NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.
ĐẠI TÁ BÙI TÍN
“Tôi trở thành một người của chiến cuộc dù tôi không hề bao giờ muốn thế”
Khi Tổng thống Diệm bị ám sát vào tháng Mười Một năm 1963, tôi không nghĩ chính quyền miền Nam sẽ sụp đổ. Ngay cả sau cái chết của Kennedy, tôi cũng không nghĩ như thế. Tôi biết là cần phải chiến đấu trước đã.
Vào thời điểm ấy, chúng tôi tăng cường nỗ lực tại miền Nam. Chúng tôi quyết định phải đưa dần các đơn vị cỡ Sư đoàn vào đánh chế độ bù nhìn miền Nam. Đa số bộ đội các đơn vị này là người miền Nam tập kết ra Bắc, nhưng sau đó, chúng tôi bắt đầu tuyển mộ cả người miền Bắc.
Hai tuần sau cái chết của Diệm, tôi đã ở trong phái đoàn Bộ Chỉ Huy đến Cao nguyên tham quan tình hình tại chỗ nhằm mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, hoàn bị việc tổ chức. Tôi cũng đã tổ chức các Sư đoàn và Trung đoàn tại Cao nguyên. Về con đường mòn, lúc đầu chúng tôi chỉ có thể đi bộ, nhưng cho đến 1963, bề rộng con đường đã đủ lớn, tổ chức đã đủ tốt để chuyên chở tiếp vận bằng xe đạp thồ. Lúc ấy hãy còn lác đác máy bay Việt, Mỹ bỏ bom trên đường mòn này.
Khi Mỹ viện trợ thiết vận xa cho chính quyền miền Nam, chúng tôi không chắc có thể địch lại, vì trước đây chúng tôi chưa hề đối đầu loại chiến cụ này. Trước trận Ấp Bắc, chúng tôi vẫn chưa có đúng vũ khí với khả năng tiêu diệt thiết vận xa. Vì thế chúng tôi báo cáo Bộ Tư Lệnh để liên hệ với Liên Xô và Trung Quốc xin cung cấp cho chúng tôi những vũ khí có thể đối địch được. Họ bắt đầu tiếp vận cho chúng tôi hoả tiễn tiêu diệt thiết vận xa.
Khi Tướng Westmoreland trở thành Tư lệnh Hoa Kỳ, chúng tôi lại phải tự kiểm điểm xem chúng tôi có thể thành công trong việc đánh Mỹ hay không. Nhưng sau trận đánh với Mỹ tại Thung Lũng Ia Drang năm 1965, chúng tôi kết luận có thể chiến đấu trực diện với người Mỹ. Bấy giờ chúng tôi không dám nói có thể thắng Mỹ, nhưng chúng tôi biết chúng tôi có thể đương đầu được, thắng hay không lại là chuyện khác.
Càng ngày chúng tôi càng đạt được nhiều kinh nghiệm hơn trong những trận đánh mà Mỹ sử dụng thiết vận xa và trực thăng. Khi họ đưa ra cái gì mới, chúng tôi cũng phải có cái mới. Chúng tôi đã học được sức mạnh Mỹ, nhưng cũng thấy được những chỗ yếu của chúng tôi. Vì thế sau trận la Drang là nơi Mỹ vận chuyển lính đến bằng trực thăng, chúng tôi rút lui để suy nghĩ lại các phương án chiến đấu chống Mỹ, tìm cho ra những chiến thuật mới. Lúc ấy chúng tôi đang có vấn đề.
Tiếp đến lại tăng thêm vấn đề oanh tạc cơ Mỹ, đặc biệt B-52. Chúng tôi cũng phải suy tính cách nào đối đầu được với họ suốt dọc đường mòn Hồ Chí Minh
Tôi hết sức lo lắng, nhưng không mất niềm tin. Tất cả bộ đội chúng tôi trong suốt thời gian ấy đều duy trì tinh thần rất cao, mặc dầu không biết sẽ thắng cách nào, nhưng chưa hề bao giờ chúng tôi nghĩ có thể thua. Hễ chính phủ Mỹ dở dói đòn nào, chúng tôi đều có thể gỡ đòn ấy. Vào thời gian đầu, quả thật B-52 hết sức kinh hoàng, làm tôi cực kỳ lo lắng. Nhưng rồi quan sát kỹ các máy bay này, chúng tôi tìm được đội hình máy bay, phương hướng đánh bom trên trận địa, nhờ đó chúng tôi có thể vào hầm trú ẩn trong các khu vực mà chúng tôi nghĩ rằng bom không đụng tới.
– Làm thế nào để duy trì tinh thần bộ đội chúng tôi? Chúng tôi đã chiến đấu cho nền độc lập và cho sự thống nhất đất nước. Và chúng tôi biết sẽ sống còn trong cuộc chiến. Trong buổi đầu quả có lo ngại với những trận dội bom, vì nhiều người bị giết, đôi lúc chúng tôi đã có phần giao động không rõ có thoát khỏi các cuộc đánh phá của Mỹ không. Nhưng khi khám phá ra mặc dù Mỹ có vũ khí và kỹ thuật hiện đại, nhưng chúng tôi vẫn có thể tránh được, khi biết như thế, chúng tôi thấy có thể thắng.
Hoa Kỳ và Nam Việt Nam có phải là những đối thủ đáng kể trên chiến trường không? Tôi đã suy nghĩ việc này trong một thời gian khá lâu. Kết luận của tôi là họ có rất nhiều nhược điểm. Lính Mỹ là lính nhà giàu, đến từ một đất nước giàu, họ có đủ vũ khí đạn dược cần đến, nhưng họ cũng có nhược điểm, do đó đánh họ không khó. Chỉ nhờ nguồn tiếp vận đầy đủ thôi không đủ giúp họ vượt qua các nhược điểm ấy.
Nhược điểm lớn nhất của lính Mỹ chính là thái độ của họ. Họ thực sự không hiểu chiến đấu cho cái gì. Họ chiến đấu cho một đất nước không phải của họ. Họ nhớ gia đình. Mặc dầu phải làm tròn nhiệm vụ với quốc gia họ nhưng họ không quá quan tâm với cuộc chiến vì vậy tinh thần họ yếu. Họ lệ thuộc quá nhiều vào không lực và pháo binh. Khi bắt buộc phải đánh giáp lá cà mà không có không quân và pháo binh yểm trợ, nếu chỉ hai bên mặt đối mặt thì thường họ đâm ra hoang mang hoảng hốt.
Bộ đội miền Bắc chúng tôi chiến đấu có mục tiêu. Chúng tôi thực sự muốn giải phóng đất nước. Còn lính Mỹ đánh trận vì đó là nghề, đa số chỉ muốn hồi hương. Họ không dốc lòng vào việc chiến đấu như chúng tôi. Đây là một khác biệt chính yếu giữa đôi bên.
Tiếp theo việc ký hiệp định Pa-ri, tôi được đưa vào Nam tham dự ủy Ban Liên Hợp Quân Sự bốn bên để thanh toán các điều khoản trong hiệp định. Tôi đã đến trại Davis với tư cách thành viên phái đoàn miền Bắc mà tôi là phát ngôn viên. Tôi đã ở đây 60 ngày, và đây là lần đầu tiên tôi gặp gỡ người Mỹ. Tôi gặp Trung tướng Gilbert H. Woodward và bà vợ. Tướng Woodward là Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ trong ủy Ban Liên Hợp Quân sự. Chúng tôi đã hội họp, gặp gỡ tại Saigon, Mỹ Tho và Đà Nẵng khi làm việc với ủy ban.
Ngày 29 tháng Ba năm 1973 tôi hướng dẫn một nhóm đến thanh sát việc Mỹ rút quân. Bấy giờ tôi mặc quân phục. Tôi nhớ tôi đã chứng kiến những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Tôi bắt tay người lính Mỹ cuối cùng ra đi mà tôi còn nhớ tên là Trung sĩ Bienco. Tôi đã bắt tay anh, nói lời chào từ biệt. Tôi tặng anh một khung hình nhỏ với tấm ảnh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, cái hồ của “lưỡi gươm trở về.” Tôi chúc anh Bienco được hạnh phúc khi về đoàn tụ với đất nước anh, tôi chúc anh bình an mạnh khỏe, và hy vọng anh sẽ không bao giờ quay lại đất nước Việt Nam nữa. Sau đó tôi trở về Hà Nội đúng ngày cuối tháng ba.(*)
Năm 1975, tôi trở lại miền Nam với tướng Văn Tiến Dũng. Lần này tôi là một nhà báo. Tôi ở trong đơn vị Bộ chỉ huy, đến Saigon với toán quân Bắc Việt đầu tiên tiến vào thành phố.
Vì không có các sĩ quan cao cấp đi với chúng tôi vào Saigon, nên tôi đã phải lãnh nhiệm vụ tiếp nhận cuộc đầu hàng vô điều kiện của chính quyền miền Nam. Tôi ở trong toán gồm ba chiến xa đầu tiên tiến vào thành phố.
Nhờ có mặt ở Saigon năm 1973 và đã đi xem đường phố, nên trong các chiến xa này, tôi là người sĩ quan duy nhất biết đường đi trong thành phố. Cũng năm 1973 nhờ đã chụp hình dinh Tổng Thống mà tôi biết phải nhắm hướng đến chỗ nào. Hồi ấy trên đường đi Tân Sơn Nhất để gặp phái đoàn Hung Ga Ri, tôi đã chụp ảnh dinh Tổng Thống và vẫn giữ bên mình.
Tôi hướng dẫn các chiến xa qua các đường phố, tiến đến dinh Tổng Thống. Trở lại Saigon, tiến vào khu vực của dinh (Tổng Thống) thực là một xúc động lớn lao. Trước đấy tôi luôn lo ngại sẽ có những trận chiến xảy ra trong thành phố. Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi sẽ phải đánh chừng một tuần trong thành phố.
Rồi khi tiến vào tôi nghe có tiếng súng, tôi đoán có một trận đánh lớn đang xảy ra, nhưng chỉ là binh sĩ đang bắn chỉ thiên, báo hiệu cuộc chiến tranh đã chấm dứt thôi.
Chúng tôi lái chiến xa tiến đến dinh Tổng Thống để tiếp nhận cuộc đầu hàng.
Thực tình tôi không chuẩn bị rằng tôi sẽ là người tiếp nhận cuộc đầu hàng sau chót của chính quyền miền Nam. Chỉ tình cờ tôi đã có mặt để hướng dẫn những chiến xa đầu tiên tiến đến dinh Tổng Thống vì tôi biết nó ở đâu. Nhưng việc này không trù liệu trước, chỉ xảy ra tình cờ thôi.
Tôi được người chỉ huy đơn vị thiết giáp hướng dẫn đến gặp Tướng Dương Văn Minh. Tôi đến văn phòng Tướng Minh. Ông đứng đấy nói rằng ông đang đợi người tiếp nhận cuộc đầu hàng. Tôi nhìn quanh, thấy tất cả mọi người trong phòng đều có vẻ hết sức lo lắng. Tướng Minh mặc áo sơ mi cụt tay, vẻ mặt mệt mỏi. Trông ông như mất ngủ khá lâu, và đã mấy ngày không cạo râu. Ông nói ông muốn chuyển giao chính quyền Nam Việt Nam cho tôi “Tôi đã đợi ở đây từ sáng sớm để chuyển giao quyền hành cho ông”. Ông nói. Và tất nhiên, tôi đã nói một câu mà bây giờ trở thành nổi tiếng: “Ở đây không có vấn đề chuyển giao quyền hành. Quyền hành của quý ông đã tan tành. Quý ông không có gì trong tay để chuyển giao, vì thế quý ông không thể chuyển giao những gì quý ông không có”.
Tất cả những người trong chính quyền Nam Việt Nam đều có vẻ rất lo lắng, vì thế tôi nhìn quanh mà bảo họ “Hôm nay phải là một ngày vui của đất nước chúng ta vì chiến tranh đã chấm dứt. Nếu quý vị yêu nước, quý vị nên lấy đó làm vui mừng”. Khi nghe tôi nói thế, họ có vẻ thoải mái, không quá lo lắng nữa. Rồi để cho không khí căn phòng được nhẹ nhõm, vui vẻ, tôi hỏi thăm gia đình ông Vũ Văn Mẫu, nói vài câu khôi hài, vài chuyện vặt. Tôi hỏi thăm tướng Minh chuyện đánh quần vợt. Tôi biết tướng Minh trồng phong lan, nên tôi nói chuyện với ông về phong lan. Tôi làm họ ngạc nhiên vì tôi biết rõ mọi chuyện của họ. Tất cả mọi chuyện. Còn họ không biết chút nào về tôi cả. Hà – Hà!
Rồi tôi đến tòa Đại sứ Mỹ. Tôi chụp hình cái cây lớn ngoài tòa Đại sứ mà người ta đã đốn xuống. Rồi tôi lên mái nhà chụp ảnh với các đồng chí của tôi. Khắp nơi trên mái nhà vứt rất nhiều mũ sắt, súng ống, đồ vật ngổn ngang. Họ bỏ lại rất nhiều thứ trên mái nhà. Tôi cũng đến xem chỗ người Mỹ tiêu hủy tài liệu của họ. Rồi tôi lại ra phi trường Tân Sơn Nhất xem chỗ họ giữ các tài liệu. Lúc ấy hãy còn đang cháy.
Tôi rất vui mừng. Điều làm tôi thích nhất là người miền Nam đã đến trò chuyện, hỏi thăm chúng tôi. Những người trẻ cũng đến trò chuyện, tìm hiểu chúng tôi, để về báo cho gia đình biết. Nhân dân có vẻ hoan nghênh chúng tôi nhưng họ lo ngại. Phần tôi say sưa chuyện trò với mọi người, say sưa đi xem Saigon mà quên cả nhiệm vụ nhà báo, mãi đến chiều tối mới ngồi đặt bút viết bài về những biến cố trong ngày.
Chiều tối hôm ấy, tôi ngồi ở cái bàn giấy trên tầng hai dinh Tổng Thống viết một mạch bốn trang về chiến thắng của chúng tôi. Tôi không biết cách nào gửi bài viết ấy về Hà Nội, rồi mới sực nhớ là có thể sử dụng hệ thống điện báo tại văn phòng Tùy viên Quân sự Mỹ ở phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng khi đến đấy thì người Mỹ đã phá hủy hệ thống điện báo, tôi bèn đến trại Davis nhờ họ chuyển bài ra Hà Nội. Bài này chính là bản tin đầu tiên vê cuộc chiến từ Saigon gửi ra trong ngày hôm ấy.
Dòng đầu tiên là: “Tôi đang viết bài này trong lúc ngồi tại bàn giấy, trên tầng hai dinh Tổng Thống ở Saigon. Cuộc chiến tranh lâu dài đã chấm dứt”.
Ngày nay, người Mỹ cần nhớ rằng cuộc chiến ấy thật đáng tiếc. Đáng lẽ cuộc chiến ấy ngăn ngừa được. Đáng lẽ cuộc chiến ấy không nên xảy ra. Đây là trận chiến đáng tiếc nhất trong lịch sử Mỹ. Nhân dân Mỹ, đặc biệt chính phủ Mỹ luôn luôn tỏ ra chậm chạp trong việc nhận thức bản chất đích thực của các sự việc tại Á Châu. Bây giờ đây, tất nhiên Mỹ đã có quan hệ ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc, nhưng không có quan hệ ngoại giao với chúng tôi. Tại sao không? Chúng ta từng có lúc đã là bạn hữu vào cuối đệ nhị thế chiến. Người Mỹ từng huấn luyện chúng tôi chiến đấu lúc chúng tôi hãy còn là Việt Minh, người Mỹ cũng đã cung cấp cả vũ khí cho chúng tôi. Đáng lẽ chúng ta nên duy trì tình hữu nghị, đáng lẽ trận chiến này đừng bao giờ xảy ra. Thực bi thảm.
Ngày nay, người Việt không có gì để cay đắng về cuộc chiến này. Tại sao? Lý do là bởi chúng tôi không làm gì sai trái về phương diện đạo đức. Chúng tôi không bao giờ thả bom xuống đất Mỹ. Chúng tôi không bao giờ bắn giết tù binh và thường dân. Còn những gì lính Mỹ đã làm, chúng tôi cũng hiểu rằng họ được yêu cầu để làm cho đất nước họ mà thôi. Tôi từng nói chuyện với hơn 100 phi công Mỹ tại Hà Nội sau khi bị bắn hạ. Chúng tôi đã từng giam hơn 500 người trong tù tại đây, vào thời chiến. Đáng lẽ họ không bao giờ nên là kẻ thù của chúng tôi.
Ngày hôm nay, tôi đã rất chán nản mệt mỏi về chiến trận. Những ai đã phải tham dự chinh chiến mới biết cảm tạ hoà bình. Tất cả nhân dân thế giới đều mong mỏi hòa bình.
Tôi đã trở nên một người của chiến cuộc và chính tôi chưa hề bao giờ muốn như thế. Chúng tôi bị bắt buộc phải tham dự trận chiến. Nhân dân Việt Nam thù ghét chiến tranh. Chúng tôi yêu chuông hòa bình. Tôi yêu chuộng hòa bình.
__________________
(*) Ghi chú của tác giả Larry Engelmann: Tờ “Thống Nhất,” của Bắc Việt đã mô tả tình tiết này trong số báo ra ngày 23 tháng Ba năm 1974 như sau: “Người lính Mỹ cuối cùng bước lên máy bay tên là Bienco. Những người chiến thắng bắt tay anh, chúc anh những điều tốt lành và trao tặng cho anh một tấm bưu ảnh có hình chùa một cột ở Hà Nội. Anh lính Bienco ngạc nhiên, há hốc mồm ra nhìn họ một lúc, lẩm bẩm vài lời cám ơn, rồi bước vào máy bay. Những cánh cửa đóng lại. Chiếc máy bay Mac DC-9 40169 từ từ lăn bánh, cất cánh lên và biến mất trong bầu trời”.