.
Đêm Cuối Năm của NMG là một truyện ngắn đầu trang của 13 truyện ngắn trong tuyển tập “ Xuôi Dòng” của Ông đựơc viết ở đảo Kuku, Nam Dương năm 1981 và được nhà xuất bản Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1987. Chuyện được kể bởi 4 người, tuổi xấp xỉ 40, cái tuổi đã qua cái thời trai trẻ, nhưng lại chưa qua cái tuổi già, cái tuổi không làm cái này cũng làm cái nọ ở chế độ cũ, mà cái nào cũng là tội ác đối với chế độ mới.
Tất cả vừa trải qua một cuộc hành trình ngất ngư con tàu trôi, thừa sống thiếu chết trên biển cả hung dữ, trên 4 con thuyền khác nhau, mới đến được đảo Kuku. Người đầu tiên kể là một Linh Mục, kế tiếp là một Kỹ Sư, một Thiếu tá Không Quân, và sau cùng là một công nhân “tổ hợp mì sợi”. Đọc xong 4 câu chuyện kể của 4 ông ở cái tuổi không già, không trẻ, gấp sách lại, chúng ta chỉ còn nhớ chuyện của anh công nhân “tổ hợp mì sợi” là ấn tượng nhất. Anh công nhân này bị đi tù bởi cái tội gọi là “xâm phạm tài sản XHCN”.
Chuyện của NMG phản ảnh y chang cái xã hội VN hiện tại: Cái xã hội mà bộ máy cai trị là những con người tham ô, lúc nào cũng gây nhũng nhiễu cho người khác, đặt ra cả rừng luật lệ mơ hồ để dễ bề tống người dân ngây thơ, chất phát vào tù mà không hiểu lý do gì mình đã đi tù. Đọc “đêm cuối năm” của NMG, người ta thấy có quá nhiều điều khôi hài, qua những nội qui của nhà tù, điều lệ của phòng, của tổ, mang danh rất đẹp là giáo dục tù nhân trở thành hoàn thiện nhưng hành hạ con người là chính! Giữa có tội và vô tội chỉ cách nhau một cái lằn ranh không rõ ràng.
Chúng ta thử điểm danh “tội ác” của 9 tù nhân trong tổ tù của anh công nhân. Tổ trưởng là tướng cướp có súng bị bắt đang ngồi trên xe, vì đã mua một khẩu súng nhựa cho đứa con nhân ngày thôi nôi. Tổ phó bị kết tội “hiếp dâm người quá cố”. Người thì bị bắt “chuyên bán đứng mộ bia”, “thủ trưởng cơ quan xổ số kiến thiết đường 30-4”… Mỗi người có một hoàn cảnh đáng thương, bị đi tù một cách lãng xẹt, tác giả đã kể ra một cách nghiêm túc như cố ý muốn nhân hai, nhân ba “tội ác” theo ý muốn người cầm quyền của xã hội mới, nhưng người đọc thì hỡi ôi cười ra nước mắt!
Chúng ta thử đọc trang 14:
Cái tội hiếp dâm (con xin lỗi Cha nhé, chuyện tù thanh khiết làm sao được), cái tội hiếp dâm phải dành cho cậu nhỏ tuổi nhất tổ tên Lâm Quảng. Cậu con trai 19 tuổi mặt còn đầy mụn ấy một mực kêu oan… Quả tình Lâm Quảng bị oan đến một nửa, vì cô gái xấu số nạn nhân của cậu là một gái điếm chuyên nghiệp, hàng đêm đứng dựa gốc cây… để đón khách…
Ở trang 17:
Mở đầu bản nội qui ở đâu cũng vậy, đều có câu: “Để bảo đảm yêu cầu giam giữ can phạm đúng chính sách của chính quyền cách mạng, nay qui định.”
– Điều 1 là: “Can phạm khi vào trại phải chấp hành nghiêm chỉnh các điều qui định của trại giam và tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh của cán bộ phụ trách”.
– Điều 2: “Phải thật thà khai báo…”
– Điều 3: “Không được tự ý liên lạc với người ngoài…”
– Điều 4: “Phải giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh chung trong trại giam.”
“9 điều nội qui như cái sườn của một nhân sinh quan. 45 điều của giám thị là rui mè của nhà triết lý ấy. Còn mấy trăm điều lệ phòng là thiên hình vạn trạng biểu lộ của sự sống theo kiến trúc của triết lý vĩ đại.”
Đây là những cái thòng lọng được đặt ra thành văn cũng như bất thành văn một cách tĩ mỹ, chi tiết và được thi hành mẫn cán bởi những con người thiếu trái tim và thiếu cái đầu trong một xã hội tham nhũng tràn lan đến mọi ngõ ngách, trong một xã hội thiếu hụt đủ thứ, và cái thiếu hụt tệ hại nhất là thiếu hụt cái ăn.
Đây là một trong những điều lệ của phòng: “Mỗi lần cửa sắt mở, tất cả phạm nhân phải ngồi xuống và giữ im lặng tuyệt đối, đang ăn cũng phải ngừng nhai để đề phòng những người nhân cửa mở mà đào thoát, vừa chuẩn bị sẵn sàng để nhận lệnh của giám thị.
Một thí dụ nữa điều lệ của phòng về “giữ gìn vệ sinh chung”: “Đi đái phải ngồi xuống như đàn bà để nước tiểu khỏi văng tung tóe, và vòi nước tiểu phải nhắm đúng vào lòng bàn cầu. Ai đi tiểu mà không nghe tiếng nước rót kêu ùng ục tức là phạm kỷ luật, phải bị cách ly ngồi quay lưng nhìn vào tường suốt 3 ngày.”
Tóm lại nội qui có 9 điều, ban giám thị có 45 điều qui định,phòng có hơn 200 điều lệ.
Và đây là điều 183 của phòng: “NẾU ĐANG NGỒI HỌP KIỂM ĐIỂM MÀ MẮC TRUNG TIỆN, PHẠM NHÂN PHẢI KHÉP 5 NGÓN TAY LẠI VÀ GIƠ THẲNG CẢ BÀN TAY PHẢI LÊN.”
“Sau khi trưởng phòng gật đầu chấp thuận, phạm nhân mới được bỏ hàng đi ra phía sau, đứng đó chờ đánh rắm xong mới được trở về vị trí. Nhịn không được, đánh rắm ngay trong cuộc họp sẽ bị xem như vi phạm điều 4 nội qui” (không giữ gìn vệ sinh chung, làm mất trật tự công cộng).
Chính cái điều 183 này là ý chính của truyện ngắn “Đêm Cuối Năm”, kéo dài từ trang 20 cho đến trang 26. Chính cái điều 183 này đã làm khổ sở cái ông gìa Tàu Tạ A Sáng ngây ngô, chất phát không địt mà bị “ép cung” là đã địt bởi tên trưởng phòng Trần Bá Ngọc. Tại sao Tạ A Sáng được trưởng phòng Trần Bá Ngọc và tổ trưởng San Mỹ Đình hoan hỷ đón nhận?
Ở trang 20 tác giả đã viết: “theo tôi, Tạ A Sáng được về ngay tổ 1 là nhờ cái mẽ ngoài tốt tướng của ông. Cao lớn, trắng trẻo, đầu húi cua, ông tạo cho người mới gặp cái cảm giác kính nể đối với một xì thẩu hạng bự. Cái mẽ đó phải có nhiều tiền. Đồ thăm nuôi phải hai giỏ lớn với đầy đủ các món ăn, chơi lẫn lương khô, thuốc Samit, cà phê, sữa… Còn tổ viên nào sáng giá hơn đối với tổ trưởng San Mỹ Đình và trưởng phòng Trần Bá Ngọc, hai tên cướp có súng bị giam trên hai năm và gia đình đã kiệt quệ vì thăm nuôi.”
Nhưng mà tổ trưởng và trưởng phòng đã lầm về Tạ A Sáng. Cũng trang 20: “Nhưng cũng chính cái mẽ ngoài đó hại Tạ A Sáng. Vì gia đình ông nghèo đến độ kỳ thăm nuôi đầu tiên, vợ con chỉ bới cho ông một chai xì dầu, một gói dưa cải chua và một nải chuối. Hỏi kỹ ra thì Tạ A Sáng sống bằng nghề vấn thuốc lá lẻ. Chuyện móc nối vượt biên và vụ lường gạt có vẻ như oan uổng thật.”
Đồ thăm nuôi của Tạ A Sáng chả ra gì, nên trưởng phòng muốn loại Tạ A Sáng ra khỏi phòng của gã bằng những mưu mô chước quỉ. Thằng trưởng phòng đã biết vận dụng một cách “sáng tạo”, đem cái điều 183 tròng vào cổ Tạ A Sáng, dồn ép Tạ A Sáng kể cả hình phạt bắt ngồi 3 ngày mà chưa tha. Trần Bá Ngọc dàn cái cảnh bắt tội Tạ A Sáng địt mà không đưa bàn tay phải lên xin phép đi ra ngoài. Ở trang 25:
– Ngộ có địt đâu mà bảo ngộ nhận.
– Nhưng tôi có bảo nị địt đâu. Tôi bảo nị nhận cho khỏi phải khổ thân.
– Không thì nhận là không. Sao lại nhận là có?
– Không nhận thì phải ngồi hoài.
…..
– Mà chú có nghĩ là ngộ có không?
– Không bao giờ tôi nghĩ như vậy.
….
– Không ai nghi cho nị cả. Cả phòng đều biết nị oan.
– Cả phòng đều nghĩ ngộ oan, sao còn bắt ngộ nhận?
Một thằng ngu dốt như thằng Trần Bá Ngọc còn “ép cung và bẩy” được Tạ A Sáng không tội mà nhận tội huống gì một Thẩm Phán, một Viện Kiểm Soát Nhân Dân, một tòa án, một công an, trong cái XHCN mà không tìm cho ra tội của một công dân yêu nước mới là một chuỵên lạ! Nói một cách tổng quát, đảng viên nào cũng tìm thấy một cách dễ dàng cái tội của người dân mà người dân thì không thấy. Thành ra cái chuyện đặt ra pháp luật và cái chuyện thi hành pháp luật ở cái XHCN thì nó thúi hoắc như cái đánh rắm của người nào đó.
Xuyên suốt 6 trang tác giả nói về Tạ A Sáng với giọng văn kể một cách ôn tồn, hầu như không có tranh luận, không có một cái nhếch mép để cười, không có một lời than để khóc. Nhưng mà người đọc thì có thể cười dài dài được, cười không hết hôm nay thì để ngày mai cười tiếp, Cọng Sản còn đó thì nụ cười này vẫn còn. Nhưng có một điều nụ cười của NMG không vui chút nào cho người đọc, cho chính ông, và cho chế độ đương thời.
Để kết luận, xin trích mấy câu thơ của Thiếu Tá, một trong 4 nhân vật kể truyện ở trên, trang 11
Tội bố to ghê đáng tử hình,
Người ta bảo vậy bố làm thinh
Ngày mai xuôi gió con cùng bố
Ra tận ngoài kia hỏi tội mình.
Bố nhớ con nhiều lắm bé ơi!
Con mang dép ngược bố la hoài
Bên này chân phải thành chân trái
Chân lý, trời ơi, cũng thế thôi!
TRƯỜNG AN.