CAO BỒI MIỀN TÂY

Khi nghĩ về nước Mỹ, hầu hết mọi người đều liên tưởng đến hình ảnh chàng cao-bồi. Nhớ những bức tranh hoạt hình về chàng Lucky Luke của tuổi thơ. Lúc-Ky Lúc-Ke mặc áo vàng, đội mũ trắng rộng vành, cái môi chu ra luôn phì phèo điếu thuốc vấn, bắn súng nhanh hơn cả cái bóng của mình, luôn đơn độc lang thang trên cánh đồng hoang mạc cùng con ngựa Jolly Jumper để bảo vệ cho công lý và lẽ phải. Hình ảnh lãng tử cuối mỗi tập truyện là chàng cưỡi ngựa đi về phía cuối chân trời và hát bài “Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường xa nhà, thật xa…”
I’m a poor lonesome cow-boy
And a long far away from home…

Lại nhớ đến những bao thuốc lá Malboro có hình chàng cowboy điển trai, khuôn mặt góc cạnh đàn ông, cũng trong chiếc mũ rộng vành, nghiêng đầu ghé môi châm điếu thuốc đầu lọc bằng chiếc bật lửa zippo. Chàng cao-bồi và con ngựa mustang luôn mang một nét đẹp hoang dại, ngang tàng, hào hùng, đơn độc và mạnh mẽ của tuổi trẻ.

Hình ảnh cowboy đẹp là vậy, dù lan man trong các phim về miền viễn Tây là pha trộn những cái tốt, cái xấu và cái ác (The Good, the Bad and the Ugly) đặc thù. Thực chất hình ảnh chàng cao-bồi là gì? Hãy tìm về cội nguồn của chàng từ thế kỷ 16, những năm tháng thuộc địa ở Mễ tây Cơ. Ở đó người ta gọi chàng là Vaquero, nghĩa là bò ,từ chữ vaca theo tiếng Tây Ban Nha. Khi người Tây Ban Nha đến Mễ Tây Cơ, họ mang theo những con ngựa, những thảo nguyên mênh mông ở Nam Mỹ là miền đất lý tưởng cho những vó ngựa và đàn bò thả rong gặm cỏ. Ở đó họ mở rộng những trang trại nuôi bò, lan dần lên tới Texas, Arizona và New Mexico, cũng như xuống tận Argentina. Những đàn bò hàng ngàn con cần đến những chàng trai cưỡi ngựa chăn dắt, vây tròn gọi là round-up bằng dùng dây thừng có thắt vòng lasso để quăng lọt vào cổ hoặc trói chân những con bò. Họ dùng thanh sắt nung nóng mang dấu hiệu của trang trại để đóng lên bò con. Việc gom lại một đàn bò hoặc thú nuôi lớn hoang dã cần những tay chăn bò khỏe mạnh, nhanh nhẹn và thiện nghệ trên lưng ngựa. Họ là chủ nhân giữa đất trời bao la trên những cánh đồng không cây cỏ bạt ngàn, của những vực núi đá cheo leo, của những miền đất đầy gai xương rồng, chăn dắt hàng ngàn trâu bò qua hàng ngàn dặm đường hoang vu, những thác lũ cuộn sóng, luôn thường xuyên đối phó với hiểm nguy từ thú dữ rắn rít đến những mũi tên của người da đỏ, của những tên cướp sống ngoài vòng pháp luật. Họ phải đơn thương độc mã dưới đất trời bao la khi bão tố phủ vây, sấm sét ngang đầu, khi chung quanh không có một túp lều trú ẩn, ngủ hàng đêm trên sỏi đá dưới sao trời, lầm lũi vó ngựa trong tuyết ngập đến gối, ăn uống nhọc nhằn từ những lon đậu trong hộp thiếc và miếng bánh mì khô khốc, cô liêu bầu bạn chỉ với chiếc kèn Harmonica​ lạc lõng theo gió thảo nguyên mênh mông…

Họ mang những đôi giày ủng da cao cổ có đinh thúc ngựa, mũi giày nhọn bọc sắt để lọt gọn vào bàn đạp bên hông ngựa; tay mang đôi găng da sờn mòn vì cầm cương, chiếc quần vải bố bền bỉ có phủ thêm tấm da che chân để bảo vệ những khi băng qua các bụi gai rậm, đầy xương rồng; chiếc mũ cao rộng vành để che nắng, chiếc mũ bằng da mềm có thể dùng làm gàu múc nước suối, dùng làm gối khi ngủ qua đêm trên cánh đồng hoang; chiếc khăn bandana như khăn tay bằng vải cột ngang cổ để che miệng và mũi trên cánh đồng đầy bụi bặm, cũng như làm ấm cổ trong mùa đông rét mướt. Khoát chiếc áo vest có nhiều túi để đựng gói thuốc lá nặng mùi và những tờ giấy quấn. Chiếc áo sơ mi không cổ để dễ dàng ngoái đầu trông đàn chăn và đặc trưng là chiếc áo choàng dài phủ xuống tận gót để như tấm chăn che ấm những mùa đông hay cơn mưa tầm tả. Đó là hình ảnh của một chàng cao-bồi miền Tây còn giữ đến ngày hôm nay. Họ luôn gắn bó với yên ngựa và chỉ xuống ngựa khi khiêu vũ những bước nhảy 2 steps với các cô gái xinh đẹp sau khi thắng cuộc thi rodeo, một cuộc thi thố hào hứng trổ tài cưởi ngựa quăng dây thừng, ngồi lâu trên lưng bò hoang dã hung hăng tung chân đá, lao xuống ôm sừng các con bò con…Tuổi trung bình của các chàng cao-bồi là 24. Họ gầy nhưng bền bỉ khỏe mạnh, được trả lương thấp và làm việc cực nhọc, mình luôn hôi mùi ngựa. Tài sản của họ chỉ là cái yên ngựa. Lắm khi chỉ được trả công bằng những con bò con và họ sẽ nuôi chúng lớn lên để bán kiếm lời.

Khi con đường sắt xuyên về miền Tây và nhu cầu thịt bò tăng cao sau cuộc nội chiến đã thu hút hàng ngàn cuộc mua bán bò ngựa từ miền Nam lên miền Bắc và nhất là miền Đông. Những con bò giá 4 đô ở Texas được mua đến 40 đô ở Illinois. Sau chiến tranh thì con số bò thả rông và lớn nhanh do không người, ruộng vườn bỏ hoang, cỏ dại ngập tràn. Những cựu chiến binh của cuộc nội chiến trở về không nghề nghiệp và tài sản, những người da đen được trả tự do lang thang không tìm được việc, những di dân mới đến từ xa xôi và cả người da đỏ. Họ đều trở thành cao-bồi chính hiệu. Lợi nhuận mua bán bò ngày càng cao theo những con đường dẫn bò lên phía bắc và về miền đông đã hình thành những con đường mòn như Chilsom Trail, Loving Trail nổi tiếng (mà ngày nay trở thành những đại lộ, địa danh lịch sử) Những con đường dẫn dắt cả ngàn con bò dài đến ngàn dặm từ Texas lên Trạm xe lửa ở Dodge City hay Abilene, Kansas. Mất hàng tháng trời để đến nơi, trung bình họ đi 15 dặm một ngày trong gió bụi…

Do đời sống gắn bó với thiên nhiên nên họ rất tốt bụng, dù ít học nhưng trọng nghĩa khí anh hùng, tôn trọng lẽ phải và công lý. Cái công lý đôi khi được giải quyết nhanh gọn bằng những tay súng bắn nhanh. Tuy vậy khi rời yên ngựa nghỉ chân các saloon, bar rượu thì đồng tiền họ làm được lại bị ma lực của men say và hương phấn phụ nữ dẫn dắt. Có không ít các vụ ẩu đả và đấu súng diễn ra, có không ít những lần luật pháp phải can thiệp và luôn gặp khó khăn khi chính những chàng cao-bồi để tự vệ lại luôn mang sẵn cây súng bên mình. Và những người hùng cảnh sát marshal thời ấy như Wyatt Earp và tay cướp Billy the Kid ra đời. Đáng kể nhất là Jesse James cướp nhà băng, xe chở hàng và ngay cả cướp đoàn tàu lửa khét tiếng lúc bấy giờ.


I’m a poor lonesome cow-boy
And a long far away from home…

Ngày nay hình ảnh cao-bồi bao gồm nhiều nghĩa tốt lẫn xấu. Nó mâu thuẫn như chính bản thân con người đơn độc, luôn phải đối phó với nghịch cảnh và tự lập để tồn sinh. Người ta yêu thích khoác lên mình trang phục cao-bồi với cái nịt có khóa to bảng, với đôi giàu ủng cao cổ bằng da mũi nhọn, với chiếc quần Jean sờn gối. Dù họ chưa bao giờ là cao-bồi, dù họ là dân thị thành chính hiệu. Những cô gái miệt quê cowgirl nhưng hấp dẫn quyến rũ với chiếc quần jean bó sát đùi, cái eo thon nhỏ trong chiếc áo chẻn ca-rô và chiếc mũ cao-bồi ngạo nghễ. Họ yêu đến chết bỏ cái gốc gác quê mùa của mình, dù đi tha phương nhưng không bao giờ đánh mất quê hương trong trái tim họ: “you can’t take the country out of the girl!”Dòng nhạc đồng quê luôn lấn lướt các giai điệu rock trẻ trung náo nhiệt và giọng nói mang âm hưởng quê mùa miền Nam vẫn tự hào nơi phương Bắc. Tuy vậy 2 chữ cao-bồi cũng hàm ý chê bai cho những kẻ liều mạng, bạo lực, chè chén và bài bạc. Tạp chí Time đã có lần gọi chính sách của cựu tổng thống Bush là “cowboy diplomacy”. Châu Âu đã gọi Bush là “cowboy”. Miền Đông cũng gọi những tay lái xe bạt mạng là thế! Dù thích hay không thì đã có đến 4 vị tổng thống của nước Mỹ từng là cao-bồi thực thụ: Theodore Roosevelt, Calvin Coolidge, Lyndon Johnson và Ronald Reagan.

Riêng người viết mãi yêu thích một hình ảnh cao-bồi trầm tư, ít nói, gai góc và cáu cạnh. Dù có tí dơ bẩn bụi bặm như Clint Eastwood. Thỉnh thoảng chàng nhổ toẹt nước miếng tỉnh bơ, nhổ như bà già quê mình nhai trầu nhổ bả. Điếu thuốc lá vấn nó là vậy. Cứ cay cay trên môi. Cứ say say khi nhớ lại hình ảnh ngày xưa chơi cao-bồi bắn da đỏ “Bang Bang.” Lại nhớ chàng Lucky Luke dí dỏm, đơn độc mà tự do, hào hiệp mà trọng lẽ phải. Ngồi phì phèo điếu thuốc lá bên cạnh các tù trưởng da đỏ cũng mịt mù ​khói thuốc như ​ống vố thuốc lào. ​Hình ảnh chàng cao-bồi miền Tây như cái đẹp hoang sơ mà mãnh liệt, sẽ sống mãi theo thời gian. ​Chỉ tiếc chàng cao-bồi Malboro là chết hẳn, ​chết theo các ​trang quảng cáo và ​những bao ​thuốc lá, ​ ​một thời ngây ngất say​.

Sean Bảo

Advertisement

Tượng Nữ Thần Tự Do

 

Hình ảnh một ngọn đèn hải đăng, lấp lánh trong đêm tối mù sương trên đại dương sóng dữ, qua bao tháng ngày lênh đênh, luôn làm bừng lên nỗi vui mừng tột độ của người di dân hay tị nạn. Đó là ánh sáng cuối đường hầm tuyệt vọng, đó là bình minh hứa hẹn rực rỡ của một phận đời lưu vong. Di dân tin chắc sẽ đến được bến bờ an lành và qua rồi cơn mộng dữ. Nhất là ngọn hải đăng đó ở bến đỗ của một đất nước hứa hẹn đầy tự do, “miền đất của sữa và mật ong.” Đó là Tượng Nữ Thần Tự Do ở cửa biển New York. 

tuong-nu-than-tu-do2

Vị nữ thần này nay đã hơn 132 tuổi, chào đời trong một thành phố nhỏ ở Paris. Khởi đầu từ Edouard de Laboulaye, một chính khách chống chế độ nô lệ người Pháp. Sau chiến thắng của quân Union kết thúc nội chiến năm 1865, nước Mỹ trở thành biểu tượng cho tự do và dân chủ; ý tưởng xây một pho tượng tặng cho nước Mỹ kỷ niệm 100 năm giành độc lập từ Anh và tình hữu nghị với nước Pháp sẽ được thắt chặt hơn, Ðiêu khắc gia Auguste Bartholdi bắt tay làm tượng từ năm 1870, đặt tên là Nữ thần Tự do soi sáng thế giới. Một pho tượng bằng đồng khổng lồ cao 46m, nặng 204 tấn. Khuôn mặt của nữ thần tựa như mẹ của điêu khắc gia, cơ thể thì dựa theo người tình của ông. Ðầu đội mũ hình vương miện có 7 tia như tỏa ra từ mặt trời, 7 tia như 7 lục địa, 7 đại dương. Nữ thần choàng chiếc áo vải dài như các vị thần Hy Lạp cổ, tay phải nâng cao ngọn đuốc sáng, tay trái cầm tablet có khắc ngày 4 tháng 7, 1776, ngày Quốc khánh nước Mỹ. Thoạt đầu Bartholdi dự định cho nữ thần cầm sợi xích gãy đôi, tượng trưng cho sự giải thoát gông cùm nô lệ. Nhưng sau đó lại sợ biểu tượng còn gây chia rẽ sau khi nước Mỹ vừa kết thúc nội chiến. Vì thế sợi xích gãy được đặt dưới gót chân của nữ thần, phủ che bởi tấm áo dài. Ðầu bức tượng được Bartholdi bắt đầu từ Pháp năm 1877 để trưng bày trong Hội Chợ Thế Giới ở Paris 1878 nhằm quyên góp nguồn tài trợ, còn cánh tay phải cầm đuốc, trưng bày ở Hội chợ Hoàn vũ ở Philadelphia năm 1876 nhằm quyên tiền xây dựng bệ tượng. Kiến trúc sư tài ba Gustave Eiffel (người xây dựng tháp Eiffel) đã góp phần làm bộ khung sườn bên trong bức tượng.

Auguste Bartholdi

Ngày 17 tháng 6, 1885, hơn 200 ngàn người dân New York đổ xô đến dọc bến cảng Manhattan để chào đón chiếc tàu hơi nước Isére từ Pháp. Tượng được chở từ 350 miếng đồng mỏng đóng trong 214 thùng hàng. Người Pháp tặng tượng nhưng phần bệ thì do nước Mỹ đảm nhận. Và thế là một chiến dịch vận động quyên tiền xây dựng bệ tượng đài với giá 250 ngàn đô (tương đương 6 triệu đô ngày nay.) nhưng chỉ góp được 2/3. Thống đốc New York từ chối dùng ngân sách của thành phố, Quốc hội cũng không ủng hộ chi tiền. Baltimore, Boston, San Francisco và Philadelphia đồng ý chi tiền xây bệ với điều kiện phải dời tượng về địa điểm của thành phố của tiểu bang mình. Mọi chuyện chừng như đình trệ nếu không có sáng kiến và sự góp công của Joseph Pulitzer, ông đã dùng tờ báo The New York World của mình để vinh danh những người ủng hộ quyên góp tiền cho bệ tượng. Tất cả những ai dù ủng hộ vài xu đến vài trăm đều được đăng trên trang nhất của báo. Chiến dịch thành công với hơn 160 ngàn người đóng góp, trong đó bao gồm mọi thành phần, từ thương gia, đến chính khách, trẻ em và dân lao động. Trong vòng 5 tháng quyên được 101,091 đô. Ba phần tư trong số tiền đó từ những người lao động góp ít hơn 1 đô la.

Năm 1886, bệ tượng như một tòa tháp được xây xong và tượng Nữ Thần được lắp ráp dựng lên với độ chính xác và nhanh chóng đến ngạc nhiên trong mắt của cư dân. Tất cả đều do nhóm xây dựng gan dạ và cần mẫn của các di dân vừa định cư. Những lá đồng mỏng được uốn dập lắp ráp vào khung sườn thép làm cốt của Gustave Eiffel. Bức tượng được khánh thành trong đại lễ hoành tráng khắp New York. Ngày 28 tháng 10, 1886, mặc sương mù và ẩm ướt, chừng triệu người đổ xô đến New York tham dự cuộc diễn hành vĩ đại qua Manhattan và qua tòa nhà Stock Exchange, các tay buôn bán cổ phiếu hân hoan chào đón từ các khung cửa sổ trên tòa nhà, họ xé các ticket ghi cổ phiếu và tung xuống đường, trông như giấy vụn confetti bay lấp lánh khắp trời, (truyền thống tung giấy confetti được bắt đầu từ đấy!). Pháo bông, súng chào mừng và tiếng hò reo vang khắp trời vào tối ngày 1 tháng 11, 1866.

Đầu tượng trưng bày tại Hội Chợ Thế Giới ở Paris 1878

Cần phải kể thêm câu chuyện về bài thơ ngắn rất hay được khắc vào bệ tượng. Emma Lazarus là nhà thơ nữ trẻ 34 tuổi khi cùng các nhà thơ, nhà văn của New York cùng nhau góp tác phẩm để quyên tiền xây dựng bệ tượng đài Nữ Thần Tự Do. Một bài thơ ngắn sonnet sẽ được bán đấu giá, cùng với các tác phẩm khác của Mark Twain và Walt Whitman. Bà là một nhà thơ nữ trẻ và hiếm hoi trong thời kỳ xã hội còn trọng nam khinh nữ. Bà lại là con cháu của một gia đình di cư gốc Do Thái, nên hình ảnh của tự do luôn đầy ắp trong tâm khảm. Những ký ức của cha mẹ và người Do Thái phải tị nạn do phân biệt chủng tộc và tàn sát ở Nga những năm 1880 chừng như không phai mờ. Và bà viết bài sonnet tựa là Người Khổng Lồ Mới:

Không như tên khổng lồ hống hách tiếng tăm của Hy Lạp,
bước chân chinh phục nối liền hai vùng đất;
Ðứng đây, lúc hoàng hôn, trước những cổng vào tràn sóng biển.
Một phụ nữ oai hùng cầm cây đuốc, mà ngọn lửa giam hãm sấm chớp,
và tên gọi là Mẹ Của Những Kiếp Lưu Vong.
Từ bàn tay hải đăng sáng lên lời đón chào toàn thế giới;
đôi mắt hiền từ bao quát hải cảng với chiếc cầu mây, đóng khung bởi đôi thành phố song sinh.
“Hỡi các miền đất xưa, hãy giữ lại những chuyện cũ phù hoa”,
Bà kêu lên. Bằng đôi môi lặng yên.
“Hãy trao cho ta những đám đông co ro khao khát thở khí trời tự do.
Những kẻ khốn cùng rác rưởi của vùng đất các người chen chúc.
Gởi cho ta những thứ đó, những kẻ không nhà, lao đao trong bão tố,
Có ta nâng ngọn đèn sáng đứng cạnh cánh cửa vàng!”

Bài thơ ngắn được các bạn đồng nghiệp tán thưởng và cho rằng sẽ giúp bức tượng Nữ Thần Tự Do một luồng sinh khí và nâng cao tinh thần tự do sáng ngời như ngọn hải đăng trên đại dương tù ngục mù tối. Thế nhưng bài thơ chừng như bị quên lãng cũng như số phận của bà và các phụ nữ trong thời kỳ bất bình đẳng ấy. Bức tượng được khánh thành trong đại lễ lớn lao nhưng người ta cũng không nhớ đến bài thơ. Ngay cả một năm sau khi bà mất ở tuổi 38 vì ung thư, những dòng phân ưu trên New York Times cũng không hề nhắc đến bài thơ ấy. Cho đến 1903, hai năm sau khi người bạn của bà tìm thấy bài thơ ở trong một tiệm sách và gần 20 năm sau khi bà mất, bài thơ mới được khắc ghi vào bảng đồng đặt dưới chân tượng nữ thần.

Năm 1984, Tượng Nữ thần Tự do được UNESCO công bố là di sản thế giới. Bức tượng như một “kiệt tác tinh thần của nhân loại”, cho những lý tưởng tự do, hòa bình, nhân quyền, bãi nô, dân chủ và cơ hội. Bức tượng là tuyệt phẩm của nhân loại bởi sự hài hòa giữa nghệ thuật và kỹ thuật của thế kỷ 19, của tinh thần hữu nghị giữa nước Pháp và Mỹ, với sự đóng góp của mọi thường dân và các nhân tài, với các giá trị biểu tượng cao quý và vô giá như Tuyên ngôn Ðộc lập của Mỹ cũng như sợi dây xích bị gãy dưới gót chân. Và trên hết là biểu tượng tự do cho người di dân khốn khổ khắp năm châu khi đến xứ sở này. “Những đám đông co ro khao khát thở khí trời tự do. Những kẻ khốn cùng rác rưởi của vùng đất các người chen chúc… những kẻ không nhà, lao đao trong bão tố.”

 

Một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do cao 2.85m được người Pháp đưa sang triển lãm tại Hội chợ Ðấu xảo Hà Nội năm 1887. Người dân gọi là tượng Bà Ðầm Xòe. Lúc đầu tượng được đặt ở vườn hoa trung tâm gần Tòa Công Sứ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Sau đó, vào năm 1891 đến 1896 tượng được đặt trên nóc Tháp Rùa. Cuối cùng “Bà Ðầm xòe” được chuyển đến vườn hoa Neyret phía tây hồ Hoàn Kiếm – tức là Vườn hoa Cửa Nam gần Thư viện Quốc gia. Sau năm 1945 tượng đồng này bị kéo đổ và bán thành đồng vụn. (Duy nhất những kiến trúc của Gustave Eiffel vẫn còn lại ngày nay là Cầu Trường Tiền trên sông Hương ở Huế và Cầu Long Biên ở Hà Nội.)

Ngày nay tượng Nữ Thần Tự Do luôn là biểu tượng của di dân, của khát vọng mưu cầu hạnh phúc trên miền đất hứa. Những biến động an ninh toàn thế giới làm ảnh hưởng đến luật lệ nhập cư khó khăn vào Mỹ. Nhưng nơi cửa biển New York vẫn mãi còn đó hình ảnh vị Nữ Thần Tự Do luôn chào đón các di dân khốn khổ. Những dòng chữ khắc chạm dưới chân bệ tượng vẫn mãi hoài thử thách những giá trị nhân bản và đẹp ngời của tình người, của nước Mỹ tự do.

Sean Bảo

Hoa dại Texas

 
Khi những ngọn gió Đông ​thôi run rẩy cành đời, những cơn mưa tháng Hai tắm mát đất lành, thì Texas vào tháng Ba thật đẹp. Trời trong như mắt ai, nắng vàng như áo lụa. Và hoa muôn nơi. Rực rỡ những ​rừng hoa dại chạy dài đến cuối chân trời​, nơi bạn phải dừng xe lại trong dòng đời hối hả, ngồi xuống bên bờ cỏ ven đường, nằm lẫn trong tấm thảm màu. Có hương, có hoa, cả sắc màu ​mùa ​xuân, đọng lại trong từng tấm ảnh chừng như vĩnh cửu. Bạn sẽ thấy trong tấm hình đó tuổi thơ, tuổi trẻ và thuở yêu nhau nồng nàn như hoa dại. Thuở “gởi bướm đa tình về hoa.”
Đã viết về hoa Bluebonnet, đẹp như cánh Diêu Bông, loài hoa dại ngát xanh tháng ngày xuân nơi cỏ nội mây ngàn, nơi trùng xa đồi núi và mênh mang đường dài Texas. Lẫn trong màu xanh Bluebonnet là hàng trăm loài hoa dại khác. Mỗi loài hoa mang những cái tên đậm màu huyền thoại, đẹp đến nao lòng. Mà mấy ai khi lang bạt kỳ hồ trên dọc đường gió bụi hay một sáng mùa xuân ​đều ​ngây lòng trước sân vườn khi nhìn thấy chúng hé nụ khoe sắc. Cứ ngỡ chúng mọc hoang, cứ ngỡ chúng là kết quả ngẫu nhiên của cơn gió đưa đẩy nhụy phong trần từ các cánh bướm ong đa tình. Đâu hay rằng có bàn tay con người chăm sóc, nghiên cứu, nhân giống, chọn lựa kỷ càng, rải hạt và ngay cả các máy cắt cỏ dọc ngàn dặm đường xa lộ, để làm nên tấm thảm màu muôn sắc nghệ thuật cho miền đất này.
Hãy nhắc lại truyền thuyết loài hoa Bluebonnet. Khi bộ lạc Comanche trải qua một mùa hè hạn hán, mùa đông băng giá, để cầu trời cho xuân đến ấm áp và xanh tươi, già làng cầu xin cúng đất trời phẩm vật quý giá nhất trong bản làng. Nghe được câu chuyện, cô bé nhỏ hiến dâng con búp-bê yêu dấu làm bằng lông con chim blue jay. Khi bản làng ngủ say, cô đốt con búp-bê, tung tro trong gió lộng, sáng hôm sau cả núi đồi tràn ngập một màu xanh Bluebonnet. Cũng có loài hoa Bluebonnet màu hồng hiếm hoi, chúng thường mọc bên các dòng suối ở thành phố san Antonio, dọc thành cổ Alamo. Truyền thuyết lại nói rằng chúng thấm trong lòng đất, máu của những chiến sĩ bảo vệ cổ thành Alamo thời dựng nước​,​ dành độc lập từ Tây Ban Nha, máu của những người Mễ – Mỹ tiên phương.

Bluebonnet TX
Một màu hoa khác nổi bật lên trong tấm thảm màu hoa dại Texas là Indian blanket – Tấm chăn người da đỏ, hoa có cùng họ với Dã quỳ. Hoa có màu đỏ vàng tươi, tương phản nhau mà rực rỡ, chúng nở rộ dọc các miền đất đá vôi bạc màu, càng khô hạn, càng nóng bức thì chúng càng rực rỡ, nổi bật lên trên màu xanh của Bluebonnet. Có đến 3 truyền thuyết về loài hoa này. Truyền thuyết đầu tiên của người Mễ Tây Cơ cho rằng ngày xưa vào thời người cổ Nam Mỹ Aztec thì hoa này có tuyền màu vàng, sau khi nhà thám hiểm Tây Ban Nha Hernán Cortés chinh phạt Mexico vào năm 1519, thì máu người bản xứ đổ tuôn và nhuộm màu đất, màu hoa dại này có thêm màu đỏ nhụy. Truyền thuyết thứ nhì được ghi lại năm 1928, kể một cô bé da đỏ lạc trong rừng, đêm xuống lạnh, cô khấn trời xin cho cô có tấm chăn đắp, giống như tấm chăn mà mẹ cô đã thêu móc cho cha trong ngày xưa ra trận, sáng hôm sau thức giấc, quanh cô tràn ngập loài hoa vàng đỏ, như tấm chăn cô hằng mơ ước trong mơ. Truyền thuyết thứ 3 kể về một người thổ dân thêu dệt tấm chăn thật đẹp, gần đến cuối đời mới xong, chàng quyết định dùng tấm chăn này để quấn quanh mình khi chôn cất. Thần linh quá yêu thích màu sắc của tấm chăn thêu này và hóa phép làm cho ngôi mộ và miền đất bao quanh một rừng hoa này khi xuân về.

Indian paintbrush
Một loài hoa dại đẹp khác là Indian paintbrush – Cọ vẽ của người da đỏ, có màu hồng tím thắm, hoa mọc thành chùm như cành cọ nhúng màu chưa kịp tô lên màn vải bố của đất trời. Chúng có nhiều tên gọi đáng yêu khác như: Cỏ bướm dại, Lửa đồng bằng, Cô gái diêm dúa. Người da đỏ Chippewa gọi là hoa Mái tóc của Bà, vì họ dùng hoa gội đầu và chửa bệnh thấp khớp cho người già. Truyền thuyết dân gian thổ dân kể rằng một họa sĩ trẻ với khát vọng vẽ được màu sắc của hoàng hôn, một bản dạ khúc trên tranh vải. Chàng nghiền màu bằng đá thô và dùng cọ cứng để mong vẽ được sắc màu ngan ngát buổi chiều tà. Nhưng miệt mài mà không vẽ được sắc màu huyền hoặc ấy. Chàng cầu xin thần linh ứng nguyện. Một đêm chàng mơ thấy một lão già và cô gái trẻ mang một tấm da nai trắng, họ thì thầm vào tai chàng và bảo dùng nó làm vải bố để vẽ. Chiều hôm sau tất cả cọ vẽ chàng bỗng thắm màu đỏ, vàng, cam rực rỡ. Chàng mang đến chân đồi và hân hoan những nét cọ dọc ngang trên tấm da nai trắng, vẽ đến đâu chàng vất cọ đến đấy quanh đồng cỏ. Bức tranh tuyệt trần, đẹp như chưa bao giờ thấy. Sáng hôm sau toàn đồng cỏ đồi núi, nơi chàng vất những cây cọ, một tấm thảm màu hoa Indian paintbrush mang sắc màu hoàng hôn trải dài.

Indian blanket
Một trong các loài hoa dại đẹp này hẳn phải nói đến Dandelion – Bồ Công Anh. Người Việt mình không còn xa lạ gì với các dĩa xà lách trộn “gỏi răng sư tử”, có lá non cây hoa này. Những cánh hoa vàng tươi, kết hạt là những quả cầu bông trắng, gió đưa lay bay khắp trời. Truyền thuyết người da đỏ kể rằng: có người con gái của tù trưởng đem lòng yêu mặt trời, mỗi ngày nàng thức dậy leo lên đỉnh đồi và nhìn dõi theo mặt trời từ đông sang tây. Mặt trời không hay biết, năm cùng tháng qua đi, mối tình riêng tàn nét xuân thì, tóc nàng bạc mối tình tuyệt vọng, nàng gục chết trên đỉnh đồi ngập nắng, tóc trắng bay đến tận cuối chân trời. Khi hiểu được Mặt trời cho phủ ngọn đồi bằng những cánh hoa vàng, cứ mỗi năm hoa lại nở vàng, cho đến khi hạt bông trắng tung bay theo gió hạ.

Bồ Công Anh
Sẽ thật dài nếu kể hết bạn nghe về các loài hoa dại này. Mỗi loài hoa dại với từng sắc màu và hương nhụy đều có “mời đón” riêng cho từng loài bướm​ ​​ong​, côn trùng và chim muôn. Màu sắc rực rỡ mà ít hương cho các loài hoa nở ban ngày và loài hoa trắng nhạt mà nồng hương cho các loài hoa nở về đêm hay mờ sáng cho các côn trùng…Chúng như có sự dàn xếp và phân công, thay phiên nhau để kéo dài đời sống từ tháng này qua năm nọ, từ xuân đến hè và ngay cả sang thu. Người thổ dân và di dân tiên phương tìm thấy trong tấm thảm màu diệu kỳ của mảnh đất này khi xuân về là những rừng hoa dại. Hoa dại vào thời ấy không chỉ làm trang sức tô điểm cho đất trời, mà hoa dại là thức ăn, thuốc uống, sợi dệt, phẩm màu cho nhuộm vải, xăm mình và trăm ngàn công dụng khác.
Texas có được những nét đẹp thiên nhiên hôm nay phải nhờ đến ​công lao của ​Bà Lady Bird Johnson, cựu đệ nhất phu nhân. Năm 1982 Bà cùng nữ diễn viên Helen Hayes thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hoa dại Quốc gia ở Đông Austin. Từ đó trung tâm phối hợp với trường Đại học Texas cùng Bộ Nông Nghiệp và Cục Công viên Quốc gia để nghiên cứu, nhân giống, gieo giống và trải các tấm thảm hoa dại lên miền đất rộng Texas. Trước đó vào năm 1917, Bộ giao thông Texas khi thành lập đã nhìn thấy lợi thế của thiên nhiên ​với​ các con đường chạy xuyên qua tiểu bang rộng lớn này. Năm 1932 Jac Gubbels, một kiến trúc sư về quang cảnh được mướn để thiết kế, duy trì toàn bộ các miền đất dọc xa lộ với hoa dại và cây xanh. Đến năm 1934 thì quy định dời việc cắt cỏ cho đến khi mùa hoa dại tàn vào hạ. Hàng năm ​B​ộ đã chi khoảng 23 triệu đô để cắt cỏ dọc xa lộ​, mua và gieo khoảng 15 tấn hạt giống hoa dại, mỗi vùng đất được gieo rải từng loại hay pha trộn có chủ đích. Cuối xuân các đoàn xe cắt cỏ chạy dài theo các xa lộ, ​cắt gọn gàng để mùa sau các giống hoa dại sẽ mọc trở lại, để mùa hè khô đến không gây ra hỏa hoạn, những tấm thảm hoa dại màu sắc sẽ phủ lên đám cỏ hoang xấu xí. ​H​oa dại giúp đồi không hoang vu, giúp đất ven xa lộ không sạt lở, xói mòn, gây lụt lội và bụi bặm. Hoa dại đã mang lại nhiều lợi nhuận vô giá, ngoài các nghiên cứu cho sinh hóa công nghiệp, các lễ hội hoa dại như Bluebonnet hàng năm ở các vùng quê, thành phố có nhiều cánh đồng hoa dại đẹp đã làm nên những chuyến lữ hành rộn ràng, gia đình đi picnic chụp hình, các cặp tình nhân trong ngày xuân hối hả tìm về đồng xanh. Texas có sẳn một đường dây điện thoại Wild flowers hotline, websites cho du khách hỏi thăm mùa này nơi nào hoa rộ nở, chỗ nào có hội hè…

Hoa dại Texas nay không còn là hoa dại, chúng đi vào từng khoảng sân vườn, từng chậu hoa bên khung cửa mùa xuân. Khi bạn lăn bánh xe vào dòng đời cơm áo mỗi ngày bên xa lộ, mùa xuân mở ra ở hai bên đường những sắc màu tươi. Kẹt xe ư! đừng ngại. Muộn phiền ư! để lại. Lòng chừng như thư thái. Trời cao, nắng ấm và gió lộng. Hãy mở lòng ra và gởi gió cho mây ngàn bay, gởi bướm đa tình về hoa, những cánh hoa dại thật đẹp, khi mùa xuân thật ngắn, mà tình thì còn dài.

SEAN BẢO

Viva Las Vegas

 

Quán rượu Arizona Club tại Las Vegas (1904). (ảnh tài liệu)
Quán rượu Arizona Club tại Las Vegas (1904). (ảnh tài liệu)

Những tài liệu khảo cổ cho thấy bộ tộc da đỏ Paiute đã sống ở Las Vegas từ 700 năm sau Công Nguyên. Người Châu Âu đầu tiên khám phá ra Las Vegas là Rafael Rivera vào năm 1821, khi theo đoàn thương buôn của Antonio Armijo gồm 60 người Mễ Tây Cơ tìm cách mở một con đường giao thương trao đổi hàng hóa kéo dài từ New Mexico đến California gọi là Old Spanish Trail. Trong khi đoàn chính dừng lại cắm trại ăn mừng ngày Giáng Sinh, thì Rafael chệch hướng con đường mòn về phía Tây để tìm nguồn nước uống trong hoang mạc Mojave, 2 tuần sau Rafael đã tình cờ tìm ra dòng suối chảy giữa một thảm cỏ xanh, như một oasis nổi bật lên giữa hoang mạc khô cằn. Nhờ phát hiện ấy mà các giếng đào ngọt mát sau đó đã làm con đường buôn bán đi lại rộn ràng đến Los Angeles, nhất là trong thời gian đổ xô đi tìm vàng ở California đầu thế kỷ 18. Giữa năm 1830 và 1848 thì tên gọi Vegas đã có trên bản đồ nước Mỹ. Sau đó được gọi là Las Vegas, dựa theo tiếng Tây Ban Nha “Vegas” nghĩa là “The Meadows” (Cánh đồng cỏ). Tuy vậy phải đến 14 năm sau, nhờ công lao của một chính khách, sĩ quan, nhà thám hiểm tên là John C. Fremont (ông là người góp công lớn cho việc mở rộng lãnh thổ của nước Mỹ về phía Tây) đã mạo hiểm để vẽ bản đồ cho các hành trình khảo sát miền đất hoang dã. Ngày 3 tháng 5, 1844 Fremont đã tả lại trong nhật ký hành trình: “Sau một ngày trời rong ruổi 18 dặm, ở hướng Tây Bắc, chúng tôi cắm trại trong sương mù của một vùng lòng chảo lớn gọi là Las Vegas. Tên gọi người Tây Ban Nha mô tả cánh đồng cỏ đẫm nước xanh tươi. Trái ngược với cái khô khan của thảo nguyên, 2 dòng nước trong veo sâu chừng 4 hay 5 feet, nước suối chảy mạnh từ 2 nguồn suối lớn, vị thật sạch nhưng khá ấm, nhiệt độ chừng 71 – 73 độ F. Thật là nơi tắm rửa tiện lợi.” Đó chính là vị trí của thành phố Las Vegas hiện nay. Dựa theo báo cáo của Fremont, quốc hội đã cho in ra 20 ngàn bản đồ và phân phát đến mọi người từ miền Đông muốn di cư về miền Tây.

Rafael Rivera, người khám phá Las Vegas (1821)
Rafael Rivera, người khám phá Las Vegas (1821)

Đến năm 1855 thì vùng đất thuộc Mễ Tây Cơ này được sát nhập vào Mỹ. Người Mormon từ Utah đã đến định cư xây một thành trì bằng đất nung trộn cỏ gọi là Adobe, họ trồng trọt và đào mỏ chì ở chân núi Potosi, sau nhiều đợt tấn công của người thổ dân da đỏ, người Mormon phải bỏ đi. Đến năm 1890 khi con đường sắt Đông – Tây bắt đầu phát triển thì Las Vegas nơi có nguồn nước dồi dào được chọn làm phố xá trung chuyển cho các đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước. Tiểu bang Navada gia nhập liên quân Union vào năm 1864 trong cuộc nội chiến. Bắt đầu từ 1904, các đường hỏa xa The San Pedro, Los Angeles và Salt Lake thuộc công ty mẹ là Union Pacific hoàn thành xuyên qua phố, các cửa hàng quán xá, saloon và nhà cửa mọc lên nhanh chóng. (Nơi trạm xe lửa ngày nay là nơi duy nhất trên thế giới nằm trong sòng bài thuộc Plaza Hotel, ở góc đường Fremont và Downtown Las Vegas.)

Ngày 15 tháng 5, 1905 Thượng nghị sĩ Montana William Andrews Clark, người chủ của 3 công ty đường sắt San Pedro, Los Angeles và Salt Lake railroad đã bán đấu giá 1,200 lô đất trong một ngày. Những lô đất đó làm nên Las Vegas Strip lộng lẫy ngày nay. Và thế là thành phố Las Vegas ra đời năm 1909, từ một thành phố nhỏ heo hút, ngái ngủ giữa hoang mạc khô cằn không một bóng cây. Nhờ các dòng suối ngầm mà trạm dừng xe lửa đã thành nơi trú chân cho những người tiên phong về miền Viễn Tây. Uống một ly rượu, thả một con súc sắc cá độ, xòe một lá bài đen đỏ… trở thành niềm vui sau một chuyến đi dài bụi bặm vất vả. Những saloon mọc lên quanh phố cùng các con bạc hơn thua. Thế rồi bài bạc bị cấm trên toàn nước Mỹ. Tiểu bang Nevada trở thành nơi cuối cùng đóng cửa các sòng bài từ ngày 1 tháng 10, 1910. Một luật lệ nghiêm khắc, cấm ngay cả truyền thống cao-bồi tung một đồng xu sấp ngửa để thắng một ly rượu. Một phóng viên nhật báo ở Reno kể lại: “Cả quán xá yên tĩnh mãi mãi khi không có tiếng vòng ru-lết (roulette), không có tiếng con súc sắc (dice) và tiếng xóc bài.” Luật cấm “mãi mãi” đó chỉ được trong vòng 3 tuần. Chủ nhân và con độ cùng người chơi ham máu đen đỏ tìm cách chơi lén lút trong các phòng kín, với các ký hiệu mật mã, các quy ước ngầm… Lén lút bất hợp lệ như vậy cho đến 1931, cơ quan lập pháp Nevada đành phải chấp thuận một đạo luật được kiến nghị bởi Phil Tobin, một chủ trang trại. Ông ta nghĩ rằng đánh bài hợp pháp sẽ thu lại thuế cần thiết cho trường học. Lợi nhuận khổng lồ và các nhóm tội phạm có tổ chức đã manh mún mọc rễ lúc ấy trong hệ thống casino. Cũng thời gian ấy vào năm cuối của cuộc Đại khủng hoảng, đập Hoover Dam được xây dựng, công trình khổng lồ này đã cuốn hút hơn 5 ngàn công nhân đến vực Canyon chỉ cách thành phố hơn 30 dặm. Thành phố non trẻ này dường như không bị ảnh hưởng suy thoái trầm trọng như các nơi khác trong cuộc Đại khủng hoảng do có việc làm từ việc xây đập và ngành đường sắt. Trong số 5 ngàn công nhân đến xây đập toàn là nam giới, xa nhà từ khắp bốn phương. Và thế là bên cạnh những sòng bài có sự hiện diện hấp dẫn của các cô gái showgirl quyến rũ, các vui chơi giải trí hội hè… Dân số thành phố lúc ấy tăng lên 25 ngàn người. Đến năm 1936 khi Hoover Dam hoàn tất, nguồn thủy điện giá rẻ đã thắp sáng Las Vegas, nhất là Vegas Strip được xem như là con suối tráng lệ lấp lánh ánh đèn màu, tràn đầy hấp dẫn bởi các vận may và các vũ nữ mát rượi thịt da…

John C. Fremont
John C. Fremont

Thế chiến thứ 2 bùng nổ đã làm đình trệ nhiều dự án lớn ở Las Vegas, tuy vậy căn cứ không quân Nellis đã đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh, là nơi huấn luyện các tay súng của chiến đấu cơ B-29. Trong khi ấy Tommy Hull một thương gia kinh nghiệm về khách sạn đã xây dựng một khách sạn có sòng bài đầu tiên El Rancho và thành công, ngày đêm nườm nượp khách. Kéo theo đó là hàng chục các khách sạn – sòng bài khác dọc theo quanh dải Las Vegas. Năm 1946 ông trùm Bugsy Siegel (được bảo bọc bởi các băng đảng miền Đông và trùm thuốc phiện từ Mexico) mở sòng bài Flamingo. Hàng chục siêu sao Hollywood đã đến dự lễ khai trương vào ngày Giáng Sinh. Siegel bị hạ sát vào năm 1947 nhưng ảnh hưởng và cái nhìn sâu xa của một tay trùm mafia đã nhen nhúm và hình thành nên một nền kỹ nghệ kinh doanh cờ bạc và giải trí mới. Sahara, The Sand, The New Frontier và The Riviera ra đời trong những năm 1950-1960. Tiền bạc chảy như nước vào Las Vegas từ các nguồn rửa tiền bất chánh, từ các nhà đầu tư hợp pháp, từ các nhà băng Wall Street, ngay cả nhà thờ đạo Mormon và cả các trường đại học danh tiếng…Năm 1954, 8 triệu du khách đổ xô vào Las Vegas. Nhất là từ khi các siêu sao ca nhạc như  Frank Sinatra, Dean Martin và Elvis Presley đến trình diễn. Các sòng bài và phố xá ngày nào cũng vui như Tết. Quanh năm hội hè, không màng cái nóng khô mùa hè, không màng cái rét run mùa đông.

Bugsy Siegel, sinh 28-2-1906, gốc Do Thái, sống tại Williamsburg, Brooklyn (New York). Làm giàu nhờ luật cấm rượu, trở thành trùm gangster khét tiếng. Bị hạ thủ ngày 20 tháng 6 năm 1947 tại nhà riêng.
Bugsy Siegel, sinh 28-2-1906, gốc Do Thái, sống tại Williamsburg, Brooklyn (New York). Làm giàu nhờ luật cấm rượu, trở thành trùm gangster khét tiếng. Bị hạ thủ ngày 20 tháng 6 năm 1947 tại nhà riêng.

Và kể từ đó các megaresort lần lượt mọc lên dọc theo dải Vegas với muôn hình vạn trạng, đủ mọi cấu trúc tân kỳ lẫn cổ điển, cả Á lẫn Âu, các khu giải trí khổng lồ với các show hoành tráng tuyệt hảo mà không nơi nào trên thế giới sánh bằng. Ở Las Vegas bạn có thể tìm thấy mọi thứ từ A đến Z, mọi niềm vui sẽ được phục vụ tận tình nếu bạn sẵn sàng chi. Câu slogan cửa miệng ở “thành phố tội lỗi” này là “Mọi chuyện xảy ra ở Vegas thì ở lại Vegas”. Như để khuyến khích bạn vui chơi mà không lo âu. Bạn có thể đến đây hưởng thụ như một siêu sao hay đến đây để chỉ thong thả dạo bước ngắm xem những công trình tráng lệ với một ngân sách khiêm tốn.

Có nhiều điều thú vị mà bạn không hề biết. Hầu hết các sòng bài casino đều không có treo đồng hồ và hiếm có cửa sổ, bạn không biết ngày hay là đêm, rằng sớm hay muộn ở casino. Thời gian sẽ là điều không cần biết khi bạn bước vào casino, bạn cứ an vui mà chơi không lo âu đến giờ giấc. Chơi cho đến khi cạn túi… Bạn không hề biết rằng các đường dẫn vào casino và khách sạn được sắp xếp cho du khách đến sàn bài thật nhanh, nơi mà đâu đâu cũng có các máy slot bỏ tiền trúng thưởng, rồi các âm thanh và ánh sáng nhấp nháy háo hức gọi mời. Nhưng đến khi bạn đi ra khỏi casino thì các lối đi vòng vèo và quanh co làm du khách chậm lại, ở các lối exit nọ người ta cũng để các máy chơi tiền xu, móc hầu bao của bạn đến cùng. Ngay cả khi bạn rời Las Vegas, phòng đợi ở phi trường hay trạm xe bus cũng có máy kéo. Bạn còn nghe đồn rằng các casino đã thôi miên hớp hồn và “thuốc” khách chơi bằng các hơi gas, các camera ngầm tỏa ra các phòng. Nhưng điều đó không có thật, dù bạn có thể bị hớp hồn bằng mấy cô chạy bàn phục vụ khêu gợi đến từng centimét.

Las Vegas (1978)
Las Vegas (1978)

Bạn cứ ngỡ rằng mọi du khách đến đây để đánh bài, nhưng thật ra trong con số 41 triệu du khách năm ngoái đến đây, có hơn 5 triệu người đến để tham dự các cuộc triển lãm hội chợ. Bạn cứ ngỡ rằng mọi cư dân ở Las Vegas hẳn ở trong thành phố và đánh bài nhiều lắm, trong khi thật sự con số hơn 2 triệu dân sống ngoài thành phố và ít khi ghé casino, họ chỉ làm việc ở đó. Bạn cứ nghĩ rằng không bao giờ thắng chủ sòng, nhưng thật sự thì đã có rất nhiều người trúng độc đắc như cô chạy bàn Cynthia Jay-Brennan trúng $34.9 triệu ở Desert Inn tháng 3, 2000; một người ẩn danh 25 tuổi kéo máy Megabucks trúng $39.7 triệu ở Excalibur, hay một người nữa bỏ 6 đô và trúng $2.7 triệu ở máy Megabucks tại Aria năm 2011… Những ai mê ăn uống thì các buffet ở nơi này thật là lý tưởng. Có đủ các món ăn đặc sản từ khắp nơi trên thế giới và giá cả thì thật là tuyệt rẻ. Thông thường sẽ có 2 bữa buffet miễn phí khi đặt phòng khách sạn. Một nét hấp dẫn của Las Vegas là bạn có thể uống bia rượu thoải mái ở casino, gọi một chai beer mát lạnh miễn phí và chỉ cần tip cô phục vụ mang váy ngắn đến ngon mắt. Dù thật ra cũng tùy vào nơi nào và thức uống gì. Nổi bật nhất của Las Vegas là bạn có thể đến đây làm đám cưới và được cấp giấy hôn thú với kiểu cách của Elvis Presley hào nhoáng trong các chapel nhỏ xinh hay trong các drive-in chớp nhoáng của tình yêu thời đại kỹ thuật số. Bạn cứ ngỡ Las Vegas là “thành phố tội lỗi” vì “mua hương bán phấn” là hợp pháp, trong khi thật ra chỉ có hợp lệ ở các ranch nằm khoảng 60 dặm ngoài thành phố.

Từ một hoang mạc Mojave có dân cư thưa thớt, Las Vegas trở thành thành phố lớn với dân số khoảng 2 triệu vào năm 2010. Cứ vài năm ghé chơi Vegas bạn sẽ thấy thành phố khác hẳn, nhiều megaresort, nhiều siêu khách sạn lộng lẫy với các kiến trúc, các khu giải trí tuyệt vời, các khu shopping mall sang trọng quý phái. Các hệ thống hạ tầng cơ sở, lối đi bộ, cầu vượt, xe điện, metro… Tất cả được xây dựng tinh xảo và tiện lợi, nối các hệ thống khách sạn với nhau như những lâu đài thần tiên. Las Vegas là thiên đường mua sắm, mọi cái luôn luôn làm đẹp và gọi mời đến mức hoàn hảo. Du khách sẵn sàng bỏ tiền ra mà không hề tiếc nuối. Bởi sự đầu tư hàng tỷ đô la và mọi thiết kế đều làm hài lòng những du khách khó tính. Và những kỷ niệm đẹp thì luôn vô giá.

Ngày xuân, kể lại chuyện cũ về một thành phố lộng lẫy ánh sáng hội hè và tràn ngập niềm vui, có thể gọi là nơi vui nhất thế giới. “From the ashes of his campfire have sprung cities.” (Từ tro tàn trong đám lửa trại của ông đã sáng bùng lên thành phố.) Đó là dòng chữ khắc trên mộ bia của Fremont đã nói lên lịch sử vinh quang ấy. Nơi Downtown của Las Vegas bạn sẽ đắm mình dưới muôn triệu ánh sáng laser và lightshow sáng hàng giờ trên vòm trời cùng muôn vàn âm thanh ảo diệu mê hồn. Con đường Fremont mang tên người đã đưa Las Vegas lên bản đồ nước Mỹ, thành phố sáng nhất về đêm trên thế giới mà bạn có thể thấy từ không gian.

Ngày xuân, bao giờ cũng mong điều tốt đẹp và may mắn đến trong năm. Hãy đến Las Vegas đón xuân và thử vận may. Hãy cứ vui chơi vì “Cái gì xảy ra ở Vegas, ở lại với Vegas.” Nếu thắng, bạn sẽ mang về tài lộc hân hoan. Và nếu bạn thua, sẽ không ai biết hết. Mà chắc chắn bạn không thua. Vì bạn sẽ mang về những hình ảnh kỷ niệm, những âm thanh rộn rã của casino và các show trình diễn khó quên trong đời.

SEAN BẢO

*Viva Las Vegas” Dựa theo tên bài hát do Elvis Presley trình bày trong phim cùng tên năm 1963.

——————-

THÔI HÃY VỀ ĐI

Ngày hôm qua July 10,2015 Omar Sharif ra đi vào cõi thiên thu. Có lẽ người đời nhớ đến diễn viên gốc Ai Cập bằng những giải thưởng Golden Blobe cao quý. Nhất là qua hình ảnh của Bác sỹ Zhivago trong cuốn phim kinh điển cùng tên. Nhạc phim mang tên Somewhere My Love, Hỡi Người Tình Lara đã dìu dắt chúng ta đi vào một chuyện tình tay ba đẹp ngời trong tan tác đau thương của một thời loạn lạc khủng khiếp…Cuốn phim đi vào lòng người sâu lắng đến nghẹn ngào bởi Omar Sharif đã nhập vai và lột tả được chân dung và nội tâm của một bác sỹ đẹp trai, tràn đầy hồn thơ. Yêu hết mình, yêu cả vợ và người tình. Như yêu hết cả cuộc đời đầy tàn khốc mà đẹp thiết tha nọ. Yêu run rẫy như ngọn nến và những cơn giá băng trắng xóa một màu tuyết lạnh, buồn bã đi qua đời người.

Omar Sharif, as Yuri, and Julie Christie as Lara, in a publicity still for ‘Doctor Zhivago’, directed by David Lean, 1965. (Photo by Silver Screen Collection/Getty Images)

Riêng tôi nhớ hoài bộ râu của chàng. Bộ râu đen thẳm mà đẹp như một nét nhấn đậm đà trên khuôn mặt khắc khổ mà phúc hậu của một vị lương y. Ánh mắt thì yếu đuối và long lanh như chừng bất lực trước sự bất công, như thụ động chấp nhận hơn là phản kháng. Bộ râu sậm và đầy đó che phủ một bờ môi luôn khát khao tình ái. Tuyết rơi, rơi mãi, những bông tuyết trắng xóa hay hơi thở chưa kịp lên trời thì đóng băng ngay trên bộ râu. Những vệt trắng nặng trĩu. Bộ râu này làm tôi nhớ Clark Gable. Cũng bộ râu tương tự trong nụ hôn bão tố với nàng Scarlett O’hara. Ôi! khuôn mặt và nụ hôn ấy, làm mọi thứ thiết tha, cần thiết trên cõi đời này bỗng “cuốn theo chiều gió”. Trong đó gồm cả tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, tài sản và ước mơ! Tấc cả cuốn theo chiều gió, một ngọn gió đời, ngàn năm thổi mãi, một thời mê hoan.

Ngày ấy có người con gái đi nhẹ qua đời tôi, nàng nói khi hôn tôi: hôn một người đàn ông không có râu, như ăn cháo không có muối. Những năm tháng ấy tôi để râu và bên mình luôn có bộ dao cạo Gillette. (Gillette, the best the men can be! Đó là quảng cáo của Gillette) Thực ra người Tây thì nói” Hôn một người đàn ông không có râu, như ăn trứng không có muối. Rồi ngay cả Jean-Paul Sartre cũng dí dỏm:  “A kiss without a moustache, they said then, is like an egg without salt; I will add to it: and it is like Good without Evil.” (Người ta nói một nụ hôn thiếu bộ râu, như ăn trứng thiếu muối; tôi sẽ thêm là: giống như cái thiện thiếu vắng cái ác). Chàng triết gia này cũng vòng vo với nhị nguyên, không có ác làm gì có thiện. Nhưng thật sự thì ăn trứng không có muối thì thật là “vô vị”. Nhạt lắm. Bạn có đồng ý rằng ăn trứng với muối thật là ngon, nhất là với trứng muối. Đậm đà và mềm trên môi, tan vào lưỡi…như một nụ hôn.

Trở lại cái chết của Omar Sharif, ra đi ở tuổi 83 thì chẳng có gì nuối tiếc. Vào tháng năm vừa rồi ông đã bị Alzheimer, suy giảm trí nhớ. Ông không còn nhớ cuốn phim nào đã làm nên tên tuổi lẫy lừng, Doctor Zhivago hay Lawrence of Arabia. Ông quên hẳn chúng đóng ở đâu và mình là ai! Và ngày hôm qua, ông ra đi sau cơn trụy tim trong bệnh viện ở Cairo, Ai ​C​ập.

Trong cuốn phim Doctor Zhivago, bác sỹ Zhivago cũng bị trụy tim đột ngột và chết trên đường phố, khi chàng ngỡ mình trông thấy Lara bước đi bên kia v​ỉ​a hè, mái tóc buộc gọn trong khăn quàng, chàng rời xe điện, hối h​ả​ chạy theo nàng, dáng nàng đáng yêu thon mảnh như ngày nào đang vô tình bước nhanh bên kia xa. Chỉ cần một vài bước vội, chỉ cần một vài cánh tay với, chàng sẽ níu được nàng quay lại để tương phùng trăm năm, chàng thốt lên Lara, qua bờ môi rung cảm ấy, qua bộ râu mặn mà sầu khổ ấy. Trái tim nhói đau và buông xuôi tiếng đập. Trái tim mệt m​ỏ​i thôi còn thao thức. Chàng ngã qụy trên đường và bóng nàng không hay biết xa xăm.

Căn bệnh Alzheimer đến vào cuối đời Omar Sharif là niềm vui hơn là tai họa. Tám mươi ba mùa tuyết trắng cũng đủ làm đầy cuộc đời này. lãng quên đôi khi là điều hạnh phúc. Bởi trí nhớ nhỏ nhoi mà sợi tóc nàng ​Lara bị cuốn trọn​ trong khăn quàng che ấm những mùa băng tuyết tàn khốc trong trại tập trung, sợi tóc nàng thôi lay bay bên kia ​vỉa hè mà ​đường​ về​ thì dài.

Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ nhoi (TCS)

 

Xin khép lại những dòng này đ​ể​ nhớ về một giai điệu đẹp Hỡi ​N​gười ​T​ình Lara, một diễn viên đẹp Omar Sharif, một nhân vật đẹp bác sỹ Zhivago. Thôi về hãy về đi. Hương trầm có còn bay. nén nhang lòng cho ai.

 

Sean Bảo

Saloon Cao Bồi

“Sometimes too much drink is barely enough – Đôi khi uống mãi mà không say.” Xin lược dịch như thế cho câu nói của Mark Twain về những câu chuyện say như men rượu ở các Saloon miền Viễn Tây nước Mỹ, nơi chuyện cũ không bao giờ cạn, nghe hoài không chán. Bởi lẽ hình ảnh một miền Tây Cao-bồi hoang dã luôn gắn liền với các Saloon này.
Hãy bắt đầu từ con đường đất đầy bụi, gió khô khốc, cái nóng khát họng, khách dừng ngựa trước quán, buộc cương trước hiên, qua bậc thang bằng gỗ là đến cánh cửa trước mở khép cả 2 chiều gọi là swing doors. Chúng có hình cánh dơi, lưng lửng ngang vai. Cánh cửa đó gọi mời những kẻ lang bạt, không cần gõ cửa, đi thẳng vào quán. Tấm cửa không cài, quét bụi đường lấm áo và cũng dễ dàng tống tháo một kẻ xấu say sưa ra ngoài lề đường. Hai cánh cửa dưới tầm nhìn để chủ quán có thể thấy khách bước vào, cũng như khách có thể nghe thấy tiếng lao xao gọi mời từ bên trong, cánh cửa thấp cũng để thoáng mát trong miền Tây nóng nực vào thuở chưa có máy lạnh. Từ cửa đi thẳng vào quầy làm bằng gỗ mahogany bóng láng. Sát quầy có thanh đồng cũng bóng láng do khách hàng tì tay. Nhìn vào khuỷu tay chai sần của khách sẽ biết anh ta là khách thường xuyên, dựa tay vào đấy bao năm rồi! Dưới chân dọc theo quầy là một thanh dắt chạy song song cho khách gác chân, nghỉ tựa những đôi giày ủng da có ngôi sao thúc ngựa lấp lánh. Cạnh dưới là ống nhổ thuốc lá ngậm. Dọc quầy treo những chiếc khăn tay để khách lau ngụm bọt beer còn dính vào hàm râu rậm. Những chiếc ghế cao dọc theo quầy, nơi khách uống có thể quay lưng lại cả quán và cũng thấy tất cả ở trong tấm gương lớn phía sau quầy rượu chứa đầy các chai rượu bắt mắt. Trên tường thường trang trí bằng các sừng nai, đầu gấu, bò rừng, nhiều bức tranh vẽ phụ nữ khỏa thân, poster quảng cáo các sản phẩm thời ấy như beer, thuốc lá, rượu, các tay thợ săn và vũ nữ nổi tiếng…Vài bộ bàn ghế cho khách tựa lưng, gác chân trò chuyện hay đen đỏ, hoặc bàn chuyện mua bán…
Ngày đó những ly rượu mang đầy lợi nhuận nên pha tạp. Cồn cao độ trộn với nước đường nấu vàng cháy và thuốc lá nhai nghiền. Bởi vậy chúng được đặt những tên trứ danh như Dynamite (Thuốc nổ), Red Eye (Mắt đỏ), Coffin Varnish (Nước bóng quan tài)…Nhưng từ phổ thông nhất được gọi là Fire Water. Từ được dùng khi các thổ dân da đỏ được các tay buôn da thú trao đổi và uống thử. Uống vào nóng như lửa, đổ vào củi làm bùng lên ngọn lửa. Khách hàng thường kêu rượu uống không pha (straight). Uống một hơi cạn ly. Sẽ là trò cười cho cả quán nếu gọi ly cocktail hay uống nhâm nhi. Bởi đó không phải là kiểu cách của dân Miền Tây. Một thức uống phổ biến khác là Tequila làm từ cây xương rồng, whiskey và rượu lên men từ dâu đen. Các loại rượu này thật nặng, độ cồn đến 50% (100 proof). Các chủ quán đôi khi pha thêm nhựa thông, thuốc súng, ớt cay và a-mô-nhắc. Thời đó cũng đã có bán beer. Những ly beer ấm bởi chưa có nước đá. Mãi đến những năm 1880 thì Adolphus Busch mới có loại beer ướp lạnh và Budweiser trở thành thương hiệu nổi tiếng đến ngày nay.
Các Saloon thường xuyên mở cửa 24 giờ, suốt 7 ngày, đáp ứng cho khách hàng thuộc nhiều tầng lớp, nhân viên địa phương, cảnh sát cũng như tội phạm và dĩ nhiên khách vãng lai. Khách hoàn toàn là người da trắng và quen thuộc. Hiếm khi có khách da đen, ngoại trừ đi cùng bạn da trắng hay chủ nhân. Những người da đỏ không bao giờ dám bén mảng, bởi đó là “luật bất thành văn”. Ngay cả người Hoa kiều, bước vào đó xem như chấp nhận rủi ro mất mạng. Tuy vậy có một loại khách da trắng không được chào đón nơi này, đó là binh lính. Lý do là phần đông những người di dân và về miền Tây đều là dân giang hồ tứ xứ, kẻ buôn lậu, người đào ngũ trong cuộc nội chiến…sự hiện diện của người lính là cái gai trong mắt họ. Và ngay cả phụ nữ. Ngoại trừ họ là gái làm trong Saloon hay là một mệnh phụ phu nhân.
Do đa phần di dân đến đây đều có quá khứ phức tạp, nên mọi người chỉ biết nhau qua tên mà không cần biết họ. Cái tên thường đi kèm một tên lóng đặc trưng…Nhiều vụ tò mò hay tìm hiểu về lai lịch của cư dân thường kết thúc bằng khói súng và xác chết nằm trước Saloon. Người ta cũng không bao giờ hỏi một chủ trang trại có bao nhiêu con bò (cũng như ngày nay không ai dám hỏi bạn khai thuế bao nhiêu.) Một lệ xã giao là luôn mời rượu khách kế bên, dù bạn là kẻ từ nơi xa đến. Cũng như đã vào Saloon mà từ chối lời mời một ly rượu ắt làm lắm kẻ rút súng. Tuy vậy nếu khách vào quán và thú thật rằng mình cháy túi và cần tí men, ít ai có thể chối từ. Nếu không nói ra, uống quịt, thì anh ta sẽ sưng mắt hay tệ hơn bị quăng ra vỉa hè. Địa điểm mở một Saloon bao giờ cũng thuận tiện giữa phố. Lắm khi lại là nơi làm việc chung của thành phố, sở cảnh sát và ngay cả nhà thờ như ở Hays City, Kansas. Một vài tay cảnh sát cũng mở Saloon và chia bài như Wyatt Earp, Doc Holliday…Chính vì sự chông chênh luật pháp và tư thù, quyền lực và công lý bấy giờ mà bao vụ nổ súng chết người xãy ra. Mọi câu chuyện gây gỗ thường bắt đầu ở trong Saloon và kết thúc tại đường phố.
Nói đến Saloon hẳn phải nhắc đến các cô kỹ nữ. Họ là những gái quê theo lời các quảng cáo tìm đến làm với đồng lương cao 10 đô một tuần, cộng thêm hoa hồng từ việc mời khách mua whiskey. Các cô thường uống trà đá hay nước đường nâu trong ly thấp, khách hàng phải trả cho các ly đó với giá của ly whiskey chừng 10 đến 25 xu một ly. Khác với phim ảnh, các cô không làm điếm, thường chỉ nhảy múa và ngồi chơi tâm sự chuyện đời với khách trai xa quê, nhớ nhà, vắng người tình. Đôi khi vui giùm khách một lá bài, lắm khi tựa vào khách chút son phấn quyến rũ. Dù vậy các cô gái luôn được sự mến mộ và quý trọng của khách bụi đời. Mọi cư xử khiếm nhã đều kết thúc bằng một trận đòn đau nhớ đời cho khách say sưa quá chén, lỡ tay. Khách phải bỏ ra 75 xu đến 1 đô để được nhảy với các cô gái thơm tho này. Tuy vậy, các cô lại là hình ảnh đáng ghét của các phụ nữ làm lụng ở nhà hay nông trại, bởi chính họ là người ngày đêm lo chuyện con cái, bếp núc, giúp chồng con lo vụ mùa, bò ngựa. Đây cũng là lý do khiến phụ nữ nổi dậy biểu tình làm nên luật cấm rượu 13 năm sau này.
Các Saloon ngày ấy giờ tàn lụi như Miền Tây vắng bóng những con ngựa và chàng cao-bồi. Ngày nay chỉ còn sót lại hình ảnh của những nơi gọi là Tavern, Club, Country bar. Thi thoảng bạn ghé thăm các thôn quê miền Tây hẽo lánh vẫn còn thấy vài Saloon lạc lỏng trong các khu phố cổ. Vẫn cánh cửa swingdoor, vài chiếc mũ cao-bồi, một vài bước nhảy với ủng da trong điệu nhạc đồng quê. Bạn có da màu như tôi cũng đừng ngại. Khi lòng muốn khuây khỏa làm một ly cho ấm bụng, cho trút bớt muộn phiền chốc lát, thì hãy ghé vào đây lì-một-lam (làm một ly) whiskey, liều-một-đám (làm một điếu) xì gà, thả khói để nhớ về một thời cao-bồi bạt mạng trong các Saloon miền Tây đầy bụi thời gian. Chỉ một ly thôi nhé! Ngày xưa con ngựa nhớ đường cõng chủ say mèm về nhà. Ngày nay con ngựa sắt của bạn mà lạng quạng, bị sheriff quay đèn thì mệt lắm.
SEAN BẢO

Đất lành chim đậu

Trưa ngày 16 tháng 9, 1889 cả trăm ngàn người đã sắp hàng ngang trên lưng ngựa, wagon, xe đạp và cả chân trần. Khi tiếng còi và súng lệnh cất lên thì tất cả lao về phía cuối chân trời để giành đất. Bụi mịt mù, vó ngựa hối hả, tiếng roi quất ngựa, tiếng bánh xe lăn, âm thanh náo nhiệt hỗn độn vì tương lai nằm trong tầm tay họ.

Họ cầm một lá cờ, miếng đất đã được quy hoạch và đo đạc trước có cắm cột mang số lô. Ai đến trước sẽ được lô đất tốt ở phố hay với mạch nước, đồi cao, đất bằng. Ai đến sau chỉ còn miếng đất thô sỏi đá… Chính quyền chỉ có 7 tuần để chuẩn bị. Tuy vậy tin tức được thông báo khắp nơi, lan tới tận Châu Âu. Gần đến ngày ấn định đã có hơn 50 ngàn lều dựng quanh bốn phía của lãnh thổ. Ðã có nhiều người lén vào khu đất hoang đêm hôm trước, ẩn núp trong các mương rãnh, chờ tiếng còi phát hiệu là đóng cọc giành chỗ. Những người giành đất bất hợp lệ này được gọi là sooner (người đến sớm.) Họ là những viên chức cảnh sát, chuyên viên đo đạc, làm cho đường sắt và vài người bỏ tiền mua tin tức. Ðến cuối ngày hôm ấy thì 2 thành phố Oklahoma City và Guthrie trong chớp nhoáng nửa ngày đã có đến 10 ngàn người. Ðường phố được phân bố, nhà ở và công sở được phân chia. Và hội đồng thành phố được bầu ra. Người định cư lập tức đào móng, lót ván. Nhiều người đứng xếp hàng làm thủ tục giấy tờ chủ quyền. Trẻ em múc nước suối bán cho người xếp hàng trong nóng nực và bụi bặm 5 xu một cốc. Nhiều trẻ khác gom phân bò buffalo làm củi đốt nấu ăn. Ðến tuần thứ nhì thì trường học được xây, thầy cô giáo làm tự nguyện được trả thù lao từ các bậc cha mẹ, trong khi chờ thành phố chi trả và hình thành học khu. Tháng sau thì Thành phố Oklahoma có 5 nhà băng và 6 tờ báo. Năm 1908 trường đại học Oklahoma lấy tên Sooner cho đội bóng bầu dục của mình. Không lâu sau đó Oklahoma được gọi là The Sooner State.

dat-lanh-chim-dau4
Dân xếp hàng ghi tên giành đất ở Cherokee Strip ở Oklahoma, 1893.

Ðã có 7 lần người Mỹ được giành đất miễn phí trong tiểu bang Oklahoma. Vùng đất nằm ở trung tâm của tiểu bang thuộc các bộ tộc da đỏ. Trước đó các nhà thám hiểm da trắng thấy vùng đất quá khô cằn, không lý tưởng cho định cư, dành nơi để quy tụ người da đỏ năm 1817. Vào cuối thế kỷ 19, kỹ nghệ nông nghiệp phát triển và nội chiến kết thúc, người Mỹ cần đất hơn bao giờ hết. Vì thế năm 1889 Tổng thống Benjamin Harrison cho phép 2 triệu mẫu đất hoang được đua giành vì chưa phân bố cho bộ tộc nào.

Ðó là bức tranh về sở hữu đất đai ở Oklahoma. Trên toàn nước Mỹ thì bắt đầu sau khi Abraham Lincoln ký Ðạo luật đất ngụ cư 1862. Hơn 270 triệu mẫu đất công, gần 10% diện tích nước Mỹ được chia cho 1.6 triệu gia đình, phần lớn là người ở phía Tây sông Mississippi. Năm 1852, một nhóm các chính khách cùng Ðảng Cộng Hòa trước nội chiến đã đề nghị vận động cho sở hữu đất đai miễn phí. Phe miền Nam vì lợi ích dùng nô lệ muốn sử dụng các miền đất lớn cho nông trại. Phe miền Bắc lại chống việc nô lệ và muốn tư hữu hóa đất đai cho mọi cá nhân. Năm 1854 đạo luật sở hữu đất đai đầu tiên được đề nghị nhưng gặp phải chống đối trong quốc hội. Mỗi người muốn định cư trên vùng đất mới phải trả 25 xu cho 1 mẫu. Luật được Quốc hội chấp thuận năm 1860, tuy vậy Tổng Thống Buchanan lại phủ quyết. Mãi đến thời Abraham Lincoln đạo luật mới thực thi. Tất cả mọi cư dân được hưởng chính sách này, từ di dân đến phụ nữ độc thân, từ nô lệ được trả tự do đến nông dân không có đất. Với đạo luật này, bất kỳ nam nữ 21 tuổi hay chủ gia đình có thể sở hữu 160 mẫu đất hoang bằng cách sống ở đó 5 năm với 18 đô lệ phí. Họ buộc phải xây nhà và cải thiện miếng đất, trồng trọt… Hoặc bằng cách khác như mua 1.25 đô/mẫu sau khi sống trên mảnh đất đó 6 tháng. Họ phải đăng bạ ở văn phòng điền địa, sau khi miếng đất được điều tra chủ quyền, đóng lệ phí 10 đô tạm thời sử dụng đất và 2 đô cho dịch vụ, hai người láng giềng làm chứng. Sau khi hoàn tất thủ tục họ sẽ được cấp giấy chủ quyền có chữ ký của Tổng thống. Giấy cấp được hãnh diện treo trên tường như kết quả của quyết tâm và sự cố gắng làm việc. Người đầu tiên mua đất dựa theo đạo luật Homestead là  Daniel Freeman cho 1 nông trại ở Nebraska vào 1 tháng 1, 1863. Ông và vợ sống ở đó cho tới già và chết năm 1931. Trang trại được đưa vào danh sách bảo tàng quốc gia.

dat-lanh-chim-dau3
Một người dân đứng trên lô đất ở Guthrie, Oklahoma, 1889.

Ðến năm 1866 thì đạo luật thay đổi và điều chỉnh theo từng vùng và từng thời gian, với nhiều lý do xung đột trong 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, miền Bắc và miền Nam, bảo thủ và cấp tiến, cùng các lo sợ đạo luật sẽ thu hút nguồn di dân từ Châu Âu và người nghèo từ phía Ðông, cũng như các biến chuyển trong xã hội khi đến khai thác vùng đất mới. Ðạo luật đất ngụ cư ở phía Nam 1866 giúp các nông dân và người nghèo như kế hoạch “người cày có ruộng”, họ sẽ có thu nhập và dần sở hữu trên mảnh đất làm thuê bằng sức lao động của mình. Ðây là thời gian sau nội chiến nhằm tái thiết nước Mỹ. Và chương trình này không thành công vì lợi tức thấp và lệ phí cao. Tiếp đó là Ðạo luật trồng cây rừng năm 1873, người dân sẽ có 160-320 mẫu đất nếu trồng 1/4 cây rừng trên vùng đất, đó là đất Tây Nebraska sau này.

Vào cuối thế kỷ 19 thì các vùng đất chính màu mỡ dọc các sông suối đã bị chiếm hữu, trong khi hơn 570 triệu mẫu đất hoang khô cằn còn rộng mở. Nhưng rất ít trong số đó phù hợp cho nông nghiệp. Khi miền đất bằng phẳng của trung Mỹ gọi là Great Plains được khai phá thì số dân định cư gia tăng hơn khi chính phủ cho trên 320 mẫu. Làn sóng di dân đổ xô đến canh tác trồng trọt với các phương pháp không phù hợp, phơi trần lớp đất bề mặt dẫn đến hậu quả tai hại cho các cơn bão bụi sau này. Ở Wyoming, Montana và Colorado đất đai được chia thành mảng lớn rộng hàng trăm mẫu, nơi miếng đất lý tưởng cho các trang trại của cao-bồi. Những miền đất rộng này bao gồm các sông suối, giếng nước ngầm. Ðiều này dẫn đến các mâu thuẫn tranh giành khốc liệt giữa các điền chủ, có khi kết thúc bằng chết chóc hận thù gia đình.

Ðiều oái oăm là Ðạo luật đất ngụ cư bị lợi dụng để đánh lừa nhiều người. Những miếng đất khô cằn, sỏi đá và bạc màu không phù hợp cho trồng trọt, nơi thường xuyên hạn hán nhiều năm, nhiều cư dân đã phải bỏ đất mà đi sau vài năm không trồng trọt được gì. Trong khi ấy đạo luật buộc cư dân phải ở trên miếng đất đó 5 năm mới được làm chủ. Một vài đại công ty đã lợi dụng đạo luật để làm giàu. Họ đã trả thật cao cho cư dân để mua lại các miếng đất có giá trị, nơi có rừng gỗ, khoáng sản, nguồn nước và dầu mỏ. Sau đó họ khai là đã cải thiện đất, trong khi thật sự họ đã khai thác và tàn phá nhiều hơn. Vì lẽ đó Ðạo luật được sửa đổi năm 1912, áp dụng cho dân định cư chỉ ở trên đó 3 năm thay vì 5 năm như trước đây. Tuy vậy đến thời điểm này phần lớn các vùng đất của 48 tiểu bang đã được mua hết. Các di dân sở hữu đất dần chấm dứt vào năm 1976. Ngoại trừ Alaska vẫn còn áp dụng cho đến năm 1986.

Ðạo luật đất ngụ cư 1862 đã giúp cho người dân Mỹ có nhà cửa và đã góp phần tạo nên nước Mỹ giàu có thịnh vượng ngày nay. Ðất nước sẽ không hiện hữu nếu không có người dân. Nước Mỹ, nơi đất lành chim đậu. Như câu chuyện giành đất năm 1889 ở Oklahoma, được Tom Cruise và Nicole Kidman đóng rất hay trong phim Far & Away năm 1992, trong đó đôi tình nhân từ Ireland đến Mỹ định cư. Cũng như bạn và tôi, những cánh chim phi xứ, đậu trên mảnh đất lành.

dat-lanh-chim-dau1
Một góc phố miền Tây năm 1930.

SEAN BẢO

MỘ KHÚC SERENADE

Chủ nhật mùa hè 1826, buổi chiều nghiêng, nắng nuối tiếc rớt vài giọt vàng hấp hối. Trời đà thăm thẳm tím, chút tím vàng pha ráng hồng. Vài cánh chim lao xao khi ánh đèn thắp lên cuối làng. Những hàng sồi run rẫy. Người vẫn đi lang thang chưa muốn về. Nhưng chân đà mỏi và tim bồi hồi khát vọng mơ hồ. Cái khát vọng khó tả của người nghệ sĩ. Quán bên đường đã xôn xao tiếng người, cuộc vui như thường lệ của đời sống vào ngày cuối tuần. Những thửa lúa mạch đã gặt xong và con người như muốn gần nhau hơn khi nhàn rỗi. Tiếng cười nói cụng ly rộn ràng mời gọi, những ly bia đen sóng sánh bọt vàng trong ánh chiều. Những đôi nhân tình nắm tay khuất sau hàng giậu, trả lại những vạt nắng chiều dang dở cho kẻ cô đơn lang bạt. Schubert ngồi xuống cùng nhóm bạn, sau hàng rào ô liu thơm mùi cây trái. Vài cô gái trên hàng hiên cất quần áo đã khô nồng mùi nắng gió. Vài cô tựa ban công nhìn trời…

Schubert chạnh nhớ. 10 năm trước, trăng lưỡi liềm nhú lên trong vườn khuya. Không gian im ắng ngoại trừ tiếng con chim sơn ca lạc lõng hót. Tiếng hót giữa muôn trùng áo não thiết tha. Schubert đứng cạnh bên nàng Therese Grob, áo đầm phồng phủ trùm đôi chân nhỏ ngực nàng phập phồng trong chiếc corset bó sát, ánh trăng mờ soi những đường cong sáng trên làn da mịn. “Vì sao chàng không tiếp tục chơi đàn trong khánh phòng?” Nàng hỏi. “Đêm tha thiết gọi tôi ra đây!” Schubert trả lời. Nàng khẽ quay gót.” Xin đừng đi”. Schubert nói khẽ. “Em chỉ đi dạo tí thôi.” Nàng dừng lại đợi. Schubert cầm tay nàng và bước theo, mắt không ngừng nhìn trời. Mặt chàng như thất thần và trống vắng. “Chàng đang nghĩ gì vậy?” Chàng quay lại và nói khẽ như thú tội. “Chỉ là một giai điệu, nó cứ âm vọng trong đầu.” Hát cho em nghe đi. Chàng từ chối: “Chưa đâu! bài hát chưa xong.” Mắt chàng lại ngước lên khoảng không. “Khi nào xong chàng sẽ hát cho em nghe chứ!” “ Dĩ nhiên!” Chàng đáp. “Chàng chưa bao giờ tặng em bài gì cả, chưa có một bài ca ngắn ngủi nào cho em cả.” Nàng hờn dỗi. Ngực nàng thổn thức chừng như đón đợi giọt nước mắt long lanh. “Tất cả đều dành cho nàng. Các ca khúc trong 3 năm vừa qua khi chúng ta yêu nhau.” Chàng trìu mến quay nhìn mặt nàng. Nàng không nhìn lại. “Tôi sẽ hát cho em khi trở lại.” Chàng hứa. Nàng vẫn còn hờn dỗi nhưng chừng như an lòng. “Giờ anh phải đi! một ca khúc đang gọi mời anh. Anh đã gần gũi ca khúc này lắm, dường như nắm chặt nó trong đầu.” “Dành cho em chứ?” Nàng nhắc lại trong mơ hồ nghi hoặc. Rồi nàng chợt hỏi: “Mà sao mọi khi các ca khúc chàng làm nhanh lắm? Không như ca khúc này.” “ Đúng vậy, ca khúc này sẽ không như bao ca khúc khác. Nó sẽ ngọt ngào, sẽ nhẹ nhàng xa vắng, sẽ tinh khôi như tuyết đầu mùa, như lộc non cựa mình. Giai điệu đang réo gọi anh..”Chàng lại thì thầm như mộng du. Nâng bàn tay nhỏ xinh trong tay áo lụa phồng, chàng khẽ hôn lên và quay bước. Bóng chàng khuất trong bóng đêm, tiếng bước chân như lá rơi…

Nàng và Schubert đang đắm trong mối tình đầu ngất ngây. Cả hai đều che giấu một thực tế nghiệt ngã. Cha nàng mất sớm, người mẹ góa bụa phải trông nom một xưởng  tơ lụa nhỏ, cách không xa ngôi nhà của Schubert. Nàng có một giọng ca trong veo quyến rũ, làm ngất ngây những buổi sáng chủ nhật trong nhà thờ, nơi Schubert hàng tuần đến dự như con chiên ngoan đạo. Em trai nàng là một tay đàn piano và violon có năng khiếu. Âm nhạc đã vang lên giữa hai gia đình như sợi tơ duyên vô hình quấn quít. Thế nhưng chàng vẫn chưa có danh phận và tiền bạc. Luật lệ khắc khe buộc hôn nhân phải được bảo đảm bằng nghề nghiệp cơm áo vững chắc. Năm 1816 khi ấy Schubert tròn 19 tuổi mộng đầy mà tay trắng, chàng đệ đơn lên tòa án thành phố xin cưới nàng. Tòa bác đơn.

Ly bia mang ra sóng sánh đầy. Schubert nâng cạn cùng bạn bè. Tay chàng lau bọt bia trên miệng, ly bia ngon làm lòng hứng khởi. Chợt ánh mắt chàng rơi xuống cuốn thơ của Ludwig Rellstab mở sẵn trên bàn. Bạn của chàng đang đọc dở dang. Bài thơ Serenade – Mộ khúc. Như nam châm chàng bị cuốn hút vào những dòng thơ. Khuôn mặt chàng biến đổi, khi giãn ra khi dằn vặt, chàng cười mĩm rồi ngâm nga nhè nhẹ. Rồi chàng ngẩng lên nhìn quanh vào trời chiều. Xung quanh ồn ào tiếng người cười nói. Đèn sáng trong vườn quán và bóng chiều tím sẫm như ly rượu vang. “Đưa tôi cây bút chì!” Mắt chàng sáng rực, tay run rẫy. Ai đó đưa chàng cây bút, một tờ hóa đơn với vài khung nhạc kẽ vội ở mặt sau. Bạn bè lơ đãng tiếp tục cạn ly nói cười. Vài phút sau Schubert ngẩng lên, chiếc gọng kính nhấc lên trán, chàng khẽ ngâm nga và cất vội tờ giấy vào túi áo. Đám bạn vây lại đòi xem . “Không dành cho các bạn!” Chàng đáp: “Đã lâu tôi tìm kiếm bài ca này, qua núi cao, trong bão giông, trong bình minh, nhưng giờ mới gặp.” Chàng lắp bắp như nói với chính mình, giai điệu mộ khúc âm vang trong hồn:

Chiều buồn nhẹ xuống đời
người tình tìm đến người
thấy run run trong chiều phai…

 Schubert như thấy mình đứng trong vườn khuya kỷ niệm. Mối tình đầu xanh xao như ánh trăng non, đủ soi sáng ánh mắt nàng xanh lơ và mái tóc vàng trong đêm, khi nàng tựa ban công nhìn về xa thẳm. Trong bóng tối phủ vây tứ bề của hàng sồi, buổi chiều tạ từ để đêm xuống mang nỗi tự tình lao xao run rẫy. Chàng đứng đó dưới ban công nhà nàng, cất tiếng ca trong bóng đêm như đồng lõa, che giấu đi nét ngại ngùng tỏ tình.

Vẻ sầu của đóa cười
tình bền của lứa đôi
thoáng hương trong chiều rơi…

 Lá cây trên cao lao xao cùng tiếng chim về tổ. Thoảng nghe tiếng con chim sơn ca hót thánh thót giữa yên ắng của đêm. Tiếng chim lạc lõng thiết tha như tiếng lòng chàng thổn thức cho mối tình tuyệt vọng. Buổi chiều chết lịm êm ả. Cho hoàng hôn đến cô liêu. Cho người cần người, những tiếng yêu thương.

Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
cho người thôi khóc thương ai!
Cho niềm yêu đến bên tôi!

 Và chàng hát thì thầm khúc nhạc chiều. Dạ khúc hay mộ khúc? Giai điệu ru mơ như chiều xuống, giai điệu êm ả như khuya rơi, giai điệu thanh thoát như tình buông. Tiếng đàn trầm gót chân hò hẹn. Cung thứ buồn lãng đãng giọt thương. Sầu riêng tư gởi gắm muôn phương. Cho tình cũ hay dặm trường nhân thế.

Một ngày đó tóc mây đã phai màu
Có chờ ta oán trách đâu?
Có vì duyên kiếp không lâu

 Yêu nàng khi còn thơ, mối tình đầu ngu ngơ. Nay chàng 29 tuổi nhưng chàng đã nhuốm bệnh. Thất vọng vì âm nhạc và đời nghệ sĩ chẳng đem đến danh vọng sự nghiệp. Chàng hối hả sống và sáng tác. Một sự nghiệp sáng tác lấp đầy dòng nhạc cổ điển trữ  tình Châu Âu. Những dàn hợp xướng, những bản nhạc kịch. Những đoản khúc ngợi ca tình ái. Ngay cả Beethoven trong những ngày cuối đời trên giường bệnh đã cảm thán khi đọc những dòng nhạc của Schubert: “Thật là một thiên tài ẩn náu trong Schubert này!” Vậy mà tất cả vẫn chưa đem đến kịp cho chàng cuộc sống phong lưu. Một mái ấm hôn nhân. Và chàng nhuốm bệnh phong tình qua những cuộc chơi. Chàng tiếp tục tiêu pha hết đời mình vội vã. Như sợ chiều sẽ đến sớm và đêm thì không dài.

Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu
Cho tình cứ úa phai mau
cho người cứ mãi phụ nhau…(*)

 Schubert vứt bút và bỏ đám đông rảo bước về. Đêm đặc quánh những thôi thúc huyền ảo. Tiếng đời thôi còn lao xao sau lưng. Con đường về gập ghềnh trong đêm vắng. Cô đơn đi với âm giai, vương vấn trong lòng. Một khúc nhạc chiều ra đời, đẹp ngời hơn cả chuyện tình riêng tư của chàng. Bởi chàng đã tìm thấy cứu cánh trong âm nhạc. Âm nhạc đã giải thoát xác thân nghèo nàn. Ca khúc ngỡ chỉ dành cho Theresa đã trở thành cho các tình nhân. 4 năm sau thì nàng đã thành hôn với một người chủ tiệm bánh. Lời hứa năm xưa đã mãn nguyện. Giai điệu thai nghén 10 năm trong cuộc tình đã bật ra một chiều. Một giai điệu êm ái mà thiết tha, sâu lắng mà đậm đà, không hờn trách tuyệt vọng, đã trở thành giai điệu bất tử cho đời.

Hai năm Schubert từ biệt cõi đời một buổi chiều, chàng vừa qua tuổi 31. Hai năm sau khúc hát được đưa vào tuyển tập Bài ca thiên nga, những khúc hát của con chim thủy chung, mang vũ khúc hân hoan đến phút cuối cùng, trên mặt hồ đời sống áo cơm đầy sóng vỗ. Mộ khúc mãi còn đó đẹp như một bản tình ca bất tử. Cái đẹp đi thẳng vào lòng người không cần giải bày. Đẹp đến thiên thu. Chừng nào trái đất còn quay, chiều rơi mỗi ngày và người tìm đến người.

SEAN BẢO

Về miền Viễn Tây

 

Một buổi sáng ngày 24 tháng 1 năm 1848, người thợ mộc James Marshall đi dọc theo bờ Nam sông American, một con sông đổ xuôi từ rặng Sierra Nevada phía đông của California chảy ra vịnh San Francisco. Ông ta tình cờ tìm thấy lấp lánh dưới bờ sông cạn 2 cục kim loại quý giá, điều này làm thay đổi lịch sử tiểu bang California và cả nước Mỹ. Những cục vàng quý giá đầu tiên đó được tìm thấy trong khu xưởng cưa của John Sutter. Chủ nhân của trang trại này dù cố giấu kín, nhưng tiếng đồn vang xa, vang nhanh như gió theo những vó ngựa suốt dọc chiều ngang nước Mỹ, theo những bức điện tín lan xuống Mễ Tây Cơ, theo những cánh buồm hải hành đến tận Trung Hoa và cả đến Úc châu…

Trước tiên phải nói đến sự phát triển mở mang của nước Mỹ đã tăng đến 23% diện tích sau hiệp ước mua được Louisiana (Louisiana Purchase) từ Pháp năm 1803. Nước Mỹ đã mở rộng ra thêm về phía Tây kéo dài từ Louisiana đến tận Montana, Oregon về phía Bắc. Cuộc sát nhập Cộng Hòa Texas năm 1845. Tiếp đó cuộc chiến tranh với Cộng Hòa Mễ Tây Cơ kết thúc năm 1848 đã sát nhập phần đất phía Tây mênh mông còn lại (bao gồm California, Nevada, Utah, một phần New Mexico, Colorado.)

Ngư phủ người Hoa tại Monterey, California năm 1875 – NGUỒN EN.WIKIPEDIA.ORG

Trước đó miền viễn Tây là vùng đất xa lạ đầy bí hiểm và trắc trở. Vì thế rất ít người Mỹ từ phía đông của sông Mississippi đến lập cư. Những người cư dân ở chung quanh Vịnh San Francisco hầu hết nói tiếng Tây Ban Nha suốt 3/4 thế kỷ bỗng qua một đêm thấy mình bị vây quanh bởi bao nhiêu người xa lạ. Những người này đến từ các tiểu bang đầu tiên bên mạn đông sông Mississippi, họ là những anh thợ may sinh quán từ Đông Âu (như Levi Strauss, chủ nhân chiếc quần Jean xanh nổi tiếng cho đến bây giờ). Họ là những anh thư ký từ Luân Đôn, những quý tộc từ Nam Mỹ, những người thợ mỏ nghèo nàn ở Mễ Tây Cơ, những người Trung Hoa cơ cực đến từ lục địa và cả các tàu buôn chở đoàn tội phạm từ Úc Châu. Tất cả đến đây với một mục đích: đào vàng. Khoảng chừng hơn 300 ngàn người đến California trong một năm sau đó, 1849. Họ được biết với tên gọi “forty-niners” – những người bốn chín (đến California vào năm 1849). Họ đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt California. Từ một thành phố vịnh ngái ngủ yên tĩnh, San Francisco năm 1848 chỉ có khoảng 1 ngàn ngôi nhà, một năm sau đã mọc thêm 35 ngàn. San Francisco đã hóa thân thành một thương cảng quốc tế nhộn nhịp tàu bè và khách.

Dọc theo con sông American quanh khu vực xưởng cưa của John Sutter và hầu như quanh bờ sông đó đâu đâu cũng có vàng, những người đến đầu tiên chỉ cần chiếc muỗng và con dao nhỏ có thể vớt vàng lên từ đáy lòng sông cạn. Những lá thư của Chun Ming, một người Hoa vượt qua biển Thái Bình về Hoa lục đã dấy lên cơn sóng đổ xô về châu Mỹ, năm 1852 đã có đến 25 ngàn người Trung Hoa đến California, có lúc cao điểm đến 2 ngàn người trong một ngày. Họ gọi San Francisco là Gold Mountain – Núi Vàng – Kim Sơn. Thư của người đi trước kể lại rằng vàng nhiều đến mức một người có thể đào vàng mà con lừa mang về không nổi. Những lá thư gởi về quê nhà của những người đào vàng cho biết trong một ngày họ có thể kiếm được số tiền hơn 1 năm trời ở quê. Một cha xứ đạo Mormon dự định đến đây truyền đạo, đã bỏ ý định và mở cửa hàng bán cuốc xẻng, dụng cụ đào vàng. Ông ta trở nên giàu có nhanh chóng. Những chiếc tàu buôn đã mang đến nhiều gỗ để xây dựng lán trại và nhà cửa, ngay cả mang đến hàng trăm con mèo, để bán cho những trang trại có nhiều chuột. Năm 1853 Levi Strauss cũng mang theo vải bố dày dự định bán cho người đào vàng làm lều và bọc mui xe ngựa, sau đó nhận thấy loại vải denim này phù hợp bền bỉ cho người thợ, ông ta may quần jean, cùng Jacob Davis sáng chế ra những nút đinh gắn vào túi quần 1871, những túi quần bền chắc để nhét các thỏi vàng vào… (chiếc quần jean ra đời từ ấy). Một người Hoa tên Wah Lee mở tiệm giặt ủi đầu tiên ở góc phố Washington và Grant. Ông trở thành nổi tiếng và dẫn đường cho các tiệm giặt ủi truyền thống của người Hoa sau này khắp nước Mỹ. Tất nhiên thành phố phát triển sầm uất nhanh chóng với đầy đủ các dịch vụ, ngân hàng, bưu điện, môi giới cầm đồ… Và các hệ lụy cũng kéo theo sau. Các sòng bài, nhà chứa, cướp bóc và tội phạm. Điều thương tâm nhất là số phận của những người cư dân địa phương trong đó bao gồm các bộ lạc thổ dân da đỏ, người Mễ Tây Cơ bản xứ và thiểu số người Trung Hoa.

Thoạt đầu khi những người da trắng băng qua lãnh thổ của họ để đến San Francisco, họ đã được lợi khi mua bán thực phẩm, nước uống và tính tiền với giá cao cũng như lộ phí băng qua lãnh địa. Sau đó bệnh dịch tả (mà người da trắng mang đến) và các vụ cướp ngựa, giành đất của người da trắng cũng như xung đột giữa các bộ lạc đã dẫn đến nhiều cuộc chết chóc đẫm máu. Chính quyền phải nhúng tay can thiệp mua chuộc các thổ dân để người da trắng tiếp tục cuộc chinh phục viễn tây. Với sức mạnh vũ khí những người di dân đã đàn áp thổ dân không nương tay. Người thổ dân mất dần lãnh thổ. Họ trở thành làm mướn cho những người đào vàng. Say sưa và nợ nần, đã đẩy một số trở thành nô lệ… Người thổ dân da đỏ gọi Kali là vàng, Fornia nghĩa là Wouldn’t you like some? California nghĩa là: bạn có muốn vàng không? Trước thời kỳ Gold Rush (đua nhau tìm vàng) có khoảng 300 ngàn thổ dân da đỏ. Trong vòng 20 năm sau chỉ còn lại 30 ngàn.

Không phải vận may và thành công đến với tất cả “những người bốn chín”. Nhiều người đã chết, đã thất bại và quay về cố hương hay cố thử thời vận ở rải rác các tiểu bang khác. Làn sóng chống đối người di dân lên cao. Chính phủ địa phương đã có biện pháp hà khắc về thuế để giảm thiểu cạnh tranh khốc liệt ấy. Những nhóm người sắc tộc thiểu số và không cùng ngôn ngữ phải nhận lấy hậu quả nặng nề. Đầu tiên là thuế năm 1850 đánh cao đến 20 đô la một tháng cho những người không mang quốc tịch Mỹ (Foreign Miners Tax) tương đương hơn 500 đô la hôm nay. Hàng ngàn người đã bỏ miền đất hứa hẹn này và trở về cố hương. Thế nhưng những người Hoa nhỏ bé và lam lũ này vẫn nhẫn nhục chịu đựng ở lại. Họ tiếp tục bám lấy mảnh đất này, dù khắc nghiệt nhưng cũng tốt hơn nơi quê chốn họ sinh ra ngàn lần. Họ vẫn chăm chỉ quây quần với nhau. Họ vẫn giữ tập quán xưa, không nhậu nhẹt bài bạc, ăn món ăn quen, dùng ngôn ngữ mẹ đẻ, đa phần ít học nên họ không học được Anh Ngữ. Họ làm việc suốt cả ngày Chủ Nhật. Điều này trở thành cái gai trong mắt người Mỹ. Và thế là một luật thuế lần thứ nhì ra đời, đánh thuế trực tiếp đến người Hoa. Một số người Hoa phải chuyển qua làm những dịch vụ khác như giặt ủi và xây dựng đường hỏa xa sau này.

Làm lụng cực khổ như vậy trong khi giá cả dịch vụ và thức ăn trở thành đắt đỏ đến mức không thể tưởng tượng được. Trong thời điểm cao trào năm 1849, một quả trứng giá đến 25 đô la theo thời giá hiện nay, nửa ký cà phê giá 100 đô và thay một đôi giày ủng để làm việc giá 2,500 đô! Nhiều thương gia và kỹ nghệ gia gián tiếp làm giàu lên nhanh chóng từ những người tìm vàng. Và họ đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng từ nơi này. Philip Armour đã làm giàu bằng hệ thống dẫn nước trên máng để điều khiển dòng chảy các con sông dẫn nước vào chỗ đãi vàng. Nhiều năm sau ông đã làm chủ các xưởng đóng thịt hộp theo dây chuyền ở Chicago. Trước khi xây dựng thành công hãng xe điện Studebaker Corporation ở Indiana, John Studebaker đã chế ra chiếc xe cút-kít 1 bánh (wheelbarrow) cho những người tìm vàng. Hai thương gia ngân hàng Henry Wells và William Fargo đã mở văn phòng ở San Francisco và sớm trở thành một trong những nhà băng tiếng tăm Wells Fargo. Và tất nhiên có cả Levi Strauss như đã nói phía trên.

Cộng đồng người Việt Cali tưởng niệm trước Tượng Đài Thuyền Nhân VN trong nghĩa trang Westminster Memorial Park – NGUỒN VIETBAO.COM

Hàng ngàn người đã giàu có và thay đổi cuộc đời. Nhưng oái oăm thay chủ nhân của xưởng cưa John Sutter lại không có được may mắn. Khi người thợ mộc của ông tìm được cục vàng đầu tiên, ông đã cố giữ kín, nhưng 1 tháng sau những người làm công đã bỏ trang trại để đi đãi vàng. Hàng ngàn người mới đến đã xâm lấn và phá hủy trang trại cùng đất đai trong khu vực. Bị thúc ép vì nợ nần và nhà bị đốt cháy, ông dời đến Pennsylvania trong nỗ lực nhiều năm đòi chính phủ liên bang bồi thường tài sản. Ông thất bại và mất trong nghèo khó.

Những người tiên phong về miền viễn Tây hoang dã này cùng những thỏi vàng đầu tiên đã làm nên một tiểu bang California trẻ trung, năng động và giàu có. Năm 1850, chỉ sau 2 năm từ khi chính phủ mua lại vùng đất, California trở thành tiểu bang thứ 31 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Kể từ đó California được gọi là tiểu bang vàng, có nền kinh tế đứng thứ 5 toàn nước Mỹ. Hiện giờ dù tiểu bang đã không còn tìm thấy vàng nhưng khí hậu ấm áp bốn mùa, nắng ấm chan hòa từ biển Thái Bình Dương, soi bóng chiếc cầu lịch sử Golden Gate như chiếc cổng vàng luôn bao dung chào đón người di dân bốn phương, trong đó có gần 1 triệu rưỡi người Việt.

Khác “những người bốn chín” năm xưa, những người Việt đến định cư ở miền đất này để tìm một thứ khác quý giá hơn vàng. Đó là tự do.

SEAN BẢO

——————————————

Cuộc nội chiến Bắc – Nam

16706894_1242998169088887_1645850944_n

unnamed

4 giờ sáng ngày 12 tháng 4 năm 1861, những phát súng đại bác đầu tiên của quân đội các tiểu bang phía Nam (Confederate) rót vào thành đồn Sumter ở S. Carolina do Quân Chính Phủ Liên Bang (Union) trú đóng đã khởi đầu cuộc nội chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau khi Abraham Lincoln đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 1860, chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. 11 tiểu bang ở miền Nam Hoa Kỳ do quyền lợi kinh tế thu hoạch phần lớn trên các cánh đồng bông gòn nhờ sức lao động của người nô lệ da đen đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và lập ra Liên minh miền Nam; 25 tiểu bang còn lại ủng hộ chính phủ Liên bang miền Bắc. Cuộc nội chiến không cân sức giữa hơn 2 triệu binh sĩ miền Bắc và hơn 1 triệu binh lính miền Nam tưởng chừng sẽ quyết định trong vòng vài tuần lễ, đã kéo dài đến 4 năm. Cuộc nội chiến tương tàn anh em tưởng chỉ xảy ra ở các tiểu bang phía Nam, vậy mà lan rộng tới miền Đông Bắc, miền Tây và cả trên Đại Tây Dương. Cuộc chiến kết thúc với sự đầu hàng của Đại tướng Robert E. Lee tổng chi huy phe miền Nam ở ngôi nhà của Wilmer McLean trong làng Appomattox ở Virginia sau khi phe miền Nam liên tiếp bị thua trận, bao vây và tổn thất nặng nề. Hôm ấy là Thứ Hai ngày 10 Tháng Tư năm 1865. Tướng Grant trong bộ quân phục màu xanh còn lấm bùn lầy chiến trường, trong khi tướng Lee gọn gàng nghiêm chỉnh quân phục cùng kiếm và khăn quàng. Những điều kiện cho cuộc đầu hàng được đưa ra: tất cả các sĩ quan và binh sĩ được tha bổng, họ sẽ được trở về quê quán cùng với tài sản cá nhân (quan trọng lúc ấy là ngựa, để dùng cho việc cày bừa trong mùa vụ tới) các sĩ quan được giữ lại khí giới và những binh sĩ miền Nam được san sẻ thức ăn… Tướng Grant ngừng ban nhạc đang chơi khúc thắng lợi và nói: “Chiến tranh đã chấm dứt. Những người lính miền Nam này là con của tổ quốc chúng ta.” Tin tức được lan truyền nhanh chóng theo các bức điện tín và vó ngựa quân bưu. Chuông nhà thờ đổ vang khắp xóm làng. Người dân Mỹ ở hai phía chiến tuyến và khắp nơi vui cười, tay bắt mặt mừng. Chính phủ quyết định chọn đồn Sumter nơi 4 năm trước bắt đầu cuộc nội chiến để làm lễ kỷ niệm vào Thứ Sáu ngày 14 tháng 4 năm 1865.

Cùng ngày hôm ấy ở Washington, John Booth một diễn viên, người nhiệt thành ủng hộ phe miền Nam, luôn chống lại chính sách giải phóng nô lệ và tin rằng cuộc nội chiến chưa thể chấm dứt, đã đến nhà hát lớn Ford’s với kế hoạch ám sát Tổng Thống. Dư âm của cuộc chiến thắng làm mọi binh sĩ bảo vệ nhà hát lơi lỏng. Booth sau khi làm 2 ly rượu brandy thì đi vào nhà hát lớn. Anh ta đợi cho tiếng cười của khán giả ồ lên cao thì lẻn vào ban công khu dành riêng cho Tổng Thống và gia đình. Cận vệ duy nhất đã đi uống một ly ở quầy bar trong giờ nghỉ giữa vở kịch. Tay trái cầm dao ngắn, tay phải cầm khẩu súng ngắn Derringer, Booth bắn vào đầu Abraham Lincoln, viên đạn đi xuyên qua não và vào hố mắt phải. Anh ta đâm sĩ quan Rathbone cùng ngồi chung với Tổng Thống rồi trèo qua ban công tụt xuống sàn diễn, gãy chân trái khi giày vướng vào khăn màn trang trí. Dù vậy Booth vẫn chạy thoát sau khi hét lớn: “Sic semper tyrannis”. “Dành như thế cho bạo chúa.” Theo tiếng Latin. (Một vài nhân chứng lại nghe rằng: “Tôi đã làm được rồi! Miền Nam đã được trả thù.”) Tổng Thống Lincoln được mang vào nhà trọ ở kế cận rạp hát. Dáng ông cao gầy phải nằm vắt nghiêng trên chiếc giường sắt. Máu vẫn tuôn ra từ đầu và hơi thở yếu ớt. 7 giờ 22 phút sáng 15 tháng 4 năm 1865 ông mất ở tuổi 56. Trong túi áo choàng của ông có 2 đôi kính đeo, 1 con dao bỏ túi, khăn mùi-soa và 5 đồng đô la tiền miền Nam cùng 9 kẹp giấy.

12 ngày sau kỵ binh của liên quân bao vây một nông trại trồng thuốc lá ở Virginia, kết thúc cuộc truy tìm thủ phạm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ với 10 ngàn người tham gia. Booth không chịu đầu hàng như đồng bọn và bị bắn vào cổ sau khi chạy ra khỏi nông trại bị đốt cháy. Viên đạn làm tê liệt cơ thể và Booth yêu cầu được nâng hai tay của mình lên tận mắt, anh ta thì thào những lời cuối cùng: “Vô tích sự (bàn tay này)… Xin nói cho mẹ tôi rằng tôi chết cho tổ quốc.” Năm ấy Booth 26 tuổi.

Cũng trong thời gian ấy, linh cữu cố Tổng Thống Abraham Lincoln được đoàn tàu lửa đặc biệt chở về Springfield, Illinois từ Washington D.C. Hành trình tang lễ kéo dài 1,654 dặm hết 3 tuần lễ, băng qua 180 thành phố, qua 7 tiểu bang. Ở mỗi tiểu bang thi thể Abraham Lincoln được tẩm liệm và cử hành, hằng triệu người dân đến tiễn đưa vị Tổng Thống vĩ đại này. Tất nhiên có cả hàng ngàn người da đen được trả tự do và cả binh lính ở 2 miền Nam-Bắc, những người đã từng là cựu thù của nhau trên mảnh đất này ngày hôm qua. Xuất thân từ gia đình nghèo, tự học để trở thành luật sư sau đó lên làm Tổng Thống, Abraham Lincoln đã xóa bỏ được chế độ nô lệ, đó là nguyên nhân gây ra cuộc nội chiến. Ông thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức. Chấm dứt cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ, duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước.

3.5 triệu người tham gia nội chiến, 623 ngàn người chết (con số bằng tổng các cuộc chiến mà nước Mỹ tham gia cộng lại) trong số đó chỉ có hơn 30% là do súng đạn chiến trường, phần lớn thiệt mạng do nhiễm trùng và bệnh tật vì phương tiện y tế nghèo nàn thời ấy. Năm 1866 ngân sách của tiểu bang Mississippi phải dành hết 1/5 cho trang thiết bị chân tay giả của thương phế binh. Cô thư ký, giáo viên kiêm y tá Clara Barton, người được gọi là “thiên thần của cuộc nội chiến” đã dành hết thời gian trên các bãi chiến trường để chăm sóc cho các thương binh hai miền, sau chiến tranh bà đã tham gia chôn cất các tử sĩ và thành lập Hội Chữ Thập Đỏ. Vị Tổng Thống liên quân miền Nam Jefferson Davis thua chạy về phía Nam Texas và bị liên quân phía Bắc bắt giữ ngày 10 tháng 5, 1885. Ông được đưa về giam lỏng ở Virginia. Ông không bị truy tố tội phản quốc và ông cũng không muốn xin ân xá. Sau 2 năm ông được thả về nhà, sống với một quả phụ giàu có và dành thời gian viết cuốn hồi ký: “The rise and fall of the Confederate”. Ông chết ở tuổi 81, trong tim còn theo đuổi sự chính nghĩa cho riêng mình và quân đội miền Nam. Hiram Revels là Thượng nghị sĩ da đen đầu tiên vào ghế quốc hội thế chỗ của Jefferson Davis. Cựu phó Tổng thống miền Nam Alexander Stephens bị tù ngắn ngủi và được bầu vào ghế đại biểu quốc hội của Georgia như thể ông chưa bao giờ bị xem là người của phe chiến bại. Đại tướng kiêu hùng của miền Nam Robert  E. Lee già cỗi và hao mòn sau cuộc chiến; hè 1865 một công ty bảo hiểm muốn trả ông 50 ngàn đô để mượn tên ông, ông từ chối, sau đó ông nhận lời làm hiệu trưởng cho trường Wasington College với mức lương 1,500 đô một năm, ông mất năm 1870. Riêng Đại tướng chiến thắng Ulysses Grant của liên quân miền Bắc thì những đức tính kiên nghị, quyết đoán, trong sạch và cứng nhắc cần thiết trong chiến tranh đã bỏ rơi vai trò chính trị của ông khi trở lại chính trường trong thời bình. Sau 2 nhiệm kỳ Tổng Thống thứ 18 của Mỹ ông rời Tòa Bạch Ốc sau những thất bại cải tổ kinh tế và những vụ tham nhũng tai tiếng trong nội các. Sau khi thất cử cho nhiệm kỳ thứ ba, Grant bị phá sản vì đầu tư thất bại và bị bệnh ung thư cổ họng. Ông dành thời gian cuối đời viết hồi ký. Sách nổi tiếng trong giới quân đội, sử gia và bình luận gia, bán ½ triệu bản hơn 1 tuần sau khi ông mất Tháng 7 năm 1885.

Ngày Chiến sĩ trận vong diễn ra vào ngày 5 tháng 5 năm 1868, ba năm sau cuộc nội chiến kết thúc. Ở các nghĩa trang, mộ của tử sĩ hai miền được chăm sóc và dâng hoa. Ở Gettysburg, Pennsylvania nhiều năm sau đó vẫn tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm, ở đó các cựu chiến binh với hai màu áo xanh và xám, của Yankees và Confederates đã gặp nhau hàn huyên chuyện cũ, mãi mãi không phai trong ký ức một thời huynh đệ tương tàn. Cuộc chiến đó không có kẻ thắng người thua, cuộc chiến đó chỉ gói trọn trong 2 chữ “tự do”. Vì sau cuộc chiến đó nước Mỹ trở nên một quốc gia duy nhất toàn vẹn, một Hiệp Chủng Quốc hùng mạnh nhất thế giới. Và cũng nhân bản nhất. Bởi sau cuộc chiến không có trại tập trung cải tạo, không có chế độ kỳ thị lý lịch, không có chiếm đoạt tài sản và không có sự thù hằn đố kỵ nhỏ nhoi ở cả hai phía thắng – bại.

SEAN BẢO