khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

 

…Tôi muốn nói, những câu thơ như: “khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển …” ra đời trong tâm cảm hoàn toàn tuyệt vọng đó.(DTL)

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn

Du Tử Lê

Advertisement

ai nhớ ngàn năm một ngón tay?

tháng tư tôi đến rừng chưa khóc
mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
có môi chưa nói lời gian dối
và mắt chưa buồn như mộ bia

tháng tư nao nức chiều quên tắt
chim bảo cây cành hãy lắng nghe
bước chân ai dưới tàng phong úa
mà tiếng giầy rơi như suối reo|

tháng tư khao khát, đêm vô tận
tôi với người riêng một góc trời
làm sao em biết trăng không lạnh
và cánh chim nào không bỏ tôi?
tháng tư hư ảo người đâu biết
cảnh tượng hồn tôi : một khán đài
với bao chiêng, trống, bao cờ xí
tôi đón em về tự biển khơi

tháng tư xe ngựa về ngang phố
đôi mắt nào treo mỗi góc đường
đêm ai tóc phủ mềm nhung lụa
tôi với người chung một bến sông

tháng tư nắng ủ hoa công chúa
riêng đóa hoàng lan trong mắt tôi
làm sao em biết khi xa bạn
tôi cũng như chiều : tôi mồ côi?

tháng tư chăn gối nồng son phấn
đêm với ngày trong một tấm gương
thịt xương đã trộn, như sông núi
tôi với người, ai mang vết thương?

tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
mắt ai rồi sẽ như bia mộ
ngựa có về qua cũng thiếu đôi!

tháng tư người nhắc làm chi nữa
cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
trống, chiêng, cờ xí như cơn mộng
mưa đã chờ tôi. mưa…đã…mưa

mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây?
góc phố đèn treo đôi mắt bão
ai nhớ ngàn năm một ngón tay?

DU TỬ LÊ

Đưa Nhau Đi Dựng Một Giáng Sinh, Nàng

dutule

ai nhan sắc? – In khắp cùng trái đất
chỗ tôi ngồi: tên một tùy tinh
quay thảm thiết quanh mặt trời: tháng chạp
hạt mưa còn trong mắt một mai, chinh
.
ai nhan sắc? – Cả cánh rừng dấy bão
suối hư không! Người hát? – Giọng như chim
tình không thật, giống biển môi mặc khải
chiều tịnh tâm: tê, gắt mật ưu phiền
.
ai nhan sắc? – Từng mũi kim xí gạt
tiếp thu tôi. Tim lớn trọng như cây
đêm không gió! Lấy gì cho lá vẫy
em không qua! Muông thú phải xa bầy
.
ai nhan sắc? – Để tôi về bối rối
với chính mình: Tôi hỏi khẽ: -Vui không?
tôi thấp thỏm. Tôi đìu hiu quá đỗi
tôi lăng xăng, tìm kẻ trốn trong lòng
.
ai nhan sắc? – Âm âm ngày khuất, lấp
những con đường quên cất hộ mùi hương
em tan tác trên lưng mùa sám hối
tôi áo, cơm! Thu, quén lửa, đêm, tàn
.
ai nhan sắc? – Cầm trên tay Thánh Giá
trả Giáo Đường câm lặng, tắt theo kinh
đôi hàng ghế uy nghiêm chờ hối cải
cửa tôi buồn. Bưng bít. Phúc Âm
.
ai nhan sắc? – Như một lời chúc phúc
giữa-chiều-em: quân dữ bỗng quy hàng
tên ngoại giáo gửi xác, hồn lại Chúa
đưa nhau đi: dựng một Giáng Sinh, nàng.

Du Tử Lê

thu khúc một

dutule

trăng khuyết, như đời tôi
cũng thôi, một kiếp người
em về, khuya có vui
đầy hồn tôi mưa bụi
tôi về, khuya thiếu… tôi
nhớ người, môi tháng tám

gió ngất, như lòng tôi
chiều thu, im tiếng rồi
những ngón tay mồ côi
đường ngôi không tiếng gọi
em còn trong cõi tôi
thoảng mùi hương tháng chín
nắng xót, như biển khơi
đường xa hút bóng người
nỗi buồn nào có đôi ?
sao đời tôi khép vội
tóc buồn xuống hai vai
em nghìn năm mây khói

tôi đã khóc đêm qua
như đứa trẻ nhớ nhà
em ở đâu đêm qua ?
quê-nhà-tôi, mất dấu
tôi ở đây đêm qua
mênh mông hồn nghĩa địa

trăng khuyết, như tình tôi
còn nhau không cuối đời
em, một trời gió nổi
tôi, một trời gió nổi
tôi, một trời mưa thôi
mắt người đêm tháng chạp
đắp buồn ván quan tôi
áo người trưa tháng tám
gói hồn tôi không vui

kịp về không hỡi bé ?
vầng trăng ta khuyết rồi.

du tử lê
, 8-1984

Để hiểu thêm về KHÚC THỤY DU

dutule

“Khúc Thụy Du” không phải là một bản nhạc xưa nhưng rất được đón nhận bởi hầu hết ca sỹ cũng như công chúng yêu dòng nhạc này. Đó là một nhạc phẩm mà nhạc sỹ Anh Bằng viết tại hải ngoại sau 1975, lấy ý thơ từ bài thơ cùng tên sáng tác năm 1968 của nhà thơ Du Tử Lê. Lần đầu nghe bản này là vào đầu thập niên 1990 qua tiếng hát đầy cảm xúc của ca sỹ Tuấn Ngọc.
Bản nhạc nổi tiếng thế nào thì chắc có lẽ chúng ta không cần nói thêm. Thế nhưng rất ít người yêu nhạc biết rằng tựa bài thơ là sự kết hợp giữa chữ lót của người yêu nhà thơ (bà Thụy Châu) và chữ đầu trong bút danh Du Tử Lê.

VỀ BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU”, Du tử Lê tâm sự:

Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn cũng khởi đầu.
Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải toả khu Ngã tư Bảy Hiền.
Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục TLC ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội.
Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.
Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải toả khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….
Trên đường về, cái khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…
Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký toà soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.
Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Saigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại – – Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.
Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng.
Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…
Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi.
Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!
Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 nửa bài thơ.
Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)
Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thở của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ – bày quả rỉa xác người – (của tươi đời nhượng lại) – bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân…
Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng tột cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?
Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai hoạ, một tuyệt lộ.
Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).
Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 1973.

Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…
Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (toạ lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thuỵ Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”
Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.
Khi ca khúc “Khúc Thuỵ Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.
Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du”…
Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông…(1-30-2010.)

NGUYÊN VĂN BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU”

1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi ?
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết
tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi
không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển
(3-68)

KẺ TỪ PHƯƠNG ĐÔNG QUA

dutule

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi
– ngươi từ đâu đến đây
mà đầu đầy dấu đạn?
– tôi từ phương đông qua
lửa cháy hừng bốn phía
rừng đã thành tro than
biển cũng trào máu mặn
đạn bắn rền đông tây
tôi tình cờ sống sót.

– ngài giúp được tôi chăng?
sống còn một tổ quốc.

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi
– ngươi từ đâu đến đây
mà lưng đầy vết chém?
– tôi từ phương đông qua
nơi núi thành bình địa
sông lấp bằng xác người
dao chém loạn bắc nam
tôi không ngờ thoát hiểm.

-ngài giúp được tôi chăng?
buồn vui một đất nước.

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi
– ngươi từ đâu đến đây
mà mắt đầy bóng tối?
– tôi từ phương đông qua
mẹ tôi trong chợ loạn
con tôi trên phố đông
vợ tôi trong góc bếp
chết không ngờ một đêm ùn ùn quỷ dậy…

– ngài giúp được tôi chăng?
bình an một mái ấm.

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi
– ngươi từ đâu đến đây
mà xác, hồn thất lạc?
– tôi từ phương đông qua
hồn không còn cõi trú
xác không còn mái che
quỷ sa tăng một hôm trùng trùng vây khổn

– ngài giúp được tôi chăng?
triệu hồn cần cứu rỗi.

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi
– ngươi từ đâu đến đây
chọn chỗ ngồi cô quạnh?
– tôi từ phương đông qua
vai không đeo hành lý
đường đi không bạn bè
khóc không người chia sẻ
sống không còn mai sau

– ngài giúp được tôi chăng?
một ngày mâm rượu cũ.

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi
– ngươi từ đâu đến đây
mà tim bầm máu đọng?
– tôi từ phương đông qua
cõi trần gian quỷ ám
bầy thú đội lốt người
bước chân là súng đạn
tay nắm là dao đâm
óc rỉ hoen sắt thép
miệng thở mùi máu tanh
giết bao đời thơ dại

– ngài giúp được tôi chăng?
một vườn xanh hoa cỏ.

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi
– ngươi từ đâu đến đây
mà nguyện cầu ánh sáng?
– tôi từ phương đông qua
cõi đêm-ngày: bóng tối
quỷ dữ nuốt mặt trời
bụng trương phình giáo mác.

– ngài giúp được tôi chăng?
một người còn muốn sống.

Du Tử Lê

KHÚC THÁNG HAI

dutule

tôi đã buồn như nỗi ngóng trông
tháng hai, trở lại những con đường
thấy tôi trên những tàng cây cũ
và những ngôi nhà đã bỏ không

tôi đã buồn như một ngọn cây
tháng hai, cành nhớ lá sương đầy
tháng hai, thôi đã không tay vẫy
và tiếng buồn rơi đều phương tây

tôi đã buồn như một nhánh sông
tháng hai, thôi vẫn chẻ đôi dòng
cánh chim nào lỡ quên soi bóng
trong nỗi sầu tôi, lên nước sơn

tôi đã buồn như một bàn tay
tay ai gió bão nổi hiên ngoài
tháng hai, nắng ở phương trời khác
mà tiếng rơi ròn khua ở đây

tôi đã buồn như một sớm mai
tháng hai, hoa cỏ, dấu chân người
có ai mưa ướt đôi vai nhỏ
và nhốt hồn tôi ở một nơi

tôi đã buồn như một giấc trưa
hồn đi trăm xứ vẫn mưa về
tháng hai, lệ chảy trong yên ắng
và dáng ai ngồi như chết khô

tôi đã buồn như một quán không
chiều lên lênh láng một dây đàn
tháng hai, bụi phủ từng vai ghế
tôi với bàn chia nỗi ngổn ngang

tôi đã buồn như chiếc bóng tôi
mai kia tôi sẽ bỏ xa đời
tuổi, tên, thôi cũng đi về… đất
riêng ở nơi này vẫn tháng hai.

Houston 2-84
Du Tử Lê

NAO-NAO-ĐẸP-KHÁC…

dutule

DUTULE.COM

Cho tới khi T. đưa tôi thi phẩm “Nhật Ký” và tập truyện “Hướng Dương Dấu Mặt” của Tôn Nữ Thu Dung, do Tương Tri xuất bản, tôi không hề có một ý niệm gì, về tác giả này.
Vậy mà, khi tạm ngừng công việc, mở bất định một vài trang văn xuôi của Tôn Nữ Thu Dung, tôi đã bị mạch văn của Thu Dung, cuốn trôi theo cuộn xiết dòng chảy chữ, nghĩa tự nhiên, dễ dàng – – Với những lớp phù sa mầu mỡ thông minh, dí dỏm, lí-lắt-trẻ-thơ (qua những mẩu đối thoại) – – Xen lẫn với những chiêm nghiệm tâm lý, nhân sinh của một người già, thu mình, ngắm, nhìn năm, tháng đời thường ẩn mật đi qua…
Tôi đọc một mạch và, không thể phân biệt được truyện nào trong “Hướng Dương Dấu Mặt” là hồi ức hay tự sự kể? Truyện nào hư cấu?
Để người đọc khuấy quên mình đang đọc truyện (sản phẩm của tưởng tượng) mà, chỉ thấy đó là những trang hồi ký của một người chân thành thuật lại những mảnh buồn / vui đời mình… là điều không nhiều lắm, số nhà văn đạt được đỉnh cao chuyện kể, như vậy.
Đọc xong tập truyện dày 200 trang, trước khi khép lại, tôi mới thấy nơi những trang đầu sách, có “Lời Mở” của nhà văn Trương Vũ.
Trong bài giới thiệu ngắn mình, họ Trương khắc-họa cùng lúc hai chân dung người học trò cũ của ông. Chân dung đời thường và, chân dung văn chương Tôn Nữ Thu Dung. Bằng giọng văn từ tốn, ôn tồn, nhưng đằm thắm, ông viết:
“… Tôn Nữ Thu Dung là một trong những học trò trẻ nhất của tôi ở Việt Nam, đúng ra là một học trò bé bỏng nhất, em vào đại học năm cuối cùng tôi dạy và làm việc ở đó. Bốn mươi năm đã trôi qua, có nhiều lần gặp lại, tuổi tác tiếp tục tăng lên, tuy nhiên mỗi lần nghĩ đến Thu Dung, hình ảnh tôi nhớ đến luôn là hình ảnh một cô học trò bé bỏng năm nào. Bé bỏng không phải chỉ vì dáng dấp nhỏ bé, xinh xắn, đầy nhiệt huyết khi xông xáo vào những sinh hoạt của trường học. Chính cái cách biểu lộ đam mê rất hồn nhiên về văn học, nghệ thuật của Thu Dung tạo cho tôi ấn tượng đó. Sau này, đọc những bài vở của Thu Dung, theo dõi những công trình, những sinh hoạt của em về văn học và cả xã hội, tôi thấy gợi lại nhiều hình ảnh đã nằm yên đâu đó trong ký ức về một khoảng đời rất đẹp tôi sống trên quê hương (…)
“… Bây giờ, đọc lại những sáng tác của Thu Dung, tôi thấy hài hòa với mình và với tác giả hơn, thấy nó gần gũi với đời sống hơn, đặc biệt khi chứng kiến nhiều cái điên loạn đang xẩy ra trong thế kỷ này, những điên loạn phát sinh từ sự coi thường cái sống của người khác. Dầu sao, về chuyện văn chương, tôi đã từng viết ra trong một tiểu luận cách đây 20 năm: ‘…khi nghĩ tới văn học nghệ thuật, chúng ta buộc phải nghĩ đến những giá trị lớn, những mức đến xa và không nên tự hài lòng với một so sánh nào đó.’ Tôi tin Tôn Nữ Thu Dung cũng nghĩ như vậy.
“Cần nói thêm, trên hành trình văn học của mình, Thu Dung có một bạn đường rất tốt: ‘Một trẻ thơ trong người lớn’.
“Rất thánh thiện và hồn nhiên đến với cuộc đời”.
.

Tôi không biết có phải vì lời giới thiệu đằm thắm, sâu xa đáng trân trọng của nhà văn Trương Vũ về tác giả “Hướng Dương Dấu Mặt”, khiến tôi quên bẵng công việc còn dở dang của mình, để bước ngay vào “Nhật Ký” cõi-giới thi ca, một đường bay văn chương khác của Tôn Nữ Thu Dung?
Lần này, khác hơn “Hướng Dương Dấu Mặt”, tôi lần dở từng trang “Nhật Ký”, bắt đầu từ phần trình bày, những trang trắng, tới trang 7, có bài thơ thứ nhất, tựa đề “Bài Tặng Một Người”… Hình như tôi có ý muốn được đọc thêm những “Lời Mở” của Trương Vũ, vào cõi giới thi ca của tác giả đặc biệt này (?)
Tôi không gặp thêm một dòng chữ nào của họ Trương!!! Nhưng tôi lại được bội thu những dòng thơ thông minh, lí-lắt-trẻ-thơ của Thu Dung. Nhất là những liên tưởng, ẩn dụ rất mới. Nao-nao-đẹp-khác của Thu Dung trong “Nhật Ký”.
Như:
“Chiếc lá vừa rơi… nghiêng… chao
Tôi cũng muốn cho phép mình
Nghiêng… chao… như thế
Nhưng cuộc sống đã trót mang hình giọt lệ
Thì thôi …”

(Nhật ký, tr. 8)
Hoặc:
“Thả xuống nụ cười đêm
Hồn người long lanh mãi
Trong vô vọng kiếm tìm
Giữa một dòng lệ chảy”

(Nhật ký, tr. 10)
Hoặc:
“Có phải từ trăm năm
Lạc nhau rồi mấy kiếp
Vóc hạc gầy đăm đăm
Mở hoài đôi mắt chết”

(Nhật ký, tr. 16)
Hoặc:
“Có ngày… ‘rõ mặt’ đôi ta
Trời xanh mây trắng sẽ là của nhau
Đừng chờ… chưa chắc ngàn sau
Hãy chờ… có thể… Ngàn sau… sẽ là…”

(Nhật ký, tr. 60)
Hoặc:
“Như tiếng hát của một ngày xa khuất
Giữa trái tim… tình rỗng, phải không người
Xin thứ lỗi
nếu tình tôi không thật
Ảo vọng buồn – lơ đãng – hãy quên thôi!!!”

(Nhật ký, tr. 87)
Hoặc:
“Chém xuống dòng sông trăm nhát kiếm
Nước vỡ… như lòng ta trưa nay…”

(Nhật ký, tr. 101
Hoặc nữa:
“Ta vẫn hỏi trong từng hơi thở cuối
Đôi mắt nào tiễn biệt… mưa bay ngang…”

(Nhật ký, tr. 111)
.
Với tôi, nếu truyện ngắn của Tôn Nữ Thu Dung “… là mơ ước thầm kín của nhiều nhà văn” thì, tôi cũng trộm nghĩ, sẽ có không ít những nhà thơ trẻ hôm nay, tưởng tới ngày là chủ nhân của những câu thơ “nao-nao-đẹp-khác” như thơ Tôn Nữ Thu Dung, vậy. (*)

Du Tử Lê
(Garden Grove, Feb. 2016)
_________
(*) Muốn đọc hay biết thêm về Tôn Nữ Thu Dung, xin vào trang nhà tuongtri.com

Khúc tháng chín

dutule

Này tháng chín, mùa thu về rất sẽ
Em biết không? Tôi kẻ đứng bên đường
Hồn tháng chạp, cuối đời khua tiếng gậy
Em từ tâm có đủ lượng bao dung?

Này tháng chín, mùa thu về như thể
Giữa đêm qua, có kẻ lén vào
Vườn hạnh phúc một người đang tập nói
Chàng phục sinh như một giấc mơ

Này tháng chín, mùa thu hồng, lối biếc
Mưa ở đâu? Ướt trí nhớ ai?
Chàng đứng lại bên kia bờ nước cuốn
Em bên này có lạnh đôi bàn tay?

Này tháng chín, mùa thu về rất mới
Bởi hôm qua có kẻ qua đời
Hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
Em xạ hương từ quá khứ tôi

Này tháng chín, này em, này tháng chín
Em biết không, tôi, kẻ đứng bên đường
Hồn hải điển có bao giờ qui thuận
Bỗng bình minh như một cửa gương

Này tháng chín, lược đời tôi, hãy chải
Và cho tôi sợi tóc cuối chân ngày
Đêm tháng chạp tôi sẽ ngồi nối lại
Những con đường (những sợi tóc rơi)

Những con đường mãi mãi chả ai thôi
Quên nhắc đến bởi chính hồn em đó
Này tháng chín, nghe không lời nói nhỏ:
“Hoàng hôn em, tôi gửi một que… diêm”

Du Tử Lê

Mất hay còn, chưa hẳn khác nhau đâu

dutule

Tôi không thể ngăn buổi chiều sắp tối
Như em đi mà tiếng chẳng quay về
Mưa chẳng thể ướt hoài sân trí nhớ
Đôi khi lòng tôi nắng mấy hôm sau.

Tôi không thể xóa biển chiều sóng gội
Dù hôm qua tâm đã tịnh yên rồi
Cây chẳng thể giữ hoài tay lá mới
Đôi khi lòng tôi lại rất khoan thai.

Tôi không thể nói gì khi đã chết
Như chưa ai kể được phút ban đầu
Con đường nhỏ có hai hàng bã đậu
Đôi khi tình tôi lạc tuốt trên cao.

Tôi không thể chẻ đôi hình với bóng
Như em buồn có dễ mấy năm sau
Riêng tôi đã bị tâm tôi phỉnh gạt
Khi hiểu ra thì tóc đã pha màu.

Tôi không thể nghĩ rằng em đã khuất
Mất hay còn chưa hẳn khác nhau đâu
Thân giả tạm nhưng hồn không giả tạm
Em nên tin tình chưa bụi bao giờ

Tôi không thể lột da nhìn máu chảy
Như trên vai mùi tóc vẫn ân cần
Dẫu sông núi nghìn năm không biến hoại
Sao sầu tôi có lúc vẫn rưng rưng.

Tôi không thể xóa đi ngày tái kiếp
Hàng me xanh ngọc dát mấy con đường
Mùa đã khoác áo đi vào bóng tối
Tôi hồ nghi tự hỏi có ai thương?

Lòng rất lạ, có điều gì khó nói
Tỏ cùng ai? trời đất của ta đâu?
Cõi thân cận chỉ có hồn đơn chiếc
Và đêm đêm trăn trở giữa quê người.

Tôi không thể nghĩa là tôi chẳng thể
Xóa bôi đi từng bước tự lưu đầy
Tôi không thể nghĩa là tôi có thể
Nhìn ra em môi, mắt đã hao gầy.

Du Tử Lê