NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Một bức tranh chúng tôi có thể ngắm nhìn và mơ mộng”

nuocmattruocconmua

nguyenbatracnmtcm

VŨ THỊ KIM VINH
“Một bức tranh chúng tôi có thể ngắm nhìn và mơ mộng”

Sau ngày 30 tháng Tư, sau khi Saigon sụp đổ, người ta bị bắt buộc phải công khai tự phê, tự kiểm, phải tố giác cha mẹ, con cái, bạn hữu. Người ta đã buộc lòng phải làm như thế, không ai đếm xỉa đến chuyện phải nói cái gì nữa. Ai nấy đều giản dị chỉ lo tạo ấn tượng tốt để sinh tồn. Người ta nói những chuyện như thế để mong chế độ mới đối xử tử tế. Phần tôi cũng phải nói là căm ghét những người như cha mẹ tôi, chỉ vì tôi cần sinh tồn, tôi không đếm xỉa những gì tôi nói nữa.

Mỗi sáng sớm bảnh mắt mới 6 giờ họ đã dùng hai loa phóng thanh to tướng đánh thức chúng tôi dậy. Chúng tôi phải ra cả ngoài đường cho cái mà tôi gọi là “giờ Jane Fonda”. Đứng ngoài đường nghe họ hô tập thể dục. Bất kể tuổi tác già nua, tình trạng nào cũng mặc, ra tập thể dục. Họ cho phát thanh một thứ âm nhạc buồn cười, một giọng la “một, hai, ba” y hệt như người ta mô tả trong cuốn sách “1984″. Thật lố bịch. Nhìn bao nhiêu bà già phải làm trò này, tôi tự nghĩ “Thứ xã hội mới gì đây, thứ chế độ không trọng nể cả những người già cả như thế?”.

Sau đó chúng tôi bắt buộc phải tình nguyện lên đồng rừng dựng nhà cửa, sửa mái nhà ở những vùng kinh tế mới. Họ bảo chúng tôi là những người tình nguyện, thực ra nào có ai tình nguyện. Không chịu đi, họ cắt thức ăn, cắt hộ khẩu. Mẹ tôi vẫn có thể mua hàng chợ đen nếu họ cắt hộ khẩu, nhưng họ cũng không để cho yên. Họ bảo nếu trong nhà không có một đứa con tình nguyện công tác lao động ở khu kinh tế mới thì toàn thể gia đình sẽ phải đi kinh tế mới. Vì thế tôi phải tình nguyện cho xong.

Họ thực đủ mánh khoé gạt gẫm chúng tôi. Lúc đó, chỉ có mẹ tôi ở nhà. Cha đã phải đi tù. Và cả chuyện ấy nữa cũng là mánh khóe gạt gẫm của họ. Đầu tiên họ thông báo các Hạ sĩ quan, các cấp dưới trong quân đội chỉ phải đi học tập hai ngày nên các sĩ quan cấp trên đã chứng kiến, nghĩ rằng Cộng sản giữ đúng lời hứa. Chính vì thế cha tôi và anh rể tôi đã tự ý đến đăng ký để đi “cải tạo với thời hạn 6 tuần”. Cha và anh rể tôi rời Saigon cùng với nhiều người khác. Khi thời hạn đã mãn, chúng tôi đều mong ngóng cha và anh rể trở về, nhưng họ không về. Tôi nhớ thật rõ ngày đáng lẽ cha anh tôi đi cải tạo trở về. Tôi nhớ thật rõ khuôn mặt những người chị, người vợ, người con trông ngóng chồng, cha, anh trở về.

Mặc dầu chính tôi là người có quan điểm tự do và rất trung lập, nhưng tôi cũng không thể nào tha thứ cho Cộng sản được về những gì họ đã làm lúc đó, khi nhìn thấy cặp mắt của những người đợi chờ trông ngóng, những người đã tin lời Cộng sản nói. Ngày hôm ấy vạn vật tưng bừng, mọi người đều mặc những bộ quần áo tươi sáng, họ tin đó là ngày cha anh họ, những người yêu dấu trở về với gia đình. Ai nấy rộn rã kể với nhau những ký ức tốt đẹp. Rồi nấu ăn. Rồi trang hoàng dọn dẹp nhà cửa. Tất cả đều thất vọng buồn bực, cha anh của họ không bao giờ trở về cả.

Nhiều người đàn bà kéo nhau lên tận các cơ quan để hỏi các thủ trưởng Cộng sản xem khi nào cha anh họ được về. Tất nhiên lãnh tụ Cộng sản đời nào ló mặt ra tiếp họ. Ngay dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, người ta vẫn còn có thể giao tiếp được với các lãnh tụ qua trung gian báo chí, hoặc qua các viên chức chính quyền. Dưới chế độ Cộng sản, đừng hòng. Người ta chẳng có quyền gì làm như thế. Lính bên ngoài không cho phép họ vào.

Các bạn tôi và mẹ tôi hỏi một cán bộ Cộng sản: “Tại sao cán bộ bảo đến hôm nay, tức là sau sáu tuần, chồng chúng tôi về”? Gã Cán bộ đáp: “Sáu tuần đấy là sáu tuần di chuyển, chứ không phải là sáu tuần ở trong trại. Mấy ông có nợ máu với nhân dân, làm sao được về nhà dễ dàng quá thế?” Chúng không hề cho ai biết chúng giữ người ta ở đâu.

Năm 1984, cuối cùng cha tôi được thả ra khỏi trại tập trung. Sáu tuần lễ, trở thành chín năm trường!

Trong suốt những ngày ấy chúng tôi đã sống trong cảm giác khủng khiếp, vì chúng tôi không bao giờ biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Vào đêm trước ngày đáng lẽ cha tôi được thả về, tức là khoảng sáu tuần sau khi cha tôi đi, một đám lính đông đảo kéo đến đòi xét nhà. Lúc ấy 2 giờ sáng. Chúng bấm chuông tới tấp. Chúng tôi khiếp đảm vì cha tôi đã đi khỏi. Khi chúng tôi hỏi ai kêu cửa, chúng cao giọng đáp: “Giải phóng! Mặt Trận Giải Phóng!” Chúng trả lời một cách nghiêm trọng. Mở cửa ra thì đây là một thằng trẻ ranh. Nó gọi mẹ tôi bằng “chị” và bảo: “chồng chị đi học tập phải không?” Mẹ tôi đáp: “Dạ, phải,” nhưng chúng vẫn lục soát thẳng tay. Lý do thực sự của việc lục soát chính là tiền, là vàng.

Lúc ấy chúng tôi hãy còn một tấm lịch treo tường, tấm hình cô gái Nhật rất dễ thương, khoẻ mạnh, hấp dẫn. Cô ta mặc cái áo sơ mi, trùm qua quần tắm, nhìn ra biển vói một vẻ mặt hạnh phúc.

Thằng ranh con nói: “Chị phải tháo cái lịch này xuống. Tục tĩu hết sức! Tàn tích chế độ trước! Tệ hại quá! Tháo nó xuống ngay!” Chúng tôi muốn ứa nước mắt. Tấm hình ấy là một chút gì còn lại để chúng tôi nhìn ngắm mơ mộng, để thấy biển trời xanh ngất, để thấy khuôn mặt hạnh phúc của một người đàn bà. Những gì chúng tôi biết chúng tôi sẽ không còn bao giờ được như cô gái trong tấm hình nữa, và bây giờ, hắn muốn chúng tôi xé trước mặt hắn ngay tức khắc.

Về tháng Sáu trời Sài Gòn rất nóng. Anh tôi chỉ mặc trên người một cái quần đùi. Thấy thế thằng lính chỉ bằng tuổi anh tôi bảo: “ăn mặc vô lễ!” Hắn la lối như thế lúc hai giờ sáng. Anh tôi bảo không mặc áo vì trời nóng quá. Thằng lính thét lên: “Đừng cãi. Đừng cãi lại với tôi, nghe chưa! ” Mẹ tôi vội vàng xin lỗi, anh tôi cũng phải xin lỗi. Thế rồi thằng lính nhìn sang mấy đứa em gái, có lẽ hắn muốn ra oai với các em tôi. Lúc ấy vào giờ đi ngủ, mấy đứa em đang ăn mặc quần áo ngủ mỏng. Hắn nhìn mấy đứa em gái tôi bảo: “Nhà này thật thối tha. Lối ăn mặc của các cô và cái thứ lịch treo tường ở đây! Các cô sẽ phải thành khẩn học tập rất nhiều trong đời sống mới. Đời chúng tôi trong sáng, còn các cô dơ dáy quá!” Rồi bọn lính bỏ đi.

Có một lý do làm tôi không bao giờ quên được đêm hôm ấy, vì tôi nhìn vào khuôn mặt anh tôi. Ông cũng biết, sau này anh tôi đã chết. Anh tôi tốt nghiệp trung học xong, thi vào trường Y Khoa và trường Kỹ sư. Anh là một thanh niên thông minh, rất thông minh, hiền lành, tử tế. Anh tôi biết là không vào trường Y khoa được chỉ vì có liên hệ với cha tôi.

Chúng tôi là người Công giáo, không nghèo, cha tôi từng là Đại tá trong Quân đội miền Nam Việt Nam. Anh tôi được điểm thi rất cao. Chúng tôi biết chuyện ấy vì có nhiều họ hàng làm trong các cơ quan. Chú tôi đã một thời coi trường Y khoa, ông là người coi các kỳ thi. Các giáo sư và bác sĩ cho điểm trong các kỳ thi lúc ấy vẫn còn là những người cũ, họ cho anh tôi điểm cao nhất trong kỳ thi vào trường Y Khoa. Nhưng khi nhìn lý lịch anh tôi, họ giản dị ném số điểm ấy vào thùng rác. Chúng tôi đều biết anh tôi làm bài rất khá, điểm rất cao. Anh tôi bị tổn thương sâu đậm vì không được nhận vào trường Y khoa. Anh đã được điểm cao nhất tại Saigon. Sau đó anh phải tìm việc làm, lúc ấy không có việc làm là phải đi kinh tế mới. Mẹ tôi không muốn anh tôi uổng phí cuộc đời ở các khu kinh tế mới, nên đã cố tìm cách cho anh tôi đi khỏi nước. Lúc ấy họ bắt anh tôi gia nhập Thanh niên Xung phong để đi làm đường, đi lao động trong rừng và anh đã phải ký giấy nói rằng anh “tình nguyện”.

Cuối cùng chúng tôi cũng có mánh. Sống trong một xã hội mà chính quyền dùng đủ mọi thủ đoạn lường gạt thì chúng tôi cũng phải có những mánh khóe lường gạt. Chúng tôi đã học được luật chơi. Mẹ tôi hối lộ cho một y tá để bà này chứng nhận anh tôi bị tai nạn gẫy tay, do đó phải bó bột vài tháng. Bà y tá ký giấy nói là anh tôi bị gãy tay, đổi lại mẹ tôi phải trả cho bà ấy một cái xe Honda hai bánh. Chúng tôi cũng thuê tiền một người đến nhà tôi la lối ầm ĩ cho cả xóm nghe rằng anh tôi bị xe đụng, cái xe chạy mất. Thế rồi chúng tôi đưa anh tôi về nhà với cái tay bó bột, hàng xóm chạy đến, có cả an ninh khu vực và ông Trưởng Khóm. Trưởng Khóm trước đây vẫn làm cho mẹ tôi. Gia đình ông ta rất nghèo, nguyên là thợ nề, bây giờ là Trưởng Khóm. Mẹ tôi từng luôn luôn đối đãi với ông rất tử tế. Bây giờ ông lại là nhân vật quan trọng. Ông ta hỏi chuyện gì thế. Chúng tôi khóc lóc mếu máo. Mẹ tôi bảo ngày mai là ngày anh tôi sẽ đi lên kinh tế mới, nó muốn góp phần xây dựng đất nước mà trời ơi, bây giờ làm sao đi được nữa, thiệt thất vọng quá chừng đỗi! Ông Trưởng Khóm bảo: được rồi, khi nào tay nó lành thì nó đi! Cứ ba tháng họ lại gửi người đi, nên anh tôi bây giờ có thể tạm yên ba tháng.

Căn phòng khách nhà tôi bây giờ trở thành chỗ người ta làm việc. Mẹ tôi đan áo khéo, lại có sáng kiến, ít ai đan đẹp bằng. Vì thế họ đặt bà làm Giám Đốc cơ sở đan áo ngay nhà chúng tôi. Ngày nào cũng có mấy người đàn bà đến đan. Họ nhận len từ Đông Đức, đan mỗi cái kiếm được 50 xu. Mấy bà có chồng đi học tập thường đến nhà tôi làm việc này. Rồi buổi tối, khi mọi người ra về, chúng tôi đóng kín cửa nẻo lại, anh tôi mới tháo băng bột ra.

Sau sáu tháng, chúng tôi kiếm được đường dây cho anh tôi đi. Anh bảo nếu hên thì được tự do, nếu xui bỏ mạng là cùng, ở lại Việt Nam cũng chết.

Chúng tôi kiếm được tàu đưa anh sang Mã Lai. Trong chuyến đi, anh bị đau bụng. Họ đưa anh đến bệnh viện, tìm ra chứng sưng ruột. Bệnh trạng mỗi ngày một nghiêm trọng. Họ bảo chỉ ở thêm một ngày nữa trên mặt biển là anh tôi chết. Như thế, người ta đã một lần cứu được mạng anh tôi lúc ở Mã Lai.

Chúng tôi nghĩ sang đến Mỹ, anh sẽ học Y khoa, trở thành Bác sĩ. Nhưng cuối cùng sang đến Mỹ anh phải làm việc. Rồi học Anh ngữ, chuẩn bị xin vào trường Y. Nhưng anh tôi đau trở lại, chết trước khi vào được trường Y.

Phần tôi, mẹ tôi mua cho cái tên giả ở Việt Nam, nhờ đó mới được đi học lại ở một lớp thấp hơn một cấp. Tốt nghiệp với lý lịch như tôi, chẳng cách gì kiếm được việc làm hoặc vào Đại học được cả. Vì thế tôi đã ở lại trung học với một mớ giấy tờ hợp thức, tôi ở lại lớp mười một đến hai năm.
Tôi trở thành thuyền nhân, rời khỏi nước năm 1979 trên một con tàu đi Tân Gia Ba. Nhưng tại đây họ không muốn nhận. Họ dùng tàu lớn kéo ra rồi đâm tàu chúng tôi đến gần chìm.

Mọi người trên tàu la khóc, cầu nguyện, van vái. Riêng tôi chỉ cười. Chỉ có các bạn tôi và tôi cười. Chúng tôi bảo “có gì mà phải khóc”. Tôi cũng không rõ tại sao tôi có thái độ như thế. Có lẽ vì tôi hãy còn độc thân, đi một mình, không mục tiêu, không tiền bạc, chẳng có gì trơn trụi, tôi đã phải ngồi bệt dưới hầm tàu sáu ngày ròng rã. Tôi không còn là con người nữa. Dưới ấy người ta đi tiểu ngay trên đầu tôi. Ngồi ẹp bên dưới những người khác cả sáu ngày ròng rã như thế, chân không ruỗi ra được. Cặp chân tôi tê dại. Lúc ấy người chẳng còn ra người, người ta có thể giết nhau thực dễ dàng. Nếu người ta làm tôi nổi điên và nếu tôi khoẻ hơn thì chính tôi cũng đến giết người vì cuộc sống chẳng còn có ý nghiã gì nữa cả. Cuối cùng tôi thực chán nản. Mỗi lần người ta đi tiểu trên đầu, tôi chỉ bảo: “Ôi! Trà nóng! Đến giờ uống trà đây!”

Tôi ốm liệt vì không đủ nước uống. Tôi bị chứng ráo nước nhưng vẫn còn lịch sự như thế. Người ta dùng bọc ny lông đi tiểu, chuyên nhau lên trên mặt khoang rồi đổ xuống biển. Nhưng nếu có ai chuyền không cẩn thận, nước tiểu sẽ văng ra tung toé chảy từ trên khoang, chảy xuống chúng tôi ở dưới tàu.

Tuy nhiên cũng may mắn chúng tôi không gặp hải tặc Thái. Người tài công đã chọn đường đi Tân Gia Ba để tránh hải tặc. ở Tân Gia Ba họ cho chúng tôi nước và những đồ ăn của quân đội Mỹ, khẩu phần “C- Ration” mà chúng tôi cứ gọi ra là “Carnation”, hoa cẩm chướng.

Chúng tôi gọi như thế vì khi lính Mỹ đến Việt Nam, lúc còn nhỏ tôi vẫn réo gọi lính Mỹ: “Carnation”, hoa cẩm chướng, thứ hoa Mỹ duy nhất mà chúng tôi có. Thứ hoa này làm cho tôi buồn bã nhớ đến cha tôi, vì khi còn ở với cha, ông cũng ăn cả hoa cẩm chướng Mỹ.

Chúng tôi rời Tân Gia Ba sang Mã Lai. Tôi ở Mã Lai gần một năm. Tôi đã gặp xui khi ở Mã Lai, nhưng đến nay nghĩ lại, tôi vẫn cho mình hãy còn may mắn. Khi đến Mã, dân làng ở gần nơi chúng tôi đổ bộ đã dùng súng M-16 bắn đuổi chúng tôi đi. Họ bắn vào nước, bắn qua đầu chúng tôi.
Nhưng tài công quyết định đánh đắm tàu, phá máy. Vì thế chúng tôi phải đổ bộ, mọi người nhảy ra cố thoát vào bờ. Thôi mạnh người nào nhặt được cái gì nổi lên thì bám vào, bềnh bồng trên biển như thế hai tiếng đồng hồ cho đến khi họ chán trò ấy, họ bèn cho chúng tôi bước lên bờ.

Anh tôi bảo trợ tôi sang San Francisco. Sau một năm sống ở Mã Lai không tiếp xúc với cuộc sống tân tiến, cái gì cũng có vẻ mới lạ nên đã khó cho tôi thích nghi cuộc sống. Tôi bị nhiều xúc động, gần như kiệt quệ khi đến Mỹ. Tôi đã suýt chết nhiều lần quá. Ở Mã Lai, tôi phải sống trong một sân banh, ngủ trên mặt đất. Ba ngàn người ngủ trong một sân banh. Biết bao điều phải chứng kiến trong những ngày ấy, những điều người ta không thể tin được, mà cũng chẳng nên biết đến làm gì.

Khi tới Mỹ, tôi tha thiết hy vọng một ngày nào tôi sẽ phục hồi lại được phẩm giá của mình. Lấy lại được phẩm giá qua thời gian, ấy là những gì tôi hy vọng. Đa số người ta nói rằng họ yêu Tự do, tôi biết. Nhưng đối với tôi, Tự do không đủ. Tôi cần có cả phẩm giá của tôi, giá trị tinh thần của tôi, linh hồn tôi nữa. Tôi không thể thực sự kể cho ông nghe hết cái cảm giác của tôi lúc đang còn là một thuyền nhân lênh đênh trên mặt biển như thế nào, bởi vì tôi đã mất hết tinh thần, tôi không tìm được ra tôi, tôi không còn biết tôi là ai. Tôi chỉ có cảm giác tê liệt. Bây giờ đây, không biết rồi mọi chuyện sẽ ra sao. Tôi đã phải trải qua nhiều chuyện. Tôi không thể dối trá bảo rằng tôi rất hạnh phúc, rằng tôi đã tìm được tự do. Ông thấy chứ, tôi đã cảm thấy tự do khi tôi ở trên mặt biển, khi tôi ở Mã Lai, khi tôi ở Tân Gia Ba! Tự do đấy! Nhưng Tự do của con người còn phải đi với Phẩm giá con người. Tôi đã sống trong cuộc chiến, đã phải rời bỏ đất nước mà đi… Tôi là một nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi đã không thực có Tự do. So sánh với những dân tộc khác trên thế giới, thì có. Tuy nhiên cái tự do thực sự của con người thì chúng tôi chưa từng bao giờ có được.

Tại nước Mỹ này, có người thương kẻ ghét. Tôi biết là tôi phải biết ơn dân tộc Mỹ và đất nước Mỹ, bởi vì ít ra tôi vẫn còn cơ hội tìm lại tinh thần tôi, giấc mơ của tôi, và được tự do.
Tôi luôn luôn nhớ đến câu này của Martin Luther King Jr.: “Tôi có một giấc mơ”. Giấc mơ của tôi có thể không giống giấc mơ của ông, hoặc của các ông. Giấc mơ của tôi có thể chỉ rất đơn giản. Nhưng tại đất nước này, tôi có thể thực hiện được, nếu tôi cố gắng. Tôi có cơ hội để thực hiện các giấc mơ, mặc dầu có thể tôi chỉ mơ ước hão huyền thôi.

Tôi muốn trở thành một nhà văn, nói như thế một cách lý tưởng. Tôi cũng muốn trở thành một nhà giáo dục, được sử dụng những kiến thức về khoa học, về cuộc sống, hoặc bất cứ về lãnh vực nào để giúp đỡ con người, bởi vì tôi thấy con người là một cứu cánh chứ không phải là một phương tiện. Tôi luôn luôn thấy con người là một cứu cánh, là mục đích cuối cùng. Tất cả những gì tôi làm cho tôi, đó cũng là cho con người vậy. Nếu tôi thương yêu và tôi săn sóc được cho tôi trước thì tôi mới có thể thương yêu những người khác. Khi nói “những người khác”, không có nghiã chỉ là người Việt Nam. Tôi muốn nói tất cả mọi người. Người Việt, tất nhiên là những người đã chịu nhiều đau thương nhất, tôi sẽ phục vụ họ, bởi vì họ là những con người khốn khổ. Tôi chống Cộng sản, nhưng tôi cũng chống tất cả những con người chủ trương kỳ thị chủng tộc, tôi chống mọi chính quyền áp bức và tiêu diệt con người, tiêu diệt tinh thần con người. Những kẻ ấy chỉ xem con người như những sản phẩm, như những phương tiện để sử dụng. Bất hạnh thay, chính những người Cộng sản đã đối xử với con người như thế.

Chúng ta sinh ra trong thế giới để làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, không phải để tàn phá nó. Tôi tin vạn vật cái gì cũng có Trời. Tôi tin Thượng Đế sinh ra con người. Tôi không hề và chưa từng bao giờ tin vào các Chủ nghiã. Tôi tin ở tinh thần nhân bản.

Advertisement

One thought on “NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Một bức tranh chúng tôi có thể ngắm nhìn và mơ mộng”

  1. Một xã hội nắm quyền… Đa số người thiếu hiểu biết ! Đó cũng là cái khổ rối rắm rồi! Huống chi cả một đất nước!Những chủ trương nếu sơ sót, thiếu tính Nhân Bản con người Điều ấy sẽ phát sinh từ điểm”Nhũng nhiễu ẩn giấu đằng sau từ Tham!”Rồi sẽ làm cho người dân khốn đốn!Một khi thân không yên ,lòng lo sợ !Tất nhiên sẽ ảnh hưởng cuộc sống -Không NiềmTin!Tìm cách bỏ chạy tự cứu lấy mình!Một cách cùng đường giải thoát trước mắt Nhân vật Tôi trong chuyện kể-Có một cái đầu suy nghĩ ,nhận định về CUỘC SỐNG -Có niềm Tin vào Đấng Thiêng liêng Đó cách giảm cái Tôi sân si Cách an ủi khi khổ nạn gặp phải..!Lòng mơ ướcThế giới mình sống”Con người có ”Tính Nhân Bản” Biết”Làm Đẹp bản thân mình”và cả cho người khác Nói chung ”Sống phải biết Làm Người để mà Sống Mà thương yêu chia sẻ cảm thông ”…Bức tranh thế giới Cuộc Sống Người với người đừng bất công tàn nhẫn Khi yên bình ổn định Thân Tâm hồn mới có thể thăng hoa mơ mộng…?

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s