ông Cohen, ông đã làm theo chỉ thị của ông Trump. Tất cả cũng chẳng có tội nào liên quan đến chính trị, hay ‘thông đồng’ với Nga. Chấp nhận đi tù từ 3 đến 5 năm đổi lấy việc miễn tố nhiều tội khác cũng như đổi lấy việc hợp tác với công tố Mueller, ‘thành thật khai báo’ với ông Mueller tất cả những gì ông biết về ông Trump.
Việc công tố Mueller miễn tố nhiều tội lớn của ông Cohen hiển nhiên là bằng chứng cụ thể nhất ông Cohen chỉ là con mồi để ông Mueller đi bắt con tôm hùm Trump thôi. Ông Mueller cũng đã miễn tố nhiều người khác như ông chủ nhiệm báo National Enquirer, ông Giám Đốc Tài Chánh của Trump Organization,… trong cố gắng đi bắt TT Trump.
Trong hai ông Manafort và Cohen, tội của ông Manafort nặng hơn trên mặt pháp lý, có thể lãnh án tới vài chục năm tù, trong khi tội của ông Cohen nhẹ hơn, chỉ lãnh án vài năm thôi. Nhưng tội của ông Cohen có quan hệ trực tiếp đến TT Trump hơn, liên quan đến cuộc vận động tranh cử tổng thống, và đe dọa Trump nhiều hơn vì dính dáng đến chuyện ‘tiền bịp miệng’ –hush money- hai bà đào của Trump trong mùa bầu cử.
TTDC khua chiêng trống ầm ĩ đây là những tội đại hình, thậm chí có thể là tội đáng đàn hặc luôn.
Sự thật không hẳn như vậy. Chuyện trả tiền để ‘bịt miệng’ tuy nghe bá đạo nhưng chẳng có luật nào cấm hết, mặc dù TTDC tìm cách tố đây là dùng tiền vận động tranh cử bất hợp pháp. Ông Cohen trả tiền cho hai bà này, rồi ông Trump hoàn trả lại ông Cohen bằng tiền túi của mình, chẳng ai phạm tội gì hết. Nói chuyện trả tiền ăn bánh này đáng bị đàn hặc là nói chuyện bá láp. Chỉ là gây tai tiếng cho TT Trump chứ chẳng có gì là bất hợp pháp.
Trong vụ án Cohen này, cái nguy cơ lớn đối với ông Trump không phải là những tội hiện hữu của ông Cohen hay vụ trả tiền ‘bịt miệng’, mà là những chuyện gì khác chưa ai biết, mà ông Cohen và những người khác có thể sẽ khai với công tố Mueller. Nếu TT Trump đã phạm những tội chẳng hạn như trốn thuế, chuyển tiền lậu, … thì công tố Mueller sẽ không tha.
Việc ‘thông đồng’ với Nga coi như nước chẩy qua cầu rồi, không ai nhắc đến nữa. Việc cản trở công lý có thể có căn bản vững chắc hơn nên công tố Mueller vẫn tiếp tục truy lùng, nhưng chưa đi đến đâu.
Vấn đề lớn là những vụ như trốn thuế, chuyển tiền bất chính,… có nhiều triển vọng doanh gia Trump hay tổ chức Trump Organization đã vi phạm. Trốn thuế là chuyện muốn bắt là bắt được rất dễ dàng vì hầu như 90% dân Mỹ đều trốn thuế, bất kể giàu hay nghèo. Trong một tổ chức kinh doanh với hơn 500 công ty lớn nhỏ, giao dịch bạc tỷ trong mấy chục năm, có nhiều triển vọng là đã có những sơ hở, hay cũng có thể có những cố tình ‘nấu nướng sổ sách’. Đây có lẽ là lý do chính tại sao cuộc điều tra của công tố Mueller đã kéo dài quá lâu: ông này đang tra cứu sổ sách, giấy tờ giao dịch của mấy trăm công ty này từ mấy chục năm qua để đi tìm sâu bọ, sau khi thất bại không tìm được manh mối gì về ‘thông đồng’ với Nga hay cản trở công lý.
Nếu TT Trump trước đây có phạm tội trốn thuế, hay chuyển tiền bất hợp pháp, thì ông Cohen là người biết rõ hơn ai hết. Có lẽ đây mới là mối lo chính của TT Trump. Nhưng vấn đề là ông Cohen có đáng tin cậy không?
Vấn đề lớn hơn là cho dù công tố Mueller có khám phá ra được vụ phạm tội nào đó thì hậu quả sẽ ra sao?
Trên căn bản pháp lý, bộ Tư Pháp từ thời Nixon qua đến thời Clinton đã nhiều lần xác định tổng thống không thể bị bị truy tố ra tòa về bất cứ tội dân sự hay hình sự nào khi còn đương nhiệm. Trong lịch sử Mỹ, cũng chưa có một tổng thống nào bị truy tố như vậy. Nếu công tố Mueller tìm ra được chuyện phạm pháp nào đó và quyết định truy tố TT Trump, vấn đề chắc chắn là sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện, có thể kéo dài tới mùa bầu cử tổng thống năm 2020 không chừng và không ai biết kết quả ra sao. Và đây lại là một lý do quan trọng khiến phe DC đang tìm mọi cách cản việc phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào TCPV, vì ông này chủ trương rõ rệt không thể truy tố tổng thống khi còn đương nhiệm.
Đảng DC có thể dựa trên những tội này để đàn hặc TT Trump không? Đàn hặc là một biện pháp chính trị, không phải là pháp lý. Do đó, chuyện TT Trump có tội gì hay không có tội gì chẳng bao giờ là lý do thật sự để đàn hặc hay không đàn hặc.
Quyết định đàn hặc hay không hoàn toàn là một tính toán chính trị. Đàn hặc trên nguyên tắc rất dễ dàng, chỉ cần đa số 218 phiếu tại Hạ Viện là đủ. DC hiện có 193 ghế, CH có 236 ghế và 6 ghế bỏ trống. Ở đây, ta chỉ nói chuyện đàn hặc, chưa nói chuyện truất phế là việc đòi hỏi 67 phiếu tại Thượng Viện trong khi DC hiện chỉ có 48 phiếu, cần 19 phiếu nữa, là chuyện không thể có.
Nếu DC thất bại không chiếm được đa số tại Hạ Viện trong kỳ bầu cuối năm nay, thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện đàn hặc, trừ phi TT Trump bị bắt quả tang có bằng chứng quá lộ liễu là đã thông đồng với Nga hay cản trở công lý. Nếu DC thắng, chiếm đa số tại Hạ Viện, có nhiều triển vọng họ sẽ đàn hặc TT Trump tuy vẫn phải cân nhắc hậu quả. Năm xưa, CH chú tâm đàn hặc TT Clinton bằng mọi giá, đưa đến phản ứng ngược, TT Clinton được hai phần ba dân Mỹ ủng hộ. Bây giờ cũng không khác. Một vài dân biểu DC cực đoan hô hào đàn hặc TT Trump trong khi cấp lãnh đạo đảng DC như bà Pelosi thì xác nhận không có ý định đó, chỉ vì họ sợ tạo phản ứng ngược, khiến cử tri của ông Trump đổ xô đi bỏ phiếu cho ứng cử viên CH vào quốc hội, thì sẽ là đại họa cho đảng DC.
Một câu hỏi lớn trong vụ Cohen: chuyện ân xá. Tổng thống có quyền ân xá bất cứ ai về bất cứ tội gì, không cần lý do gì hết. Cả nước đã bàn đến chuyện TT Trump sẽ dùng quyền ân xá với những người đang bị công tố Mueller lùng bắt. Trong khi đó thì luật sư của ông Cohen, Lanny Davis, cũng là luật sư trước đây đã biện hộ cho TT Clinton trong vụ đàn hặc, đã huênh hoang tuyên bố ông Cohen sẽ hợp tác với công tố Mueller, không chấp nhận uy tín bị hoen ố qua một ân xá của tổng thống. Trong thời gian qua, ông Cohen đã hiện rõ nguyên hình là một tay luật sư ma giáo hạng nhất, bây giờ lại lớn lối vỗ ngực không thèm nhận ân xá của TT Trump vì là người “yêu nước, có tinh thần trách nhiệm”.
Sự thật là quyền ân xá của tổng thống có giới hạn, chẳng hạn như ông chỉ ân xá được những tội ở cấp liên bang thôi, không ân xá những tội tiểu bang được. Ông Cohen có thể đã bị công tố Mueller đe dọa chuyển hồ sơ cho tiểu bang New York để truy tố nhiều tội lớn ở cấp tiểu bang như trốn thuế tiểu bang, lừa đảo ngân hàng tiểu bang, chuyển tiền lậu vi phạm luật tiểu bang,… Sẽ truy tố ông này trước tòa án tiểu bang New York. Ông Cohen có thể sẽ lãnh án mấy trăm năm tù mà TT Trump không ân xá được cho dù muốn ân xá. Phạm tội tiểu bang, chỉ có thống đốc tiểu bang ân xá được, mà thống đốc New York là ông DC Andrew Cuomo, chống Trump kịch liệt. Do đó, đường binh đỡ hại nhất cho ông Cohen là phản lại ông Trump, điều đình lãnh án năm ba năm tù và hợp tác khai tội thật hay phịa tội giả của ông Trump. Chẳng có chuyện bảo vệ uy tín cá nhân không nhận ân xá của tổng thống. Bốc phét, không hơn không kém. Cụ tỵ nạn nào tin ông Cohen “yêu nước” xin giơ tay cho thiên hạ biết.

Tổng kết toàn bộ câu chuyện hai vụ án trên như thế nào? Kinh khủng tới mức nào? Lại tận thế?
Tối Thứ Ba qua, ngay sau khi tin hai vụ án nổ ra sau khi thị trường chứng khoán đã đóng cửa, TTDC la hoảng ngày mai Thứ Tư, thị trường sẽ xụp đổ mạnh, rớt giá nặng. Qua ngày sau, Dow Jones rớt vài chục điểm, NASDAQ tăng vài chục điểm. Nghĩa là theo giới kinh tế tài chánh, hai vụ lùm xùm này vẫn chẳng có ảnh hưởng gì đến việc ông Trump vẫn ngồi trong Tòa Bạch Ốc. Ít nhất cho đến khi có biến cố tận thế mới nữa.
Nếu cuộc điều tra của công tố Mueller được giới hạn trong đúng mục tiêu điều tra thông đồng với Nga hay cản trở công lý, thì phúc trình của công tố Mueller sẽ là tờ giấy trắng. Nếu cuộc điều tra lân la qua quá trình kinh doanh hơn nửa thế kỷ của TT Trump thì không ai biết sẽ có gì trong đó. Trong trường hợp này, không ai tin TT Trump sẽ khoanh tay ngồi đợi phúc trình. Sẽ có ‘đại chiến’.

Vũ Linh

TỴ NẠN VIỆT VÀ TT TRUMP

Dân Việt chạy qua Mỹ tỵ nạn trên dưới cũng gần nửa thế kỷ. Hầu hết rất ít lưu ý đến chính trị Mỹ. Đại khái thì “Ôi, ông tổng thống nào thì cũng dzậy thôi, đi cầy vẫn đi cầy, đóng thuế vẫn đóng thuế, VC vẫn chình ình đó thôi”. Cả 40 năm như vậy rồi.
Nhưng rồi thế sự đổi thay. Nước Mỹ gặp ông thần Trump. Không ai biết ông này có bùa phép gì đặc biệt, mà tự nhiên, cả nước Mỹ lên cơn sốt. Bị ‘chính trị hoá’ hết ráo. Không ai có thể thờ ơ với ông Trump này được. Không vái lạy tung hô thì cũng đỏ mặt tiá tai sỉ vả. Không biết gì cũng nhẩy vào, về hùa la ó theo.
Phản ứng này cũng đã lan qua cộng đồng người Việt luôn. Chưa bao giờ dân tỵ nạn ta lại bị hớp hồn, theo dõi một tổng thống Mỹ hăng say như bây giờ. Đáng tiếc là phần lớn… hăng say sảng.
Tỷ phú Donald Trump là một doanh gia cực kỳ thành công. Ông hưởng một gia tài không lấy gì là kinh khủng của ông bố. Chỉ là ông bố giúp tài trợ một số dự án nhỏ cỡ một vài triệu, mua bán nhà cửa ở New York, rồi từ đó ông phất lên. Khi ông bố qua đời để lại gia tài 20 triệu cho 5 người con chia nhau, thì ông Trump đã thành tỷ phú rồi.
Rồi với tham vọng cũng lớn hơn người, ông nhẩy vào chính trị. Cũng lại thành công dễ như trở bàn tay. Giống như trong thương trường, ông thành công nhờ cái thương hiệu chính trị mà ông đã tự tạo ra cho mình. Một tỷ phú thành công lớn, tức là có khả năng thật, nhưng lại là tỷ phú của dân lao động, tuy cực giàu nhưng hiểu rõ hơn ai hết đời sống vất vả của dân lao động, hiểu được rất rõ những ưu tư và ưu tiên của dân trung lưu, chia sẻ được những cái lo của họ, mang lại được cho họ những gì họ đang mong đợi. Từ công ăn việc làm đến an toàn cá nhân, từ những giá trị văn hoá đến niềm tin tôn giáo, là những thứ mà dân cấp tiến dè biủ, khinh miệt.
Chủ đề quảng bá thu hút nhất của ông: tôi không phải chính trị gia, có sao tôi nói vậy, không uốn lưỡi tới ba lần. Một cơn gió mát mới lạ trong chính trị Mỹ.
Những người chống đối ông cố phá cái hình ảnh đó, cố dựng lên hình ảnh một… quái thai: điên khùng, ngu dốt, dâm dục, gian dối, tàn ác, kỳ thị, hồ đồ, bất nhất,… Xin lỗi, khuôn khổ bài này không đủ chỗ để liệt kê hết những ‘huy chương’ đặc biệt ông Trump đang được tặng.
Đó là chuyện dân Mỹ. Còn dân tỵ nạn ta thì sao?
Phải nói ngay, tuyệt đại đa số dân tỵ nạn hiểu rất lơ mơ về chính trị Mỹ nói chung, cũng như về ông Trump nói riêng. Mà những hiểu biết giới hạn đó, nhiều khi lại sai lầm.
Trước hết, nói về nguyên nhân. Trên căn bản, ai cũng thấy có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, dân Việt trước khi qua Mỹ, chưa bao giờ được nếm mùi dân chủ, tự do thật sự, bất kể dưới đời thái thú, vua, quan toàn quyền, tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư hay tướng lãnh nào. Những trò chơi dân chủ kiểu Mỹ như đánh nhau để dành phiếu bầu bán, đều hoàn toàn xa lạ. Dân tỵ nạn bây giờ có dịp bắt chước chơi trò này nhưng điều phiền toái là có thể vì tính hiếu thắng, muốn tranh thắng bằng mọi giá, nên thường sẵn sàng nói láo, tung tin phịa, ngụy tạo bằng chứng, ghép hình,… rồi gây lộn, thậm chí chửi tục, làm rối trí người dân bình thường trong cái hỏa mù đó.
Thứ nhì, khó khăn ngôn ngữ là bức tường khổng lồ, gây trở ngại lớn cho dân tỵ nạn muốn hiểu rõ những chuyện gì đang xẩy ra chung quanh họ. Truyền thông tỵ nạn giúp họ không bao nhiêu mà có vẻ hại họ thì nhiều.
Truyền thông của cộng đồng tỵ nạn Việt (dưới đây sẽ viết tắt là TTTN, truyền thông tỵ nạn) không khác TTDC Mỹ mấy, hoàn toàn bị chi phối bởi đồng tiền vì cũng vẫn chỉ là những cơ sở thương mại, do đó phải ‘cuốn theo chiều gió’ quần chúng để có khách đọc và khách quảng cáo. Đa số độc giả là những dân nghèo thiếu hiểu biết, lo sợ bị CH cắt trợ cấp và Trump kỳ thị đuổi về VN theo như vài cụ tỵ nạn hù dọa. TTTN thay vì giải tỏa những huyền thoại sai lầm giúp dân tỵ nạn thì lại chọn giải pháp dễ dãi là củng cố những huyền thoại đó, dễ phiên dịch phiến phiến khỏi phải nặn óc viết, dễ thu hút độc giả và thính giả, dễ thu quảng cáo, dễ kiếm tiền.
Cộng đồng tỵ nạn Việt là một khối dân đầy mâu thuẫn. Quan điểm chính trị rất khuynh hữu, chống cộng tuyệt đối, kiên trì chống VC từ gần nửa thế kỷ nay không mệt mỏi, nhưng đồng thời lại hoan nghênh đảng DC là đảng đã biểu quyết cắt hết viện trợ để tặng miền Nam cho CSBV. Sẵn sàng coi New York Times hay Washington Post là hải đăng của truyền thông trong khi biết rõ ta mất nước phần lớn vì những báo này xuyên tạc cuộc chiến tự vệ của ta để ca tụng đám cán ngố dép râu. Sau 75, Carter là người đầu tiên liên lạc, nhìn nhận CSVN, Clinton là người đầu tiên mở quan hệ ngoại giao và đi Hà Nội, Obama là người đầu tiên thu hồi cấm vận quân sự. Tất cả đều là tổng thống DC, hết sức thân thiện với lãnh đạo CSVN. Trong khi đó, các tổng thống CH, từ Ford là người ban lệnh cấm vận, Reagan là người phục hồi lại quan điểm chiến tranh VN là một cuộc chiến có chính nghĩa, đến cha con ông Bush, rồi Trump, đều có vẻ lãnh đạm với đám ‘lãnh đạo đại tài’.
TTTN còn có một vấn đề lớn hơn nữa là không có nguồn tin độc lập, nên hoàn toàn trông cậy vào TTDC, chỉ làm công tác dịch thuật các cơ quan ngôn luận Mỹ, hầu hết là thiên tả tung hô Hillary và Obama, chống CH và Trump.
Hậu quả trực tiếp của vấn nạn trên là TTTN rập khuôn tin tức và quan điểm của TTDC Mỹ, đánh Trump chết bỏ. Trong khi lại không chú tâm đến ảnh hưởng thực tế và cụ thể của TT Trump trên nhu cầu chính trị, xã hội, kinh tế của dân tỵ nạn ta.
Đánh Trump là chuyện rất dễ. Ông này đúng là ông thần, nói trước suy nghĩ sau, kinh nghiệm đấu võ với đám hổ cáo TTDC không bao nhiêu, nên rất dễ bị chúng đánh bẫy, khai thác và đập cho dập mình. Vấn đề là ta có đủ chiều xâu nhìn xuyên qua những cái hớ hênh mồm mép của TT Trump để thấy rõ các chính sách của ông hay không.
Đảng DC và TTDC đánh Trump tuy quá đáng nhưng cũng có thể hiểu được phần nào vì tính phe đảng chính trị của họ. Nhưng tại sao cộng đồng tỵ nạn ta lại nhắm mắt chạy theo? Có nên cân nhắc chống cái gì bất lợi cho chúng ta và hoan nghênh cái gì có lợi không?
Ta đừng nên quên có nhiều điều có lợi cho nước Mỹ nói chung hay cho đảng DC hay đảng CH nói riêng nhưng chưa chắc đã có lợi cho dân tỵ nạn chúng ta. Ngược lại có hại cho nước Mỹ hay đảng DC/CH cũng chưa chắc đã hại cộng đồng tỵ nạn ta. Điển hình rõ rệt nhất: có quan hệ tốt với CSVN là tốt cho Mỹ nhưng chẳng tốt chút nào cho cộng đồng tỵ nạn.
Ta thử điểm qua một vài vấn đề chính.
TTDC ra rả chỉ trích TT Trump là kỳ thị sắc tộc đối với dân gốc Nam Mỹ. Phe cấp tiến chủ trương mở rộng cửa đón nhận di dân Nam Mỹ, kể cả di dân LẬU, vì lý do chính trị (cần phiếu), lý do kinh tế (cần nhân công rẻ), và lý do ý thức hệ (thế giới đại đồng), nên chống lại sắc lệnh của Trump. Họ khám phá ra cách chống hữu hiệu nhất là dán cãi nhãn hiệu kỳ thị lên trán ông Trump.
Đó là nhìn dưới khiá cạnh Mỹ. Dân tỵ nạn ta thì sao? Quyền lợi chúng ta ở đâu?
Phải nói ngay, ta cũng là loại dân ‘da màu’, không có lý do gì chạy theo mấy anh da trắng để kỳ thị dân da đen hay da nâu. Nói chung, ta cũng là dân tỵ nạn, sao lại hô hào chống di dân hay dân tỵ nạn? Một vài anh hỏi vặn kẻ này “bám theo Trump chống dân Mễ, da đã trắng ra chưa?”. Một câu hỏi chỉ nói lên cái ngu của người hỏi.
Dân gốc Nam Mỹ phần lớn là khối dân cạnh tranh với dân ta, cạnh tranh về công ăn việc làm loại lương thấp, cạnh tranh về tiền trợ cấp xã hội, cạnh tranh về tiền housing, tiền thất nghiệp, tiền Medicaid, phiếu thực phẩm,… Một đồng đám này có là một đồng ta mất. Trừ phi Nhà Nước đánh thuế thêm cả nước để bù đắp, là điều không ai làm. Như vậy lý do gì ta lại phải hoan nghênh chuyện mở cửa biên giới đón nhận dân Nam Mỹ vào ào ào? Trước khi ta lo cho bà Nam Mỹ di dân lậu đang ôm bầu có được MediCal, có nên lo cho ông bà cụ nhà được săn sóc kỹ hơn không? Nhân đạo có nên bắt đầu từ ngay trong nhà mình không? Tài tử xi-nê Mỹ hoan nghênh di dân đến cắt cỏ, lái xe, làm bếp, ta có lợi gì mà cũng bắt chước hoan nghênh theo?
Vấn đề chính của chúng ta là ông Trump có kỳ thị dân da vàng nói chung hay dân Việt nói riêng không? Vị nào có bằng chứng TT Trump kỳ thị dân tỵ nạn ta, xin phổ biến cho mọi người biết. Trái lại, chính quyền Trump mới chính thức kiện Đại Học Harvard về tội kỳ thị dân Á Châu trong việc nhận sinh viên. Ta hiểu đây là chuyện liên quan đến sinh viên Tàu, nhưng dù sao, sinh viên gốc Việt cũng bị họa lây. Chúng ta có nên hoan nghênh Harvard chặn họa Tầu khi con cháu ta bị họa lây, không được nhận vào Harvard không?
Bây giờ, ta nhìn lại vấn đề lớn nhất: giảm thuế. Dĩ nhiên phe cấp tiến chửi rủa tối đa nhưng vẫn vui vẻ lấy tiền bỏ túi, chuyện dễ hiểu. Cái mà kẻ này không hiểu được là thái độ hết sức mâu thuẫn của nhiều cụ tỵ nạn:
– TT Obama không cắt một xu thuế nào trong 8 năm, họ hoan nghênh. TT Trump giảm thuế họ chửi, kể cả những người trước sau chẳng phải đóng xu thuế nào cũng hùa vào chửi theo. Tại sao?
– Họ sợ Trump giảm thuế, Nhà Nước sẽ bớt tiền trợ cấp của họ? Đã có ai bị cắt trợ cấp gì chưa. Bộ Trump muốn cắt trợ cấp chỉ cần ký sắc lệnh cắt sao? Họ có khi nào nghĩ đến những dân trung lưu cong lưng đi làm đóng thuế cho họ nằm nhà ăn trợ cấp dài dài không?
– Họ la hoảng công nợ sẽ tăng. Thế khi Obama không giảm một xu thuế nào mà lại tăng công nợ gấp đôi, từ 10.000 tỷ lên đến 20.000 tỷ, họ có lên tiếng không vậy?
– Những người phải đóng thuế, họ được bớt vài ngàn, cũng vẫn chửi vì… phân bì với ông Bill Gates được giảm thuế tới cả triệu. Xin lỗi, đi làm lao động cả đời chưa nhìn thấy một triệu mà cũng muốn được giảm thuế bạc triệu sao?
– Cái lý tưởng của họ là 1% dân giàu nhất đóng thuế nuôi 99% dân còn lại, mà không nghĩ cái 1% đó không thể thọ để rồi khi chúng bị moi hết tiền rồi thì lấy ai nuôi cái 99%?
TT Trump dâm dục, ăn nói thô tục, không có tư cách tổng thống? Đây là lập luận nhiều cụ tỵ nạn ‘thấm nhuần Nho giáo, lễ nghĩa cụ Khổng’ cảm thấy bực mình. Xin thưa với các cụ, chúng ta tìm tổng thống Mỹ chứ không kiếm cụ đồ Nho về giảng luân lý giáo khoa thư lớp vỡ lòng. Nói chuyện làm dơ bẩn Tòa Bạch Ốc, xin các cụ hỏi lại các TT Kennedy, Johnson và Clinton trước.
Xin quý cụ tha lỗi cho, chứ với kẻ này, tất cả chỉ là chuyện tào lao. Tôi kỳ vọng ông tổng thống tạo việc làm cho tôi, giảm thuế cho tôi, giúp tôi có đời sống kinh tế khấm khá hơn, bảo đảm an toàn cho gia đình tôi chống khủng bố, còn ông tổng thống có hôi nách hay gái gú lung tung, ai cần biết? Ông Tổng thống mở miệng là f… và sh…, xin lỗi, who cares? VN ta đã từng có ông phó tổng thống, đồ nho đạo mạo, đã làm thơ “ngồi buồn gãi háng…” gì đó, có sao đâu?
Nhìn vào TT Obama, khác xa TT Trump, có vẻ có tư cách hơn? Nhưng rồi ông Obama để cả triệu người thất nghiệp năm này qua năm khác, kỷ lục dân ăn trợ cấp, nhận phiếu thực phẩm, è cổ đóng thuế nuôi cả chục triệu di dân lậu,… Một lần nữa, xin lỗi quý vị, tiêu chuẩn chọn tổng thống của tôi không giống tiêu chuẩn của TTDC. Giữa lịch sự, chải chuốt, mồm mép, để rồi mang cả nước vào nô lệ trợ cấp, và có sao nói vậy nói hớ lung tung, nhưng cho tôi công ăn việc làm, tôi chọn giải pháp sau.
Rồi nhìn ra ngoài nước Mỹ, ta thấy TC múa gậy vườn hoang, bán cả triệu tấn thực phẩm đầy hóa chất, và cả tỷ đồ dởm cho chúng ta. Ngoài Biển Đông thì tha hồ cắm dùi tìm dầu, coi cả Biển Đông là vườn sau nhà. TT Obama cho vài cái hàng không mẫu hạm ghé Cam Ranh. Hết chuyện. Đáng hoan nghênh không?
Câu chuyện chống TT Trump ồn ào nhất hiện nay trên TTDC và trên TTTN là chuyện ‘có bằng chứng Nga can thiệp nên Trump mới thắng’, đưa đến tình trạng tổng thống của Mỹ chỉ là con rối của Putin.
Trước hết, ta coi lại việc công tố Mueller truy tố thêm GRU Nga thâm nhập vào hệ thống emails của đảng DC. Theo ‘phe ta’ đây là bằng chứng quá rõ ràng Nga đã thâm nhập, giúp cho ông Trump hạ được bà Hillary.
Trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, bà Hillary có kinh nghiệm hoạt động chính trị cả nửa thế kỷ, có kinh nghiệm vận động tranh cử tổng thống ba lần, hai lần cho ông chồng và một lần cho chính mình, có hậu thuẫn của toàn thể guồng máy chính quyền Obama kể cả FBI, CIA,… Bà cũng được sự hậu thuẫn của tất cả nghị sĩ, dân biểu DC tại Thượng Viện và Hạ Viện, chưa kể cả lô ông bà CH công khai nhẩy qua hậu thuẫn, hay nhẩy ra ngoài cuộc chiến như cả họ nhà Bush. Bà còn có toàn thể dàn máy đảng DC, với cả trăm ngàn tình nguyện viên làm việc tại cả ngàn văn phòng trên khắp 50 tiểu bang. Bà được 90% TV và báo Mỹ hậu thuẫn. Bà cũng chi gần một tỷ đô cho cuộc vận động. New York Times cổ võ, tiên đoán bà có 98% hy vọng thắng.
Vậy mà theo Washington Post, bà thua vì Nga giúp. Nghĩa là chỉ cần Putin búng tay, gửi hai tá nhân viên tép riu vô danh qua, lén chui vào các emails lấy tin tức xì ra, bỏ ra 100.000 đô mua quảng cáo trên Facebook, là giấc mộng của bà tiêu tan thành mây khói. Thế thì câu hỏi thật sự là toàn thể sự nghiệp cũng như chương trình kinh bang tế thế, trị quốc bình thiên hạ của bà Hillary hoá ra chỉ là loại kế hoạch của dã tràng vẽ trên cát? Như vậy thua có gì lạ? Oan chỗ nào?
Câu chuyện nổi đình nổi đám hơn nữa là cuộc họp báo của TT Trump với TT Putin. Có lẽ trong lịch sử nhân loại, chưa khi nào có cuộc họp báo nào kinh hồn như vậy. Theo như tin tức đọc được qua TTDC và dịch lại bởi TTTN, ta thấy một tổng thống của Đại Cường Cờ Hoa hình như đã quỳ mọp xuống đất bái lạy tên độc tài khát máu tàn bạo nhất nhân loại. Tội này không đàn hặc, truất phế rồi cho đi đập đá mãn đời thì thế giới này không còn gì là công lý nữa.
Theo TTDC, việc làm đúng nhất của TT Trump khi gặp Putin là phải lập tức còng tay đưa cho mật vụ lôi cổ về Mỹ, nhốt tại Guantanamo mãn đời nếu ông Trump là người lịch sự. Nếu thiếu tế nhị hơn thì ông Trump đã phải đấm đá Putin cho đến chết gục tại chỗ. Do đó, việc ông Trump chỉ đứng bên cạnh, bắt tay thì quả là hành động đầu hàng hèn nhát, phản phúc nhất.
Diễn giải nôm na ra, TTDC và cả đảng DC, cộng thêm cả lô #NeverTrump cực kỳ bất mãn TT Trump đã không khai chiến, mang B-52 đi đánh Nga. Mọi hành động dưới mức này đều không thể chấp nhận được. Trong cuộc tranh cử Obama-Romney, ông Romney tuyên bố kẻ thù lớn nhất của Mỹ là Nga. TT Obama miệt thị “ông ơi, chiến tranh lạnh chấm dứt hơn hai chục năm rồi”. TTDC xúm lại chế nhạo Romney. Bây giờ, cũng cái đám TTDC đó đang bị sốc sao Trump dám bắt tay với Putin.
Cả nước cho rằng Nga can thiệp trắng trợn –dù chưa ai thấy bằng chứng nào- khiến cho nước Mỹ mất cơ hội được lãnh đạo bởi người phụ nữ vĩ nhân lớn nhất của nhân loại kể từ ngày Từ Hy Thái Hậu băng hà. Cái tội này của Putin làm sao tha thứ được?
Đó cũng lại là nhìn vấn đề dưới con mắt Mỹ. Còn dưới khiá cạnh dân tỵ nạn, chúng ta muốn gì?
Cả nước đang nổi loạn, rầm rộ chống tân đế quốc TC với mộng bành trướng khắp thế giới. Đối tượng trước mắt của Hoàng Đế nhà Tập là VN, khi ông ta muốn nhét mấy con chuột cống ‘đặc khu’ vào gặm nhấm. Ưu tiên số một của chúng ta là làm tất cả những gì có thể để tiếp tay với dân trong nước ngăn chặn mưu đồ này. Mà cụ thể nhất cũng như thực tế nhất là mong sao hay vận động sao cho Mỹ, hay chính xác hơn, TT Trump giúp một tay, chặn nguy cơ chệt hóa tổ quốc của chúng ta, đánh TC bằng mọi cách mọi giá.
Nhưng Mỹ đang lưỡng đầu thọ địch: Nga và TC. Khó có thể đánh cả hai, mà chỉ có thể chọn một. Và dường như TT Trump đã chọn hòa Nga đánh TC.
Chúng ta không cần biết quyền lợi của Mỹ ở đâu, nên hòa Nga đánh TC, hay nên hòa TC đánh Nga. Thây kệ, đó là chuyện của Mỹ. Chuyện của ta là nước VN, cho dù ta đang là công dân Mỹ sống trên đất Mỹ. Bất cứ chuyện gì giúp nước VN ta khỏi bị Hán hoá, chúng ta phải cổ võ, đúng không?
Như vậy thì có phải là nếu TT Trump bắt tay hòa hoãn với Nga để rảnh tay đánh TC thì chúng ta nên tạm gác qua mọi chuyện yêu ghét tư cách cá nhân ông Trump để kêu gọi ông thân thiện với Nga hơn để có thể mạnh tay với TC hơn không? Những chuyện như Trump trả tiền gái điếm, cãi nhau với NATO, hồ đồ ăn nói thô tục,… có phải tất cả những chuyện đó đã thành những chuyện ruồi bu mà ta nên dẹp qua một bên để cầu mong cho Trump chặn họng Tập không?
Hay là… mặc kệ, ta cứ nhắm mắt chống Trump tiếp tục, bằng mọi giá vì đã lỡ ghét rồi? Chuyện VN là chuyện của VC và TC, kệ tụi nó đấm đá nhau, mắc gì mình phải lo?

VŨ LINH

CÂU CHUYỆN CÁCH LY TRẺ EM

Tin tức TTDC( Truyền Thông Dân Chủ) thời gian qua tràn ngập tin về cơn hồng thủy chính trị mới, rất có phối hợp nhịp nhàng, từ CNN đến NBC, ABC, CBS, từ WaPo đến NYT, từ Newsweek đến TIME, kể luôn cả các lực lượng #NeverTrump của các nhóm Bush, McCain, Paul Ryan,… và cả truyền thông thông ngôn, đều nhất loạt đồng ca bài hát mới: ‘Trump tàn ác vô nhân phân tán gia đình di dân đáng thương’.
Dưới thời TT Trump, người ta có cảm tưởng sóng thần chính trị xẩy ra mỗi tuần, bất cứ chuyện gì bất lợi cho TT Trump, kể cả những chuyện lắt nhắt nhất như đôi giầy cao gót của bà Melania, hay Trump giơ tay chào trả lễ một sĩ quan Bắc Hàn, cũng đều được cây đũa thần của TTDC biến thành một cơn đại hồng thủy đang nhận chìm TT Trump. Mà đây không phải là chuyện mới lạ. Ngay từ khi ông Trump đang tranh cử, ta luôn luôn thấy những tin động trời với những tít khổng lồ chạy ngang qua trang nhất các báo hay dưới các bản tin của TV, báo tin cuộc vận động tranh cử của ông Trump bị đại nạn, ông Trump tiêu đời, ông Trump hết hy vọng,… Để rồi ông vẫn phây phây đắc cử.
Ngay cả sau khi ông đã tuyên thệ nhậm chức thì cuộc chiến vẫn không ngừng, nhưng gạo đã thành cơm, thôi thì ta đánh kiểu khác. Giống như chuyện đánh võ của Kim Dung vậy, Giáng Long Thập Bát Chưởng, chiêu này không xong, lôi chiêu khác ra thử, không thắng thì lại chiêu khác nữa, cứ thế mà quần.
Đưa đến câu chuyện cách ly trẻ em di dân lậu mà thiên hạ đang đinh tai, hoa mắt vì những tin phịa hay những tin nửa chừng xuân, tức là những tin được phổ biến một phần, dấu bớt một phần. Ai cũng biết câu nói cổ điển “nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa”.
Câu chuyện xưa hơn trái đất, nhưng được hâm nóng, quét dầu mỡ và xào nướng lại. Và đúng như mong đợi, đã trở thành đề tài than đỏ làm xúc động cả nước Mỹ, hay chính xác hơn, xúc động cả thế giới vì… đụng tới trẻ em. Xúc động hơn cả vụ DACA trước đây.
Vấn đề di dân lậu không phải mới ra đời từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống. Nó đã phát sinh từ dưới thời TT Reagan cách đây gần bốn thập niên. Từ đó đến nay, qua 5 đời tổng thống, không ai giải quyết được gì hết. Đúng như Đức Giáo Hoàng nhận định, rắc rối di dân đã có từ mấy đời tổng thống trước, không phải bất ngờ có khủng hoảng vì TT Trump.
Năm 2008, ông Obama tranh cử tổng thống, hùng hổ hứa hẹn “tôi sẽ giải quyết tận gốc vấn đề di dân trong vòng một năm đầu”. Kết quả bầu cuối năm đưa đảng DC của ông lên nắm toàn quyền sinh sát: kiểm soát Tòa Bạch Ốc, nắm thế đa số Hạ Viện, nắm luôn thế đa số tuyệt đối 60 ghế Thượng Viện. Tức là đảng DC và tân TT Obama có quyền ra bất cứ luật gì, mà đảng CH chỉ có quyền ngồi khóc. Đảng DC nắm trọn vẹn quyền lập pháp và hành pháp trong hai năm 2009-2010, cho đến cuối 2010 khi cuộc bầu giữa mùa mang lại cho đảng DC thất bại lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ, mất 63 ghế tại Hạ Viện, vì cái tội đã thông qua Obamacare.
TT Obama giải quyết vấn đề di dân lậu ngay trong năm đầu như đã long trọng hứa với dân trong khi ông nắm trọn quyền ra luật và thi hành luật? Thưa không, dĩ nhiên! Ông áp dụng ngay chiến thuật ‘kiên nhẫn chiến lược’ tuyệt đối không đụng, không nhắc, không nói, không bàn gì về vấn đề di dân. TTDC tuyệt đối im phăng phắc, không một anh nhà báo nào dám hó hé nhắc lại lời hứa của Đấng Tiên Tri.
TT Obama im lặng luôn cho đến hết nhiệm kỳ? Thưa không, dĩ nhiên! Năm 2011, CH kiểm soát Hạ Viện. TT Obama gian ngoan nhất trần đời, mang ngay vụ di dân lậu ra bàn và yêu cầu quốc hội giải quyết. Quốc hội phân hoá từ thời Reagan không giải quyết được gì.
Tại sao TT Obama không đụng đến vấn đề di dân khi ông nắm toàn quyền mà lại khơi ra khi ông đã hết kiểm soát được quốc hội?
Thưa quý vị, đó là vì vấn đề di dân thật ra không có giải pháp nào hoàn hảo hết, không thể tìm ra được sự đồng thuận nào để có thể thông qua bất cứ luật nào, từ thời TT Reagan đến giờ. Một cách thật tóm gọn cho dễ hiểu, không có tam thập lục chước mà chỉ có một giải pháp duy nhất: bít kín biên giới để cản không cho di dân lậu vào nữa, rồi ân xá trọn vẹn hơn 12 triệu di dân lậu đã sống ở Mỹ. Nhưng vấn đề là nói dễ làm khó. Thứ nhất, không có cách nào bít kín biên giới. TT Trump hứa xây tường, nhưng gần hai năm nắm quyền vẫn chẳng làm được gì vì kế hoạch quá đắt, quá phức tạp trên phương diện luật pháp và quá khó khăn về kỹ thuật. Thứ nhì, ân xá trọn vẹn hơn cả chục triệu di dân phạm pháp thì dân Mỹ không bao giờ chấp nhận. Dân Mỹ không xuống đường biểu tình hò hét gì, nhưng bất cứ ông chính trị gia nào hô hào ân xá, sẽ mất ghế ngay trong cuộc bầu tới.
Hiểu được vấn đề, TT Obama nín khe trong hai năm đầu vì ông biết ông sẽ không ra được luật gì hết. Cho dù DC nắm đa số tuyệt đối tại cả hai viện, ông cũng không ra được luật nào vì ngay trong đảng DC cũng đã có rất nhiều chia rẽ, bất đồng trong vấn đề di dân lậu, không thể nào có đủ phiếu để thông qua bất cứ luật nào. TT Obama không muốn quốc hội DC bị chỉ trích vì thất bại nên ém nhẹm vấn đề. Đến khi CH nắm đa số thì có cớ để bán cái, TT Obama khui ra rồi đổ thừa ngay cho CH đang kiểm soát Hạ Viện: “đảng CH ngăn cản tôi giải quyết vấn đề di dân!”.
Đi vào vấn đề thời sự ngày hôm nay: việc cách ly trẻ em.
Trước đây, tuyệt đại đa số di dân lậu tìm cách chạy qua biên giới Mỹ đều là dân độc thân, bị bắt nhốt, đợi ngày trục xuất hay tòa cho ở lại. Sau đó có phong trào mấy anh di dân lậu này mang theo bầu đoàn thê tử cả đám. Có thể là gia đình thật, con thật, nhưng cũng có dịch vụ nhận vợ giả và nhất là con giả của mấy tay làm nghề buôn người: bố mẹ của các trẻ em nhỏ Nam Mỹ hay Trung Mỹ trả tiền cho chúng để làm giấy tờ khai con giả, chúng mang mấy đứa trẻ qua được Mỹ là xong, không ai dám trục xuất mấy đứa nhỏ, đợi chúng lớn, đủ tuổi vào dân Mỹ, bảo lãnh bố mẹ qua là xong.
Bị bắt thì cả gia đình, cả đám bị giam trong tù hay trại tạm trú chờ ngày tòa án di dân quyết định trục xuất hay cho ở lại. Thủ tục tòa rất lâu vì có quá nhiều di dân lậu bị bắt, phải chờ có khi vài tháng, có khi vài năm. Các luật sư của đám di dân kiện ra tòa vì chính sách vô nhân đạo, nhốt trẻ con cả năm trời mặc dù chúng còn nhỏ chẳng biết gì.
Năm 1997, dưới thời TT Clinton, trong phán quyết gọi là Flores Settlement Agreement, tòa phán cảnh sát biên giới không được nhốt các trẻ em này quá 20 ngày. Sau đó chỉ có quyền giam giữ người lớn, còn các trẻ em phải bị cách ly, thả ra, đưa cho họ hàng nhận nuôi nếu có, nếu không có thân nhân thì chính phủ Mỹ phải nuôi riêng trong các trung tâm đầy đủ tiện nghi và đầy đủ dịch vụ y tế, chờ ngày đoàn tụ qua quyết định của tòa.
Tuy không phải là luật do quốc hội biểu quyết, nhưng đó là án lệ đã được tất cả các chính quyền Clinton, Bush và Obama tôn trọng, không nhiều thì ít. Bây giờ TT Trump thi hành án lệ một cách nghiêm chỉnh, tsunami nổi lên: tất cả TTDC nhất tề hô hoán Trump tàn ác, vô nhân đạo.
TV và báo tràn ngập những chuyện trẻ em mới có vài tháng đã bị lôi ra khỏi tay bà mẹ,… Bà Rachel Maddow, chuyên gia nói lảm nhảm chửi Trump trên đài MSNBC đang bình loạn trên TV thì oà ra khóc nức nở, bỏ dở cuộc nói chuyện. Kẻ này sẽ không lấy làm lạ nếu Hồ Ly Vọng trong tương lai chế ra giải Oscar đóng phim khóc lóc kiểu Hàn Quốc cho các nhà báo, và bà Maddow sẽ là người đầu tiên lãnh giải.
Một anh nhà báo sáng tạo hơn, thu tiếng trẻ em gào khóc cho lên radio cả mấy chục phút để thiên hạ được nghe.
Thấy những chuyện này mà không động lòng rớt nước mắt mới là lạ.
Nhưng dĩ nhiên, không báo hay đài TV nào nhắc lại chuyện TT Clinton cho Vệ Binh Quốc Gia bắt chú bé Elian Gonzalez, trục xuất về Cuba năm 2000.


Chú bé Gonzalez năm 2000

Luật lệ rất rõ rệt: chính quyền Mỹ có ba cách giải quyết trong trường hợp bắt được di dân lậu có trẻ em trong đám:
1. Những người bị bắt có thể được chở về nguyên xứ ngay cùng với cả gia đình, không có cách ly gì hết. Giải pháp nhanh, tiện, nhân đạo, dễ nhất. Cái gian trá của TTDC là cố tình mập mờ để khỏa lấp việc tất cả những gia đình này đều là di dân băng biên giới lậu bị bắt, và tất cả đều có thể chấp nhận bị đưa về nguyên quán. Họ sẽ được đoàn tụ và chở về xứ ngay lập tức, do chính phủ Mỹ đài thọ. Nhưng vấn đề là đám di dân này, không ai chịu trở về xứ. Gia đình họ bị cách ly vì họ chọn ở lại, chịu bị giam trong khi chờ đợi tòa di dân quyết định, họ chấp nhận như vậy. Đi đến giải pháp thứ hai.
2. Cả gia đình bị tạm giam nếu họ xin ở lại, chờ quyết định tòa. Như đã bàn ở trên, đây là giải pháp trong những năm đầu của TT Clinton. Cả gia đình có thể bị giữ cả mấy tháng, cả năm không chừng. Sau đó, vì thưa kiện, tòa phán chính quyền Mỹ chỉ được giam trẻ em tới 20 ngày, sau đó phải cách ly, giữ người lớn, thả trẻ em. Đó là cách chính quyền Trump vừa làm. Đài NBC khẳng định việc cách ly trẻ con là con đẻ của TT Trump, “He created it”. Trang mạng cực tả Huffington Post viết “chưa bao giờ có cái luật cách ly hết, đó là do Trump chế ra”. Fake news thô bỉ nhất! TT Trump không chế ra luật nào hết. Chỉ là thi hành án lệ đã ra đời từ dưới thời Clinton. Tất cả những sinh viên luật năm dự bị cũng đều biết luật pháp luôn luôn dựa trên hai cái cột: luật do quốc hội chính thức ban hành, và án lệ từ các tòa án, do các quan tòa diễn giải và áp dụng luật.
3. Muốn tránh cách ly, chỉ còn một cách: trả tự do cho đám bố mẹ di dân lậu để họ được ‘đoàn tụ’ với con cái, và… biến mất vào trong xã hội Mỹ. Không ai dám nói trắng ra, nhưng đây chính là giải pháp khối cấp tiến, đảng DC và TTDC thực tâm muốn thấy. Sắp tới, sẽ đòi hỏi.
TT Trump áp dụng án lệ của năm 1997 một cách đúng đắn. Bắt buộc phải thi hành luật gắt gao hơn, ‘zero tolerance’. Đưa đến tình trạng quái lạ chỉ thấy dưới thời TT Trump: tổng thống thi hành đúng luật, bị cả nước xúm lại chửi là vô nhân đạo.
TTDC và cả phe DC xúm lại chửi TT Trump là vô nhân đạo. Thi hành luật mà bị tố là vô nhân đạo thì chỉ có một cách giải thích: đó là vì chính cái luật đó là luật vô nhân đạo. Nước Mỹ này đã có một luật ‘vô nhân đạo’ từ hơn 20 năm nay. Ba đời tổng thống, tại sao lại có thể có và duy trì một luật vô nhân đạo như vậy? Ba ông tổng thống này đã làm gì? Ngủ gật hết sao? Sao không ai chửi cái luật đó? Sao không ai chửi TT Clinton? Sao không ai sửa luật? Mà chỉ xúm lại chửi TT Trump đã thi hành luật?
Ông Jeh Johnson, cựu bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama viết báo: “Chính sách zero tolerance là vô đạo đức” (Zero tolerance policy is immoral).
Kẻ này xin đề nghị kể từ nay, mỗi lần nước Mỹ ra luật gì, phải thòng theo điều khoản cuối cùng, ghi rõ luật này cần được thi hành 100%, hay luật này chỉ được phép thi hành 50%, hay 30%, hay 10% thôi, tùy tổng thống phe ta hay không và tùy có ‘phải đạo chính trị’ hay không. Cụ tỵ nạn nào đồng ý, xin giơ tay!
TTDC viện dẫn các TT Clinton, Bush và Obama đều có chính sách ‘nhân đạo’ không quá khắt khe trong việc cách ly. Tại sao? Clinton thả lỏng vì đang điên đầu về chuyện Monica và đàn hặc, không rảnh cãi cọ chuyện vài trăm đứa con nít di dân. Bush bị chìm đắm trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, Afghanistan và Iraq, không rảnh lo thi hành luật lắt nhắt đối phó với vài trăm gia đình di dân lậu. Cả hai đều nhắm một mắt. Obama thì chủ ý muốn nhận di dân gốc Nam Mỹ vì cần phiếu dân gốc La-Tinh, nhắm cả hai mắt. Chính vì chính sách kiểm soát di dân lậu dễ dãi của ba đời tổng thống nên ngày nay mới có tới hơn 12 triệu di dân lậu, để vấn đề trở thành quá lớn không còn giải pháp nữa. TT Trump không thể nhắm mắt được nữa vì ông đã tranh cử với chương trình chấm dứt nạn di dân lậu. Và đã được bầu vì lời hứa đó.
Trên thực tế chính trị, phải nhìn nhận TTDC đã khai thác quá giỏi những hình ảnh trẻ em kêu khóc vì bị cách ly khỏi bố mẹ, khiến hầu hết mọi người khó ai chấp nhận được. Nhất là tại cái xứ Mỹ này là nơi mà trẻ con luôn luôn là ưu tiên số một, bất khả xâm phạm.
Để rồi cuối cùng, TT Trump cũng phải chịu thua, ký sắc lệnh ngưng việc cách ly ngay lập tức. Thật ra, cũng không phải là TT Trump đã chịu thua. Chính TT Trump đã tuyên bố rõ ràng ông không muốn thấy cảnh cách ly trẻ con, nhưng đó là luật, là án lệ của thời ông tổng thống DC Clinton. Không phải là cái gì mới do ông sáng chế ra.
Ngay sau khi TT Trump ký sắc lệnh, xin đố quý vị biết phản ứng của TTDC như thế nào? TTDC ca tụng TT Trump biết điều, nhân đạo? Còn khuya!
Quý vị chỉ cần mở báo Washington Post là thấy ngay. WaPo chạy tít khổng lồ: “TT Trump ký sắc lệnh ngưng việc cách ly, vi phạm luật năm 1997”. TT Trump thi hành luật thì bị tố là vô nhân đạo. Bây giờ ông ký sắc lệnh ngưng thi hành luật thì bị phạng ngay là không tôn trọng luật. Thế thì tóm lại TT Trump phải làm gì để được TTDC chấp nhận?
TT Trump ký sắc lệnh ngưng cách ly, nhưng không thể trả tự do cho bố mẹ đám trẻ con được. Chưa có quyết định của tòa di dân, không thể thả cho đám di dân biến vào nước Mỹ được. Có nghiã là đám trẻ con này sẽ phải bị nhốt chung với bố mẹ. Tin giờ chót, bộ trưởng Tư Pháp đã nộp đơn ra tòa xin hủy án lệ 1997, để cho phép được tạm giữ cả gia đình qua thời hạn 20 ngày. Bà quan tòa là dân Mỹ gốc Tầu do TT Obama bổ nhiệm. Để xem bà quyết định ra sao.
Các cụ tỵ nạn có thể yên tâm, không bao lâu nữa, sau khi đám trẻ con này bị giữ một thời gian, bất kể tòa có hủy án lệ hay không, một cơn sóng thần mới sẽ được TTDC quậy tung trời nữa và các cụ sẽ có dịp chửi tiếp. TT Trump vô nhân đạo, nhốt trẻ con cả tháng, cả năm! Lại chiêu mới. Chạy trời không khỏi nắng, cách nào thì TTDC cũng có lý do để đánh thôi.
Trang mạng cấp tiến Huffington Post đã bắn phát súng đầu tiên, tố ngay: TT Trump không thể nhốt trẻ con vô hạn định.
Tóm lại, chỉ có một biện pháp duy nhất mà TTDC và khối cấp tiến thực sự nhắm đến: mở toang cửa biên giới.
Tin buồn cho TTDC: dân Mỹ khôn hơn họ tưởng. Theo thăm dò của Rasmussen, bất kể chiêng trống ầm ĩ của TTDC, đa số dân Mỹ (54%) cho rằng việc cách ly trẻ con là lỗi tại đám bố mẹ di dân lậu, chỉ có một phần ba (35%) cho rằng đây là do chính sách di dân của chính quyền Trump.
Tóm lại, đây là vấn đề luật. Sắc lệnh của TT Trump không đủ, chỉ là biện pháp vá víu nhất thời. Cái mà nước Mỹ cần là phải có luật quy mô giải quyết toàn bộ vấn đề di dân lậu. Quốc hội cần phải giải quyết vấn đề di dân càng sớm càng tốt chứ không thể kéo dài vô hạn rồi bắt tổng thống ký sắc lệnh vá víu để rồi ký hay không ký cũng bị chửi. Nhưng vấn đề là quốc hội là một đám chính khách ô hợp, bất cần quyền lợi cả nước, chỉ lo cho cái ghế của mình, nhất là vài tháng trước ngày bầu cử. Và vì khác biệt quyền lợi, sẽ rất khó đạt được đồng thuận để ra được luật về vấn đề nhức răng di dân lậu này. Tin giờ chót, hôm thứ Năm vừa rồi, Hạ Viện thất bại không thông qua được luật di dân mới, vì phe DC chống 100%, trong khi phe CH chia rẽ ngay trong nội bộ. Rời lại qua tuần tới. Nhưng rồi có nhiều triển vọng chẳng đi đến đâu khi phe DC chống đối 100%, vì lên tới Thượng Viện, CH không đủ 60 phiếu để thông qua.
Nhìn vào toàn diện vấn đề, ta thấy hình như cuối cùng thì TTDC và phe đối lập DC đã khám phá ra đề tài để đánh TT Trump hữu hiệu nhất từ trước đến nay. Cái đề tài ‘thông đồng’ với Nga càng ngày càng trở nên cơm nếp nát khi ông công tố Mueller bỏ hơn cả năm trời mà vẫn chưa ai thấy gì cụ thể hay kinh hồn ngoài việc vài ông phụ tá bị chộp vì những chuyện bá láp chẳng ăn thua xa gần gì đến chuyện thông đồng. Tố TT Trump nói láo, thiếu tư cách, khùng điên, dâm đảng, …chỉ khiến thiên hạ hỏi “rồi sao?”. Quá nhàm chán và vô hiệu quả hoàn toàn. Chẳng thể làm gì được ông tổng thống hết.
Quan trọng hơn cả, đây là đề tài quá hấp dẫn, đến độ có thể lấn át được tất cả những thành quả của TT Trump, như kinh tế phát triển mạnh, công ăn việc làm được tạo ra ào ào, có triển vọng hòa bình lâu dài tại Hàn Quốc, có dịp phục hồi lại cán cân ngoại thương thảm hại của Mỹ, có thể ngăn chận chính sách mậu dịch ‘tân đế quốc’ của Trung Cộng,… Chẳng còn bao lâu nữa là đến bầu cử quốc hội, đây là cách tốt nhất để DC chiếm thế đa số tại Hạ Viện và hy vọng, cả Thượng Viện luôn.
Một câu chuyện đáng suy nghĩ: bên Pháp, người ta coi án tử hình là vô nhân đạo. Nhưng không ai tố tổng thống Pháp vô nhân đạo vì thi hành luật. Cũng chẳng ai chỉ trích thi hành luật nghiêm chỉnh là vô đạo đức. Họ làm gì? Quốc hội sửa luật, hủy bỏ án tử hình. Hết chuyện, chẳng xì-căng-đan, chẳng khủng hoảng gì hết. Ở Mỹ? Giữ luật, chửi tổng thống.

VŨ LINH

Tổng Thống Trump: Một Năm Sau

 

Theo TTDC ( Truyền Thông Dân Chủ), TT Trump đã là tổng thống tệ hại nhất lịch sử Mỹ, cả lịch sử nhân loại luôn không chừng? Bàn về việc TT Trump thu hồi cả ngàn luật lệ của TT Obama và ban hành luật thuế mới, CNN phán “đánh giá tổng thống không thể dựa trên số luật thu hồi hay ban hành, mà phải dựa trên việc người dân nghĩ gì”. “Người dân” đây dĩ nhiên là TTDC phe ta. Mà phe ta nghĩ gì?

Theo PEW,  95% các tin tức và bình luận trên báo hay TV đều chống Trump. Thăm dò mới nhất của Politico cho thấy gần một nửa dân Mỹ (46%) nghĩ TTDC đúng là phịa tin để đánh Trump.

Quan hệ giữa tổng thống và TTDC chưa bao giờ tệ hại như ngày nay. Tổng thống tố truyền thông là “fake news”, truyền thông tố tổng thống là vua nói láo.

Thôi thì ta thông cảm cho nỗi ấm ức của bên thua cuộc cũng như tránh đấm ngực quá đáng vì thắng cuộc, để thử bình tâm nhìn lại xem ông thần Trump đã làm được gì trong năm qua. Tốt, xấu, tạm được, như thế nào?

Phải nói ngay, thời gian tranh cử cho đến vài tháng đầu của tân TT Trump đã là một đại họa, di họa đến giờ này vẫn chưa gỡ ra được. Vì không là chính khách chuyên nghiệp, không ở trong giới mafia chính trị, nên chẳng biết ai là ai, mà trách nhiệm mới quá lớn, cần cả ngàn phụ tá, cố vấn, tà lọt, nên vồ chộp lung tung, bất cứ ai đang đứng cạnh, mặt mũi không ngớ ngẩn quá đều lọt qua tuyển lựa ca sĩ màn đầu. Để rồi vồ được cả lô những tay anh chị có lý lịch không rõ ràng lắm như Manafort, Flynn, Bannon, Scaramucci, Spicer, Papadopoulos, Gates,… Tuy đã mau chóng nhận ra chân tướng hơi đáng ngờ và thay thế sớm, nhưng dù sao, cũng đã để lại đĩa bể, chén vỡ tùm lum, khiến ông công tố Mueller hớn hở đi hốt, và vài cụ tỵ nạn nhẩy tưng tưng mừng hơn đón mẹ mới đi chợ mua kẹo về.

Nhưng TT Trump được cái học bài khá nhanh, ngay sau đó đã tuyển lựa được một lô nhân viên nội các, trong đó mấy bộ quan trọng nhất đều là những nhân vật kinh nghiệm cùng mình mà phe đối lập cũng phải nể như ba ông tướng lo quốc phòng, an ninh và chánh văn phòng, và vài ông nặng ký như ngoại trưởng, cố vấn kinh tế, tài chánh, cho dù trong số những người này, có người công khai nói không đồng quan điểm với tổng thống. Tất cả đều là những người đã leo lên tột đỉnh của thành công, tiền bạc dư thừa, danh tiếng lẫy lừng, không dễ gì mà họ ‘khúm núm ngồi tung hô ‘ông tổng thống khùng, ngu dốt, con nít’ như TTDC mô tả.

Dĩ nhiên TT Trump vẫn chưa hoàn hảo, vồ được ông y tế, đại triệu phú nhưng vẫn thích đi máy bay chùa của Nhà Nước, đành phải mời đi về nhà câu cá.

Sai lầm lớn nhất của TT Trump là việc sa thải giám đốc FBI James Comey. Bất kể lý do gì, việc giải nhiệm này mang tính bốc đồng, thiếu suy nghĩ về hậu quả chính trị, đã ép thứ trưởng Tư Pháp ở trong tư thế phải bổ nhiệm ông Mueller điều tra toàn bộ vấn đề, từ việc Nga can thiệp đến việc giải nhiệm ông Comey. TT Trump bị nhức đầu vì Comey, uống lộn thuốc thành đau màng óc vì Mueller, nặng hơn nhiều, chưa biết có thành ung thư óc giết ông luôn không.

Cho đến nay, ông Mueller, với sự trợ giúp của hơn một tá đại luật sư nặng ký nhất nước, hơn một nửa là phe ta đã từng ủng hộ bà Hillary, phần còn lại thuộc … ‘lực lượng thứ ba’ không ủng hộ bên nào hết, do ông Mueller chọn. Những ông CH ủng hộ Trump xin vui lòng đứng ngoài chống mắt dòm. Khiến kẻ này nhớ lại cái chính phủ liên hiệp CSVN đề nghị hồi trước 75: 1/3 là CSBV chính gốc, 1/3 là con đẻ VC trong cái gọi là ‘Mặt Trận Giải Phóng’, 1/3‘ngụy’ nhưng phải được VC chấp nhận như thành phần ‘yêu nước’. Ít ra thì CSVN cũng chấp nhận vài anh ‘ngụy’ dù giả mạo, trong khi ông Mueller không cho anh CH nào xiá vào. Dĩ nhiên ông xếp Mueller được gọi là CH, nhưng thực tế chỉ vì đã được TT Bush bổ nhiệm là giám đốc FBI thôi.

Cho đến nay, ông Mueller đã tung lưới vồ được vài ba con ruồi, dùng làm mồi hy vọng bắt được tôm hùm nào đó. Dù vậy, vẫn chưa đi đến đâu. Chưa biết ông Mueller sẽ moi ra được tội gì, nhưng cho đến nay, những vị nào mơ thấy TT Trump bị đàn hặc, sẽ còn phải mơ lâu dài.

Sau những tháng đầu rối bù như nồi cháo heo, guồng máy hành chánh trong Toà Bạch Ốc đã được ông tướng TQLC Kelly ổn định lại phần lớn.

Cách ‘quản lý nhân sự’ của TT Trump khá độc đáo. Không đồng ý hay bực mình là chửi toáng lên ngay, khiến cho TTDC hể hả khai thác. Hôm sau, thấy chuyện vừa ý lại vồn vã ca ngợi ngay. TTDC tố là bất nhất. Nhưng đây là thái độ mọi người thường thấy ở một ông xếp ở sở làm, bị chửi và được khen là chuyện hàng ngày, nhưng chưa bao giờ thấy nơi một ông chính khách, là người suốt ngày chỉ biết vuốt để lấy phiếu.

Trong vấn đề nhân sự, đáng kể nhất là đã tìm ra được một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, tuy bảo thủ nặng, nhưng khả năng và uy tín cá nhân khó bắt bẻ. Ông Trump rung đùi tiên đoán ông sẽ có dịp bổ nhiệm thêm ít ra ba vị thẩm phán bảo thủ nữa. Phe cấp tiến toát mồ hôi vì tỷ lệ bảo thủ-cấp tiến trong Tối Cao Pháp Viện có triển vọng chuyển qua 6-3 hay 7-2 trong suốt hai ba chục năm tới.

Ứng viên Trump khi tranh cử, hứa khá nhiều chuyện đội đá vá trời như tất cả các chính khách tranh cử khác, dù thua xa Obama khi ông này khẳng định sẽ hạ được thủy triều và hàn gắn cả thế giới. Dĩ nhiên, không ai ngây ngô nghĩ ông sẽ thực hiện được hết, nhất là trong một năm đầu. Dù sao thì cũng cần xem lại coi TT Trump đã làm được trò trống gì.

Việc đầu tiên nếu mà kẻ này không nêu lên, bảo đảm sẽ bị không ít độc giả phe ta rủa ngay: đó là thất bại Obamacare. Thất bại vì sau ba phen bốn bận cãi nhau ỏm tỏi ở Thượng Viện, Obamacare vẫn nằm vất vưởng đó, thiên hạ vẫn è cổ chịu bảo phí tăng như diều gặp bão. Cái đáng nói là tất cả phe CH đều đồng ý là phải chữa cái bệnh ung thư này, nhưng trong 52 ông bà bác sĩ CH, có khoảng nửa tá tự cho mình là Hoa Đà, trong đó có bác sĩ McCain, chỉ thấy mình là giỏi, cãi nhau đến cùng về việc chữa cách nào, rốt cuộc, con bệnh vẫn hấp hối nằm đó.

Thất bại không thu hồi Obamacare trước tiên là thất bại của đảng CH trong Thượng Viện. Nhưng cũng là thất bại của TT Trump khi ông không đủ uy tín ép các nghị sĩ CH phải đoàn kết trong kế hoạch thu hồi Obamacare.

Dù sao, chuyện Obamacare vẫn chưa đến hồi kết thúc nhờ… cải tổ thuế.

Luật thuế mới đã được thông qua và ký. Được coi như cuộc cải tổ lớn nhất từ hơn 30 năm qua. Trong đó, có kèm theo luôn việc chặt bớt một chân của Obamacare: không ai bị phạt nếu không muốn mua bảo hiểm y tế nữa.

Sau thất bại Obamacare, cải tổ thuế trở nên cực kỳ quan trọng. Một nửa dân Mỹ không phải đóng thuế lợi tức. 80% dân phải đóng thuế sẽ đóng ít hơn. Quá tốt, tất cả mọi người phải hoan nghênh phải không? Thưa không! Không có một dân biểu hay nghị sĩ DC nào biểu quyết phê chuẩn luật giảm thuế cho dân hết. Quý vị mai mốt có đi bầu bán chuyện gì, nhớ đừng quên chuyện này nhé. Dĩ nhiên quý vị nào thích đóng thuế cao thì nhớ bầu cho đảng DC đấy.

Luật giảm thuế sẽ có hậu quả chính trị quan trọng. Nếu thất bại thì coi như CH sẽ đại bại trong cuộc bầu quốc hội năm tới, rồi đe dọa trực tiếp cuộc tái tranh cử của TT Trump năm 2020. Nếu thành công, ít ai nhìn thấy làm sao DC có thể chiến thắng năm tới cũng như năm 2020.

Kế hoạch lớn nữa của ứng viên Trump là đối phó vấn nạn di dân.

Bức tường biên giới Mễ? Chưa đi đến đâu. Một số công ty đang đấu thầu xây cất, làm vài khúc tường mẫu để chính quyền Trump lựa. Tiền vẫn chưa có.

Cũng chưa có luật lệ mới nào hết, nhưng chỉ cần nghe ông Trump hù dọa là chưa chi con số di dân lậu tràn qua Mỹ đã tự động giảm ngay hai phần ba rồi. Trước đây 10 người, bây giờ chỉ còn 3. Tiếp tục đà này, chẳng cần luật mới nào, cũng chẳng cần xây tường luôn tiết kiệm được cả chục tỷ, vấn nạn di dân lậu cũng sẽ tự động tự giải quyết.

Bất chiến tự nhiên thành. Hình như binh pháp Tôn Tử có nói “chiến thắng lớn nhất là chiến thắng đạt được mà chưa cần ra quân” thì phải?

Đối với việc khủng bố thâm nhập qua di dân và tỵ nạn Trung Đông, TT Trump ra sắc lệnh tạm ngưng nhận họ trong 90 ngày để soạn luật mới. Hàng loạt quan toà cấp tiến nhất nước phán quyết sắc lệnh bất hợp pháp, bất hợp hiến, cấm thi hành. TTDC và phe ta ca hát, sỉ vả tổng thống dốt luật. Vài cụ tỵ nạn cũng ‘tham chiến’, dù tiếng Anh chưa trôi cũng viết báo, giảng luật Mỹ cho tổng thống Mỹ. Chửi bới ồn ào cho đến khi Tối Cao Pháp Viện biểu quyết 9-0 TT Trump hoàn toàn có đủ thẩm quyền, sắc lệnh của TT Trump phải áp dụng, ít nhất là cho đến khi toàn bộ vấn đề được cứu xét và TCPV có phán quyết cuối cùng.

Ngoài ra, TT Trump đã thực hiện được chuyện gì? Vì khuôn khổ giới hạn của cột báo này, chỉ xin tóm lược lại vài điểm chính, đặc biệt là vấn đề cơm ăn áo mặc của dân:

–       Từ ngày ứng viên Trump đắc cử, chỉ số Dow Jones và Nasdaq đã tăng 45%, từ 18.000 lên tới 26.000. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong năm đầu của một tổng thống, tính từ ngày chỉ số Dow ra đời cách đây 120 năm. Nên ghi nhận chứng khoán nhẩy vọt không phải từ ngày có luật mới gì được ban hành, mà ngay một ngày sau khi ông Trump đắc cử. Chỉ nghe tin Trump đắc cử là… hy vọng đã vươn lên! Hy vọng TT Trump sẽ giảm thuế, đơn giản hoá luật lệ kinh doanh, giúp tăng trưởng kinh tế.

–       Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng 3,1% tam cá nguyệt thứ nhì năm 2017, 3,3% trong tam nguyệt thứ ba. Trong 32 tam cá nguyệt dưới Obama, tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 1,5%. Ngân Hàng Dự Trữ New York tiên đoán tam cá nguyệt cuối năm nay, tăng trưởng sẽ là khoảng 3,8%.

–       Gần hai triệu việc làm mới đã được tạo ra, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2000 (17 năm trước): 4,1%.

–       Hàng loạt đại công ty Mỹ, Âu Châu, Nhật, Hàn Quốc và Tàu đặt kế hoạch đầu tư bạc tỷ vào thị trường Mỹ, thay vì lo tháo chạy ra nước ngoài như dưới thời Obama vì ông này suốt ngày hăm dọa tăng thuế. Đó là những chuyện xẩy ra trước khi luật thuế mới ra đời. Sau khi có luật thuế mới, các đại công ty ăn mừng ngay bằng cách tăng lương, tặng tiền thưởng cho cả triệu nhân viên.

Nhìn vào những thành quả kinh tế trên thì ta hiểu ngay tại sao TTDC chỉ có thể viết về những chuyện như giầy cao gót hay áo đầm của bà Melania, hay chuyện ông Trump cho cá vàng Nhật ăn, ...

Nhiều người cho rằng thành quả kinh tế này là gia tài của TT Obama để lại. Muốn biết sự thật, hỏi ông Krugman. Ngay khi ông Trump đắc cử, giáo sư Paul Krugman, giải Nobel kinh tế, tiên đoán TT Trump sẽ lật ngược hết các chính sách của TT Obama, để rồi kinh tế Mỹ sẽ đi vào tình trạng kiệt quệ bi thảm nhất lịch sử. Ông tiên đoán trúng vế đầu là TT Trump lật ngược hết các chính sách của TT Obama thật, nhưng trật lất trong vế sau vì kinh tế tăng trưởng mạnh gấp bội.

Trên phương diện quốc tế thì đây là vài việc đáng ghi nhận:

–       Mỹ rút ra khỏi TPP và thoả ước Paris về thay đổi khí hậu. Vẫn chưa ai chết.

–       Cuối tháng Chạp, chính phủ Iraq thông báo đã chiếm lại tất cả những vùng của ISIS chiếm trước đây và ISIS đã bị loại ra khỏi xứ, chỉ còn chừng 1.000 tay súng và kiểm soát chừng 2% lãnh thổ họ chiếm giữ trước đây, bằng các cuộc đánh bom và truy kích ra trò chứ không ển ển xìu xìu, vừa đánh vừa run như dưới thời Obama. Nhận định của New York Times: đây là một cuộc chiến mà Trump đã thắng (A War Trump Won). Chả mấy khi thấy NYT tặng quà cho Trump!

Tất cả những thành quả kinh tế và ngoại giao trên đều chưa quan trọng bằng việc TT Trump đang phá gỡ gia tài thiên tả của TT Obama. Gần 1.000 luật lệ và thủ tục hành chánh lớn nhỏ đã bị thu hồi, chẳng những giúp đơn giản hoá thủ tục kinh doanh rườm rà, mà còn chặt bớt cành nhánh thiên tả trong Obamacare, chính sách di dân, giáo dục, gia cư, trợ cấp, môi sinh,…

Thời gian một năm qua cũng cho thiên hạ thấy cách làm việc của TT Trump. Ông không ngại làm việc với phe đối lập DC, cũng chẳng qụy lụy các đồng chí CH phe mình. Cần bắt tay thì bắt tay, muốn đánh cứ đánh, bất cần phe nào, bất kể ai.

Công bằng mà nói, TT Trump đã cung cấp cả lô vũ khí cho TTDC đánh ông. Trong tư thế một doanh gia chẳng một ly kinh nghiệm chính trị, TT Trump đã bị hố nặng qua rất nhiều hành động cũng như tuyên bố cẩu thả, để bị đánh tàn bạo. Tin buồn cho TTDC là hầu hết dân bầu cho Trump là dân cầy ruộng hay thợ thuyền đầu tắp mặt tối đi lao động, chỉ lo coi phiếu lương mà không rảnh đọc New York Times hay coi CNN, thành ra thăm dò mới nhất mới cho thấy hầu hết cử tri bầu cho Trump vẫn chẳng hề thay đổi quan điểm.

TT Trump nói chung, kiếm chuyện gây sự, đập phá lung tung.

Theo kẻ này, chủ ý của ông là thực hiện một cuộc ‘cách mạng văn hóa’, thay đổi cách suy nghĩ và làm việc của cả nước, bắt đầu từ việc giảm thiểu vai trò của các công chức của Nhà Nước Vú Em, đến việc tìm cách đánh đổ tư tưởng ‘phải đạo chính trị’ đang thống trị văn hoá Mỹ qua báo chí, truyền hình, phim ảnh. TTDC ta thán các bộ sở thiếu người làm việc vì TT Trump chậm trễ bổ nhiệm người. Thật ra, các bộ trưởng của TT Trump cố tình cắt xén hệ thống hành chánh quá nặng nề của chính quyền Mỹ.

Một điều khá rõ nữa, là TT Trump đang cố giảm thiểu vai trò của TTDC thiên tả trong việc lèo lái dư luận quần chúng. Ông leo qua bức tường TTDC, liên lạc thẳng với dân qua những cái ‘tuýt’ mà TTDC ghét cay ghét đắng. Và ông cũng không bỏ lỡ một cơ hội nào để chỉ trích TTDC.

Một năm sau ngày đắc cử, TTDC hô hoán ầm ĩ TT Trump là tổng thống với tỷ lệ hậu thuẫn thấp nhất lịch sử cận đại theo các thăm dò của họ. Nếu thăm dò của họ chính xác thì giờ này ông Trump đang chia bài cào tại sòng bạc của ông chứ không ăn đại yến với Tập Cận Bình.

Tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump, trên dưới 40% thấy thê thảm? Không, vì vẫn cao hơn tỷ lệ 36% của… bà Hillary do Gallup thông báo!

Báo Daily Mail của Anh nhận định TT Trump là một “siêu sao chính trị” (political superstar) chưa từng thấy trong lịch sử chính trị thế giới.

Đúng như Daily Mail nhận định, chưa có một chính khách nào có sức thu hút truyền thông và quần chúng bằng ông Trump. Không có một ngày nào mà không thấy tên ông trên mặt báo hay không nghe tên ông trên TV. Ít tin tốt, hầu hết tin xấu, nhưng hiển nhiên, TT Trump như là một thứ nam châm chưa từng thấy. Ông cũng là người kích động thiên hạ như chưa ai làm nổi. Nghe đến tên ông là thiên hạ nhẩy dựng lên ngay, bất kể nhẩy lên để chửi hay để bênh, chứ không ai ngồi yên nhún vai ngáp dài hết.

Nhiều người miệt thị TT Trump bị bệnh tâm thần. Khối DC trong quốc hội mời một bà bác sĩ tâm thần ra điều trần. Bà này khẳng định TT Trump có triệu chứng bị bệnh tâm thần.  Vấn đề là bà này là bác sĩ… không có giấy phép hành nghề, chưa bao giờ gặp mặt TT Trump.

Sự thật giản dị hơn nhiều: ông này khùng không thể nào đắc cử tổng thống, là chuyện không dễ chút nào, không tin, hỏi bà Hillary thì biết.

Ngay sau đó, TT Trump khám sức khỏe hàng năm. TTDC hồi hộp chờ tin xấu. Kết quả, báo cáo chính thức, sức khỏe của ông tuyệt hảo. Về tâm thần, ông bị khảo sát –test- về ‘nhận thức’ –cognitive test- và đạt điểm 30 trên 30. Kẻ này thắc mắc không biết mấy ông tố Trump điên khùng sẽ có được bao nhiêu điểm nếu phải thi sát hạch kiểu này?

Phản ứng của TTDC? Newsweek, CNN, WaPo chạy tít lớn: Trump béo phì, cao mỡ, cao máu, không hoạt động, gương xấu cho thiên hạ. Trong bài viết, nói phớt qua chuyện sức khỏe tốt và điểm nhận thức hoàn hảo. Bác sĩ trụ trì tại CNN tiên đoán TT Trump sẽ bị đột qụy chết trong vòng 3 tới 5 năm. Thế mới phục cái tài của TTDC: bất cứ chuyện gì, cho dù tốt, cũng bóp méo để đả kích hay bôi bác được. Vài cụ tỵ nạn mau mắn nhẩy ra làm… ‘thông ngôn’ ngay (danh từ cùa kinh tế gia Ng Xuân Nghĩa!).

Nếu muốn tóm lược thật ngắn gọn, thì có thể nói TT Trump cho đến nay đã đại thành công trên vài điểm cực kỳ quan trọng:

  1. cản không cho bà Hillary làm tổng thống
  2. đưa Tối Cao Pháp Viện và cả ngành Tư Pháp về hướng bảo thủ trong ít ra là hai ba chục năm nữa
  3. giảm thuế cho cả nước, ít nhất trong một chục năm nữa
  4. từng bước phá bỏ gia tài thiên tả của Obama
  5. phơi bày bộ mặt phe đảng lộ liễu của TTDC.

Đây chính là những ‘tội tầy trời’ mà phe cấp tiến không thể tha thứ được, phải đánh đến cùng. Trong khi kẻ này khui bia ăn mừng!

Vũ Linh

Tự Do Ngôn Luận Và Đồng Tiền 

 

 

VŨ LINH… một tiếng nói khác, một cái nhìn khác với cái nhìn chung của truyền thông dòng chính Mỹ, cho dù đó là cái nhìn tạo nhiều tranh cãi…

Thoáng đọc qua, cái tựa bài viết coi bộ không ổn lắm. Tự do ngôn luận có quan hệ gì đến chuyện tiền bạc? Tự do ngôn luận đâu phải là món hàng có thể mua hay bán đâu mà lại liên hệ nó đến tiền bạc, giá cả?

Sự thật là vấn đề phức tạp hơn cách suy nghĩ đơn giản này nhiều. Muốn có tiếng nói, phải có tiền, không có tiền, mất tiếng nói.

Quý vị muốn có bằng chứng?

Tuần báo chính trị cấp tiến lớn nhất thế giới, TIME, bị khó khăn tài chánh lớn. Vừa mất độc giả, vừa mất quảng cáo, mất cả tài trợ của các đại gia. Quay qua quay lại, tam thập lục chước, chỉ còn một chước là phải bán. Rao bán và có một nhóm tài phiệt mua 2,8 tỷ đô ngay. Một con số kỷ lục chưa từng thấy. Nghĩa là gì? Đó là cái giá mà các ông chủ mới chấp nhận trả để có tiếng nói.

Cái trớ trêu là trong nhóm người mua TIME, có hai anh em tỷ phú Koch, là những đại tài phiệt bảo thủ, đã từng chi bạc triệu để yểm trợ các ứng viên bảo thủ của đảng CH ở nhiều cấp.

Câu chuyện này cho thấy rõ trong cái xứ thành đồng của tư bản chủ nghĩa  này, mọi chuyện đều do đồng tiền quyết định, không tiền là… ngáp, đóng cửa tiệm. Mà trong ngành truyền thông, đóng cửa tiệm là mất tiếng nói. Muốn có tiếng nói thì phải chịu chi.

Người ta có thể chê trách các ông chủ của TIME hiện nay là ‘lương tâm không bằng lương tiền’, sẵn sàng vì đồng tiền mà phản lại các độc giả cấp tiến của TIME từ hồi nào đến giờ, trao trứng cho ác, bán TIME cho những tài phiệt bảo thủ nặng. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, không bán thì chẳng lẽ mấy ông chủ hiện hữu ngồi chờ khai phá sản sao?

Mà chẳng phải chỉ có TIME không đâu. Mấy báo lớn của Mỹ như Newsweek và Washington Post,… đã ra đời từ cả trăm năm nay, cũng đột nhiên gặp khủng hoảng tài chánh hết. Newsweek được bán năm 2010 với giá một đô ($1) cho một tài phiệt để ông này lãnh hết nợ nần. Washington Post năm 2013 được bán cho tỷ phú Jeff Bezos, ông chủ của Amazon. Dĩ nhiên, cả ngàn tờ báo địa phương, lớn nhỏ cũng đều gặp vấn đề, tuy nặng nhẹ khác nhau. Tại sao lại có hiện tượng này? Nguyên do từ đâu ra?

Có hai yếu tố quan trọng nhất, dĩ nhiên không kể những yếu tố cục bộ như quản trị dở, giá trị bài viết yếu kém,…

Yếu tố thứ nhất, các loại báo in đều coi như hết thời rồi. Bị cạnh tranh quá mạnh của đủ loại phương tiện gọi là “truyền thông xã hội” qua mạng internet. Hồi trước muốn biết tin, phải đi kiếm báo in để đọc. Sau đó, văn minh hơn, có thể ngồi nhà, coi tin tức trên TV hấp dẫn hơn vì có hình ảnh sống động, báo in bắt đầu mất khách. Bây giờ thì không ai có đủ thời giờ đọc hàng triệu loại tin được phổ biến qua các trang mạng, emails, facebook, blog,… Chẳng những có thể đọc miễn phí hết, mà lại có dịp lên tiếng phát biểu cảm nghĩ nữa, có dịp đóng góp ý kiến, khen chê ‘thoải mái’!

Chẳng còn lý do gì đi mua tờ báo về đọc, mất công cất chật nhà, nuôi gián mối, lại tốn tiền nữa. Chỉ còn lại lác đác vài cụ già không có computer, hay có mà chưa rành xử dụng, hay không thích đọc chữ trên màn hình computer, sợ mỏi mắt. Nhưng ai cũng biết những cụ này càng ngày càng thưa thớt, lo đi về nơi tiên cảnh (kể cả kẻ này cũng đang lẽo đẽo theo sau), là nơi không ai cần biết tin tức trần tục vớ vẩn gì nữa.

Lý do báo in phải cạnh tranh với các phương tiện truyền thông điện tử là lý do quan trọng, nhưng không phải là lý do sinh tử. Vì các báo và tạp chí đều đã chuyển hướng, chạy theo đà tiến hóa, nhẩy vào thế giới ảo của internet hết. Báo nào cũng có trang mạng, facebook,… hết.

Yếu tố thứ hai quan trọng hơn, vì có hệ quả nặng hơn. Ta thử nhìn lại cho kỹ.

Nhờ sự bành trướng, phát triển quá mạnh của các phương tiện truyền thông điện tử, chính trị đã được phổ cập hóa quá nhanh, quá mạnh, đi sâu vào quần chúng, vào từng gia đình và từng cá nhân. Xu hướng ngày trước là đại đa số dân thường chẳng mấy ai để ý đến chuyện chính trị. Dân Việt ta trước đây vẫn thường nghe câu nói “tôi không làm chính trị, chẳng biết gì về chính trị”. Nhưng ngày nay, tại xứ Mỹ này, không ai là không để ý đến chính trị. Từ bữa cơm gia đình tới giờ giải lao tại công sở, từ khuôn viên đại học đến sân nhà thờ, từ bữa tiệc nhậu đến đám cưới, có dịp nói chuyện hai ba câu cũng đã là có dịp bàn ra tán vào về những câu chuyện thời sự chính trị. Ngay cả trong thương xá Phước Lộc Thọ ở khu Bolsa, tranh cãi chính trị bây giờ hấp dẫn hơn chơi cờ tướng nhiều. Về phiá Mỹ, những bài viết chống TT Trump bây giờ cũng len vào được các báo trước đây chẳng dính dáng xa gần gì đến chính trị như Vogue, Vanity Fair, là các tạp chí bàn về mỹ phẩm và thời trang phụ nữ, hay ngay cả Sport Illustrated!

Và vì ai cũng nhẩy nhổm vào chính trị nên ai cũng có quan điểm chính trị. Chứ chẳng lẽ nói chuyện về Obamacare mà lại không có ý kiến gì về TT Obama hết sao? Đưa đến tình trạng ai cũng có ý kiến, để rồi ai cũng đứng về một bên. Còn rất ít người có thể nói thực sự là không đứng về phe nào, cho dù nhiều người vẫn thường tự cho là mình như vậy, không phe phái.

TT Obama khi tranh cử, tuyên bố rất hùng hồn, không có một nước Mỹ xanh hay một nước Mỹ đỏ, đen hay trắng, giàu hay nghèo, v.v… mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng khi ông đã làm tổng thống một thời gian thì được báo phe ta Washington Post tặng cho cái danh hiệu “tổng thống tạo phân hóa lớn nhất lịch sử Mỹ”.

Dĩ nhiên, một phần là vì chính sách cấp tiến nặng mà ông theo đuổi. Chẳng hạn như qua Obamacare, từng bước đi vào ‘xả-hội-chủ-nghiã hóa’ ngành y tế, hay những chính sách phải đạo chính trị phi lý. Nhưng công bằng mà nói, thì tình trạng phân hóa cũng xẩy ra vì cả nước Mỹ đều không ít thì nhiều đã lựa phe phái rồi. Gần như cả nước chỉ cần nhìn vào TT Obama là đã có ngay ý nghĩ thích hay ghét rồi, bất kể ông làm gì hay không làm gì. Thích thì chuyện gì ông làm cũng đúng, ghét thì chuyện gì cũng sai.

Thủy triều phân hóa mỗi lúc mỗi lên cao. TT Trump lên ngôi, giựt ngay chức vô địch phân hóa của TT Obama. Cũng không khác gì trường hợp TT Obama, một phần vì chính ông đã tạo ra tranh cãi qua những quyết định hay lời nói, hay chính xác hơn, qua những cái ‘tuýt’ của ông, giựt gân hơn nhạc kích động của Mai-cồ Jackson. Nhưng quan trọng hơn, chính là sự kiện cả nước Mỹ càng ngày càng phân hóa trầm trọng, càng ngày càng ôm lấy quan điểm phe phái rõ rệt.

Dưới thời TT Bush cha cách đây một phần tư thế kỷ, có thể nói trong 10 người Mỹ, có 1 anh theo DC và 1 anh theo CH, với 8 anh tay không dính chàm. Qua thời TT Clinton, mỗi phe có 2 anh, còn lại 6 anh lửng lơ cá vàng. Qua thời TT Obama, mỗi bên có 4 anh, còn 2 anh lưỡng lự. Đến thời TT Trump, mỗi bên 5 anh, ở giữa: 0! Đã vậy, mấy anh ủng hộ hay chống đều hung hăng như cuồng hết.

Nhìn dưới lăng kính phe phái đó, ta sẽ hiểu ngay tại sao sau bầu cử cả năm trời mà dường như tất cả mọi người, cả hai phiá, đều vẫn tưởng như tuần tới mới có bầu bán, nên đang đánh nhau túi bụi dành phiếu.

Có tổng thống rồi mà! Để ông ta làm việc chứ? Để bà Hillary yên đi, bà đã ngã ngựa lâu rồi, sao lôi bà ta ra làm gì nữa? Đó là những tiếng kêu trong sa mạc.

Sân chơi chính trị Mỹ bây giờ không có chỗ cho những người trung dung, huề vốn, hay ba phải nữa. Nhìn lại xem, tại sao ông Trump đắc cử tổng thống? Ông có giỏi hơn tất cả gần hai chục đối thủ của ông trong nội bộ CH không? Dường như không. Nhiều đối thủ của ông kinh nghiệm hơn ông nhiều, ăn nói thao thao bất tận hơn ông, tướng mạo tốt hơn ông, có ‘bàn tay’ lớn hơn ông, có mái tóc nghiêm chỉnh hơn ông, có đường lối chính sách hợp lý hơn ông, có hậu thuẫn tài chánh mạnh hơn ông, rất nhiều thứ hơn ông, nhưng lại thua. Tại sao? Tại vì họ đều xìu xìu ển ển, lập trường chung chung, nhìn cho kỹ giống nhau hết. Ông Trump hơn họ vì cứng rắn dứt khoát, ủng hộ thì tôi cám ơn, không ủng hộ, tôi không cần. Ông Trump đã thắng vì nhiều người thích cái dứt khoát đó, vì chính họ đã có quan điểm dứt khoát rồi.

Từ đây, ta nhìn qua làng báo.

Sân chơi làng báo bây giờ cũng không còn chỗ cho những báo ba phải, hay thông tin thuần túy trung lập.

Từ radio cho đến TV cho đến báo chí, toàn là những hò hét khen chê thẳng cánh, từ Rush Limbaugh, Sean Hannity bên phe hữu, đến Chris Matthews, Ruth Marcus của cánh tả, từ CNN đến Fox News, từ New York Times đến National Review, tất cả chẳng có một ai là nói chuyện không phe phái. Đánh cho ra đánh, bênh cho ra bênh, ai khiếu nại, mua báo khác mà đọc, mở đài khác mà coi.

Có hai cách nhìn: từ phiá độc giả và từ phiá người làm báo.

TỪ PHIÁ ĐỘC GIẢ

Không ai đọc cũng chẳng ai ủng hộ loại báo trung dung ba phải nữa. Tin tức trung dung hay trung thực, đã có hàng vạn nguồn tin trên mạng. Tôi có đọc báo thì đó là vì tôi muốn đọc những gì hợp nhãn, củng cố quan điểm của tôi, chứ không phải để biết tin tức. Không phải chỉ là báo không thôi, mà ngay cả các đài phát thanh hay các đài truyền hình cũng vậy. Ít ai để ý đến những tin tức hay bình luận huề vốn, mà trái lại, phần lớn thiên hạ muốn đọc hay nghe hay nhìn những gì mình thích, hợp ý mà không cần hợp lý.

TỪ PHÍA NHÀ BÁO

Chỉ vì chính những quan điểm phe cánh mạnh mẽ đó mới có thể thu hút độc giả hay thính giả hay khán giả, rồi từ đó đi đến thu hút quảng cáo và bảo trợ nuôi sống báo hay đài đó. Đó là lý do bắt buộc các cơ quan ngôn luận không thể trung lập được nữa.

Trong khung cảnh chính trị phân hoá cùng cực hiện nay, truyền thông muốn có chỗ đứng phải có lập trường dứt khoát, bên này hay bên kia. Ai cũng biết CNN đứng về phiá nào hay Fox bênh ai. Chỉ vì phải có quan điểm dứt khoát mới có hậu thuẫn của khách hàng, và có hậu thuẫn của khách hàng thì mới có ủng hộ tài chánh, từ quảng cáo đến bảo trợ, rồi phải có ủng hộ tài chánh thì mới sống được. Triết lý đơn giản hơn A-B-C.

Thậm chí bây giờ truyền thông có muốn trung lập hay đa dạng, cũng không được. Vì đa dạng là chấp nhận có đủ tiếng nói đối nghịch, từ mọi phiá. Tình trạng phân hóa chính trị ngày nay đã đi đến cảnh không ai chấp nhận tiếng nói chói tai khác nữa. Cứ nhìn vào đám sinh viên cấp tiến của đại học Berkeley thì thấy. Đây là đại học trước đây nổi tiếng là thành đồng của tự do ngôn luận. Nhưng bây giờ thì đã biến thành nơi chỉ chấp nhận tiếng nói thiên tả hoàn toàn một chiều, cho dù cực đoan nhất. Tiếng nói thiên hữu bị dập tắt từ trong trứng nước, bị biểu tình phá, ăn đòn ngay.

Chưa hết. Cái khối bảo trợ tài chánh muốn đi xa hơn nữa. Không còn là “bảo trợ” không nữa, mà muốn kiểm soát luôn cả nội dung các báo và đài luôn. Nhiều tiền như anh em nhà Koch thì mua luôn cả tờ báo. Ít tiền hơn thì qua quảng cáo, áp lực tờ báo không cho đăng bài này, phải đăng bài kia. Tệ hại hơn nữa thì tìm cách triệt hạ như O’Reilly bị loại ra khỏi Fox News.

Vẫn chưa hết. Đứng về một phe vẫn chưa đủ. Còn phải dùng những thậm từ, những ngôn từ nổ hơn kho đạn Biên Hòa để câu khách.

Khi một tờ báo lớn viết bài không phải dưới tên một nhà báo quèn mà là dưới tên ban chủ biên –editorial board- mà lại có thể nói đương kim tổng thống không đáng đi chùi cầu tiêu cho ông tổng thống tiền nhiệm, thì rõ ràng có cái gì bệnh hoạn trong truyền thông dòng chính Mỹ. Và khi truyền thông tỵ nạn hớn hở phổ biến cái tin đó, thì rõ ràng đã có cái gì… còn bệnh hoạn hơn nữa!

Trong những xứ độc tài đảng trị thì đảng ta kiểm duyệt truyền thông, khỏi bàn thêm. Tại Mỹ này thì truyền thông tự nguyện cho đô-la kiểm soát, qua bảo trợ và quảng cáo.

Nhìn từ góc cạnh này thì ta hiểu tại sao những đại tài phiệt tư bản nặng, chủ các cơ quan ngôn luận lớn nhất Mỹ lại chấp nhận báo hay đài của mình ngả về phiá tả: vì họ phục vụ cho những thị trường lớn như New York, Washington DC, Los Angeles, San Francisco, Chicago, … là những nơi mà độc giả, khán giả và các cơ sở thương mại quảng cáo, phần lớn theo khuynh hướng cấp tiến thiên tả. Đại tài phiệt, bất kể cấp tiến hay bảo thủ, luôn luôn lấy doanh thu làm yếu tố quyết định.

Trở lại chuyện báo TIME: cho dù được các tài phiệt tư bản nặng mua lại, nhưng có nhiều triển vọng vẫn tiếp tục khuynh hướng cấp tiến vì đại đa số khách hàng là dân trí thức cấp tiến. Cũng không khác gì Newsweek và WaPo, các ông chủ mới là đại tài phiệt, nhưng quan điểm của báo vẫn là cấp tiến, chống Trump, vì khách hàng của họ là trí thức cấp tiến.

Diễn tiến thời cuộc đưa đến tình trạng này. Chẳng ai muốn, cũng chẳng ai chống chế được. Cũng chẳng ai trách các báo, các đài được. Vấn đề sinh tử của họ.

Lý do tài chánh quan trọng thật, nhưng còn một lý do nữa khiến các cơ quan truyền thông đứng qua một bên chứ không còn trung dung nữa: đó là ngay cả các chủ báo phần lớn cũng đã khoác bộ áo ‘chiến sĩ’ tranh đấu cho lý tưởng của họ, dù là bên tả hay bên hữu.  Một ông chủ báo hay chủ bút cấp tiến dĩ nhiên sẽ ngả qua phiá tả, hay ngược lại, nếu bảo thủ, sẽ thiên về phe hữu.

Và một khi đã lựa chọn chỗ đứng, bất kể vì lý do tài chánh hay quan điểm chính trị, thì tất nhiên là phải có tuyển lựa người hợp tác viết bài, chọn những người cùng chia xẻ quan điểm.

Báo chí như phương tiện thông tin trung lập đã chết từ lâu rồi, bây giờ báo chí đã thành công cụ tuyên truyền phe phái. Chuyện đa dạng là chuyện mộng mơ không còn thực tế. Đa dạng trong tình trạng chung của cả ngành truyền thông được, kiểu như có báo bảo thủ, có báo cấp tiến, nhưng không thể đa dạng trong khuôn khổ một tờ báo hay một đài TV. Chẳng phải là chuyện thương ghét cá nhân, mà là một quyết định kinh doanh -business decision.

Thật sự vẫn có tự do ngôn luận trên đất Mỹ này thật. Nhưng là thứ tự do có hộp, có ngăn, có nắp, kiểu như đứng đúng bên thì nói sao cũng được, đứng lộn bên thì… xin vui lòng về đúng chỗ. Một Sean Hannity của Fox không thể nào có mặt trên CNN. Các nhà bảo trợ CNN sẽ chấm dứt yểm trợ CNN ngay.

Không nên mơ mộng một truyền thông trung thực, đa dạng không phe phái nữa. Đó là con khủng long đã bị tuyệt chủng lâu rồi. Một cái nhìn quá bi quan không? Muốn biết, quý độc giả cứ nhìn thử vào thực tế chung quanh xem.

Truyền thông tỵ nạn thì sao? Quý vị cứ tự xét.

Vũ Linh

Quý độc giả có thể chia sẻ ý kiến trong phần ‘Góp Ý’ ngay dưới bài viết, hay qua tiết mục ‘Liên Lạc’ (Contact) trên “diendantraichieu.blogspot.com”, hay qua email: Vulinh11@gmail.com.

Bạch Cung Bát Nháo

 

Sáu tháng đầu chấp chánh của TT Trump quả là 6 tháng rối loạn chính trị chưa từng thấy trong lịch sử 300 năm văn hiến Cờ Hoa. Chưa nói tới màn đảng DC và TTDC bề hội đồng tổng thống, chỉ trong nội bộ phe TT Trump thôi cũng thấy chóng mặt. Nhóm phụ tá cao cấp nhất từ Bạch Cung đến các bộ, đi ra đi vào như mấy bà đi thử quần áo. Bộ áo nào mới mặc vào cũng thấy đẹp, được ca ngợi, nhưng hai phút sau đã đổi bộ mới, còn cảm thấy thích hơn nữa.

Trong bài “Bầu Hay Không Bầu Cho Trump?” viết một tuần trước ngày bầu cử, 30/10/2016, kẻ này đã nêu rõ điểm yếu lớn của ông Trump như sau:

“… Điều hành một công ty kinh doanh do một mình mình sở hữu, phục vụ cho quyền lợi của mình, khác xa quản trị cả nước của tất cả thiên hạ, với hàng hà sa số quyền lợi khác biệt. Ông Trump sẽ không có khả năng cân nhắc, đáp ứng hay dung hòa những quyền lợi trái ngược này của các khối quần chúng. Ông Trump không hiểu gì về dân chủ, chưa hề được bầu vào một chức vụ nào, mà chỉ làm tổng giám đốc những công ty do ông sở hữu, với quyền sinh sát tuyệt đối, không quen với hình thức lãnh đạo dân chủ tập thể, chung quanh toàn là đám con cái và người làm mà ông toàn quyền sa thải bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do nào;…”

Có thể nói TT Trump lần đầu tiên lái xe hơi, chưa chi đã nhấn ga, phóng bạt mạng, đâm hết gốc cây này đến cột đèn nọ. Nhưng không phải chỉ bây giờ mới vậy, mà ngay từ những ngày đầu tranh cử, ông cũng đã đâm đụng te tua như vậy rồi.

Cái điều quái lạ nhất về ông thần này là cái kiểu đâm đụng này, bất cứ người nào khác đều sẽ tiêu đời, không chết cũng… bại tướng cụt chân, nhưng ông Trump thì lại chẳng sao. Lui khui chui ra khỏi xe, lái tiếp, đụng tiếp, cứ vậy từ hơn cả năm nay. Những người thù ghét ông Trump, cả chục lần khui rượu ăn mừng đều hố, chỉ tổ tốn tiền rượu. Bằng chứng lớn nhất? Hãy nhìn vào kết quả bầu cử ngày 8/11/2016 đi.

Những vị này, trong thâm tâm thù ghét ông Trump tận xương tủy, mỗi lần thấy tin xấu về ông này là mừng như thể dò sổ xố thấy mình trúng được năm số đầu, nhẩy tưng tưng, cho đến khi coi lại số chót trật bét, tiu ngiủ, buồn năm phút lại. Chờ kỳ sổ xố tới để hy vọng tiếp.

Nhìn vào 6 tháng qua, những nhận định gần một năm trước của kẻ này đúng còn hơn Sấm Trạng Trình. Kẻ này cũng phải “thành thật khai báo”, chẳng phải nhờ thi đậu trạng nguyên gì đâu, mà trái lại, những điểm yếu của ông Trump chẳng có gì là bí mật hết ráo. Tất cả các chuyên gia, bình loạn gia, tiên tri gia, đoán mò gia đều đã thấy rõ từ lâu rồi. Bất kể thích hay ghét ông Trump.

Trong tất cả các chính khách của cả hai đảng, từ xưa đến nay, phải nói là chưa ai trong suốt như thủy tinh, bị nhìn thấu rõ mồn một như ông Trump. Mỹ gọi là “WYSIWYG”, tức là “What You See Is What You Get”. Nôm na ra là… quý vị nhìn thấy cái gì thì đúng là nó đấy! Không có cái gì giả tạo, hỏa mù, miệng lưỡi, mặt nạ,…

Nếu quý vị quên rồi, thì kẻ này xin nhắc lại: đó là lý do chính khiến dân Mỹ bỏ phiếu cho ông Trump thay vì cho bà Hillary. Họ có thể liều mạng bỏ phiếu cho ông thần Trump, chứ không thể nào giao phó mạng cùi cho bà Hillary được. Ông Trump có thể thiếu kinh nghiệm, làm việc cực luộm thuộm, sẽ vấp ngã tứ tung, nhưng ít ra, cử tri tin ông được, biết rõ ông muốn làm gì, đi về hướng nào, cho dù chẳng ai biết ông sẽ làm kiểu gì cụ thể và thành công tới đâu. Còn hơn là bầu cho một bà Hillary sáng nói vầy, tối nói khác, gặp đại gia Wall Street thì lo tạ ơn sau khi bỏ túi bạc triệu, gặp cử tri nghèo thì sỉ vả đảng cướp tài phiệt.

Không ai chối cãi 6 tháng qua là 6 tháng mưa to gió lớn. Nhưng nhìn kỹ lại, có phải là loại giông bão lớn có thể đánh chìm con tàu Trump không? Ta coi lại thử.

Ngay từ những ngày đầu tranh cử, TTDC đã thổi phồng cả trăm chuyện, ai cũng đều biết, khỏi cần nhắc lại. Chỉ biết theo như phán quyết của TTDC, dường như cơn bão nào cũng sẽ chôn vùi tên tuổi, nếu không muốn nói đến thân xác bất cứ ứng viên nào khác. Riêng với ông Trump, bất kể tất cả những cơn bão cuối cùng, giọt nước làm tràn ly trên, ông vẫn đắc cử tổng thống. Rồi sau khi đắc cử, lại hàng loạt “cơn bão cuối cùng tiêu diệt đời Trump” khác xếp hàng tiến tới.

Bỏ qua những chuyện biểu tình đốt phá, “Not My President”,… là những hành động chống phá từ phiá đối lập, đang cố tìm phao để khỏi chết chìm, khỏi cần bàn, ta xem lại những cái mà TTDC gọi là đại họa do chính ông Trump tạo ra.

Nào là tweet nhảm nhí toàn chuyện lắt nhắt, cãi nhau tay đôi với các nhà báo, bị ám ảnh bởi máu me phụ nữ, đe dọa tính mạng nhà báo, thiếu tư cách,… Nhưng tất cả đều như bọt biển, xùi lên rồi tan ngay.

TTDC và phe DC ý thức được cái cây cổ thụ Trump này khó đánh ngã thật, mấy cơn bão trong bình trà này chẳng làm tróc một mảnh da nào. Phải khuấy động những cơn bão lớn mới hy vọng.

Quay qua quậy cơn gió… Nga La Tư.

Cấu kết với Putin. Nga giúp kiểu này cách nọ. Nay phụ tá này gặp đại sứ Nga, mai cố vấn kia nói chuyện với luật sư Nga, mốt chính tổng thống xì tin bí mật an ninh quốc gia cho ngoại trưởng Nga. Hàng ngàn tin lớn nhỏ được đám quan chức Obama nằm vùng xì ra, bất kể quyền lợi đất nước. Chẳng ai thắc mắc lo kiểm chứng, cứ có là tung ra ngay. Không ai phủ nhận được thì quá tốt, hy vọng sẽ chấm dứt chế độ Trump. Lỡ có tin nào bị vạch trần là tin vịt thì có sao đâu, xin lỗi một tiếng là xong, đi lùng tin vịt khác. Cứ điều chi vài ngày lại một fake news rồi xin lỗi. CNN xin lỗi vài ba lần. ABC xin lỗi. CBS xin lỗi. MSNBC xin lỗi. New York Times xin lỗi. Hết nhà báo này đến ký giả nọ xin lỗi. Hết dân biểu này đến nghị sĩ nọ xin lỗi.

Hấp tấp lo chửi ngay khi vừa ba chớp ba nháng thấy có chuyện có thể chửi, đó là mô thức hành động mới của TTDC.

Như cột báo này đã viết, tung tin phịa, hay chuyện bé xé ra to, để có dịp sỉ vả Trump cho đỡ ấm ức, rồi xin lỗi, đó là cái mánh mới của phe chống Trump. Có sao đâu, dù gì thì những tin xấu đã được thiên hạ đọc rồi, in vào đầu họ rồi. Ba cái xin lỗi, chẳng ai đọc, có đọc cũng chẳng để ý.

Ít ra thì mấy ông bà Mỹ còn xin lỗi, chứ mấy ông bà tỵ nạn, có loan tin phiạ bị lộ thì cũng xù, chứ chưa thấy vị nào xin lỗi hết. Cái bệnh không biết “cám ơn” hay “xin lỗi” mà thiên hạ chửi VC, hình như cũng đã lan qua Mỹ rồi.

Chuyện con ma Nga thì nói mãi phát nhàm, có bấy nhiêu bàn đi tán lại giống như nhai cục kẹo cao su đã hết vị ngọt từ ba hôm trước rồi. Lâu lâu có tin mới thì mừng rêm. Tin ông Mueller thành lập bồi thẩm đoàn được tung ra như ngày mai ông Trump sẽ vác chiếu hầu tòa, tuần tới sẽ bị nhốt tại Guantanamo vậy. Làm kẻ này nhớ lại một bài du ca trước 75: “Hy vọng đã vươn lên…”!

Cái may mắn lớn cho “phe ta” là chính ông thần Trump là người có cái bệnh khá độc đáo, chuyên tạo ra chuyện để phe đối lập có dịp đánh mình chơi. Mỹ gọi là bệnh … ma-sô-xít! Chuyện ma Nga vừa lắng dịu được vài tiếng đồng hồ thì TT Trump đã cảm thấy buồn chán quá, bèn chế ra chuyện cho TTDC đánh chơi: đánh bài ba lá với đám phụ tá: nay ông này biến, mai ông nọ hiện, đố biết ông nào là ai, đang ở đâu, làm gì?

Ông xếp thông tin nhẩy vào, ông phát ngôn viên ra đi, ông chánh văn phòng nhẩy vô, ông thông tin nhẩy ra. Dường như màn ảo thuật ẩn hiện này chỉ mới bắt đầu và trong những ngày tới, sẽ còn nhiều đào kép hiện rồi biến.

Cái ông xếp thông tin Scaramucci mới là lạ.

Trước đây, người ta nghe tên ông Scaramucci qua một tin chấn động do CNN chế ra. Theo CNN, ông bạn thân này của TT Trump là tay trong, liên lạc viên giữa Trump và Putin, để khuynh đảo bầu cử. CNN được tin mật này ra, mừng như đã dò vé số trúng đủ sáu số, tung ra ngay. Một ngày hôm sau, khám phá ra là fake news do một anh ma gà nào đó đút cho ăn, không bằng chứng gì. Anh Scaramucci là chỗ quen biết lâu năm của TT Trump thật, nhưng chẳng có liên hệ gì đến Nga, mà lại còn là đảng viên đảng DC, trước đây ủng hộ bà Hillary, đã từng tweet nhục mạ ông Trump ngay từ những ngày đầu. Rốt cuộc phải thu hồi tin lại, xin lỗi độc giả, sa thải 3 anh nhà báo làm chốt thí. Thiên hạ chẳng ai biết anh Scaramucci là ai, cũng chẳng để ý. Đi vào quên lãng.

Bất ngờ, TT Trump loan tin bổ nhiệm đúng anh này làm giám đốc thông tin, Director of Communications. Anh này nhẩy ngay lên mặt báo và TV với thái độ hung hãn hơn bọ xít, chửi bới tất cả mọi phụ tá, cố vấn của TT Trump, bằng ngôn ngữ mà mấy thằng nhóc đánh giầy ở Hà Nội chưa dám sử dụng. Hăm doạ sa thải tất cả nhân viên Toà Bạch Ốc ngoại trừ… TT Trump!

Chẳng ai hiểu tại sao TT Trump lại chọn anh này làm xếp thông tin. Ma-sô-xít?

Tay này đi quá xa, TT Trump phải ra lệnh lính mũ xanh đổ bộ sông Potomac, quét dọn Hoa Thịnh Đốn. Tướng TQLC John Kelly đang làm giám đốc An Ninh Lãnh Thổ được chuyển qua làm Chánh Văn Phòng. Một ngày trước khi nhận chức, ông ra điều kiện với TT Trump: sa thải ngay cái anh điên Scaramucci. Anh điên làm giám đốc đúng 250 tiếng đồng hồ.

Rồi TT Trump lấy lý do đi nghỉ hè 17 ngày, tránh qua một bên cho ông tướng mới ra tay quét dọn, cùng lúc với bộ trưởng Tư Pháp Sessions được trao toàn quyền truy lùng địch nằm vùng đang xì tin mật. Ta chờ xem kết quả ra sao.

“Phe ta” thấy tình trạng loạn xà ngầu, nhẩy tưng tưng: phen này thì TT Trump mất job là cái chắc. Khiến kẻ này thắc mắc: Ủa, sao vậy? Tưởng tổng thống chỉ có thể mất job nếu phạm tội phản quốc tầy trời nào đó, phải qua thủ tục đàn hặc cực kỳ rắc rối. Chứ đâu biết bây giờ, TT Trump cũng có thể mất job vì đổi phụ tá? Vẫn chuyện bọt biển?

Thật ra, chẳng có chuyện TT Trump mất job gì ráo. Xin lỗi quý vị thù ghét Trump một cách mù quáng, nhưng sự thật cho đến nay chưa ai thấy có lý do nào TT Trump có thể bị lột chức hay bị áp lực phải tự ý từ chức hết. Lý cớ duy nhất có thể đưa đến đàn hặc mất job là việc cấu kết với Nga, nhưng cho đến nay, cuộc điều tra vẫn chưa ai biết đi đến đâu. Theo ý kiến cá nhân của kẻ mù mờ này, cuộc điều tra cuối cùng sẽ chẳng đụng gì đến TT Trump, tuy có nhiều triển vọng tìm ra được vài con nhạn trong đám phụ tá làm vật tế thần cho phe cấp tiến.

Nhìn lại toàn bộ thành tích của TT Trump trong nửa năm đầu, khó ai có thể chối cãi tình trạng bát nháo do quá nhiều khó khăn. Tất cả thăm dò dư luận đều cho thấy hậu thuẫn của TT Trump đang rớt như sung rụng. Cũng đáng lo cho TT Trump, dù biết rằng nếu các thăm dò là chính xác thì giờ này bà Hillary đang làm tổng thống chứ không phải ông Trump.

Một số lớn khó khăn do địch tạo ra, tức là do TTDC và đảng DC chế ra để đánh phá và cản trở việc thông qua các cải tổ mới. Những khó khăn này sẽ cản trở bước tiến của chính quyền Trump không ít, nhưng đó là chuyện đấu tranh chính trị bình thường, chẳng có lý do gì để đi đến chuyện đàn hặc hay từ chức. Người ta còn nhớ TT Obama sau khi ra được Obamacare, bị chống đối mạnh, mất cả Hạ Viện lẫn Thường Viện, để rồi 6 năm sau đó, chẳng ra được bất cứ luật lớn nào, chỉ ngồi chơi xơi nước cho đến hết nhiệm kỳ.

Một số khó khăn khác lại do chính TT Trump tạo ra. Điển hình là những tweet tranh cãi với TTDC hay những thay đổi nhân sự trong chính quyền. Hậu quả của thiếu kinh nghiệm cũng như cái… khẩu nghiệp nói nhảm, coi trời bằng vung của TT Trump, và nhất là việc hầu hết nội các và phụ tá của TT Trump đều là những người ông mới biết, mới làm việc chung sau này, không phải tâm phúc lâu năm, nên chuyện không hợp, phải thay đổi chỉ là dĩ nhiên. Nhưng tất cả những chuyện đó chỉ là những luộm thuộm kỹ thuật, chẳng ai có thể nói đó là những tội đầy đình phải bị đàn hặc hay ép ông từ chức.

Mọi lao xao đều chỉ là “diện”, không phải “điểm” của vấn đề.

Quan trọng là những vấn đề lớn của đất nước mà ứng viên Trump đã hứa và người dân đang mong chờ. Nói trắng ra là các vấn đề Obamacare, thuế má, công ăn việc làm, nan đề di dân lậu, và nhất là gia tài Nhà Nước vú em Obama.

Phần lớn, TT Trump chưa có thời giờ hay cơ hội làm gì nhiều. Ta cứ chờ đó trước khi lạm bàn. Ta thử nhìn qua vài việc đã làm.

Obamacare đang là cái nhức đầu lớn của TT Trump. Dĩ nhiên tất cả phe DC không chừa một người, đã quyết tâm chống mọi ý kiến phe CH đưa ra. Cái khó khăn là trong chính hàng ngũ CH đã không tìm ra được một đồng thuận tối thiểu nào. Mỗi lần biểu quyết một giải pháp là lại có vài ba nghị sĩ chống đối vì nhu cầu bảo vệ ghế của mình, hay vì lý do riêng nào khác. Dù sao thì cuộc chiến Obamacare vẫn đang tiếp diễn, chưa kết thúc.

Công ăn việc làm chính là thành quả lớn nhất của chính quyền Trump mà TTDC đã cố tình khỏa lấp, dấu kín như bưng, không bàn tới.

Hàng loạt các đại công ty Mỹ cũng như ngoại quốc đã vẽ lại kế hoạch đầu tư lâu dài, bỏ bạc tỷ vào kinh tế Mỹ lại, như GM, Apple, WalMart, Amazon, Toyota, Mazda,… sẽ tạo cả triệu job cho lao động Mỹ. Các mỏ than vùng kỹ nghệ Đại Hồ bắt đầu sống lại, mang công ăn việc làm cho hàng vạn gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm mạnh. Một nhà báo ước tính hơn một triệu jobs đã được tạo ra dưới nửa năm của TT Trump.

Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ sống lại nhờ hàng ngàn luật lệ lắt nhắt thời Obama bị chính quyền Trump lẳng lặng thu hồi. Những ai không tin chỉ cần nhìn vào chỉ số chứng khoán Dow Jones, tăng 20% trong nửa năm, thể hiện niềm tin vào chính sách kinh tế mới.

Nhưng quan trọng hơn cả là những việc làm lặng lẽ đằng sau những ồn ào của những đấu đá với TTDC, những việc mà báo cấp tiến The Atlantic hoảng sợ đang cố rung chuông báo động, nhưng ít người biết vì TTDC dấu nhẹm:

– Hàng trăm quan tòa liên bang khuynh hướng bảo thủ đang và tiếp tục được âm thầm bổ nhiệm với nhiệm kỳ vĩnh viễn, nghiã là ít nhất 20-30 năm vì phần lớn các quan tòa TT Trump bổ nhiệm đều trẻ, trên dưới 50 tuổi. Chưa kể việc TT Trump có triển vọng bổ nhiệm 2 hay 3 thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Thay đổi vĩnh viễn hướng đi của Tư Pháp Mỹ về hướng bảo thủ. Một đại họa cho khối cấp tiến. Đây là lý do chính khiến TT Trump không sa thải ông Sessions cho dù bực mình về chuyện điều tra Nga.

– Luật gia cư, trợ cấp an sinh, phiếu thực phẩm, tiền thất nghiệp,… đang được sửa đổi mạnh để chặn đứng những gian trá, lạm dụng, tiết kiệm bạc tỷ tiền thuế của dân trung lưu. Những vị nào khai man thuế, có nhà cho thuê trong khi lãnh medicaid,… nên cẩn thận những ngày tới, đừng đùa với lửa Trump rồi than oan.

– Dù luật di trú mới chưa có, nhưng di dân lậu đã nhận được thông điệp rõ rệt của chính quyền mới. Số di dân tràn lậu qua tự động giảm gần hai phần ba. Bức tường chưa xây nhưng coi như đã có rồi. Hình như binh thư Tôn Tử đã nói chưa ra quân mà đã thắng thì mới đúng là thắng lớn nhất.

– Theo thống kê chính thức, chính quyền Trump đã thu hồi hay sửa đổi gần 400 luật lệ và thủ tục hành chánh của thời Obama, nhất là liên quan đến giới kinh doanh nhỏ.

– Luật bình đảng màu da trong các đại học đang được cứu xét lại, dựa trên vụ các sinh viên gốc Á Châu đang kiện Harvard vì đã nhận sinh viên da đen dù điểm đậu thấp hơn sinh viên Á Châu, trong đó có sinh viên gốc Việt. Các cụ tỵ nạn có con cháu đang xin vào đại học Mỹ nên uốn lưỡi bẩy lần trước khi chửi Trump kỳ thị nhé.

Ông bác sĩ Ben Carson, bộ trưởng Gia Cư đã cười lớn: “tôi rất mừng TT Trump đã lãnh đủ mọi đòn ồn ào để tôi có thể lẳng lặng lo việc của tôi”.

Nói chung, gia tài cấp tiến của TT Obama đang bị xóa hết. Đó chính là thành quả lớn nhất và lâu dài nhất của TT Trump. Chỉ việc này không cũng đủ làm khối bảo thủ vui vẻ sổ chấp việc TTDC cuồng điên chống Trump. Những người thù ghét Trump dường như vẫn không thể ra khỏi cái bong bóng cấp tiến -liberal bubble- hoàn toàn cô lập không nhìn thấy thực trạng nước Mỹ. Vẫn loay hoay đi tìm tin vặt bất lợi cho Trump để… tự sướng. Cho dù hầu hết đều là fake news cũng vẫn sướng.

Thực tình mà nói, kẻ này trước đây và ngay cả bây giờ, đã và đang có nhiều câu hỏi lớn về ứng viên Trump, đặc biệt về kinh nghiệm cũng như về cá tính. Những bài viết của kẻ này trên Việt Báo trước ngày bầu cử còn đầy đủ, ai cũng có thể kiểm chứng được.

Nhưng ta sống trong chế độ dân chủ, phải coi trọng tiếng nói của người dân. Người dân đã quyết định trao trách nhiệm cho ông Trump. Dù muốn dù không, thích hay ghét ông Trump, cũng cần phải cho ông ta một cơ hội để làm những gì ông đã hứa. Sau đó 4 năm, nếu không vừa ý, tha hồ chửi, vẫn có quyền bầu người khác, cho ông Trump về vườn. Thái độ nhắm mắt nhắm mũi chống đến cùng, chống tất cả mọi việc bất kể tốt xấu, chống ngay khi ông chưa kịp làm gì, tất cả chỉ là thành kiến phe đảng mù quáng, nhỏ mọn, và ấu trĩ.

Vũ Linh