NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Ta sẽ cứ vui”

nuocmattruocconmua

TRẦN TRÂM
“Ta sẽ cứ vui”

Sau khi đến trại tỵ nạn Pendleton, gia đình tôi được một nhà thờ bảo trợ về San Jose, thuộc tiểu bang California.

Tôi dần dần mất hết niềm tin sau khi đến Mỹ. Tôi bắt đầu nảy sinh nhiều nghi hoặc, tinh thần mỗi lúc một suy nhược, mối ưu uất lớn gần như tràn ngập cả tâm hồn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ấy: Sự va chạm khác biệt văn hóa, ký ức về Việt Nam và sự kiện chúng tôi sẽ không bao giờ trở về Việt Nam nữa. Ngoài ra tôi cũng mang nhiều thù ghét đối với người Mỹ vì tôi không hiểu chính sách đối ngoại và chính trị của người Mỹ ra sao. Cho nên tôi lâm vào tình trạng là cùng một lúc tôi rất sung sướng, mà cùng một lúc tôi cũng đầy mặc cảm phạm tội khi ở đây.

Khi còn ở Việt Nam, mỗi lúc nói về thời hòa bình yên ổn, tôi đều thấy cỏ xanh mơn mởn khắp nơi – cỏ xanh là hình ảnh mà tôi mường tượng ra mỗi khi nghĩ đến hòa bình. Ngày xưa, khi cha con cùng ngồi bên bờ biển, cha tôi đã bảo bên kia bờ đại dương là nước Mỹ. Tôi nghe nói bên ấy có hòa bình, tôi đã mơ đến nước Mỹ, một miền cỏ mọc khắp nơi. Tại tiểu bang Cali này khắp nơi cỏ mọc, do đó tôi cũng đã nghĩ quả đây là lúc hòa bình yên ổn. Nhưng sao trong tôi tất cả đều náo động. Cái hình ảnh mà tôi thấy và những cảm xúc trong nội tâm tôi sao chẳng tương quan đến nhau.

Sự yên bình trong tâm hồn và sự bình yên ngoại giới đã gây cho tôi nhiều vấn đề phải mất hàng chục năm tôi mới giải quyết xong. Tôi đã trải qua một thời kỳ dài, một thời kỳ liên tiếp tôi cứ muốn tự tử, cứ muốn hủy hoại thân mình. Trong thời kỳ này có lúc tôi đã chui vào tủ quần áo, vào buồng tấm, tay cầm con dao, đầu óc chờn vờn ý tưởng đi tìm cái chết. Cũng có lúc tôi nghĩ đến việc đâm đầu vào xe lửa, như thế đỡ cho gia đình tôi khỏi bối rối. Đâm đầu vào xe lửa có lẽ là cách tốt nhất, như một tai nạn xảy ra, còn lưỡi dao, có lẽ chỉ là biện pháp hãn hữu mới phải dùng đến.

Cuối cùng tôi đã cố xoay chuyển để vượt qua ý muốn tự hủy và suy tưởng cho đúng đắn. Đang là một sinh viên được điểm cao, tôi suýt nữa rớt khỏi trường. Những năm ấy, tôi không cho phép mình được vui vẻ. Mỗi khi chợt nhận ra mình vui vẻ, tôi lại có cảm giác phạm tội, áy náy, rồi lại lâm tình trạng tinh thần ưu uất buồn rầu suốt mấy ngày. Tôi lẩn tránh hạnh phúc. Các vấn đề chồng chất lên nhau càng lúc càng tệ hại trong suốt những năm này.

Cuối cùng tôi quyết định phải sống, vì nếu tự tử thì gia đình tôi sẽ lúng túng hổ thẹn, nhất là em gái út tôi. Tôi cũng sợ nếu tôi hủy mình thì không chừng một ngày kia em tôi cũng làm như thế. Tôi không muốn chuyện ấy xảy ra. Vì thế khi nhận thức được rõ là tôi đã cận kề việc tự tử, tôi tìm đến sự giúp đỡ của những người chuyên nghiệp. Đầu tiên, tôi đến một vị linh mục, rồi sau đến một chuyên gia tâm lý trị liệu. Tôi cũng đọc khá nhiều các tôn giáo và triết học Đông phương. Từ điều này dẫn sang điều khác, cuối cùng tôi được thuyết phục rằng không làm gì có Thượng Đế, Thượng đế không có mặt, chính tôi và tự tôi phải quyết định hạnh phúc mình, bất kể cái mặc cảm phạm tội của mình. Bằng ngôn từ, tôi vẫn thường nói tôi không muốn tự tử, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về sự tự tử như một hành vi lãng mạn. Nhưng bây giờ tôi tin sự sống có tính lãng mạn hơn cái chết, nhất là từ khi tôi tin rằng sau cái chết, chẳng làm gì còn đời sống nào khác nữa.

Sau khi đến Mỹ, tôi đã nhìn vào trái tim mình để kiếm tìm Thượng đế mà không tìm ra Thượng đế. Bấy giờ tôi ở một giai đoạn đầy xúc cảm. Tôi đã trở lại với Thượng đế một cách nồng nhiệt hơn trước, trong một thời gian. Nhưng tuy vậy đôi lúc tôi vẫn nghĩ đấy chỉ đơn thuần là xúc cảm thôi. Cuối cùng, tôi trở nên hợp lý hơn, tôi tin rằng chẳng Thượng đế nào hiện hữu cả.

Tôi đã từng đi vào một giai đoạn oán ghét Thượng đế vì những gì Thượng đế đã để xảy ra cho quê hương tôi và gia đình tôi. Nhưng bây giờ tôi lãnh đạm với Thượng đế. Tôi không còn hận thù oán ghét gì. Người ta không thể sống với quá nhiều oán ghét, cho nên sau chót, tôi không còn ghét bản thân tôi, tôi không ghét Thượng đế, tôi cũng không ghét người Mỹ nữa.

Tôi rất yêu dân tộc Việt Nam. Tôi yêu họ cả trong hành động lẫn lý tưởng. Tôi đã tham dự những công tác cộng đồng. Nói riêng, tôi yêu rất nhiều người ở Mỹ, nhưng nói chung, tôi không cảm thấy đây là quê hương tôi. Tôi vẫn không cảm thấy đây là đất nước tôi. Bây giờ tôi chẳng còn biết quê hương tôi là đâu, nhưng câu hỏi ấy đối với tôi không còn quan trọng như trước nữa.

Ở Việt Nam, tinh thần ái quốc được đề cao. Trong bất cứ dự định nào về nghề nghiệp, tôi cũng muốn dành cho quê hương tôi. Tôi từng muốn trở thành người dạy học để phục vụ quê hương. Nhưng khi sang đây tôi mất hết nguyện vọng ấy vì lẽ nếu tôi trở nên thành công, thì đấy chỉ là cho bản thân tôi, chứ chẳng còn cho quê hương tôi nữa. Cuộc đời đã mất hẳn những ý nghiã thiêng liêng cao thượng như trước. Tôi trở thành Mỹ hoá, bây giờ tôi đeo đuổi nghề nghiệp chỉ vì sự sung sướng vị kỷ, chứ ở đây, người ta ít nhắm đến mục tiêu gì khác.

Tôi có một ý tưởng mơ mộng sẽ một ngày kia trở lại Việt Nam, thực hiện những điều tốt đẹp cho đất nước – đem lại cho quê hương dân tộc những kiến thức mà tôi học hỏi được về thế giới. Đó chỉ là một ý tưởng mơ mộng, nó không mạnh mẽ như niềm tin mà tôi đã có từ một thời xa xưa, khi hãy còn một viễn tượng khác biệt về tương lai.

Tôi bắt đầu cảm nhận được người Mỹ từ bốn năm nay. Tôi bắt đầu cảm nhận được việc nói chuyện với “ông” đó là nói với một con người.

Tôi bắt đầu cảm nhận được người khác. Trước đây tôi nói chuyện với người Mỹ chỉ là nói với những cái khuôn. Ông thấy, suốt một thời, nhìn người Mỹ tôi không thể cảm nhận được họ. Bây giờ tôi đã trở nên là một con người hem là một người Việt Nam, và các cảm giác của tôi cũng trở nên nhân bản hơn.

Tôi cảm thấy thương xót cho người Việt Nam sống trên đất Mỹ hiện nay. Tôi đã phải cố gắng nhiều để thay đổi, nhưng tôi biết rất nhỉều người Việt hiện vẫn không muốn thay đổi. Họ muốn tự trừng phạt mình. Họ vẫn còn mặc cảm phạm tội về việc lìa bỏ quê hương đất nước mà đi.

Quê hương đất nước vẫn còn đó và chỉ một chính quyền khác cai trị mà thôi. Chúng tôi không mất nước. Việt Nam đâu có xoá tên trên bản đồ. Người ta nên tự hỏi tại sao lại tự xóa đất nước mình trên bản đồ? Trong khi nó nào có bị xoá bỏ đâu? Ấy chỉ là do cái nỗi hổ thẹn vì đã xa rời quê hương đất nước đó thôi.

Người Việt chúng tôi đang cần phải tiến lên để bắt kịp bao nhiêu điều trong những lãnh vực tinh thần, trí thức và văn hoá, nhưng người Việt chúng tôi đã để cho các cảm xúc về Việt Nam dằng kéo trì trệ lại, chúng tôi thường sai hướng. Chúng tôi đã đối đầu biết bao vấn đề và phiền lụy, chỉ vì chúng tôi mải miết nhìn lui dĩ vãng. Cảm xúc đó, tôi tin nó không lành mạnh. Nếu cứ để những cảm xúc ấy kiểm soát cuộc đời thì người ta sẽ chẳng bao giờ giải quyết được gì. Tôi hy vọng sẽ không ai hiểu nhầm những gì tôi nói đây. Tôi rất yêu người Việt. Nhưng rất nhiều người Việt đã không có can đảm để hưởng hạnh phúc. Tôi biết rõ chuyện ấy. Suốt thời gian dài tôi đã tự hành hạ, tự trừng phạt mình mỗi khi cảm thấy mình vui vẻ. Người ta cần phải lấy can đảm để xác định rằng: Ta sẽ cứ vui vẻ. Bất kể ai đang kiểm soát đất nước tôi, tôi vẫn cứ yên vui.

Advertisement

One thought on “NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Ta sẽ cứ vui”

  1. Tự thân có sự dằng co! Tình yêu tổ quốc nỗi lo ở người!-Quê hương chính nơi nguồn cội!Dù ở nơi đâu ít nhiều vẫn có”Nỗi nhớ mặc cảm xấu hổ!”Tâm tư sống nhờ trăn trở trở trăn…”Đất Khách thực sự ân cần?!Để cho bám lấy dự phần tương lai?”Dĩ vãng người VN đây!Chạy trốn đất nước khổ đày trí tâm!Đất Khách cũng là ”Cõi Tạm”!Thế nhân luôn cần thông cảm thế nhưng-”Chính mình tự do thung dung Độc lập bản thân quê hương dù xa!”Niềm tin ước mơ vẫn là”Môi trường dễ thở thư thả vui sống!”

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s