Yêu Lại Từ Đầu

 

 

Căn nhà màu vàng nhạt nằm lẻ loi trong cul de sac với bãi cỏ xanh mướt được cắt xén khéo léo, hai bên lối đi là những cụm hoa lài tỏa hương thơm trong không gian rất nhẹ nhàng của bầu trời tháng Tư. Tuấn đi chậm lại, chàng cúi xuống ngắt một cánh hoa nhỏ rồi đưa tay bấm chuông. Bóng dáng nhỏ nhoi của người đàn bà với khuôn mặt có nét Á Đông và mái tóc ngang vai màu chestnut ra mở cửa khiến chàng giật mình. Tuấn ngập ngừng:
– Bà LeeAnn Lawrence?
Rồi Tuấn giới thiệu:
– Tôi là Antoine từ Vincent Home Health Care
Người đàn bà nhỏ nhẹ:
– Vâng, mời ông vào nhà.
Hai người đối thoại với nhau bằng Anh ngữ. Tuấn làm y tá cho một agency chuyên lo chuyện săn sóc tại gia cho những người bệnh nhân. Chàng vừa nhận assignment đến săn sóc người bệnh nhân mới là LeeAnn, người đàn bà bị ung thư vừa xuất viện từ tuần trước và tiếp tục cần chữa trị bằng hoá xạ (chemotherapy) tại nhà. LeeAnn mời Tuấn ngồi và nói:
– Xin lỗi, ông chờ tôi vài phút.
Bây giờ Tuấn mới để ý là người đàn bà đang mặc một cái robe de chambre màu hồng nhạt. Tuấn trả lời:
– Xin bà cứ tự nhiên.
Nói xong chàng lôi cái Mini Ipad từ trong cặp ra đặt lên bàn. Thời buổi tân tiến, những sự kiện về bệnh nhân điều được ghi chú vào máy vi tính nên rất thuận tiện. Trong khi chờ LeeAnn, Tuấn nhìn qua khung cửa sổ hình bán nguyệt nơi ánh mắt chàng bắt gặp những đóa hoa loa kèn (Lillies) kiêu sa đang tươi tắn nở rộ trong góc sân sau nhà. Có một khoảng khắc nào đó bất chợt thoáng qua trong trí nhớ thật xa xôi của chàng. Một khung trời ký ức thuở thiếu thời với khung cửa sổ cũ kỹ, những cụm hoa trắng, khuôn mặt rạng rỡ, ngây thơ nhưng đã có nét đài cát của một bóng hình đã miên man trong tiềm thức.
hoa loa kèn đã nở
trong vườn khuya. trăng xưa *

LeeAnn đã trở ra, giản dị trong chiếc quần short trắng, cái áo pull màu xanh lá cây đậm và mái tóc buộc gọn gàng ra phía sau. Trông nàng trẻ trung đầy nhựa sống, nhưng đôi mắt không dấu được một mệt mỏi, lo âu. Đôi mắt mà khi ngồi đối diện để bắt đầu thủ tục hỏi han về lý lịch bệnh sử đã một lần nữa làm Tuấn giật mình, phân vân. Thủ tục làm hồ sơ này là một trong những thủ tục thông thường trước khi thực sự săn sóc cho bệnh nhân. Tuấn tiếp tục ghi tiểu sử của LeeAnn lên cái Mini Ipad. Khi đi sâu vào chi tiết về lai lịch bệnh sử của gia đình thì Tuấn càng phân vân hơn nữa vì những câu trả lời của LeeAnn rất bâng quơ. LeeAnn cho biết mẹ nàng người Việt Nam và qua đời đã khá lâu, còn nàng không biết rõ về lai lịch của bố. Tuấn ngưng viết lại, chàng hỏi LeeAnn bằng tiếng Việt:
– Bà nói tiếng Việt được không?
LeeAnn ngạc nhiên:
– Ông Antoine, ông là người Việt Nam?
Nói xong nàng cười dòn và bào chữa:
– Rõ là tôi ngớ ngẩn vì ông mới dùng ngôn ngữ đó với tôi. Dĩ nhiên là tôi nói được tiếng Việt. Khi ông nói tên tôi cứ nghĩ ông người Hawaii.
Tuấn giải thích vì tên thật của chàng là Anh Tuấn nên khi đi làm chàng đổi tên là Antoine cho dễ dàng trong việc tiếp xúc. LeeAnn cười khẽ:
– À, ra thế, khi cơ quan của anh gọi đến thì chỉ cho em biết là có y tá đến chuyền thuốc chứ không nói là ai.
Tuấn để ý là khi nói qua tiếng Việt, LeeAnn đã đổi cách xưng hô. Tuấn tò mò hỏi:
– LeeAnn sanh trưởng ở Mỹ?
LeeAnn nhỏ nhẹ:
– Không anh, em qua đây từ lúc còn bé
Tuấn nhìn chăm chăm vào đôi mắt có một nốt ruồi nhỏ bên khóe mắt trái của LeeAnn, rồi chàng móc túi lấy ra cánh hoa lài đã ngắt lúc nãy đưa cho LeeAnn:
– Xin lỗi LeeAnn nghe, kẻ…hái trộm tặng lại cho chủ nhà. LeeAnn giống một người quen của tôi lúc xưa qúa.
LeeAnn nghiêng đầu tinh nghịch:
– Ô,…người xưa…
Tuấn nghe như tim mình đang đập liên hồi:
– Một cô bé thì đúng hơn. Ngày xưa LeeAnn ở Ban Mê Thuột?
LeeAnn trố mắt nhìn Tuấn lạ lùng:
– Sao anh biết?
Không gian và thời gian trên thị trấn nhỏ đó bất chợt trở về trong tâm tưởng. Tuấn nhớ như in những ngày xưa cũ trên con đường dài đầy bụi đỏ khô cằn, những hàng phượng đỏ, những trái điệp khô dài rơi rụng trong những buổi trưa hè nắng gắt. Phía bên kia đường là một khoảng đất trống mênh mông, nơi mà mỗi sáng, mỗi chiều có đoàn đồng bào thượng mang những cái gù sau lưng đi qua, đi lại xôn xao với thổ ngữ của riêng họ. Cái thị trấn chàng lớn lên với những vu vơ, khờ dại của thời trung học. Chàng nhớ tới hai căn nhà chỉ cách nhau có một cái hàng rào nhưng hai sân trước thì khá rộng và trồng đầy cây hoa sứ trắng, và những cây trứng cá sai trái. Xuyên qua cái hàng rào đó, có đôi mắt đã ám ảnh chàng từ suốt bao năm. Đôi mắt nhung của con bé với hai hàng mi dài mướt, nốt ruồi nhỏ bên khóe mắt mà dạo còn thơ ấu chàng đã nghĩ đôi mắt u hoài đó đã chất chứa tất cả nỗi buồn muôn thuở của thị trấn Ban Mê Thuột trong những ngày mưa dài da diết.
Tuấn mỉm cười:
– LeeAnn còn nhớ căn nhà có những dây khoai sắn dọc theo hàng rào?
LeeAnn nhíu mày:
– Không rõ lắm anh ạ vì khi nghĩ tới căn nhà đó em lại nhớ tới một nỗi buồn…
Tuấn nhìn LeeAnn thông cảm vì có lẽ chàng nhớ tới thời thơ ấu của nàng còn rõ hơn cả trí nhớ của chính nàng. Thuở đó, chàng vừa vào trung học, mỗi chiều đi học về chàng hay ra sân trước leo lên cây trứng cá ngồi và từ những buổi chiều đó, Tuấn đã bắt gặp đôi mắt rất u sầu của một cô bé hay ngồi tư lự chơi búp bế một mình bên song cửa nhà bên cạnh. Cô bé có lẽ còn đang học tiểu học. Mỗi chiều cô bé sau khi chơi búp bế xong hay ra gần hàng rào đuổi bắt hụt những con bướm đủ màu sắc rực rỡ đậu trên những tàng lá xanh xum xuê của những cây khoai mì. Tuấn đã làm quen bằng cách xin bứng vài củ khoai mì vì hàng dây khoai mì ở phía bên kia của hàng rào. Dĩ nhiên cô bé bằng lòng với điều kiện là Tuấn phải trao đổi cho vài con bươm bướm đẹp. Ban Mê Thuột mùa hè không gian ngập tràn bươm bướm, đủ màu, đủ dạng. Bươm bướm bay đầy trời, bươm bướm làm nhuộm thêm sắc màu của khung trời đục bụi đỏ.
Chàng nhớ đến khuôn mặt hớn hở của cô bé khi trân trọng nhận con bươm bướm sặc sỡ trong cái lon sữa bò. Chàng mường tượng rất rõ đến chút nắng reo trong đôi mắt hồn nhiên đó, và đôi bàn tay nhỏ chụm trên cái lon vì sợ con bướm sẽ bay đi.
Tuấn khơi lại trí nhớ:
– Thế LeeAnn có nhớ anh chàng hay qua xin bứng củ khoai mì mỗi chiều không?
LeeAnn lắc đầu nhè nhẹ:
– Hình ảnh đó cũng rất mờ ảo.
Tuấn thấy ánh mắt LeeAnn thật xa vắng, chàng cảm thấy tội nghiệp cho nàng, chắc hẳn nàng đã cố chôn vùi đi một khoảng đời non dại, đau buồn. Nếu như chàng không lầm thì dạo đó nghe như bố của cô bé là đại uý trong trung đoàn 45, ông đi hành quân liên miên. Cô bé ở nhà với mẹ nhưng chưa bao giờ Tuấn được nhìn thấy mẹ của cô bé vì dường như lúc nào nàng cũng được săn sóc bởi một bà vú em. Một buổi chiều trong khi Tuấn đang loay hoay đuổi bắt những con bươm bướm thì chàng nghe tiếng cải vã của hai người lớn và tiếng khóc nức nở của cô bé bên song cửa. Tuấn không hiểu chuyện gì đã xảy ra, chàng buông thả mấy con bươm bướm đẹp và có cảm tưởng như mình đang thả đi một mông mênh theo áng mây bay cao trên bầu trời. Chỉ vài ngày sau, căn nhà trở nên hoang vắng, khung cửa sổ khép kín, cô bé với đôi mắt to buồn diệu vợi đã là một kỷ niệm trong trí nhớ, và đã để lại một chút nhói đau trong trái tim mới lớn của chàng.
LeeAnn rưng rưng nước mắt:
– Qúa khứ qúa xa vời. Đôi khi em nghĩ nhiều về bố của em và không bao giờ biết đời ông đã ra sao.

LeeAnn kể là sau cuộc cãi vả đó, mẹ nàng đã đem nàng lên Đà Lạt sống và chỉ một năm sau thì mất nước. Nàng và mẹ theo người chồng sau của bà là một người Mỹ làm cố vấn quân sự trong quân đội Việt Nam lúc đó về Hoa Kỳ. Một thời gian ngắn sau thì ông ta chính thức nhận nàng làm con. Cô bé Lệ An trở thành LeeAnn. Nàng lớn lên hấp thụ văn hoá của Tây Phương, nhưng nói được tiếng Việt là nhờ công dạy bảo của mẹ. Nghe LeeAnn kể, Tuấn mới sực nhớ là chính chàng cũng không biết tên thật của nàng lúc đó vì thuở nhỏ chàng chỉ nghe lén qua hàng rào bà vú em gọi nàng là bé Ti. Hơn ba mươi năm rồi, có lẽ giòng đời xuôi ngược, đổi thay hay có những trắc trở nào trong cuộc đời thì định mệnh đã xếp đặt cho chàng được gặp lại cô bé Ti ngày nào. Trước mặt chàng, đôi mắt buồn ngày xưa vẫn đẹp tuyệt vời.
Tuấn đảo mắt nhìn quanh phòng khách, căn phòng nhỏ ấm cúng chưng diện theo lối mới, cái sofa da màu đỏ thẩm, bên cạnh là hai cái ghế nhỏ và cái bàn bằng đá cẩm thạch màu trắng ngà. Tấm tranh của Van Gogh với những cánh buồm màu vàng xanh đỏ treo trên khung lò sưởi. LeeAnn nhìn theo ánh mắt của Tuấn, nàng cười buồn:
– Đời em cũng như những cánh buồm lơ lửng đó…
Rồi nàng nói lãng qua chuyện khác:
– Hôm nay anh có sẵn thuốc cho em rồi chứ?
Tuấn vừa viết xong phần tiểu sử, chàng gật đầu:
– Vâng, tôi sẽ chuyền mũi thuốc an thần trước và sau đó sẽ đến thuốc 5 FU** như LeeAnn đã làm khi còn trong bệnh viện.
LeeAnn thong thả đến ngồi trên chiếc ghế recliner, bật chân ghế ra phía trước và chờ đợi trong khi Tuấn sửa soạn lấy thuốc. Khi Tuấn đến ngồi cạnh nàng, chàng lấy chiếc mềm mỏng trên chiếc sofa đắp cho LeeAnn, chàng chuyền mũi thuốc an thần xong thì dè dặt hỏi:
– Thuốc này có thể làm cho LeeAnn buồn ngủ hoặc bị choáng váng, có ai ở nhà với LeeAnn không?
Chưa có nụ cười nào buồn bã như nụ cười của LeeAnn:
– Một mình thôi anh, em không sao đâu.
Tuấn cảm thấy ái ngại, chàng chuyền thuốc xong, nấn ná ở lại thêm ba mươi phút. Sau khi thấy LeeAnn chịu được thuốc và có vẻ tỉnh táo chàng mới cáo từ đi đến nhà bệnh nhân khác. Trước khi về chàng hẹn tuần sau đến lại và không quên để lại số điện thoại cầm tay của chàng với lời dặn dò:
– Nếu cần gì LeeAnn cứ gọi anh nhé, đừng ngần ngại.
Tuấn buột miệng xong thì mới nhận ra tự nhiên bây giờ chính chàng cũng thay đổi cách xưng hô với LeeAnn.

Đây là lần thứ hai sau khi xuất viện mà LeeAnn được tiếp tục chữa trị bằng hóa xạ nên nàng không bị dằn vặt bởi phản ứng của thuốc nhiều. Nàng cảm thấy hơi yếu trong người nhưng nàng vẫn cố gắng ăn uống điều độ để cầm sức. Mỗi chiều sau khi đi làm ra Tuấn đều ghé qua săn sóc cho LeeAnn, những buổi ăn tối với nàng và những câu chuyện xa xưa thời bé bỏng trên cái thị trấn nhỏ, mưa phùn, đất đỏ đã khiến hai người cảm thấy gần nhau hơn. Dường như, trong khu vườn nhỏ của LeeAnn, những đóa hoa loa kèn tiếp tục nghiêng mình trong nắng, trong gió để làm rạng rỡ thêm nét tinh khiết, đẹp tuyệt vời cao sang. Cái đẹp mà một lần nữa làm Tuấn lảo đảo mỗi khi chàng nhìn vào đôi mắt của LeeAnn để rồi thầm nghĩ đến chút tình cảm muộn màng nào đó đang len lén trở lại trong lòng chàng.

Như LeeAnn đã nói, nàng như cánh buồm chơi vơi trên biển cả, cánh buồm mong manh đang bị những cơn sóng ngông cuồng tàn bạo cuốn đi chút sinh lực còn lại trong đời sống của nàng vào lòng biển sâu. Sự dịu dàng, chu đáo của Tuấn làm tâm hồn LeeAnn nghiêng ngã, nàng bắt đầu đi ngược lại qúa khứ rất xa xôi của những buổi chiều vàng, một khung trời rất hồn nhiên với những cánh bướm tung tăng trên đám lá xanh mướt, với một bóng hình mà nàng không mường tượng được nhưng hiện tại đang ở bên cạnh nàng. LeeAnn cảm thấy thật gần gũi với Tuấn mà cũng thật xa vời bởi nàng đang có một nỗi sợ hãi về cơn bệnh oái ăm đang có thể cướp mất đi chút hơi thở ngắn ngủi mà nàng đang cố bám víu. Năm tháng qua trầm lặng như cuộc tình một lần đã đột ngột ra đi và bây giờ bỗng dưng trái tim của nàng đột nhiên bùng cháy, dại khờ.

Mặc dù LeeAnn chịu đựng được thuốc nhưng chỉ vài tuần sau mối quan tâm lớn lao nhất của nàng là mái tóc dài mướt màu hung nâu đang rụng rơi một cách nhanh chóng. Sự rụng tóc là một trong những phản ứng tạm thời trong khi chữa trị bằng hóa xạ. Tuấn xót xa nhìn mái tóc lưa thưa của LeeAnn, chàng đã ngạc nhiên khi nghe LeeAnn tỏ ý là nàng muốn… xuống tóc, để tránh sự đau đớn khi nhìn sự xác xơ của chính mình. Dù biết rằng mái tóc sẽ mọc lại, có thể nhiều hơn, đẹp hơn, nhưng Tuấn không khỏi thán phục LeeAnn về quyết định can đảm đó.

Trước mặt chàng, người đàn bà yếu đuối là hình ảnh cô bé Ti bé bỏng ngày nào với tiếng khóc thảng thốt bên khung cửa sổ mà một lần chàng đã ngu ngơ để vuột đi chút khói sương vừa chớm trong lòng ngày mới lớn. Bây giờ chàng là người đàn ông đã ngoài bốn mươi, đã một lần dang dở và chàng đang tìm mọi cách hy vọng tình yêu muộn màng của chàng sẽ xoa dịu được nổi đau trong đôi mắt huyền sâu thẳm của LeeAnn. Một ý định ngộ nghĩnh thoáng qua đầu, Tuấn đùa:
– Sau khi… xuống tóc, LeeAnn sẽ đẹp hơn cả Demi Moore trong phim GI Jane nữa.
LeeAnn gượng gạo cười:
– Ô, em nhớ rồi, cô ta thật là đẹp dù đầu cạo nhẵn nhụi, nhưng phải chi em cũng khoẻ mạnh như GI Jane thì anh đở phải lo lắng. Ngày mai chắc anh sẽ không nhận ra em đâu.
Tuấn thấy bứt rứt trong lòng vì chàng không biết làm gì hơn là cầu nguyện ơn trên sẽ ban cho LeeAnn một sự an lành. Một lần nữa, chàng cảm thấy mình bất lực trước sự sắp đặt oái ăm của tạo hóa. Chàng đã tình cờ gặp lại cô bé Ti của muôn ngàn năm trước và chàng đang san sẻ nổi lo âu bất tận về cơn bệnh hiểm nghèo của nàng. Một ý nghĩ khác bất chợt lại thoáng qua trong đầu khiến chàng đắc ý,mỉm cười một mình và cáo từ LeeAnn ra về.

Hôm sau khi Tuấn trở lại, chàng đi thật chậm theo lối đi dài, ngập ngừng hái thêm một cánh hoa lài thơm ngát trước khi nhấn chuông. Khi LeeAnn ra mở cửa, nàng sửng sốt la lớn:
– Trời ơi, anh cũng…xuống tóc.
Tuấn cũng nhìn sững LeeAnn, mặc dù đầu nàng đã cạo trọc nhưng khuôn mặt khả ái và đôi mắt to tròn xoe sao dễ thương lạ lùng. Chàng kéo LeeAnn đến trước tấm gương trong hành lang ngắm nghía rồi bật cười:
– Hai đứa mình là…twins em ạ!
LeeAnn cười theo Tuấn, nước mắt nàng ràn rụa trên khuôn mặt xanh xao. Nàng nhìn Tuấn thổn thức:
– Anh… tội nghiệp em?
Tuấn ôm choàng bờ vai nhỏ của LeeAnn:
– Không, anh yêu em

LeeAnn gục đầu vào lòng Tuấn khóc ngất và khi chàng hôn lên đôi môi run rẩy của nàng, chàng cảm thấy trong lòng thanh thoát một nổi hy vọng vô biên từ một niềm tin kỳ diệu nào đó. Chàng tự hỏi với chính mình là có phải chàng đang mơ ước được yêu lại từ đầu.

Hôn em đời bỗng thanh bình
Những lao đao cũ trở mình bay đi***

*Thơ Nguyễn Xuân Thiệp
**Một loại thuốc hoá xạ chống ung thư
***Thơ Hoàng Định Nam

Nguyễn Thị Huế Xưa

Advertisement

Bụi Vương Trên Cây Đu Đủ

 

Lạ chưa, đã giữa tháng Mười Hai rồi mà thời tiết như đang phỉnh phờ cây cỏ. Khí hậu còn qúa ấm áp cho nên mấy cây tôi trồng trong chậu vẫn còn vươn mình ra hoa, nẩy mầm. Cây đu đủ trồng dưới đất xum xuê những nụ hoa ngà ngà mọc núp dưới những tàng lá xanh. Có hoa tức là sẽ đơm trái. Tôi đang mừng thầm, vái trời năm nay đừng lạnh quá thì thế nào tôi cũng có được những quả đu đủ xinh xinh.  Thế mà tốí qua ông anh từ thành phố gần đó, gửi về  những lời nhắn thân ái…báo cho em hay gió đang lạnh buốt như đang thổi qua vùng đất đồng bằng và tuyết đang rơi.

   Buổi sáng thức giấc nghe gió xào xạc qua hiên nhà, cây Spanish Oak bên nhà hàng xóm vừa trút xuống một rừng lá vàng đỏ đầy lối đi.  Có lẽ cơn gió lạnh buốt từ miền đồng bằng nào đó đả thổi đến qua đêm, đến ào ạt, mãnh liệt và thời tiết phút chốc đang giao mùa. Tôi hốt hoảng đem mấy tấm vải ra che những cụm cây yếu ớt dưới làn gió và cơn lạnh bất ngờ đó. Bà mợ tôi ra phụ, thấy tôi khổ sở với cơn gió lạnh và cố trùm che cho cây đu đủ thì đã nói …con nhỏ này  trồng biết bao nhiêu cây mà chỉ lo lắng cho  cây đu đủ thôi, lạ thật.

   Thật sự  không có gì lạ, tôi thiên vị cây đu đủ vì nó đã gắn bó với những kỷ niệm thuở ấu thời cũng như trong đời sống hiện tại. Những kỷ niệm hằn sâu trong tâm tưởng và đôi khi nhớ lại bỗng dưng thấy ngậm ngùi.  Cây đu đủ thời mới lớn với hình ảnh hiền lành của O Nếp và con đường nhỏ từ nhà đến ngôi trường tiểu học trên thị trấn Ban Mê Thuột. O Nếp là người giúp việc cho gia đình tôi, vì trường tiểu học gần nhà nên mỗi sáng O có nhiệm vụ dắt tôi đến trường và chiều đón về. Trên con đường đất đỏ đó , hằng ngày chúng tôi đi ngang qua một căn nhà gạch ngói nơi có chú Diều đang đào đất, khi thấy chúng tôi đi ngang thì chú đứng dưới những cây đu đủ mọng trái, ngẩn ngơ lặng nhìn O Nếp.

   Không biết sao lúc nhỏ tôi đã thích lá đu đủ, tôi hay nhõng nhẽo đòi O Nếp xin cho một lá đu đủ để làm dù đội lên đầu mỗi chiều đi học về, chiếc dù được tôi giữ mãi trong phòng ngủ cho đến khi lá úa thì O Nếp lại xin chú Diều cho tôi một lá khác. Cứ như thế, mỗi ngày trên con đường về con bé tí tung tăng đi trước với cái dù lá đu đủ trong khi chú Diều thì cứ lẽo đẽo theo O Nếp thẹn thùng về tới cổng nhà.  Một bữa O Nếp nhờ tôi viết giùm O một cái thư, con bé tí đang học lớp một rất lấy làm hãnh diện, với cây bút và lọ mực tím viết nguệch ngoạc những hàng chữ lên xuống không thứ tự, cố đánh vần từng chữ theo những lời O Nếp đọc cho. O Nếp không cần biết những dòng chữ xấu xí như thế nào, miễn là O có thư đưa cho chú Diều là được rồi. Từ đó, mỗi chiều khi về nhà O Nếp đều cắt những miếng đu đủ ngon ngọt mà chú Diều hái từ trên cây xuống cho tôi ăn. Tôi nhớ mãi màu vàng đỏ ửng của những miếng đu đủ đó. Tôi nhớ luôn bàn tay khéo léo của O Nếp cẩn thận cắt trái đu đủ làm hai mảnh, gọt vỏ thật mỏng, O lấy hết mấy hột đen trong ruột để dành phơi khô cho tôi làm hột tiêu khi chơi nấu ăn, rồi O vắt thêm một chút chanh trên miếng đu đủ chín ngậy, O nói là mùi chua của chanh làm cho mùi vị ngọt của đu đủ càng nồng thêm hương. Đến khi lớn lên, tôi vẫn còn cái thói quen ăn đu đủ với một chút mùi chanh thanh tao đó.

    Không bao lâu thì tôi đã phải u sầu nhìn O Nếp ra đi. Tôi nhớ là mình đã khóc ròng rã một tuần lễ khi hay tin mạ tôi cho O Nếp nghỉ việc. O Nếp cũng ôm tôi nghẹn ngào từ giã mà không lời giải thích. Trong trí óc rất non nớt của tôi lúc đó, tôi đã oán trách mạ quá khó khăn, tôi nghĩ mạ không nuôi O Nếp nữa vì tự dưng O bỗng mập phì ra. Bây giờ mỗi lần nghe … ai mang bụi đỏ đi rồi tôi bồi hồi nhớ tới ánh mắt sầu thảm của chú Diều nhìn theo bóng dáng của O Nếp xa khuất trên con đường đất đỏ năm xưa trên thị trấn xa xôi ngày nào. Có phải lúc đó làn bụi đỏ đang vương trên cây đu đủ trước nhà và đã làm cay đôi mắt rất buồn bã, tuyệt vọng của chú Diều?

    Tôi lớn lên yêu vẻ nhìn mộc mạc của câu đu đủ, thương những chiếc lá với những cạnh lia thia không đều và món trái cây thích nhất dĩ nhiên là đu đủ. Lá đu đủ còn mang lại những kỷ niệm với nỗi đau làm quặn thắt nỗi lòng.  Tôi nghe nói công dụng của lá đu đủ có thể làm giảm bớt bệnh ung thư. Ba tôi trồng được năm cây đu đủ trong vườn, sau đó cắt từng bao lá gửi lên cho một người bạn ở một tiểu bang khác uống để chống lại cơn bệnh ung thư phổi.  Người bạn của ba tôi đang ở trong tình trạng khuẩn nan, không còn uống thuốc, không còn chạy điện quang tuyến, về nhà chờ ngày trăn trối. Thế mà, không biết có một sự trùng hợp linh thiêng nào đó, người bạn này kéo dài đời sống thêm được hai năm. Ba tôi qủa quyết nhờ công dụng của lá đu đủ. Tôi học theo lối chữa trị y học tây phương nên không tin, chỉ ừ hử cho ba tôi vui lòng thôi.

   Cách đây một năm, Sia, cô y tá làm với tôi đã năm năm nay tự dưng đâm ra buồn bã, cáu kỉnh và có vẻ rất lơ đãng trong vấn đề làm việc. Đây là một điều lạ kỳ vì Sia là một nhân viên giỏi, rất siêng năng, cô ta luôn luôn được bệnh nhân yêu chuộng. Có khi tôi để ý lại thấy Sia lặng thầm khóc trong góc hành lang. Tôi biết có một chuyện gì đó không ổn với Sia nên tôi giàn xếp đi ăn chung với Sia đồng thời có một “heart to heart talk” với cô ta. Quả nhiên như tôi tiên đoán, khi tôi đề cập tới những hành động khác thường của Sia thì cô ta khóc nức nở và cho biết là chồng cô đang chống chỏi với cơn bệnh ung thư gan. Cả tôi và Sia đều biết đây là một chứng bệnh nan y, khó chữa. Chỉ vài hôm sau thì Kojo, chồng của Sia nhập viện vì bị nước vào phổi và bụng. Tôi đến thăm Kojo, người đàn ông từ Liberia này có một khuôn mặt rất nam tính, nụ cười yếu ớt nhưng chân thành. Từ đó cứ vài ba tuần thì Kojo lại nhập viện, khi thì vào chuyền máu, khi thì vào nhận thuốc chữa chemotherapy và có khi chỉ vì cơn sốt quá cao. Mỗi lần Kojo vào tôi đều đến thăm. Một bữa nọ tình cờ tôi ghé thăm khi Kojo gần được xuất viện, thấy Kojo đang tìm một cái website về đông y dược thảo. Có lẽ trong cơn tuyệt vọng, con người ai cũng cố bám víu lấy một niềm hy vọng, tìm đủ mọi cách để duy trì sự sống tồn của chính mình. Tôi bỗng nhớ đến dược thảo lá đu đủ của ba tôi. Khi nghe tôi đề cập đến thì Kojo mắt bừng sáng, dường như nguồn hy vọng nhỏ nhoi đang nhớm lên như kẻ chết đuối bám được một mảnh gỗ dù là gỗ mục nát cũng còn chút thoi thóp, sinh tồn. Kojo kể cho tôi nghe là nơi quê hương của anh có  rất nhiều cây đủ đủ, còn gọi là paw paw dọc theo con đường đất bụi đỏ khô cằn, nứt nẻ. Những cây đu đủ mọc lên từ những hạt giống mà dân làng ăn xong liệng ra đường. Kojo nói đến thời thơ ấu ngây ngô của anh và những trái đu đủ chín mùi, ngọt lịm.

   Bấy giờ là tháng Mười Một, gặp năm mùa lạnh sớm nên những cây đu đủ trong vườn của ba tôi đã tiêu rụng hết lá, tìm đâu ra lá đu đủ cho Kojo đây. Thế là tôi gọi những người bạn ở những tiểu bang nắng ấm khác và nhờ họ đi xin những lá đu đủ gửi qua cho tôi. Thế mà tôi cũng góp được hai bao lớn đầy lá, mang đến cho Kojo, dặn dò là cứ cất trong freezer, mỗi ngày lấy ra nấu nước uống  dần dần. Sia đi làm tường trình với tôi là Kojo uống nước lá đu đủ rất đều đặn, dĩ nhiên là vẫn tiếp tục chữa trị thuốc theo lời bác sĩ. Một người bạn thấy tôi quay cuồng tìm kiếm lá đu đủ thì chỉ cho một cái website nơi có bán trà đu đủ. Thế là tôi đặt mua cho Kojo mấy gói và chỉ cho Sia cách mua thêm nếu cần. Tôi nghĩ, đây chỉ là một niềm tin tâm linh nhỏ nhoi cuối cùng mà tôi có thể tạo cho Kojo để anh có can đảm đương đầu với những bất an đang tới trong cơn bệnh ngặt nghèo này.

   Một buổi sáng tôi vào sở thấy trước văn phòng tôi có một thùng nướcPerrier và Sia đứng chờ với nụ cười tươi. Cô ta cho biết cả tuần nay Kojo thấy khoẻ nhiều nên hôm qua hai vợ chồng đi Walmart, thùng nước Perrierđó là của Kojo mua tặng tôi vì biết tôi hay uống loại nước này. Chao ơi là cảm động khi nghĩ tới tấm thịnh tình rất chất phác của Kojo. Tôi gọi điện thoại cám ơn Kojo và nghe tiếng nói reo vui của anh trong máy khiến tôi cũng mừng rỡ lây.

   Kojo khoẻ không được bao lâu thì lại phải vào bệnh viện nằm dài hạn. Chứng ung thư gan oan nghiệt đang hành hạ dữ dội, Kojo không còn ăn uống gì được, da đã bắt đầu vàng đậm, chỉ chuyền nước biển cầm cự. Sia nghẹn ngào nói với tôi là nguyện vọng của cô là có đủ tiền để sau khi Kojo mất cô có thể đưa thi hài của Kojo về lại xứ sở, quê hương.

    Lần cuối tôi đến thăm Kojo, khi hai cánh tay khẳng khiu của anh đưa dài ra ôm choàng tôi, tôi nghe hơi nóng từ một cơn sốt bất nhẫn toát ra từ cơ thể ốm o, gầy guộc của Kojo như một lời thở dài tạ từ. Tôi đã mường tượng đến làn bụi đỏ vương trên cây đu đủ xanh mướt trên thị trấn năm nào, trên những con đường làng khô khan của xứ Phi Châu xa thẳm, và cả trong ánh mắt xa vời của chú Diều và của Sia.

Nguyễn thị Huế Xưa

ĐỂ TƯỞNG NHỚ VIỆT

 

Tôi ngừng hẳn xe lại ngay giữa đường, con đường trong khu xóm gần nhà rất nhỏ nên mặc dù chạy rất chậm tôi cũng không thể nào tránh khỏi mấy cô cậu gà sao đang hiên ngang băng qua đường trong ánh nắng nhạt nhoà của buổi chiều cuối tháng mười một. Một đàn gà sao, con trắng, con màu ngà, con màu nâu, mỗi con đều lấm tấm những chấm như chấm đồi mồi trên mình với cái mỏ nho nhỏ, nhọn trắng và cái mào đỏ rất ngộ nghĩnh. Chiều nào cũng vậy, mỗi lần đi làm về ngang qua con đường này là tôi cũng phải ngừng xe và thích thú nhường con đường cho những chú gà đang thong thả rong chơi trong khu xóm đó.  Hôm nay cũng như mọi ngày, đám gà đã lần lượt băng qua phía bên kia đường, chỉ còn một chú nhỏ con hơn cả bọn là còn đứng ngơ ngẩn một mình còn lại. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, cũng may là phía sau không có chiếc xe nào đang chờ. Một vài phút thấy chú gà tội nghiệp đó ngơ ngáo không biết phải làm sao, tôi đành phải tấp xe vào bờ lề, bước xuống kiếm một nhánh cây khô trên cỏ rồi từ từ hướng dẫn chú ta qua đường trong khi đám gà sao kia đã lao nhao bay lên những nhánh cây gần đó.  Bây giờ thì đến phiên tôi ngẩn ngơ vì tôi chưa từng nghĩ là loài gà có thể bay cao như thế.  Đang nhìn mê say đám gà thì bỗng dưng tôi giật mình với một giọng nói dường như thì thầm sau lưng tôi:

“Cute, Ain’t it? (dễ thương quá phải không?)”

Tôi xoay nguời lại rồi ngỡ ngàng khi nhìn thấy trước mặt tôi là một người đàn bà ốm nhom như một người bù nhìn. Bà ta chắc cao chừng 4’8 và nặng chừng 80 pounds. Hai cánh tay và hai ống chân khẳng khiu như những khúc củi khô đét lòng thòng qua cái áo T-shirt vàng vàng không biết vì dơ hay vì đó là màu vàng lợt, cái quần Capri dài lưng lửng màu đen sẫm với những bệt đất dơ trên ống quần. Có lẽ cái “mập mạp” nhất trên người bà ta phải nói là cái đầu đầy một vùi tóc rậm màu muối tiêu rối bời quấn quanh khuôn mặt choi choắt. Nét mặt của người đàn bà nhăn nheo, già nua đến độ tôi không tài nào có thể diễn tả được sự già nua nào hơn nữa. Trên khuôn mặt già nua, cằn cỗi đó tôi bắt gặp đôi mắt còn nâu biếc và một sự lạnh lùng xa vắng. Tôi mỉm cười:

“Dễ thương thật bà ạ! Cháu không ngờ là chúng nó biết bay.”

 

Bà ta cũng cười, nụ cười hóm hém vì không còn một cái răng nào cả:

“Chúng nó bay lên cây hai lần,sáng và chiều. Tôi thấy chúng nó mỗi ngày.”

Nói xong bà ta chỉ thẳng đến một cái ghế bằng nhựa màu xanh đậm đã gãy đi cái lưng dựa phía sau, cái ghế nằm khuất một bên hiên nhà bên cạnh những lùm cây. À, thì ra đây là người hay ngồi bên hiên nhà mà mỗi lần tôi lái xe đi ngang vẫn thấy nhưng không bao giờ chú ý tới. Tôi nhìn kỹ, căn nhà hai tầng lầu sơn màu xanh lá cây như màu cái ghế và cũng cũ kỹ, hư nát như cái ghế. Một bên hàng rào nhà đã xiêu vẹo và bên cạnh là những chậu hoa cúc vàng nằm ngang ngửa bừa bãi.  Tôi tò mò hỏi:

“Bà ở một mình à?”

Giọng bà lão tự dưng cáu kỉnh:

“Không đâu, thôi tôi về đây.”

Nói xong bà ta lửng thửng đi về nhà ngồi lại trên chiếc ghế đổ nát đó. Dường như có một cái gì rất đặc biệt về người đàn bà này nên ngày hôm sau, nhằm ngày cuối tuần, thay vì chạy bộ trong xóm, tôi cố tình chạy qua xóm bên cạnh mong gặp lại người đàn bà lạ lùng hôm qua.

Quả nhiên như tôi ước muốn, người đàn bà còm cõi đó đang ngồi co ro trên chiếc ghế xiêu vẹo. Bà ta đang mặc một cái áo len rộng thùng thình như cái mền, trên đầu đội một cái nón len màu đất sét. Có lẽ cái thân thể ốm yếu đó không chịu nổi cái lạnh dù chưa se sắt lắm của tháng mười một.

Khi chạy ngang qua chỗ bà ta ngồi tôi cố ý chạy chậm lại và vẫy chào. Bà lão đưa tay ra dấu cho tôi ngừng lại và dịu dàng hỏi:

“Cháu chạy như vậy chắc mệt lắm?”

Nói xong bà chỉ cái ghế bên cạnh cũng xiêu vẹo, méo mó như cái ghế bà đang ngồi rồi mời tôi ngồi. Tôi từ chối và hỏi chuyện:

“Sáng nay mấy con gà sao ra chơi chưa hả bà?”

Bà lão nhìn qua bên kia đường và trả lời:

“Hôm nay lạnh chúng nó ra muộn. Ừ, mà cháu từ đâu đến?”

Tôi nói với bà ta tôi là người Việt Nam và bỗng dưng đôi mất nâu kia có một chút reo vui:

“Thuở trước chồng tôi cũng đi “Nam” và đưa Việt về.”

Tôi nghe bà lão nói thì nghĩ là bà ta hơi lẫn nên nói lung tung, nhưng bà ta nói tiếp:

“Tới Thanksgiving này là ngày giỗ thứ hai mươi của Việt.”

Tôi càng nghe càng tò mò nên cẩn thận ngồi xuống chiếc ghế ọp ẹp bên cạnh và hỏi liều:

“Việt là ai hả bà?”

Đôi mắt màu nâu sụ xuống buồn bã:

“Việt là con trai của chúng tôi đem từ “Nam” về.”

Tôi ngẫm nghĩ ra và la lên:

“Cháu hiểu rồi, bà đem Việt về từ Việt Nam?”

Bà lão mỉm cười và dường như đây là cơ hội cho bà thố lộ nỗi tâm tư đã ấp ủ tự bao năm qua nên bỗng dưng bà nói huyên thuyên, và đôi mắt trở nên linh động theo từng lời nói.

“Chồng tôi đem thằng bé Việt về vào dịp lễ Tạ Ơn và đó là món qùa quá qúi báu cho sinh nhật của Cyn.”

Tôi thắc mắc:

“Cyn?”

Bà lão hảnh diện chỉ vào ngực mình:

“Cyn là tên của tôi gọi tắt từ Cynthiana. Cháu có thể gọi tôi là Cyn.”

Theo lời Cyn kể thì chồng của bà lúc đó là đại uý và ở Việt Nam cho tới lúc gần thất thủ. Trước khi ông về lại Mỹ, ông có đánh điện cho bà hay là ông sẽ mang một đứa bé năm tuổi từ viện cô nhi về nuôi. Năm đó ngày sinh nhật của Cyn lại nhằm ngày lễ Tạ Ơn cho nên Cyn cho đó là món qùa sinh nhật có ý nghĩa nhất đối với bà.  Đôi mắt của Cyn như đang mỉm cười khi bà nói về đứa bé:

“Vừa thấy thằng bé là tôi đã thấy yêu thương nó ngay (I fell in love with him instantly). Tuy rằng nó không được lành lặn như những đứa bé khác nhưng đối với tôi, nó là đứa bé thật toàn vẹn.”

 

Cyn cho biết vì đứa bé mang từ Việt Nam về nên hai vợ chồng đặt tên nó là Việt để kỷ niệm và để nhắc nhở cho nó biết về nguồn gốc của nó sau này. Bé Việt bị bệnh bại não (cerebral palsy) từ lúc sanh ra nên nó bị hất hủi trong viện mồ côi, chồng của Cyn trong một chuyến viếng thăm thấy quá tội nên quyết định xin thằng bé về nuôi. Cyn tiếp tục kể:

“Tôi nghiệp thằng bé lắm cháu à, mặc dù cơ thể của nó không di động bình thường nhưng Việt rất thông minh, nó hiểu rõ đời hơn những đứa bé cùng trang lứa.”

 

Tôi biết Cyn muốn nói gì vì tôi đã từng làm việc với những em bé cũng như người lớn bị bệnh bại não này. Bệnh này ảnh hưởng đến những giây thần kinh trong đầu nên cơ thể của họ di động rất khó khăn vì họ không tự chủ được khi những bắp thịt co giãn không ăn khớp nhau. Phần nhiều những người bị bệnh này đều di chuyển bằng những chiếc xe lăn bằng điện, khả năng nói chuyện là cả một khó khăn, họ có thể dùng tấm bảng viết chỉ lên những chữ vần hoặc những hình vẽ sẵn để cho biết những thiết cần giản dị trong đời sống. Những người có phương tiện thì dùng tới những dụng cụ tối tân hơn để có thể “nói” như xử dụng electronic speech synthesizers. Tuy nhiên, tùy theo não bộ bị ảnh hưởng nhiều hay ít, speech therapist có thể luyện tập cho họ nói được những câu ngắn thông thường. Tôi hỏi Cyn:

“Việt lúc đó có nói chuyện được không bà?”

 

Cyn gật đầu:

“Thằng bé nói được chút xíu thôi nhưng lúc đầu tôi không hiểu vì Việt nói tiếng Việt Nam, lúc mới đến nó chỉ khóc thôi vì cái gì đối với nó cũng xa lạ hết, ngay cả chúng tôi là những khuôn mặt không thân quen với nó. Việt đến với gia đình tôi vào dịp lễ Tạ Ơn nên lúc nào tôi cũng nghĩ cuộc hành trình viễn lưu của Việt từ “Nam” qua đây chẳng khác chi cuộc hành trình của những người pilgrims tới từ một nơi chốn xa xôi và phải đương đầu với những thử thách, khó khăn trước mặt.”

 

Câu nói văn hoa của Cyn khiến tôi nghĩ tới đoàn người Pilgrims bỏ xứ Anh Quốc năm 1608, lưu lạc qua tới Hoà Lan vì niềm tin tôn giáo của họ. Chỉ một thời gian sau đó họ lại bị trở ngại ở Hoà Lan, đành trở về lại Anh Quốc với ý định tìm cách qua tới Mỹ Quốc.  Một đoàn gồm 102 người hành hương rời bỏ South Hampton trên hai chiếc thuyền Speedwell và Mayflower, rồi sau đó cơ thời sóng gió, chiếc Speedwell bị vỡ và tất cả gom trên chiếc tàu Mayflower rời Plymouth với hy vọng đến Virginia để lập địa. Nhưng sau 66 ngày lênh đênh trên biển cả với những thách thức khủng khiếp của tạo hoá, cuối cùng họ đến được Cape Cod, Massachusetts để khai thiên, lập địa.

 

Đúng như Cyn nói, thằng bé Việt đã rời một nơi chốn không thể nào đáp ứng được một chu toàn cho đời sống vì sự tàn tật của nó.  Ngoài hình hài khác thường và trí óc phát triển chậm chạp của nó, nó đã phải bỡ ngỡ với cuộc sống trong một xã hội hoàn toàn khác biệt. Nhưng với tôi, sự thử thách lớn lao và sự hy sinh vô bờ bến của Cyn để lo lắng cho một đứa bé tật nguyền mới đáng so sánh với cuộc hành trình đầy gian khổ của những người tha hương đó.

 

Tiếng cười của Cyn cắt đứt dòng tư tưởng của tôi:

“Cháu biết không thằng bé Việt ngộ lắm, mặc dù không nói được nhiều nhưng nó hay chỉ những hình vẽ trên tấm bảng để nói nó yêu tôi và chồng tôi. Chúng tôi thật là may mắn được đón nhận nó vào cuộc đời của chúng tôi.”

 

Càng nghe Cyn nói chuyện tôi càng cảm thấy mến chuộng bà và tự trách mình là đã “trông mặt mà bắt hình dong”, nhìn bề ngoài của Cyn và cứ nghĩ Cyn là một người đàn bà tầm thường và hơi bị mất trí nhưng thật sự thì hoàn toàn trái ngược.  Việc Cyn và gia đình đón nuôi Việt, một đứa bé tàn tật từ một dân tộc khác đã chứng tỏ tấm lòng bác ái bao la của Cyn.  Cyn còn cho biết là bà đã không đi làm, ở nhà chăm sóc cho Việt, đưa thằng bé đi học những chương trình đặc biệt dành cho trẻ em tàn tật, và thì giờ rảnh thì hai mẹ con thường ra trước đường ngắm những con gà sao qua lại mỗi chiều. Theo lời Cyn kể thì đoàn gà sao này ở đây khá lâu, chủ nhà là người ở đối diện phiá bên kia đường của nhà Cyn, căn nhà không có hàng rào nên mấy chú gà tha h ồđi rong chơi. Tôi nhìn theo tay chỉ của Cyn thì thấy trước cửa nhà có đề chữ “ Guineas Crossing” như nhắc nhở cho xe cộ phải đi chậm lại. Với một giọng rất vui Cyn tiếp tục kể:

“Từ lúc Việt lớn khôn, chúng tôi không dám ăn thịt gà tây vào dịp lễ Tạ Ơn vì Việt hay khóc, nói rằng ăn thịt gà tây chẳng khắc nào ăn thịt mấy con gà sao là bạn của Việt. Mỗi năm tôi đều dựng một cái bảng trước cổng nhà và mỗi lần nhìn tấm bảng này là thằng bé cười ngặt nghẽo.”

Tôi nhìn kỹ trước nhà của Cyn và qủa thật, chen lẫn trong những chậu cúc vàng trước cửa nhà, một tấm bảng rất cũ kỹ có hình một chú gà tây đang cười hóm hình đưa tay chỉ qua một mũi tên có dòng chữ “Eat Ham This Year” (Năm nay ăn thịt heo nhé). Tôi bật cười và đùa với Cyn:

“May mà bà không cho Việt nhìn mấy chú heo con, không thôi thì bà sẽ không được ăn thịt gì cả trong mùa lễ Tạ Ơn.”

Một lần nữa giọng Cyn tha thiết:

“Cháu biết mà, ngày xưa những pilgrims ăn mừng để tạ ơn trời đã cho họ được thắng lợi mùa màng. Tôi và chồng tôi thì tạ ơn trên đã cho chúng tôi có được một đứa con rất đặc biệt để yêu thương đó là bé Việt.”

Qủa thật như vậy, theo lịch sử, năm 1621, lần đầu tiên những người tha hương tổ chức buổi lễ để tạ ơn trên đã cho họ đạt được sự thịnh vượng trên vùng đất mới. Thức ăn của họ có bắp, thịt, rau cải và bí. Chính những người mọi (Indians) đã tiếp đãi họ lúc mới dừng chân trên đất lạ cũng được mời tới tham dự. Có phải chăng vì thế mà mỗi năm nhằm ngày lễ này tất cả mọi người trong gia đình đều tụ họp nhau để ăn mừng và cám ơn thượng đế đã cho họ một đời sống bình yên đầy đủ chăng?

Bây giờ thì những chú gà sao đã thức dậy, gà mẹ, gà con đang lần lượt đi qua đường. Cyn nhìn đám gà và giọng trầm buồn:

“Tre già măng mọc, con gà này chết thì có đàn gà con khác thế, chỉ có tôi là còm cõi một mình.”

 

Tôi ngập ngừng lập lại câu hỏi từ hôm qua:

“Bà ở một mình à?”

Cyn thong thả lắc đầu:

“Tôi ở với hai người cháu nhưng năm nay chúng nó đi thăm con chúng nó ở tiểu bang khác rồi.”

 

Cyn không ngần ngại kể thêm là chồng bà mất cách đây hai mươi lăm năm để lại bà và Việt bơ vơ. Trong khoé mắt của Cyn dường như đang rưng rưng lệ:

“Tôi không thể nào quên đưọc hình ảnh Việt oằn oại trên chiếc xe lăn, hai cánh tay quơ quàng trước mặt, khóc nức nở và cố gắng thều thào được hai tiếng “daddy” khi Edward, ba của nó qua đời. Tuy trí óc nó khờ khạo nhưng nó cũng biết tình thương vô bờ bến mà ba nó dành cho nó. Edward là một người đàn ông tuyệt vời cháu ạ.”

 

Bây giờ thì tới phiên tôi rơm rớm nước mắt khi nghe Cyn kể chuyện. Qua cái hình hài đơn sơ mộc mạc đó, người đàn bà trước mặt tôi là người có trái tim rất bao la. Tôi biết thêm là chỉ năm năm sau thì Việt cũng bỏ Cyn ra đi vào một ngày lễ Tạ Ơn. Cyn đưa tay áo quệt  nước mắt:

“Ngày xưa sáng sớm vào ngày lễ Tạ Ơn, tôi và Việt hay mặc áo quần đẹp, trên xe lăn của Việt có cắm một ngọn cờ USA, tôi và thằng bé đi giữa hàng gà sao mà chúng tôi gọi là đi “parade” để mừng ngày lễ. Việt như một vì sao sáng, nó vô tư và hay cười nứt nẻ khi nhìn thấy những chú gà sao rượt nhau bay lên cây. Món ăn mà Việt thích nhất vào dịp lễ này vẫn là món pumpkin pie bất hủ của tôi làm. Mấy năm nay tôi yếu nên chỉ mua thôi, không làm. Tuy nhiên, mỗi năm để tưởng nhớ tới Việt tôi vẫn ra đây đi giữa đàn gà nhưng sao tôi thấy cô đơn quá. Cháu có thấy tấm bảng đặc biệt tôi làm cho Việt để trước cửa nhà không?”

 

Trên cánh cửa nhà đổ nát, một vòng hoa (wreath) được trang hoàng với những nhánh lá vàng khô mùa thu, những qủa acorns và những qủa bí nho nhỏ.  Ngay chính giữa vòng hoa đó có một mảnh vải thêu với dòng chữ đậm “In Memory of Viet”.

 

Cyn khoe:

“Tôi mới treo nó hôm qua thôi vì chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ Tạ Ơn rồi. Năm nay chắc không có bánh pie và tôi cũng sẽ không đi parade một mình, buồn lắm cháu à.”

 

Khi hỏi ra thì tôi mới biết vì hai người cháu vắng nhà cả hơn hai tuần rồi nên chi sẽ không có ai mua sắm gì giùm Cyn. Bây giờ thì tôi mới hiểu tại sao Cyn ăn mặc luộm thuộm, dơ bẩn vì có lẽ bà ta đang chán đời khi ở trong căn nhà trống vắng đơn côi một mình.

 

Tôi nói với Cyn:

“Bà ơi, ngày lễ Tạ Ơn, cháu sẽ đem pumpkin pie, thịt ham đến và sẽ mặc áo quần thật đẹp cùng bà đi parade với đàn gà sao để tưởng nhớ đến Việt nhé.”

 

Cyn cầm tay tôi rồi nói rất ngây ngô:

“Thật vậy hả cháu? Cám ơn cháu nhé, nhớ mặc đồ thật đẹp và đừng chạy bộ tới đây vì như thế cháu sẽ không còn sức đi parade đâu.”

 

Tôi nhủ thầm, không đâu, tôi xin cám ơn Cyn vì gần bốn chục năm qua, ngày lễ Tạ Ơn đối với tôi chỉ là một ngày nghỉ ngơi ăn uống và vui chơi với bạn bè và gia đình. Có lẽ, năm nay là năm đầu tiên tôi mới hiểu được cái ý nghĩa tạ ơn về tình người,về những lành lặn hữu toàn trong đời sống mà tôi đang có. For I wondered and wondered long, If somehow it could be, That I have given half so much, As Cyn has given to me.

 

Tôi đưa tay chào Cyn, dậm chân bắt đầu lấy trớn chạy về nhà và nhìn thấy Cyn đang gửi đến tôi nụ “hôn gió” trong tiếng cười dòn dã.

Nguyễn Thị Huế Xưa

TRÁI BÍ

 

Scott xoay người qua một bên,chậm chạp duỗi dài đôi chân và cố gắng chống hai tay lên thành giường tính đứng dậy. Bất chợt tiếng chuông từ thành giường reo lên inh ỏi làm anh giật mình. Cô y tá Kat vội vàng chạy vào, khi thấy anh vẫn còn nằm tòn teng nữa trong nữa ngoài trên giường, cô ta đưa tay lên ngực làm một dấu hiệu “ hết hồn” rồi cô đến gần, nâng đôi chân của anh để lại trên giường và nhỏ nhẹ nói:

– Ông Scott, tôi nhắc ông hoài là ông phải gọi chúng tôi đến giúp mỗi khi ông muốn ra khỏi giường.

Scott nhìn Kat gượng gạo:

– Xin lỗi Kat, tôi quên. May mà có cô vào không thì…

Kat cười thông cảm:

– Tôi hiểu, không thì có thể ông đã té rồi. Ông cần vào nhà tắm phải không?

Scott lắc đầu:

– Tôi chỉ muốn qua ghế ngồi thôi, nằm lâu mỏi lưng quá

Kat nhẹ nhàng đỡ Scott ngồi dậy, cô kéo ống oxygen và dời ống chuyền

nước biển từ cái máy qua một bên, sau đó mới dìu Scott đến ngồi trên chiếc ghế gần cửa sổ. Chỉ đi có mấy bước mà Scott đã cảm thấy mình rất yếu, đôi chân dường như không đủ sức đỡ được thân thể rất còm cõi của anh. Hơi thở của anh thì cũng dồn dập mặc dù ống oxygen vẫn tiếp tục chạy qua hai lỗ mũi. Kat đặt một cái gối sau lưng ghế, đỡ Scott ngồi xong đưa cho anh cái “call light” và không quên dặn dò lần nữa:

– Ông nhớ gọi tôi khi cần nhé

Scott gật đầu cám ơn và đưa mắt nhìn qua song cửa sổ nơi anh bắt gặp những con chim bồ câu đang vội vã gọi nhau về đậu trên nóc nhà cao. Từ hơn hai tuần nay, cái phòng nhỏ hẹp trong nhà thương và khung cửa sổ này là nơi Scott đã bắt đầu thấy quen thuộc. Quen thuộc từ giờ giấc bác sĩ, y tá vào săn sóc, từ tiếng báo động của cái “alarm” trên thành giường nhắc nhở cho anh biết sự yếu đuối,kiệt sức của mình, và quen thuộc luôn với những cơn đau dai dẳng mà anh đang chịu đựng. Cơn đau và những ống Morphine liên tục khiến đầu óc anh mơ màng, tâm trí anh lẫn lộn, và cơ thể thì qúa mệt mỏi buông xuôi. Đôi lúc Scott nghĩ thượng đế không công bằng với anh. Một đời anh sống trong lành, anh là người ngoan đạo và luôn làm những công việc thiện nguyện. Điều anh đau đớn nhất là anh mới hai mươi chín tuổi, cái tuổi đầy nhựa sống nhưng tại sao anh lại có một bất hạnh là bị dày vò bởi những cơn đau rã rời như thế này?

Cách đây hơn một năm, Scott bị hành hạ bởi những cơn nhức đầu khủng khiếp, lần cuối cùng anh bị ngất xỉu, khi đưa vào nhà thương thì cái tin “ung thư bướu đầu” như một tiếng sét đánh ngang tai. Mấy tuần sau thì anh giải phẩu màng óc và từ đó đời sống của anh gắn liền với những đau đớn của thể xác từ sự điều trị tiếp tục của chemotherapy. Những chuyến vào bệnh viện đều đặn đã qúa thông thường đối với anh, thêm vào đó cơn đau tinh thần làm cho tâm hồn anh thêm suy nhược. Anh biết hơi thở mình càng ngày càng đứt đọan dù bác sĩ có nói với anh là còn nước còn tát, hãy có một niềm tin mạnh mẽ. Anh muốn tin nhưng nổi đau miên viễn từ những ngày tháng qua khiến anh qúa bi quan.

Qua song cửa sổ, buổi chiều tháng mười với những tia nắng nhạt nhòa trên bãi cỏ đã bắt đầu hơi úa vàng và những áng mây xám đang vương vấn trên bầu trời màu xanh đục. Scott nhìn qua phía bên kia đường, bệnh viện này mới xây và ở xa thành phố nên bên kia đường còn trống trãi với một nông trại nằm giữa cánh đồng nhỏ. Trên cánh đồng có những con bò đang đi uể oải thong thả dưới ánh chiều tà, những bó rạ khô bó lại tròn trịa rải rác khắp nơi. Đặc biệt hôm nay Scott thấy có một đống trái bí vàng rộ nằm ngổn ngang trước cửa nông trại, bên cạnh đó là hình của một người bù nhìn đứng chơ vơ giữa cánh đồng. Anh thầm nhủ sắp Halloween rồi, tháng mười và những trái bí au vàng gợi lại cho anh những kỷ niệm đau thương và sự băn khoăn sợ hãi của tuổi thơ ấu.

Kat đi vào với mâm cơm, trên khay thức ăn chiều nay có một miếng giấy lót trang trí với hình những qủa bí. Kat tươi cười nói:

– Chỉ còn một tuần nữa là tới Halloween, năm nay tôi được nghĩ làm nên sẽ có dịp đưa hai đứa con tôi đi xin kẹo trong xóm.

Scott nhớ đến những bộ đồ mà mẹ anh đã may cho khi anh còn bé. Cứ mỗi mùa Halloween là anh có một trang phục khác nhau theo những nhân vật trong phim hoạt họa. Tình thương của mẹ anh biểu lộ qua những bộ đồ chính tay bà may lấy cho anh. Dạo đó anh thấy mình rất đặc biệt vì những trang phục của anh không giống như những bộ đồ bày bán khắp nơi vào ngày lễ này. Anh còn nhớ đến nổi náo nức khi chờ ba anh đi làm về để cả ba lẫn mẹ dẫn anh đi từng nhà xin những chiếc kẹo đủ màu hấp dẫn. Trời cuối tháng mười nên khí hậu đã bắt đầu nhuốm lạnh,mẹ anh cầm tay anh theo đám đông con nít đi lòng vòng trong xóm. Khi đi qua những căn nhà trang trí với những hình nộm ma quái rất dễ sợ mẹ thường ôm chặt anh vào lòng trấn an. Có khi đi lâu mệt qúa ba anh phải cõng anh trên lưng đi cho hết từng căn nhà trong đêm tối cho đến khi anh ngủ gục vì nếu về sớm anh lại khóc. Hạnh phúc gia đình rất ngắn ngủi khi mẹ anh bỏ rơi hai cha con anh đi lập một gia đình khác, lúc đó anh chỉ mới tròn sáu tuổi.

Scott hỏi:

– Thế con của Kat sẽ làm nhân vật nào?

– Ô, con bé lớn thì lúc nào cũng muốn làm công chúa, còn thằng út năm tuổi thì nhất định phải làm Super Man. Tôi mua costume cho chúng nó rồi.

Kat tiếp tục nói:

– Con tôi sẽ rất mừng vì năm ngoái không ai đưa tụi nó đi khi tôi phải đi làm.

Nhìn ánh mắt hơi dọ hỏi của Scott, Kat nói luôn:

– Tôi ly dị mấy năm rồi, không bà con thân thuộc, chỉ có ba mẹ con thôi.

Scott nhẹ thở dài trong khi Kat vẫn vui vẻ chuyện trò:

– Lâu rồi đời mình cũng quen ông à!

Scott nhìn khuôn mặt dễ thương và đôi mắt màu nâu hạt dẻ của Kat và tự hỏi có thật là lâu rồi đời mình cũng quen không? Sao cuộc đời của mọi người ai cũng có những rạn nứt, đổ vỡ bất thường như thế. Không bao giờ anh quên được cảm giác bơ vơ lạc lõng khi mẹ bỏ anh ra đi. Sau đó mỗi lần Halloween đến lòng anh đã bớt vui. Nỗi vui mừng nhất từ ngày đó không phải là đống kẹo to xin được mà là những ngày trước khi lễ ba anh mua trái bí thật lớn về và bắt đầu khắc họa cho anh khuôn mặt của những nhân vật trong phim hoạt họa mà anh yêu thích. Ba anh khéo tay và rất tỉ mỉ cho nên năm nào anh cũng hãnh diện khoe với bạn bè về trái bí rất khác lạ của anh.

Nhân vật mà anh yêu thích nhất là nhân vật Super Man. Lúc anh chưa ra đời phim này đã được chiếu và sau này anh chỉ được biết câu chuyện về Super Man qua những sách comics và những trang phục vào những ngày Halloween thôi. Theo ý nghĩ non nớt của anh lúc đó, Super Man là một người tốt, ông thường hay giúp đỡ những người yếu đuối và ông có nhiều quyền lực, mỗi khi có ai hoạn nạn ông sẽ lập tức bay đến để cứu họ. Scott đã nghĩ là ông có thể bay đến nơi chốn mẹ của anh ở và đem mẹ về với ba và với anh. Có phải đứa bé con của Kat cũng có một mơ ước như anh về người cha của nó chăng?

Thuở nhỏ Scott mê nhất là bộ đồ có cái cape, cái khăn quàng rất rộng khổ choàng ngang vai và hình ảnh đôi cánh tay dang thẳng ra phía trước biểu hiệu cho một sức mạnh vô thường khi Super Man bay đi làm việc nghĩa. Khi lớn lên anh nghe nói về cái chết của Christopher Reeve người tài tử trong phim Super Man. Anh đọc tiểu sử của tài tử này và đã khâm phục sự can đảm của ông khi phải trải qua những năm tháng đau đớn, gian nan sau khi bị bại liệt qua lần té ngựa. Trong trái tim của anh, đây là một người can đảm phi thường, ba anh cũng là một “siêu phàm” vì ông cũng đã trải qua một chịu đựng khôn lường khi ông mắc phải chứng bệnh đau tim.

Năm anh mười một tuổi, ba anh mới có ba mươi tám tuổi và đã phải đi thông tim nhiều lần vì những mạch máu trong tim bị nghẹt. Lúc còn nhỏ, Scott cũng đã qúa quen với khung cảnh của nhà thương, sau những giờ tan học, người hàng xóm tốt bụng đến đón anh ở trạm xe bus và đưa anh thẳng vào bệnh viện ở với ba anh cho tới tối thì rước về. Mặc dù có những khi hơi thở khó khăn ba anh cũng ráng chỉ dẫn bài vở cho anh với nụ cười ẩn náu dưới ống oxygen như anh đang đeo bây giờ.

Tháng mười năm đó, khi vừa xuất viện, ba anh vội vã đi chọn một trái bí để khắc hình Super Man cho anh cho đúng vào dịp lễ. Ba anh đã vẽ hình của Super Man với khuôn mặt đẹp trai và rất hiền từ phảng phất khuôn mặt của tài tử Christopher Reeve trên trái bí. Anh nhớ mình đã rất hồi hộp và hứng thú chờ đợi sự thành hình của trái bí đó. Mỗi ngày ba anh đã cố gắng khắc một phần, ông nói với anh cái khó nhất là khuôn mặt và đôi mắt vì phải chạm trổ làm sao cho đôi mắt phải có hồn thì mới diễn tả được sự dũng cảm của Super Man. Khi ba anh chạm trổ đến hình chử “S” trên cái áo khoác thì anh biết ba anh cũng đã là một “Super Man”,và ông thật sự thương anh đến hơi thở cuối cùng khi một bữa anh vội vã chạy từ trạm xe bus về nhà nhìn thấy ba anh ngã gục trên bàn và bàn tay còn tựa lên hình trái bí đang khắc dở dang. Từ đó, tháng mười, trái bí, hình ảnh của Super Man người chưa mang được người mẹ về với anh đã làm một kỷ niệm đau buồn hòa lẫn với thương yêu và một đợi chờ mông lung xa vời.

Scott nhìn Kat đang sửa soạn thuốc uống cho anh trước khi ra về, bất chợt anh yêu cầu:

– Ngày mai Kat có thể đem cho tôi một trái bí không?

Kat ngạc nhiên:

– Ông muốn tôi mua cho ông hình trái bí để trang trí trong phòng hả?

Scott lắc đầu:

– Không đâu, tôi muốn trái bí để khắc hình Super Man cho con trai của Kat đó mà.

Kat cảm động:

– Ông còn yếu qúa, liệu ông làm nổi không?

Tuy nói vậy nhưng hôm sau khi vào Kat cũng đem theo một trái bí thật lớn màu đỏ vàng, cô còn đem theo một decal hình của Super Man. Cô giúp Scott ngồi trên ghế và để cho anh dán cái decal trên trái bí. Biết là anh rất yếu nên Kat đã khéo léo giàn xếp với một ông huấn luyện trị liệu (Occupational Therapist) đến để giúp Scott bắt đầu chạm trổ hình trên trái bí trong khi tập lại sức khỏe cho đôi tay đang yếu. Khi đưa con dao chạm trổ nhỏ cho Scott, Kat không quên dặn đi dặn lại:

– Ông phải cẩn thận đừng làm đứt tay vì máu ông đã loãng, mỗi vết cắt là một mối lo lớn.

Scott cười hớn hở như một đứa trẻ thơ:

– Kat đừng lo qúa, tôi biết sức của mình mà.

Scott khởi đầu chạm trổ từ cái áo choàng thay vì khuôn mặt. Từ thuở nhỏ anh đã nghĩ sở dĩ Super Man bay được là nhờ sự hổ trợ từ cái áo khoác này. Mỗi vết khắc trên trái bí làm một nỗi nhớ in hằn trong tim anh. Anh nhớ tới bàn tay khéo léo của ba anh, nhớ đến ánh mắt đau thương của ông khi nhìn hình ảnh mẹ anh đã xa khuất trong đời sống của cả hai cha con. Anh nhớ tới hơi thở đứt đoạn của ba anh như hơi thở khắc khoải từng hồi của anh hiện tại. Anh nhớ đến buổi chiều tháng Mười có chút mưa phùn lất phất, trong cái lạnh hơi se sắt sang mùa đó, anh đã thấy những chiếc lá vàng bay theo chiếc quan tài của ba anh đang từ từ đi xuống lòng đất, anh đã ước ao phải chi anh gửi được trái bí đang chạm trổ dang dở đó đi theo người cha anh hùng đã thương yêu và hy sinh cho anh cho đến cuối cuộc đời thì anh đã rất mãn nguyện.

Với sự giúp đỡ của người huấn luyện trị liệu, mỗi ngày Scott đã có thể chạm trổ được một phần nhỏ trên trái bí và phải ngưng lại khi cơn đau dằn vặt bất chừng, và mỗi khi hơi thở trở nên qúa nặng nể, dồn dập.

Hôm nay, sau khi ăn trưa xong, Scott cảm thấy đầu óc mình sáng suốt và cơ thể như hồi sinh, anh thấy như mình đang có một nguồn sinh lực rất dồi dào, bất thường. Scott bấm chuông gọi, hôm nay Kat nghỉ nên ông y tá Jason vào săn sóc cho Scott, khi vào đến phòng Jason với khuôn mặt lấm tấm tàn nhang và nụ cười cởi mở:

– Ông cần thêm thuốc đau hả?

Scott cũng cười rất tươi:

– Tôi khỏe như Super Man,tôi muốn chạm khắc cho xong trái bí, ngày mai là Halloween rồi. Ông đem nó để lên bàn cho tôi được không?

Jason đỡ trái bí từ thành cửa sổ để lên bàn, lấy con dao nhỏ đưa cho Scott và trầm trồ:

– Ông chạm trổ hình qúa mỹ thuật, khi nào xong thì cho tôi chụp hình nhé.

Scott đã chạm khắc xong cái áo choàng và anh rất hài lòng vì chữ S” ngay chính giữa chiếc áo nổi bật trên trái bí, bây giờ thì Super Man có thể bay tới tận chân trời nào cũng được. Anh bắt đầu chạm tới đôi mắt, nơi đây anh dừng lại vài phút, mường tượng tới đôi mắt vị tha của ba anh, rồi tới khuôn mặt với những nét chịu đựng của ông những ngày trước khi ông lìa trần, ba anh là thần tượng sống mãi trong lòng anh.

Bây giờ thì trái bí tròn trịa đã hoàn thành, Scott mở một nụ cười mãn nguyện. Anh thong thả đứng dậy, trở lại giường nằm ngắm “tuyệt tác phẩm” của mình. Bất chợt anh cảm nhận được một an lành trong tâm hồn, anh đưa tay tắt cái máy đang chuyền Morphine vào đường gân trên cánh tay gầy guộc, rồi anh từ từ gở ống Oxygen ở mũi ra và hít hà mùi thơm ngọt ngào từ trái bí, anh đang tận hưởng mùi thơm của hương vị tháng mười. Anh nhắm mắt lại và nghe chừng như nỗi đau quằn quại đã rất xa lạ, anh mơ hồ thấy mình đang được nằm trong cánh tay mạnh mẽ của Super Man để được bay trở về nơi căn nhà cũ nơi thiên đường hạnh phúc có ba anh đang đứng đợi, nhưng sao bóng dáng của mẹ anh thì mãi khuất xa ngàn trùng.

Nguyễn thị Huế Xưa

ĐƯA EM ĐI HẾT MIỀN TEXAS

 

Sáng chủ nhật trong góc bàn nhỏ của qúan Starbucks, người đàn ông ngồi che mặt sau tờ báo nhằng nhịt hình quảng cáo, trên bàn ly café đen nằm bất động vì chưa bao giờ thấy ông ta nhất ly lên uống. Có một cái gì hơi quen thuộc từ người đàn ông làm tôi thắc mắc, chỉ nghĩ vậy thôi rồi tôi lại tự cho mình là lẩm cẩm vì rằng chưa thấy mặt người đàn ông đó thì làm sao quen được. Khi đi ngang qua bàn của ông ta ngồi, cái xách tay đi tập gym của tôi vướng vào góc bàn làm ly café lung lay đổ. Tôi vội vàng đưa tay chụp lại, người đàn ông bỏ tờ báo xuống, tôi hoảng hốt nhìn ông ta rồi buột miệng:

– Hello “anh” Joe!

Người đàn ông cũng bỡ ngỡ chào:

– Hello “cưng.”

Câu chào hỏi thân mật của người đàn ông người ngoại quốc làm tôi bật cười. Ông kéo ghế mời tôi ngồi và tôi hỏi ông:

– Cô Mailan lúc này ra sao hả anh Joe”

Joe nhìn tôi buồn bã:

– Mailan không được khoẻ cưng à. Có lẽ Mailan cần thật nhiều “A Di Đà” may ra mới thoát nạn.

Câu trả lời bằng Anh ngữ chen lẫn tiếng Việt Nam làm tôi quan tâm đến Mailan, người vợ của ông Joe. Tôi tình cờ gặp vợ chồng ông Joe cách đây hơn sáu tháng khi cô Mailan nằm trong bệnh viện nơi tôi làm việc. Tôi nhớ ngày đầu tịên khi gặp cô Mailan, nhìn người đàn bà có nước da màu nâu mượt mà và mái tóc nhuộm hung vàng, tôi cứ nghĩ cô ta người Hawaii. Sau khi chào hỏi qua loa, cô Mailan nhận ra bảng tên của tôi và la lên:

– Trời ơi cưng người Việt Nam hả” Cô ghiền nói tiếng Việt qúa xá, mà cưng có nói tiếng Việt được nhiều không, có ăn được nứơc mắm không”

Sự vồn vả của cô Mailan làm cho tôi thấy cảm mến cô ngay từ giây phút đầu,và lúc đó mới biết cô tên là Mai Lan nhưng cô ghép tên lại để tiện phát âm. Khi nghe tôi nói chuyện lưu loát, cô bắt tôi hứa là sẽ trở lại thăm cô khi rảnh. Cô Mailan giới thiệu với tôi ông Joe, người đàn ông có khuôn mặt và đôi mắt xanh của tài tử Paul Newman. Thật sự tôi chỉ nhìn thấy chỉ một con mắt xanh buồn của ông Joe thôi còn con mắt bên trái thì ông ta đeo một miếng vải tròn che lại. Ông Joe bắt chước vợ hồn nhiên gọi tôi là “cưng’và tôi vì phép lịch sự với cô Mailan cho nên cũng gọi ông Joe bằng “anh” tuy rằng chúng tôi đối thoại với nhau bằng Anh ngữ nhưng lại chêm vào những từ ngữ xưng hô cung cách của người Việt Nam.

Vài hôm sau khi tôi trở lại thì cô Mailan dường như hôn mê vì uống thuốc chống lại cơn đau từ xương tủy, ông Joe thì đang loay hoay mở băng nhạc CD, điệu nhạc Waltz rộn ràng trong lúc cô Mailan còn hôn mê khiến tôi nhìn ông thắc mắc.

When we dance together my world’s in disguise

It’s a fairyland tale that’s come true

When you look at me girl with those stars in your eyes

I could waltz across Texas with you

Ông Joe giải thích là cô Mailan rất thích loại nhạc cao bồi và điệu nhảy miền quê của vùng Texas. Trong lúc cô hôn mê ông nghĩ là âm thanh quen thuộc của điệu nhạc sẽ làm cho cô Mailan mau tỉnh lại không chừng. Ông Joe nói xong rồi rươm rướm nước mắt và câu chuyện ông kể lại cho tôi nghe làm tôi xúc động.

Sự gắn bó của hai vợ chồng ông Joe bắt đầu bằng một chuyện tình tay ba. Ngày xưa ông Joe đi lính ở Việt Nam, khi đóng quân ở miền tây ông và một người bạn quân ngũ tên Jeremy cùng thương một cô gái ở quán cafe trong tỉnh đó là cô Mailan. Ông Joe và Jeremy là hai người bạn rất thân từ khi còn học trung học, cả hai cùng đi lính và hy hữu là được ở cùng một đơn vị khi đổi qua Việt Nam. Mặc dù thương cô Mailan nhưng cả ông Joe và Jeremy không hề nói cho nhau biết tình cảm của mình. Ngày quân lực mỹ vội vàng rút quân ra khỏi Việt Nam, Joe và Jeremy đều trở về Texas và sau đó được giải ngũ. Tình cảm dành cho cô Mailan tưởng như đã để lại sau lưng với sự điêu tàn của cuộc chiến, không ngờ chỉ vài tháng sau thì Jeremy ngã bệnh, một loại ung thư liên quan tới những hạch máu (lymphoma). Chính lúc này Jeremy thú nhận với ông Joe là cô Mailan đang mang thai và ông ta đang làm giấy tờ để đưa cô Mailan qua Mỹ. Ngày Jeremy hấp hối, ông ta yêu cầu ông Joe nhận trách nhiệm là sẽ lo cho cô Mailan vẹn toàn. Bênh cạnh giường bệnh của người bạn đồng hành,đồng chí hướng ông Joe bùi ngùi nhận lời hứa.

Sự thay đổi sau cuộc chiến tạo nên nhiều trắc trở trong việc liên lạc với cô Mailan, khó khăn hơn nửa là cô ta ở tận miền tây. Sau nhiều năm tìm kiếm và miệt mài lo giấy tờ với ý định đem cả cô Mailan và đứa con ra khỏi nước, cuối cùng côMailan ra đi một mình, đứa con nhỏ lúc đó saú tuổi không đi cùng vì lý do rất giản dị, khi sanh xong bà mẹ của Mailan vì sợ hàng xóm dị nghị nên nhận đứa cháu ngoại là con. Theo pháp lý cô Mailan và đứa bé không có gì ràng buộc ngoài trừ tình “chị em”. Tôi còn nhớ ông Joe kể tới đây thì dường như có một cái gì khúc mắc nên ông lắc đầu nói như thầm thì với chính ông:

– Phải chi đứa be… suông sẻ thì hai mẹ con hủ hỉ với nhau. Có lẽ trời phật chưa phù trợ nên Mailan mới khổ sở như thế này.

Tôi bất chợt nghĩ là đứa bé đã mất nhưng ông Joe dường như đoán được ý nghĩ của tôi, ông nói tiếp:

– Chiến tranh tàn bạo lắm cưng à. Jeremy chết vì bệnh ung thư hạch máu, đứa con của Jeremy rất khôi ngô, thằng bé giống hệt như ba nó nhưng khi nó mười tuổi thì mới biết là thằng bé không có trí khôn của những đứa bé cùng lứa tuổi. Năm nay thì nó đã hơn ba mươi tuổi rồi và vẫn ngu ngơ sống với bà ngoại của nó ở Việt Nam.

Tôi thắc mắc:

– Nhưng sao lại dính líu tới chiến tranh”

Ông Joe từ tốn giải thích:

– Cưng phải biết, ngày trước tôi và Jeremy ở trong lực lượng hải quân Sông Ngòi, khi chiến dịch rải thuốc khai hoang dọc theo dòng sông miệt đó có lẽ chúng tôi đã hửi mùi thuốc qúa nhiều, đã ăn những sản phẩm nhiễm chất độc đó nên chi Jeremy mới bị ung thư hạch máu và bị ảnh hưởng đến thằng bé con mới bị chậm trí. Chắc lúc đó cưng còn nhỏ nên không để ý tới thời cuộc,nhưng gần đây tin tức tài liệu vể dữ kiện này được đăng khắp nơi.

Sau khi nghe ông Joe giải thích tôi nhớ ngay tới một cuộc phỏng vấn trên chương trình 20/20 với bà Barbara Walter cách đây khá lâu. Cuộc phỏng vấn về gia đình tướng Zumwalt, người đồ đốc hải quân đã ra lệnh rải thuốc khai hoang dọc theo những nhánh sông Cửu Long ,và dọc theo biên giới Cao Miên năm 1968 để phá đi những khu rừng rậm nơi cộng sản núp trốn và rình rập bắn tấn công những con thuyền đi tuần trên sông ngòi. Người con trai cả của đồ đốc Zumwalt, Elmo Zumwalt 3rd lúc đó cũng ở vào lực lượng hải quân ở Việt Nam, anh có nhiệm vụ đi tuần dọc theo những con sông nơi bị rải thuốc khai hoang. Sau khi trở về nước, một năm sau anh ta khám phá ra là bị ung thư của những hạch máu (lymphoma) và chứng bệnh rất độc của bạch huyết cầu (Hodgkin’s disease). Đau đớn hơn nữa là đứa con của anh, Elmo Zumwalt 4th thì mắc phải chứng bệnh chậm trể thần kinh (Mental Retardation). Cũng trong thời gian này, báo chí đã nêu lên những dự kiện cấu kết từ thuốc khai hoang (Agent Orange) và những đứa con của những người cựu chiến binh từ Việt Nam, con của họ đã sinh ra với hình hài không được bình thường (birth defects).

– Khi nghe tôi đề cập tới câu chuyện của gia đình đồ đốc Zumwalt, ông Joe cay đắng:

– Tôi cảm thấy thương xót cho người con của ông ta, nhưng dù sao họ có thế lực, oai quyền nên họ có đủ điều kiện chửa trị trong khi những người như chúng tôi thì đành chịu chết hoặc đui mù thôi.

Tôi giật mình, nhìn lên khuôn mặt khả ái, đẹp trai của ông Joe với một con mắt với miếng vải che lại một bên. Tôi không dám hỏi nhưng ông Joe đã trả lời:

– Tôi nói với cưng rồi, chiến tranh dã man ghê lắm, chiến tranh và sự chết chóc qúa gần trong đời sống làm con người đâm ra ngông cuồng. Một thằng bạn đồng đội sau khi chứng kiến nhiều cái chết trước mắt trong một ngày nổi cơn điên hốt thuốc khai hoang và liệng tung khắp bầu trời, tôi đứng gần lảnh đủ, may là chỉ đui có một bên. Không biết những gì đã xảy ra trong cuộc đời của nó vì khi nổi cơn điên lên nó còn hăm dọa là sẽ uống luôn thuốc khai hoang để ..thử thách với đời.

Câu chuyện của ông Joe là trong những mẫu chuyện đớn đau cay đắng mà tôi đã từng nghe, từng chứng kiến khi có dịp tiếp xúc với những cựu chiến binh Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến đời sống của họ bổng dưng bị đảo lộn, họ tiếp tục bị ám ảnh bởi những bom đạn, những cơn ác mộng dai dẳng và sự căm hận về cuộc chiến không lối thóat. Phần nhiều đời sống của họ không còn bình thường như trước. Họ trở về nước sống nhờ thuốc an thần mà những loại thuốc này không thể mang lại sự bình an cho họ,trái lại họ còn bị hổn loạn tinh thần hơn. Tôi đã từng thấy những cựu chiến binh sống bên lề đường xin ăn, đời sống càng ngày càng đi vào ngõ tối vì khi lảnh tiền trợ cấp hàng tháng ra họ chỉ biết dùng tiền mua rượu ,uống cho say sưa quên đời rồi sau đó quên đi sự nhục nhã ngửa tay xin từng đồng.

Ông Joe kể cho tôi nghe về những tối nằm trên bong tàu nhìn những đóm hoả châu sáng ngập bầu trời, đợi chờ những biến cố bất thường xảy đến như sự pháo kích bất ngờ của cộng qụân, nếu bị bắn thì tất cả sẽ nhảy xuồng nước tránh nạn. Ông còn nói thêm tầng phía dưới của chiếc tàu là nơi dễ bị nhắm nhất vì đó rất vừa tầm tay súng của kẻ thù. Nghe ông kể tôi ngậm ngùi nhớ đến những người cựu chiến binh đã tình cờ đến trong cuộc đời tôi như ông Rọm, người cựu biệt kích dù, như một Kevin Ngô người thuơng phế binh ngoại quốc khi lập gia đình đổi theo họ của vợ. Tình cảm tôi dành cho những cựu chiến binh chất chứa trong lòng vì ba tôi cũng là từng là một chiến sĩ hiên ngang xông pha ngoài trận tuyến, khi đến nước Mỹ không lâu thì ông chết vì bệnh tim, tôi luôn luôn nghĩ ba tôi mất vì bệnh đau tim theo lẫn nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ông Joe luôn túc trực bên cô Mailan, tiếng nhạc miền quê Texas tiếp tục điệu Waltz vui tươi. Mỗi ngày tôi đi ngang phòng cô Mailan thì tôi nhớ thêm được một khúc hát:

Waltz across Texas with you in my arms

Waltz across Texas with you

Like a storybook ending I’m lost in your charms

And I could waltz across Texas with you

Khi nghe tôi thầm thì hát theo điệu nhạc, ông Joe nói với tôi rằng rất tiếc tôi không gặp được cô Mailan khi cô khoẻ mạnh vì cô lúc nào cũng lạc quan, yêu đời. Ông cho biết tình ông đối với cô Mailan nặng lắm, khi cô Mailan đến đất Mỹ, hai vợ chồng ông rất nghèo. Ngày giã từ quân ngũ trở về ông không có bằng cấp địa vị, ông ăn tiền trợ cấp của cựu quân nhân và tài trợ cho người tàn tật vì ông bị mù một bên mắt. Cuộc đời của ông gắn bó với những bất hạnh, chỉ vài tháng sau khi cô Mailan đến thì ông bị đứt mạch máu não, và bị liệt một bên người. Cô Mailan mặc dù ngôn ngữ còn bất đồng nhưng một mình tháo vát lo cho ông rất chu đáo. Ông nhớ hoài sự tận tụy lo lắng của cô Mailan vào lúc ban ngàylo thuốc men và phụ ông tập thể dục (rehabilitation), rồi tối đến hình dáng nhẫn nhục của cô Mailan ngồi bên chiếc máy may may từng mảnh áo, thưở đó cô Mailan lảnh đồ về nhà may, mỗi cái áo có 25 xu thôi. Cô miệt mài may vá cho đến khuya và không bao giờ nghe cô than vản. Chính những đêm khuya đó cô Mailan buồn nên vặn radio nghe nhạc, những bài hát theo điệu quê (country music) rồi cô đâm ra thích loại nhạc này. Cô thích nhất là những bài hát của Willie Nelson và của Johnny Cash.

Nhờ sự kiên nhẫn của cô Mailan, một năm sau ông Joe đi đứng lại được mặc dù bên phía tay trái vẫn còn hơi yếu. Khi mạnh lại ông Joe đưa cô Mailan đi xem cao bồi cưỡi ngựa đấu bò (rodeo), cô Mailan tính tình mộc mạc hiền lành, đi xem vài lần xong đâm ra thích thú. Từ đó niềm giải trí của hai vợ chồng ông là đi xem rodeo mỗi tháng. Nguyện vọng của cô Mailan là một ngày nào đó cô sẽ được đi khắp vùng Texas, được xem tất cả những trận rodeo ngoạn mục.

Ông Joe trở lại trường đi học về nghành kỹ sư, bốn năm sau đời sống của hai vợ chồng ông khá giả hơn, ông và cô Mailan về lại Việt Nam thăm gia đình. Ông kể lại sự bồn chồn bất an của chính tinh thần ông trong chuyến trở về đó, ông nói với tôi chuyến đi buồn nhiều hơn vui vì đây là cơ hội cho ông chứng kiến thảm cảnh sau chiến cuộc.

– Người tàn tật khắp nơi cưng ơi! đời sống của dân chúng còn tệ hơn lúc còn chiến tranh. Xã hội đầy rẫy tham nhũng hối lộ. Cộng sản bóc lột dân chúng nên chi người nào theo chúng nó nịnh bợ thì giàu nứt đất nẻ đai, kè nghèo thì chết không có chiếu chôn. Chúng tôi trở về niềm an ủi duy nhất cho Mailan là gặp lại đứa con trai và bà mẹ. Khi trở lại Mỹ, Mailan như người không hồn và tôi cảm thấy bó tay, bất lực không giúp gì Mailan được.

Ông Joe nói thêm là có lần ông ngõ ý nhận thằng bé con của Jeremy làm con nuôi để đưa nó qua bên đây sống, nhưng sau khi suy đi nghĩ lại cả ông và cô Mailan quyết định không nên, vì theo cô Mailan, đứa con khờ khạo chậm trí của cô có qua đến bên Mỹ mặc dầu đời sống vật chất đầy đủ hơn nhưng mỗi ngày cô và ông Joe càng già sẽ lo không nổi cho nó, rồi nó cũng sẽ vào trong những viện đặc biệt dành cho những đứa bé cùng cảnh ngộ như nó. Cô Mailan nghĩ là để con ở lại Việt Nam dù sao bà ngoại và gia đình cô còn có tình thương lo cho nó và nó sẽ được sống trong sự hạnh phúc ngây ngô đó. Ông Joe cảm phục sự hy sinh của cô Mailan, từ đó mỗi tháng ông đều đặn gửi tiền về để gia đình cô Mailan lo cho con. Lần cuối ông và cô Mailan về xây một căn nhà khá khang trang ở Rạch Gía cho cả đại gia đình cô Mailan ở. Mỗi năm hai vợ chồng ông về thăm nhà một lần và mỗi lần ở tới ba tháng. Từ ngày cô Mailan bệnh vợ chồng ông không về được, ông không biết phải giải thích như thế nào với gia đình vì cô Mailan căn dặn là đừng cho gia đình hay sợ mọi người lo lắng.

Cô Mailan dần dần tỉnh lại và qủa thật như ông Joe đã nói, mặc dù còn yếu cô Mailan lúc nào cũng điềm tinh, vui vẻ. Khi tôi mang vào tặng cô chậu hoa tulips trắng thì cô bật khóc, trong khi tôi còn bỡ ngỡ thì ông Joe cho biết đây là loại hoa mà mỗi năm vào ngày ba mươi tháng tư, ngày giổ của Jeremy cô và ông đem ra ngôi mộ của Jeremy thăm viếng. Ông còn cho hay là mỗi năm vào ngày quốc hận cô Mailan và ông đều vào trường UT (University of Texas) để tham dự đêm không ngủ. Khi biết được tôi là cựu học sinh của trường UT, cô Mailan hỏi:

– Cưng có tham dự vào đêm không ngủ lần nào chưa” Cảm động lắm cưng ơi, sự mất mát đã đem tình người ngồi lại với nhau, đốt những ngọn nến để thấy còn nồng hơi thở của quê hương và biết thương yêu còn trong trái tim mọi người.

Tôi không ngờ cô Mailan mộc mạc mà có thể diễn tả tâm trạng một cách văn hoa mật ngọt như thế. Ngày cô Mailan xuất viện tôi đến từ giã, cô Mailan nhắn với tôi:

– Cưng hay đi chùa nhớ cầu xin Phật độ cho cô một cái chết được an lành. Cô chỉ tội cho anh Joe thôi, suốt cuộc đời anh ấy qúa tốt với cô, cưng nhớ cầu Phật mang đến cho anh ấy chút thanh thản trong đời.

Trong khối óc tưởng rằng giản dị của cô Mailan lại chất chứa một sự thông minh lạ thường.vì sau khi nói chuyện với ông bác sĩ về tình trạng của cô, tôi biết đời sống còn lại của cô rất mong manh. Cô bị ung thư máu đã mấy năm qua và sự đau đớn của thể xác khiến cô sẵn sàng buông xuôi.

Sáng hôm nay gặp lại anh Joe trong qúan café, tôi bùi ngùi nhắc lại những lời nói của cô Mailan. Ông Joe nhìn tôi dọ hỏi:

– Cưng có biết gì về kinh Dược Sư không” Nghe nói loại kinh này nghe xong tâm trí rất an hòa, có người nghe xong hết bệnh ngay.

Tôi biết ông Joe đang có một hy vọng rất mơ hồ về tình trạng của cô Mailan. Niềm tin đến vội vã trong khi tâm thần ông qúa bất an. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt và con mắt của Paul Newman, trong con mắt xanh đượm buồn đó có một thiết tha cầu khẩn từ đấng linh thiêng ban phép nhiệm màu. Tôi nhìn ông và bắt đầu hát nho nhỏ:

My heartaches and troubles just are up and gones

The moment you come into view

With your hand in mine dear I cound dance and dance

And Waltz across Texas with you

Tôi sẽ về đi ngay đến chùa xin chư phật phù hộ cho ông Joe được tâm an lạc và cho cô Mailan có thêm một chút sinh lực cuối cùng để cùng ông Joe đi dự xem những trận rodeo qua khắp miền Texas.

I could Waltz across Texas with you

It’s a fairyland tale that’s come true

Nguyễn Thị Huế Xưa

CON MA DỄ THƯƠNG

 

Bà Trí giật mình, ngồi dậy thật nhanh, người bà toát mồ hôi lạnh, bà ngồi trên giường nhìn sững vào cái máy điều hoà không khí trong góc phòng đang chạy vù vù. Bà nhìn đồng hồ, bảy giờ rưỡi sáng, mặt trời tháng tư đang nhẹ nhàng ửng hồng qua khe cửa sổ, có tiếng xe chạy rầm rộ ngoài đường, có tiếng khóc của thằng bé con nhà bên cạnh mỗi sáng khi mẹ nó đi làm, và âm thanh vỗ về quen thuộc bằng tiếng Mễ của bà ngoại nó. Bà Trí lẩm bẩm… mình nghe rõ ràng mà.

Như thường lệ, bà Trí thức giậy từ sáu giờ sáng nhưng thích nằm chập chờn trên giường, sáng nay chợt bà nghe tiếng than khóc của một người đàn bà vọng ra từ cái máy lạnh làm bà sợ hãi tỉnh cả người. Đầu óc bà chênh vênh với ý nghĩ lạ lùng về một người đàn bà Mỹ lúc trước ở đây và đã chết trong phòng này. Bà Trí nói thầm, có lẽ tại tối qua bà kho nồi mắm sặc hôi qúa nên bà Mỹ này chịu không nổi phải lên tiếng cằn nhằn bà chăng?

Nghĩ thế bà rón rén bước xuống giường, can đảm bước đến góc phòng và vặn tất cả những ngọn đèn trong phòng lên. Cái máy lạnh điều hoà không khí vẫn tiếp tục chạy đều đều. Bà Trí cảm thấy rợn người, bà bất chợt tông cửa, mặc kệ là bà đang mặc bộ đồ ngủ mỏng tanh, bà chạy thẳng xuống văn phòng của người quản lý trong khu chung cư này, với vốn liếng anh ngữ ít ỏi, bà thảng thốt nói với cô ta về tiếng khóc mà bà đã nghe từ cái máy lạnh.

Cô Brenda, người quản lý da đen, vóc dáng to lớn, nghe bà Trí nói xong thì có vẻ không tin, nhưng nhìn nét mặt hoảng hốt của bà Trí nên đề nghị bà đưa lên phòng để cô ta xem xét tình hình như thế nào. Khi trở về phòng, cô Brenda cũng ngồi ngay chỗ giường của bà Trí và cũng nhìn chăm chăm vào cái máy lạnh, không có gì lạ xảy ra cả, chừng năm phút sau cô vỗ vai bà Trí và trấn an:

– Tối qua gió lớn nên tôi nghĩ cái máy lạnh nó chạy nhanh hơn. Bà đã nghe hơi gió đó mà.

Bà Trí đưa tay vặn đài truyền hình số 7 lên, qủa thật trên đài khí tượng đang nói về cơn gió lớn thổi qua từ miền bắc tối qua làm một số cây cối ngã khắp trên đường. Bà thở phào nhẹ nhỏm, nhìn cô Brenda thẹn thùng cám ơn. Trước khi ra về, cô Brenda ghi số điện thoại của văn phòng vào cái điện thoại cầm tay của bà Trí và dặn dò là nếu cần thì bà có thể gọi bất cứ lúc nào. Bà Trí cười thầm về sự ngớ ngẩn của mình, bà tự bảo chắc tại mấy hôm nay bà mê xem cuốn băng Thúy Nga Paris, trong đó ông Nguyễn Ngọc Ngạn kể về những chuyện ma trong khi đi trình diễn ở mấy rạp hát lớn cho nên có lẽ bà bị nhập tâm. Sau khi nghe lại đài khí tượng và nhìn cái máy lạnh vô tri vô giác một lần nữa, bà Trí yên tâm bắt đầu công việc hằng ngày của mình.

Một ngày của bà Trí bắt đầu từ lúc sáu giờ rưỡi sáng, việc đầu tiên là bà thử máu đường của mình và lo uống viên thuốc trị bệnh tiểu đường, rồi bà nấu một gói instant oatmeal ăn lót lòng, bà nghe nói oatmeal sẽ làm giảm bớt lượng mỡ trong máu. Sau đó bà thay áo quần và đi bộ thể thao trong xóm chừng một tiếng đồng hồ. Phần còn lại của ngày là nấu ăn cho bữa cơm trưa và tối, buổi chiều đón xe bus đi đến hội Cao Niên gặp bạn bè. Đời sống của bà Trí với những diễn tiến đều đặn đó đã kéo dài từ sáu năm nay.

Từ ngày chồng mất, bà Trí xin dọn qua ở căn nhà một phòng cho đỡ thấy trống trãi, cũng ở trong khu chung cư cho người nghèo này. Cũng may, khu chung cư có rất nhiều người Việt mà phần lớn là giới trí thức của một “thời xa xưa”. Ngày ông Trí còn sống, mỗi tối hai vợ chồng bà vẫn thường tụ tập uống trà hoặc đánh mạt chược với những người hàng xóm chung cảnh ngộ. Những người mà ngày xưa tiếng tăm một thuở, họ là những người từng cầm binh khiển tướng trong tay và đã bị tù đày một thời gian dài, dài vừa đủ để thân thể họ cưu mang những bệnh tật kinh niên và tâm trí họ rối loạn. Những lần ngồi lại với nhau cả nhóm tìm nguồn vui trong nỗi buồn khi nhắc nhở đến một quãng đời từ hơn ba mươi năm trước. Ngày đó những người chiến sĩ như họ mang trên vai hai chử tổ quốc với trọng trách nặng nề bao nhiêu thì bây giờ nỗi tủi hổ của người di dân càng đè nén hơi thở của họ từng ngày. Sau tháng Tư 75, khi ở tù về, những người như ông Trí phải đành đoạn ra đi vì ở lại sẽ không có một lối thoát ngoài sự nhục nhã và sự tàn phế tâm thần khi sống dưới chế độ mới.

Chiều nay từ hội Cao Niên về, bà Trí cảm thấy đầu óc căng thẳng vì còn bị ám ảnh từ tiếng khóc bà nghe từ ban sáng. Hôm nay, cả hội lại bàn chuyện tổ chức ngày tưởng niệm ba mươi tháng tư vào tuần tới. Cũng như mọi năm, bà cùng những bà bạn lãnh nhiệm vụ nấu ăn cho ngày lễ long trọng đó. Năm nào hội Cao Niên cũng cung kính tổ chức một đêm không ngủ để cầu nguyện cho những người đã hy sinh vì tổ quốc, và để cùng ngồi lại với nhau bên tách trà, bên ly café xót xa ôn lại một lịch sử thật gần trong tâm tưởng.

Vì qúa mệt nên bà Trí đi ngủ sớm. Trong cơn mơ bà Trí thấy mình đang trở về quê hương vùng miền Tây ruộng đất phì nhiêu, cây trái đơm hoa quanh năm, nơi đời sống rất hiền hoà trong căn nhà rộng lớn của ba má bà. Bà nhớ đến mùa gặt lúa, tiếng hò dòn dã của những tá điền vang vọng trong không gian nghe đượm tình quê hương trìu mến. Họ gặt lúa, rồi giã gạo trong đêm thâu bên bếp lửa hồng, bên nồi cháo trắng ăn với cá lòng tong kho mặn mòi. Ôi, một thuở thanh bình! Rồi súng nổ khắp nơi, bom đạn rơi khắp lối, ruộng đồng đổ nát tơi bời. Thời thanh bình qua đi,cuộc sống thu gọn trong ngôi nhà gạch thừa tự trong khu vườn nhiều cây lá bên cạnh con lạch nhỏ. Ông Trí ở trong quân đội nay đây mai đó, bà ở nhà với đứa con gái duy nhất của hai người. Bỗng dưng tháng Tư 75 đến một cách kinh hoàng, căn nhà gia phả của bà bị chiếm trọn, bà đành dọn ra ở căn lều nhỏ nhoi nằm trong góc vườn mà mỗi đêm khi nằm đơn côi một mình bà như còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng ai gọi nhau ơi ơi từ những chiếc thuyền nhỏ chèo lóc lách ngang qua con lạch sau nhà.

Đang nằm mơ màng, bà Trí bỗng tỉnh giấc vì tiếng gọi “bà ơi thức dậy uống thuốc”, tiếng gọi phát ra từ cái máy lạnh trong góc phòng. Bà tỉnh hẳn người, nhìn trân trối vào cái máy lạnh, không có gì thay đổi, vẫn âm thanh đều đều phát ra hơi mát khắp phòng. Đồng hồ trên chiếc bàn ngủ chỉ đúng bảy giờ rưỡi sáng. Bà Trí cảm thấy toàn thân mình như tê liệt, đúng giờ này hôm qua cũng có tiếng than khóc từ cái máy lạnh đó ra. Bà Trí run rẩy chồm qua bàn lấy cái điện thoại cầm tay và bắt đầu gọi xuống văn phòng.

Chỉ trong vòng vài phút, cô Brenda mở cửa phòng bước vào. Bà Trí oà lên khóc và kể cho cô ta về tiếng kêu vọng ra từ cái máy lạnh. Cô Brenda nghe xong thì nhìn bà Trí e ngại hỏi:

– Bà ngủ có đủ không?

Bà Trí dụt dè đưa tay chỉ vào cái máy lạnh:

– Tối hôm qua tôi mệt nên ngủ rất ngon. Sáng nay …nó đánh thức tôi.

Rồi bà ngập ngừng hỏi:

– Ngày trước có người chết trong phòng này phải không cô?

Cô Brenda lắc đầu:

– Tôi thật sự không biết điều đó, nhưng tôi nghĩ là bà đang suy tâm nhiều qúa nên nhiều tưởng tượng đó thôi.

Thật vậy, hai hôm nay lòng bà bồn chồn, nao núng khi bà nghe lại tin tức về vụ đặt bomb ở Boston Marathon cách đây một năm,vào ngày mười lăm tháng tư. Bà đã khóc khi nhìn thấy hình thằng bé chỉ mới tám tuổi bị chết thảm thương trong khi đứng chờ bố chạy bộ về ngay vòng dây cuối. Ba người chết, hàng trăm người bị thương. Bà chợt nhớ tới sự khủng bố năm xưa ở SàiGòn, hai trái C4 cài vào, nổ một trái, trái thứ hai cho nổ khoảng vài phút sau đó khi xe cứu thương tới và dân chúng đứng xem sẽ chết chùm theo. Sao mà tàn bạo, hãi hùng qúa.

Bây giờ là tháng Tư, tháng Tư trong ký ức đau thương của bà mang hình ảnh của đứa con gái còn rất trẻ của bà, là vợ của một chiến sĩ bấy giờ đang xông pha ngoài chiến tuyến. Con gái bà lúc đó đang mang bầu, bị xuất huyết qúa nhiều phải đưa từ Cần Thơ lên Sài Gòn, ngày hai mươi sáu tháng tư, đường xá ngập đầy bom đạn, xe cộ nghẹt lưu thông, đứa con gái của bà bị đưa trả về nhà thương ở tỉnh và đã chết vì bị sản hậu. Bà đau đớn nhờ người chôn con sau vườn. Ông Trí và thằng con rể của bà may mắn trở về từ những vùng địa danh đã không còn trong lịch sử và không bao lâu thì bị gọi đi tù.

Chiến tranh tàn nhẫn và hậu qủa của chiến tranh là những mất mát oàn oại, những căm hờn mang theo canh cánh trong lòng. Tháng tư, dân miền Nam mất tự do, mất đất nước, riêng bà thì mất một người con, một đứa cháu chưa ra đời, thằng con rể chết trong tù, và chồng bà từ ngục tù về với một thân thể quằn quoại và một tâm hồn hoang tàn. Bà âm thầm săn sóc chồng cho tới khi cả hai được viện HO bảo trợ qua Mỹ. Nhờ thuốc men đầy đủ và sự săn sóc chu đáo của y tế Mỹ, ông Trí cũng sống được mười năm trước khi mất vì bệnh tim.

Cách đây hai ngày, khi vừa cúng giỗ mỗi năm cho con gái, bà Trí nhận được điện thoại của cô em gái từ Việt Nam gọi qua cho hay là căn nhà ngày xưa của bà bây giờ người ta ủi đất san bằng để xây chùa. Cô em còn cho hay là sau khi chùa cất xong, mỗi đêm mấy tăng ni họp nhau tụng niệm liên tục một tháng liền vì tất cả đều qủa quyết là họ nghe có tiếng gõ cửa của một người vào lúc nữa đêm xin vào tá túc trong chùa. Mặc dù không tin dị đoan, nhưng sau khi nghe chuyện cô em kể xong, bà Trí cũng không tránh khỏi ý nghĩ là có phải cô con gái của bà, người đã chết tức tưởi từ một tháng tư dạo nào đang trở về tìm nơi nương náu. Tối đó bà thấy khuôn mặt rất thương yêu của con gái bà hiện về trong giấc mơ.

Với những dự kiện dồn dập làm rối loạn đầu óc trong mấy ngày qua, bà Trí nhìn cô Brenda và thở dài:

– Có lẽ cô nói đúng, chắc tinh thần tôi đang bị giao động quá thôi.

Cô Brenda cầm tay bà an ủi và một lần nữa căn dặn bà nên tịnh dưỡng. Cả ngày hôm đó bà Trí tự trách mình yếu bóng vía rồi đâm ra suy nghĩ vớ vẫn. Bà dành hết thì giờ cặm cụi nấu những món ăn cho ngày ba mươi tháng tư như đã hứa với hội Cao Niên. Tối đó bà lại ngủ thiếp đi trên chiếc ghế sofa trong lúc đang coi cải lương qua đài truyền hình satellite.

Bảy giờ rưỡi sáng, có tiếng gọi thật nhỏ nhẹ “ bà ơi tới giờ đi bộ rồi”. Bà Trí mở mắt, nhìn trừng trừng vào cái máy lạnh, rõ ràng lời kêu vọng ra từ đó, nhưng bây giờ bà chỉ cảm được làn hơi mát đang toả ra từ cái máy như một lời chế giễu đối với bà. Trên đài truyền hình, thấp thoáng những hình ảnh chiếu lại từ biến cố nổ ở Boston. Những hình ảnh đau đớn, tàn khốc mà bà nghe đi nghe lại cả tuần nay. Hình ảnh những người trẻ tuổi với cuộc đời đang đầy nhựa sống đã mất đi một phần thân thể một cách tức tưởi trong biến cố từ năm trước. Bà Trí lặng người, bà không bị nhập tâm đâu, tai bà nghe rõ mồn một về lời nói từ cái máy lạnh đó, bà biết kêu ai bây giờ, gọi cô Brenda thì chỉ để cho cô ta nghĩ là bà bị bệnh tâm thần thôi. Sau vài giây suy nghĩ, Bà Trí bình tỉnh, đứng dậy mở tung cửa phòng, bà lấy một cái ghế chặn cho cửa mở toang ra. Bên nhà hàng xóm tiếng khóc của thằng bé con mỗi sáng nghe như tiếng mi eo của một con mèo nhỏ. Bà Trí sửa soạn ra đón xe bus và đi thẳng đến hội Cao Niên vì bà đang cần gặp một người mà bà nghĩ có thể khi nghe bà nói về chuyện tiếng kêu từ cái máy lạnh sẽ không cười cho là bà điên loạn.

Qủa thật như bà mong muốn, ông bác sĩ Cần chuyên môn về bệnh tâm lý (psychiatrist), là người trẻ nhất hội vì ông chỉ mới sáu mươi lăm, hay đến hội vào sáng sớm để uống café,tán gẫu,và chơi cờ tướng với những cụ già khác. Khi thấy bác sĩ Cần đang ngồi một mình bà Trí mừng qúa, chào hỏi và mời ông qua quán McDonald bên cạnh uống acafé. Sau khi chăm chú nghe bà Trí kể về tiếng than khóc, tiếng kêu từ cái máy lạnh trong mấy ngày qua, bác sĩ Cần gật gù hỏi:

– Chị tin là có ma không?

Bà Trí bối rối:

– Tôi tin là có những vong linh.

Bác sĩ Cần lại hỏi:

– Thế chị có sợ ma không?

Bà Trí ngần ngại không trả lời vì quả thật thì bà có sợ, bằng chứng là mấy ngày qua bà bị ám ảnh hoài về tiếng kêu, tiếng than khóc từ cái máy lạnh đó.

Không đợi bà trả lời, bác sĩ Cần nói tiếp:

– Những bóng ma là những linh hồn đã đi về nơi cát bụi, như những hương linh mất mát

trong cuộc chiến, như những bóng dáng của người thương yêu mà chúng ta thương tiếc, nhớ nhung. Khi nói đến ma thì chúng ta thường nghĩ đến những hình ảnh xấu xí, quái gở, hay phá phách, dữ dằn. Theo lời chị kể thì tôi thấy “con ma” của chị rất dễ thương và tốt bụng vì rằng mỗi sáng nó đánh thức và nhắc nhở chị làm những chuyện rất hữu ích cho sức khoẻ của chính chị.

Bà Trí nhìn bác sĩ Cần, mặc dù ông đang cười nhưng không phải là cái cười chế diễu mà trái lại rất thành thật. Bác sĩ Cần nhỏ nhẹ khuyên:

– Tối nay chị về nhớ uống một viên Benadryl, ngủ thật an lành để sáng mai còn phụ tụi này sắp xếp cho ngày lễ trọng đại nữa.

Bà Trí gật đầu cám ơn, bà cảm thấy đầu óc thanh thản. Chỉ đơn giản thế thôi mà bà nghĩ không ra, bác sĩ Cần nói rất có lý, có ai thật sự quấy rầy bà đâu, nếu bà để ý thì những lời gọi từ cái máy lạnh đó có lẽ là những nhắc nhở rất ân cần, nhẹ nhàng. Buổi trưa từ hội Cao Niên về, bà ghé qua Chùa Linh Sơn, thắp nén nhang khuấn nguyện cho những hương linh yêu dấu của bà được siêu thoát, cho bà vị tha để quên đi nhưng đau đớn, căm hờn mà bà đã cưu mang trong bao năm qua. Tối đó bà Trí ngủ thẳng giấc đến sáng.

Đồng hồ chỉ đúng bảy giờ rưỡi, bà mở mắt, chờ đợi, một lúc sau bà nhìn sang cái máy lạnh và nói lẩm bẩm một mình… ủa sao hôm nay không có ai kêu mình dậy vậy kìa.

Nguyễn Thị Huế Xưa

MỘT ĐỜI ĐAU THƯƠNG

 

Chiếc xe lăn bằng điện cồng kềnh to lớn hơn xe lăn khổ thông thường nằm ngay trước cửa phòng 828 làm tôi giật mình để ý.

Khi tôi bước đến gần thì không cần quan sát kỹ tôi đã nhận ra sự quen thuộc của những dụng cụ linh tinh chung quanh chiếc xe lăn rất khác thường này.  Chiếc xe lăn bằng điện to gần gấp hai chiếc xe lăn thường và không có hai cái bánh xe lớn mà lại có bốn cái bánh nhỏ như bánh xe hơi nằm dưới một cái sườn vuông vứt bằng sắt cao chồng ngồng.  Trên cái sườn bằng sắt cao đó là một mặt ghế ngồi có lót bằng một miếng nệm khá dày bằng móp (eggcrate).  Phía bên phải của ghế có gắn một cái đèn chớp màu đỏ giống như đèn báo hiệu trên xe cảnh sát.  Phía bên trái cũng có một cái đèn giống như vậy chỉ khác là màu xanh.  Kế đó là cái tay cầm tròn như tay sang hộp số để điều khiển chiếc xe. Phía sau ghế có một cái khung cũng bằng sắt trong đó có đựng một hộp đổ nghề màu đen và một cái lồng chim bằng gỗ xiên xẹo. Một cái bình đựng nước bằng nylon màu xanh két, một sợi dây xích cũ máng ngay một bên tay ghế, cái áo thun màu đỏ với giòng chữ ” Peace not War” bọc sau lưng chiếc ghế.

Mỗi ngày khi ngồi ăn trưa trong văn phòng nhìn qua phía bên kia đường của cái clinic đối diện, tôi thường bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông với đầu tóc dài rối bù như chiếc dẻ xoắn lau nhà ngồi trên chiếc xe lăn đặc biệt này với những thứ  đồ lỉnh kỉnh đó.

Sở dĩ tôi chú ý đến ông ta vì dường như trưa nào đúng mười một gìờ rưỡi người đàn ông này cũng hùng hổ liều mạng lái chiếc xe lăn phăng phăng, bất chấp những dòng xe hơi nhộn nhịp, mạnh dạn băng qua phía bên kia đường để vào một quán café có cái tên là TÈO.  Mỗi lẩn ông ta rời quán TÈO thì tôi thấy ông ta cầm cái bình nylon màu xanh két dốc lên miệng.  Tôi đoán có lẽ ông ta vào quán đó mua café đổ vào bình.  Tôi không nhìn rõ khuôn mặt ông ta cho lắm vì từ văn phòng tôi nhìn qua khoảng cách khá xa.

Một bữa tôi có hẹn bên văn phòng ông bác sĩ gần đó cũng vào dịp trưa, khi đứng ở cột đèn chờ dấu hiệu đèn xanh bật lên để băng qua đường tôi tình cờ thấy ông ta rõ ràng hơn.  Mái tóc dài màu hung vàng rối bù không biết là dơ vì lâu ngày không gội hay màu hung hung đó là màu tóc nguyên thủy. Bộ râu cùng màu rập rạp che hơn nữa khuôn mặt, chỉ chừa lại cặp mắt dấu sau đôi kính đen to.  Trên người ông ta có lẽ cũng có chừng năm lớp áo mà cái áo ngoài hết là một áo rằn ri nhăn nheo.  Đôi giày bốt nâu bạc màu to như hai chiếc xuồng nằm lửng lơ trên hai miếng để chân mà tôi có cảm tưởng như hai bàn chân của ông ta qúa nhỏ so với đôi giày. Ông ta ngồi bất động trên chiếc xe lăn, chỉ có đôi tay di chuyển để điều khiển chiếc xe thôi.  Mỗi khi chiếc xe lăn tới khiến những dụng cụ máng chung quanh tạo ra những tiếng động nhỏ kỳ khôi và cái đèn màu đỏ trên chiếc xe lăn thì cứ chớp liên hồi.

Trong khi tôi kiên nhẫn đứng chờ đèn xanh bật lên để băng qua bên kia đường thì ông ta nhìn tôi thách thức, và qua đôi kiếng màu đen đó tôi đã tưởng tượng được cặp mắt chế giễu trước khi ông ta bạt mạng lái vùn vụt chiếc xe lăn chạy qua phía bên kia lề bất chấp những giòng xe điên cuồng vội vã.

Hai buổi trưa vừa qua tôi nhìn qua cửa sổ không thấy bóng dáng người đàn ông này nên tôi cũng hơi làm lạ, không dè ông ta nhập viện và đang nằm trên lầu thứ tám này. Tôi  bước đến lật hồ sơ của phòng 828 xem, cái tên trên hồ sơ làm tôi khựng lại, Kevin Ngô.

Tôi nhủ thầm như vậy là chiếc xe lăn này để lộn qua phòng người khác rồi vì chủ của chiếc xe lăn có một không hai này không thể là người Việt Nam. Tôi định đẩy chiếc xe lăn qua một bên và đi tìm người chủ của nó thì lúc đó một ông y tá mặt đầy tàn nhang, tóc đỏ hoe đang đi trong hành lang ngừng lại cản tôi:

– Bà đừng đem xe đi vì ông Ngô sẽ giận dữ.

Tôi gặng hỏi:

– Ông Ngô?

Ông y tá tiếp tục nói:

– Đúng rồi, của cải của ông ta chỉ có bao nhiêu đó cho nên tôi phải hứa là bảo vệ  chiếc xe thì ông ta mới đồng ý để nó ở ngoài này, nếu để trong phòng thì chật chội qúa, mỗi ngày vào chữa trị vết thương cho ông ta không có chỗ để máy móc.

Tôi chất vấn:

– Phải ông Ngô nằm trong phòng 828 không”

Nhìn sự thắc mắc trên khuôn mặt của tôi ông y tá lật đật nói:

– Ông Ngô nằm trong phòng đó đã hai ngày.  Bà cần kiểm soát (audit) hồ sơ của ông ta hả”

Tôi không còn kiên nhẫn được nữa nên gật đầu đại cho xong chuyện:

– Ừ! Để tôi coi hồ sơ của ông ta xem sao

Kevin Ngô năm nay 54 tuổi, góa vợ, không nghề nghiệp và vô gia cư.  Ông ta nhập viện cách đây hai hôm với triệu chứng lở loét ở xương chậu (sacral decubitus).  Càng đọc tiểu sử của ông Kevin Ngô tôi càng thấy lạ thêm.

Kevin Ngô là Viet Nam Veteran, theo lý lịch hồ sơ thì ông ta là người Mỹ. Ông ta đã từng bị gãy xương sống, chấn động mạch máu não và sau khi bình phục thì hai chân ông ta rất yếu, đã phải dùng xe lăn từ bao nhiêu năm nay.

Sau khi đọc lướt qua hồ sơ, sự tò mò khiến tôi mạnh dạn gõ cửa phòng của ông để xem có phải đây là chủ nhân của chiếc xe lăn điện không.

Vì cái tên Việt nên mặc dù người đàn ông trước mặt qủa thật là người đàn ông mà tôi đã từng thấy bên lề đường hằng ngày, tôi giới thiệu với ông ta tôi là y tá trưởng và mở lời chào hỏi bằng tiếng Việt Nam:

– Chào anh Kevin, anh có khỏe không”

Đôi mắt không còn giấu sau làn kính đen nửa mà là đôi mắt xanh biếc với cái nhìn rất thờ ơ, ông ta ngạo mạn trả lời:

– Nằm một chỗ như thế này thì làm sao khỏe được.

Tôi ngạc nhiên khi nghe câu trả lời hằn học bằng tiếng Việt khá rõ ràng của ông ta.

– Xin lỗi anh nghe, đáng lẽ phải hỏi là anh có cần gì không thì mới phải.

Đôi mắt xanh bây giờ không nhìn tôi mà nhìn chăm lên trần nhà:

– Lỗi phải chi bà, mà bà có cần gì không?

Lại  là lời thách thức. Tôi từ tốn trả lời:

– Tôi tưởng anh người Việt Nam nên chỉ muốn vào thăm thôi.

Ông ta nhìn tôi châm biếm:

– Như vậy là bà chỉ thăm viếng người Việt Nam thôi sao” Tôi người Mỹ nhưng nhờ có tên Việt, may qúa mới được bà vào thăm.

Tôi vẫn điềm đạm:

– Nếu có dịp ai tôi cũng thăm cả nhưng có những người Việt Nam không thông thạo Anh ngữ thì họ là những người được tôi ưu đãi giúp đỡ trước tiên.

Kevin bắt đầu dịu giọng:

– Bà giúp được những gì?

Tôi nói với ông ta là tôi thường thông dịch cho những người Việt Nam nếu cần và vì đây là nhà thương công giáo nên chỉ có mấy bà soeur vào thăm mỗi ngày.  Nếu những người đạo Phật muốn cầu an thì tôi có thể liên lạc với thầy ở chùa đến an ủi, cầu an cho họ.

Đôi mắt xanh của Kevin không dưng sáng lên và tia nhìn của ông trở nên thân thiện:

– Bà hay đi chùa phải không? Tôi cũng đạo Phật.

Tôi ngạc nhiên đến tột cùng.

Cuộc đàm thoại với người đàn ông Mỹ có cái tên Việt này bắt đầu kỳ thú.  Có lẽ bắt gặp cái nhìn nghi ngờ của tôi nên Kevin đưa tay vào cổ áo lôi ra một sợi giây chuyền vàng với cái tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch rồi giọng buồn kể:

– Vợ tôi tặng cho tôi sợi dây chuyền này khi chúng tôi mới lấy nhau…

Rồi bỗng dưng Kevin ngưng kể, đôi mắt nhắm lại và lắc đầu:

– Chuyện tôi buồn lắm, lúc khác nói chuyện nữa nghe bà.

Tôi biết Kevin không muốn tiếp tục và vừa lúc đó người physical therapist đến phòng để chữa trị vết lở cho ông.

Nhìn cái máy Whirl Pool kềng càng và cái giường khác biệt dành cho những bệnh nhân với vết thương lở nặng, tôi mới hiểu tại sao ban nãy ông y tá bảo là mỗi lần chữa trị vết thương không có chỗ xoay xở trong căn phòng chật hẹp.

Tôi cáo từ Kevin, cho số điện thoại và bảo nếu cần gì thì cứ gọi thẳng cho tôi.

Ba ngày kế tiếp tôi phải đi học một khóa tu bổ trong ngành nên không vào bệnh viện.  Ngày thứ tư trở lại khi lên đến lầu thứ tám, chiếc xe lăn bằng điện không còn nằm chình ình trước phòng 828 mà nằm khuất sau một cánh cửa ở cuối hành lang.  Cô y tá Karen cho biết là Kevin được đưa xuống Intermediate Care ngày hôm qua vì trong phổi có nước. Tôi lật đật đi xuống lầu ba nơi Kevin đang nằm điều trị.  Mái tóc không còn rối bù mà bây gìờ đã được chải chuốt thẳng dài mướt trên gối.  Bộ râu xum xuê cũng được tỉa gọn gàng để lộ khuôn mặt rất dễ coi nhưng phong trần, khắc khổ.   Khi tôi bước vào Kevin có vẻ mừng rỡ.

Tôi nhìn thân thể yếu đuối của ông nằm bồng bềnh trên chiếc giường nước (pressure released bed), chưa kịp hỏi han thì mặc dầu kẹt ống Oxygen trên mũi, Kevin cũng gắng đùa, lần này bằng tiếng Anh:

– Tôi được …vinh dự lắm mới được nằm trên cái giường nước này đó bà.

Giọng Kevin không có gì mỉa mai cho nên tôi cũng đùa theo:

– Tại vì anh… đặc biệt…

Thật sự thì khi những người bệnh nhân nhập viện với vết lở khá nặng ăn sâu vào da thịt vì không có đủ khả năng di chuyển nên máu không lưu thông đều, tạo nên áp xuất mạnh gây ra sự lở loét (decubitus) thì chúng tôi phải dùng những chiếc giường nước như thế này để giảm bớt sức ép của mặt giường vào cơ thể với làn da vốn đã rất mỏng manh.

Vì hai bàn chân yếu Kevin phải ngồi trên xe lăn cả ngày, mặc dầu chiếc ghế có lót miếng nệm dày bằng móp như đã nói nhưng vì ngồi một chỗ qúa lâu, sức ép của cả thân thể dồn vào phần xương chậu, cho nên Kevin mới phải nhập viện với vết lở đó

Kevin cười buồn:

– Bà coi đó, cái… bàn tọa của tôi thì lở loét, bây gìờ thì cái phổi cũng …lều bều đầy nước.

Tôi an ủi:

– Anh ráng tịnh dưỡng, năm ba bữa sẽ mạnh lại rồi về nhà…

Tôi nói chưa xong câu thì đã biết mình lỡ lời.  Ông bệnh nhân này là người vô gia cư. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, Kevin mệt mỏi thì thào:

– Nhà đâu mà về bà.  Tôi sống trên chiếc xe lăn bao năm nay, nhà là những con đường, những bờ bụi…

Kevin nói tới đây thì thở dài và có ý như không muốn tâm sự nữa:

– Thôi bà đi làm đi, không dám làm mất thì giờ của bà.

Lần này là lần thứ hai Kevin cố ý tránh kể chuyện riêng tư của chính mình.

Tôi làm việc với bệnh nhân lâu năm và lúc nào cũng tôn trọng sự riêng tư của họ, tôi cũng hiểu là đối với Kevin, sống trang trải một mình ngoài đường, góc xó và va chạm những thực tế hiểm hóc trong đời sống trên lề đường thì ông ta khó có thể tin tưởng ai để tâm sự về cuộc đời mình. Tôi chào Kevin sau khi chúc ông ta nhiều may mắn.

Những ngày kế tiếp tôi không đích thân đến thăm Kevin vì tôi nghĩ sự thăm viếng của tôi chỉ làm phiền ông ta thôi mặc dầu tôi vẫn hoài thắc mắc về cái tên họ Việt Nam của ông.  Tuy nhiên, mỗi ngày tôi vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của Kevin qua điện thoại với những người y tá săn sóc cho Kevin. Tôi cũng liên lạc với cô Nancy làm về xã hội nhờ cô lo cho Kevin một nơi chốn cư ngụ khi sau khi xuất viện.

Lúc nói chuyện với cô Nancy thì tôi mới khám phá ra Kevin là ” khách hàng thường xuyên” của bệnh viện và cũng là người được cô Nancy dành rất nhiều thì gìờ lo lắng cho mỗi khi ông ta nhập  viện trong những năm qua.

Cô Nancy cho biết là Kevin rất bướng bỉnh vì cô đã từng lo cho Kevin đi đến ở viện dưỡng lão cũng như đến những nhà dành cho những người tàn tật, nhưng Kevin chỉ ở vài hôm sau đó lại bỏ đi ra sống lang thang trên đường phố trên chiếc xe lăn.  Chính cô Nancy là người xin giấy tờ cho Kevin có được chiếc xe lăn bằng điện để tiện việc di chuyển.

Khí hậu miền Texas tuy nóng nhiều nhưng mùa đông cũng có những ngày lạnh căm xương. Kevin sống dưới những gầm cầu của những con lạch nhỏ. Hôm nào chịu lạnh không thấu thì Kevin xin vào ở trong Salvation Army, nhưng được vài hôm thôi rồi cũng bỏ đi ra ngoài sống vất vưởng đầu đường xó chợ.   Cô Nancy cho tôi hay là Kevin đã và đang trải qua những khủng khoảng tinh thần sau khi rời quân ngũ (post traumatic stress), cho nên tính tình đôi lúc bất bình thường.

Một tuần sau đó thì cô y tá gọi cho tôi hay là Kevin đã đỡ nhiều và đã được đưa trở về lại lầu tám. Kevin có nhắn lại là ông ta muốn gặp tôi.  Tôi trở lên thăm và lần này thấy ông ta gầy guộc hẳn đi.

Sau khi chào hỏi qua loa, Kevin ngập ngừng:

– Có một chuyện làm phiền bà…

Trong khi tôi nhìn Kevin chờ đợi thì ông ta lấy từ dưới cái gối ra sợi giây chuyền có tượng Phật Bà bằng cẩm thạch mà lần trước Kevin đã khoe với tôi.  Lần này Kevin buồn bã nhắc lại:

– Tượng Phật này là của vợ tôi tặng cho tôi khi chúng tôi mới lấy nhau. Sợi dây chuyền bị đứt rồi, nhờ bà giữ giùm vì tôi không có chỗ cất sợ để mất đi.

Tôi cầm sợi giây chuyền vàng, thật sự sợi giây không bị đứt chỉ có cái móc bị gãy thôi. Trong khi tôi còn mân mê sợi giây chuyền trên tay thì dường như Kevin không cầm lòng được nên bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời bi thảm của ông.

Nếu nói theo số mệnh thì Kevin là người khổ hạnh cho nên cuộc đời của ông thật nhiều đớn đau.

Kevin lớn lên mồ côi cha mẹ, sống với một bà dì góa bụa.  Sau khi xong trung học hai năm thì Kevin bị động quân và được gửi qua Việt Nam đóng binh ở Kontum.  Nơi đây Kevin đem lòng thương một một cô gái miền cao nguyên chất phác, hiền lành.  Cha mẹ cô gái sống trong khu gia binh rất nghèo và đông con nên khi Kevin ngõ lời muốn cưới để đưa cô về Mỹ ở thì hai ông bà đồng ý ngay. Chẳng may sau một đêm khu gia binh bị pháo kích thì cô gái bị trúng đạn chết.  Kevin rất đau khổ và chỉ vài tháng sau khi ra chiến trường thì bị thương trên xương sống rồi được đưa trở về Mỹ.

Khi trở về với tấm thân tàn tật và sự ám ảnh tàn khốc của cuộc chiến điêu tàn ở Việt Nam khiến Kevin bị khủng khoảng tinh thần.  Vì phải mổ xương sống mấy lần nên Kevin nằm nhà thương gần cả năm trời. Lúc xuất viện thì bà dì góa bụa của ông ta qua đời.

Một thân một mình, Kevin sống qua ngày trong căn nhà nhỏ của bà dì cho đến khi bị bệnh chấn động mạch máu não thì không thể lo cho chính mình, và sau nhiều lần ra vào nhà thương thường xuyên, Kevin đồng ý vào một viện dưỡng lão ở tạm. Ngày tháng ở trong viện dưỡng lão này là một nỗi đọa đày đối với Kevin. Sống chung đụng với những người già nua nhiều thụ động càng làm cho Kevin qúa chán chường. Nhưng chính nơi chốn buồn tẻ này lại là môi trường mà Kevin đã gặp thêm một phụ nữ Việt Nam khác, người vợ mà ông quí trọng yêu thương nhất.

Cô Lài làm y tá phụ.  Một trong những phận sự của cô là mỗi tối giúp cho Kevin thay áo quần sửa soạn để đi ngủ. Vì hai chân của Kevin qúa yếu nên mỗi lần di chuyển từ cái xe lăn qua tới giường nằm thì cô Lài dường như phải dùng hết sức từ hai cánh tay của mình nâng cả cơ thể của Kevin để đưa qua. Dạo đó Kevin xử dụng chiếc xe lăn thường nên cái ghế không cao như xe lăn điện hiện đang có nên dự di chuyển từ chiếc xe lăn qua giường rất khó khăn.  Kevin thấy cô Lài nhỏ nhắn, mỗi lần cô phụ như vậy thì Kevin thấy rất áy náy.  Cô Lài tiếng Anh thì hạn chế nhưng cô cũng hiểu được sự quan tâm của Kevin đối với cô nên lần nào cô cũng nhắc Kevin là cô tuy nhỏ người nhưng lại mạnh, vả lại đây là nhiệm vụ của cô.

Mỗi ngày cô Lài đi làm vào ca chiều, Kevin ngồi ở ngay cửa nhìn cô thoăn thoắt đi vào và để ý là cô làm việc rất chăm chỉ, ai cô cũng lo lắng rất chu đáo cho nên tất cả mọi người trong viện dưỡng lão đó đều thương mến cô.

Kevin để ý là khoảng sáu giờ chiều sau khi phụ những bệnh nhân ăn uống xong thì cô Lài  ra ngồi một mình trên chiếc ghế đá ở một góc sân  bắt đầu ăn cơm và đọc một cuốn sách nhỏ trong tay. Sau vài tuần để ý thì Kevin mân mê lại làm quen.  Cô Lài lúc đầu còn rụt rè nhưng sau đó với vốn liếng Anh ngữ kém cỏi cô cũng trò chuyện với Kevin.

Được biết cô Lài lúc trước ở miệt Phan Rang, khi cộng sản chiếm nước được vài năm sau thì  cha mẹ  cô mượn được một số vàng cho cô đi theo chiếc tàu chở mướn  qua được tận đảo bên Mã Lai.

Sau một thời gian đợi chờ mòn mỏi thì cô được bốc qua  Mỹ. Qua đến Texas cô vừa đi học chương trình ESL luyện Anh ngữ và vừa xin đi học ra làm y tá phụ. Với đồng lương có giới hạn của một phụ tá, cô Lài hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về giúp cho cha mẹ nuôi đàn em ở Việt Nam.  Cô vẫn hằng mong muốn có dịp trở về thăm quê và thăm gia đình nhưng mỗi lần nghĩ tới tốn phí di chuyển thì cô lại tiếc, vả lại số vàng mà cha mẹ cô mượn bây giờ cô phải đi làm trả lại cho chủ nợ ở bên Mỹ này.

Kevin thấy cô cầm một cuốn sách mỏng bằng tiếng Việt Nam và mỗi ngày lại đọc vài trang sau khi ăn cơm. Cô Lài cho biết đó là cuốn kinh phật, cô đọc cho tâm hồn được thư thái. Cô là một phật tử sùng đạo với một niềm tin mãnh liệt là con người phải sống cho chân chính thì mọi việc sẽ tốt lành trong đời sống.

Lúc đầu nghe cô Lài nói thì Kevin chỉ cười ngạo báng, vì mỗi lần nhìn thân thể tàn tật của mình, nhớ tới những cảnh bom đạn, chết chóc trong cuộc chiến mà ông ta từng tham dự ở Việt Nam thì Kevin không khỏi giận dữ.  Kevin đâm ra nghi ngờ sự che chở của đấng linh thiêng.  Cô Lài nghe vậy vẫn không nản chí, cô tiếp tục đọc kinh và nhẫn nại nói về niềm tin của mình.

Sau một thời gian gặp gỡ, trò chuyện với cô Lài, Kevin cảm thấy lòng dịu lại. Nỗi buồn thì còn đó nhưng đã bớt được sự phẫn nộ đối với cuộc đời.  Riêng cô Lài cũng cảm thấy bớt cô đơn. Hai người trở nên tâm đầu hợp ý và môt năm sau thì tất cả mọi người trong viện dưỡng lảo GF hoan hỉ tổ chức một cái đám cưới nhỏ cho cả hai.  Kevin không ngờ đời mình lại may mắn như thế.  Cô Lài nhận lời cầu hôn của Kevin không một chút do dự, đắn đo.  Qùa cưới của Kevin dành cho cô Lài là lời tuyên bố sẽ ra tòa xin đổi họ theo họ của vợ là họ Ngô.

Tôi nghe câu chuyện tới đây thì cảm động rưng rưng nước mắt. Thì ra là như thế nên Kevin mới có họ Việt Nam. Nếu tôi là một nhà văn thì tôi có thể viết nên một câu chuyện tình rất tuyệt vời. Kevin tiếp tục kể:

– Bà biết không, Lài là một người vợ hiền và là một người đàn bà rộng lượng nhất trên đời. Tôi học được cái tính nhẫn nhục, vô vụ lợi của Lài.  Tôi tàn tật không lo được cho Lài, mỗi ngày Lài đi làm thì tôi chỉ biết đợi chờ và trong lúc đó thì tôi tìm hiểu thêm về đạo Phật.  Cuốn sách đầu tịên tôi đọc là cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh.  Bà đã đọc “Đường Xưa Mây Trắng” chưa” Tôi không biết Phật giáo có bao nhiêu phái chỉ biết là thiền sư này viết sách qúa hay. Tôi càng đọc càng thấm thía những gì Lài đã cố nhẫn nại khuyên răn tôi sống một đời sống đầy ý nghĩa và rộng lượng bao dung bởi vì mai này ai cũng chết, chỉ có những gì mình để lại cho đời mới đáng kể thôi.

Ông kể tiếp cho biết là sau khi làm đám cưới ông và cô Lài thuê một căn nhà nhỏ.  Cô Lài vừa đi làm vừa săn sóc cho ông.  Cuộc sống tuy vất vả vì cô Lài phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà nhưng không bao giờ cô than vãn.  Nổi mong muốn duy nhất của cô Lài là được trở về thăm gia đình.  Vì muốn có một số tiền chi phí cho chuyến đi nên cô Lài đi làm bất chấp gìờ giấc.  Kevin thấy xót xa cho vợ nên trong lúc ở nhà ông ta đóng những cái chuồng nuôi chim nho nhỏ và đứng trước những góc đường bán, hoặc bán cho những người làm trong nhà thương mà ông quen biết.

Nghe Kevin kể, tôi nghĩ tới hộp đồ nghề và cái chuồng chim xéo xẹo của ông trên chiếc xe lăn mà đâm ra tội nghiệp.  Tự nhủ là mai mốt Kevin lành bệnh thì tôi cũng sẽ đặt ông làm cho vài ba cái chuồng nhỏ nuôi chim sau sân nhà.

Kevin còn cho biết là cả hai vợ chồng ông đều ăn chay trường. Cô Lài ăn chay trường vì lời nguyền từ khi biết đưọc tin mẹ cô bị ung thư tử cung.  Cô mãnh liệt tin rằng với sự cầu nguyện hy sinh chân thành của cô thì mẹ cô sẽ tai qua nạn khỏi.  Kevin ăn chay vì trong lòng anh muốn cám ơn bà mẹ vợ đã có công nuôi dưỡng dạy dỗ vợ anh từ thưở nhỏ nên anh mới có được một cô vợ thật thà rộng lượng như vậy.

Tôi nhìn nét mặt khắc khổ của Kevin, không ngờ dưới bộ mặt hung hăng của người cựu chiến binh Việt Nam đó lại chất chứa môt tâm hồn dịu dàng chân thành.  Tôi đang tự hỏi không biết câu chuyện của Kevin kể sẽ đưa đến thêm những chi tiêt bi đát nào nữa thì không dưng Kevin nhìn tôi lạ lùng:

– Như tôi đã nói mai này ai cũng chết nhưng cái chết của vợ tôi thì qúa tức tưởi, bất ngờ. Trời Phật không công bằng với tôi cho nên bắt tôi chịu đựng từ những khổ đau này đến tai biến khác.  Có lẽ kiếp trước tôi vụng tu đó bà.

Nói đến đây thì Kevin nghẹn lời, tia mắt quắc lên một tia nhìn giận dữ:

– Quê hương nhỏ bé của bà là mảnh đất oan nghiệt nhất mà tôi thấy trong đời. Chính mảnh đất ấy, bằng cách này hoặc cách khác đã cướp mất những yêu thương trong đời của tôi.  Lài là người đàn bà thứ hai đã bỏ tôi trên cuộc đời đầy cô đơn, buồn tẻ này.

Theo chuyện Kevin kể lại, tôi được biết cách đây ba năm, cô Lài mừng rỡ dành giụm được một số tiền để trở về Việt Nam thăm bà mẹ đang bệnh ung thư.  Kevin khuyến khích vợ nên về ngay để còn có thì gìờ ở bên mẹ trong lúc bà còn tỉnh táo.  Cô Lài hớn hở trở về và tính ở bên nhà cho trọn một tháng.  Hai tuần lễ đầu cô Lài điện thoại về cho chồng kể chuyện về gia đình nghe vui ghê lắm.  Rồi chỉ vài hôm sau đó anh nhận được một tin làm anh bàng hoàng, chới với.  Cô Lài trong lúc băng qua đường phố bị xe tông chết.

Tôi nhớ đến những lần bắt gặp Kevin lái chiếc xe lăn bất chấp hiểm nguy để băng qua đường trong làn sóng xe tấp nập. Phải chăng đây là sự thử thách ngạo mạn của ông với định mệnh? Như định mệnh đã cướp mất người vợ hiền lành cao qúi của ông.

Cô Lài chết trong lúc bà mẹ bệnh hoạn vẫn còn để thầm khóc nhớ thương con.  Kevin cũng thầm khóc thiết tha nhớ vợ. Trên đời này có lẽ không bao giờ anh có thể tìm được một người đàn bà nào khác đầy lòng từ bi như cô Lài.

Từ đó cuộc sống đối với Kevin không còn ý nghĩa, ông đâm ra gàn bướng, cáu kỉnh với mọi ngưòi.  Vài tháng sau Kevin gom góp hết chút tài sản chất lên chiếc xe lăn và ra sống dưới gầm cầu SC.

Tôi lặng người nghĩ đến số phận qúa hẩm hiu của Kevin rồi bỗng thấy xót xa. Còn biết bao nhiêu người là nạn nhân của chiến tranh và nạn nhân của cuộc đời đầy rẫy thương đau này”

Tôi đem sợi dây chuyền đưa ra tiệm nữ trang nhờ người làm lại cái móc cho thật chắc.  Khi nhìn kỹ tôi thấy trên lớp vàng mạ phía sau tượng Phật bà, hai chữ LK quấn quít nhau như tên tuổi và cuộc đời của cô Lài và Kevin đã gắn chặt với nhau như một mối duyên được phật trời sắp đặt.

Ngày hôm sau tôi đi làm thật sớm ghé lên thăm Kevin trước khi đến văn phòng. Khi bước vào phòng của Kevin, tôi đụng ngay chiếc xe lăn bằng điện với đầy đủ “gia tài” của Kevin.  Kevin cho tôi biết là chiều nay ông ta phải chuyển qua một nhà thương dành cho cựu chiến binh cách đây một trăm dặm.  Vết thương lở loét của ông qúa sâu nên phải làm ghép da (skin graft) và nhà thương quân đội SW là nơi sẽ chịu tất cả phí tổn về việc mổ xẻ. Kevin chỉ ngay chiếc lồng chim xéo xẹo trên chiếc xe lăn và nói:

– Không có gì tặng bà làm kỷ niệm ngoài món qùa nhỏ này.  Bà tin đi bao giờ tôi khỏe, tôi sẽ trở về kiếm bà và sẽ sửa nó lại cho thẳng thớm.

Tôi cầm sợi giây chuyền bước đến đeo vào cổ cho Kevin:

– Đây là sự thương yêu của anh, hãy ráng giữ lấy niềm tin.

Trên khuôn mặt phong trần của người thương phế binh Mỹ bất ngờ có hai giòng lệ chảy dài và tôi bắt gặp một nỗi an hòa trong đôi mắt xanh biếc của Kevin khi anh bắt đầu thì thầm lời nguyện cầu: Nam Mô A Di Đà!

Nguyễn Thị Huế Xưa

DUYÊN ANH, TÌNH EM

 

Cả tuần nay, khoảng chừng năm giờ chiều khi tôi sửa soạn đóng cửa văn phòng đi về thì một phụ nữ trẻ, người Mỹ, dẫn hai đứa bé, một gái, một trai, cả hai đều giống con lai đi ngang qua văn phòng tôi. Tôi chào hỏi qua loa, nháy mắt mỉm cười với hai đứa bé rồi ra về. Văn phòng của tôi nằm gần thang máy trên lầu thứ năm của bệnh viện nên người qua kẻ lại thăm viếng thân nhân là chuyện thường.

Một bữa tôi đi họp về sớm, khi trở lại văn phòng thì thấy người đàn bà đã đứng đó với hai đứa bé, trên tay bà ta cầm một cái khay nhựa lớn bọc giấy bạc bên ngoài. Dường như bà ta có ý chờ đợi tôi nên khi tôi đến mở cửa văn phòng thì bà ta cười tươi tiến tới và nói:

– Tôi làm chả giò biếu nhân viên của cô vì họ tận tụy săn sóc cho Mimi.

Nói xong bà ta mở tấm giấy bạc, trong khay đó sắp thứ tự những cuốn chả giò vàng rực, thơm ngát và bà ta mời tôi nếm thử. Tôi lịch sự từ chối nhưng lại khen:

– Bà học ở đâu mà làm chả giò khéo qúa vậy?

Bà ta nhoẻn miệng cười:

– Tôi lấy chồng Việt Nam nên món gì cũng làm được hết

Bây giờ tôi mới hiểu sao hai đứa bé kia có làn da mịn màng màu hơi ngăm ngăm ửng hồng, đôi mắt tròn xoe đen lánh, và mái tóc mày hung hung nâu. Hai đứa bé chừng bốn năm tuổi và có những nét xinh đẹp giống nhau. Nhìn hai đứa bé dễ thương tôi buột miệng:

– Hai cháu xinh xắn qúa

Người đàn bà trả lời rất tự nhiên:

– Ba của chúng nó rất đẹp trai cô ạ

Đúng là người Mỹ, họ ăn nói rất thật tình. Tôi nhìn kỹ người đàn bà trước mặt, bà ta có lẽ chừng ngoài ba mươi, vóc dáng mảnh mai với mái tóc vàng óng ả buông ngang vai, khuôn mặt đẹp như Delena, cô ca sĩ có một dạo hay hát trên Thuy Nga Paris. Tôi lại khen:

– Gia đình bà như vậy qúa hoàn toàn.

Tôi bất chợt bắt gặp một nỗi muộn phiền trong đôi mắt xanh biếc khi bà ta thở dài:

– Nếu Mimi được khỏe thì chúng tôi thật là hạnh phúc.

Tôi đoán Mimi là một trong những bệnh nhân đang nằm trên lầu của tôi làm, mới chợt nhớ ra nãy giờ mình chưa hỏi thăm gì về người nhà của bà ta hết. Tôi lật đật hỏi tới:

– Xin lỗi bà, cô Mimi đang nằm ở phòng nào?

Bà ta xua tay:

– Xin cô cứ gọi tôi là Melissa. Mimi nằm phòng 554, Thôi xin phép cô tôi đưa hai cháu vào thăm vì mấy ngày nay Mimi nằm trong phòng nóng (hot room) nên chúng tôi chỉ đứng ngoài không vào thăm được. Hôm nay thì điều trị xong rồi nên hai đứa bé chắc rất mừng khi được ôm Mimi.

À thì ra thế, thân nhân của Melissa nằm trong cái “phòng nóng” đó. Thường thì tôi hay đi thăm viếng và theo dõi những bệnh nhân hằng ngày, nhưng lại hay tránh những “phòng nóng” vì sự giới hạn tiếp xúc trong khi bệnh nhân đang chữa trị. Tôi cám ơn Melissa đã nhớ tới nhân viên của tôi và làm cho họ món ăn đặc biệt này. Tôi cũng đưa cho Melissa tấm business card và dặn là nếu cần gì cứ cho tôi biết, và cũng hứa là hôm sau sẽ trở lại thăm Mimi.

Tôi cầm khay chả giò đi vào phòng giải lao của nhân viên và không cần giải thích, tất cả những y tá đang làm việc đều biết món ăn ngon này là do Melissa làm vì có lẽ đây không phải là lần đầu tiên cô ta đem chả giò cho họ. Tôi nói với cô y tá Lisa là Melissa đang đưa hai đứa bé vào thăm Mimi. Lisa hoảng hốt la lên:

– Không được đâu, Mimi đang ói mửa tùm lum vì vừa uống xong thuốc xổ.

Nói xong cô ta lật đật chạy ra hành lang đi theo Melissa. Chỉ vài phút sau cô ta hai tay dắt hai đứa bé trở về phòng giải lao. Lisa nói với tôi là mấy cô y tá ở đây thường trông chừng hai đứa bé giùm cho Melissa trong lúc cô ta thăm viếng Mimi vì có lúc Mimi bệnh nặng và rất đau đớn nên Melissa không muốn cho chúng nó vào chứng kiến cảnh đó. Hai đứa bé ngoan ngoãn ngồi trên ghế xem phim hoạt hoạ. Đứa bé gái buồn buồn nói với em nó:

– Không được thăm Mommy Mimi rồi

Tôi nghe con bé nói như thế thì lại nghĩ, hoá ra hai đứa bé này là con của Mimi. Tôi xoa đầu con bé và trở về văn phòng xem hồ sơ của Mimi. Thời buổi điện tử tối tân, tất cả những tài liệu về bệnh nhân đều nằm trong máy vi tính, chỉ cần đánh tên vào là tôi đã có thể đọc được về bệnh tình cũng như tiểu sử của bệnh nhân. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể làm như thế được, chỉ có nhân viên như chúng tôi mới có quyền xem hồ sơ của bệnh nhân thôi.

Mimi Phạm năm nay 35 tuổi, cô ta mắc bệnh ung thư cổ vòng tử cung (cervical cancer), cô ta đã từng chửa trị bằng chemotherapy hai lần rồi và lần này thì phải trị bằng Cesium Seeds. Thông thường khi chữa trị thì bệnh nhân phải vào phòng giải phẩu để cấy tạm (temporary implant) những ống nhỏ (rods) ở tử cung, sau đó bệnh nhân trở về phòng và những hạt Cesium sẽ được đặt (load) vào những ống nhỏ đó, Cesium là một nguyên tố, hình thức phóng xạ của chất này có hữu ích để chửa trị ung thư.

Bệnh nhân khi điều trị bằng phương thức này thì phải nằm yên lặng, bằng phẳng trên giường, hoặc chỉ có thể ngẩn đầu lên chừng 30 độ (30 degrees) thôi. Trong thời gian 48 tiếng đồng hồ, họ chỉ được ăn những thức ăn lỏng (clear liquids), và sẽ bị uống thuốc chống đi tiêu chảy (anti- diarrhea). Họ còn phải đặt thêm một ống vào đường tiểu (Foley catheter) để nước tiểu tự động chảy ra ngoài mà họ không cần phải di chuyển. Để tránh sự đau đớn và trấn an tinh thần, họ được chuyền thuốc đau liên tục bằng máy qua một đường gân (PCA pump).

Sở dĩ những người bệnh nhân này cần phải hết sức cẩn thận trong vấn đề di chuyển vì nguyên tố Cesium có thể rớt ra ngoài (perforate). Vì sự phóng xạ của nguyên tố (Cesium) cho nên bệnh nhân phải nằm riêng biệt trong một phòng riêng và hai phòng nằm phía hai bên cũng phải để trống (blocked). Những người săn sóc cho những bệnh nhân này đều phải đeo một miếng bảng rất nhỏ (radiation badge). Mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân, cái miếng bảng nhỏ đó là cách để đo lường số lượng tích tụ từ những tia quang tuyến (ionizing radiation) trong khi săn sóc cho bệnh nhân. Vì những tia quang tuyến mãnh liệt đó nên phòng này được coi như là phòng nóng (hot room). Sau hai ngày thì những nguyên tố được giải tỏa (unload) và bệnh nhân bắt đầu đi đứng lại và phải uống thuốc xổ để tránh chứng táo bón. Có những người không quen với thuốc xổ nên họ lại ói mửa như tình trạng của Mimi hiện giờ.

Theo như sự liệt kê về lý lịch của Mimi thì nàng ta độc thân và thân nhân khi cần phải liên lạc lúc khẩn cấp liệt kê là cô Melissa Phạm. Tôi đọc xong hồ sơ của Mimi thì cũng hơi thắc mắc về tình trạng của cô vì cô ta không có bảo hiểm (unfunded patient), và mấy cô làm về xã hội trong nhà thương đang xin giấy tờ cho Mimi được hưởng quyền lợi chính phủ dành cho những người nghèo hoặc vì sức khỏe yếu kém không thể đi làm (Medicare/ Medicaid/SSI). Mimi mới có 35 tuổi còn rất trẻ, có nghĩa là sự tiên đoán về dư hậu bệnh (prognosis) rất là mỏng manh. Tôi nói thầm trong lòng là sớm mai vào làm chuyện đầu tiên là phải đến thăm Mimi trước.

Sáng hôm sau khi vừa vào tới thì Melissa một lần nữa đứng một mình chờ tôi ở cửa văn phòng với nét mặt đăm chiêu. Tôi hỏi thăm về hai đứa bé thì Melissa cho biết là hai đứa đang ở nhà của ba chúng nó. Tôi mời Melissa vào văn phòng, vừa ngồi xuống ghế thì cô ta bỗng khóc oà lên. Tôi hốt hoảng nghĩ là đã có chuyện gì xảy ra cho Mini. Nhìn nét mặt của tôi, Melissa lau nước mắt và nói:

– Tôi khổ tâm lắm cô ơi! Chồng tôi đang muốn bắt hai đứa con.

Nghe Melissa nói tôi lại thắc mắc:

– Melissa muốn nói là hai đứa bé tôi gặp hôm qua phải không? Tôi tưởng chúng nó là con của Mimi vì nghe chúng nó gọi Mommy Mimi.

Melissa giải thích:

– Mimi là cô của hai đứa bé. Cô có rảnh làm ơn vào giải thích cho Mimi biết về sự ăn uống dinh dưỡng như thế nào khi về nhà vì Mimi không hiểu tiếng Anh nhiều. Tôi cũng nhờ cô khuyên giùm chồng tôi…

Melissa nói nửa chừng thì bỏ lửng, tôi không hiểu ý cô ta muốn nói gì và đang muốn tôi giúp đỡ chuyện gì. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, Melissa nghẹn ngào :

– Thú thật với cô chuyện gia đình chúng tôi rất dài dòng, phức tạp…

Melissa bắt đầu kể, cô ta và chồng là Hải lấy nhau được bảy năm. Hai người sống rất hạnh phúc mặc dầu Hải lớn hơn Melissa cả chục tuổi. Hải là người có học thức, chàng làm kỹ sư ở một cơ sở khá lớn trong tỉnh. Cách đây năm năm Hải bảo trợ cô em gái là Mimi qua Mỹ. Trong khi đó thì Melissa đang mang bầu đứa con đầu lòng bé Tina.

Sự có mặt của Mimi trong đời sống của hai người là một may mắn cho cả hai bên vì Mimi rất đảm đang. Suốt ngày Mimi ở nhà săn sóc cho Tina trong khi cả Hải và Melissa đi làm. Tối về thì Melissa chở Mimi tới trường học thêm Anh ngữ. Khi thằng bé Tino ra đời thì hai đứa con của Hải và Melissa cũng là con của Mimi vì hai đứa quấn quít với Mommy Mimi cả ngày. Một năm trước đây Mimi mắc phải chứng ung thư, vì Mimi yếu sức nên Melissa phải ở nhà lo cho hai đứa bé và lo cho Mimi…

Melissa ngừng kể, lau nước mắt và năn nỉ:

– Tôi nhờ cô nói chuyện với Hải giùm tôi, anh ấy đang đau khổ và đang tức giận kinh khủng lắm…

Melissa ngưng lời và khóc nức nở. Tôi lúng túng nắm lấy tay cô và không biết phải an ủi như thế nào vì tôi càng nghe Melissa nói, càng lẫn lộn vì không hiểu cô ta muốn nói gì. Melissa nhìn tôi e dè và chùng giọng tiếp tục câu chuyện:

– Tôi ở nhà lo cho Mimi trong khi Hải tiếp tục đi làm, anh ấy cũng rất ưu tư về bệnh tình của cô em gái. Nhà anh ấy chỉ có hai anh em, cha mẹ thì đã già nên họ chọn ở lại Việt Nam. Một bữa Mimi lên cơn sốt, mê sảng và la khóc um xùm, tôi sợ qúa ôm chầm Mimi lại, cho uống thuốc và không dưng hôn Mimi rồi hai đứa tôi ôm nhau nằm ngủ. Từ đó, chúng tôi biết tình cảm của chúng tôi có với nhau là tình cảm của một đôi tình nhân.

Phải nói là tôi rất bàng hoàng sau khi nghe Melissa kể, nhưngcố làm mặt tỉnh và càng nắm chặt bàn hai tay của Melissa như một sự trấn an. Chuyện của Melissa khiến tôi nhớ đến câu chuyện của Rosie ODonnell, người điều chương trình “talk show” nổi tiếng. Gần đây Rosie và người yêu là Michelle Rounds vừa mới bí mật làm đám cưới trước khi Michelle lên bàn giải phẫu vì chứng ung thư. Khi đọc tin tức này tôi đã nghĩ đó chính là tình yêu chân thật giữa hai nhân chứng với nhau, tình yêu này có khác gì tình yêu giữa đôi trai gái. Tôi làm trong nghề khá lâu và đã từng chứng kiến tình yêu nồng nàn của những cặp tình nhân phái nam cũng như phái nữ với nhau. Nếu có ai nhìn thấy được sự săn sóc thương yêu và sự hy sinh, lo lắng cho nhau khi một trong hai người họ bệnh hoạn thì mới hiểu được họ đã biểu hiệu tình nghĩa vợ chồng rất mặn mà với nhau. Những cơ hội tiếp xúc với những người không ngại ngần bộc lộ tình cảm của họ như thế này đã tạo cho tôi được một cái tính là không phán đoán một ai mà trái lại chấp nhận họ như những cá nhân khác thôi.

Melissa xiết chặt tay tôi và năn nỉ:

– Tôi biết cô là người có ảnh hưởng của cả hai nền văn hoá Đông Tây và là người có kiến thức nên tôi mới mạo muội tỏ bày tình cảnh của tôi với một van xin là cô hãy giúp nói chuyện giùm với Hải, anh ấy muốn từ Mimi, đòi ly dị với tôi và muốn bắt hai đứa bé. Tôi sẵn sàng chấp nhận sự ly dị, nhưng hai đứa bé là nguồn hạnh phúc của Mimi vì không biết Mimi còn sống đưọc bao lâu.

Chuyện Melissa nhờ làm tôi rất khó nghĩ vì tôi luôn chủ trương là không bao giờ dính dáng gì tới những chuyện riêng tư của bệnh nhân. Melissa yêu cầu tôi làm một điều ngoài khuôn khổ, phạm vi làm việc của tôi nhưng trong thâm tâm tôi thì rất áy náy, không đành nghoảnh mặt. Melissa cho tôi số điện thọai của Hải và rối rít cám ơn.

Tôi đến phòng thăm Mimi, nhìn thân hình nhỏ nhoi, ốm yếu của Mimi dưới lớp mền dày tôi cảm thấy tội nghiệp và bứt rứt. Mimi đang bị sốt nên nằm mê man, khuôn mặt dễ thương của Mimi tái xanh và hơi thở thoi thóp dưới ống oxygen. Melissa đã về nhà, trong căn phòng trống trải đó tôi cảm thấy sự lạc lõng, chơi vơi của Mimi. Tôi nghĩ đến sự trôi nổi của một kiếp người và những mâu thuẩn trong đời sống với những đưa đẩy không lựa chọn.

Tôi lưỡng lự, đắn đo về những lời năn nỉ của Melissa và sau cùng tôi gọi cho Hải. Tôi nói với Hải là tôi cần gặp anh để nói rõ về tình trạng của Mimi. Hải có vẻ ngập ngừng, nhưng cuốì cùng bằng lòng gặp tôi ở một quán café gần bệnh viện.

Khi tôi đến nơi thì người đàn ông chừng ngoài bốn mươi và qủa thật rất đẹp trai như lời Melissa tả đứng dậy ở một góc bàn trong quán café vắng chào tôi.

Hải ăn nói rất từ tốn, lịch sự và chàng đã không do dự đi thẳng vào vấn đề:

– Có lẽ chị đã hiểu rõ hoàn cảnh trái ngang của gia đình tôi. Tôi thật là rối trí.

Hải nhìn tôi rồi tiếp tục:

– Chị có xem phim “Brokeback Mountain ” chưa, hoàn cảnh của tôi gần giống như trong phim, chuyện chỉ khác người nạn nhân là vai nữ. Khi nữ tài tử Michelle Williams đóng vai người vợ chứng kiến cảnh chồng mình hôn người bạn trai cũ thì chị cứ tưởng tượng nỗi giận dữ và cay đắng của tôi khi bắt gặp sự âu yếm giữa Melissa và Mimi…

Hải nói với tôi là anh không còn giận Mimi và Melissa nhưng chỉ trách mình là tại sao không cảm thấy được tình cảm của Melissa trong những năm chung sống với nhau. Còn Mimi thì anh cũng không ngờ vì từ thuở nhỏ Mimi rất xinh đẹp và chưa bao giờ có những thái độ “thất thường” trong vấn đề tình cảm.Chuyện Mimi không có bạn trai và sống với cha mẹ cho tới lúc 30 tuổi thì cũng dễ hiểu vì cả nhà hy vọng là Mimi sẽ được bảo trợ đi Mỹ cho nên nàng không muốn vướng bận gia đình vì đó là một trở ngại cho việc xuất cảnh.

Hải qủa là người hiểu biết và có kiến thức, anh nói với tôi quan niệm về sự đồng tính luyến ái, chúng tôi đồng ý đây là tính bẩm sinh nhưng vì xã hội qúa khắt khe nên phải đến một thời gian thật lâu, và gần đây khi những khuôn mặt nổi tiếng của Hollywood mạnh bạo tiên phong phô trương sự lựa chọn “lệch lạc” về tình dục của họ thì xã hội mới dần dà chấp nhận. Hải mỉm cười :

– Chị coi đó, ngay đến con gái ông phó tổng thống Dick Cheney mà còn có “vấn đề”, gia đình ông cũng phải chấp nhận thôi. Mới đây cái tin sốt dẻo nhất là Anderson Cooper, người anchor của đài CNN cũng vừa ra khỏi bóng tối tỏ bày cuộc sống tình dục trung thực của mình. Khi nghe tin tức này tôi không ngạc nhiên và không có ý nghĩ xấu gì về họ…

Hải nhìn qua song cửa sổ, một cái nhìn xa vắng. Tôi nghĩ Hải đang trấn an chính anh và đang tự đi tìm một tha thứ trong lòng nên tôi kiên nhẫn lắng nghe. Bỗng nhiên Hải bật cười:

– Chuyện người ta thì mình sáng suốt lắm chị à, nhưng chuyện của tôi thì tôi tối mò. Tôi đã từng đi qua những giai đoạn hỷ, nộ, ái, ố, rốt cuộc thì rất hoang mang. Tôi đã đi bác sĩ tâm lý, khi không giải thoát được thì tôi đi thăm vườn Lộc Uyển của thiền sư Thích Nhất Hạnh để tìm cho tôi một tịnh tâm. Giờ đây tôi ngồi đây với tâm trí ngổn ngang, rối beng như mạng nhện.

Tôi hỏi Hải là mối quan tâm nhất của anh hiện tại là gì thì anh lại hỏi tôi:

– Xin chị cho tôi biết rõ về tình trạng của Mimi.

Trước khi đi gặp Hải tôi đã nói chuyện sơ với người bác sĩ của Mimi và ông cho biết là tình trạng của Mimi không được khả quan, có thể phải tiếp tục trị với những thuốc chống ung thư mạnh hơn, nhưng còn tùy thuộc vào sự chịu đựng và phản ứng của cơ thể Mimi nữa. Dĩ nhiên tôi không thể khẳng định được định mệnh của Mimi với Hải cho nên tôi chỉ biết khuyên:

– Mimi rất yếu từ thể xác đến tinh thần, chỉ có tình thương yêu của những người thân mới có thể giúp cô ta chống chỏi được những thử thách trước mặt của cơn bệnh trầm trọng.

Dường như có giọt nước mắt đang làm ướt khóe mắt của Hải, anh cám ơn tôi và xin điạ chỉ email của tôi để tiện việc liên lạc. Tôi trở lại làm việc với một ưu tư nặng trĩu trong lòng.

Hai ngày sau đó tôi nhận được email của Hải, anh gửi cho tôi vỏn vẹn mấy câu thơ:

Như các đám mây trôi lang thang trên bầu trời
Không gốc rễ, không nơi trú ngụ, không phân biệt
Các ý tưởng nổi trôi trong tâm ta cũng thế
Khi con nhìn thấy được Tự Tánh
Thì mọi sự phân biệt đều chấm dứt
(Kinh DIỆU PHÁP ĐẠI KHÔNG THỦ ẤN, được truyền bởi vị Thánh Tăng Tây Tạng Tilopa (988-1069)

Tôi tiếp tục đến thăm Mimi mỗi ngày, chỉ dẫn cho Mimi cách thức ăn uống bổ dưỡng và dặn dò phải tránh tiếp xúc nơi công cộng để tránh nhiễm trùng trong khi đang thời kỳ chữa trị với chemotherapy. Một tuần sau thì Mimi đã khỏe hơn, ngày Mimi xuất viện tôi đã bật khóc khi thấy Hải đẩy chiếc xe lăn cho cô em gái, bé Tino ngồi trên lòng của Mimi, Hải đi ngang qua văn phòng tôi chào từ giã, Melissa và con bé Tina hớn hở đi phía sau.

Khi nhìn hình ảnh của cả năm người khuất lần trong thang máy, tôi ngậm ngùi nghĩ đến sự chịu đựng của Hải và tự hỏi không biết sự hy sinh vô biên của anh có giữ được chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho gia đình, nhất là cho cuộc đời còn lại rất ngắn ngủi của cô em gái.

Nguyễn Thị Huế Xưa