DÒNG ĐỜI

Vĩnh Hiền

anhduongchantroild1

Tháng 4 năm 1981.

Hương lửng thửng đi vào khu xóm nhỏ ngoại ô của mình. Hôm nay Hương được cô cậu chủ cho nghỉ vì cô cậu bận đi ăn đám giỗ đến tối mới về. Hương thật không nghĩ ra cái cặp vợ chồng khó hiểu này. Lâu lâu lại đi ăn đám giỗ, đám cưới, đám sinh nhật, hay nổi hứng kéo nhau đi du ngoạn đâu ở tít ngoài Đại Lãnh hay trong trại cá Cam Ranh, biệt cả ngày, còn Hương thì cứ được cho nghỉ về nhà chơi, lương vẫn hưởng vì là lương tháng giúp việc, nhưng cơm nước thì phải tự túc lo bữa trưa. Cô cậu đâu có biết là về đến nhà mình thì Hương đâu có kiếm ra cơm mà ăn? Má Hương đi làm ở tận đâu đâu, chỉ “đệm ổ” ở nhà cho bé Hạnh, 8 tuổi, em gái út của Hương, một khẩu phần ăn đạm bạc, lấy đâu ra phần ăn cho Hương lót bụng ở thời buổi củi châu gạo quế này?

Cô cậu chủ tuy còn trẻ, đâu chỉ ngoài ba mươi, nhưng cách sống sao mà như già trước tuổi quá. Tiết kiệm từng lời nói, từng cử chỉ. Ở nhà ấy tịnh có nghe họ nói chuyện tán gẫu gì, chỉ trao đổi vắn tắt vài câu cần thiết. Cậu như khúc gỗ còn cô im như cái thớt vậy đó. Cũng chẳng nghe hai người cười đùa nô giỡn gì với nhau. A! Lấy nhau cũng đã gần chục năm trời rồi chớ phải? Nhiều lúc Hương nghĩ, chắc tại cô cậu không có con, vậy mà cứ sống đối mặt nhau ngày này qua ngày khác, buồn chán đến xỉu đi ấy chứ! Vui gì, hứng gì mà trò với chuyện nữa? Cậu đi buôn đường dài trên Buôn Ma Thuột, hai, ba ngày lại đi, hai, ba ngày lại về. Cô thì cứ nằm dài trong nhà đọc tiểu thuyết hay xem tivi, hay ngồi bó gối hàng giờ ngó vào chỗ đâu đâu. Ít thấy cô có bạn bè gì đến thăm, cũng ít thấy cô đi phố mua sắm, Hương chỉ thấy một lần vào cái ngày mà người ta gọi là ngày Tình Yêu gì gì đó, cô cậu chủ có vẻ vui vẻ hơn mọi khi, có cười vài tiếng, có kéo nhau đi phố cả buổi sáng, đên trưa đem về một bó hoa hồngvà lủ khủ một đống hàng. Hôm đó Hương cũng được cô chủ mua cho một xấp vải hoa và một chai dầu thơm, à không, một chai dầu gội đầu gì đó. Còn cậu chủ nhìn Hương một hồi rồi hỏi, “Nhỏ Hương này mây tuổi rồi há?” “Dạ, con được 16 tuổi rồi mà cậu chủ lại hỏi mấy tuổi rồi, làm như con còn con nít vậy á?” Cô cậu chủ nhìn nhau cười rồi cậu chủ lại hỏi, “Hôm nay là ngày Valentine Day, tức là ngày kỉ niệm về tình yêu, vậy nhỏ Hương có người yêu chưa? Nếu có thì cậu chủ gởi cho người yêu của nhỏ Hương gói thuốc lá, chịu không nè?” “Á, không, không mà!” Hương dãy nảy. Cô chủ cười hỏi, “Không là sao?” “Nghĩa là con không biết yêu đương gì hết á! Má con mà biết thì đánh con chết, cô cậu chủ ơi!

Hương vào làm cho cô cậu chủ mới được sáu tháng nay nhưng hiểu rõ tất tần tật cảnh sống đơn điệu buồn tẻ của cô cậu, giống như hiểu rõ gia cảnh nhà mình ở khu xóm nhỏ đìu hiu này vậy. Hương đâu thích thú gì việc được nghỉ một ngày để quay về nhà. Hương và Hoa, 14 tuổi, hai đứa con gái đầu, đều được mẹ cho đi giúp việc ở nhà người ta. Hương giúp việc cho cô cậu chủ thì còn ở gần gần, cách nhà chừng hai cây số, nhưng Hoa thì ở đâu tuốt trên Diên Khánh. Bé Hạnh chỉ ở nhà trông nhà, lủi thủi chơi một mình hay chơi với mấy cô bé hàng xóm trạc tuổi, cũng là con nhà nghèo thất học như nó. Hương nghĩ cũng thương em mình, cứ bị má đánh mắng, sai khiến và bò lê bò lết. Hương, Hoa đi làm hàng tháng được nhà chủ phát bao nhiêu tiền đều phải đem về cho má, rồi má sẽ cho lại hai đứa một, hai đồng ăn quà vặt. Sáu tháng nay cứ như vậy. Xấp vải hoa và chai dầu cô chủ cho cũng đem về cho má để má bán lấy tiền xài. Má có máu mê bài tứ sắc mà.

Hương vừa lửng thửng đi vào trong xóm vừa lấy tay nắn nắn túi áo. Chà! Chỉ có hai tờ 20 xu. “Thôi, cơm trưa để tính sau. Bây giờ cứ mua cho bé Hạnh ổ bánh mì thịt và bịch nước mía. Lâu lâu về nhà phải bồi bổ cho nó với. Thịt cá thì ăn nhờ ở nhà cô cậu chủ, chớ bé Hạnh ở với má, họa hoằn mới ăn được chút ít thôi.” Mấy lần trước về nhà, Hương chỉ thấy má để lại trong bếp chút tương chao hay xì dầu, với cơm độn bắp xay. Chẳng rau ráng gì. Cái năm 81 này coi vậy mà còn đỡ cơ cực túng thiếu hơn hồi năm 78, 79, toàn ăn mì lát với mì sợi, bo bo…

Hương đi rảo quanh xóm mua ổ bánh mì thịt và bịch nước mía. Về đến nhà, bé Hạnh mừng tíu tít, vừa bẻ đôi ổ bánh mì, vừa lau chau nói, “Hai chị em mình ăn đi, chị Hương! Ăn chung mới vui chớ! Hồi nảy chú Thiện đi ngang qua có mua cho em gói xôi mè rồi! Chị ăn đi!” Tội! Má đâu có bao giờ cho bé Hạnh ăn sáng?

Ngồi ăn và trửng giỡn với bé Hạnh một hồi rồi Hương nói, “Thôi, em coi nhà nghen! Chị đi rảo rảo kiếm mấy đứa bạn rồi trưa chị về.” Bé Hạnh tiu nghĩu, nhưng không nói gì thêm để níu chị nó lại. Nó đã quen với cuộc sống túng thiếu từ miếng ăn đến sự chăm sóc rồi.

Hương đi long rong trong xóm. Vắng hoe, chẳng thấy đứa bạn nào, cả trai lẫn gái. Chắc đi học hay đi làm cả rồi. Ờ, vẫn còn mấy đứa bỏ học hoặc thất nghiệp đó mà. Sao mất tích hết ta?

Trời không chút gió, nắng thì như đổ lửa, Hương ra ngồi dưới bóng mát ngoài bãi cát, ngó mông ra ngoài mặt sông đục lờ nổi đầy rác. Hương tự hỏi, giờ này má đang làm gì, hay lại đang ngồi rút bài tứ sắc với mấy bà vô công rỗi nghề ở xóm trên.

“Chị ơi chị!” một giọng nói nhợt nhạt, rụt rè trỗi lên ở phía sau Hương. Hương quay lại. “Chị làm ơn làm phước mua dùm một cây kem đi chị!” Một bé gái ốm yếu, khuôn mặt xinh xắn với đầu tóc rối bù, áo quần tơi tả và cặp mắt đỏ hoe, khệ nệ xách bên hông  một thùng sốp đựng kem cây, đang đứng nhìn Hương trân trân. Cái thùng sốp còn lớn hơn thân hình bé gái, khiến nó phải đứng nghiêng hẳn qua một bên.

Hương tròn mắt nhìn bé gái một lúc, đoạn nói nhỏ, “Chị hết tiền rồi em.” Hương vỗ vỗ vào hai túi áo. Bé gái mếu máo, cặp mắt rưng rưng, “Chị làm ơn làm phước mua dùm em. Hồi sáng tới giờ em mới bán dược có hai cây hà!” “Chị không còn xu nào hết, em ơi,” Hương lắc đầu, “Còn tiền thì chị đã mua cho em rồi. Chị nói thật đó!”

Bé gái cúi gầm mặt, đôi vai run run theo cùng tiếng khóc. “Chị ơi! Hu hu! Thùng kem gần chảy nước hết rồi, chị ơi! Hu hu! Em biết lấy tiền đâu mà về mua thuốc cho mẹ em uống hả chị? Mẹ em chết thì em biết làm gì nuôi em trai em? Nó còn nhỏ xíu hà, chị ơi!”

Hương sửng sốt, đưa tay đỡ lấy thùng sốp, mở nắp nhìn vào. Khoảng ba chục cây kem đang chảy nước nằm xộc xệch hàng nọ hàng kia bên trong nó. Hương ngẩng nhin chăm vào bé gái. Nó chỉ bằng tuổi bé Hạnh chớ mấy! Khuôn mặt dễ thương quá! Trời ơi, làm sao giúp nó đây?

Hương đưa mắt nhìn về phía khu xóm nhỏ. Chợt Hương nhận ra thằng Bốn, thằng Mỹ…A! Hai cậu này thì con nhà tương đối…không nghèo trong cái xóm nghèo này, lại đang đi làm phụ hồ mà! Dứt khoát trong túi phải có ít tiền chớ! “Ê Bốn! Ê Mỹ! Lại nói nè!” Hương ngoắc tay lia lịa, kêu lia lịa, “Lại nói nè! Bốn! Bốn! Mỹ! Mỹ!”

“Làm gì kêu như cháy nhà vậy, bà tướng!?” Bốn và Mỹ lụi đụi chạy xuống bãi cát. “Rủ đánh lộn hay cãi lộn đây?” “Con khỉ! Nè, có tiền không?” “Tự nhiên mới gặp mặt đã hỏi tiền! Xui rồi!” “Có tiền không thì nói chớ đừng ấm ớ! Có không?” “Thì có…có chút chút thôi. Làm chi vậy?” “Nè,” Hương kéo hai bạn đến gần, mở nắp thùng kem, “Thấy chưa hả? Kem chảy nước gần hết rồi nè! Tiền đâu lấy ra. Mua hết!” “Í! Chơi kiểu gì lạ vậy bà? Ăn sao cho hết thùng kem?” Mỹ vừa nhón cây kem ra vừa hỏi, “Giúp đỡ kẻ nghèo hả? Làm như mình ít nghèo lắm hả chị Hai?”
Ít nghèo hơn nhà nó,” Hương chỉ tay vào đứa bé gái đang đứng thộn mặt ra ngó ba người bạn lớn. “Má nó bệnh, em nó còn nhỏ xíu. Nếu nó bán không hết thùng kem này thì không có tiền mua thuốc cho má nó.” “Hiểu rồi,” Bốn cười rồi quay sang hỏi bé gái, “ Má em bị bệnh gì?” “Dạ, má em bị bệnh gì mà người ta gọi là bệnh sản hậu đó!”

“Sao lại bệnh sản hậu?” Hương ngạc nhiên hỏi. “Tại má em mới sinh em bé thì ba bỏ mấy mẹ con đi mất tiêu!” “Ơ!” Hương và hai bạn đồng thanh kêu lên. “Ơ, cái đồ…” Hương kéo bé gái sát lại bên mình, dịu dàng hỏi,” Em tên gì?” “Dạ, em tên Hương.”
”Ủa? Trùng tên với chị rồi. Vậy má  em làm gì?” “Má em bán xôi, còn ba em làm lung tung chuyện.” “Nhà em ở đâu? Gần đây không?” “Cách đây hai cây số, gần khu Máy nước đó chị!” “Được rồi, để lát nữa chị theo em về thăm má em nghen!,” Hương quay lại hai bạn, “Tụi mình xơi hết thùng ken nghen hai bồ!” “Nhất trí! Dọn sạch chiến trường! Bé ăn kem luôn đi bé!”

Bốn và Mỹ dốc túi ra được 5 đồng 60 xu đưa cho Hương. Hương dúi vào túi bé Hương. “Nè, tiền đây! Giữ lấy rồi lát chị đi mua thuốc tây cho má em. Ờ, mà biết mua thuốc gì đây ta?” Bé Hương lập cập rút trong túi ra một tờ giấy nhàu nát. “Tuần trước má em có đi khám bệnh. Bác sĩ cho toa này nè.” “Tốt,” Hương quay qua hai bạn, “Nhà mấy bồ còn gạo chớ gì? Đi! Chạy lẹ về nhà xúc mỗi cậu một hay hai lon gì đó, bỏ bịch ni lông đem tới đây! Có đồ ăn càng tốt!”

Căn nhà ọp ẹp, mái lợp tôn thủng lỗ chỗ, vách vừa ván gỗ vừa giấy cạc tông gán ghép xiêu vẹo. Chỉ có một cái chõng tre xộc xệch nằm choán gần hết diện tích. Người đàn bà xanh xao gầy guộc nằm thở thoi thóp dưới tấm chăn vàng ệch. Sát bên nách trái chị là một đứa bé trai quấn mình trong chiếc khăn lông màu xanh đã ngả sang màu xám. Đứa hài nhi nằm dúi đầu vào bên ngực mẹ, thân hình nhỏ xíu co ro như một mớ bùi nhùi, khuôn mặt bé tí lấp mất dưới lớp chăn, chỉ nhìn thấy mấy ngón tay đang ngọ nguậy. Hai mẹ con như đang trôi trong giấc ngủ khốn cùng.

“Má ơi, con mua thuốc về cho má đây nè!” bé Hương vừa nói vừa lay lay mẹ nó. “Có chị Hương lớn đến chơi nè má! Chỉ với hai anh bạn mua hết thùng kem luôn đó má! Để lát con nấu cháo cho má ăn nghen má!”

Thiếu phụ cố gương cặp mắt lờ đờ lên nhìn Hương, thều thào, tiếng được tiếng mất, “Chị cảm ơn em…chị…khổ quá, em à.” “Chị dậy uống thuốc đi,” Hương khẽ chặn thiếu phụ lại, “Đừng nói nhiều làm gì tốn sức chị à.”

Hương kể hết về tình cảnh đáng thương của chị Thanh cho cô cậu chủ nghe và nhận được phản ứng tức thì ngoài mong đợi. “Bệnh nặng phải đưa gấp vào nhà thương chứ!” cậu chủ la lên, gần như nạt cả Hương, “Chồng bỏ trốn, còn hàng xóm thì sao? Để cho nằm chết dí trên giường vậy mà chịu được à?” “Chết cả mẹ lẫn con luôn ây chứ!” cô chủ hấp tấp đứng dậy, mở tủ lấy tiền ra dúi cho Hương. “Đi mua liền mấy hộp sữa cho em bé đi! Mẹ nó hết sữa thì tạm cho nó uống sữa ngoại chớ sao!” “Để nhỏ Hương đưa anh đến đó,” cậu chủ đi tới đi lui, “Anh sẽ lo cho hai mẹ con chị ấy nhập viện ngay tối nay. Để chậm thì chết.” “Ôi! Đời sao có hạng đàn ông tệ bạc đến mức tàn nhẫn như vậy kìa?” cô chủ thở ra, “Anh lo bận đồ đi, rồi nhỏ Hương nó chỉ đường mà chở nó tới đó, chứ còn đứng đó mà dậm chân thình thịch nữa.” Lần đầu tiên Hương nghe được cô cậu chủ nói nhiều và nói hay đến thế!

Chị Thanh lảo đảo rồi sụp xuống đất, lạy luôn mấy cái, lệ ràn rụa cả mặt, giọng nghẹn ngào khản đặc, “Con cảm ơn cô thầy đã cớu giúp mấy mẹ con con…” “Ấy chết!” cậu chủ hốt hoảng đưa hai tay kéo chị Thanh dậy. “Đừng có lạy! Đừng có lạy! Và cũng đừng có xưng hô lung tung! Tôi hơn chị có mấy tuổi chớ bao nhiêu đâu mà thầy với con? Thôi, để nhỏ Hương thu xếp đồ đạc rồi giúp chị đem em bé vào nhà thương nằm. Còn con bé Hương thì sẽ theo chị Hương nó về ở nhà tôi, hai đứa có chị có em cho vui. Không sao hết! Đừng có cảm ơn lung tung, kỳ chết! Tôi lo được mà!”

Sau khi xuất viện, mẹ con chị Thanh được cô cậu chủ cưu mang đùm bọc suốt một năm cho đến khi cô cậu xuất cảnh sang Pháp. Cậu chủ đã mua cho chị Thanh một ngôi nhà nhỏ trong xóm nhà cậu và cấp cho chị một số tiền vốn để mở một quán bán hàng xén ngay tại nhà. Cô cậu giới thiệu cho Hương đến giúp việc nhà cho một người bạn. Quán hàng xén đủ nuôi sống ba mẹ con chị Thanh và còn đủ tiền cho bé Hương đi học. Hương và chị Thanh thường qua lại thăm viếng nhau cho đến khi Hương lấy chồng vào năm 1986 và theo chồng vào Nam thì họ bặt tin nhau.

Tháng 1 năm 201…

Phi trường Tân Sơn Nhất nhộn nhịp dang tiễn những khách đi và đón những khách đến tờ các phương trời của thế giới. Ngoài khu hành lang phía nam đã hơi thoáng đảng bởi số người đưa tiễn thân nhân đang lần lượt ra về, có một người đàn ông trạc ngũ tuần và người đàn bà khoảng 35, 36 tuổi tình cờ gặp lại nhau sau gần hai mươi năm.

“Hương vừa đi tiễn ông xã qua Nhật học khóa đào tạo kỹ thuật viên. Dạ, cuộc sống gia đình bình thường, êm ả, cậu chủ à. Hai đứa em gái của Hương, con Hoa và con Hạnh cũng đã yên bề gia thất, thậm chí còn khá hơn Hương nhiều, nhất là con Hạnh, lấy chồng bác sĩ đó anh! Dạ, sau khi vào Đồng Nai, Hương mở quán tạp hóa, còn chồng Hương, anh Bốn, may mắn được nhận vào làm công nhân của một xưởng cơ khí. Dạ, vợ chồng em đã có con, đủ tiêu chuẩn (cười), nghĩa là một trai một gái đó, cậu chủ, ơ, a, anh, quen gọi cậu chủ rồi , giờ gọi anh nghe kỳ kỳ! (cười) Cô chủ, à, chị nhà giờ sao hả anh? Ủa? Ôi, Hương xin lỗi. Ôi, buồn quá! Chị mà lại bị mất vì bệnh tim à? Qua đó mới vài tháng đã chết sao? Ồ! Chị chết còn trẻ quá! Tội! Anh về nước từ năm 90 rồi ạ? Vậy có ghé về thăm bạn bè anh, về thăm xóm nhà cũ của anh không? Có gặp mấy mẹ con chị Thanh à? Í! Cậu…anh nói sao? Chị Thanh trở thành vợ kế của anh à? Ồ! Hay quá! Thật là hay! Vậy còn chồng chị? Cái ông bạc bẽo bất nghì kia thì sao? A trời! Trở thành xì ke du đãng? Đúng rồi! Con người hèn yếu bạc nhược đến vậy mà! Ủa? Chết vì bị nhiễm AIDS hả anh? Ờ, em hiểu…Bé Hương chắc lớn lắm rồi, còn bé Tấn? Thông minh hả anh? Tốt! Vậy à? Anh bảo lãnh cho ba mẹ con qua đó cả rồi? Hay! Phục cậu chủ luôn đó! Bé Hương cũng chưa chịu lấy chồng? Sợ gặp phải người bạc bẽo như ba nó à? Sao không sợ gặp trúng người tốt bụng như cậu chủ? (cười) Em nhớ hồi đó nó cũng gọi cậu chủ là cậu chủ, còn bây giờ chắc gọi là dượng? Gọi bằng bố? A, hay quá! Dạ! Anh chị cũng đã có con với nhau rồi? Sinh đôi, một trai một gái? Trời! Tuyệt! Dạ, máy bay sắp cất cánh rồi ạ? Dạ, thôi, anh đi, thượng lộ bình an! Danh thiếp của anh đây à? Còn đây là địa chỉ của nhà em. Dạ, có số điện thoại của anh trên danh thiếp thì em sẽ gọi qua nói chuyện với mấy mẹ con. Dạ, dạ, Chào anh! Chắc sẽ vui lắm! Thôi, anh đi nghen! Cậu chủ!”

           

 

Advertisement

7 thoughts on “DÒNG ĐỜI

  1. đinh tấn khương nói:

    Một câu chuyện kết thúc có hậu và bất ngờ!

  2. Khó có những tấm lòng tốt như vậy ở xứ này, bây giờ!

  3. QUY. NGUYENHOANG nói:

    Chuyện anh Hiền kể rất cảm động. Đúng là đời sống hay có những bất ngờ và đây là những bất ngờ thú vị. Tác giả đã đề cập một chi tiết khá thật: “Bé Hương cũng chưa chịu lấy chồng? Sợ gặp phải người bạc bẽo như ba nó à? Sao không sợ gặp trúng người tốt bụng như cậu chủ? (cười)”. NHQ hơi thắc mắc là hồi đó làm gì có “tiền 60 xu”? hay tác giả nhớ đến tờ tiền giấy 30 đồng?

    • nguyễn trí nói:

      5 đồng 60 mươi xu. Hòi đó có 10 xu, 20 xu, 50 xu 1 đồng. Có nhớ 500 đổi lấy một đồng không bạn?
      20 xu mua được ổ bánh mì thịt và bịch nước mía. Cho nên 5 đồng và 60 xu là cả một gia tài…

  4. duongdientuan nói:

    Dòng đời thân phận tôi đòi!-Gặp người tốt bụng vẫn đời đợ thân!-Bởi nhỏ cho khổ quen dần…-Lớn lên có chồng biết cách tính toan…Cậu chuyện”Dòng đời” chủ tớ không phân?-Đời vẫn có những tấm lòng chân thành..-Đời Hương cuộc sống gian nan!.-Cuối cùng an phận nhờ gần cái may..-Gặp người tốt bụng ở quanh bên mình…?Dòng đời trở về yên bình-Qua đi vòng xoáy điêu linh cuộc đời..-Bao điều muốn nói cùng người..-Rằng Hương vẫn sống làm Người tốt thôi!?

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s