NGƯỜI KỴ SĨ HOÀN HẢO

 

Tác giả: Jérome –Thùy An dịch (bản tiếng Pháp)

*

Nicola Geibel có một cửa hàng bán đồ chơi do chính tay ông làm, những đồ chơi bằng máy vừa đẹp vừa đầy sáng tạo khiến chẳng bao lâu, danh tiếng ông vang dội khắp châu Âu. Đó là các con thỏ dạ quang với trái tim hình cái nơ, biết lay động lỗ tai và ria mép, các con mèo biết rửa mặt, các con búp bê biết hát, biết chào và nói: “Anh mạnh giỏi chứ?”
N.Geibel không đơn giản là một nhà cơ khí, mà còn là một nghệ sĩ. Trong cửa hàng của ông, có một ngăn tủ đựng những món đồ chơi kỳ lạ, không bán, những đồ chơi mà ông đã làm bằng nguồn cảm hứng say mê: một con lừa nhảy nhót càng lúc càng nhanh y hệt con lừa thật, một con chim biết bay từng vòng tròn rồi trở về chỗ cũ, một bộ xương biết khiêu vũ trong âm thanh một cái kèn hơi, một cô gái đẹp chơi đàn violon, một người đàn ông hút ống vố… Người trong làng còn đồn đại rằng, ông Geibel có thể chế tạo được những sinh vật có đầy đủ phong cách một quí ông hoặc quí bà theo đơn đặt hàng.
Hôm đó, con gái ông Geibel là Olga đi dự đêm dạ vũ tại nhà bác sĩ Follen, và khi trở về, cô tỏ vẻ rất khó chịu. Ông lấy làm tò mò nhưng không tiện hỏi. Mãi đến vài ngày sau, ông mới rõ được nguyên nhân khi nghe cuộc nói chuyện giữa Olga và các bạn gái trong phòng khách.
-Thanh niên bây giờ khiêu vũ chẳng ra cái quái gì cả.
-Đúng. Nhảy sai nhịp lung tung mà cứ ra vẻ ta đây giỏi lắm, hết mời cô này đến cô khác.
-Và trong khi nhảy, lại thốt ra những lời xuẩn ngốc, vô duyên.
Một cô lên tiếng nhái giọng:
-Ôi, cô mới duyên dáng làm sao! Chiếc áo của cô thật tuyệt diệu! Ôi trời nực quá… cô có thường đến Vienne không? Cô có yêu Wagner không?
-Đơn giản là các anh chàng như ếch ngồi đáy giếng, chỉ biết một vài thông tin tầm thường.
-Ôi để ý làm gì những điều ba hoa đó, mình đến dự những buổi dạ vũ là chỉ cốt tìm một anh chàng nhảy giỏi, nghĩa là phải dìu mình đi những bước tuyệt diệu và không được mệt mỏi trước chúng ta.
-Phải. Không được mệt mỏi và không bao giờ mệt mỏi.
Olga cười lớn:
-Ồ, vậy thì chỉ có người máy mới đáp ứng được ước muốn của các bạn.
Các cô vỗ tay reo:
-Hoan hô ý kiến tuyệt vời. Một kỵ sĩ bằng máy sẽ không bao giờ biết mệt, một kỵ sĩ đẹp trai sẽ không bao giờ dẫm chân chúng ta.
-Không làm nhăn áo chúng ta nữa chớ.
-Anh chàng sẽ không có mồ hôi giữa hai bài nhảy, tôi rất ghê khi nhảy với người hay chảy mồ hôi.
-Một anh chàng đáng yêu không khác gì con người bằng thịt bằng xương.
Trong bữa cơm chiều, ông Gebeil hỏi thăm Olga rất kỹ về buổi dạ vũ vừa qua, về những kỵ sĩ trong đêm đó, về những bước nhảy, những câu nói đùa duyên dáng của một vài người… Sau đó, ông miệt mài làm việc trong phân xưởng đồ chơi của mình. Liệu ông có đáp ứng được ước muốn của các cô gái xinh đẹp mà ông yêu thương như Olga của ông?
Một tháng sau, ông nhận được thiệp mời của Wenzel, một người bạn thân rất giàu làm nghề buôn gỗ, nhân lễ đính hôn của cô cháu gái. Olga cũng được mời. Lời ghi trong tấm thiệp đã làm cho cô háo hức: “Tiệc có dạ vũ”. Chiều hôm đó, Olga diện rất đẹp, cô náo nức gõ cửa phân xưởng làm đồ chơi của ông Gebeil:
-Nhanh lên bố ơi, sắp đến giờ rồi.
Cửa vẫn đóng chặt. Ông Gebeil nói vọng ra:
-Con cứ đi trước, đừng đợi bố. Hãy nói với các bạn của con rằng, bố sẽ dẫn đến một kỵ sĩ trẻ, dễ thương và nhảy rất giỏi. Chắc chắn các cô ấy sẽ hài lòng.
Olga rất vui. Bố cô luôn luôn có những vụ rất bí mật và bao giờ cũng hoàn hảo, nên cô không ngại ngùng khi báo tin vui đến cho các bạn của cô. Các cô hồi hộp chờ đợi.
Tiếng động cơ xe dừng lại trước cửa làm các cuộc nói chuyện trong phòng khách lắng xuống. Chủ nhân Wenzel bước vào, mặt đỏ lên vì xúc động, nụ cười không được tự nhiên, ông cất cao giọng:
-Tôi xin giới thiệu, ông bạn thân Geibel và một người bạn trẻ.
Ông Geibel đi vào, cạnh ông là một thanh niên mặc quân phục. Ông hân hoan nói:
-Xin thứ lỗi vì tôi đến trễ. Thưa quí ông bà và các bạn, xin giới thiệu đây là người bạn trẻ của tôi. Đại úy Fritz.
Ông để tay lên vai Fritz. Viên sĩ quan này nghiêng mình trước mọi người với vẻ cứng nhắc. Cái chào của y dẫn theo một tiếng động rồ rồ như tiếng râm ran khó chịu của một hơi thở tàn. Geibel tuyên bố:
-Fritz rất tuyệt, không bao giờ làm phật ý người bạn nhảy của mình, nghĩa là anh ấy không hề phạm lỗi, không hề chảy mồ hôi vì anh không biết mệt, không bao giờ biết mệt cả.
Ban nhạc bắt đầu chơi điệu valse. Geibel nhìn quanh:
-Ai trong bạn sẽ nhảy với Fritz bản nhạc đầu tiên? Nào, hãy mời các cô đi, Fritz.
Geibel ấn một cái nút trên vai Fritz. Frotz mở miệng nhưng tiếng nói dường như phát ra từ vùng xương chẩm:
-Tôi rất hân hạnh.
Rồi miệng Fritz đóng chặt lại với một tiếng động khô khan. Các cô gái nhìn nhau, dường như không ai có quyết tâm bước ra sàn nhảy cả. Các cô kín đáo quan sát gương mặt bằng sáp, đôi mắt nhìn thẳng, nụ cười đông cứng, nghiêm trang nhưng không quyến rũ. Geibel đến gần những cô bạn của Olga, những cô gái từng ao ước được nhảy với một kỵ sĩ hoàn hảo.
-Các cháu đã gợi ý cho bác đem đại úy Fritz đến đây mà, phải nhảy thử với anh ta đi chứ.
Annette, cô gái xinh nhất và cũng mê khiêu vũ nhất trong đám cảm thấy thích thú trước trò chơi này, cô nhận lời.
Fritz tiến đến theo sự sắp xếp của ông Geibel: Tay phải của y ôm quanh vòng eo Annette, giữ chặt, tay trái nắm nhẹ bàn tay thon nhỏ của cô. Ông bày cách cho cô điều khiển tùy ý độ nhanh của điệu nhảy và dừng lại nếu cô không muốn nhảy nữa. Đôi chân Fritz thật bay bướm, y đưa Annette quay theo tiếng nhạc chuẩn xác, điều độ, đôi môi thốt ra những lời trau chuốt: “Đêm nay tuyệt quá, trông cô mới dễ thương làm sao! Tôi rất sung sướng khi được nhảy với cô.” Giọng của y xa vắng và mong manh. Annette đã quen dần với điệu nhảy, trạng thái lạ lùng kích thích tiêu tan, cô bước vào cuộc chơi:
-Anh đúng là thần tượng, em có thể nhảy với anh suốt cả cuộc đời.
Lập tức, cô bị lôi cuốn vào một nhịp độ quay cuồng dữ dội. Điệu valse trở nên cuồng loạn. Mọi người cảm thấy mệt nhoài, các nhạc sĩ bối rối ngưng đàn, nhưng trên sàn nhảy, Annette vẫn quay cuồng trong tay Fritz. Olga hét lên:
-Annette, ngừng lại ngay, bạn đã quá mệt rồi đó.
Annette không trả lời. Olga hoảng sợ khi thấy gương mặt bạn mình nhợt nhạt như xác chết. Cô nói như khóc:
-Annette đã đuối rồi, làm ơn cứu bạn tôi đi.
Một người đàn ông nhảy ra đưa tay ngăn Fritz lại. Nhưng ông ta bị xô té nhào và bàn chân cứng như thép của người máy đạp vào má ông bầm tím. Một người khác bước tới cũng chịu chung số phận với người trước. Ông ta la lên:
-Không thể ngăn được con vật quỉ quái này.
Những người đàn ông bàn nhau:
-Hãy ôm ngang lưng con quỉ ấy quẳng nó vào tường.
-Hãy đẩy nó té xuống.
-Hãy đấm vào người nó.
Nhưng không ai làm được điều đó vì thân hình Fritz cứng như đá tảng. Y vẫn ôm cứng lấy Annette quay cuồng, miệng vẫn tiếp tục nói những lời săn đón: “Trông cô mới dễ thương làm sao!”
Các bà các cô ôm mặt rú lên: một sợi máu xuất hiện trên môi Annette và chảy dài xuống chiếc áo đầm trắng. Lúc này mọi người mới nhớ đến vị chủ nhân của Fritz.
-Geibel, bác Geibel đâu rồi nhỉ?
Những người đàn ông đổ xô đi tìm Geibel trong các gian phòng, ngoài sân, thậm chí còn đánh xe về tận nhà ông, nhưng bóng dáng ông vẫn biệt tăm.
-Cả bác Wenzel nữa! Bác Geibel ơi, bác Wenzel ơi!
Cuối cùng, người ta tìm thấy hai ông bạn già trong một căn chòi nhỏ dành cho người làm bếp ở cuối vườn. Cả hai đang ngồi hút ống vố và uống bia.
Mọi người kêu lên:
-Bác Geibel, hãy vào phòng khiêu vũ ngay, cô Annette sắp bị con quỉ Fritz giết chết.
Ông Geibel đứng bật dậy, chạy nhanh vào phòng, rồi đóng chặt cửa lại. Đám đông tụ tập bên ngoài chờ kết quả. Họ nghe thấy những tiếng động đinh tai nhức óc, những bước đi hấp tấp, những tiếng ồn lộn xộn, những tiếng thầm thì, tiếng kim giới loại vỡ nát… rồi yên lặng hoàn toàn. Khi cánh cửa mở, gương mặt Geibel hiện ra, nhợt nhạt kinh hoàng:
-Chỉ cần vài người thôi, hãy vào trong đưa các phụ nữ ra khỏi nơi nơi đây ngay tức khắc.
Từ ngày đó, ông Geibel chỉ chế tạo những món đồ chơi bình thường như con thỏ có trái tim hình cái nơ, con mèo biết rửa mặt… mà thôi.

Nguyễn Thùy- An

Advertisement

LẤY CHỒNG XỨ HUẾ

 

1.Quen Khanh đã ba năm, tôi không hề biết anh là người Huế. Anh nói tiếng Nam ngọt xớt. Những danh từ rất Nam bộ như “hưỡn”, “xí xọn”… anh đều hiểu rõ và đôi khi còn áp dụng vào những câu chuyện khôi hài rất có duyên. Cho đến khi tình cảm hai đứa chín muồi, Khanh ngõ ý:
-Ba me anh muốn biết mặt em.
Tôi theo Khanh về nhàtrong tâm trạng vô cùng hồi hộp. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi vẫn cảm thấy bối rối, chân tay thừa thải trước tia nhìn vừa dịu dàng vừa soi mói của mẹ Khanh. Đó là người phụ nữ ngoài năm mươi, gương mặt tròn trịa, nước da trắng mịn phảng phất vài nếp nhăn nơi đuôi mắt. Tóc bà nhuộm màu nâu đen, được bới cao, cài trâm đồi mồi trông rất quí phái. Bà trang điểm nhẹ nhàng, một chút phấn hồng và môi son màu nhạt.
-Thưa mẹ, đây là Kiều Tiên, bạn gái của con.
Nụ cười của bà thật tươi:
-Kiều Tiên à? Cái tên dễ thương hí. Ngồi chơi đi cháu. Chờ bác một chút.
Bà đứng dậy đi vào trong, để lại tôi ngơ ngác sau khi nghe một loạt âm thanh líu lo như chim hót. Khanh nheo mắt:
-Sao? Không hiểu à? Anh đã nói rồi, gia đình anh người Huế, vậy mà không tin. Em có phải là chắt nội của Tào Tháo không đó?
Mẹ Khanh ra, trên tay bưng một cái dĩa hình bầu dục tráng men xanh. Bà đến gần tôi, đặt dĩa lên bàn:
-Ăn đông sương với bác cho vui.
Đông sương? Không phải. Đó là những miếng thạch dày khoảng hai phân, được cắt thành từng miếng hình thoi bằng ba ngón tay. Rải rác giữa lớp thạch trong suốt là những khối vuông nhỏ màu trắng, đen, nâu, cam và xanh lá cây.
Mẹ Khanh nhìn tôi chăm chú. Hình như bà đang nghĩ, con nhỏ này câm chắc? Và tôi cũng nghĩ, Kiều Tiên, hãy nói một câu gì đi chứ.
-Cháu cám ơn. Ô, thạch của bác làm đẹp quá.
Mẹ Khanh vui vẻ:
-Người Huế gọi thạch là đông sương cháu à. Cháu ăn đi, đừng sợ, bác không dùng màu thực phẩm mô –rồi bà lấy tăm ghim miếng thạch lên săm soi –cháu coi màu nì, màu trắng là sữa, đen là cà phê, nâu là cà phê sữa, lục là nước lá dứa, còn màu gạch là nước cà rốt.
Màu “gạch” là màu “cam”! Tôi lại học được một từ đặc trưng của Huế. Miếng thạch ngọt thanh tan trên đầu lưỡi, thấm vào lòng tôi những cảm giác dịu êm.
Cổng nhà Khanh bỗng mở toang. Một người đàn ông trung niên,giống Khanh như tạc phóng xe máy vào. Ông đứng trước thềm, tươi cười nhìn mẹ Khanh rồi chỉ tay vào giỏ xe: một chậu hoa dâm bụt vừa nở hai nụ hàm tiếu màu vàng. Mẹ Khanh đến gần, ngắm nghía:
-Mình mới mua hả? Ôi bông cẩn vàng, đẹp thiệt đó.
Tôi tròn mắt. Khanh ghé vào tai tôi:
-Người Huế gọi “Hoa dâm bụt” là “bông cẩn”.
Ba Khanh bước vào phòng khách, mẹ Khanh theo sau bảo Khanh:
-Con bưng chậu hoa xuống rồi đi cất xe cho ba.
Tôi đứng dậy, vòng tay:
-Cháu chào bác ạ.
-Cháu là bạn gái của Khanh phải không? Bác gái nói cho bác biết rồi.
Ba Khanh ngồi đối diện tôi, hỏi han ân cần. Giọng ông ấm áp, tuy âm sắc hơi nặng, có nhiều từ tôi không hiểu rõ, chỉ lờ mờ đoán ra. Nhưng ánh mắt ấy, cử chỉ ấy đã nói lên một tình cảm chân thành.

2.Tôi nhận lời cầu hôn của Khanh, mặc cho những lời bàn ra tán vào của đám bạn. Thật ra cũng vì thương tôi, nên chúng nó mới đề cao cảnh giác nhiệt tình như thế. Nào là: “Công dung ngôn hạnh mày có được bao nhiêu mà dám uống thuốc liều hở?”, “Làm dâu người Huế khó lắm, mày chịu được sao?”, “Chúng tao khuyên mày nên đi học vài khoá nấu ăn, làm bánh mới đủ sức đối phó.”…
Tôi bịt hai tai, hét:
-Chúng mày có im hết đi không? Tình yêu của Khanh đã cho ta đầy đủ mười thành công lực.
Nói thì oai lắm, nhưng lòng tôi cũng hơi run khi nghe ba Khanh bảo:
-Đám cưới xong, Khanh nên đưa Kiều Tiên về Huế thăm mệ và mấy O. Xa xôi quá, không ai vào chung vui cùng hai con được. Ba nghĩ là họ rất mong thấy mặt con dâu của ba.
Tôi lạicàng run. Cái gì “mệ”, cái gì “O”?
Khanh lại “phụ đề Việt ngữ”:
-Mệ là… bà nội của anh đó. Còn O là hai người em gái của ba.
-Như vậy “O” có nghĩa là “cô” phải không anh?
-Đúng. Cho em 10 điểm. Còn “mệ”?
-Mệ là… bà nội chớ gì.
-Mệ là bà thôi. Mệ nội, mệ ngoại, là bà nội, bà ngoại.
-Sao hồi nãy anh nói mệ là bà nội? Tiền hậu bất nhất, cho anh zéro điểm là vừa.
-OK, anh chịu thua em 1 – 0 đó, bây giờ nghe anh nói tiếp nè.
-Bộ anh muốn em loạn thần kinh hả?
Khanh dỗ dành:
-Nếu em không chịu cho anh truyền thêm nội công thì làm sao ứng phó với bà con nội ngoại của anh ngoài Huế chứ.
Có lý. Mặc dù tôi chưa quen nghe giọng Huế, nhưng nếu tôi hiểu được những từ người Huế thường dùng, thì sự đồng cảm giữa tôi và “giang sơn nhà chồng” sẽ dễ dàng hơn. Tôi lấy tờ giấy và cây bút:
-Được rồi, anh nói đi. Em sẽ ghi và học thuộc lòng.
Khanh phấn chấn ra mặt:
-Em ngoan quá –rồi tằng hắng –Anh bắt đầu nè. Người Huế từ “mô” là “đâu”, ví dụ “anh đi mô?” có nghĩa là “anh đi đâu?”, “bên ni” là “bên này”, “bên nớ” là “bên kia”, “răng” là “sao”, “rứa” là “thế”, “kiệt” là “hẻm”, “tra” là “già”, “ăn kỵ” là “ăn giỗ”…
Đầu óc tôi lùng bùng, tay chân tôi quờ quạng. Khanh đặt câu hỏi:
-Đố em, “ôn” là gì?”
Tôi xếp giấy lại, thở phào:
-Anh hết vốn rồi hả? Đố như anh, con nít cũng biết. Ôn là ôn tập chớ gì.
Khanh kí vào đầu tôi:
-Cho em xuống học lớp Lá là vừa. “Ôn” là “Ông”. Gặp các ông già, người ta thường “Thưa ôn”, cũng như đối với các bà lão, người ta thường “thưa mệ”…
Khanh tiếp tục đưa tôi vào mê hồn trận:
-À, anh nhắc em điều này, nếu thấy một người đàn ông được gọi là “Mệ” thì em cũng đừng ngạc nhiên, vì đó là những người trong hoàng tộc…
Tôi hét lên:
-Cái gì? Ôi em bị tẩu hoả nhập ma rồi.

3. “Giang sơn nhà chồng” của tôi toạ lạc giữa một khoảng vườn xanh tốt trong thành nội, gồm ba căn nhà trệt lợp ngói rộng rãi, ngăn cách nhau bởi các dãy hàng rào bằng cây thấp, lá nhỏ, quấn quít những sợi dây leo màu vàng. Khanh nói:
-Bà nội anh rất thích chăm sóc vườn tược. Hàng rào chè tàu này còn già hơn tuổi của anh nữa đó, còn kia là những dây tơ hồng. Em thấy có đẹp không? Ngày trước, nhà anh chỉ có một căn thôi, sau này hai O lập gia đình, bà nội mới xây thêm hai căn nữa, của hồi môn ấy mà.
Có tiếng reo:
-Khanh, cháu Khanh đó phải không?
Một phụ nữ khoảng trên dưới năm mươi, mặc quần tây nâu, áo hoa sặc sỡ, từ căn nhà bên phải chạy ra. Tóc bà uốn cao, nước da trắng, miệng cười có má lúm đồng tiền.
-Đây là O Hương của anh.
-Cháu chào… O ạ.
O Hương tiến đến gần, vuốt má tôi:
-Vợ thằng Khanh đây hả. Chà, hai đứa xứng đôi lắm đó nghe –rồi bà kéo tay tôi và Khanh về phía căn nhà giữa –Mạ ơi, vợ chồng Khanh về tới rồi nì.
Khanh nhìn sang căn nhà bên trái cửa khoá ngoài. O Hương nói:
-O dượng Hoà về làng ăn kỵ rồi. Chắc là mai mới lên.
Nãy giờ tôi cố ý lắng nghe. Eureka, tôi đã nhớ. “Ăn kỵ” là “ăn giỗ”, còn “mạ”? Chắc là “mẹ” rồi. Xem ra tiếng Huế đâu có khó gì, khỏi cần Khanh làm thông dịch.
Bà nội của Khanh rất đẹp lão. Mái tóc bà bạc phơ, gương mặt hồng hào, phúc hậu. Bà đang ngồi trên chiếc ghế mây cạnh ngưỡng cửa, miệng cười móm mém, âu yếm nhìn Khanh đi bên tôi.
-Chúng cháu chào mệ.
Bà gật đầu rồi đưa tay níu lấy vai Khanh:
-Đỡ mệ vô nhà.
Bà nhỏ bé trong vòng tay Khanh, bước chân bà khập khiểng. Khanh lo lắng:
-Mệ, mệ bị sao vậy?
O Hương đỡ lời:
-Hôm qua mệ ra vườn tưới cây, mệ bị bổ.
-Im đi, tau bớt rồi –bà nhìn O Hương từ đầu đến chân –mi bận cái áo chi mà loè loẹt rứa? Tra rồi, gần làm mụ gia rồi, còn bày đặt diện.
Tôi nói nhỏ với Khanh:
-Em hiểu từ “tra” rồi, nhưng “bổ”là gì? Còn “mụ gia”?
-“Bổ” là “té”, còn “mụ gia” là “mẹ vợ” hoặc “mẹ chồng”. Xứ Huế anh có câu: “Thương chồng mà khóc mụ gia, chớ tui với mụ chẳng bà con chi.”
Tôi che miệng cười. Bà nội Khanh ngồi trên sập gụ, vẫy Khanh và tôi lại gần. Bà vuốt tóc tôi:
-Mệ có coi bóng đám cưới, trông cháu đẹp hơn trong bóng nhiều. Biết hai cháu sắp ra thăm mệ, đêm mô mệ cũng nằm chộ.
Khanh thông dịch ngay:
-“Bóng” là “hình”…
Tôi ngắt lời:
-Còn “nằm chộ” là “nằm mơ”, đúng không?
-Very good, em thông minh thật đấy.
Bà nội Khanh có vẻ thích tôi. Bà kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, từ chuyện làng xóm, đến chuyện những người trong họ tộc, chuyện gia đình Khanh… giọng bà nhẹ nhàng, thân ái. Vì đã ôn tập trước, nên những từ rặt Huế như răng, mô, tê, rứa… tôi hiểu dễ dàng. Và càng lúc, tôi càng thấy gần gũi bà, thương yêu bà hơn.
-Cháu biết không? Chồng của cháu rất thích ăn chè thịt quay.
Chè thịt quay là gì? Tôi nhìn quanh tìm Khanh. Nhưng thôi, khỏi cần thắc mắc, chẳng qua cũng chỉ là món chè bình thường, cứ ăn vào là biết ngay thôi mà. Bà gọi:
-Hương ơi, lấy cà mèn đi mua chè thịt quay cho các cháu ăn đi con.
O Hương bảo Khanh:
-Cháu qua nhà dắt dùm chiếc xe ra cho O.
-Để cháu chở O đi.
Khanh đến bên tôi:
-Em ở nhà với mệ được không?
Tôi vênh mặt:
-Anh khỏi lo. Mệ nói gì em cũng hiểu hết.
*
Tôi đi thơ thẩn trong vườn. Nắng chiều dìu dịu, gió chiều êm ái. Lòng tôi rộn vui theo tiếng chim hót chuyền cành. Hình như bà nội gọi:
-Vợ thằng Khanh mô rồi?
Tôi hấp tấp chạy vào:
-Mệ sai cháu gì ạ?
-Cháu ra ngoài “cươi” lấy cái “chủi”, “xuốt” dùm mệ cái “dà”.
-!!!
Lần này thì tôi thua thật. Khanh ơi, mau về cứu em.

Thùy An

Tiếng Nói Trong Đêm

 

Nguyên tác: La voix dans la nuit –tác giả William Hope Hodgson

Đêm tối như bưng. Bầu trời không một ánh sao. Tàu buồm của tôi buông neo trong một vịnh nhỏ ở vùng tây bắc Thái Bình Dương. Thuỷ thủ đoàn chỉ có hai người và một cậu bé tập sự đang ngủ say. Ông bạn tôi là đại uý thuyền trưởng Will đang nằm dài trong buồng lái phía sau, còn tôi thơ thẩn trên boong, cảm thấy hơi lạnh từ lớp sương mù dày đặc, lãng đãng chung quanh, từ trên ngọn cột buồm sà thấp xuống, lan toả trên mặt biển lạnh lẽo đen ngòm.

– Oh! hê! Tàu buồm!

Một tiếng gọi bất ngờ vang lên trong đêm tối, phía bên trái mạn tàu – giọng khàn khàn khác người. Tôi kinh ngạc đến sững sờ, cứng cả miệng, không thốt được nên lời.

– Oh hê! Tàu buồm!

Tim đập mạnh, tôi cố trấn tĩnh, run giọng hỏi:

– Ai đó?

Như nhận được sự bối rối của tôi, tiếng nói lạ lùng chậm rãi:

– Đừng sợ, ông bạn. Tôi chỉ là… Một ông già.

– Ông muốn gì? Tại sao ông có vẻ lén lút vậy? Cập thuyền lại đây xem nào.

Cái giọng khàn khàn chợt lúng túng:

– Tôi… tôi… không thể, nguy hiểm lắm. Tôi… tôi…

– Ông nói gì kỳ vậy? Tại sao nguy hiểm? Ông đang ở đâu thế?

Chung quanh chợt im lặng như tờ. Tôi bước nhanh vào trong lấy cây đèn bấm hướng chùm tia sáng vào khoảng mênh mông ngoài mạn tàu. Trong khoảnh khắc, tôi nghe một tiếng kêu tắt nghẹn, tiếp theo là một tiếng khua nước như có ai vừa phóng mạnh mái chèo, chỉ trong một tiếng mà thôi. Qua làn ánh sáng nhoà nhạt của ngọn đèn, tôi thoáng thấy một vật gì mờ nhạt mất hút rất nhanh, hình như là một chiếc thuyền. Will đã thức giấc, anh đến bên tôi:

– Có chuyện gì vậy?

Sau khi nghe tôi kể lại, Will im lặng một giây, rồi khum tay làm loa gọi lớn:

– Ohê! Thuyền!

Từ rất xa, chúng tôi nghe có tiếng trả lời yếu ớt vọng lại. Vài phút sau, lại có tiếng mái chèo khua nước. Tiếng nói khàn khàn rõ hơn:

– Cất đèn đi.

– Ông đến gần đây đi, không có gì phải sợ cả.

– Tôi van các ông hãy cất đèn đi!

Giấu ánh đèn sau lưng, tôi bực tức la lên:

– Quỷ tha ma bắt, tại sao ông lại sợ ánh sáng chớ?

– Bởi vì… bởi vì…

Will vừa dứt lời, tôi nghe tiếng mái chèo và tiếng nói xa dần, tràn đầy vẻ thất vọng và thống thiết:

– Xin các ông bỏ lỗi… tôi không muốn quấy rầy các ông chút nào. Ngặt vì… tôi đói quá, và… cô ấy cũng thế…

Tôi chưa biết phải xử xự ra sao thì Will đã gọi lớn:

– Ông hãy trở lại đi, chúng tôi sẽ tắt ánh sáng.

Quay sang tôi, Will nói:

– Kỳ dị thật, nhưng không sao đâu. Anh tắt đèn đi.

Bóng tối tràn lên biển. Tiếng mái chèo lại tiến đến gần. Will hỏi:

– Nào, ông muốn gì?

– Tôi… tôi đói quá… tôi cần một ít lương thực…

– Hãy đến gần đây.

– Tôi… tôi không thể, tôi không dám đến gần quá… kể cả việc trả tiền cho các ông.

– Khỏi cần, nơi đây còn rất nhiều bánh và đồ dùng, ông muốn lấy bao nhiêu cũng được.

– Các ông tốt quá. Cầu Chúa phù hộ cho các ông.

Đột nhiên Will hỏi:

– Thế còn… cô ấy là ai?

– Đó là vợ tôi, cô ấy đang ở lại đảo.

Tôi ngắt lời:

– Gần đây có đảo à? Chúng tôi có thể đến đó được không?

Giọng nói gàn lên, hoảng hốt:

– Không, trời ơi, không… – ngừng một lát – Xin lỗi các ông vì đã lớn tiếng, bởi cơn đói và nỗi bất hạnh đang hành hạ làm tôi mất cả lý trí.

– Không sao, hãy chờ tôi một phút.

Trong khoảnh khắc, Will trở lại, tay ôm đầy những gói, hộp:

– Ông có thể cặp thuyền lại gần đây để lấy đồ không?

Giọng nói yếu ớt pha lẫn sự thèm thuồng, thổn thức:

– Tôi… tôi không dám.

Lòng tôi đầy trắc ẩn khi nhận ra rằng con người tội nghiệp đang đối thoại với chúng tôi trong khoảng tối đen ngòm kia không điên, mà hình như ông ta đang là nạn nhân của một sự kinh tởm nào đấy, nên phải giấu mặt như vậy.

Chiếc thùng gỗ chứa đầy đồ tiếp tế được vứt xuống biển. Lát sau, có tiếng reo nhỏ vọng lên trong đêm tối. Rồi mái chèo khua nước bơi đi. Thật là kỳ dị. Trong cuộc đời làm ngư phủ, chưa bao giờ tôi gặp trường hợp thế này. Thời gian lặng lẽ trôi, Will vẫn đứng cạnh tôi, chuyện bất ngờ lạ lùng ấy đã làm anh hết muốn đi ngủ.

Dễ đến gần ba tiếng đồng hồ, chúng tôi lại nghe tiếng mái chèo vang lên giữa đại dương tĩnh mịch, Will thì thào:

– Anh ta trở lại kìa.

Tiếng mái chèo tiến lại gần, mạnh mẽ và dứt khoát. Chắc là họ đang rất cần thực phẩm. Chiếc thuyền nhỏ ấy hẳn phải ngừng cách tàu chúng tôi một quãng ngắn thôi và tiếng nói lại vang lên trong đêm:

– O hê, tàu buồm!

– Lại ông đấy à! Thế nào?

Tiếng nói ngập ngừng:

– Tôi đã bỏ đi rất đột ngột… tôi… và cô ấy đã quên cám ơn các ông. Các ông thật hào hiệp, cầu Chúa ban phúc lành cho các ông.

Tiếng nói lại tiếp tục:

– Tôi và cô ấy nguyện cùng nhau chia xẻ sự thử thách nghiệt ngã này và thề đến chết cũng không thổ lộ cho ai biết. Nhưng những gì xảy ra trong đêm nay đã đánh thức thiên lương của chúng tôi. Chúng tôi phải nói cho các ông biết những điều chúng tôi phải chịu đựng từ khi… từ khi…

Will hỏi nhẹ nhàng:

– Từ khi nào?

– Từ khi tàu L Albatros bị đắm…

Tôi vô tình kêu lên:

– A, con tàu đã mất tích ngoài đại dương… lâu lắm rồi.

– Vâng, từ Newcastle, con tàu không đến được San Francisco vì đã gặp một trận bão khủng khiếp ở phía Bắc xích đạo, đánh gãy cột buồm. Đến sáng, bão lặn, nhưng tàu bị vào nước. Lúc ấy, chúng tôi đang ở trong căn phòng bên dưới nên không biết gì cả. Các thuỷ thủ đã dùng những thuyền nhỏ bơi đi, bỏ tôi và vị hôn thê của tôi lại trên chiếc tàu sắp đắm. Sự hoảng sợ đã làm họ mất hết nhân tính. Tuy nhiên, chúng tôi không tuyệt vọng. Chúng tôi bắt tay làm một cái bè, gom một ít nước và bánh quy, rời khỏi chiếc tàu lớn đang chìm. Bè của chúng tôi trôi theo một dòng hải lưu nên tiến rất nhanh. Chỉ trong vài giờ, cột buồm gãy của con tàu L Albatros bất hạnh đã mất hút trong sương mù. Sương vẫn rơi mãi suốt đêm hôm ấy và cả đến những ngày hôm sau. Vào một buổi chiều, chúng tôi nghe vọng từ xa, có tiếng sóng vỗ vào bờ càng lúc càng rõ. Đến nửa đêm, chiếc bè bị sóng nhồi lên cao, đẩy chúng tôi vào đến một vịnh yên tĩnh, những cơn sóng bạc đầu đã ở phía sau.

Bình minh lên, ánh mặt trời rực lửa sưởi ấm tâm hồn. Chúng tôi quỳ gối cảm tạ Thượng đế khi nhận thấy trước mắt mình hiện ra một chiếc tàu buồm lớn đang kẹt trong vịnh. Sự im lìm vắng vẻ của chiếc tàu không làm chúng tôi lo sợ, chúng tôi chống bè về phía đó và gọi lớn nhưng không có ai trả lời.

Khi bè sát cận tàu, thấy sẵn có sợi dây, tôi níu lấy trèo lên. Tôi leo rất khó khăn vì một loại rêu màu xám nhạt phủ đầy sợi dây, loại rêu này cũng dày đặc boong tàu, cột buồm, gút dây… khi tôi lên đến nơi. Lúc bấy giờ, tôi chả để ý đến điều đó, chỉ mong gặp một ai trên tàu nhờ giúp đỡ. Tôi réo gọi nhưng bốn bề lặng yên. Tôi đi về phía mũi tàu, mở cửa xuống tầng dưới. Cửa vừa mở, tôi đã lùi lại và đóng sập lại ngay: mùi ẩm mốc nồng nặc xông lên muốn lộn mửa và tôi hiểu ngay là chẳng còn ai sống sót trên con tàu này.

Tôi cảm thấy cô đơn lạ lùng nên vội quay về bè. Người yêu của tôi vẫn ngồi đấy, nhìn tôi bằng đôi mắt trong xanh:

– Có ai trên tàu không anh?

– Hình như chiếc tàu này bị bỏ hoang từ lâu. Em có muốn lên xem thử không?

Nàng gật đầu và chúng tôi cùng lên tàu, lục lạo khắp các phòng phía đuôi tàu, không khí lạnh lẽo đến rợn người, chẳng có một dấu hiệu nào của sự sống. Chung quanh tràn đầy mảnh rêu, hình thù u uẩn kỳ dị. Tôi nói:

– Chúng ta có thể tạm ở đây.

Chúng tôi chọn hai phòng tốt nhất, cọ rửa sạch lớp rêu làm nơi trú ngụ. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy một số thực phẩm và chỗ đặt bơm nước. Và ngay giây phút đó, chúng tôi cảm thấy hàm ơn biết bao lòng nhân ái vô biên của Đức Chúa Trời.

Nhưng một sự việc xảy ra làm nguội bớt sự lạc quan của chúng tôi, đó là sự sinh sôi nẩy nở của loài rêu kỳ quái ấy, chỉ trong vòng một ngày đêm, chúng trở lại ngay tình trạng cũ, nghĩa là lại phủ đầy sàn, vách, bàn ghế… mặc dù trước đó, chúng tôi đã cọ rửa kỹ càng. Sau đó, chúng tôi tẩy chúng bằng nước Phenol tìm thấy trên tàu, nhưng vô ích, đám rêu tệ hại kia vẫn tự nhiên xuất hiện, thậm chí càng tăng nhiều hơn, như thể những hạt mầm được nhân giống khi chúng tôi chạm tay vào.

Vào một sáng sớm, khi vừa thức giấc, tôi run lên khi thấy vết xám ghê tởm quen thuộc đã xuất hiện trên mặt gối, và cả trên khăn quàng của người yêu, tôi hoảng hồn quăng tất cả xuống biển. Tôi không dám hé môi cho nàng biết, vội vã gom một số vật dụng đưa nàng lên đất liền. Tôi mang theo cả một tấm vải buồm đủ để dựng hai cái lều nhỏ, chúng tôi sống hạnh phúc bên nhau… cho đến một hôm, trên ngón tay của nàng hiện lên một vệt xám, tròn và nhỏ như một nốt ruồi. Trời ạ, tim tôi đập hoảng loạn khi nhận thấy trên ngực mình, cũng có một vệt như thế, loại thực bì tàn độc ấy đã bắt đầu tấn công chúng tôi.

Một tháng, hai tháng rồi ba tháng trôi qua, những mảnh rêu khác xuất hiện tiếp tục. Dù tuyệt vọng, chúng tôi vẫn cố chống chọi với sự đe doạ tiến đến từ từ. Thỉnh thoảng chúng tôi mạo hiểm lên lại tàu tìm xem còn gì đáng giá không. Ở đó, vẫn loại rêu mọc dai dẳng, có cây cao đến ngang đầu. Lúc này, chúng tôi đã bỏ mọi ý định, mọi hy vọng rời khỏi đảo. Biết rằng, mình không còn được quyền sống giữa loài người với nỗi bất hạnh mang trên thân thể, nên chúng tôi phải tính đến việc tiết kiệm lương thực vì không biết cuộc sống sẽ còn kéo dài đến bao lâu nữa.

Tiếng nói người giấu mặt trở nên mệt nhọc:

– Thức ăn ngày càng cạn, chúng tôi tìm cách câu cá trong những hồ nước mặn, nhưng than ôi, một vài con cá bé ti chẳng giúp bao nhiêu cho chúng tôi chống lại cái đói đe doạ. Tôi cảm thấy dường như chính nạn đói sẽ giết chúng tôi nhanh hơn cả loài rêu độc hại kia.

Một buổi xế trưa, tôi trở về lều, thấy vợ đang ăn ngấu nghiến một cái gì.

– Em ăn gì thế?

Nàng ngượng ngùng quay đi và lén lút quăng ngay vật trên tay qua khe lều. Tôi nghi ngờ chạy lại nhặt lên, trời ạ, một mảnh rêu xám. Tôi tiến lại, mặt nàng tái nhợt như xác chết rồi lại đỏ rần, nàng sụm xuống, oà khóc nức nở.

Sau đó, suốt ngày, tôi cảm thấy một sự khích động lạ lùng bao quanh, lôi kéo tôi rời khỏi người yêu, đi dọc theo một con đường khúc khuỷu đầy cát trắng. Tôi đi mãi… đi mãi…

– Ối… Ôi…

Một giọng khàn khàn cất lên, về phía trái, ngay sau lưng. Tôi quay phắt lại và bủn rủn cả tay chân khi nhận thấy một đám rêu xám hình dáng kỳ lạ, đụng vào khuỷu tay tôi bắng một động tác nhịp nhàng. Tôi chưa kịp phân định được dạng thể của đống bùi nhùi ghê tởm ấy thì tim tôi chợt thắt lại, tiếng kêu được lặp lại bằng một âm thanh xé lòng.

– Ối… Ôi…

Một cánh tay khẳng khiu như que củi, xuyên qua đống rêu xám run rẩy hướng về tôi. Và, cái đầu của vật đó, một cục tròn màu xám không có hình dáng rõ rệt, nghiêng về phía tôi. Tôi đứng như trời trồng khi cái tay gớm guốc ấy lướt qua mặt tôi. Tôi bật lên một tiếng kêu kinh hãi và nhận ra một mùi vị nhạt nhẽo trên môi, ngay ở chỗ vật đó vừa chạm vào. Tôi liếm môi và cảm thấy lòng tràn đầy một ước ao điên dại. Tôi quay lại và chọn một mảnh rêu ôm vào lòng. Tôi ghé răng cắn vào, tôi nhai, tôi nuốt, tôi xâu xé một cách tham lam. Cuối cùng, cơn kích động chấm dứt, tôi liệng mảnh rêu ra xa, đau đớn nhận rõ nỗi bất hạnh của mình. Cái đống rêu xám trước mặt tôi chính là một con người. Con người ấy đã cùng nhiều người đến đây, trên chiếc tàu buông neo trong hồ nước mặn ven biển. Loài rêu quái dị ấy đã tấn công họ, tiêu diệt họ và bây giờ là đến lượt chúng tôi.

Sau đó, bằng một ý chí mãnh liệt, chúng tôi quyết định không nếm cái thức ăn ghê tởm ấy nữa, cho dù chúng vẫn tiếp tục sinh sản trên cơ thể chúng tôi không cách gì ngăn được… cứ như thế, như thế… cuối cùng, chúng tôi không thèm để ý đến chúng nữa.

Ngày qua ngày, sự ham muốn ăn loài rêu ghê rợn ấy đè nặng lên ý chí chúng tôi. Khi miếng bánh cuối cùng vừa hết, tôi cố gắng ra khơi để câu cá và may mắn gặp được các ông. Tôi đã nói, tôi chỉ là một ông già, nếu tính theo tuổi thì tôi đã nói dối. Nhưng… nhưng đối với chúng tôi, tuổi trẻ đã rời khỏi chúng tôi kể từ ngày nỗi bất hạnh ấy chụp xuống đời.

Tiếng mái chèo lại khua nước, một lần, hai lần, rồi ba lần… Tiếng nói trong đêm như vang lên từ một cõi mơ hồ nào xa:

– Thượng đế ban phước lành cho các ông! Tạm biệt!

– Tạm biệt!

Có một bàn tay ai đang bóp nghẹt trái tim tôi. Có phải đó là bàn tay của những kẻ đã nhẫn tâm bỏ lại con người trên chiếc tàu sắp đắm để cứu lấy mạng sống riêng mình, phó mặc hai sinh linh cho cơn đói khát hành hạ họ giữa biển? Hay bàn tay của những người khốn khổ ấy, trong cơn đói điên cuồng đã xé thịt một đồng loại mà họ ngỡ là một đám rêu? Bây giờ sự hối hận như một đám rêu kinh dị đang mãi bao bọc con người ho…? Dù sao thì một bàn tay nào đó cũng đang bóp nghẹt tim tôi sau khi tôi được nghe câu chuyện này…

Rạng đông vừa lên. Mặt trời chiếu những tia nắng trên biển, xua tan sương mù và soi một vệt sáng trên chiếc thuyền nhỏ vừa dần xa.

Ngay lúc đó, tôi nhận thấy một vật kỳ lạ nghiêng nghiêng giữa những mái chèo: Một đám bọt bể khổng lồ, lom khom và có màu xám, tất cả đều màu xám, cái thuyền, mái chèo, và cả cuộc đời con người bất hạnh ấy. Tôi không thể nào phân biệt được sự liên hệ giữa bàn tay và mái chèo. Cả cái đầu cũng vậy, chỉ là một vật tròn ngọ nguậy hướng về phía trước, trong khi mái chèo đưa ra sau vạch những đường dài trên mặt nước.

Rồi, chiếc thuyền mất hút trong vệt ánh sáng đong đưa… đong đưa về phía sương mù.

Nguyễn Thùy An dịch

 

Ăn Kiêng Và Chết

Tác giả: Wenzell Brown
Thùy An dịch

Kính gởi Giáo sư khoa Thẩm mỹ Trường Đại học X… , Thưa ông, tôi là một tên sát nhân. Nhưng tôi không bao giờ thú tội trước cảnh sát vì bọn họ chỉ là những cục đất ngờ nghệch, không thể nào hiểu được sự nhạy cảm cũng như động cơ thúc đẩy tôi lần lượt giết chết hai người vợ yêu quý mà không một giây phút ăn năn. Tôi giết vợ không vì phản bội, vì chán ghét nàng, vì muốn chiếm đoạt tiền bạc hoặc vì những lý do thông thường khác – Tôi giết vợ để bảo vệ tính sáng tạo, óc thẩm mỹ và làm đẹp thêm đời sống mà thôi. (Tôi tin rằng, chỉ có những người trông xa hiểu rộng như ông mới thông cảm được tôi).
Trước khi nói đến cái chết của Yvette, người vợ đầu tiên của tôi, tôi xin kể sơ qua về mình. Tôi sinh trưởng trong một gia đình quý tộc. Bố tôi suốt đời bận bịu công việc kinh doanh. Mẹ tôi là một nghệ sỹ, lúc nào cũng muốn thấm nhuần trong lòng tôi tình yêu thơ ca và âm nhạc của bà. Dường như hầu hết quãng đời niên thiếu của tôi trôi qua trong các viện bảo tàng nghệ thuật, những cuộc họp mặt các văn nghệ sỹ. Mẹ tôi đi du lịch khắp nơi và thường dẫn tôi theo.
Tôi được học về ngôn ngữ, nghệ thuật và âm nhạc. Song tôi cảm thấy, mình sành về nghệ thuật thưởng thức hơn là nghệ thuật sáng tạo. Tôi vào được đại học nhưng vì điều kiện tổ chức ở đây quá tồi tệ, nhất là những bữa ăn nhạt nhẽo, cách pha chế gia vị vụng về đến nỗi tôi không chịu được, phải bỏ trường vào năm thứ hai.
Mẹ tôi và tôi lại tiếp tục những chuyến du lịch. Tôi thất bại về mặt học tập nhưng lại thành công trên lãnh vực khác. Tôi đã trở thành chuyên gia về ăn uống, ý kiến về nghệ thuật nấu ăn của tôi không chê vào đâu được. Bất cứ nơi nào chúng tôi đến, Paris, Rome hay Vienne, tôi đều có thể khám phá ra những nhà hàng nhỏ nằm khuất trong hẻm, ở đó có những món ăn thật độc đáo, tuyệt vời. Mẹ tôi và bạn bè của bà rất hài lòng về tôi.
Bố tôi mất. Sau đó mẹ tôi cũng qua đời để lại cho tôi một khoảng trống cô đơn và một gia sản hầu như đã cạn. Qua một loạt tình huống phức tạp khó thể kể ra, tôi kinh hoàng nhận thấy mình lạc lõng giữa New York bởi công việc đè nặng trên vai với đồng lương rẻ mạt. Quả thành phố náo nhiệt này không dành cho một người đa cảm như tôi!
Tôi hoàn toàn cô đơn. Đêm đêm, tôi lang thang qua những con đường nhỏ tìm kiếm những nơi phục vụ những món ăn đúng nghĩa. Nhưng vô ích. Tôi luôn luôn tức giận trước những món ăn dở dang, vô vị: nước xốt mặn chát, rau đậu nát nhừ, bánh ngọt trương phình, còn bánh mì thì cứng như da giày… Cuộc sống thật tệ hại. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng được cho đến một hôm, tôi bắt gặp một quán ăn nhỏ tối tăm ảm đạm mang tên Chez Yvette trong một con hẻm ngoằn ngoèo. Tò mò, tôi bước vào quán và gọi một món ăn đơn giản: Cá bơn xốt cà. Khi cô hầu bàn mang đến khay thức ăn, nắp vịn mở ra, tôi nghe trong lòng mình dâng đầy hưng phấn. Tôi đã thấy được những gì mà bấy lâu nay tôi cố công sục tìm. Đó là một đầu bếp am hiểu hoàn toàn nghệ thuật nấu ăn. Không có món cá bơn nào ngon hơn được nữa với nước xốt tuyệt vời, gia vị thấm thía.
Sau khi nhấp cạn ly rượu nho, tôi đề nghị được gặp người đầu bếp để tỏ lòng ngưỡng mộ. Yvette hiện ra trước mắt tôi với dáng dấp to lớn, thô kệch trong chiếc áo đầm xám bạc thếch, gương mặt ngăm đen lấm tấm mồ hôi bên bếp lò đỏ rực. Dù trông nàng già hơn tôi nhiều, tôi vẫn thấy nàng thật đẹp và dè dặt đặt lên má nàng những nụ hôn cảm kích. Yvette rất vui mừng khi gặp được một khách hàng tri kỷ. Chúng tôi cùng hàn huyên đàm luận, cùng ngây ngất khám phá những điều kỳ diệu của nhau. Từ đó, tôi trở thành khách hàng thường xuyên của quán Chez Yvettẹ Nàng đã chăm chút cho tôi từng miếng ăn tuyệt hảo, bánh mì ngọt, tôm hùm, giò gà trống thiến… Nàng luôn ở bên tôi, và sau bữa ăn thường uống cùng tôi một cốc rượu hoặc một tách cà phê kèm với món bánh ngọt ngon nhất.
Yvette là một kho báu, đời tôi không thể thiếu nàng. Nhưng biết làm sao hơn khi món tiền dự trữ của tôi cạn dần, tôi không đủ tiền trả cho những món ăn ngon miệng ấy nữa. Có lẽ Yvette đã cảm nhận được sự bối rối của tôi, nên một hôm, nàng đề nghị tôi ở lại qua đêm. Sự tỏ tình của Yvette thẳng thắn và quả quyết, so với các cô gái mình hạc xương mai thì nàng sâu sắc hơn nhiều. Một tuần sau, chúng tôi cưới nhau. Thoạt đầu, cuộc hôn nhân rất hạnh phúc. Chúng tôi mở rộng quán thành nhà hàng và làm ăn càng lúc càng phát đạt nhờ những món ăn độc đáo do sự sáng tạo của hai vợ chồng chung sức chung lòng. Sự phồn thịnh của nhà hàng đã đưa tôi lên vị trí tầm vóc của một người đàn ông. Tôi yêu nhà hàng và tôi yêu nàng, bởi nàng là một phần đem lại sự hoàn hảo cho nhà hàng. Hạnh phúc biết bao!
Rồi thảm kịch bắt đầu. Một hôm Yvette ngất xỉu trong nhà bếp. Bác sĩ cho biết, trọng lượng quá tải của nàng dẫn đến tình trạng nghẽn mạch, kèm theo bệnh tiểu đường mới phát làm cho bệnh nàng càng phức tạp thêm. Yvette đã phản đối trước một thực đơn ăn kiêng rất khắc nghiệt. Nhưng vị bác sĩ lạnh lùng phán:
– Bà không còn cách lựa chọn nào khác. Hoặc là ăn kiêng, hoặc là chết.
Yvette đã tuân thủ lời bác sĩ một cách tuyệt đối. Nàng sụt ký rất nhanh. Trong vòng vài tháng, nàng không còn là bà vợ mập mạp vui vẻ của tôi nữa, mà trở nên thon thả, ưa nhìn. Vì bị tước mất niềm đam mê ăn uống, Yvette trở nên say sưa chăm chút vẻ bề ngoài của mình (điều mà trước đây nàng không màng đến), do đó tính tình của nàng cũng thay đổi theo. Từ hào phóng, nàng trở nên keo bẩn. Nàng hà tiện mua những vật liệu rẻ tiền để chế biến món ăn, đồng thời bán cho khách những khẩu phần ít hơn thường lệ, dần dần nàng từ chối phục vụ những món ăn cầu kỳ tinh tế khiến cho nhà hàng càng ngày càng vắng khách. Mặc cho khách hàng riêng của chúng tôi ra đi, Yvette chẳng hề bận tâm. Nàng đã có những vị khách đặc biệt cho riêng mình. Đó là những con người tầm thường, thực đơn lúc nào cũng chỉ bánh xăng uýt và rau xanh. Thêm vào đó, chế độ ăn kiêng đã làm cho Yvette mau mệt mỏi nên không đáp ứng được những sinh hoạt vợ chồng, quan hệ giữa chúng tôi tuột dốc nhanh. Từ yêu thương, tôi trở nên căm ghét nàng, nhất là việc nàng không còn khả năng sửa soạn một bữa ăn hợp khẩu vị trong gia đình. Không đếm xỉa đến sự bực dọc của tôi, Yvette còn lên án tôi quá coi trọng miếng ăn và có những nhận xét xúc phạm về vòng eo càng ngày càng phình ra của tôi.
Để giải khuây, tôi thường rời nhà đi lang thang. Một hôm, tôi khám phá ra quán Golden Cock trong một tầng hầm tối có món xúp tôm cà chua tuyệt hảo nhất thành phố. Chủ quán là Germainẹ Nàng già và đẫy đà hơn cả Yvette trước kia, gương mặt khá đẹp, má mịn hồng, ánh mắt xanh xám, mái tóc mềm mại. Chúng tôi bị thu hút lẫn nhau bởi một sở thích chung trong nghệ thuật nấu ăn. Chúng tôi góp ý cách làm một món ăn, bổ sung hoàn chỉnh cho nhau. Một lần nữa, hạnh phúc đã đến với tôi.
Tuy nhiên, tôi là người đã có vợ. Yvette không bằng lòng việc tôi ăn tối ở ngoài. Nàng kiểm soát tiền bạc của tôi rất chặt chẽ. Những món ăn vô vị của nhà hàng Chez Yvette càng làm tôi chán vợ thêm. Tôi không thể ly dị được vì Yvette là tín đồ Thiên chúa giáo, nên đành chờ cơ hội thuận tiện để đến với Germaine mà thôi. Về sau, Yvette đã phá đám chúng tôi, nàng cạn tàu ráo máng với tôi bằng cách biến tôi thành một tên kiết xác, không đồng xu dính túi, buộc lòng tôi phải trở thành người làm công cho nàng, hằng ngày phải ăn những món cà bầm dập, thịt đông hôi mỡ, bánh mì hạ cấp… mà khi nuốt vào chỉ muốn ói ra.
Nàng đã đẩy tôi đến bước đường cùng nên buộc lòng tôi phải nghĩ đến cách loại trừ nàng. Ông nghĩ xem, có gì là quá đáng đâu. Ông thấy đó, tôi không phải là loại người thích bạo lực. Tôi rất sợ dùng súng, dao hay bất cứ hung khí nào. Thuốc độc là phương cách duy nhất tôi nghĩ đến để giải thoát tôi ra khỏi vòng vây kìm kẹp của Yvettẹ Tôi cân nhắc các khả năng của Asen (thạch tín), Cyanur… hai chất này cực độc nhưng rất dễ nhận biết. Vả lại, làm thế nào để bảo đảm hành động của mình không để lại dấu vết hoặc không gây nghi ngờ cho cảnh sát cơ chứ. Suốt một tháng trời, tôi nghiền ngẫm vấn đề đến gầy rạc người đi.
Trong phòng ngủ của chúng tôi, trên bàn trang điểm của Yvette chất đầy những lọ thuốc viên và thuốc con nhộng trợ giúp thêm vào thực đơn ăn kiêng và giảm cân của nàng. Một buổi sáng, có người bạn đi du lịch phía nam về, tặng Yvette một lọ thuốc viên nhãn hiệu Yarubex. Đây là loại thuốc giảm cân rất công hiệu được sản xuất ở Mexico, rất khó tìm ở Mỹ. Yvette rất mừng. Nhưng cùng ngày hôm đó, tờ thời báo New York in đậm bản tin của Bộ Y tế Hoa Kỳ: “Không nên dùng thuốc Yarubex. Những viên thuốc nhỏ đó có thể gây chết người khi uống với liều lượng cao. Đặc biệt gây nguy hiểm cho những người bị bệnh tiểu đường. Đã có 20 trường hợp tử vong vì loại thuốc giảm cân này.” Yvette hoảng hồn quăng lọ thuốc vào thùng rác và tôi đã lén nhặt lên. Tôi quan sát rất kỹ. Những viên Yarubex nhỏ, có màu trắng giống hệt những viên Saccharine đựng trong hộp thuốc khảm vàng của Yvette để nơi bàn trang điểm. Không suy nghĩ, tôi trộn những viên Yarubex lẫn vào những viên Saccharine và chờ đợi, lòng không chút hy vọng cũng như mặc cảm tội lỗi nào.
Tôi không thể tin là mình đã thành công dễ dàng như vậy. Vài ngày sau, Yvette chết. Tôi về nhà vào buổi chiều và thấy nàng nằm sóng soãi trên giường ngủ, người còn nguyên quần áo. Sau khi kiểm tra, biết chắc tim nàng đã ngừng đập, tôi lục ví nàng tìm hộp thuốc khảm vàng, trút tất cả xuống cống và thay vào những viên Saccharinẹ Xong, tôi lấy lọ Yarubex để cạnh nàng, rồi gọi cảnh sát.
Tên trung úy cảnh sát Stevens phụ trách cuộc điều tra là một người cục mịch, thô lỗ, cứ nhìn chầm chập vào tôi, mắt thoáng vẻ nghi ngờ. Tuy nhiên, vì không tìm ra dấu vết cũng như bằng chứng, việc điều tra được xếp lại. Tên Yvette được liệt kê vào danh sách nạn nhân của những kẻ vô lương tâm trong ngành kinh doanh dược phẩm.
Tôi bán nhà hàng Chez Yvette và đến với Germaine. Quán Golden Cock của nàng càng ngày càng nổi tiếng bởi các món ăn ngon đặc biệt, hợp khẩu vị với những người sành ăn. Sau một thời gian vừa đủ, chúng tôi cưới nhau. Tôi trở thành người tự mãn vì hạnh phúc quá tràn đầy. Tôi không hề nghĩ rằng, một cuộc sống quá êm đềm không thể lâu bền được. Cho nên, vào một ngày đẹp trời, Germaine đã sụt sùi bảo tôi:
– Anh yêu, bác sĩ bảo em phải ăn kiêng thôi!
Thưa ông, ông là người giàu trí tưởng tượng. Tôi không muốn làm ông nhàm chán bằng cách nhắc lại những chuyện đã kể. Điều này giống như một cuốn phim hay vở kịch truyền hình phát lại lần thứ hai, chán ngắt. Chỉ nói rằng, phản ứng của Yvette và Germaine rất giống nhau. Và dĩ nhiên sau đó, tôi gặp Suzane.
Khi sa vào bẫy của tên trung úy chết tiệt Stevens, tôi mới nhận ra mình ngu ngốc lạ lùng khi dùng lại phương cách cũ – những viên thuốc Yarubex – để giải thoát cho mình. Tại sao tôi không nghĩ ra cách khác chứ. Vả lại, làm sao tôi tiên đoán được rằng, Stevens lại chuyển công tác về chỗ tôi đang sống?
Tuy nhiên, tôi vẫn tự hào về hành động của mình. Trên đời này, biết bao nhiêu kẻ sát nhân chỉ vì vài trăm đô la hoặc vì một mối hiềm khích vớ vẫn. Còn tôi, tôi chịu sự trừng phạt chỉ vì muốn bảo đảm những món ăn được nấu đúng nghệ thuật để phục vụ cho quý thực khách thân yêu. Người bị kết án có đặc quyền chọn thực đơn cho bữa ăn cuối cùng. Tôi nghĩ đến món sườn thỏ rừng sốt cam, bồ câu nhồi yến kiểu Trung Quốc, hay là gà hấp rượu anh đào. Nhưng thôi, những món này rất khó làm, phải tự tay tôi pha gia vị thì sự thơm ngon mới đạt tới đỉnh cao. Hẳn ông đồng ý với tôi? Xin chào ông – vĩnh biệt.

Thùy An

CÔNG THỨC GIẾT CHỒNG

 

Nguyên tác: Recette de meutre
Tác giả: C.P. Donnell, Jr Afred Hitchcock 
Thùy An dịch

 

*
Thanh tra Miron đứng tần ngần trước ngôi biệt thự lộng lẫy. Giàn hoa giấy trên vòm cổng bừng lên màu đỏ thắm, rực rỡ dưới ánh mặt trời. Ông đưa tay bấm chuông.
Nữ chủ nhân –bà Chalon, bốn mươi tuổi –tiếp ông trong một phòng khách sang trọng, màn voan trắng, ghế nệm lót nhung và sàn trải thảm. Bà có một vẻ đẹp lạ lùng. Miron nghĩ ngay đến một khuôn mặt tạc đầy thạch cao với đôi mắt trong xanh như mây trời Địa Trung Hải thấp thoáng ngoài cửa sổ. Thân hình bà nẩy nở săn chắc, hứa hẹn dù cho đến tuổi sáu mươi, những đường nét quyến rũ ấy vẫn không bị thời gian bôi xóa. Chà, ông nghĩ, điều này cũng chẳng cung cấp được gì thêm cho những dự tính của mình.
-Một ly Dubonnet nhé, thưa ông thanh tra?
Đang nhìn vào đôi môi mọng của nữ chủ nhân, Miron giật mình. Ông cố lấy giọng tự nhiên:
-Cám ơn.
Bà Chalon nâng ly uống trước, mắt nhìn ông tinh quái. Rồi bà mỉm cười, tuyên bố thẳng thừng:
-Ông đến điều tra về vụ tôi đã đầu độc mấy ông chồng cũ phải không?
Miron sững sờ, lúng túng:
-Thưa bà… tôi…
-Ngay từ lúc ông đến trình diện ở Tỉnh đường, tôi đã đoán ra điều đó.
Thanh tra Miron trấn tĩnh, lấy lại vẻ lạnh lùng nghề nghiệp:
-Thưa bà, tôi đến để yêu cầu bà cho phép khai quật thi thể các ông Charles Wesser và ông Etienne Chalon, để các chuyên gia giám định y khoa tiến hành xét nghiệm nội tạng. Thưa bà, tại sao trước đây bà lại từ chối việc ấy với hạ sĩ Luchaire của Sở Cảnh Sát địa phương?
-Luchaire thiếu tế nhị nên tôi ghét ông ta. Tôi từ chối vì thái độ cá nhân chứ không chối từ với luật pháp.
Bà Chalon lại nâng ly lên đôi môi mọng, ánh mắt tình tứ:
-Với ông, tôi có từ chối đâu nào. Thưa ông thanh tra Miron, tôi biết rõ phương pháp của các ông là tiến hành khám phá bí mật khởi đầu bằng cách hỏi lại xác chết…
Bà ngừng một tí để thích thú thấy viên thanh tra ngượng đỏ mặt, nhưng lại tảng lờ như không chú ý, tiếp tục nói rất tự nhiên:
-Và, những cuộc xét nghiệm y khoa đã hoàn tất, ông đã bối rối vì chẳng tìm thấy gì cả. Thế rồi ông đến tận đây để nắm vững về tôi: về khả năng, cá tính… biết đâu, nhờ may mắn trong cuộc đối thoại, ông có thể tìm ra những dấu hiệu phạm tội của tôi.
Bà nói một hơi, đánh trúng chính xác những mục tiêu của ông. Nếu ông không chịu thú nhận thì thật là ngốc.
-Rất đúng, thưa bà Chalon, đúng trên giấy tờ. Nhưng… khi người ta có hai ông chồng cùng chết vì rối loạn tiêu hóa dữ dội, cùng chết sau ngày cưới chưa đầy hai năm, lại cùng ở cái tuổi chưa phải là già lắm và cùng để lại toàn bộ tài sản lớn lao cho người vợ góa thừa kế… Bà hiểu chứ?
-Vâng, tôi rất hiểu.
Bà Chalon tiến lại cửa sổ. Chiếc áo cổ rộng cắt khéo ôm lấy bộ ngực tròn đầy, quyến rũ, làm mờ đi màu xanh của biển dịu dàng thăm thẳm ngoài kia.
-Thanh tra Miron, ông có thích nghe tôi xưng hết tội lỗi không?
Giọng nói của bà êm ái như vuốt ve dỗ dành khiến Miron phải đề cao cảnh giác. Ông thầm nghĩ, người đàn bà này rất nguy hiểm, quá sức nguy hiểm.
-Nếu bà muốn như thế, thưa bà Chalon.
-Vậy thì, tôi sẽ làm ông hài lòng.
Bà Chalon không cười nữa. Qua cửa sổ mở rộng, một cơn gió tỏa vào phòng mùi hương ngào ngạt, nhưng không phải hương thơm của hoa cỏ ngoài vườn.
-Ông có biết tí gì về nghệ thuật nấu ăn không, thưa ông Miron?
-Tôi từ Paris đến, bà biết mà.
-Và còn nghệ thuật yêu đương?
-Tôi đã thưa với bà, tôi từ Paris đến.
-Vậy thì…
Sau một hơi thở sâu làm bộ ngực căng lên, bà Chalon tiếp:
-Tôi, Hortense, Eugénie Villerois –Wesser –Chalon, có thể nói với ông rằng, tôi ám sát có chủ tâm người chồng thứ nhất, ông Wesser năm mươi bảy tuổi cũng như người chồng thứ hai, ông Chalon sáu mươi lăm tuổi.
“Bà ta điên chăng?” Miron nhủ thầm.
-Tôi kết hôn với ông Wesser bởi sự ép buộc của gia đình. Chưa đầy nửa tháng, tôi đã nhận ra rằng, ông ta có đầy đủ mọi thói xấu của một kẻ làm loạn lúc về già, nghĩa là thô bỉ, phàm ăn và dâm dục như một con yêu râu xanh. Tất cả những cái ấy đã gây nên tình trạng tồi tệ cho bao tử. Điều này có ghi hết trong hồ sơ, ông đồng ý chứ?
-Thế còn ông Chalon?
-Ông ta già hơn, cũng như tôi đã lớn tuổi khi kết hôn với ông ta.
Miron hỏi giọng pha chút mỉa mai:
-Và bao tử của ông Chalon cũng ở trong tình trạng tồi tệ?
Bà Chalon thản nhiên:
-Chắc chắn là thế. Chalon ít thú tính hơn Wesson, nhưng ông ta lại tàn bạo, đối xử ác độc với trẻ con và nốc rượu mạnh như hũ chìm. Ông ta dã man đến nỗi tôi đã không ngần ngại quyết định: Chalon phải chết như Wesson đã chết.
Miron lạnh người. Một phút yên lặng trôi qua. Miron dùng giọng thật nhẹ nhàng để không làm xáo trộn giòng tư tưởng của kẻ đang thú tội.
-Bằng cách nào? Thưa bà Chalon.
Bà Chalon quay lại, nở nụ cười rạng rỡ:
-Có lẽ ông biết những món ăn như Gà tây nhồi hạt dẻ, Vịt nấu ngũ sắc, Cá mú đút lò, Xúp gân nai, cua gạch…
-Kìa, bà đã làm tôi phát thèm lên đấy.
-Ông hỏi tôi giết người bằng cách gì ư? Thưa ông Miron, tôi đã phục vụ họ với thực đơn hàng trăm món, và với mỗi món, tôi thêm vào một tí…
Đột nhiên, bà ngừng nói. Bàn tay thanh tra Miron siết chặt ly Dubonnet, dồn hết nghị lực để khỏi lộ vẻ nôn nóng.
-Bà đã thêm vào… thêm vào tí gì vậy?
-Ông đặc trách vụ án này, ông có biết thân sinh của tôi là ai không?
-Ông Jean –Marie Villerois, một bậc thầy của những bậc thầy về ẩm thực.
-Đúng thế. Ba tôi đã truyền hết nghề nấu nướng cho tôi.
Miron căng thẳng, bực bội nhưng cũng đành chấp nhận câu chuyện lông bông của người đàn bà xinh đẹp này.
-… Nhưng bà vừa bảo rằng, bà đã thêm vào mỗi món ăn một tí…
Bà Chalon quay lưng lại. Miron bỗng choáng ngợp trước bờ vai thon thả, vóc dáng cân đối, vòng eo tuyệt mỹ.
-Một tí… một tí nghệ thuật, thế thôi, không có gì khác nữa, ông thanh tra ạ. Loại người như Wesser hay Chalon làm sao mà cưỡng nổi. Một ngày ăn ba bốn bữa thịnh soạn… no đến cành hông, rồi lại nốc rượu vào. Ở tuổi ấy, ăn uống như vậy làm sao mà thọ nổi.
Bà Chalon ngưng nói. Căn phòng yên tĩnh, chỉ nghe tiếng tíc tắc từ xa của chiếc đồng hồ quả lắc.
-Xin lỗi, thế còn nghệ thuật yêu đương… Chính bà đã nêu lên…
-Thưa ông thanh tra, điều này phải có sự giúp đỡ của một vài cô bạn trẻ thật hấp dẫn. Tóm lại, tôi đã giết hai đức lang quân của tôi bằng công thức ĂN NO cọng với RỮNG MỠ. Chỉ thế thôi.
Lại yên lặng. Một sự yên lặng căng thẳng, chờ đợi. Chợt thanh tra Miron đứng dậy, đột ngột đến nỗi bà Chalon quay phắt lại, mặt tái xanh.
-Chiều nay, mời bà đi với tôi đến Nice.
-Đến… Sở Cảnh Sát ư? Thưa ông thanh tra.
-Không, chúng ta sẽ đi uống champagne, nghe nhạc và khiêu vũ.
-Ơ… thưa ông…
-Hãy nghe tôi nói. Thưa bà, tôi độc thân, bốn mươi bốn tuổi, không nhiều thói xấu lắm. Tôi có dành dụm một khoảng tiền với lợi tức hàng năm không đến nỗi tệ…
Ông nhìn thẳng vào đôi mắt thăm thẳm của bà:
-… và tôi mong mỏi… được chết vì bà.

THÙY AN