VIẾT CHO THÁNG 12

Em là chim hồn nhiên
Bay qua ngày rất lạnh
Cuối con đường khô tạnh
Mơn trớn một vòng xe

Trên trán ngày hôm kia
Miếng hôn vừa chạm xuống
Bàn tay nào luống cuống
Vạt gió ùa qua vai

Anh không còn măng mai
Để nghe lòng huyễn hoặc
Nỗi buồn như lẫn quất
Úp mặt vào cơn say

Sương mù về quanh đây
Tiếng cười không đủ ấm
Có màu son rất đậm
Che lấp lời thơ anh

Bài thơ đầu mỏng manh
Cái thời nghe biển hát
Bông sứ gầy rơi lạc
Làm trắng tháng mười hai

Một góc đời chIa hai
Em muốn về bên đó
Áo ơi đừng lật gió
Giữ kín mùi hương em

Trong giấc mơ vườn đêm
Sân nhà ai đã tuyết
Những cây bàng lá biếc
Lấp lánh màu bể dâu

Những mảnh đời lao xao
Có nằm yên bí mật?
Những tờ thư thứ nhất
Có còn trên gối riêng?

Những cuộc tình thiêng liêng
Rất đắng cay và ngọt
Như rượu vừa mới rót
Buồn đã chảy vào ly

Em con tàu mãi đi
(Những ga đời rất đẹp)
Giữa hai đường ray thép
Viên sỏi già nằm im

Những ngày này lim dim
Ngã tư đèn xanh đỏ
Nghe nỗi buồn của gió
Đánh dấu ngày chia tay

Tháng chạp còn hây hây
Đuổi theo mùi hương sắc
Em vẫn còn mướt mắt
Sau những ngày quay lưng

Cánh bướm chiều dửng dưng
Môi em màu cẩm chướng
Mặt trời chưa lặn xuống
Mùa đông đã qua đâu?

Những con chim mùa sâu
Hót lên lời vô cảm
Những tình yêu ngắn hạn
Vừa dừng lại sáng nay…

PHẠM NGŨ YÊN

Advertisement

Lời Chia Tay Giữa Mưa

1.

Tiếng người đàn bà:
“Anh còn ở đó không?”
Tiếng người đàn ông:
“Còn… Sao? “
“Đi ra ngoài đường mùa nầy nhớ giữ ấm…”
“Thời tiết đang mát mẻ mà… “
“Nhưng anh lớn tuổi rồi… Hứa với em vậy đi”
“Hứa. Cúp phone nhe?”
“Còn phải hứa một điều nữa…”
‘Ừ… Nói đi.”
“Mỗi buổi sáng nhờ uống một ly nước lọc. Đó là điều rất tốt cho cơ thể…”
“Ừm.”
“Bấy lâu nay anh có thường xuyên uống nước mỗi buổi sáng đâu? Nói yêu em mà không chịu làm theo điều em dặn mà nói yêu chỗ nào?”
“Anh ráng…”
“Hôn em đi.”
“Ừa, hôn…”
“Hôn ở đâu?
“Mọi chỗ”.
“Hôn trên mắt cho em ngủ thôi”…
Anh chúc nàng ngủ ngon và sáng mai một ngày tốt lành. Giọng anh ngập ngừng.
“Đây không phải chỉ là một lời chúc thôi. Mà hàm chứa những lời tác động từ trái tim.”
Hình như người đàn ông của nàng đang giấu nàng một điều gì. Và nàng thì đang là một phụ nữ không còn trẻ trung. Đàn bà trưởng thành nhờ những tổn thương, chứ không phải vì năm tháng từng trải.
“Sao nghe giọng anh hơi lạ? Anh ân hận à?”
“Trong tình yêu, không có sự ân hận”. Anh nói.
“Có đó. Không những ân hận mà còn quá nhiều thương tổn nữa kìa.”
“Anh không biết nhiều điều đâu. Nhưng có một điều anh biết chắc chắn, đó là anh yêu em.”
“Anh có biết em thích nhất những từ nào không?”
“Từ nào?”
“Ấm áp và sự âu yếm…”
“Thì chúng ta đang có đấy thôi…”
“Xa như vậy mà có à?“
Có tiếng thở dài nơi đầu giây bên kia… Nhẹ thôi và chạm vào âm phách một cung đàn xưa. Nơi bốn bức tường và có nàng ngồi co ro nghe tiếng đời bung rạc.
“Ngay cả yêu bản thân mình, cũng trở thành việc rất khó…“ Nàng nói.
Cuộc điện đàm trái nghịch thời gian. Bên anh là ngày trong khi nơi nàng là đêm.
Nàng nói, mùa này, Việt Nam thật lạ. Buổi sáng có nắng hanh hao mà lạnh. Người ta túa ra đường mang hờ thêm áo ấm và chờ nghe giá rét thổi trên da thịt. Buổi chiều lại thêm cơn mưa bất chợt có những sợi mềm lây lất…
Không biết nàng đang làm gì lúc này. Đang ngồi trước computer nhìn lên màn hình và kéo con chuột lên xuống. Hay đang nằm trên giường ôm gối ôm quen thuộc và trùm mền kín mít?
“Anh. Hỏi anh cái này nè?”
“Gì?”
“Bao giờ thì anh ly dị với Sương Phố?”
Một câu nói vừa phải, không lên xuống cung bậc, nhưng thật sự làm anh nhói đau. Sự nhói đau dù cố không muốn nghĩ hay chạm đến. Vì hễ chạm là lại đau.
Chắc phải khó khăn nàng mới nói lên điều đó. Và phải khó khăn lắm anh mới đè nén một trái tim đang chồng chềnh, bất an…
“Cho anh một thời gian đi… Sương Phố đang có vấn đề sức khỏe…”
“Anh muốn em đứng bên ngoài tình yêu này đến bao giờ?”
“Em không đứng ngoài mà em đang tham dự…”
“Có một lúc em thấy hết còn hứng thú làm người yêu của anh…”
“Đừng như vậy. Em yêu anh, mà Sương Phố đang cần anh…”
“Anh và em đều trưởng thành. Chúng ta cần dũng cảm để đối mặt, chớ không cần sự yếu mềm chạy trốn.”

Anh nhớ ngày anh quen Hạ Hiền là một ngày tháng mười một ở NewYork cách đây 1 năm.
Lúc đó nàng đang có 3 tháng du lịch Hoa Kỳ và điểm dừng chân đầu tiên là Washington D.C. Từ những chuyến viếng thăm tòa nhà quan trọng nhất nước Mỹ là điện Capitol đường Independence Ave, đến những di tích lịch sử như Washington Monument, Tidal Basin (tháp Bút Chì, BEP (nhà in tiền)… ngay cả việc thả bộ dưới những cây anh đào đang mùa chết khô hai bên bờ sông Potomac, rồi những lần bắt Metro về Virginia… Maryland…
Còn anh từ Việt Nam trở về khi nghe tin Sương Phố nằm nhà thương. Chuyến bay vô tình mang hai trái tim chưa từng đập với nhau một lần, nhưng tình yêu đã nói với nhau lời quen thuộc.
Không biết nàng có còn nhớ bao nhiêu cái thành phố chật ních xe cộ và san sát những nhà cao tầng. Nhưng anh thì vẫn nhớ. Vì đó là một nơi ghi dấu kỷ niệm đẹp nhưng nhuốm màu đen tối. Nơi mà không ai bảo ai đều trượt chân ngã xuống đời nhau. Cùng gối đầu trên cánh tay nhau và gọi tên những tháng ngày rách nát.
Thành phố sụt sùi khóc những lá phong thay nhau rụng như mưa trên đường chiều mịt mùng. Chỉ cần một chiếc thôi dù mới đổi màu, cũng đủ lắp vừa một vết thương.
Cái thành phố trưởng thành cùng với lịch sử vàng son của Mỹ từ trên máy bay nhìn xuống đã làm nàng mê hoặc.
Những giải mây trắng như bông gòn xếp chồng lên nhau nằm yên dưới hai cánh màu trắng xám. Thành phố trên cao nhìn xuống như một bàn cờ, trên đó xe cộ, nhà cửa như những quân cờ ngổn ngang chưa kịp thu dọn.
Thành phố New York luôn đông nghẹt người. Các tài xế taxi luồn lách tài tình giữa những lằn đường. Ða số khách vãng lai mới đến New York lần đầu khó lòng tìm ra chỗ đậu xe. Những mái nhà ngất ngưỡng che khuất ánh nắng mặt trời và người ta đi dưới lòng đường đầy bóng mát. Ai đó nói rằng tấc đất là tấc vàng, thành phố này đang nói lên chính xác điều đó.
New York, giống như Chicago, thành phố ngày cũng như đêm. Ánh điện thay cho ánh sáng mặt trời. Anh không biết người ở đâu ra mà lúc nào cũng thấy nối đuôi từng hàng. Những ngọn đèn xanh đỏ liên tục lóe sáng trên những giao lô. Những hành lang sâu tít giống như miệng những quái vật nuốt chững từng đám bộ hành. Ðứng trên cao nhìn xuống, con người không khác một đàn kiến đủ màu táo tác chạy tìm thức ăn.
Người ta đi trong gió lạnh buổi mai và hai tay thủ trong túi áo. Vài người khác cầm trong tay ly cà phê. Vài người cầm dù. Nơi những tam cấp dẫn xuống trạm xe điện ngầm, những tấm biển quảng cáo cho những quán ăn, những hộp đêm có nhạc sống bay phất phới. Vượt khỏi tấm nhìn, là khu Time Square, và khu Manhattan lộng lẫy, nơi nhộn nhịp nhất và nói lên rõ ràng nhất cái diện mạo đời sống của New York. Tại đây có đủ mọi quán xá, tiệm buôn, những rạp hát, những quán cà phê lộ thiên nhìn ra đường. Thực khách xếp hàng rồng rắn trước những tiệm bán Pizza và tiệm bán mì sợi làm theo kiểu Ý Ðại Lợi. Họ cầm món ăn trong tay và đứng ăn, trong khi chờ đợi xe buýt hay taxi. Vừa ăn, vừa uống vừa nói cười. Tại đây cũng có chỗ đậu xuống của Thiên Thần và cũng có chỗ dừng chân của Quỷ. Có những con đường dẫn đến nơi thờ phượng Chúa đồng thời có những hành lang u uất quanh co, dẫn đến khu ăn chơi, xối xả bia bọt. Có diễn thuyết buổi sáng mai và buổi chiều xuống đường biểu tình. Có những cô gái hở hang như chưa từng biết qua áo quần vải vóc. Có những người đồng tính thoạt nhìn tưởng người mẫu. Cũng có những chủ nhân Do Thái đội mũ úp màu đen. Họ vào ra ngân hàng với bộ ria xồm xàm cùng Veston trịnh trọng. Mọi thứ trộn lẫn, dằng xé, như một bối cảnh từ một phim trường hoang tưởng. Mọi thứ đan nhập vào nhau và tỏa lan một mùi vị, một màu sắc riêng biệt làm nên thành phố lớn và đông dân nhứt nước Mỹ.
New York còn có những con đường mà người lái xe chỉ sai một đường lane là không biết chạy về đâu. Có những nhịp cầu vòng vo nối liền với New Jersey bên kia. Có tượng Nữ Thần Tự Do nhìn xuống vịnh Hudson và những chuyến phà chở khách. Có tòa nhà ghi dấu quá khứ những bước chân đầu tiên của người tị nạn. Nơi đó trưng bày hình ảnh các rương gỗ đựng vật dụng, quần áo mang theo trên chuyến hải hành. Những kỷ vật mang nỗi ngậm ngùi nước mắt.
Ðường phố nơi đây dường như chật chội hơn những nơi anh từng ghé qua. Hay phố xá đan kín làm cho người ta mang cảm giác tù túng. Thị dân cũng không giống với thị dân ở một vài thành phố khác, như Houston, Dallas chẳng hạn. Rất ít khi thấy họ đứng nói chuyện bên đường, hay vồn vã. Họ đi qua không muốn nhìn thấy nhau, lầm lũi. Anh nghĩ thầm, nếu như vậy thì làm sao để hai trái tim có thể san sẻ một hơi ấm nào đó, dù chỉ cảm thông?
Vậy mà, nơi căn tiền phòng của ngôi nhà trọ có tên Courtyard Marriot, ở góc đường 43 và đường số 7 đã ghi nhận một mối quan hệ không tên gọi- không có lời thuyết minh. Như một chỗ giao nhau của tình yêu và bội phản. Trước khi chờ một bình minh để theo đoàn du lịch về một thành phố khác, Hạ Hiền đã gọi điện cho anh. Cú phone làm tan vỡ lấm lem những cuộc đời trong sáng.
Ðoạn đường ngắn nhưng phải mất nhiều phút anh mới đến được nơi của nàng. Tán dù nhiều màu dường như muốn nghiêng ngã theo chiều gió. Những chiếc bàn tưởng nằm lấn ra đường, nhưng không phải vậy. Người chủ quán cố tình trang trí để người qua đường thấy quán mang một vẽ luộm thuộm nhưng đầy nghệ sĩ tính, mang phong cách tiệm cà phê khu Germain hay Paris chẳng hạn. Những chiếc bàn tròn tạo nên bởi những thanh sắt uốn cong dành cho hai người ngồi, nhìn ra một bến taxi. Buổi tối tràn trề không khí rét ngọt chưa kịp quen thuộc vì anh mới từ một thành phố nóng bức. Nhưng sự mới mẻ của cảnh vật làm anh cảm giác đang trưởng thành chớ không phải già nua. Đâu đây, gió thổi mơn man như lời truy điệu bài tình ca rát mặt.
Đêm của miền Đông Bắc Mỹ lạnh đủ để hai cơ thể không từ chối gần gũi nhau. Cả hai đều buông thả và không ai muốn kiểm soát cảm xúc. Mùi dâu pha trộn với mùi mật ong trên môi nàng cùng với mùi Rhum trên môi anh quyện vào nhau. Không có khoảnh khắc nào để nói lên đủ cái thế giới này là của ai và sự hồn nhiên của nàng cũng trở thành sự bí ẩn của của người khác. Anh nhớ khi ấy, Hạ Hiền nói, giữa hai nụ hôn.
“Đàn ông món lạ nào đối với họ cũng ngon. Và càng chỉ muốn thêm chớ không muốn dừng lại…”
Dưới chiếc rèm cửa đang ngây ngất chờ đợi khám phá sự lãng mạn của tình yêu, đêm ướt át như chưa từng biết qua những mùa khô tạnh.
Sáng mai, sẽ có một người đàn ông tự dằn vật khi trở về gia đình. Những màu hoa bên đường ra phi trường không còn hớn hở tươi xanh, mà tái tím như màu môi tuyệt vọng.

2.
Quán ăn nằm bên góc đường số 2 và Trinity của Austin, có tên rất ngộ là Café Blue. Quán khai trương từ mùa thu năm rồi. Cà phê là một phần nhỏ của thực đơn. Hải sản và rượu mới là chủ yếu. Món hào sống vắt chanh, ăn và uống cùng Margarita có thường xuyên mỗi tối.
Sương Phố phải đứng một hồi lâu cho quen thuộc với bóng tối. Mọi quán ăn có bia bọt đều bài trí giống như một ngôi nhà dưới âm phủ. Nàng vừa từ ngoài đường bước vào, xém vấp ở ngạch cửa, may mà nàng đi dép.
“Xin lỗi.” Nàng nói.
“Cô ngồi đâu?” Người phục vụ cúi mình.
“Không, để tôi ngồi ở quầy rượu cũng được… Tôi có hẹn một người.”
Nàng tiến đến kéo ghế ngồi xuống. Không cần máy lạnh cũng nghe lạnh ùa về đâu đó.
Hình như khi qua 40 tuổi, người đàn bà miễn nhiểm với những lời tán tỉnh. Nàng không cần một lời khen hay một vòng tay đưa ra để dẫn nàng bước xuống một tam cấp. Mà nàng thì đã gần 50. Bao lâu nữa nàng mới bắt đầu chạm môi để nhẩn nha thưởng thức một nỗi buồn?
Hôm qua, có người đòi chia tay với nàng. Người đàn ông nào cũng vừa muốn ôm sự ấm áp về mình, vừa muốn mở cửa trái tim để đón nhận nhiều ngọn gió mới.
Từ bao giờ, nàng thân thiết những thói quen. Những điều quen thuộc đến nỗi nhàm chán. Nhưng đó là ngày hôm qua và quá khứ. Hôm nay, nàng đang chán ghét những điều đó. Những ảo tưởng và sự khờ dại sẽ được xóa hết. Những chiếc bóng cũng sẽ từ bỏ mình khi căn phòng không còn ánh sáng, huống chi một người đàn ông bên cạnh?
Người bartender đẩy tờ thực đơn về phía nàng. Ngọn đèn trên trần phòng dọi xuống vầng xanh trong vắt như màu trăng đêm. Đủ cho nàng thấy rõ những gì trên khung giấy gấp đôi. Những món hải sản hấp dẫn nằm kề những thức uống đủ loại… Lúc nàng định kêu một cái gì để uống thì thấy anh bước vào.
Chiếc áo thun trồng cổ màu hột gà và chiếc bê rê đen quen thuộc. Trông anh mệt mỏi dù thời gian mới mười một giờ sáng.
“Chào em. Tối qua anh không ngủ được.”
“Còn em thì ngủ thoải mái.” Sương Phố nói khi anh hôn phớt lên má nàng. Những cọng râu cạo bỏ sót trong lúc vội vã của anh làm nàng nhột.
“Anh gọi món ăn giùm em đi.”
Nàng đẩy tờ giấy về phía anh. Tiếng nhạc đủ làm say sóng những trái tim và những lòng tàu. Bài “How Can I Tell Her”do Lobo hát, nghe như thuộc về một thế giới khác… Chỉ có sự hoang tưởng và hấp hối hòa quyện vào nhau. Chỉ có sự nguyên vẹn bao bọc và chở che trái tim vốn yếu mềm.
“Bản nhạc này làm anh nhớ đến một lần chúng ta đi ăn tối với nhau.”
“Lần cuối cùng chúng ta đi ăn với nhau là khi nào?”
“Ngày Thanksgiving năm 2016.”
“Vậy là hơn 2 năm rồi.”
“Lúc đó em mặc chiếc áo rất đẹp.”
“Anh vẫn thường nói vậy với bất cứ mọi người mà?” Nàng mai mỉa…
Giữa lưng chừng mặt bàn và những muổng nĩa, bàn tay nàng trong tay anh. Những lời của anh vẫn nghe chân thành:
“Bác sĩ nói với em làm sao? Sức khỏe em vẫn OK chứ?”
“Làm sao OK được khi thịt da con người tiếp xúc với dao kéo?”
“Anh thấy em rất tự tin ở bản thân.”
“Chứ anh muốn em phải làm sao? Sau cái lời chia tay đó?”
“Anh rất tiếc.”
“Lời chia tay anh nói dễ dàng nhưng với em thì không dễ dàng …”
“Anh hoàn toàn tôn trọng em. Và cho tới giờ phút tồi tệ này anh thấy vẫn yêu em như chưa từng được yêu.”
“Xém chút nữa anh đã làm em xiêu lòng.”
“Anh không ngừng suy nghĩ rằng 1 hay 2 hôm nữa anh sẽ đi và không bao giờ gặp lại em…”
“Sớm hay muộn gì cũng đến ngày đó”
“Anh trân trọng và biết ơn những ngày tháng đẹp mình có.”
“Em cũng vậy. Nhưng đâu cần phải khách sáonhư vậy? Anh muốn làm một người rộng lượng chăng?”
Anh trả lời bằng một câu hỏi khác:
“Em thích loại bia nào? ”
“Không quan trọng. Loại nào cũng ngon cả. Giống như tình yêu, lúc nhận và lúc cho đi.”
“Có đúng sự dững dưng là kết quả đau đớn của tình cảm?”
“Đó là sự dịu dàng với bản thân.”
“Em nghĩ, cứ để mọi chuyện qua đi. Hãy xem chia tay giống như tỉnh dậy sau một ác mộng. “
“Anh chỉ sợ em đau khổ và đang đau yếu.”
“Khi đàn ông phản bội, đừng bao giờ dùng nước mắt để níu kéo.” Nàng nói và quấn lại chiếc khăn choàng trên vai. Một vạt vòng qua lưng và vạt kia che trước ngực. Vết thương vừa mới mổ cách đây nửa năm đã trở thành một vệt mờ. Như một ảo ảnh…
“Là phụ nữ, nên học cách chấp nhận. Em đang như vậy đó.”
“Người ta có thể quên rất nhiều điều, nhưng tình đầu thì không thể.”
Từ quán ăn bước ra ngoài, mưa đang rắt hột. Tháng này mà có mưa giông. Trời tối. Các cửa tiệm vừa sáng đèn.
Anh nắm tay đưa nàng bước qua một vũng nước. Qua một tiệm bán phone di động của người Mễ và một của tiệm Dollar General (tiệm bán đồ một đồng). Phía sau con đường là một hành lang nối với nhà kho. Những hình vẽ bằng sơn xịt trên tường, ghi nhận sự bất mãn vô cớ. Không khí ngây ngất mùi dục vọng. Có vài người đang quấn quít, không phải tránh mưa mà vì môi miệng bỗng dưng thèm muốn nhau.)
(Tuần rồi còn nằm trong vòng tay nhau, vẫn là một ngày mưa, nhưng Sương Phố cảm nhận sự ấm áp. Mặc cho ngày mai sẽ như thế nào. Mặc cho những gào thét của con tim rằng đừng yêu nhau… đừng yêu nhau… và đừng làm khổ nhau nữa…)
Anh châm thuốc. Khói bay tỏa ngang mắt nàng. Có màu nào buồn hơn như vậy?
Anh biết những ngày tới sự cô đơn cũng chật trên đôi mắt đó. Thật ra đàn bà yêu và buồn giống nhau. Và anh thấy rõ ràng là phụ nữ đẹp hơn sau khi chia tay…
“Anh không thể chia sẻ cuộc sống với em. Có gì quá đáng hay không?”
“Em không giận anh…”
Như vậy. Anh và nàng chia tay bên ngoài quán ăn ồn ào, ướt át.

3.
Căn nhà nàng sửa lại cách đây nhiều năm, từ ngày chồng qua đời. Mấy đứa con gái có gia đình ở riêng, cùng trong một thành phố. Lâu lâu tụi nó trở về làm sống động những thước không khí đang im ắng, rồi đi.
Có một thời nàng không muốn tu bổ vì có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chán nản.
Đêm rạc rời tiếng nhánh lá quét trên mái nhà. Những ánh điện từ ngọn đèn đường khiêu vũ trên balcon.
Tiếng gió rít róng từ một cơn bão kéo theo những tiếng đời lạnh câm, hốt hoảng. Tiếng mưa trầm lắng nhưng hối hả làm sao? Mọi âm thanh đều tác động lên giấc ngủ muộn ngoại trừ tiếng gõ của trái tim.
Vậy mà người đàn bà đó đã tự mở toang cánh cửa lòng của mình sau nhiều tháng dài nhiều năm dài để thu vào một hồn bão rớt?
Người đàn ông từ bên kia đại dương, từ những mối tình liêu xiêu không đậm mùi hạnh phúc trở về đòi cưới nàng. Bây giờ anh đang ngồi trước chiếc bàn ăn bằng đá hoa cương giả, một bình hoa không biết đã thay nước rồi hay chưa. Chiếc bếp sạch boong và chậu rửa chén cũng trống trơn. Có ai lắng nghe được điều gì sau những ánh mắt, như muốn nói mà không thể?
“Người ta nói hạnh phúc không chịu nói…”
Anh mở lời. và tiếp:
“Anh sẽ nói dối nếu nói rằng trong một thời gian dài như vậy anh không nhớ đến em…”
“Đâu đủ dài nếu tính từ ngày em đi chơi ở New York?”
“Anh đang thích sự yên tĩnh trong ngôi nhà của em.”
“Cho nên tiếng chuông cửa làm em chới với. Đáng lẽ em không mở cửa vì anh không gọi trước…”
“Em bảo anh phải làm sao khi anh chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp và cả vé máy bay anh cũng mới biết mình thực sự sở hữu từ hôm qua.”
Người đàn bà nồng cháy một thời, nhưng tình yêu là thay đổi. Hạ Hiền nghĩ thầm. Mỗi ngày trôi qua, đẩy nàng và anh thêm khoảng cách. Trong nỗi thinh lặng đáng sợ của lòng, bao lần nàng nhìn lại bóng mình trên tường.
“Cho anh nói với em lời cầu hôn nhé.”
“Sương Phố thì sao? Đừng vội vàng làm người đàn ông phụ bạc?”
Qua vai anh, nàng thấy nỗi buồn bay quẩn quanh trên tường. Trên những khung ảnh có nàng trong đó. (Nàng đang nhìn xuống và cười. Người chụp chân dung cho nàng nắm bắt được nụ cười hiếm hoi và rạng rỡ làm sao).
“Sương Phố đã có một cuộc sống khác không cần anh. Nàng chỉ cần gia đình của nàng và sùng bái những tiếng cười của trẻ thơ. Trong khi anh không đáp ứng được điều đó…”
Một thời gian dài cả hai người đều không ai nói với nhau…
“Cho anh lập lại lời cầu hôn với em?”
“Có lẽ em thích sống một mình…”
“Không ai thích sống như vậy cả.”
Hạ Hiền đi vòng sau lưng anh. Khung cửa sáng và khu vườn bên ngoài. Có những cây hoa mười giờ và cúc vạn thọ đang ra hoa. Còn bao nhiêu ngày nữa đền tháng giêng và thời tiết đang chuyển mùa đợi một mùa lễ lạc?
Những luống rau ít oi phơi phới màu xanh. Góc sân, chậu mai tứ quý có vài nụ dự báo nở kịp vài ngày tới.
Không lẽ, chấm dứt một tình yêu dễ dàng đến như vậy?
“Chuyện gì đã xảy ra?“
“Anh thử đoán xem?”
“Em không nói những lời khó chịu trong 6 phút rồi…”
“Ừ…”
“Chúng ta sinh ra để cho nhau… Từng gặp nhau và đáng được hạnh phúc.”
“Hãy quên nó đi…”
“Anh không quên được.”
“Anh đã từng làm vậy.”
“Tình yêu là điều quan trọng nhất. Đừng quên điều đó. Đó là thứ duy nhất cứu rỗi nhân loại.”
“Nhưng em đã suy nghĩ và những gì chúng ta cho nhau, không hẳn là tình yêu.”
Nàng quay mặt nhìn anh. Không tránh né.
“Em đã bỏ mười năm chăm sóc những ham muốn của em. Nhưng có một lúc em khổ sở khi đối diện với nó.”
“Em đã hứa đi cùng anh đến tận cuối con đường.”
“Nhưng chúng ta chẳng nói rõ nơi đâu là cuối con đường. Giới hạn của chúng ta khác nhau và em dừng lại… Hãy trả mọi thứ về nơi bắt đầu.”
Người đàn ông đứng lên. Hối tiếc một chút vì đã trở về…
“Em đã để lý trí làm tổn thương trái tim… Và anh không biết chiếc nhẫn anh mua phải trao lại cho ai?”
“Anh hãy trao lại nó cho Sương Phố. Hay một người nào khác, xứng đáng.”
“Ngay cả với em, cũng vậy?”
“Vâng. Không nhất thiết phải tặng quà cho em đâu. Chúng ta muốn già đi cùng nhau, mà không được.”
“Em có thể cho anh hi vọng không?”
“Anh có trọn quyền mà.”
“Người ta có thể hi vọng mà không có niềm tin. Nhưng anh không thể tin mà không có hi vọng. Anh vẫn yêu em được không?
“Trong tình yêu của chúng ta, những thứ mà anh cho em, lúc nào cũng là những thứ mà anh muốn cho… Anh chưa bao giờ để tâm rằng đó liệu có phải là thứ em muốn có hay không?”
“Cho anh nắm tay em.” Anh nói khi ra đến tận cửa. Bỗng nghe tiếng mưa đâu đó trên mái nhà. Rồi mưa. Mưa…
Nàng đưa tay cho anh nắm.
“Anh đi về bình an nhé. Coi như chưa từng xuất hiện ở đây.”
Anh đứng băn khoăn trên bậc thềm loáng thoáng nước. Mưa không nhiều nhưng đủ làm chùng những bước chân. Người đàn bà đứng thấp hơn anh nên chuyện khoác chiếc áo mưa lên vai anh là điều khó khăn. Anh nhìn xuống chiếc ngực cong tròn mộng mị sau làn áo mỏng. Dễ chừng bờ ngực đó trẻ hơn tuổi thật đến mười năm…
Anh nghe nàng nói:
“Có lần em thích được anh ôm và hôn trên mắt em cho em ngủ…Ôi, cái tuổi của em. Điên cuồng, mơ mộng, khờ dại. Bây giờ em xóa bỏ hết…”
“Em thật hoàn hảo.” Anh nói nhưng không tin lời mình nói… “Nhưng còn có một vòng tay ôm vào ban đêm thì sao?”
“Em chỉ muốn tìm một người đồng hành sẻ chia mà không cần phải ràng buộc… Điều em muốn chỉ là tình nhân của ai đó. Trình bày hoa, làm bánh, nấu ăn và ngồi chờ… Và tắt nến… Và ngã trên một chiếc giường êm ái…Trọn vẹn yêu và yêu… Không muốn làm người thứ hai chỉ vì sự nhỏng nhẽo bất thường của người đàn bà thứ nhứt…”

Phạm Ngũ Yên

NGỌN NẾN MUỘN CHO TÌNH NHÂN

…tôi nhớ những bài thơ mênh mông viết xuống…mượn người này mà viết về người kia…những lời nào bay lên những lời nào đậu xuống…một người này đang chiếm chỗ của một người khác…nhẹ nhàng mà sâu lắng… Tháng Giêng Đâu Đó Một Bờ Môi…và bây giờ là tháng chín…
TUONG TRI.COM rất vinh hạnh được nhà thơ ( nhà văn) Phạm Ngũ Yên ưu ái.
Xin cảm ơn anh và trân trọng giới thiệu cùng thân hữu.
Muốn có những tác phẩm của tác giả Phạm Ngũ Yên như: Tháng Giêng Đâu Đó Một Bờ Môi (thơ) . Đi Qua Mùi Hương Ngải, Hoa Bluebonnet Cho Hai Người,Chăn Gối Ngày Về ( tập truyện ) xin liên lạc với tác giả qua đc sau:
Ngoài những bản dành riêng cho thân hữu và những ai liên quan đến tác phẩm, quý độc giả có thể tìm mua trên Amazon.com.
Hoặc muốn có chữ ký của tác giả, xin gởi chi phiếu 15 Mỹ Kim về địa chỉ: 1807 Heatherglen Ln. Austin TX 78758, hoặc e mail:
pham_ngu_yen@yahoo.com

Cơn mưa rủ chiều ra phố
Con đường còn lại hàng cây
Vai ai cũng gầy như vậy
Bàn chân chưa biết ngậm ngùi

Cứ tưởng quên là khỏi nhớ
Nhưng sao vẫn thấy nụ cười
Chiếc gối phòng đêm lạnh mở
Không ngờ vương sợi tóc quen

Giữa hàng khuy áo hồn nhiên
Ai đã dụi đầu trốn rét
Giữa đôi bờ môi xanh mét
Bỗng hồng đóm lửa mười năm

Điều gì từ một ngày câm
Tiếng ai gọi về xa thẳm
Biển ơi mùa này mặn lắm
Không còn nhịp sóng xanh xưa

Em qua nhan sắc cuối mùa
Nhưng sao vẫn còn rù quến
Để mãi con thuyền nhớ bến
Để người khát một vòng tay

Vũng Tàu mùa này mưa bay
Em đem gió về nhốt kín
Căn phòng một thời im nín
Ngọn đèn thức suốt đêm thâu

Điều gì từ một nỗi đau
Rớt trên tháng ngày tất bật
Trái tim quá nhiều thương tật
Vẫn là ẩn số bao la

Em từ giấc ngủ hôm qua
Sáng nay tháng mười lộng lẫy
Mùa thu như còn giận lẫy
Chưa vàng nên lá run run…

Cuộc đời không đủ bao dung
Không cả bờ vai để khóc
Em qua một mùa sinh nhật
Thấy lòng cũ một dòng sông…

Đêm nay giữa đường phố đông
Tình cờ vừa nghe ai hát
Là cơn mưa phùn đậm nhạt
Hay lời cháy bỏng dùm nhau?

Giữa hai hàng đèn lao xao
Thắp lên nỗi buồn quyến rũ
Đâu rồi mùa thu rất cũ
Ướt mèm nỗi nhớ về nhau

Những giọt lệ đời lớn lao
Chảy ngược vào tim đau nhức
Bởi một tình yêu đích thực
Sẽ đi đến hết chặng đường…

Phạm Ngũ Yên

ĐI QUA MÙI HƯƠNG NGẢI

Nếu không có tiếng súng bên ngoài làm tôi thức giấc, thì có lẽ đêm vẫn còn là một nỗi buồn chảy quanh như một khúc sông lạc nguồn. Cơn mưa chiều đã tạnh từ bao giờ.
Tiếng gió rung qua liếp cửa từng hồi đã làm gẫy đổ giấc mơ của tôi, trong đó nụ hôn của Ngải Hương trở thành đậm đặc trên môi, rã rời và xao xuyến làm sao.
Trong giấc mơ tôi thấy tôi trở lại Hà Nội. Những cây sấu vừa ra hoa. Con đường có những viên gạch sần sùi dán kín một thơ ấu của tôi bây giờ cũng ngại ngùng và mơ hồ không kém. Trong giấc mơ tôi cũng thấy tôi lùi lại những ngày tháng buồn rầu khi rách nát rơi xuống đời như phấn hoa. Sự học hành đứt ngang nửa chừng khi những người thân lần lượt ra đi. Vừa lên lớp 9 tôi đã mất mẹ. Năm sau đến lượt cha tôi. Tôi bỏ dở lớp 10 để đi vào đời. Hà Nội trống hoát từng cơn gió thổi qua những tấm lòng trơ trọi.
Mùa đông rất dài như một chuyện đời xưa không có đoạn cuối. Những con phố dọc ngang ở bên nầy thơ ấu, còn bên kia là cơ hàn. Đường phố tiếp tục nuôi tôi khôn lớn. Hay tôi tự mình khôn lớn và tự học nơi trường đời. Bản năng sinh tồn đã như ngọn roi quất xuống đời dọc ngang- những vết thương lòng chưa kịp băng bó đã bị áo cơm vùi dập.
Hai mươi tuổi tôi đi qua 2 trại giam. Trại giam đầu tiên lâu chừng một tháng vì tội trốn tránh nghĩa vụ. Lần bị giam thứ hai là một dấu ấn. Dài hơn.
Tôi chưa quen thuộc với đời sống mà trong đó tiếng chim trở thành một điều ước lệ vô cảm. Mùi hoa sửa sáng mai không còn vào ra vấn vít làm thơm ngát Hà Nội 36 phố phường Thay vào đó là bụi bậm và mùi rác rến. Thành phố đó cũng đang muối mặt để quên một dĩ vảng chật nít tự hào. Những cửa ô rướm máu cũ mòn chờ ngày gẫy vụn. Mặt sông Hồng lặng câm che dấu những bất trắc êm ả như chưa hề gợn sóng. Còn những son phấn phù hư nửa? Chúng có lấp được những trái tim thổn thức của các cô gái mong đợi ngày theo chồng đi ngoại quốc, hay đẩy họ vào sâu trong bão lửa làm cháy bỏng thanh xuân? Thành phố đó đang làm sững sốt trái tim côi cút người Hà Nội vì những đổi thay lạ lùng.
Từng dãy nhà xô lấn ra mặt đường, giành giựt lối đi của bộ hành. Những chiếc xe gắn máy made in China phun khói đàng sau ống bô chở trên lưng nó những gả đàn ông to bè tượng trưng một uy quyền đại hán. Một lần nào đó một trong những đại hán như vậy đụng phải một đứa nhỏ băng qua đường và hắn bỏ đi. Tôi nổi máu anh hùng và một cuộc ấu đã không cân sức xãy ra. Tôi vào trại giam để nghe xót xa trong hồn và thấm thía thương tích.
Mưa đêm và gió ngày đôi lúc thổi qua chấn song như tiếng của mùa màng rung lên tuổi thơ. Chúng có khả năng vừa che đậy những nghẹn ngào cũng vừa băng bó mọi vết thương. Chính nơi đây tôi gặp Hà Mô Phạm.
Đó là gả đàn ông sống ngoài vòng pháp luật và quen thuộc các trại giam Phường giống như người ghiền xi nê quen thuộc các rạp hát.
Một lần trong trại tù, Hà Mô Phạm dạy cho tôi biết nếm trải thương yêu ban ngày và đêm đêm ngồi đếm những sĩ nhục. Giữa những chấn song khô khốc tôi nghe khôn lớn nhờ học vỡ lòng những bài học chịu đựng. Hà từng nói: “Một cánh buồm cần trãi được gió bình minh, mới đi vào biển lớn. Những ao hồ cạn hẹp là chuyện nhỏ…”
Ra tù, tôi tìm đến địa chĩ của Hà Mô Phạm.Tôi gặp Hà đễ nghe Hà cho tôi một lời khuyên. Mưa đêm làm ướt át cùng bụi bậm bị dán chặt xuống mặt đường, như những điều hư ảo của cơm áo. Những khao khát bùng lên như ngọn lửa làm leo lét một quá khứ trong khi từng hướng đời mất dấu tương lai.
Tôi đã chọn cho mình một hướng đi. Như lời khuyên của Hà. Những cơn mưa úp chụp xuống đời một đứa con trai hai mươi tuổi sẽ mát mẻ thăng trầm hay đớn đau khô khốc, tôi không hình dung ra. Nhưng tôi biết tôi cần phải bỏ đi ra khỏi đó càng sớm càng tốt.
Tôi không nhớ nhiều về cách thức tôi rời khỏi Hà Nội. Nhưng tôi nhớ ơn Hà Mô Phạm
Hắn lấy của tôi một số tiền không lớn lắm, nhưng tận lòng. Hắn dạy tôi làm cách nào để chịu đựng đói khát như từng chịu đựng trong tù. Đồng thời dạy tôi nhiều câu nói ngoại ngữ, vừa phòng thân, vừa che dấu cái gốc gác quê mùa của mình. Một vài địa chĩ quan trọng liên quan đến nơi sẽ đến. Những sợi thuốc phiêu lảng trên vai tôi, từ những ngón tay vàng ám của Hà, thổi ước mơ tôi bay cao. “Chỉ cần qua được bên đó, cậu sẽ làm lại cuộc đời”. Hà mơ màng như chính hắn sẽ nhập vai chớ không phải tôi. “Hãy quên Hà Nội và quên cái Hồ Gươm chết tiệt của cậu đi. Nó không bao giờ là những bài học, để đem về một đáp số vinh quang cho những thanh niên như cậu…”
Ngày tôi xa Hà Nội, có mưa nhiều trong khi mùa đông đến chậm. Những cơn mưa trãi dài qua những cánh đồng quạnh hiu không bóng người lai vảng. Vài con trâu ốm đói trân mình chịu lạnh và sống sót lạ lùng qua một mùa đông. Một cơn mưa như vậy của mùa Giáng Sinh xô tôi trôi giạt đến địa phận Trung Quốc. Tôi không có thì giờ nhìn lui để kịp nói lời từ biệt Hà Nội. Cũng chưa kịp từ giả màu xanh những cây sấu buồn rầu hai bên đường Cổ Ngư. Những mái ngói rêu phong bụi bậm như chưa hề được tắm gội. May mắn mà tôi chưa có người yêu nên chưa biết một màu hoa thủy chung nở ra sao bên lòng cuộc đời. Có lẻ nào tôi quên được dễ dàng Hà Nội? Những con dế thao thức trong lòng cỏ ướt át sương muộn lúc tôi ngồi trên băng ghế nhìn ra Hồ Gươm. Tờ giấy báo ủ rũ bay giạt dưới gốc cây liễu như chia sẽ với tôi một ngậm ngùi không tên gọi. Mai nầy mùa thu sẽ se sắt hay ấm lòng như lời bài hát của Phan Huỳnh Điểu: “Tình ta như hàng cây, qua những mùa bão gió. Tình ta như dòng sông qua những mùa thác lũ. Thời gian như ngọn gió mùa đi cùng tháng năm…”
Bài hát tôi nghe Bảo Yến ca khi nàng về Hải Phòng hát cho những lầm than nghe. Năm đó tôi vừa mười sáu. Tôi đang là dân cữu vạn đúng nghĩa. Danh từ “cữu vạn” ám chỉ những người phu bốc vác. Họ khiêng gánh hoặc chở chuyên mọi hàng hóa nặng nề từ bến cảng lên nhà kho hay từ khu chợ nầy đến khu chợ khác. Thời gian làm việc không có giờ giấc nhất định. Khi nào có hàng thì làm. Không có hàng thì tụ năm tụ ba nhậu nhẹt, cớ bạc. Và gái ghiếc…

Có những đoạn đường tôi phải đi ban đêm. Người lái xe ôm chở tôi ngồi sau lưng hắn, những lời hỏi đáp bị gió cuốn hút. Mùi mồ hôi lẫn với mùi thuốc lá bị ém nghẹn trong thanh quản. Đâu đó phố núi sừng sững khi thì chạy lùi, khi thì song song bên cạnh. Ánh đèn nhập nhòe từ một xóm làng sơn cước. Một chặng khác, cùng với những chiếc xe tãi chở hàng quốc doanh. Tôi bị treo nằm ngang dưới gầm xe cùng với vài người đàn ông có cùng mục đích. Hình như đêm cũng ràn rụa một vầng trăng khi xe dừng nơi một trạm gác. Tiếng chào hỏi của tài xế và tiếng chạy tới chạy lui của người lơ không lấp được tiếng tim đập mạnh trong lòng ngực. Rồi tiếng những tờ giấy bạc vỗ trên thành xe, hay tiếng mưa rớt xuống đời day dứt? Rồi xe chạy. Con đường dằn xốc, tung hứng và làm chao đão thân thể những con vật người- hay những con người sắp trở thành con vật bị mất cảm giác- Tôi thiếp đi nhiều lần trước khi xe dừng ở biên giới. Một vài lần tôi được tiếp tế thức ăn. Đó là những lần hiếm hoi tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Mùa đông mang rét nàng Bân đến sớm. Quê tôi xa tít ngoài những chân mây rối bời. Nơi những dân nghèo không biết đếm thời gian nhưng vẫn đợi ngày lúa trổ. Khi ngươì ta biết góp nhặt khổ đau để hiểu trái tim mình, thì người ta sẽ yêu đất nước mình vô hạn.
Ngôi nhà nằm trên cao và sâu trong một quận hạt có tên là RoundRock. Tôi biết vậy lúc đến đây ngày đầu tiên. Muốn vào tận nơi, người ta phải vượt qua một xa lộ dài có tên là xa lộ 35, rồi tẻ nhánh vào exit 247. Xác lá mùa thu nằm bẹp dưới vòng bánh xe, khi Ngải Hương kéo tôi ra khỏi chiếc xe Lexus của nàng. Ngải Hương là tình nhân của Sơn, cũng dân Hà Nội, nghe nói qua đây theo diện R.O. Sơn đang là chủ nhân của căn nhà trị giá nửa triệu bạc.
Đây là “Phố Đá Tròn”. Ngải Hương nói với tôi. “Rồi Quách Tỉnh sẽ thấy không nơi nào dễ chịu bằng nơi nầy. Muốn thấy sông có sông, muốn thấy hồ có hồ. Muốn thấy đồi sẽ có đồi và vùng Dowtown có nhà cao tầng tuyệt đẹp”.
Ngải Hương nói mà không cần tôi nghe và hiểu kịp hay không. Nàng gọi tôi là Quách Tỉnh vì dáng điệu bên ngoài của tôi. Tôi không hề để tâm chuyện đó vì chỉ cần nghe nàng nói và mỗi ngày nhìn thấy nàng là hạnh phúc. Chiếc áo đầm màu đen có thêu ren mềm dưới gấu gây cho người nhìn có cảm giác nàng đang mặc áo ngủ ra đường. Hai sợi dây nhỏ rưng rưng trên hai nhánh vai mảnh mai như hờ hững níu kéo mọi vải vóc trên thân thể khi nàng chuyển động. Nhìn nàng phía sau, tôi thấy thán phục cho những đấng sinh thành nào đó đã tạo ra hình hài tuyệt mỹ của nàng.
“Quách Tỉnh chào Sơn đi”. Nàng nhìn về phía một người đàn ông âu sầu ngồi trước sopha. Ly rượu màu đỏ đang uống dang dở. Sơn nhìn tôi quan sát không nói một lời.
“Chào anh”. Tôi ấp úng. Sơn khoát tay và thuận tiện kéo chai rượu gần đó và rót thêm trong ly mình. Màu rượu đỏ sậm sáng lên khi Ngải Hương mở thêm ngọn đèn trong phòng khách. Câu nói đầu tiên mà tôi nghe được chiều hôm đó, từ miệng Sơn, nghe như được ủ bằng mùi khói thuốc và bia bọt trộn lẫn:
“Cậu uống được rượu không?”.
“Lúc còn ở Việt Nam tôi có uống, nhưng không phải rượu “cao cấp”.
Tôi vẫn chưa cảm giác được thoải mái khi đứng trước mặt người đàn ông mà lúc ngồi trên xe, Ngải Hương nói là sẽ đưa tôi về gặp Boss ”.
Sơn khoảng 35- 36 tuổi. Hoặc hơn kém chút đỉnh. Bàn tay dài và những móng được cắt cẩn thận. Chiếc áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần jeans xanh, đơn giản như một gả học trò đang ngồi trong thư viện. Nhưng ánh mắt gây cho người nhìn sự e dè. Nếu không muốn nói là xa vắng thiện cảm.
“Cậu sẽ làm việc gì ở đây? Có ai nói cho cậu biết chưa?
“Chị Ngải Hương có nói sơ cho tôi biết”. Tôi trả lời
“Tốt”.
Tôi theo Ngải Hương đến phòng ngủ của tôi. Căn nhà nhiều phòng có cửa đóng kín đến nổi tôi không nhớ hết những nơi tôi đi qua. Chỗ của tôi là một căn phòng rộng không có bàn ghế, cũng không có giường. Nền nhà được lát bằng gỗ đánh vẹt ni. Trên đó là những chiếc nệm dùng làm chỗ ngã lưng có phủ drap màu được xếp ngay ngắn. Có tất cả 5 chiếc. Chúng được đặt hai bên chừa một lối đi ở giữa. Bốn chiếc kia đã có mền gối và một ít đồ đạc lỉnh kỉnh, chỉ còn một chiếc bỏ trống, tôi nghĩ dành cho tôi.
Phòng vệ sinh gần bên cửa ra vào. Không có TV. Không có tranh ảnh treo tường. Cũng không một âm thanh nào rớt xuống để gây cho ngưòi ta cảm giác đang sống giữa lòng đô thị.
Chiều xuống bên ngoài. Những cây sồi oằn oại nhìn xuống bờ cỏ xanh mơ màng. Ngải Hương đi khỏi chỉ còn mình tôi trong phòng. Tôi nhìn xuống chiếc túi xách bụi đời dưới chân và ngả lưng xuống nệm. Hi vọng ngủ một giấc nhưng không được. Đầu óc rối bời nghĩ đến ngày mai và công việc lạ lẫm trong một xứ sở cũng lạ lẫm vô cùng.
Tháng mười năm ngoái tôi còn ở bên Anh. Một tổ chức nào đó giới thiệu tôi làm việc cho một trang trại vùng North Wales. Tiền công cuối tuần được khấu trừ vào những chi phí như tiền trọ phòng, tiền ăn uống, tiền hối lộ làm giấy tờ để qua mặt cảnh sát. Dĩ nhiên những giấy tờ đó đều giả mạo. Thời gian cơ cực nhất phải nói là thời gian sống ở Trung Quốc. Vì nơi đây là trạm khởi đầu để nhập cư lậu qua các nước Âu Châu nên những nhu cầu cần thiết cá nhân đều bị hạn chế. Những người cầm đầu tổ chức cấm chúng tôi không được ló mặt ra khỏi phòng. Việc ăn uống, vệ sinh cũng bị hạn chế để tránh sự dòm ngó của người địa phương. Thời gian này chỉ kéo dài hơn một tuần lễ, nhưng cũng đủ làm suy sụp tinh thần của tôi.
Thoạt tiên, người trưởng nhóm nói tôi sẽ được học nghề trong một nhà hàng. Nhưng thật ra khi về vùng Zabki, ngoại ô Warsaw ở Balan, tôi được dạy cách trồng trọt duy nhứt những bụi cây có hình dáng giống như cây ngò gai, hay cây tần ô, nhưng có lá dài hơn, óng ả. Nhiệm vụ của tôi lúc đó còn thêm việc canh giờ bật điện khoảng sau 10 giờ đêm và trộn hóa chất với nước để tưới cho cây. Sau này tôi biết nguồn điện “câu lậu” từ cột điện cao thế bên ngoài. Người làm công của nhóm này sẽ không biết công việc của nhóm kia. Họ ở trong các phòng riêng và nhiều khi không biết hết tên tuổi của nhau. Mỗi 3 tháng một lần có xe tải đến chở những bao lá sấy khô đem đi nơi khác.
Nơi trú ngụ cuối cùng của tôi ở Âu Châu là Canada. Ngải Hương đã bốc tôi ra khỏi nơi đó, giống như bốc một món hàng… Một chi nhánh trồng trọt của Sơn tại Austin đang cần một người Việt Nam có tay nghề và có kinh nghiệm “đụng chạm”. Nàng tìm đến tôi.
Mãi sau này, tôi mới biết tôi đang làm việc cho một tổ chức chuyên trồng cần sa. Những nhánh lá ngoài vườn và trong các chậu treo trên tầng trệt của ngôi nhà 7 phòng mà người đời gọi là những lá cây quyến rũ. Nó có khả năng làm rực rở và ngời sáng một ước mơ, nhưng đồng thời giết chết từng thanh xuân lần mòn. Trên mỗi cánh lá mơn mởn kia, tình yêu và đời sống đan vào nhau rất dịu dàng, rất thân mật, nhưng cũng chua xót bầm vập biêt bao.
Đã có những ngày mưa dầm trên Phố Đá Tròn.
Sơn và Ngải Hương không còn hiện diện tại đây. Họ phải về Canada một ít lâu. Tôi tiếp tục làm những công việc mà người ta đã dạy tôi. Buổi sáng tôi tưới những cây ngoài vườn bằng xe có vòi nước lưu động. Ban đêm, khi hơi nóng mặt trời dịu xuống, tôi dùng bình xịt nước tưới những chậu treo trên cao. Bình xịt nước có hai chạt dây, tôi mang nó sau lưng và đi qua dãy hành lang mờ tối. Ánh sáng hiu hắt dội xuống những tia nước như giống như những nhánh tay đời muốn đụng tới bình minh. Khi mỗi cuối đường là bất trắc?
Căn nhà rộng mênh mông. Người chủ nhà trước kia đã chia những phòng thànhcác khu tách biệt. Bây giờ khi Sơn về làm chủ, có thêm hệ thống thông gió xuyên qua mái, và hệ thống điện và nước cũng được lắp đặt lại. Những bóng điện công suất cao- mà chúng tôi gọi là đèn mặt trời- có công dụng làm cho hành lang ấm lại vào mùa đông và mát vào mùa hè. Có một người đàn ông gọi là Chú Ba, sẽ phụ trách phần này. Hắn ít nói và biểu lộ sự thân thiêt vừa phải với người chung quanh. Những phòng ngủ cũng được tận dụng tối đa để trồng trọt. Tôi đếm có tất cả 500 chậu. Còn ngoài sân khoảng 250 bụi cây. Ngoài ra trong nhà kho còn những hộp vuông đựng hạt.
Từng buổi chiềucô đơn nhìn ra khu vườn bên ngoài, tôi không còn ý niệm về thời gian. Không gian cũng không gợi trong tôi điều gì, ngoài những vạt cỏ mông lung. Ngôi nhà, như một thế giới khép kín. Đường phố lơ đảng tiếng kèn xe như vọng về từ một xứ sở nào khác. Tôi nhớ nhà vô cùng. Nhớ những bờ đường trượt mình dưới những cơn mưa như tuổi thơ tôi hối hả. Mùa nầy Hà Nội sắp tết. Chắc nơi đó giờ này là buổi sáng mai đang có gió làm sạch mặt đường. Có còn không những cơn bão bịn rịn bay qua bến chợ, làm tê điếng một khúc sông Hồng?
Sau một mùa thu hoạch, tôi được tăng phái qua khu vực sưởi. Nơi đây, những lá cây được cắt từ sân vườn sẽ được bỏ trong lò sấy hiện đại để làm khô. Sau đó được xếp vào bao tải. Đến phiên người tái xế sẽ đem đi ra khỏi đây.
Mùa đông, gió rít ngoài cửa kính. Những âm thanh sôi nổi va chạm vào nhau như tiếng chân đời đi vội vã. Một buổi chiều tôi nghe tiếng xe của Ngải Hương trở về. Không có Sơn bên cạnh. “Có gì lạ không, Quách Tỉnh?”. Nàng hỏi. Tôi lắc đầu. Câu nói rơi xuống chiều lặng lẽ. Cùng tia nhìn nặng trĩu một ân cần. Chính vì vậy làm tôi cảm giác mình nhỏ nhoi trước nàng.Dầu gì tháng mười vừa rồi, tôi đã là một thanh niên 25 tuổi.
Ngải Hương đứng trên bậc thang dẫn lên tầng trệt. Qua vai nàng, những nhánh lá xanh um phủ kín thành chậu. Có tiếng gì không rõ như tiếng một trái khô vừa rơi xuống lòng suối nhân tạo chảy qua hòn non bộ. Cũng vừa lúc tôi bắt gặp nỗi im lặng đáng sợ của lòng.
Ngải Hương đem mùa xuân về trả lại cho Phố Đá Tròn. Cùng sự hồi sinh của cây cỏ làm đầm đìa ký ức. Mảnh vườn vắng nàng bấy lâu đã từng im thít tiếng chim. Tôi đi qua những căn phòng hình như thấy rộng hơn và vấp trên những nỗi buồn ngang dọc. Nàng trở lại, thanh thoát và nhỏ nhắn lạ lùng. Phố chiều nay có mùa đông rất lạ. Sương mù thổi về như sông lạnh. Bộ đồ nàng mặc màu trắng như một vệt khói bay qua một góc đời nào đó. Không có nhân quả, cũng không có khổ đau. Giống như một đứa trẻ mang trong lòng sự dỗi hờn, tôi muốn Ngải Hương phải nói một điều gì đó, về nàng. Nhưng nàng đã như một cơn gió đêm rơi thầm trên mái ngói, xa lạ và kéo theo những rét mướt vô tình.
Nàng không ra khỏi phòng, cho đến một đêm, nàng nói với tôi:
“Mình đi xuống phố. Sơn vừa gọi chúng ta.”
Chúng tôi đi qua những giao lộ sầm uất ánh điện và xe cộ vụt qua như thể đời sống hối hả khôn cùng. Những cửa tiệm chất chứa mọi lạc thú của đêm và che dấu mọi bất trắc đàng sau những ngã tư sũng gió. Càng về hướng phố, đường xá càng hẹp và xe chạy chậm hơn. Những tòa cao ốc khi gần khi xa làm choáng váng tầm nhìn của gả con trai quê mùa là tôi. Đi qua một tòa nhà có mái vòm lộng lẫy cùng những thân cột bề thế không biết hàng bao nhiêu năm nắng mưa mới làm suy siểng, nàng nói:”Tòa Capitol. Nơi mấy ông lớn làm việc”. Nàng giải thích như vậy và sợ tôi không hiểu, nàng tiếp:”Tòa nhà nầy xây giống theo hình thức của điện Capitol tại Washington D.C, nơi làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ, nhưng kích thước nhỏ hơn”.
Xe rẻ vào một chỗ đậu xe có đóng tiền. Tôi đi theo Ngải Hương trong lòng đêm phơi phới. Những đêm đẹp như thế này mà không có ai bên cạnh sẽ là điều buồn nhất. Chúng tôi đi trên vĩa hè lát đá mỏng vuông vức vẫn còn hơi lạnh như thể mùa đông không bao giờ bay biến. Những dòng xe xuôi ngược bên lối đi, dưới những ngọn đèn đường co ro, rồi mất tăm không biết về đâu. Những băng ghế chờ xe buýt lác đác vài khách bộ hành. Họ thủ kín thân thể trong hai ba lớp áo quần chỉ chừa lại khuôn mặt.
Mùa đông không chỉ là lạnh giá, mà còn có thêm nỗi buồn. Tôi nghĩ về những cơm áo níu chân tôi mỗi ngày khiến từng giấc mơ bay qua đời không đậu xuống. Hay nếu có, thì rất ngắn ngủi. Như những đường chỉ tay cạn trong bàn tay thô ráp.
Chỗ mà Ngải Hương ghé vào là một quán rượu nằm bên đường số 8. “Sơn có công việc ở đây”. Nàng nói, vẫn không dừng những bước chân thoăn thoắt. Mặt trước phòng dùng để bán bia rượu cùng những thứ giải khát. Có những cô tiếp viên phục vụ mặc đồ nửa kín nửa hở mang khay đựng thức uống bằng một tay, còn tay kia cầm tiền thối lại của khách. Miệng lúc nào cũng cười tươi như hoa. Nhưng coi chừng, đàng sau những nụ cười tê điếng đó là những lưỡi lam cứa đứt ví tiền của bạn như chơi. Tiếng nhạc giống như tra tấn lỗ tai người ngồi quanh quẩn nơi mấy chiếc bàn tròn có phủ drap màu bọt đô. Những chậu hoa trong lọ phơi bày sự mời mọc hớn hở. Tất cả đều trở thành cuồng si nếu chúng ta dừng đâu đó và ngồi xuống. Nhưng Ngải Hương vẫn tiếp tục đi qua chỗ náo nhiệt để vào bên trong. Nàng có vẽ quen thuộc và thành thạo một nơi chốn mà không phải bất cứ ai cũng có thể bình thản tham dự. Tôi líu ríu và khổ sở đi theo Ngải Hương. Những đôi mắt không che dấu nhục cảm nhìn theo lưng nàng và tôi biết tôi phải che chở cho nàng tới nơi tới chốn. Dù đến tận cùng trời, cuối đất. Càng vào sâu, ánh sáng càng giảm cường độ, cho đến khi chúng tôi lọt hết vào trong một cánh cửa màu đen như trong một cửa hàng bán quan tài thì tôi vừa thấy Sơn.
Hắn không ngồi một mình mà bên cạnh đó có hai thanh niên trắng trẻo. Chiếc áo quấn trên người họ tượng trưng cho một xã hội khao khát những nghịch lý và không bình thường. Bộ đồ được trau chuốt bằng một thứ vải vóc giống như “sa teng” hay một loại hàng nào đó giống như vậy. Tôi không có khả năng phán đoán người đối diện, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết họ là hai người đồng tính- một hạng người mới đang thao túng những góc phố đèn màu của Hà Nội- Sàigòn. Ngọn điện trên trần dọi ánh sáng không đủ xuống những màu sắc hổn hển không cần dấu diếm, che đậy. Sơn thấy chúng tôi nhưng dường như quá bận bịu hay vì quá chén mà không thể đứng lên. Một cánh cửa ăn thông một căn phòng khác mà lúc mới đặt chân vào tôi thấy có giường nệm hẳn hoi. (Một tủ lạnh và một chiếc truyền hình đang dội ánh sáng lướt thướt xuống nền gạch). Mùi mỹ phẩm thoảng bay qua khứu giác khiến tôi nao lòng. Phải chi tôi được uống một chất cay nào đó lúc nầy để giữ bao tử khỏi bị cồn cào, nôn mửa…
Ngải Hương đến sau lưng Sơn. Hai cánh tay trắng muốt của nàng choàng qua vai hắn. Nàng hơi cúi xuống để nói nhỏ với Sơn điều gì đó và chính vì vậy tôi thấy hai gò ngực của nàng phập phòng. Nó mơn trớn và ngỡ ngàng như hai phiến băng lạnh trôi giạt giữa hai bờ yên tịnh của đời. Còn đôi môi màu phượng nửa. Nó vừa cuốn hút, nhưng cũng vừa quay lưng với mọi trần tục bất an. Hơn lúc nào hết, tôi thù ghét cái không khí dung chứa mọi ước lệ về đời trong đó sự kiêu hảnh, sự đè nén đan vào nhau trở thành kỳ hoặc. Cuộc đời bí hiểm hay cuộc đời phơi bày ra những giản đơn, những dung tục? Tôi muốn rời khỏi phòng để ra ngoài trong giây lát, cũng là lúc Sơn đứng lên để rồi té xuống giữa bốn cánh tay dịu dàng của hai gả con trai. Họ xoắn vào nhau và cuối cùng biến mất nhanh chóng vào căn phòng có chiếc truyền hình đang chớp nháy.
Một gã khác hiện ra tôi không nhớ từ lúc nào. Hắn giống như từ dưới đất nhô lên và khi tôi kịp hình dung ra sự vô lại toát ra từ thân hình vạm vỡ của hắn thì hắn đã đẩy Ngải Hương ngả xuống chiếc bàn- mới vừa sắp sẳn những dấu tích hoan lạc- Sự kinh ngạc to tát khiến nàng không thốt kịp lên thành lời. Nhưng tôi đã kịp biết mình phải làm gì. Những ngày u uất trong nông trại không giao tiếp với thế giới bên ngoài. Những đêm mưa ngày mưa chôn chặt quá khứ tôi xuống thửa đất mong manh nhưng chứa quá nhiều bí mật. Và trên hết là một tình yêu cho đi mà không chờ đợi lấy về. Tôi không biết tôi có thể yêu được nàng hay không, nhưng tôi biết giấc mơ của tôi dù thơm và ngậm đầy những khuyết tật chồng chềnh, nhưng không phải vì vậy mà tôi để yên cho bất cứ ai xâm phạm đến nàng. Tôi lao tới bằng tốc độ của một ngôi sao băng và một trái tim rét mướt hận thù. Tôi nhớ đến gã “đại hán” Trung Quốc mà tôi có lần đụng chạm ở Hà Nội. Tôi ngạc nhiên về sự trầm tỉnh của mình khi bàn tay trái của tôi vổ mạnh vào màng tang của hắn. Hắn quay lại và chưa kịp phán đoán ra điều gì thì tôi đã nhập sát vào người hắn đồng thời khủy tay tôi giật ngang. Tôi nghe hình như có tiếng xương vừa gẫy vụn- hay một tiếng gì tương tợ, cùng lúc thân hình đồ sộ ngã xuống. Tôi kéo Ngải Hương không cần biết nàng có ưng thuận hay không. Nàng ngoái nhìn lại phía sau. Bàn tay rung và đậm đặc nỗi sợ hãi. Chúng tôi tìm ra được bãi đậu xe và chiếc Lexus của nàng vẫn nằm yên như mê ngủ. Sương sớm đọng trên những chụp đèn còn cháy muộn bên đường. Phải một lúc lâu, Ngải Hương mới rồ được máy xe. Bảng chỉ đường nhòe nhoẹt hướng về Phố Đá Tròn…
“Như vậy là Quách Tỉnh đã biết về Sơn”. Trong đêm bao la của tháng chạp, tôi nhủ lòng phải chi mình đừng rời bỏ Hà Nội. Quá khứ cũ kỷ đến nỗi từng chiếc lá khô và những đường gân trên đó cũng cộm lên nỗi đắm say khi vạt gió vụt về. Khi những trận mưa đêm ngấu nghiến lòng đường thô ráp. Những chuyện hôm nào đã trở thành cổ tích.
Tôi đã biết về Sơn cũng như biết Ngải Hương không hề là người tình của hắn.“Em kết hợp với Sơn trong ý nghĩa hai bên cùng có lợi. Em muốn ra khỏi Canada trong khi Sơn cần nhan sắc em để thu phục những nhân viên có tay nghề về với Sơn. Anh đừng giận”. Nàng buồn rầu. Những ngón tay của nàng vuốt nhẹ trên gò má tôi thay cho lời tạ lỗi. “Thoạt tiên, em cũng nghĩ về anh như vậy. Nhưng càng về lâu, em không tìm ra lý do để lợi dụng anh”. Anh hiền lành và có cá tính không như những nhân viên khác”.
Tôi muốn nói lời cảm ơn với nàng, nhưng vụng về làm sao.
“Nhưng có một điều mà em không hề biết. Là giữa em và Sơn, người thiệt hai nhiều nhất là em chớ không phải Sơn. Em đã mất phương hướng và mất cả đường về. Ngoài việc trực tiếp tham dự vào một tổ chức tội ác mà không một tòa án nào có thể giảm khinh, bản thân em còn vướng vào một tòa án khác. Đó là nghiện ngập. Mỗi ngày đi qua những cành nhánh quyến rũ kia, em đã không thể không mũi lòng trước mùi thơm của nó. Cho đến khi biết nó trở nên một phần xương thịt, máu huyết của em thì đã muộn. Em không thể cưỡng lại lời thầm thì của mụ phù thủy mang tên phù dung trong vườn. Chính cái tên Ngải Hương là do em tự đặt…”
Căn phòng dùng làm nơi sống chung của Ngải Hương và Sơn là một căn phòng riêng quay ra phía sân trước. Đêm qua Sơn không về. Có thể Sơn sẽ không về một thời gian vì có nhiều điều tránh né.
Buổi sáng có tiếng chim thả những lời mật ngọt qua vườn. Ánh sáng mặt trời e ấp trong sương lạnh giống như tia nhìn của nàng. Tôi thấy nàng thanh khiết và tội nghiệp dù nàng vẫn thao thao bất tuyệt nói về mình. Làm như giông bão đã từng thổi qua vai ai chớ không phải qua vai nàng. Làm như những giọt cường toan vừa ngấu nghiến thanh xuân của ai kia chớ không phải ngấu nghiến thanh xuân nàng.
Tôi hôn nàng và nghe tiếng thầm thì đau điếng từ căp môi run. Những thiên đưòng cũng lệch cong trên gối chăn tơi bời. Tôi vào bên trong nàng. Sâu. Và chậm rãi.

Thay cho lời kết,

Có những dòng sông đau lòng vì sông cô độc.
Tôi đang là dòng sông như vậy khi cả hai bờ đều lở.
Khi tôi rời Hà Nội, tôi không có một tình yêu. Khi tôi rời Phố Đá Tròn thì tình yêu đã trở thành một quá khứ. Tôi nghĩ mình sẽ bỏ căn nhà nơi vùng Round Rock để đi đến một nơi nào khác làm lại từ đầu. Hàng cây phong trần bụi bậm không giữ được gió để chúng tản lạc chốn nào. Những luồng xe ngoài Freeway chở chiều trên lưng đi về vội vã.
Ngải Hương không còn trong cõi đời này. Tôi đau lòng để nói ra điều này.
Tôi chỉ là một gã đàn ông chân quê trước cuộc đời tẻ lạnh, Không nghề nghiệp, cũng không tàì năng. Ngay cả việc làm cũng không biết rõ mục đích. Bỗng một ngày Ngải Hương đi qua. Đôi bàn chân có những ngón đài các làm tỉnh ngủ đất đai và kinh động mùa màng. Và tôi như một dòng sông mất hồn không tìm thấy biển.
Những cành hương ngải thơ ấu lớn lên rưng rưng theo thời tiết tháng năm, giống như những chàng trai, những cô gái vào đời. Họ theo gió sớm mưa khuya bay qua những miền dâu bể. Nhưng Ngải Hương thì khác.
Khi tôi hôn lên khoảng ngực trần của nàng và đôi vai ngang mầu nhiệm kia, tôi biết thân thể nàng gầy đến nỗi nếu chỉ một cử động hay một hơi thở mạnh sẽ làm cho nàng gẫy đỗ.
Dưới hàng khuy che chắn mùi ngực non, ngón tay nàng lạnh không kém mùa đông bên ngoài. Câu chuyện tình yêu nào cũng bắt đầu và kết thúc bằng môi miệng. Những vọng âm và ngụy ngữ không cần thốt nên thành lời. Chỉ có da thịt cồn cào tiếng thầm thì hạnh phúc.
Bây giờ tôi đã biết, mùi vị của những cây ngải hương đã tác hại lên từng giấc mơ của tôi. Rõ ràng và mãnh liệt.
Chẳng ai có thể thay thế nàng. Giống như một cánh cửa vừa mở ra, đã khép, tôi bất lực nhìn Ngải Hương đi ra khỏi đời.
Không có gì khác hơn một khu vườn cuối mùa thu hoạch, những nhánh lá đổi màu xanh thành màu cỏ úa, trong rét mướt của chiều có con chim về lót tổ. Tiếng hót mang giai điệu tủi hờn.
Ở bên ngoài tịnh yên, tôi đã chọn cho mình chỗ đứng. Như một chuyến xe vừa đãi lọc những chặng đường, tôi đã vừa từ bỏ những quá khứ lấp lóa đèn màu để đi vào ngỏ cụt.
Ngay chổ tôi ngồi, thửa đất phủ kín một phần thân thể của Ngải Hương. Thời gian cuốn phăng những điều nghịch lý giống như mưa thấm sâu vào vùng đất thấp. Mùa xuân ngọt ngào sẽ qua đây sáng mai, nhưng căn phòng có cửa sổ nhìn ra sân trước của khu vườn sẽ đóng lại vĩnh viễn. Từng cơn gió tạt qua đó như nỗi nhớ. Không còn ai để gọi tôi là Quách Tỉnh nửa đâu.
Tôi không biết chứng bệnh quái ác hay một cơn phấn khích đột ngột nào đó lấy đi cuộc sống của Ngải Hương. Nhưng bác sĩ ở bệnh viện đã chạy chữa hết cách và trong một tình huống chẳng đặng đừng, họ đã yêu cầu thân nhân đồng ý cho nhân viên bệnh viện rút dây chuyền dưởng khí ra khỏi nàng.
Sơn là người duy nhất có mặt để lo liệu thủ tục. Đám tang vội vàng vì theo hắn nếu kéo dài sẽ kéo theo những rắc rối ngoài ý muốn.
Buổi chiều Sơn đem về từ nhà quàng hủ đựng hài cốt có ghi tên Ngải Hương bên ngoài. “Cậu tìm cách bảo quản hay tìm một nơi nào đó, trong vườn để gởi gắm chị cậu… Gọn gàng nhưng đừng sơ sài quá”…
Giọng nói vẫn lạnh lùng như của một người chưa hề biết qua những tình yêu hay lòng nhân ái.
Tôi dùng những dụng cụ làm vườn để chôn Ngải Hương dưới một thửa đất, cách xa những gốc cây cần sa … Không xa lắm đủ để tôi nhận ra cuộc đời không mênh mông dễ sợ như tôi nghĩ. Cuộc đời vẫn thừa mứa hoan lạc lẫn khổ đau. Cây thánh giá cắm trên đó như một dấu tích điêu linh và mỗi ngày rét mướt đi qua sẽ lau khô dùm nàng những phiền tục hớn hở.
Khi cảnh sát ập đến ngôi nhà này hồi tháng trước- nghĩa là sau Tết Việt Nam vài ngày, tôi đang ở nhà một mình. Sơn và những người khác không ai có mặt.
Họ lấy khẩu cung tôi nhiều ngày nhưng sau cùng biết tôi chỉ là người làm công, không phải là người điều hành nên giam giữ tôi tại phòng giam của quận hạt, chờ ngày ra tòa. Và nếu xét thấy có tội, tôi sẽ bị tù một thời gian. Sau hạn tù, tôi sẽ bị trục xuất về nơi chốn mà tôi đã ra đi. Đó là Hà Nội, Việt Nam. Tôi sẽ gặp lại Hà Mô Phạm.
Tôi không buồn. Chỉ thấy đau lòng không biết ngôi nhà từng ghi dấu kỷ niệm giữa tôi và Ngải Hương sẽ trở nên thế nào. Và một nơi chốn vừa ghi xuống một tình yêu đầu đời.
Có những điều mà con tim muộn màng đập lên khi bàn tay đã rời hơi ấm. Và nỗi cô đơn chật kín khúc sông đời mông mênh. Tôi đi qua những tháng năm dài được gối đầu trên đôi vai trần thanh khiết của Ngải Hương. Và hơi thở thơm mùi nha phiến của nàng tỏa ra mỏng mềm hơn sóng áo.
Đó là một kinh nghiệm non yếu nhưng rền rĩ từng lời khản thiết gối chăn.
Những luồng xe mất hút bên kia đường chiều mịt mùng. Bóng cây dâu cô độc nơi đó vẫn còn cho những nụ hoa. Còn tôi? Phải mất bao nhiêu lâu để trưởng thành? Để không còn trượt chân ngã sóng soài lên một quá khứ?

Tháng hai, năm 2011
Phạm Ngũ Yên

Nếu Để Chia Tay Thì Đừng

Khi nàng bỏ đi rồi, trong suốt nhiều năm tôi mơ chỉ một giấc mơ. Là thấy nàng trở về. Những cơn mơ trống hoác nhưng chật chội hình ảnh nàng và những giọt nước mắt rơi không thành tiếng. Làm sao để kiểm soát được việc nhớ tới một người. Lại cũng không thể ép bản thân thôi đừng nhớ về người đó. Tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào, chỉ biết rằng để trải nghiệm một nỗi đau mà con tim đang chín đủ đau buồn, tôi đã phải thức trắng nhiều đêm. Trong căn nhà ba phòng, con gái tôi và đứa cháu ngoại chiếm hai phòng, còn tôi một phòng. Gần 3 giờ sáng, ai cũng ngủ chỉ mình tôi thức. Con chó ngủ bên cạnh sofa, lâu lâu nức lên, dường như nó cũng nằm thấy một giấc mơ? Ai đó nói rằng văn chương đi ra từ cuộc đời. Và như vậy thì tôi sẽ ghi lại một vết thương chưa kịp kéo da non và mới vừa đây mùa đông đã trở nên lạnh vô cùng. Tháng mười hai sắp bắt tay với tháng một. Nơi đầu hồi trước nhà, tiếng gió thổi lạnh căm như một hơi thở vừa rụng qua vai. Một phía của bình minh chưa đến. Nhưng một phía kia là bóng tối và tình yêu muốn nhờ gió đêm gởi đến cho nàng. Người đàn bà đang ở thì quá khứ…

Góc đường 24 và Guadalupe, đối diện cổng ra vào trường Đại Học Austin, Texas (UT) là quán cà phê Medici. Hương vị không đậm đà bằng Starbuck’s, có mùi giống như cà phê Pháp, nhưng chỗ ngồi thoáng và nhìn được ra đường. Có Wifi và giá cả thì vừa phải, vì khách uống đa số là sinh viên nghèo. Một điểm khiến tôi hài lòng là đối diện ngay với trạm lên xuống của nhiều chuyến xe buýt chạy về hướng nhà tôi. Nếu cần phải làm việc tại đây mà không bận tâm về phương tiện di chuyển, tôi có thể sử dụng xe buýt mỗi ngày. Trong cái góc êm ả nhìn ra con đường dập dìu xe cộ và những thanh niên thiếu nữ qua lại từng phút giây, đời sống sẽ trở nên chật chội vì hạnh phúc là một điều có thật và lâu dài. Nó làm cho người ta có cảm tưởng không buồn và không một mình. Chỉ cần đứng lên khỏi chiếc bàn đang ngồi, và ly cà phê trước mặt, bước ra ngoài, là tôi đã chạm mặt với hạnh phúc. Một lần như vậy, tôi thấy nàng.
Khi nàng quay đầu nhìn lại, từ một trạm xe, tôi thấy tôi bâng khuâng một góc đời thơ dại, nơi những tình yêu đuổi theo nhau miệt mài. Ánh nắng cuối ngày, xao xuyến hơn bao giờ. Có những con đường mà người ta đi hoài không hết, nhưng bất chợt vừa dừng lại, đã chạm đến hoàng hôn. Nàng đứng đó, dáng điệu cũng lặng lẽ mơ hồ như trụ đèn đường và con phố chiều nay có mùa đông rất lạ.

Bờ đường lác đác những chiếc lá vàng từ mùa thu. Một băng ghế ngồi bằng sắt cong uốn dợn và một thùng rác công cộng lạnh như chưa từng. Vài hình vẽ bằng sơn xịt do những ai đó nổi loạn phá phách, đậm màu trên những viên gạch đầy rét lạnh căm.

Chiếc áo thun màu tro và chiếc jupe đen ôm sát. Một đôi giầy da đen cao cổ gần đến đầu gối. Bên ngoài cùng là chiếc áo jean bạc màu nhẹ tênh. Mái tóc nàng cột về phía sau và hai dây headphone cắm trong hai lỗ tai làm tôn vinh ngấn cổ trắng ngần. Dáng điệu vừa lơ đãng vừa khép kín và đôi vai như chưa từng gánh tròn những bão giông. Những con đường đuổi theo nhau cùng những hàng cây phong trần bụi bặm. Vài người đứng chờ xe giống nàng, nhưng hình ảnh nàng vượt lên, nổi trội. Nàng giống như mới vừa từ khuôn viên trường đại học bước ra. Nhưng hình như dáng vẻ của nàng phản lại điều đó. Nàng không giống với những sinh viên chung quanh vì vẻ bụi đời trên mặt cùng đôi mắt trong suốt. Và những chiếc lá rơi bên đường chiều như giải thích về sự cô độc. Chiếc túi đeo lưng màu cà phê nhẹ tênh, đến nỗi tiếng gió mùa vượt qua vai nàng mất hút. Tình yêu cũng chưa hề?

Những dấu giầy chưa bao giờ biết nói, nhưng sao rộn ràng tín hiệu? Vạt nắng tự thuở nào vẫn giấu biệt trong nó hơi ấm một thời. Tôi thấy mình yếu đuối và hụt hẫng vì lát nữa đây sẽ mất nàng.

Lần đầu tiên gặp nàng như vậy và không có được một nụ cười.

Nhưng hình ảnh đó cứ mãi theo tôi trên đường về. Thì ra, giữa những âm điệu xô bồ, hỗn loạn của cuộc sống vẫn còn có những khoảng lặng đẹp đẽ và bình yên. Lần thứ nhì gặp nàng khi nàng đứng giơ tay mời mọc khách qua đường ghé thăm gian hàng bán hoa của nàng. Nói là gian hàng hoa cho có vẻ trịnh trọng, thực ra đó là những giỏ hoa đặt tạm bợ trên một ngạch cửa từ một shop bán đồ trẻ em có tên là Fanny và Marius. Tôi ái ngại nhìn những đồ vật bày biện. Nhưng đôi mắt xanh của nàng ngầm nói với tôi là không cần ở ai lòng thương hại.

Có vài chậu hoa màu sắc lạ lùng không biết nàng lấy từ đâu nhưng rất đặc biệt, giống như con người nàng. Một tay nàng đang cầm những xấp giấy màu có in hình một trang trại, có vẻ như khu vườn thì đúng hơn. Những luống hoa mọc ngay hàng dưới ánh nắng nhấp nhô. Một ngôi nhà dường như hiện ra để cầu chứng sự hiện hữu của nó với cuộc đời vội vàng. Nàng nói, với một giọng tiếng Mỹ không lưu loát:

– Mời ghé lại xem, các bạn ơi…

Trong này quán cà phê, tôi tần ngần nhìn ra. Nàng mang dáng vẻ không lo âu, cũng không trì kéo. Nàng vừa hồn nhiên, vừa dạn dĩ bên phố đầy người ngược xuôi và ồn ào . Giống như một kẻ chào mời mùa xuân đồng thời cũng gõ vào trái tim người nghe những âm điệu buồn.

Không biết sao, những điều như vậy làm tôi chạnh lòng. Tôi thấy những tháng ngày cô độc không biết làm gì trước một vùng biển bao la tưởng như không phải là của mình, dù tôi đã lớn lên từ đó.

Những năm tháng lang bạt và phiền muộn biết bao. Bây giờ, dù bình an trên xứ người, nhưng tôi không thể nào quên được ngày xưa. Nơi thành phố biển lớn lên mỗi ngày cùng những cơn mưa nhỏ xuống đời day dứt. Tiếng mưa làm trôi dạt mùa hè ra cửa. Trôi dạt những con thuyền ra khơi. Mặt nước rộng mênh mông và chất đầy nỗi sợ. Đàng sau lưng là bảy sắc cầu vồng.

Từ trên những góc đường của phố cũ, mỗi ngày, các chiếc loa phóng thanh phát đi những lời phù hư, làm ám ảnh tôi suốt nhiều năm như một ký ức sai lạc nẩy mầm. Những giấc mơ xa lạ trên xứ người và những tháng ngày để rơi cơn tỉnh táo, tôi giấu Việt Nam trong lòng. Như giấu một tình yêu ngỡ ngàng, bão gió.

Mười tám năm sống buồn bã nơi quê nhà. Những tiếng ve kêu ran cả một mùa không ai hay. Tôi rời Việt Nam lúc chương trình định cư đang thành hình. Tôi mang những tiếng ve ướt đẫm như lệ đời sang Hoa Kỳ. Những bước đi không đành mà nhìn lui thì không muốn.

Bây giờ, trước mắt tôi là một hình dáng mong manh nhưng đậm màu một nỗi buồn thật sự. Tháng mười hai chạy đuổi theo mùa đông, cùng tiếng gió rít ngoài mặt cửa quán. Có đôi lúc vì công việc tôi phải về khu Downtown. Những đêm muộn màng lái xe trở về. Thềm đêm lấp lánh ánh đèn như những ảo giác.

Lần gặp thứ ba, kể từ hai tuần trước, cũng vẫn chỗ cũ, nhưng lúc này nàng có thêm một chiếc mũ len trùm đầu. Trời lạnh đột ngột từ chiều qua. Dáng cô độc và bất cần vẫn còn. Nàng nói, sau khi quan sát tôi từ đầu đến chân:

– Rảnh nhỉ?

– Sao cơ?

– Làm ơn đừng bám theo tôi nữa để tôi bán có được không?

– Xin lỗi, tôi không thể…

– Tại sao?

– Vì cô là người giới thiệu hoa và tôi là người thưởng lãm. Vì tôi thích cái dáng vẻ của cô.

– Điên quá. Ông có hối tiếc cái thời gian phải bỏ ra như vậy không?

– Không bao giờ. Tôi chỉ hối tiếc nếu cô không chịu nói với tôi về cái gì đó. Một cái tên chẳng hạn…

– Ông biết gì về hoa và màu sắc của hoa? Nàng đốp chát.

– Không nhiều lắm. Nhưng tôi biết cô chọn lựa hoa như một người vừa có một trải nghiệm buồn bã. Cái màu sắc dữ dội nhưng cuốn hút cuộc đời.

Nàng cười. Nụ cười không rõ rệt nhưng rất tươi, làm ấm lòng. Trời đổ mưa lất phất tình cờ. Chung quanh không có chỗ nào để núp tránh. Ngoại trừ quán cà phê tôi vừa ngồi. Một quán bán Pizza nằm kế.

– Tôi phân vân không biết có thể mời cô đi uống nước vào một ngày nào đây?

– Tại sao không hôm nay luôn?

Nàng giống như một người hà tiện lời nói. Nàng ôm xấp Progam trước ngực, theo tôi chạy vào quán. May mắn còn chỗ trống. Quán cà phê nhưng cũng có bán bia, sau 3 giờ chiều. Tôi gọi cho tôi một chai bia còn nàng thì một ly Espresso nóng.

– Ông đang làm việc ở Downtown hả ?

– Chút ít thôi. Tôi vừa mất việc làm nhưng cũng vừa tìm thấy việc làm. Đang bàn luận giá cả và hợp đồng. Vì dù sao cũng đang trong 6 tháng Relax.

– Đúng là dân miền Nam.

– Tại sao?

– Vì thất nghiệp mà còn chơi bảnh. Nàng nhún vai.

– Đó là thói quen chớ không phải bốc đồng. Mà đã là thói quen thì không thể từ bỏ.

Mưa ít, nhưng pha trộn rất nhiều giá rét. Thời tiết lạ lùng vì mùa này rất ít khi mưa. Con đường trước mặt chùng xuống và buổi chiều ảm đạm giống như sắp tối. Những dòng nước run run trên mặt kiếng rồi lăn thành từng dòng, tiếc nuối.

– Có một màu hoa nơi những chậu hoa của cô tôi chưa từng biết tên. Nó ám ảnh tôi khi thấy nó.

– Nó màu gì và ra sao?

– Màu tím đậm. Và nhỏ bằng đầu ngón tay…

– Đó là mạc lan.

– Chúng giản đơn nhưng đẹp. Giống cô.

– Coi chừng lầm. Tôi không có giản đơn.

Nàng nói, môi đang cong lại vì chạm vào ống hút. Đôi mắt xanh đừng hư ảo nhé, đêm nay tôi sẽ về tương tư.

– Quê của ông ở đâu? Việt Nam?

– Vũng Tàu.

– Còn tôi Đà Lạt. Hoa mạc lan mà ông vừa nói, ở Đà Lạt tràn đầy.

– Tôi không biết ở Mỹ cũng có loài hoa này.

– Có chứ. Sao ông không hỏi tôi đã có gia đình hay chưa? Để khỏi hối hận khi lát nữa chia tay với tôi?

– Tôi định hỏi mà không dám. Tôi thích sự lãng mạn.

– Sự lãng mạn của ông vừa tàn phá buổi chiều như hôm nay. Tôi có chồng, và chồng tôi vừa qua đời.

– Xin lỗi.

– Trong hoàn cảnh này, lời nói tệ nhất là lời xin lỗi. Anh ấy chưa vào công dân Mỹ. Vừa mới mất vì uống rượu lái xe… Trong khi tôi cũng sắp hết hạn di trú tại đây…

Nàng nói về người bạn đời, như nói về một người qua đường nào đó. Nàng tóm gọn cuộc đời hiện tại của mình một cách suôn sẻ, không vấp váp, chồng chềnh. Bây giờ người hà tiện lời nói không phải là nàng, mà là tôi. Tôi nhìn mê đắm trên đôi môi màu phượng của nàng, cảm giác những đau đớn ùa về, không phải cho tôi mà là cho nàng.

Đâu đó có tiếng vang động của còi hụ ngoài kia. Tôi hay nàng tự huyễn hoặc về những ngôn từ? Và làm sao lý giải về một hoàn cảnh đi gần đến thảm kịch?

Mưa ngớt và đường chiều đông người trở lại. Uống vừa dứt ly cà phê của mình nàng vội vàng đứng lên. Cám ơn tôi ly cà phê và rón rén những bước chân như một người vừa đi trên những vũng lầy hấp hối. Tôi nghĩ nàng trên dưới ba mươi tuổi. Người đàn bà ba mươi tuổi không cần sự lãng mạn. Họ chỉ muốn sở hữu.

– Chúc ông sớm tìm thấy việc làm.

– Nhưng tôi chưa biết tên của cô.

– Đâu cần. Chúng ta qua đường, gặp gỡ. Cùng trú mưa và cùng uống cà phê. Bởi vì chung quanh đây không có ai và chỉ tôi và ông là Việt Nam. Cám ơn những lời khen tặng về mấy chậu hoa.

Khi người đàn bà đi, điều gì đó còn ở lại. Chẳng hạn như mùi hương từ thân thể. Chẳng hạn như ánh mắt lấp lánh nhưng phảng phất những mây trời. Mãi sau này, tôi mới biết không phải mây trời mà là… khói thuốc.

Nàng không đứng bán những chậu hoa sau ngày ngồi quán với tôi. Tôi không biết tung tích nàng. Giống như một cơn mưa rơi xuống tình cờ, người đàn bà đó không còn hiện hữu? Nàng đi về đâu khi mắt vẫn nhìn lơ đãng phía trước? Tôi không tin nàng biến mất dễ dàng và nàng sẽ tồn tại trong một số phận ấm áp. Sự gặp gỡ giữa tôi và nàng, dù là một giấc mơ, nhưng tôi muốn đó là một giấc mơ tỏa sáng.

Tôi vốn không để ý đến người khác. Nhưng càng ngày tôi càng tò mò về nàng.

Một đêm, tôi về trễ hơn mọi lần vì gặp gỡ những người chủ hợp đồng và ăn tối cùng họ. Gần mười hai giờ khuya tôi còn lang thang trên đường Congress. Chỗ đậu xe cách nơi đây vài Block đường. Những cảnh trí và màu sắc óng ả từ các cửa tiệm, hàng quán nối tay nhau bất tận, khiến đêm dường như dài ra, cuốn hút từng bước chân bộ hành. Đêm lạnh như cả một thành phố được ủ bằng nước đá. Tôi biết tôi sẽ khó lòng quay lưng lại với thời tiết tuyệt diệu của một mùa Lễ lạt. Những thềm đá nghe trên lưng nó tiếng gió và mưa bụi thầm thì. Một cây Giáng Sinh khổng lồ được đặt trước điện Capitol. Nó sẽ nằm yên và khoe vẻ diễm lệ của nó suốt nhiều tuần lễ, cho đến qua Tết Dương Lịch. Những chiếc taxi quanh co thả những khách đêm xuống từng ngưỡng cửa tiệm đêm và ai đã thổi tiếng trompet nơi góc đường như một điệu kinh cầu hồn.

Tôi không muốn làm một đứa trẻ để vừa mới đụng tới cái cô đơn mà đã khóc.

Cho đến khi tôi không còn hứng thú để thả bộ thì tôi thấy ai giống nàng. Lạy Chúa. Nàng không phải đang hòa nhập vào đêm và giá rét để hóa thân thành một sứ giả của đường phố, để khua khoắng một tình yêu ngoài trần thế? Nàng đang bé nhỏ và rất mong manh, giống như một người đang phê thuốc. Nàng nửa nằm nửa ngồi trên băng ghế chờ xe buýt. Rất mệt lả và tái xanh.

Có lẽ mọi câu chuyện đều khởi đầu và kết thúc bằng những cơn đau? Và ai đó nói rằng mùa đông là mùa mà người ta cần yêu thương nhất. Nàng đang oằn oại và khốn đốn trong khi tôi không kinh nghiệm để giúp cho nàng. Có một lúc nàng nhìn tôi, không từng biết tôi trên đời. Tia nhìn giống như màu đêm ướt át đậu trên cành mạc lan. Nó sâu và cuốn hút. Phải khó khăn lắm tôi mới làm cho nàng bình tĩnh lại. Nàng nhận ra tôi và lặng im như một người câm. Đêm cựa mình vì những cành lá giẫy giụa trên đường.

– Nhìn đủ chưa? Nàng cắm cẳn. Tiếng nói không muốn thoát ra hai hàm răng nghiến lạnh. Nếu đủ rồi thì biến đi.

Nếu có ngôn ngữ nào diễn tả sự sống sượng và trần trụi của một người đàn bà chắc là lúc này. Giọng điệu nàng lạnh lùng hơn như buổi chiều nào cùng tôi trú mưa. Giá mà có lỗ nào mọc ra bên đường để tôi chui vào trong đó.

Tôi đứng chôn chân bên chiếc ghế nhìn đôi chân nàng co lên (có đôi giầy bốt đen làm chứng và là hình ảnh chưa biểu lộ sự thảm hại từ nàng). Hai tay ôm choàng đầu gối. Chiếc áo Jean bạc màu nửa mặc nửa đắp hờ lên chiếc ngực run. Không đủ đâu vào đâu. Mắt nàng xanh như biển của tôi ngày nào, chưa bão tố.

– Tôi sẽ không biến đi nếu cô không để tôi đưa về.

– Về đâu?

– Về nhà cô hay nơi nào cũng được. Vì tôi không muốn cô nằm đây. Cảnh sát họ sẽ tìm gặp cô và đưa cô vào một nơi, mà dù đêm có bao la cách mấy, cô cũng sẽ thấy chật chội. Cô chịu không?

Hơi thở nàng yếu ớt. Không phải là gió mùa nhưng đủ làm cho đôi môi run kia vỡ òa bao điều quen lạ? Tôi nghe tiếng gầm gừ trong miệng nàng. “Tôi không về nhà”.

Tôi không có thời gian để tìm đến bãi đậu xe của mình, vẫy vội một chiếc taxi trờ qua. Nói đại một tên của khách sạn nào đó. Dù sao tôi cũng không về nhà đêm nay. “Đồ điên”. Đó là tiếng cuối cùng mà tôi nghe được trước khi đặt nàng gọn gàng trong xe. Những sợi tóc thấm đẫm sương mù, bện vào nhau ép sát hai bên thái dương. Nàng ngước mặt nhìn tôi. Tia nhìn trong suốt.

Mọi hoàn cảnh trên đời liên kết với nhau và không cần những lý giải. Đêm qua lâu trong vùng Downtown nhưng tiếng bánh xe vẫn liền lạc đuổi theo dưới đường. Tôi nghĩ về một tình huống trớ trêu khi tôi phải đối mặt với nàng trong lúc này. Trên chiếc giường mênh mông nàng nằm yên như một nàng công chúa ngủ trong rừng. Tôi kéo chiếc chăn len dầy đắp cho nàng và định bụng sẽ xuống quầy rượu kiếm vài ly bia uống, vừa chờ sáng. Vừa không muốn nhìn một người đàn bà ngủ.

Quầy rượu vẫn còn lác đác vài dân nhậu đêm. Chúng tôi không quen nhau nhưng mạnh dạn cụng ly và chúc nhau sức khỏe dù ai cũng biết lời chúc vô nghĩa và phù phiếm hơn bao giờ.

Càng uống, tôi lại càng không thể không nghĩ về nàng. Tôi nhớ lại dáng điệu vừa lơ đãng vừa khép kín của nàng. Và nỗi đau nào vừa qua? Tình yêu hay sự đau khổ đã làm nàng gục ngã? Trong khi lòng tôi dấy lên một cảm xúc không muốn rời xa nàng. Phải mất bao nhiêu lâu, bao nhiêu tháng ngày để người ta nuôi trồng nó? Vì nếu đã là cảm xúc thì khó tìm được kết thúc và bắt đầu…

Khi hết vại bia thứ ba thì tôi cảm giác không yên tâm khi nghĩ nàng đang một mình. Tôi trở lên phòng. Có một chút bình minh mờ nhạt hiện ra sau một bức rèm nơi tiền sảnh. Một đêm không ngủ nhưng tôi không cảm giác mệt mỏi. Không thấy nàng nằm trên giường. Có ánh đèn dọi ra từ phòng tắm và tiếng nước chảy. Giống như tiếng đời câm trôi sóng sượt theo những cơn mưa mù lòa. Nàng hiện ra sau một thời gian dài dễ chừng làm tiêu hao mấy chục gallon nước của khách sạn. Rồi ngạc nhiên khi bước ra nhìn thấy tôi. Chiếc khăn tắm choàng sơ sài trên người làm nàng lúng túng. Trong một thoáng tôi cảm nhận mùi hoa Lavender trên tóc nàng.

– Thật là một đêm ngu ngốc phải không?

Nàng nói và ngồi yên ả trên giường. Hai tay nàng thủ trước bụng. “Mấy món quần áo của em đã lấm lem từ tối qua.” Nàng nói. “Anh phải đền cho em”. Lần đầu tiên từ lúc gặp nhau tôi nghe nàng xưng hô như vậy.

– Anh sẽ mua đền cho em bằng số lương thất nghiệp. Tôi cũng đổi cách xưng hô.

– Bởi vậy em mới nói anh bảnh.

Nàng không giống với người đàn bà hồi đêm. Với môi run và chân mỏi. Nhưng màu mắt nàng vẫn như hai hòn bi làm bằng đá xanh. Nàng ôm chiếc gối trong lòng.

– Em… hút từ bao giờ? Tôi hỏi mà sợ nàng giận dỗi.

– Từ khi anh ấy loan báo cho em biết là không có khả năng bảo lãnh em ở lại đây.

– Em tuyệt vọng nhiều đến vậy sao?

Nàng không trả lời. Đôi mắt nhìn về hướng khác. Tôi thấy thực sự nỗi đau của nàng. Như một sân ga không hề muốn gánh bão giông nên phải cố nén lòng khi tàu đã rời đi khỏi.

– Không ngờ, bên ngoài, lúc nào em cũng tỏ ra rất mạnh mẽ, nhưng bên trong lại dễ tổn thương.

– Em phải ồn ào như vậy để giấu đi nước mắt. Nàng cười cợt. Khi người ta ngã một lần thì người ta sẽ ngồi lại và không muốn đứng lên.

– Thật sự anh rất đau lòng khi nghĩ em cô đơn một mình.

– Có muốn em trả ơn anh không? Nàng rụt rè hỏi.

Tôi không ngờ nghe câu nói đó từ nàng. Nhưng đó không phải là câu nói tệ hại.

– Vì sao?

– Vì những gì anh làm cho em.

– Không cần. Anh chỉ muốn thấy em cười.

– Đơn giản thế sao?

– Vì như vậy thì anh mới có thể cười. Như vậy có tham lam quá không?

– Đúng là tham lam quá rồi.

Nàng ngồi xích vào phía trong nhường chỗ cho tôi ngồi.

– Ai nói với anh em đang cô đơn?

– Những việc làm của em. Và những đóa hoa của em. Đứng giữa phố phường mà sao hờ hững…

– Mai mốt anh sẽ không còn thấy những cành mạc lan…

Tôi nhìn nàng. Ở đó, đôi vai non yếu của nàng đang run. Không phải vì lạnh mà vì đang thổn thức.

– Anh ấy mất là một phần do em. Thời gian có vẻ như gấp rút để trở lại Việt Nam của em làm anh ấy căng thẳng.

– Bao giờ thì em phải trở về?

– Lúc đầu tưởng không còn cơ hội. Nhưng vừa may em có một người đàn ông hứa sẽ bảo lãnh em, nếu em chịu kết hôn với ông ta.

– Cho dù như thế nào, anh cũng muốn em hạnh phúc.

– Để coi. Tháng sau em sẽ về Florida. Em có một người bạn gái ở đó. Nó ghi tên em vào một lớp cai nghiện. Nó hứa sẽ giúp em.

Tôi thấy mệt mỏi. Những tia nắng đầu ngày xuyên qua mành cửa, dù vẫn chưa được mở ra để tôi thấy hết bình minh bên dưới. Căn phòng vuông vức như một hộp diêm mùa Giáng sinh, chỉ thiếu có một que diêm thôi đủ làm bùng lên ngọn lửa. Nàng quay mình trở lại. Chiếc khăn tắm bây giờ không che kín hết thân thể và chỉ thêm một cử động nhẹ nữa thôi, người đàn bà sẽ phơi bày ra hết những quanh co khuất lánh. Như một dòng sông không giấu giếm những tháng năm đi qua những bến bờ son trẻ. Còn những buồn bã nào làm nên những trầm tích? Khi dòng sông đó muốn chảy lui về thượng nguồn?

– Anh có ham muốn em không?

Tôi vuốt ve trên ngực nàng. Không có lời nói nào đủ trong hoàn cảnh này.

Trong một ý nghĩa giản đơn nhứt, là giữa một trong hai người, cơ hội để ngả vào nhau chính là sự yếu lòng của người kia.

Tôi thấy bàn tay mình ôm lưng nàng. Cái ôm chặt và cần cho một thân thể rã rời sau một đêm dài thức trắng. Nghe cánh tay nàng vòng trên cổ tôi, nặng nề… Thời gian dễ chừng phải đi qua nhiều chục năm.

– Nếu em muốn hôn anh thì sao?

– Nếu để chia tay thì đừng…

– Rồi phải như vậy thôi. Chúng ta sẽ trở về với vị trí của mình.

Tiếng nói nàng nhỏ gần như một lời gió. Đôi mắt nhắm nghiền không đủ lấp kín một màu biển xanh.

Những ngày còn lại nàng bán lại “hành lang hoa” cho một người khác. Tờ Progam đổi mới và ghi lên đó một địa chỉ lạ. Những chậu hoa cũng thôi không còn nằm ké trên ngạch cửa tiệm bán đồ con nít. Hoa cũng giống như người. Đều không thích cô đơn. Chúng lớn lên mỗi ngày bằng cách nghe bước chân của người trồng nó. Trong thời gian này, tôi ít khi gặp nàng vì tôi đã vào công việc mới. Nhưng tôi không an lòng vì chưa biết rõ ngày nàng rời khỏi đây.

Sáng hôm nay, tôi đưa nàng ra phi Muôn đời, mưa vẫn là cái cớ để người ta nhìn về nội tâm mình. Vì bên những tiếng rời rụng của mưa, bao nhiêu người đã nối kết thành những trang tình yêu ướt đẫm.

Tôi kéo dùm nàng túi hành lý có bánh xe. Nàng không còn mỏng manh mà rất mạnh mẽ trong bộ đồ đen có áo len chùng bên ngoài. Dây thắt cột hờ hững không ôm hết vòng lưng thon. Giầy Vascapa cũng màu đen và mái tóc bay ngược khi hối hả chạy qua hành lang. Tình yêu đau nhói trong lòng tôi cũng chạy đuổi theo bước chân nàng. Tôi không biết tình yêu ấy- cái tình yêu trái mùa đó- tồn tại bao lâu. Nhưng với nàng chắc chẳng là mãi mãi.

Chỉ còn nửa tiếng nữa là nàng sẽ rời khỏi phòng “check in” để bước vào cổng chánh. Bao lâu nữa sương sẽ phủ chật đường về và gió qua đường vẫn cất vang tiếng hát? Sau lưng chúng tôi, qua một góc parking bằng xi măng có kẻ lằn sơn trắng, những chiếc xe nằm nín thở. Có những hành khách vội vàng xuôi ngược, giống như từng cuộc đời xuôi ngược không hề tìm thấy một trạm dừng? Trong giây phút đó, tôi cảm giác như nàng sẽ quay lưng lại với tôi, quay lưng lại với một quá khứ mà sự cô độc mỗi ngày đang đè nặng lên nàng.

Tôi nhìn thấy bóng tôi và nàng dội lại trong bức tường gương phi trường. Nàng đang sửa lại áo khoác ngoài và khăn choàng cổ lất phất. Còn tôi sáng mai sẽ là nỗi cô đơn như đã từng.

– Ngu ngốc.

– Em nói sao?

– Mấy tháng qua anh theo đuổi một người phụ nữ dù biết người đó có chồng?

– Phải. Ngu ngốc thật. Nhưng tình yêu mà em. Anh không thể bắt trái tim mình làm khác được.

– Hãy quên em. Hãy trao tình yêu của anh cho người xứng đáng nhận nó.

Trước khi đứng xếp hàng để chờ gọi đến tên mình, nàng hôn tôi:

– Anh bảnh lắm. Thật đó…

Nụ hôn tê điếng đủ làm tôi liêu xiêu. Tôi vẫn chưa biết tên nàng. Có cần thiết hay không? Nếu nhớ nàng, tôi sẽ gọi thầm Mạc Lan. Người đàn bà có đôi mắt mở to, trong sáng luôn làm tôi thấy bình yên…

Phạm Ngũ Yên

TÓC MAI SỢI VẮN…

1.

Lòng ta như một trang kinh
Ẩn trong lời Phật chữ tình rưng rưng
Lòng ta lá nhỏ trên rừng
Lao chao rớt xuống mấy từng chiêm bao
(thơ Hoàng Du Thụy)

Bài thơ đó do một người bạn văn từ Canada, gửi tặng.

Chị nói với tôi chị đang tìm nguồn vui trong thiền và lòng không còn vướng bận những nhánh đời nhân quả. Mỗi đêm về nhà, lái xe qua những hàng sơn táo, qua những vạt cỏ màu vàng như ủ bằng mật ong người đàn bà đó nghe mùa xuân trở mình và tiếng gió rít ngoài kiếng xe, lòng lãng quên hết mọi tranh chấp, muộn phiền…

Những buồn vui ngày trước từng làm tròn trịa một tình yêu cũng không còn? Như một cơn mưa bóng mây bay rớt trên góc tường hạnh ngộ, làm thiếu thốn phía bên này và khao khát phía bên kia.

Biết bao bóng thuyền muộn màng không về được bến vì giông bão giữa dòng, nhưng đàng sau những cơn bão lòng là trái tim lành lặn.

Trên điện thư trả lời, tôi cầu mong chị tìm thấy sự an tịnh thật tình và hy vọng thành phố Montreal có thêm một người đàn bà biết ủ đóa vô ưu trong lòng để giẫm lên những mù lòa dâu bể. Mọi giấc mơ đều cũ xa, đều bỡ ngỡ.

Nhưng thâm tâm tôi không tin nhiều về điều chị nói. Những câu thơ vẫn còn đó sự trăn trở rất đời. Vẫn còn bao la một nhánh sông muộn phiền lấp lánh. Hơi thở tình yêu hình như vẫn còn tươm mật trên môi run ngày nào…

Người đàn bà từ bỏ một đoạn đường và không muốn nhìn lại sau lưng, không có nghĩa là quá khứ đã đoạn lìa. Dù vẫn còn đó vạt mưa làm trắng màu thiền trên vai áo, trong khi tiếng đời vừa xao động lá sen khô.

Bài thơ bất chợt chị gởi tôi từ một đêm như vậy, trong khi tiếng gió quét mùa hạ đi qua ngôi nhà đường Heatherglen. Tôi nhớ vô cùng ngôi nhà cũ của gia đình tôi nằm dưới chân Núi Lớn Vũng Tàu. Biển thổi giạt nỗi nhớ mênh mang về hai đầu ngọn núi. Nhiều đêm tôi chong đèn ngồi học thi lúc bên ngoài trời mưa. Và những câu thơ của một mùa không ngủ được viết xuống bằng mực tím học trò. Những ngọn cỏ khát gọi mưa đêm nên nảy mầm thành lục bát.

Bao nhiêu năm rồi, tiếng mưa có khả năng làm thành cung phách bản đàn xưa và cơn mơ vội vàng như một âm thừa sót lại.

Khi người ta già, người ta sẽ nhìn lui lại bước chân mình. Những người đàn bà giống như sương mỏng, như sông xanh. Họ thà ủ hơi thở sửng sốt của mình trên vai người khác hơn là đậu xuống những trang giấy tình hồn nhiên. Những cuống lá mùa thu không biết nói lời hò hẹn, nên đêm Vũng Tàu có một người úp mặt vào đôi tay, thao thức.

Thành phố ven biển của tôi cũng giống như mọi thành phố miền Nam. Có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Những cửa biển xưa mờ cạn nước. Những gã con trai cùng rong chơi với nhau suốt một mùa hè, trên bãi cát khô cạn mực thủy triều. Nên chúng tôi đều hiểu tánh tình của nhau tường tận. Hiểu luôn những thói quen của nhau. Như những con còng gió hiểu rõ hang động của mình.

Mười sáu, mười bảy tuổi chúng tôi không dám có người yêu. Mãi đến khi gần đi lính mới nói lên lời tỏ tình thì cổng trường đã ở sau lưng. Cái thời nông nổi nhưng nóng cháy môi hôn kia đã khép lại.

Những đứa con trai tình si và các cô gái e ấp đã đi riêng một đoạn đường, dưới những cây bàng già phai màu đỏ lá. Những nhịp thời gian như những nhịp cầu nối đôi bờ cách trở. Còn sự cách ngăn của hai người yêu nhau thì đến bao giờ?

Một vài đứa bạn dạn dĩ hơn dám nắm tay người yêu đi ngoài phố. Mặc cho những lời đàm tiếu có dịp lan xa như sóng trùng dương. Vũng Tàu quá nhỏ để che kín một dấu vết, hay một tiếng lòng hổn hển bên vai.

Mỗi ngày đi học tôi đi ngang qua con đường Lê Lợi có hàng me chụm đầu vào nhau. Tôi biết Hoàng Hoa từ thời đó. Lá me rắc trên vai áo ai làm rộn rã lòng tôi. Nhưng tôi biết nàng dửng dưng như nắng sớm.

Người con gái mang cái tên của Hoàng tộc và chứa đựng một màu hoa đã từng không biết có một đứa con trai ngưỡng mộ nhan sắc đi sau nàng.

Khi tôi bước xuống cuộc đời, tôi vẫn chưa biết rõ về nàng, ngoại trừ cái tên nghe gần gũi với một người bạn học của tôi là Hoàng Lực.

Hoàng Hoa là một cô gái có đôi mắt đẹp nhất mà tôi từng thấy trong trường Trung Học Vũng Tàu những năm sáu mươi. Một đôi mắt làm nguồn cảm hứng cho lời thơ Ðinh Hùng/ mắt em là bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng/(mộng dưới hoa) Nó cũng là nguồn cảm hứng cho những bài thơ của tôi sau này, khi khôn lớn.

Nhà nàng nằm một góc ngã tư đường Lê Lợi và đường Duy Tân. Một phía nhìn ra hàng me và phía kia nhìn ra biển. Có thời gian ngôi nhà khang trang đó dùng làm nhà bảo sanh Hữu Phước. Từ một góc phố chạy dài từ cơ sở sản xuất Mắm Ruốc của bà Giáo Thảo, đến nhà nàng, có một vài ngôi nhà khang trang nằm lùi sâu vô trong, được những khu vườn màu sắc che chắn bên ngoài, như bối cảnh trong tranh của Renoir, nên khi nàng quẹo khuất vào đó tôi có cảm tưởng nàng đã đi vào một thế giới khác, mông lung và mơ hồ. Một thế giới của nàng tiên trong các truyện cổ tích.

Tan trường về, tôi tìm cách đi sau nàng. Thời đó, học sinh học hai buổi một ngày. Buổi trưa về nhà ăn cơm, có thể ngủ một giấc để buổi chiều đi học tiếp. Tôi dùng khoảng thì giờ ít oi đó để làm thơ tình gởi đăng báo hoạc đọc truyện chưởng Kim Dung. Tôi thích nhân vật Ðoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm và thấy mình si tình Hoàng Hoa giống như Ðoàn Dự si tình Vương Ngọc Yến.

Ít khi Hoàng Hoa đội nón. Nhờ đó từ phía sau tôi nhìn thấy mái tóc trên vai nàng chuyển động như đôi cánh một loài chim đêm. Có những ngày tháng người ta sẽ quên luôn vì thời gian chồng chất trên vai, nhưng có những ngày tháng ngừng lại vĩnh viễn. Thời gian học đệ tam là thời gian đẹp nhất của tôi trước khi tôi vào lính. Tôi muốn được yêu thầm và được đi sau lưng nàng suốt đời, mặc cho những biến động của đời sống và bom đạn chiến tranh mỗi ngày vang vọng ngoài kia. Dưới bước chân êm đềm và quanh quẩn bên tà áo dài khép nép của Hoàng Hoa, tình yêu đã che lấp mọi dấu vết tan hoang. Che lấp mọi hướng đi về tương lai. Dù tương lai của những gã học trò sinh trong thời binh lửa vàng úa ngỡ ngàng

Mối tình một chiều như vậy tưởng chừng sẽ kéo dài để cho những trang nhựt ký có cơ hội tăng trang từng ngày. Cùng những bài thơ viết từ tấm lòng thơ dại sẽ có dịp hóa thân thành cánh bướm trang điểm cho đời. Nhưng tôi lầm. Một hôm nàng bỏ trường bỏ lớp không một lời từ giã. Chúng tôi- những thằng con trai khờ khạo trước tình yêu nhưng lại dạn dĩ với bất trắc bỗng thấy vắng đi một bóng mát êm đềm. Biển trở nên cuồng nộ chói chang từ ngày đó. Những trái bàng già rụng xuống tháng giêng dọc đường ra Bãi Trước, giống như những mơ ước chưa kịp đơm bông.

(Nhiều năm sau nầy, khi gặp lại Hoàng Hoa, lúc miền Nam sụp đổ, tôi thấy nàng vẫn còn đẹp dù có già hơn chút đỉnh. Chồng của nàng là đại úy Trần Bình Lâm, hình như không phải là dân Vũng Tàu? Vừa rời khỏi một nhà tù nào đó trở về).

Biết bao nhiêu bể dâu làm khô kiệt mọi nhựa sống trên những nhánh cây đời? Những thanh niên thiếu nữ ngày xưa bây giờ đã trở thành cha thành mẹ. Có người trở thành ông nội bà ngoại nếu lập gia đình sớm hơn. Có ai một lần đi lại con đường cũ ngày xưa để cảm giác được ngậm ngùi? Có ai còn buổi chiều ngồi trên bờ đê nhìn ra mặt nước xanh để ước mơ cuộc sống bên kia bờ đại dương như tôi đã từng mơ ước? Và nơi góc sân vận động ngày nào có còn những đôi chân vẽ vời của bạn tôi, của Võ Như Lăng, của Huỳnh Văn Chừng, của Huỳnh Quốc Hải, Trần Minh Trí, Phan Phi Hùng, Huỳnh Kim Sơn? Của Trung đen, Trung trắng?… Còn những ai đã nướng cháy tương lai mình như những khoang thuyền đang cháy nắng mặt trời?. Suốt mùa ra khơi không tìm ra một mẻ lưới vinh quang trĩu đầy tôm cá?

2.

Trên bãi biển đời người có nhiều dấu vết để lại. Có những dấu vết hằn sâu còn đọng lại một vài phiến lá kỷ niệm. Có những dấu vết hời hợt bị xóa lấp khi sóng biển tràn dâng. Tình yêu cũng vậy. Khi tôi rớt Tú Tài năm Ðệ Nhị, tôi xin vào lính. Mái tóc bồng bềnh của tôi được người ta cắt ngắn còn ba phân và mỗi ngày tôi bơi trong bộ quân trang rộng thùng thình mới lãnh từ kho Quân Nhu. Tôi làm một người lính mang tấm lòng yêu nước pha trộn với sự chua xót để đến mỗi khi chiều xuống, ngồi một mình trên chiếc giường gỗ ở khu tạm cư, lòng tôi cứ chùng xuống vì nhớ nhà.

Dưới những góc cây bã đậu buổi sáng đầu ngày, tôi khom lưng chà láng từng đụn cát, theo lệnh thượng cấp, như đang chà láng mọi ước mơ của mình. Người ta nói: “thao trường đổ mồ hôi – chiến trường bớt đổ máu”. Nhưng với tôi, mồ hôi chảy ra mỗi ngày không đủ sức vá lành rách rưới của trái tim. Mà chỉ có khả năng làm tràn thêm những giọt lệ.
Khóa học quân sự đầu tiên khi vào lính của tôi là Khóa 39 Hạ Sĩ Quan Trừ Bị- (Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ)- Khóa học thuộc quân trường Quang Trung, nằm trong khu vực Hóc Môn, Gò Vấp.

Từ Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ chúng tôi chuyển về Quang Trung, trại Nguyễn Huệ. Buổi chiều đứng trong trại nhìn ra ngoài con lộ chính chạy về Sài Gòn, những chuyến xe đò, xe lam xuôi ngược kéo theo đàng sau nó những bụi bặm hối hả như hoa phấn cuộc đời. Lòng người tân binh cũng vàng vọt theo vạt nắng. Cách nhau một con đường, bên ngoài là tự do phiêu bồng và muôn ngàn niềm vui đô thị. Bên trong là đời sống gò bó theo khuôn khổ và tập quen với nắng lửa mưa dầu. Người lính lúc nào cũng căng lòng ra chịu đựng mọi thử thách và cố đè nén chuyện riêng tư. Và trong một lúc nào đó, nếu họ để tình cảm vượt lên trên lý trí (không tìm thấy chính nghĩa trong cuộc chiến tranh Quốc- Cộng mất còn) sẽ dễ bị nản lòng. Tôi trưởng thành nhờ những ngày tháng quân trường không ồn ào nhưng sôi động mỗi bài học sống. Tâm hồn tôi không chờ đợi để ướt át cơn mưa đầu mùa. Vì tự trái tim đã thẩm thấu nhớ nhung và chín muồi gian khổ. Những lá thư tôi nhận từ bên ngoài, từ những địa chỉ hoa, như một niềm phục sinh đủ để làm hành trang chờ ngày ra trường. Trên chiếc giường ngủ cá nhân hoặc trên ba lô khi dừng chân ngoài bãi tập, những lời thơ tôi khôn lớn chững chạc hơn những lời thơ ngày trước, những ngày biết Hoàng Hoa. Từ khóa học này tôi gặp Dzũng Chinh- Nguyễn Bá Chính.

3.

Anh là tác giả bản nhạc bất hủ “Những Ðồi Hoa Sim”. Dzũng Chinh là bút hiệu khi đặt nhạc. Nguyễn Bá Chính là tên thật của chàng tân binh khóa 39 HSQ Trừ Bị của Quang Trung vào thời điểm Tháng 9 năm 1965. Vài năm, sau khi ra trường, có lẽ mặc cảm với cấp bực trung sĩ, anh xin học khóa Sĩ quan đặc biệt, và khi tôi đổi về làm việc tại Trung Tâm Truyền Tin Ðà Lạt, nghe tin Dzũng Chinh vừa chết tại Qui Nhơn. Lời ca: … “mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến không hẹn được ngày về, và đường về… thênh thang… màu hoa tím loang dài trong bóng tối…” đã giống như định mệnh của người nhạc sĩ tài hoa không may mắn với đời. Trên những đồi cát chập chùng nắng gió Qui Nhơn, màu hoa sim của Hữu Loan miền Bắc đã thấm vào tấm lòng đôn hậu của người nhạc sĩ Dzũng Chinh miền Nam. Để làm nên bài hát từng một thời mê hoặc người yêu nhạc Sàigòn.

Khi người ta yêu, cũng giống như khi người ta chết, có một thời họ ủ đau thương trên những dòng mực làm bằng máu lệ của mình.

Một lần, nơi Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, chúng tôi- những tân binh vừa mới rời mái ấm gia đình để tham dự vào một trò chơi mang ít nhiều nguy hiểm là chiến tranh- ngồi vây quanh nghe Dzũng Chinh đàn cho một người khác hát. Tôi không còn nhớ tên người hát, nhưng tiếng hát của anh ta thật ấm lòng. Anh hát liên tiếp hai bài. Bài đầu tiên là Những Ðồi Hoa Sim và bài sau là Phố Vắng Em Rồi (của Mạnh Phát). Giữa bóng tối nhá nhem buổi chiều vừa xuống, dưới tàn nhánh già nua của cây bả đậu, mùa thu đang thở hơi sương trên các rào kẽm, giọng ca của người ca sĩ bềnh bồng, cuốn hút.

Không biết người ca sĩ đó có phải là đệ tử của nàng Phù Dung hay không, nhưng lời ca quả tình mang hơi hám của khói và nhựa. Nó có khả năng lôi kéo người nghe bay lên ngang tầm với khổ đau và lạc thú cùng lúc… Nó cũng làm cho trái tim dù bầm giập cũng biết rung động và biết cười khóc với đời.

Mãi khi ra hải ngoại, tôi nghe giọng hát Tuấn Vũ, tôi biết quả có điều đó. Tất cả đều im bặt và nín thở nghe anh hát. Những lời ca tưởng chừng bật ra khỏi một thanh quản rướm máu hay cuộc đời vừa rướm máu? Tôi không thể lý giải được. Chỉ biết rằng từ đôi môi khô ráp vì khói thuốc và đôi mắt nhìn xuống hai kẻ ngón tay vàng ám, nơi điếu thuốc đang cháy dở dang, tình yêu đã nở hoa như cánh bướm màu hạnh phúc…

4.

Cuộc đời đang vàng phai theo những gió mùa, hôm nay ngồi ôn lại những bước tình đầu ái ngại của mấy chục năm về trước. Tình yêu và mộng ước cũng tan theo dòng đời. Lòng tôi không còn tươi mới để rượt đuổi theo bóng sắc mượt mà. Nhưng lửa tro than vẫn còn âm ỉ.

Ba mươi mấy năm sau, bất chợt gặp lại những người con gái cũ của trường xưa. Họ vẫn phơi phóng một tấm lòng của biển. Ðường phố Bolsa có đông vui nhưng lòng ai đã quạnh hiu một góc chợ chiều. Thời gian không dừng lại. Bên ly cà phê báo hiệu một đêm mất ngủ, vài mẫu chuyện gợi lại một khung trời hương mật và màu xanh của sóng đang lao xao trong mắt.

Một lần ngồi ở Starbuck’s (góc đường Brookhurst- Edinger) nhìn ra giao lộ đèn đỏ trùng điệp những đời xe mới toanh, nghe từ cuối một hành lang vọng lên bài hát. Quán cà phê Mỹ nhưng có nhiều người Việt Nam ngồi. Tiếng nhạc từ chiếc bàn kế cận không quen thuộc, nhưng dấy động một nỗi buồn:

Ngày xưa anh đón em
Nơi gác chuông chùa nọ
Anh bây giờ qua đó
Còn thấy chữ trong chuông
Em khoác áo nâu sồng
Anh một đời biền biệt
Tên em giờ tha thiết
Theo tiếng chuông chiều đưa…
(Phạm Thiên Thư/ Dấu Chân Chim)

Người con gái có tên Hoàng Hoa một thời tôi theo đuổi tại Vũng Tàu bây giờ đã đi tu. Tôi không biết duyên cớ nào làm nàng từ bỏ cuộc đời dung tục này để nương thân vào cửa Phật? Câu chuyện nghe có vẻ đượm mùi cải lương mang dấu ấn của Lan và Ðiệp. Nhưng tôi biết nàng vẫn từng hạnh phúc sau khi không còn đến trường. Tôi biết người chồng đẹp trai của nàng là Ðại uý Trần Bình Lâm. Sau 30 tháng 4 năm 75, nàng bươn chải bán thuốc tây ngoài chợ trời để nuôi chồng ở tù và nuôi mấy đứa con còn nhỏ. Ðôi lần tôi gặp Hoàng Hoa dắt xe đạp từ chỗ gởi xe, gần chợ chiều Vũng Tàu. Bên kia đường là biệt thự cũ bây giờ dùng làm trụ sở Phường Châu Thành. Nàng không có vẻ gì nhìn thấy tôi. Hay nhìn thấy tôi mà làm như không biết. Chiếc áo bà ba thay cho chiếc áo dài ngày thơ dại. Và đôi mắt đẹp buồn não nùng.

Mỗi cuộc đời đều giống như một dòng sông. Có khi sông vặn mình chảy xiết qua những ghềnh thác cheo leo. Có khi sông âm thầm nép kín sau những khúc quành. Sông ủ đời sông theo những ngày tháng lạnh của mưa và trong veo của nắng. Nhưng sông không bao giờ quay đầu trở lại thượng nguồn, mà chảy luôn về biển.

Mối tình một chiều của tôi, với Hoàng Hoa, giống như dòng sông vậy.

Ðêm đêm, lời kinh của nàng có làm sầu muộn thêm những đóa hoa sứ trong vườn Bồ Ðề? Ðêm đêm, tiếng gõ mõ của nàng có làm kinh động những cánh bướm mòn mõi giang hồ?

Tôi nghe người bạn học chung lớp của nàng từ Việt Nam trở qua kể lại. Hoàng Hoa giam mình trong một chiếc am nằm trên đường ra Ô Quắn (Au de Vent). Mỗi tuần, Trần Bình Lâm chạy Honda đem thức ăn chay cho nàng. Nàng hạnh phúc trong câu kinh tiếng mõ. Chờ đợi ngày hóa thân.

Nhớ xưa em rất dịu dàng
Hồn vang tiếng guốc mơ màng Hoàng Hoa
Em từ cõi Huế đi ra
Hương Giang bỗng mặn phù sa Vũng Tàu
Bây giờ em rất thanh cao
Áo xanh nay đổi áo bào Quan Âm
Đêm qua một đóa u trầm
Rớt trên kinh Phật tưởng lầm môi ai?

Tôi làm bài thơ ngắn có mấy câu coi như tạ lỗi hàng me đường Lê Lợi. Từ nơi đây tôi thơ dại và cũng từ nơi đây tôi khôn lớn với đời. Một đôi mắt đẹp đã sâu hút từ đêm Vũng Tàu vàng ấm mùa thi.

5.

Nơi căn phòng nhỏ nhìn ra sân mưa bên ngoài chiều nay đang ngổn ngang cành khô mà sáng ngày mai xe đổ rác sẽ đến dọn, tôi vừa biết thêm một cảm giác vội vàng khi tháng năm lao đi vùn vụt. Đâu rồi tia nhìn của lửa làm cháy bỏng đời nhau và sợi tóc còn vương lại trên chăn nệm? Những tình yêu phờ phạc cuốn hút cơn đau tuyệt vời và sau đó lìa nhau vĩnh viễn.

Có những giấc mơ chết non và bất hạnh ghim xuống lòng như một vết mực lầm lỡ. Một vài con chim đậu trên hàng dây điện như những nốt nhạc màu đen trên quá khứ buồn-(ý của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp)- Người đàn bà có con mắt màu nâu và vành môi cong vút màu tulip vừa rời khỏi đời tôi hôm qua để bay theo những phù hoa. Bay theo biển dâu và nắng gió chói chang bên ngoài. Nàng đến không ồn ào và đi cũng không tiếng động.

Không ai tắm hai lần ở một dòng sông. Cũng như không ai học biết đủ một bài học. Tình yêu cũng vậy. Khi tình yêu đi qua ranh giới của thù hận và đắng cay, tình yêu tự nó sẽ chết.

Nơi căn phòng cũ trong ngôi nhà đường Heatherglen, trên chiếc bàn gỗ bên ngoài Patio đang thánh thót mưa thu, tôi vừa biết thêm một bài thơ hay của một người bạn ở Tennessee. Lời thơ không cần bia bọt hay cà phê nhưng vẫn làm ấm áp, dù thơ anh như muối xát trong lòng:

cây hồn anh, thôi lá rách cành hư
năm bảy trái tình chưa xanh đã rụng
qua thời đất chai tới mùa nước úng
tiếng chim hoài im lặng một đời cây
năm ngón thon dài hiền dịu bàn tay
ngón út cho anh đợi ngày vuốt mắt
những ngón ngoan kia lỡ cho người khác
(ôi tay em, chỉ một ngón đang buồn…)
(Hoàng Lộc)

Có chuyến xe lửa nào vừa từ một nơi chốn lạ về ngang qua công viên sau nhà. Những toa tàu kín bưng nhốt bao nhiêu tâm hồn thao thức một thềm ga?

Tôi luôn yêu mến và kính trọng những cuộc tình không tìm ra trạm xuống. Đó là những cuộc tình đẹp tay ba dù nó luôn ủ bằng nước mắt và tuyệt vọng. Từ những đôi tình nhân dù biết rằng phải lạc mất nhau nhưng không biết phải hóa giải bằng cách nào, họ vẫn cầm tay nhau đi với sự can đảm pha lẫn buồn rầu, trong khi sương mù mịt mùng phía trước…


Phạm Ngũ Yên

Đừng Nói Lời Chia Tay

 

Tháng mười một năm trước tôi đưa dùm Solani về San Antonio để làm lễ tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ. Nàng nói với tôi chồng nàng, Michael, không thể từ Thái Lan về kịp trước mùa Giáng Sinh. Và dù có về kịp, nàng cũng không muốn “nhờ cậy” một kẻ không ra gì. Nàng đang trong thời kỳ ly thân nhưng Michael thỉnh thoảng vẫn ghé lại thăm hai đứa con trong những ngày cuối tháng. Tôi không biết với nàng một người đàn ông “ra gì” hàm chứa những yếu tố nào và làm sao để nàng yên tâm khi nhờ cậy tôi là một kẻ mà nàng chỉ mới vừa quen biết chỉ mới vài tháng. Nhưng chắc không phải do vấn đề tiền bạc. Nhưng tôi vẫn không thắc mắc và lái xe chở nàng. Khi trở về, tôi rủ nàng ghé thăm đồn Alamo cách đó năm dặm về hướng Nam. Mùa thu vàng úa hai bên đường và tôi nhìn thấy những con chim cánh đen đậu từng bầy trên bãi cỏ bên kia cầu xa lộ. Những con chim làm tăng thêm vẻ đen tối một mùa thụ Vì đang mùa Halloween, nên người ta bày biện những trái bí màu vàng chói chang và những hình nộm ma quái màu đen trước những cửa tiệm chạy dọc theo đường phố.
Đây là lần thứ nhì tôi về thăm lại đồn Alamo. Cảnh vật không thay đổi, nhưng tấm lòng tôi mang một mùa thu đã khác. Bên cạnh tôi Solani đang tò mò quan sát những dấu tích ghi dấu một thời oanh liệt đã qua. Những kiến trúc nhân tạo bên cạnh những đổ vỡ lâu đời vẫn được giữ nguyên vẹn làm cho cổ thành mang một không khí vừa thân mật, vừa gần gụi. Trong đó lịch sử được trộn lẫn vào quá khứ, và mỗi phiến đá sần sùi trở nên một đời sống riêng. Chúng gợi cho con người hình ảnh tuyệt đẹp của một thứ hạnh phúc tàn phai đồng thời cũng nói lên một niềm hi vọng bất biến. Chiếc cổng sắt nặng nề màu sét rĩ tương phản với màu gạch đá ong lúc tôi và nàng dừng lại. Nàng quỳ xuống cột lại dây giầy. Tự dưng tôi muốn chụp cho nàng một tấm hình với một dáng điệu trong một bối cảnh như vậy. Nàng bằng lòng ngồi lại bên thềm đá rũ rượi những chiếc lá vàng khô mắt tư lự nhìn về phía ống kính. Sau lưng nàng là những con chim bồ câu mập mạp đang chậm rãi tìm mồi. Miệng nàng như muốn cười và trong một phút giây ngắn ngủi tôi bấm máy. Tôi bảo nàng cứ ngồi yên như vậy để tôi chụp lại lần nữa, phòng hờ tấm hình bị hư. Khi người ta mang trong trái tim mình một hình ảnh đẹp, người ta sẽ thôi không thấy mình già. Tôi cũng vậy. Có một chút nắng còn sót lại trong vòm lá trên cao. Bầu trời tức tưởi không có một giãi mây để gởi gắm vào đó một tâm sự.
– Anh có muốn em chụp cho anh không? Nàng hỏi.
– Không cần.
– Tại sao?
Tôi không biết trả lời tại sao. Nhưng nếu dung nhan của mình không rực rỡ lắm thì đừng nên nén chặt nó xuống lòng giấy. Đôi lúc, chúng ta cần thiết quên đi những gì mà thời gian đã tàn nhẫn ném lên mặt mũi. Nhưng với Solani thì không sao. Nàng là một người đàn bà kỳ lạ mà tôi đã quen. Không biết có phải tôi đã bị sự thu hút của nàng từ lần gặp nàng đầu tiên hay không. Nhưng tôi biết những bão giông sẽ chờ tôi ở một góc đường.
Tôi sẽ không bao giờ biết tuổi thật của nàng. Chỉ biết nàng là một người đàn bà không còn trẻ thực sự trên giấy tờ nhưng lại khuôn mặt thì phản đối lại điều đó. Nàng là một phụ nữ sinh tại Campuchia. Và cách đây một tiếng đồng hồ nàng đã trở thành một công dân Mỹ. Tiếng Anh nàng nói rất lưu loát và đôi lúc nàng nói được vài câu tiếng Việt, dù không rõ ràng.
Tôi và nàng làm chung một ca trong một hãng điện tử lớn tại thành phố Austin. Một ngày nào đó tôi sẽ nhớ lại cách thức mà tôi đã quen biết nàng và tại sao tôi đã yêu say đắm được nàng khi ngôn ngữ là một rào chắn mạnh mẽ để tôi và nàng tìm đến sự cảm thông. Bây giờ tôi chỉ muốn nhớ rằng tôi quá yêu nụ cười nàng và khó lòng quên được nó. Nụ cười có những chân răng trắng đều không khuyết điểm như hàm răng của các người mẫu.
Một ngày nào đó nàng sẽ xa tôi vì không có gì tồn tại mãi trong cuộc đời nầy. Và chúng tôi ai là người sẽ quên ai trước? Nhưng để xóa đi một cái gì dính líu đến một nhân cách hay một con người thì hơi khó. Nụ cười nàng đủ khả năng làm cho tôi tiếp tục đi trên những chông gai sắp tới với những bước chân mệt mõi già nua. Như một con sói miền hoang mạc đi trên những dấu chân bỏng rát cuộc đời.
Tôi đang sánh vai đi với nàng dưới bóng mát êm dịu của một mùa thu tháng mười một. Tôi không muốn mọi suy nghĩ buồn rầu nào làm quấy rầy một niềm vui. Solani cũng muốn như vậy. Không phải nàng đã nói với tôi là chấp thuận cho tôi đưa nàng đi đến tận cùng góc bể chân trời nào khi nàng chui vào ngồi trong lòng xe của tôi? Câu nói đùa nhưng nghe ra thật có lý.
Có một vòm cầu nối liền phố xá bên nầy và khu rừng nhỏ phía bên kia. Dòng sông êm đềm trôi bên dưới. Cách đây mấy trăm năm, có lẽ những thổ dân da đỏ đã từng đi lại trên dòng sông nầy bằng những chiếc thuyền độc mộc trong khi bầy cá sấu hả miệng rượt đuổi theo. Bây giờ những con sấu già nua nhất chắc đang tồn tại trong một sở thú nào đó và trên dòng nước đang lôi kéo theo những xác lá vàng kia, chiếc thuyền độc mộc được thay thế bằng những chiếc xà lan sơn phết rực rỡ. Chúng đang làm công chuyện chuyên chở những du khách từ mọi nơi đổ về. Chúng tôi dừng lại bên cầu, nhìn xuống. Khuôn mặt nhìn nghiêng của nàng kề cận bên tôi.
Tôi ngây ngất tận hưởng mùi thơm đang đầm đìa bên cạnh hương thể nàng và ước ao trái đất nầy đừng quay và thời gian sẽ nằm yên tại chỗ. Từ hướng nhìn như vậy, tôi phát giác thêm một ưu điểm khác làm nên bởi chiếc mũi thẳng thớm tự nhiên của nàng. Tôi yêu mến những người đàn bà không cầu kỳ khi mời gọi người ta chiêm ngưỡng nhan sắc mình. Vì một người đàn bà đẹp không cần có sự tiếp tay của mỹ phẩm hay dao kéo vớ vẩn.
Nơi góc tối của những bụi dứa dại, bức tượng cao bằng người thật của Thánh Antonio ôm con cừu nhỏ trên tay. Lau lách dưới chân ông và cuộc đời gai góc bên ngoài. Trong khi chúng tôi như hai người còn trẻ tuổi bám lấy nhau không rời. Đi qua những hàng quán, những siêu thị. Thỉnh thoảng nàng dừng lại hồi lâu dùng tay rờ rẫm lên trên mặt đá lạnh lùng. Hình như từ nơi đó đang toát ra sự sống của quá khứ. Mỗi một cảnh vật hình như đang có hơi thở và biết bao nhiêu năm tháng ràn rụa trên mỗi hòn cuội âm thầm kia. Biết bao nhiêu nỗi vui và đau khổ chạy đuổi nhau trên từng cánh lá và tiếng kèn xung trận một thuở nào còn vang động đâu đây.
Chiều xuống ngoài bến nước đang lên đầy làm ướt đẫm những tam cấp dẫn lên những vỉa hè. Tiếng vang khô khốc khi một con nhái xanh vừa rời khỏi chỗ trốn để nhảy phóng vào lòng nước. Người ta ngồi nhâm nhi những ly cà phê thơm mới lấy ra từ lò xây và mùi những trái dâu trong ly kem hồng đào. Mùi thịt nướng tươm mỡ cùng với mùi hành phi từ các quán ăn Tàu. Tất cả mọi thứ không gian và con người trộn lẫn vào nhau giống như một hoạt cảnh trong tranh của Monet.
– Em muốn về. Hình như trời sắp mưa. Solani nói khi ra ngoài.
Một cơn dông báo hiệu sẽ đến trong vài phút nữa mà khi còn bên trong chúng tôi không thấy. Chúng tôi chia tay Alamo vội vàng. Cơn mưa chờ đợi chúng tôi ra đến tận ngoài bãi đậu xe mới ném vào mặt chúng tôi những hạt nước hung bạo. Tôi lái xe chầm chậm lòng tiếc rẻ một ngày vui chóng qua. Con đường mịt mùng đôi lúc không thấy những lằn lane vàng phân chia hai chiều. Một vài tia chớp lóe sáng ở cuối chân trời màu chì. Có một lúc mưa to quá tôi phải đậu dạt vào khu vực emergency bên lề. Solani hơi có vẻ sợ hãi. Tôi an ủi nàng:
– Đừng sợ. Anh sẽ đưa em về bình an. Chỉ một chút nữa thôi trời sẽ tạnh lại. Nàng không nói gì một hồi lâu. Bàn tay run run trong bàn tay của tôi và tôi tưởng nàng đang buồn ngủ:
– Em sợ, Se Tran.
– Điều chi?
– Ám ảnh của quá khứ. Đôi khi em thấy em đang sống lại thời thơ ấu trong giấc ngủ. Cánh đồng chết và những thây người chưa kịp vùi lấp. Khi nãy dòng sông làm em nhớ lại con sông quê nhà. Nhưng không phải yên bình như tại đây.
– Anh biết. Quê của anh cũng có hình ảnh như vậy.
– Con sông của quê em đục ngầu phù sa vào mùa mưa và càng về thượng nguồn phù sa càng trở thành màu đỏ. Không phải màu đỏ tự nhiên mà là màu đỏ của máu. Đó là những ngày tháng bắt đầu cuộc đại khủng bố của Pôn Pốt. Nàng tâm sự. Mười lăm tuổi em bỏ học vì Ponpot không muốn thấy mọi giai cấp tồn tại ngoại trừ giai cấp thống trị. Mười bảy tuổi chứng kiến cả gia đình bị thảm sát bằng rìu, sau khi bị kéo lê trên khắp đường phố bằng dây kẻm gai. Em sống sót lạ lùng và mười tám tuổi đi qua cánh đồng chết một mình cùng tất cả những sợ hãi.
– Việt Nam của anh cũng có những thứ đó, sau đó vài năm. Những kích thước đau khổ nào cũng đều giống nhau. Chỉ khác ở kinh nghiệm và sự cảm nhận của mỗi người.
Khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống khỏi những cành nhánh oằn oại của các cây sồi trước hãng, mùa đông sừng sững hiện ra không dự báo trước. Buổi sáng đi làm đã có thấy vài chiếc áo ấm mọc trên vai vài người. Bên hành lang đường dẫn vào cổng phía tây, những vòng khói thuốc bay quanh co trong sương mù từ những tay ghiền thuốc đang tiếc rẽ một hơi ấm tàn đêm. Lòng tôi thấy mê mệt một hạnh phúc dịu dàng khi hai bàn tay thủ kín trong túi áo. Lâu lắm rồi tôi mới thấy lòng tràn ngập một nỗi thôi thúc giang hồ khi đi qua một góc phố mù sương đầu ngày, khi thành phố đang còn giữa thức và ngủ. Nhớ Đà Lạt ngày mới lớn, thời lính tráng lãng mạn, tôi cũng đã từng đi qua một vài con đường. Rời bỏ vài con phố để đến nơi người tình ở. Và hơi thuốc đầu ngày ngập ngừng trên một địa chỉ hoa, khi tôi đưa tay lên gõ cửa.
Câu chuyện tôi và Solani, cho đến bây giờ, tôi không biết tôi và nàng ai là người khánh tận khi tình yêu trở thành một vết thương. Tôi không muốn đau khổ vì điều nầy tự dưng đối với tôi quá mới mẻ. Nàng chẳng từng nói với tôi rằng đối với Michael thì khó lòng có một sự ràng buộc nào khiến nàng hồi tâm để quay về. Nàng cũng từng nói với tôi là chồng nàng là người đàn ông rộng lượng và hiểu nàng hơn ai hết. “Nhưng lý do nào mà em và Michael lại không ở chung với nhau?” Tôi đem thắc mắc đó hỏi nàng trong giờ ăn tại hãng.
– Khi một người đàn ông quá hiểu tường tận về người bạn đời của mình thì sẽ không còn gì để say đắm. Nàng nói mà nhìn tôi với đôi mắt như muốn cười. Đó là một kinh nghiệm. Anh ấy là chủ một tiệm rượu nhỏ ở đường số Tám. Vài năm trước công việc buôn bán đang phát đạt và thu nhập hàng ngày có vẻ tiến bộ trông thấy. Em lúc đó đang ở nhà không đi làm vì không có ai coi chừng thằng con nhỏ, nó mới được bốn tuổi. Rất ít khi em đi tới Liquor của Michael vì anh biết đường xá ở Downtown rất phức tạp. Trong khi em lái xe “quờ quạng” hơn ai hết. Một lần có việc cần em chạy đi tìm hắn, mà đáng lý em nên gọi phone trước mới đúng. Nhưng phone ngoài tiệm đang bận lúc đó. Và anh biết em thấy gì không?
– Thấy gì?
– Một con mẹ người Mễ nào đó đang ngồi trên đùi của Michael và áo quần thì xốc xếch. Em không nói không rằng và đập bể không thương xót những gì kề cận trong tầm tay. Một mảnh vỡ văng ra từ những chai rượu làm tay em bị chảy máu. Và xe cứu thương tới. Và sau đó thì… đó thì mạnh ai nấy sống.
Nàng chỉ cho tôi thấy một vết thẹo nằm dưới cổ tay. Tôi nói:
– Em dữ quá.
– Em vậy đó. Có thể là bản năng từ những ngày còn nhỏ, khi em đối diện với những bất trắc…
Đâu phải ai cũng là một con bướm nhởn nhơ mãi trong khu vườn đầy ứ những nụ hoa. Một lúc nào cánh bướm sẽ mỏi và nhịp vỗ sẽ không còn đủ sức làm nên một tín hiệu. Trong khi tôi không còn thời gian để chờ đợi. Tôi hứa với nàng sẽ từ bỏ cuộc đời độc thân kể từ mùa xuân này để cưu mang nàng và hai đứa con. Tôi sẽ làm hôn lễ với nàng dù không rình rang nhưng đầy đủ những lễ nghi trong một nhà thờ công giáo. Có vị linh mục chủ lễ ban phép hôn phối và chúng tôi sẽ quỳ bên nhau dưới những ngọn nến rực rỡ.
Tôi không thể đè nén niềm vui xuống tận đáy lòng. Vì khi nghĩ đến nàng lòng tôi dâng lên một nỗi hân hoan kỳ thú. Tôi trở thành một người đàn ông mất thì giờ rất nhiều khi đứng thường xuyên trước tấm gương trong phòng rửa mặt, chỉ để nhìn ngắm dung nhan mình. Một công việc mà tôi rất ghét từ trước đến nay. Tôi tự tìm mua những món đồ dành cho một tổ ấm. Những món đồ vặt vảnh, củ kỹ không xài tôi đem cho ở Goodwill, và dùng những ngày cuối tuần đi ăn với mẹ con nàng.
Tình yêu làm cho người ta vững vàng hơn hay yếu đuối hơn. Tôi ghé thăm nàng thường xuyên nơi căn phòng nàng thuê ở đường Lamar. Nàng ngược lại cũng hỏi thăm địa chỉ tôi và đôi khi tạt qua nói là để mượn của tôi một tờ tạp chí, hoặc nhờ tôi chỉ cho nàng xào nấu một món ăn Việt Nam. Khả năng bếp núc của tôi chỉ đủ dạy cho nàng món trứng chiên và thịt bò xào trộn với rau muống. Một món mà nàng rất thích.
Mùa đông lấp lánh trên mấy con suối chảy quanh co dưới sườn đồi và tiếng chim kêu ít hơn trên những đụn tranh sau lưng nhà bưu điện. Đó đây, cảnh vật mang một nỗi buồn khi tôi lái xe đi về buổi chiều, ngang qua mấy bờ cỏ xám xịt. Qua một con đường xe lửa nhức nhối nằm đợi những toa tàu. Một cái quán bán đồ fast food nằm khép nép bên cạnh một sân chơi trẻ con. Nơi đó tôi có thể tìm thấy một vài món mà đôi lúc tôi có thể đem về tiêu thụ ngay sau một ngày làm việc quần quật ở hãng. Một ly cà phê chỉ có 59 cent cho bất cứ mọi size. Dĩ nhiên, tôi luôn chọn cho mình một ly cà phê lớn nhất.
Một lần tôi gặp Michael tại sân chơi. (Nàng không bao giờ cho tôi có dịp biết mặt chồng của nàng- nhưng tôi đoán ra Michael vì thấy đứa con trai nhỏ của nàng). Hai cha con đang chơi ném bóng vào một cái giá bóng rỗ. Tôi quên hôm đó là ngày chủ nhật cuối tháng, thời gian mà Michael có quyền đến thăm con. Họ quay lưng về phía tôi và tôi cũng không muốn đứa bé bắt gặp. Có một sự cảm xúc dâng lên trong tâm hồn tôi khi tôi cầm lấy tiền thối từ người bán hàng. Nhìn dáng điệu của Michael cố vươn mình tới trước để đón quả bóng từ con trai, và cách thức liệng quả bóng làm sao không rơi xa ngoài tầm tay của đứa bé, tôi biết tôi khó lòng bày tỏ hơn được như vậy. Một người cha biết chăm sóc tốt cho con cái trong một chuyện nhỏ nhặt thì chắc không phải hoàn toàn là một người đàn ông xấu. Biết vậy, nhưng tôi vẫn không làm sao giũ bỏ hình ảnh Solani ra khỏi tâm trí tôi. Đã không thể quên lãng được mà trái lại tôi lại càng muốn chiếm hữu nàng. Càng lúc, tôi càng cảm biết được sự ghen tị đang nẩy nở trong tôi từ sau buổi sáng hôm đó.
Gần Giáng Sinh, tôi hỏi nàng có cho phép tôi mời nàng đi nhà thờ và sau cùng ghé về nhà tôi ăn bữa cơm tối mừng Chúa ra đời. Nàng trả lời:
– Không được. Michael muốn có buổi tối Giáng sinh với hai đứa nhỏ. Anh biết, trẻ con chưa quen thuộc với không khí thiếu mất một người cha hay một người mẹ trong gia đình. Chúng không muốn biết lý do và mọi sự bào chữa. Vì lỗi lầm thuộc về người lớn.
Vậy là tôi sẽ ăn lễ một mình trong căn phòng quá rộng rãi và gặm nhắm nỗi buồn như ngày nào tôi chưa từng quen nàng. Buổi chiều tôi vào siêu thị tìm mua cho nàng một chiếu áo len cao cổ và hai con gấu nhồi bông cho hai đứa con nàng. Tôi cũng mua thêm một bình hoa hồng để trang trí căn phòng bớt hiu quạnh. Nơi một ngã ba dẫn vào khu tôi ở bóng những cây thông có treo đèn màu xanh đỏ dội xuống đường ánh sáng huyền hoặc. Những vạt sương mù vương vãi đó đây che lấp hàng rào chung quanh công viên và khi tôi trở về nhà đêm đã qua lâu. Có ánh đèn trong nhà khiến tôi ngỡ mình quên tắt điện buổi chiều. Nhưng khi cánh cửa mở ra tôi thấy Solani đang ngồi coi truyền hình nơi ghế sophạ Tôi ngạc nhiên:
– Em đến bao giờ?
– Chỉ mới đây thôi.
– Không thấy xe em đậu ngoài sân?
– Em đến đây bằng taxi. Lát nữa anh phải đưa em về. Nàng cười rạng rỡ khi thấy tôi ngẩn ra. Đùa thôi. Xe em đậu phía bên kia đường đối diện với người hàng xóm của anh. Để anh bất ngờ.
– Bất ngờ thật. Mấy đứa con em ra sao? Chúng không biết em đang ở đây chứ?
– Michael đưa chúng đi xem phim và bây giờ chắc đang ngồi trong một tiệm ăn nào đó. Thật tình mà nói, giữa em và Michael chưa ai thấy tự nhiên sau một biến cố như vậy. Nhưng không thể làm khác hơn.
Nàng nói và đứng lên, cùng lúc cánh tay đưa ra nhưng không thể cản ngăn cái hôn sỗ sàng của tôi. Tôi tưởng nàng mới vừa uống nước bạc hà vì môi của nàng có mùi vị giống như vậy.
– Anh sẽ không muốn em về, trước khi trời sáng. Em làm anh đau khổ khi nghĩ rằng em sắp vuột khỏi tầm tay.
– Có thể như vậy. Đôi lúc em nghĩ em rất yêu anh. Đôi lúc em nghĩ em không thể xa rời hai đứa con em. Chúng vẫn còn yêu mến Michael.
– Nhưng không phải em đã dứt khoát vấn đề từ mấy tháng nay? Và còn lời cầu hôn của anh?
– Mới đầu thì như vậy. Nhưng bây giờ thì câu chuyện có vẻ theo một chiều hướng khác.
– Tại sao?
– Đừng hỏi tại sao? Chỉ biết bây giờ em đang ở đây. Tại sao anh không mời em uống một cái gì đó để đánh đấu một đêm Giáng Sinh êm đềm?
Nàng nói vậy. Nhưng khi tôi định rời nàng để đi tìm chai rượu vang thì nàng đổi ý. ” Chúng ta không có thì giờ phải không? Se Tran”. Nàng thì thào.
Chúng tôi không biết ai đã kéo ai ngã xuống chiếc giường chật chội trong phòng, trong bóng tối mờ nhạt thơm mùi nước hoa từ mái tóc nàng. Trong bóng tối đôi mắt nàng quay nhìn về hướng khác, như hai hướng đời chia xa. Tôi biết từ bây giờ tôi sẽ mất nàng.
Lâu lắm rồi, tôi mới biết được tình yêu và sự đau khổ. Phải chi chúng tôi còn thanh xuân để nghiền nát đời nhau và bù đắp cho nhau mọi bất hạnh cùng mọi lạc thú. Chúng tôi không thể bơi ngược dòng sông bằng đôi cánh tay mang triệu chứng già nua trong khi đôi môi run rẩy một quá khứ buồn. Nhưng không phải vì vậy mà thân xác chúng tôi không hòa nhập nhau được. Vì ngoài sự đam mê, chúng tôi đều có chung một mẫu số đau khổ. Nàng đã qua một thời ấu thơ buồn rầu như tôi. Trên những dấu chân tàn phai và bóng tối của những tàn cây thốt nốt. Nơi những sợ hãi luôn là kích thích tố làm tăng trưởng mọi đời sống và cánh đồng chết chôn vùi mọi thanh xuân.
Bây giờ nàng và tôi không còn ai dấu diếm những rung động của mình. Chúng tôi phơi bày cho nhau một phần đời sống quanh co khuất lắp. Và giữa tôi và nàng, không còn khoảng cách nào để chúng tôi từ chối tham dự vào một vũng lầy hấp hối cuối đời. Một lần nào nàng nói với tôi tên nàng có nghĩa là một dòng sông. Tôi cũng đang là một nhánh sông tìm cách chảy xuôi vào định mệnh nàng, nhưng không thể.
Đêm khép nép trên những tàn cây ủ ê bên ngoài và không bao lâu trời sẽ sáng. Mùa đông không cần khua động những nhát dao nhưng rét mướt làm điếng tê da thịt. Có tiếng dế kêu râm ran từ một góc tối. Không rền rĩ, nhưng đầy những cáo trách.
Trong bóng tối mù căm, nàng mặc quần áo lặng lẽ, nhanh chóng như lúc vuột bỏ ban đầu. Chỉ còn một mảng trắng màu sữa từ chiếc cổ thanh tân của nàng. Như một đánh dấu giữa mộng và thực. Solani hôn tôi vội vàng, trước khi tôi kịp vươn cánh tay ra để níu lại vòng lưng thon thả.
– Good bye, Se Tran. See you later. Nàng lìa xa tôi bằng cách thức như vậy. Tôi không kịp nói lời chia tay. Nàng đang nắm tay vịn cánh cửa, nghiêng về phía tôi. Cuối cùng cánh cửa mở ra, đóng lại. Đóng kín niềm hi vọng mới mẻ trong tôi. Nàng đã ở bên ngoài. Nàng sẽ đứng lại một chút và cuối xuống cột lại giây giầy như thói quen. Đi bộ băng qua bên kia đường để đến nơi đậu chiếc xe Nisan Sentra đen của nàng. Nơi đó có một bụi xương rồng và gió đêm sẽ lau khô dùm nàng những dòng lệ nếu có. Nàng sẽ vươn vai đi về phía mặt trời sáng mai, nỗi đau đớn lìa xa dần dà sẽ kéo da non trong tâm hồn son trẻ của nàng. Vì không ai nhớ hoài một vết thương. Bổn phận làm vợ làm mẹ sẽ làm nguôi ngoai nàng một vài tháng sau. Dầu gì nàng vẫn còn một gia đình để quay về. Có những ngọn nến chảy miệt mài dành cho nàng suốt một mùa đông và những mùa xuân kế tiếp.
Còn tôi? Căn phòng mà tôi và nàng sống qua một đôi giờ hoan lạc nhìn xuống con đường 183. Ngày cũng như đêm xe cộ lao vun vút không ngừng như nhịp chảy của cuộc đời. Chỉ có tôi đang bị ném hụt hẫng bên ngoài như một món đồ tình cờ văng ra khỏi chuyến xe đời chạy vội. “See you later” Làm sao gặp lại? Đó không phải là một lời nói qua đường nhưng tôi thấy khó khăn làm sao để thực hiện lời hứa đó. Khoảng vài tháng sau tôi bị nghỉ việc vì hãng bị down. Phòng nhân viên đưa ra một danh sách những nhân viên không cần thiết cho hãng trong đó có tôi. Solani vẫn còn ở lại. Tôi không gặp nàng một ít lâu. Lý do vì tôi phải đi tìm một việc làm mới trước khi mùa đông chấm dứt. Và một lý do khác, có lý hơn, là mặc cảm.
Tôi không kịp gởi cho nàng chiếc áo len màu tím tượng trưng cho một tình yêu buồn. Món đồ không đáng là bao nhưng tôi thấy lòng nặng trĩu. Buổi chiều tôi lang thang vào trong mall xem người ta mua sắm, cười nói. Xem người ta đầu tư lòng tin trên những mặt hàng. Tôi đi qua những nơi mà tôi và Solani đã từng đi qua trong thời kỳ tiền “trăng mật”. Mùa xuân phồng căng cánh gió dưới chân cầu Downtown. Những bầy dơi bay về đậu đen một góc phố. Có một vài đêm tôi không đè nén lòng mình, gọi phone cho nàng. Đầu giây bên kia tiếng message yêu cầu tôi để tên lại, chủ nhân về sẽ trả lời. Có cần thiết nêu lên lý do cho một lần gặp gỡ?
Cho đến một ngày, tôi gặp lại Solani khi tôi bị kẹt xe bên nầy đường. Tôi có công việc làm trở lại sau hơn ba tháng ăn tiền thất nghiệp. Buổi sáng mùa xuân ánh nắng rực rỡ bên cạnh vòi nước bên hông nhà thờ. Con đường hai chiều dành cho người đi bộ, tôi thấy nàng phía bên kia. Trên lưng nàng mang một túi xách đeo lưng dành cho người leo núi. Chiếc quần jean màu xanh da trời dể chìm khuất trong những màu xanh tương tự. Dòng người đông đảo xô đẩy nàng tiến về phía trước. Nàng không thấy tôi, dù tôi chỉ cách nàng khoảng hai chục feet. Mái tóc màu đen của nàng đánh dấu cho tôi biết nàng còn trong đám đông hỗn độn. Không có vẻ gì báo hiệu cho tôi biết là nàng đi với ai đó. Gương mặt nàng thoáng hiện ra và một lúc lại bị che mất bởi người đi bên cạnh. Nàng đi những bước chân dài dọc theo bức tường sần sùi chạm trổ hình thù Ai Cập. Trái tim tôi quặn thắt lại và toàn thân như muốn lên cơn động kinh. Một chiếc xe buýt chợt trờ tới đậu trước mặt tôi. Vài ba người lần lượt trèo xuống đường. Một vài người chuẩn bị bước lên. Mãi đến khi xe buýt chậm chạp bò đi thì Solani không còn trước mặt tôi. Tôi dáo dác tìm nàng. Và đèn xanh bật lên, xe tôi phải lao về phía trước.
Có những mối tình bị chết cạn vô lý trong lòng suối hẹp. Hay đôi tình nhân tình cờ lạc nhau giữa một ngã ba. Tất cả đều mang một dáng vẻ bi thiết mà trái tim con người không thể cân đối được. Trên những con đường một chiều, người ta luôn vẽ những bảng cấm Do not enter. Và không ai vượt qua được những nỗi đau đầm đìa ẩn dấu đàng sau đó những điều dụ hoặc. Một lúc nào đó, theo thời gian, nụ cười của nàng sẽ mất đi một chút quyến rũ, nhưng sự thương tổn thì vẫn còn.
Phải mất nhiều năm sau ngày tôi xa Solani, tình yêu mới bắt đầu trở nên lắng đọng trong tôi. Hai lần tôi nghe tiếng phone của nàng nhưng cả hai lần tôi đều không muốn trả lời. Lần thứ ba nàng gọi tôi báo tin chồng nàng vừa mất. Chuyến máy bay gồm có 201 hành khách vừa rớt xuống biển Thái Bình Dương. Chồng nàng có mặt trong chuyến may bay thảm khốc cuối cùng của thế kỷ. Tôi an ủi nàng và tôi nhớ mình có gởi đến nhà nàng một vòng hoa phân ưu. Trong khi tôi loay hoay tìm kiếm địa chỉ nhà quàn để đến chia buồn, tôi tình cờ nhìn thấy hộp giấy gói chiếc áo len định tặng nàng mùa Giáng Sinh và hai con gấu nhồi bông nằm chìm khuất trong góc tủ…

Phạm Ngũ Yên

viết cho tháng mười hai sắp hết…

phamnguyen

viết cho tháng mười hai sắp hết…

Em là chim hồn nhiên
Bay qua ngày rất lạnh
Cuối con đường khô tạnh
Mơn trớn một vòng xe

Trên trán ngày hôm kia
Miếng hôn vừa chạm xuống
Bàn tay nào luống cuống
Vạt gió ùa qua vai

Anh không còn măng mai
Để nghe lòng huyễn hoặc
Nỗi buồn như lẫn quất
Úp mặt vào cơn say

Sương mù về quanh đây
Tiếng cười không đủ ấm
Có màu son rất đậm
Che lấp lời thơ anh

Bài thơ đầu mỏng manh
Cái thời nghe biển hát
Bông sứ gầy rơi lạc
Làm trắng tháng mười hai

Một góc đời chia hai
Em muốn về bên đó
Áo ơi đừng lật gió
Giữ kín mùi hương em

Trong giấc mơ vườn đêm
Sân nhà ai đã tuyết
Những cây bàng lá biếc
Lấp lánh màu bể dâu

Những mảnh đời lao xao
Có nằm yên bí mật?
Những tờ thư thứ nhất
Có còn trên gối riêng?

Những cuộc tình thiêng liêng
Rất đắng cay và ngọt
Như rượu vừa mới rót
Buồn đã chảy vào ly

Em con tàu mãi đi
(Những ga đời rất đẹp)
Giữa hai đường ray thép
Viên sỏi già nằm im

Những ngày này lim dim
Ngã tư đèn xanh đỏ
Nghe nỗi buồn của gió
Đánh dấu ngày chia tay

Tháng chạp còn hây hây
Đuổi theo mùi hương sắc
Em vẫn còn mướt mắt
Sau những ngày quay lưng

Cánh bướm chiều dửng dưng
Môi em màu cẩm chướng
Mặt trời chưa lặn xuống
Mùa đông đã qua đâu?

Những con chim mùa sâu
Hót lên lời vô cảm
Những tình yêu ngắn hạn
Vừa dừng lại sáng nay…

PHẠM NGŨ YÊN

ÔI GIẤC MƠ NON CỦA ÔNG GIÀ

phamnguyen

Rất nhiều ngày anh không làm được bài thơ
Nên những bước chân cứ dẫm vào nỗi nhớ
Một nửa hồn nhiên nửa chập chùng lo sợ
Một bờ sông nghe cạn nước từ đầu
Ngày rất dài và đêm rất thẳm sâu
Sợi tóc mới vui nay biến thành giận dổi
Những bảng stop sign nơi cuối đường nông nổi
Những buồn vui theo mắt liếc môi cười

 

 

Con chim nào nhiều buổi sáng hót chơi

Con dế gáy vang trong hộc bàn góa bụa

Mùa hạ cháy trên những cành hoa lửa
Phượng của đời hay phượng của em thôi?
Vũng Tàu từng son trẻ thuở hai mươi
(Vừa ai đó gởi hình lên Facebook)?
Anh chóng mặt giữa tháng ngày dung tục
Giáo đường quen cùng những tiếng chuông quen
Chơt đắng lòng nghe hai chữ nhân duyên
Ai ngồi xuống phía bên này oan nghiệt?
Ai đứng lại giữa muôn trùng luyến tiếc?
Lời của trái tim sao không đủ ngôn từ?
Quán vắng em rồi nên quán rất ưu tư
Hàng cây thiếu một mùi hương thiếu phụ
Bụi bậm ngủ yên trên những bàn ghế cũ
Có một người quay quắt nhớ gì đâu…
Một chuyện tình dang dở đã từ lâu
Khi cuộc sống trôi theo những điều không thực
Anh thèm khát nụ hôn lần mới nhất
Một bàn tay che khuất bóng trăng cười
Em làm con sông nhỏ chẳng thèm trôi
Mặc anh đứng ngó một mình ra biển
Những con thuyền đi hoài… không thấy bến

Những cuộc đời chưa khóc đã rưng rưng
Có những ngày nắng khát gọi mưa xuân
Buồn lây lất một tình yêu rất vội
Ngày em đến rồi đi như gió thổi
Anh vụng về không biết dỗ dành đâu…
Trong tận đáy lòng và mãi đến nghìn sau
Một mối tình bay đi vào một chân trời xa lắc
Nhưng nghĩ về ai anh cũng nghĩ về em trước nhất
(Nghĩ về em anh thanh thản cả ngày)
Có điều gì trong buổi sáng hôm nay
Xe cộ miên man những nhịp cầu xa lộ
Tim chợt lạnh chợt nhủ lòng đừng nhớ
(Một mùi hương còn đọng chỗ em ngồi)
Xa em rồi làm … ông lão… mồ côi
Trên chăn gối tiếng đời đi rất vội
Vừa mới đó vẫn còn nghe nóng hổi
Vị ngọt ngào làm kiêu hảnh môi son…
Một đời già ôm mãi giấc mơ non
Dẫu từ chối bão giông … nhưng mỗi ngày mỗi đến…
Bông hoa nở giữa sân vườn trìu mến
Vừa mới hôm qua sao đã héo khô rồi…
Phạm Ngũ Yên

Tóc mai sợi vắn…

phamnguyen

1.

Lòng ta như một trang kinh
Ẩn trong lời Phật chữ tình rưng rưng
Lòng ta lá nhỏ trên rừng
Lao chao rớt xuống mấy từng chiêm bao
(thơ Hoàng Du Thụy)

Bài thơ đó do một người bạn văn từ Canada, gửi tặng.

Chị nói với tôi chị đang tìm nguồn vui trong thiền và lòng không còn vướng bận những nhánh đời nhân quả. Mỗi đêm về nhà, lái xe qua những hàng sơn táo, qua những vạt cỏ màu vàng như ủ bằng mật ong người đàn bà đó nghe mùa xuân trở mình và tiếng gió rít ngoài kiếng xe, lòng lãng quên hết mọi tranh chấp, muộn phiền…

Những buồn vui ngày trước từng làm tròn trịa một tình yêu cũng không còn? Như một cơn mưa bóng mây bay rớt trên góc tường hạnh ngộ, làm thiếu thốn phía bên này và khao khát phía bên kia.

Biết bao bóng thuyền muộn màng không về được bến vì giông bão giữa dòng, nhưng đàng sau những cơn bão lòng là trái tim lành lặn.

Trên điện thư trả lời, tôi cầu mong chị tìm thấy sự an tịnh thật tình và hy vọng thành phố Montreal có thêm một người đàn bà biết ủ đóa vô ưu trong lòng để giẫm lên những mù lòa dâu bể. Mọi giấc mơ đều cũ xa, đều bỡ ngỡ.

Nhưng thâm tâm tôi không tin nhiều về điều chị nói. Những câu thơ vẫn còn đó sự trăn trở rất đời. Vẫn còn bao la một nhánh sông muộn phiền lấp lánh. Hơi thở tình yêu hình như vẫn còn tươm mật trên môi run ngày nào…

Người đàn bà từ bỏ một đoạn đường và không muốn nhìn lại sau lưng, không có nghĩa là quá khứ đã đoạn lìa. Dù vẫn còn đó vạt mưa làm trắng màu thiền trên vai áo, trong khi tiếng đời vừa xao động lá sen khô.

Bài thơ bất chợt chị gởi tôi từ một đêm như vậy, trong khi tiếng gió quét mùa hạ đi qua ngôi nhà đường Heatherglen. Tôi nhớ vô cùng ngôi nhà cũ của gia đình tôi nằm dưới chân Núi Lớn Vũng Tàu. Biển thổi giạt nỗi nhớ mênh mang về hai đầu ngọn núi. Nhiều đêm tôi chong đèn ngồi học thi lúc bên ngoài trời mưa. Và những câu thơ của một mùa không ngủ được viết xuống bằng mực tím học trò. Những ngọn cỏ khát gọi mưa đêm nên nảy mầm thành lục bát.

Bao nhiêu năm rồi, tiếng mưa có khả năng làm thành cung phách bản đàn xưa và cơn mơ vội vàng như một âm thừa sót lại.

Khi người ta già, người ta sẽ nhìn lui lại bước chân mình. Những người đàn bà giống như sương mỏng, như sông xanh. Họ thà ủ hơi thở sửng sốt của mình trên vai người khác hơn là đậu xuống những trang giấy tình hồn nhiên. Những cuống lá mùa thu không biết nói lời hò hẹn, nên đêm Vũng Tàu có một người úp mặt vào đôi tay, thao thức.

Thành phố ven biển của tôi cũng giống như mọi thành phố miền Nam. Có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Những cửa biển xưa mờ cạn nước. Những gã con trai cùng rong chơi với nhau suốt một mùa hè, trên bãi cát khô cạn mực thủy triều. Nên chúng tôi đều hiểu tánh tình của nhau tường tận. Hiểu luôn những thói quen của nhau. Như những con còng gió hiểu rõ hang động của mình.

Mười sáu, mười bảy tuổi chúng tôi không dám có người yêu. Mãi đến khi gần đi lính mới nói lên lời tỏ tình thì cổng trường đã ở sau lưng. Cái thời nông nổi nhưng nóng cháy môi hôn kia đã khép lại.

Những đứa con trai tình si và các cô gái e ấp đã đi riêng một đoạn đường, dưới những cây bàng già phai màu đỏ lá. Những nhịp thời gian như những nhịp cầu nối đôi bờ cách trở. Còn sự cách ngăn của hai người yêu nhau thì đến bao giờ?

Một vài đứa bạn dạn dĩ hơn dám nắm tay người yêu đi ngoài phố. Mặc cho những lời đàm tiếu có dịp lan xa như sóng trùng dương. Vũng Tàu quá nhỏ để che kín một dấu vết, hay một tiếng lòng hổn hển bên vai.

Mỗi ngày đi học tôi đi ngang qua con đường Lê Lợi có hàng me chụm đầu vào nhau. Tôi biết Hoàng Hoa từ thời đó. Lá me rắc trên vai áo ai làm rộn rã lòng tôi. Nhưng tôi biết nàng dửng dưng như nắng sớm.

Người con gái mang cái tên của Hoàng tộc và chứa đựng một màu hoa đã từng không biết có một đứa con trai ngưỡng mộ nhan sắc đi sau nàng.

Khi tôi bước xuống cuộc đời, tôi vẫn chưa biết rõ về nàng, ngoại trừ cái tên nghe gần gũi với một người bạn học của tôi là Hoàng Lực.

Hoàng Hoa là một cô gái có đôi mắt đẹp nhất mà tôi từng thấy trong trường Trung Học Vũng Tàu những năm sáu mươi. Một đôi mắt làm nguồn cảm hứng cho lời thơ Ðinh Hùng/ mắt em là bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng/(mộng dưới hoa) Nó cũng là nguồn cảm hứng cho những bài thơ của tôi sau này, khi khôn lớn.

Nhà nàng nằm một góc ngã tư đường Lê Lợi và đường Duy Tân. Một phía nhìn ra hàng me và phía kia nhìn ra biển. Có thời gian ngôi nhà khang trang đó dùng làm nhà bảo sanh Hữu Phước. Từ một góc phố chạy dài từ cơ sở sản xuất Mắm Ruốc của bà Giáo Thảo, đến nhà nàng, có một vài ngôi nhà khang trang nằm lùi sâu vô trong, được những khu vườn màu sắc che chắn bên ngoài, như bối cảnh trong tranh của Renoir, nên khi nàng quẹo khuất vào đó tôi có cảm tưởng nàng đã đi vào một thế giới khác, mông lung và mơ hồ. Một thế giới của nàng tiên trong các truyện cổ tích.

Tan trường về, tôi tìm cách đi sau nàng. Thời đó, học sinh học hai buổi một ngày. Buổi trưa về nhà ăn cơm, có thể ngủ một giấc để buổi chiều đi học tiếp. Tôi dùng khoảng thì giờ ít oi đó để làm thơ tình gởi đăng báo hoạc đọc truyện chưởng Kim Dung. Tôi thích nhân vật Ðoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm và thấy mình si tình Hoàng Hoa giống như Ðoàn Dự si tình Vương Ngọc Yến.

Ít khi Hoàng Hoa đội nón. Nhờ đó từ phía sau tôi nhìn thấy mái tóc trên vai nàng chuyển động như đôi cánh một loài chim đêm. Có những ngày tháng người ta sẽ quên luôn vì thời gian chồng chất trên vai, nhưng có những ngày tháng ngừng lại vĩnh viễn. Thời gian học đệ tam là thời gian đẹp nhất của tôi trước khi tôi vào lính. Tôi muốn được yêu thầm và được đi sau lưng nàng suốt đời, mặc cho những biến động của đời sống và bom đạn chiến tranh mỗi ngày vang vọng ngoài kia. Dưới bước chân êm đềm và quanh quẩn bên tà áo dài khép nép của Hoàng Hoa, tình yêu đã che lấp mọi dấu vết tan hoang. Che lấp mọi hướng đi về tương lai. Dù tương lai của những gã học trò sinh trong thời binh lửa vàng úa ngỡ ngàng

Mối tình một chiều như vậy tưởng chừng sẽ kéo dài để cho những trang nhựt ký có cơ hội tăng trang từng ngày. Cùng những bài thơ viết từ tấm lòng thơ dại sẽ có dịp hóa thân thành cánh bướm trang điểm cho đời. Nhưng tôi lầm. Một hôm nàng bỏ trường bỏ lớp không một lời từ giã. Chúng tôi- những thằng con trai khờ khạo trước tình yêu nhưng lại dạn dĩ với bất trắc bỗng thấy vắng đi một bóng mát êm đềm. Biển trở nên cuồng nộ chói chang từ ngày đó. Những trái bàng già rụng xuống tháng giêng dọc đường ra Bãi Trước, giống như những mơ ước chưa kịp đơm bông.

(Nhiều năm sau nầy, khi gặp lại Hoàng Hoa, lúc miền Nam sụp đổ, tôi thấy nàng vẫn còn đẹp dù có già hơn chút đỉnh. Chồng của nàng là đại úy Trần Bình Lâm, hình như không phải là dân Vũng Tàu? Vừa rời khỏi một nhà tù nào đó trở về).

Biết bao nhiêu bể dâu làm khô kiệt mọi nhựa sống trên những nhánh cây đời? Những thanh niên thiếu nữ ngày xưa bây giờ đã trở thành cha thành mẹ. Có người trở thành ông nội bà ngoại nếu lập gia đình sớm hơn. Có ai một lần đi lại con đường cũ ngày xưa để cảm giác được ngậm ngùi? Có ai còn buổi chiều ngồi trên bờ đê nhìn ra mặt nước xanh để ước mơ cuộc sống bên kia bờ đại dương như tôi đã từng mơ ước? Và nơi góc sân vận động ngày nào có còn những đôi chân vẽ vời của bạn tôi, của Võ Như Lăng, của Huỳnh Văn Chừng, của Huỳnh Quốc Hải, Trần Minh Trí, Phan Phi Hùng, Huỳnh Kim Sơn? Của Trung đen, Trung trắng?… Còn những ai đã nướng cháy tương lai mình như những khoang thuyền đang cháy nắng mặt trời?. Suốt mùa ra khơi không tìm ra một mẻ lưới vinh quang trĩu đầy tôm cá?

2.

Trên bãi biển đời người có nhiều dấu vết để lại. Có những dấu vết hằn sâu còn đọng lại một vài phiến lá kỷ niệm. Có những dấu vết hời hợt bị xóa lấp khi sóng biển tràn dâng. Tình yêu cũng vậy. Khi tôi rớt Tú Tài năm Ðệ Nhị, tôi xin vào lính. Mái tóc bồng bềnh của tôi được người ta cắt ngắn còn ba phân và mỗi ngày tôi bơi trong bộ quân trang rộng thùng thình mới lãnh từ kho Quân Nhu. Tôi làm một người lính mang tấm lòng yêu nước pha trộn với sự chua xót để đến mỗi khi chiều xuống, ngồi một mình trên chiếc giường gỗ ở khu tạm cư, lòng tôi cứ chùng xuống vì nhớ nhà.

Dưới những góc cây bã đậu buổi sáng đầu ngày, tôi khom lưng chà láng từng đụn cát, theo lệnh thượng cấp, như đang chà láng mọi ước mơ của mình. Người ta nói: “thao trường đổ mồ hôi – chiến trường bớt đổ máu”. Nhưng với tôi, mồ hôi chảy ra mỗi ngày không đủ sức vá lành rách rưới của trái tim. Mà chỉ có khả năng làm tràn thêm những giọt lệ.
Khóa học quân sự đầu tiên khi vào lính của tôi là Khóa 39 Hạ Sĩ Quan Trừ Bị- (Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ)- Khóa học thuộc quân trường Quang Trung, nằm trong khu vực Hóc Môn, Gò Vấp.

Từ Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ chúng tôi chuyển về Quang Trung, trại Nguyễn Huệ. Buổi chiều đứng trong trại nhìn ra ngoài con lộ chính chạy về Sài Gòn, những chuyến xe đò, xe lam xuôi ngược kéo theo đàng sau nó những bụi bặm hối hả như hoa phấn cuộc đời. Lòng người tân binh cũng vàng vọt theo vạt nắng. Cách nhau một con đường, bên ngoài là tự do phiêu bồng và muôn ngàn niềm vui đô thị. Bên trong là đời sống gò bó theo khuôn khổ và tập quen với nắng lửa mưa dầu. Người lính lúc nào cũng căng lòng ra chịu đựng mọi thử thách và cố đè nén chuyện riêng tư. Và trong một lúc nào đó, nếu họ để tình cảm vượt lên trên lý trí (không tìm thấy chính nghĩa trong cuộc chiến tranh Quốc- Cộng mất còn) sẽ dễ bị nản lòng. Tôi trưởng thành nhờ những ngày tháng quân trường không ồn ào nhưng sôi động mỗi bài học sống. Tâm hồn tôi không chờ đợi để ướt át cơn mưa đầu mùa. Vì tự trái tim đã thẩm thấu nhớ nhung và chín muồi gian khổ. Những lá thư tôi nhận từ bên ngoài, từ những địa chỉ hoa, như một niềm phục sinh đủ để làm hành trang chờ ngày ra trường. Trên chiếc giường ngủ cá nhân hoặc trên ba lô khi dừng chân ngoài bãi tập, những lời thơ tôi khôn lớn chững chạc hơn những lời thơ ngày trước, những ngày biết Hoàng Hoa. Từ khóa học này tôi gặp Dzũng Chinh- Nguyễn Bá Chính.

3.

Anh là tác giả bản nhạc bất hủ “Những Ðồi Hoa Sim”. Dzũng Chinh là bút hiệu khi đặt nhạc. Nguyễn Bá Chính là tên thật của chàng tân binh khóa 39 HSQ Trừ Bị của Quang Trung vào thời điểm Tháng 9 năm 1965. Vài năm, sau khi ra trường, có lẽ mặc cảm với cấp bực trung sĩ, anh xin học khóa Sĩ quan đặc biệt, và khi tôi đổi về làm việc tại Trung Tâm Truyền Tin Ðà Lạt, nghe tin Dzũng Chinh vừa chết tại Qui Nhơn. Lời ca: … “mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến không hẹn được ngày về, và đường về… thênh thang… màu hoa tím loang dài trong bóng tối…” đã giống như định mệnh của người nhạc sĩ tài hoa không may mắn với đời. Trên những đồi cát chập chùng nắng gió Qui Nhơn, màu hoa sim của Hữu Loan miền Bắc đã thấm vào tấm lòng đôn hậu của người nhạc sĩ Dzũng Chinh miền Nam. Để làm nên bài hát từng một thời mê hoặc người yêu nhạc Sàigòn.

Khi người ta yêu, cũng giống như khi người ta chết, có một thời họ ủ đau thương trên những dòng mực làm bằng máu lệ của mình.

Một lần, nơi Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, chúng tôi- những tân binh vừa mới rời mái ấm gia đình để tham dự vào một trò chơi mang ít nhiều nguy hiểm là chiến tranh- ngồi vây quanh nghe Dzũng Chinh đàn cho một người khác hát. Tôi không còn nhớ tên người hát, nhưng tiếng hát của anh ta thật ấm lòng. Anh hát liên tiếp hai bài. Bài đầu tiên là Những Ðồi Hoa Sim và bài sau là Phố Vắng Em Rồi (của Mạnh Phát). Giữa bóng tối nhá nhem buổi chiều vừa xuống, dưới tàn nhánh già nua của cây bả đậu, mùa thu đang thở hơi sương trên các rào kẽm, giọng ca của người ca sĩ bềnh bồng, cuốn hút.

Không biết người ca sĩ đó có phải là đệ tử của nàng Phù Dung hay không, nhưng lời ca quả tình mang hơi hám của khói và nhựa. Nó có khả năng lôi kéo người nghe bay lên ngang tầm với khổ đau và lạc thú cùng lúc… Nó cũng làm cho trái tim dù bầm giập cũng biết rung động và biết cười khóc với đời.

Mãi khi ra hải ngoại, tôi nghe giọng hát Tuấn Vũ, tôi biết quả có điều đó. Tất cả đều im bặt và nín thở nghe anh hát. Những lời ca tưởng chừng bật ra khỏi một thanh quản rướm máu hay cuộc đời vừa rướm máu? Tôi không thể lý giải được. Chỉ biết rằng từ đôi môi khô ráp vì khói thuốc và đôi mắt nhìn xuống hai kẻ ngón tay vàng ám, nơi điếu thuốc đang cháy dở dang, tình yêu đã nở hoa như cánh bướm màu hạnh phúc…

4.

Cuộc đời đang vàng phai theo những gió mùa, hôm nay ngồi ôn lại những bước tình đầu ái ngại của mấy chục năm về trước. Tình yêu và mộng ước cũng tan theo dòng đời. Lòng tôi không còn tươi mới để rượt đuổi theo bóng sắc mượt mà. Nhưng lửa tro than vẫn còn âm ỉ.

Ba mươi mấy năm sau, bất chợt gặp lại những người con gái cũ của trường xưa. Họ vẫn phơi phóng một tấm lòng của biển. Ðường phố Bolsa có đông vui nhưng lòng ai đã quạnh hiu một góc chợ chiều. Thời gian không dừng lại. Bên ly cà phê báo hiệu một đêm mất ngủ, vài mẫu chuyện gợi lại một khung trời hương mật và màu xanh của sóng đang lao xao trong mắt.

Một lần ngồi ở Starbuck’s (góc đường Brookhurst- Edinger) nhìn ra giao lộ đèn đỏ trùng điệp những đời xe mới toanh, nghe từ cuối một hành lang vọng lên bài hát. Quán cà phê Mỹ nhưng có nhiều người Việt Nam ngồi. Tiếng nhạc từ chiếc bàn kế cận không quen thuộc, nhưng dấy động một nỗi buồn:

Ngày xưa anh đón em
Nơi gác chuông chùa nọ
Anh bây giờ qua đó
Còn thấy chữ trong chuông
Em khoác áo nâu sồng
Anh một đời biền biệt
Tên em giờ tha thiết
Theo tiếng chuông chiều đưa…
(Phạm Thiên Thư/ Dấu Chân Chim
)

Người con gái có tên Hoàng Hoa một thời tôi theo đuổi tại Vũng Tàu bây giờ đã đi tu. Tôi không biết duyên cớ nào làm nàng từ bỏ cuộc đời dung tục này để nương thân vào cửa Phật? Câu chuyện nghe có vẻ đượm mùi cải lương mang dấu ấn của Lan và Ðiệp. Nhưng tôi biết nàng vẫn từng hạnh phúc sau khi không còn đến trường. Tôi biết người chồng đẹp trai của nàng là Ðại uý Trần Bình Lâm. Sau 30 tháng 4 năm 75, nàng bươn chải bán thuốc tây ngoài chợ trời để nuôi chồng ở tù và nuôi mấy đứa con còn nhỏ. Ðôi lần tôi gặp Hoàng Hoa dắt xe đạp từ chỗ gởi xe, gần chợ chiều Vũng Tàu. Bên kia đường là biệt thự cũ bây giờ dùng làm trụ sở Phường Châu Thành. Nàng không có vẻ gì nhìn thấy tôi. Hay nhìn thấy tôi mà làm như không biết. Chiếc áo bà ba thay cho chiếc áo dài ngày thơ dại. Và đôi mắt đẹp buồn não nùng.

Mỗi cuộc đời đều giống như một dòng sông. Có khi sông vặn mình chảy xiết qua những ghềnh thác cheo leo. Có khi sông âm thầm nép kín sau những khúc quành. Sông ủ đời sông theo những ngày tháng lạnh của mưa và trong veo của nắng. Nhưng sông không bao giờ quay đầu trở lại thượng nguồn, mà chảy luôn về biển.

Mối tình một chiều của tôi, với Hoàng Hoa, giống như dòng sông vậy.

Ðêm đêm, lời kinh của nàng có làm sầu muộn thêm những đóa hoa sứ trong vườn Bồ Ðề? Ðêm đêm, tiếng gõ mõ của nàng có làm kinh động những cánh bướm mòn mõi giang hồ?

Tôi nghe người bạn học chung lớp của nàng từ Việt Nam trở qua kể lại. Hoàng Hoa giam mình trong một chiếc am nằm trên đường ra Ô Quắn (Au de Vent). Mỗi tuần, Trần Bình Lâm chạy Honda đem thức ăn chay cho nàng. Nàng hạnh phúc trong câu kinh tiếng mõ. Chờ đợi ngày hóa thân.

Nhớ xưa em rất dịu dàng
Hồn vang tiếng guốc mơ màng Hoàng Hoa
Em từ cõi Huế đi ra
Hương Giang bỗng mặn phù sa Vũng Tàu
Bây giờ em rất thanh cao
Áo xanh nay đổi áo bào Quan Âm
Đêm qua một đóa u trầm
Rớt trên kinh Phật tưởng lầm môi ai?

Tôi làm bài thơ ngắn có mấy câu coi như tạ lỗi hàng me đường Lê Lợi. Từ nơi đây tôi thơ dại và cũng từ nơi đây tôi khôn lớn với đời. Một đôi mắt đẹp đã sâu hút từ đêm Vũng Tàu vàng ấm mùa thi.

5.

Nơi căn phòng nhỏ nhìn ra sân mưa bên ngoài chiều nay đang ngổn ngang cành khô mà sáng ngày mai xe đổ rác sẽ đến dọn, tôi vừa biết thêm một cảm giác vội vàng khi tháng năm lao đi vùn vụt. Đâu rồi tia nhìn của lửa làm cháy bỏng đời nhau và sợi tóc còn vương lại trên chăn nệm? Những tình yêu phờ phạc cuốn hút cơn đau tuyệt vời và sau đó lìa nhau vĩnh viễn.

Có những giấc mơ chết non và bất hạnh ghim xuống lòng như một vết mực lầm lỡ. Một vài con chim đậu trên hàng dây điện như những nốt nhạc màu đen trên quá khứ buồn-(ý của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp)- Người đàn bà có con mắt màu nâu và vành môi cong vút màu tulip vừa rời khỏi đời tôi hôm qua để bay theo những phù hoa. Bay theo biển dâu và nắng gió chói chang bên ngoài. Nàng đến không ồn ào và đi cũng không tiếng động.

Không ai tắm hai lần ở một dòng sông. Cũng như không ai học biết đủ một bài học. Tình yêu cũng vậy. Khi tình yêu đi qua ranh giới của thù hận và đắng cay, tình yêu tự nó sẽ chết.

Nơi căn phòng cũ trong ngôi nhà đường Heatherglen, trên chiếc bàn gỗ bên ngoài Patio đang thánh thót mưa thu, tôi vừa biết thêm một bài thơ hay của một người bạn ở Tennessee. Lời thơ không cần bia bọt hay cà phê nhưng vẫn làm ấm áp, dù thơ anh như muối xát trong lòng:

cây hồn anh, thôi lá rách cành hư
năm bảy trái tình chưa xanh đã rụng
qua thời đất chai tới mùa nước úng
tiếng chim hoài im lặng một đời cây
năm ngón thon dài hiền dịu bàn tay
ngón út cho anh đợi ngày vuốt mắt
những ngón ngoan kia lỡ cho người khác
(ôi tay em, chỉ một ngón đang buồn…)
(Hoàng Lộc)

Có chuyến xe lửa nào vừa từ một nơi chốn lạ về ngang qua công viên sau nhà. Những toa tàu kín bưng nhốt bao nhiêu tâm hồn thao thức một thềm ga?

Tôi luôn yêu mến và kính trọng những cuộc tình không tìm ra trạm xuống. Đó là những cuộc tình đẹp tay ba dù nó luôn ủ bằng nước mắt và tuyệt vọng. Từ những đôi tình nhân dù biết rằng phải lạc mất nhau nhưng không biết phải hóa giải bằng cách nào, họ vẫn cầm tay nhau đi với sự can đảm pha lẫn buồn rầu, trong khi sương mù mịt mùng phía trước…

Phạm Ngũ Yên