CƯỠI NGỌN SẤM 26

cuoingonsam
richardbotkin

Hoạt động với Tiểu đoàn Sói Biển

Trong lúc cuộc tổng công kích Mùa Hè Đỏ Lửa đang rộ lên thì Thiếu tá Bình, Đại úy Ripley và các binh sĩ của Tiểu đoàn 3 TQLC Việt Nam bị rơi vào tình huống bất thường là nằm ngoài vùng chiến đấu trực tiếp. Mới trở về lại vài ngày trước đó sau đợt dưỡng quân luân phiên thường lệ kéo dài ba tuần tại Thủ Đức gần Sài Gòn, bốn Đại đội của Tiểu đoàn Sói Biển hiện đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho Lữ đoàn 258 TQLC đóng gần sông Mỹ Chánh đâu đó giữa căn cứ hỏa lực Barbara và Nancy. Họ đóng quân vài cây số ngoài tầm pháo binh của quân Bắc Việt đang dồn dập nã đạn lên toàn bộ khu phi quân sự và sườn cánh Tây của các lực lượng VNCH và TQLC. Điều này khiến họ có cái cảm giác lạ lẫm đã bị đứng xa ngoài lề trận đánh chính.

Khi Tiểu đoàn 3 được đưa trở lại Vùng 1 Chiến Thuật trước trận đánh Mùa Hè Đỏ Lửa, John Ripley nhận thấy một số điều lạ lùng. Tự dưng và không biết từ đâu tới, có một Thiết đoàn chiến xa VNCH được điều động lên phía Bắc. Chuyện này chưa bao giờ xảy ra, theo kinh nghiệm của cả Ripley và Bình, chưa hề có một lực lượng thiết giáp lớn như vậy hoạt động gần khu phi-quân-sự. Đồng thời đối với Ripley cũng là một điều bất thường khi Tiểu đoàn 3 TQLC lại hoạt động tuốt ở phía Nam. Từ khi Ripley và Bình làm việc chung với nhau đến nay thường thì phải tới gần sát bọn ác ôn mới có chuyện đấm đá. Trong lúc tình hình chiến sự gần Barbara và Nancy vẫn hằng ngày bị đạn súng cối pháo kích và đòi hỏi có các toán tuần tiễu cấp Trung đội và Đại đội thì hoạt động của quân Bắc Việt chưa mãnh liệt lắm, nhưng có vẻ báo hiệu một sự thay đổi lớn sắp sửa đến. Có người cho rằng cường độ hoạt động giảm sút của kẻ thù chứng tỏ tình hình đã khả quan hơn nhưng Bình và Ripley thì không bao giờ tin rằng sự yên ổn đã trở lại.

John Ripley chưa bao giờ dự bất kỳ khoá huấn luyện nào về ngôn ngữ trước khi nhận nhiệm vụ làm cố vấn. Do cần thiết, anh đã phải nhặt nhạnh một vài chữ tiếng Việt mà anh biết để hàng ngày bổ sung thêm vào các bài bản ngoại ngữ sẵn có của mình. Lúc này đã sắp mãn chu kỳ nhiệm vụ nên Ripley cũng đã có thể nói năng đôi chút bằng tiếng Việt được rồi. Đại úy Ripley được Bình, Nhã, tay truyền tin của Bình, và một số ít TQLC khác thuộc Tiểu đoàn 3 mà ông làm việc chung coi trọng cho nên họ hiểu được những gì Ripley cố gắng truyền đạt với thứ tiếng Việt pha giọng Virginia của ông. Dĩ nhiên tiếng Anh của Bình khá hơn tiếng Việt của Ripley. Giữa hai người đã có một sự cảm thông thừa sức để cho họ trở thành một mối đe dọa quan trọng đối với bọn Bắc Việt.

Làm công việc cố vấn có những niềm hạnh phúc mới nhưng cũng có các thử thách đặc biệt. Giống như những người khác đã từng được bổ nhiệm, John Ripley nhận ra các trách nhiệm độc nhất đặt trên vai những sĩ quan Hoa Kỳ có nhiệm vụ đi theo các đơn vị chiến đấu khác nhau của binh chủng TQLC Việt Nam. Không như hầu hết người Mỹ, kể cả những người đã đến chiến đấu và đổ máu trong cuộc chiến nhằm chận đứng sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản, các cố vấn thật sự là một nhóm người chọn lọc có cơ hội đứng bên phía ngoài dư luận Hoa Kỳ để quan sát trận chiến.

Với sự giảm thiểu các lực lượng tại Đông Nam Á, điều có vẻ như là sự triệt thoát một chiều của các lực lượng chiến đấu mà không tùy thuộc vào bất cứ một sự nhượng bộ nào về phía Cộng sản, bây giờ tất cả những gì mà phía Hoa Kỳ cho là quan trọng – dù thắng, bại hay huề – chỉ còn là cố thoát hoàn toàn ra khỏi tình trạng sa lầy mà cuộc chiến đang đưa đẩy đến.

Đại úy Ripley rất trân trọng cái ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc ông đang làm là cố vấn cho một Tiểu đoàn mà đối với ông là một Tiểu đoàn ưu tú nhất của TQLC Việt Nam, nhưng ông vẫn nhớ thời gian ông chỉ huy các TQLC Hoa Kỳ. Mặc dù binh chủng TQLC Việt Nam cũng có những Chuck Goggins của họ và mọi chuyện trên căn bản cũng đều như nhau, nhưng cũng có cái gì đó không giống nhau nữa. Ngoại trừ Bình và Nhã, cơ hội để John thật sự gắn bó hàng ngày với các TQLC khác, Hoa Kỳ hay Việt Nam, không thể nào tương tự như thời kỳ ông làm “đích thân” của Đại đội Lima 6 thuộc Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ vào năm 1967 được.

Mỗi ngày mỗi hiểu rõ hơn nhãn quan của người Việt Nam và vị trí của họ trong cuộc chiến, ngay cả các cố vấn khi đến Việt Nam thi hành nhiệm vụ lần thứ hai đều bị thất thế trong cái gọi là sự “thiếu hụt về chính nghĩa.” Những người lính Mỹ trước đây, nhất là những người thi hành nhiệm vụ lần đầu tiên, đều được huấn luyện kỹ lưỡng và các huấn luyện viên đều hướng dẫn đầy đủ về các mục đích và lý tưởng mà họ có thể bị hy sinh. Đối với các cố vấn thì lý tưởng này vẫn còn mù mờ và không được xác định rõ rệt.

Mục đích của người Mỹ nói cho ngay là khác biệt với người Việt ở cả hai phía Bắc và Nam. Henry Kissinger, theo chỉ thị của Tổng thống Nixon đang cố gắng đặt quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ vượt ra khỏi phạm vi Việt Nam. Người Mỹ giờ đây có thể chiến đấu ở Đông Âu hay Bắc Á cũng vậy, hoặc bất kỳ nơi nào xảy ra hiện tượng “Thế cờ Đô-mi-nô” do tác động áp bức của Cộng sản.

Đối với các binh sĩ TQLC Việt Nam thì chẳng có đô-mi-nô gì cả để mà xem xét. Vào năm 1972 sự thất thủ Quảng Trị đối với người Mỹ chẳng có gì là quan trọng, cũng chẳng có nghĩa là quân thù sẽ sớm diễu hành tại phố Hollywood hay Đại lộ Pennsylvania. Nhưng đối với Bình, Lương, Nhã và những công dân yêu nước của VNCH thì những gì xảy ra tại Quảng Trị thật sự hết sức quan trọng. Đối với họ, thắng trận là sự lựa chọn duy nhất.

Thêm vào đó, tình nghĩa gần như là anh em đối với Bình, Ripley cũng dần dần gần gũi đặc biệt với Nhã, tay truyền tin trẻ tuổi. Cũng chẳng có gì khó hiểu, do điều kiện ngặt nghèo của chiến tranh mà tình bạn, dù khác nền văn hóa, vẫn có thể phát triển hết sức sâu đậm. Mặc dù có những rào cản lớn về ngôn ngữ, văn hóa và quân phong quân kỷ khác nhau nhưng Đại úy Ripley và tay truyền tin Nhã đáng tin cậy vẫn rất mực kính trọng và thương mến nhau. Sự ngưỡng mộ và say mê của Nhã đối với cái anh chàng sĩ quan Hoa Kỳ độc đáo và vui vẻ này mà lòng dũng cảm có vẻ ngang tầm với với vị Tiểu đoàn trưởng thân thương vẫn không hề suy giảm sau nhiều tháng trời bên nhau. Nhã cũng ngạc nhiên là phong cách của ngưòi Mỹ khác với người Việt Nam, nhất là thông lệ của TQLC Hoa Kỳ cho phép các sĩ quan và binh sĩ được thân với nhau, một điều không thể tưởng tượng nổi và không thích hợp đối với TQLC Việt Nam.

Nhã là một thanh niên khá đặc biệt. Bằng nhiều cách, Nhã đã làm người “anh cả” cố vấn Đại úy Ripley nhớ lại những tay TQLC trẻ và sừng sỏ mà ông đã có dịp chỉ huy trong binh đoàn TQLC Hoa Kỳ. (“Anh cả” là một danh xưng tỏ sự tôn trọng và kính mến thường thấy trong nền văn hóa Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Khổng giáo, là một cách gọi một người phải là thân thuộc trong gia đình nhưng được kính mến và xứng đáng được trọng vọng như người “anh cả” hay đúng hơn là “anh lớn”. Người chứng tỏ sự tôn trọng, nếu là nam phái thì luôn luôn được gọi là “chú nhỏ” hay đúng hơn là “chú em”.)
Được cất nhắc vào bộ phận tổng hành dinh của Tiểu đoàn có nghĩa là Nhã đã được công nhận là một tay TQLC có hạng, một phần tử ưu tú vượt trội lên trên. Và quả nhiên qua các công việc thường lệ hàng ngày, cho dù những việc tạp nhạp nhất, cũng nói lên sự tận tụy và chuyên nghiệp của Nhã.

Đại úy Ripley đúng là “ông anh lớn” đối với Nhã cũng như Nhã là “chú em út” đối với Ripley. Có nhiều yếu tố đã làm hai người thân với nhau. Ngay từ lúc ban đầu, trước cả khi Đại úy Ripley tạo được uy tín trong các Sói Biển TQLC như là một chiến binh xứng đáng được tôn kính và quý trọng, Nhã cũng đã chứng tỏ khả năng chuyên nghiệp và lòng trung thành với viên cố vấn mới.

Hiển nhiên Nhã rất thông minh, có đức tính là hết sức xông xáo cùng với một trực giác nhạy bén về chiến thuật. Anh có vẻ biết hết trong mọi tình huống là chuyện gì phải làm ngay, cả trước khi cần phải thực hiện điều đó. Mặc dù anh chỉ là nhân viên truyền tin duy nhất của Ripley, Nhã vẫn trông chừng viên cố vấn giống như anh chịu trách nhiệm trực tiếp về sự an nguy, sức khỏe và thể chất của ông ta vậy. Với tiếng Anh “bồi” của Nhã, tiếng Việt “ngọng” pha âm điệu Virginia của Ripley, cộng thêm tay chân khua lung tung và lòng cảm mến thật sự giữa hai người, cả hai chiến binh đã có thể hiểu nhau một cách tốt đẹp. Họ trở thành một cặp bài trùng khá dữ dằn.
Sinh hoạt thường ngày mà Tiểu đoàn 3 đã chịu đựng khi hành quân khắp Vùng 1 Chiến Thuật đã củng cố mối tương quan giữa hai người thêm phần sâu đậm. Trong khi uy tín của Ripley tăng nhanh đối với các Sói Biển thì Nhã, mặc dù đã có phần góp sức cho sự thành công của viên cố vấn bằng công việc của mình, vẫn hoàn toàn từ khước bất kỳ lời khen ngợi nào khi có ai nhắc đến tài năng và lòng dũng cảm của anh.

Điều đã làm Đại úy Ripley xúc động nhất là sự khiêm nhường chân thành mà Nhã đã bộc lộ ra. Đây không hề là một sự giả vờ, một sự nhún nhường giả tạo theo kiểu “đâu có gì đâu…” mà là một sự lánh xa tất cả các sự vinh danh cho những công việc giản dị nhất, bình thường hay bất bình thường mà người truyền tin trẻ đã thực hiện khi phục vụ cho Tiểu đoàn 3 và viên cố vấn đáng kính trọng. Trong bất cứ nền văn hóa nào, Nhã cũng là một thanh niên khác thường. Anh có vẻ như tìm được niềm vui lớn khi được phục vụ quên mình.

soibien

1 thoughts on “CƯỠI NGỌN SẤM 26

  1. Quan hệ Tình Bạn và Công việc Giữa Đại úy Ripley và Nhã Truyền tin ”Đối đãi tốt bằng CHÂN TÌNH Bằng sự KHIÊM TỐN -THẲNG TÍNH ở Nhã”

Comment