Tạ Chí Đại Trường
Đầu óc mòn mỏi nên không nhớ được đã biết vào lúc nào, gặp lần đầu ở đâu. Bởi vì tôi chỉ được học chung với anh của Giác, Nguyễn Văn Lân. Ở bộ phận trường Collège Qui Nhơn tản cư đến thôn Hoà Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, Bình Định. Năm 2006, cùng Giác “về thăm lại chiến trường xưa” trên hai chiếc xe ôm của hai người trước đó còn giành nhau: “Ông già nầy của tao, ông già kia của mầy”. Và rồi như cảm nhận ở những nơi khác, cái gì trước mắt cũng trở nên nhỏ bé, teo tóp: tấm bình phong vôi gạch của cái đình còn sót lại sau cơn tiêu thổ, một vùng gò mả thênh thang bò lết lúc nhỏ nay kéo mấy hàng tre lại gần tầm mắt hơn… Bỏ cái nền trơ vơ của ngôi trường cũ, chạy qua phố Cảnh Hàng tìm con sông lúc thường phải lội nhưng mùa nước lụt phải đi đò. Loay hoay mãi mới nhận ra là đã bước qua cây cầu gỗ nhỏ bắc trên cái mương nước luồn lách giữa những đám ruộng xanh rì. Con mương đó, sách vở dạy tôi rằng chỉ là phần còn lại của giải nước từng chở trên lưng những chiếc thuyền to lớn xuôi ngược, chuyển những các sản phẩm rừng núi, đồng bằng biển khơi qua địa điểm được ghi là Canh Hãn Xã trên tầm bản đồ năm 1774. Và biết đâu dưới lòng đất đó còn có xác những chiến binh, chiến thuyền Lê Lí Trần, Toa Đô rủi ro nằm lại trong những cuộc viễn chinh? Văn chương thì nhắc đến thương hải tang điền, còn người hiện đại thì lo chuyện tàn hại môi trường… Không còn gì quan trọng nữa.
Chung học thêm một năm ở Bồng Sơn, thủ phủ của Liên khu V, thì Lân tiếp tục và đi tập kết, còn tôi mắc nạn nhà trở về quê ngoại phía sau nhà thờ Long Sông có tên trong ghi chú của các giáo sĩ, làm thằng bé dở dở ương ương nhưng cũng do đó mà có kinh nghiệm thực chứng về đất nước Dân chủ Cộng hoà. Và tất nhiên không biết Lân có người em tên Nguyễn Mộng Giác Tiếp tục đọc