BA TÂM CẢNH

Tâm Cảnh 1

Xuân lăn lông lốc vó già
Giòng đời xoáy
chặn bóng ta giữa đường
Nửa đêm vò rượu
dư hương
Nỗi niềm chưa đủ say cùng giấc say.

Tâm Cảnh 2

Bên lầu vắng
áng thơ bay
Tuôn ra khỏi cuộc lưu đày sơ sinh
Tay vàng khói
mắt vàng tình
Nửa đời lặng lẽ cố quên phiêu bồng.

Tâm Cảnh 3

Đêm về cửa ngõ mở toang
Cửa hồn cháy rực rỡ
loang bốn bề
Loang từ sơ ngộ câu thề
Loang lên tương kiến giấc mê rả rời
Đường trần tôi đuổi bóng tôi
Trăm năm chập choạng bên đời thanh xuân.

Vĩnh Hiền

Advertisement

CÓ BÀI ĐĂNG BÁO

Vĩnh Hiền

Guy-Laramee-Book-Carvings-16
Mỗi lần có dịp ra ngoại ô phía bắc thành phố, tôi đều ghé thăm và lai rai với anh bạn tôi là Nguyễn Cực Kỳ. Nhưng sau cái Tết vừa rồi thì…

Nguyễn Cợc Kỳ vửa tròn bốn chục, một mỉnh một mình, bố mẹ mất sớm, chưa vợ chẳng con, hành nghề hớt tóc làng nhàng ngay tại ngôi nhà nhỏ của chàng, tối ngày rảnh rỗi chỉ biết vui chơi rượu chè với đám bạn nhậu sồn sồn trong xóm. Tuy vậy, chàng cũng có tài làm thơ, và thơ chàng, theo tôi, cũng hay ra phết! Lâu nay, mỗi khi bốc hứng lên, chàng lại vỗ đù ngâm thơ chàng cho đám bạn nhậu cùng nghe, đổi lại được vài lời ngợi khen ca tụng qua quít lấy lòng. Một hôm, trong bàn nhậu tình cờ có một nhà thơ, tầm cỡ cũng thường thường bậc trung, vui miệng, mà cũng để làm vui lòng chàng, đã khuyên chàng thử gởi thơ chàng cho báo xem sao. Thơ chàng đâu phải loại xoàng, đâu phải loại hò vè ca dao cạo? Sao không để cho người đời biết đến, được cùng thưởng thức, mà cứ để cho mai một đi, chỉ phổ biến trong phạm vi nhỏ bé của bàn nhậu và mấy ông bạn sồn sồn? Biết đâu được? Gởi các báo xem sao? Trước hết gởi các báo tỉnh, lỡ không được đăng thì chỉ tốn công ngồi sao chép, tốn thêm vài đồng tem bì, chẳng ăn thua gì! Thế là chàng cặm cụi sao chep mười bài thơ của chàng rồi gởi đi cho năm tờ báo tỉnh. Gởi xong, bận bịu với nghề hớt tóc, và với mấy chầu nhậu giải sầu mỗi chiều, chàng quên bẵng chuyện ấy đi Tiếp tục đọc

Con Mèo Hitler

Vĩnh Hiền

hitler_cat_4

Con mèo Hitler đến nhà tôi từ lúc nào không rõ, nhưng điều chắc chắn là hồi đó chúng tôi còn hít thở một cách vụng về, và chắc chắn là nó đã thuộc lớp mèo cựu trào, đầu óc hãy còn váng vất những cơm thừa canh cặn của đế quốc để lại. Câu chuyện về nó dường như là một đề tài tiểu thuyết khá hấp dẫn để thử ngòi bút, đó là ý kiến của thằng em kế tôi, vốn hắn có chút liên quan mật thiết với phần cuối cuộc đời của con mèo; và đó là việc mà độc giả sẽ biết sau.

Hồi đó, nhà tôi còn rộng thênh thang như một cái trại chăn nuôi, mặc dù đứng ngoài đường ngó vào tòa kiến trúc cổ lỗ cả trăm năm, người ta dễ lầm tưởng đó là một tòa đình, miếu, hay cái gì đại loại như thế. Thực vậy, ba mẹ tôi đã phải chăn nuôi cả một bầy con lúc nhúc, và bọn tôi, cái đám gia súc bạc bẽo vô tình, cứ lúc nhúc mãi một chỗ.

Đời sống như vậy quả nhiên là khó khăn, tuy rằng nhà bếp lúc nào cũng thơm mùi mỡ hành, và sau mỗi bữa ăn, bao giờ chị bếp cũng thu dọn một mớ xương cá cơm thừa đem tống khứ vào thùng nước mã. Mùi thơm của thức ăn có lẽ đã làm nhột mũi con mèo và dẫn dắt nó đến tá túc tại nhà tôi. Và khi nhận thấy ở cái trại đông người này có thừa lương thực để cung cấp cho cái bụng nhỏ xíu của một con mèo, và cái bếp cao ráo phủ đầy tro có vẻ là chỗ ngủ lý tưởng, con mèo Hitler bèn quyết định gia nhập vào đời sống cộng đồng của nhà tôi, chấm dứt, không biết là cuộc sống nào dó ở một căn nhà nào đó trong vùng, hay là cuộc sống lãng tử lang thang của một chú mèo hoang Tiếp tục đọc

Cố Nhân

Vĩnh Hiền

Screen Shot 2013-05-11 at 11.20.59 PM

Anahata Katkin

Hắn dừng chân bên tủ thuốc lá ở đầu phố và hỏi mua một gói Cotab. Hắn hơi ngạc nhiên vì mải đến nửa phút sau mới có một bàn tay nhỏ nhắn từ phía sau tủ đẩy gói thuốc lên trên mặt tủ kính, nhưng vì lúc ấy hắn đang mải nghĩ đến cuộc hẹn sắp tới với Hiệp và Thành nên hắn chẳng mấy chú ý đến chủ nhân của bàn tay nhỏ nhắn kia và nguyên cớ vì sao gói thuốc lại đưa ra chậm trễ thế kia. Khi móc tiền ra trả, hắn mới kịp bắt gặp một ánh mắt đen láy đang nhìn hắn đăm đăm. Và ánh mắt ấy cứ vương vấn, đeo đuổi trong tâm trí hắn suốt cả một quãng dường. Nhưng khi đến chỗ hẹn, nghe Hiệp nói qua về công việc làm ăn sắp tới của bọn hắn, hắn bèn quên khuấy luôn ánh mắt của cô nàng bán thuốc lá kia.

Hắn vốn là một con người thực tế, hơi khô khan, đầu óc không có khoảng trống nào dành cho thứ tình cảm lãng mạn một cách viển vông, mà chỉ chứa đầy những phi vụ làm ăn và các con số. Hắn cảm thấy khá bằng lòng về việc ấy, và thường nhìn những cuộc tình của bạn bè bằng cặp mắt dửng dưng, ơ hờ. Chẳng thế mà đã 28 tuổi đầu rồi, như người ta thường nói, hắn cũng chẳng có được một mảnh tình rách dắt vai cho đẹp với đời. Thật ra hồi còn đi học, hắn cũng có lơ mơ để ý đến một cô bạn gái cùng lớp, rồi sau đó, hơi hơi chú ý đến một cô bé hàng xóm hay chạy qua nhà hắn mượn bàn ủi – cô bé mà hắn chẳng biết tên, chỉ gọi là “con bé mượn bàn ủi”. Nhưng chỉ là lơ mơ nghĩ đến mà thôi, chứ hắn chẳng có hành động hay lời nói nào để yểm trợ cho ý nghĩ của mình. Rồi thời gian trôi qua, hắn lớn dần lên, rời khỏi thành phố quê hương, rời khỏi ghế nhà trường, vào Nam và lao vào cuộc sống tất bật  để mưu sinh. Công việc làm ăn càng khiến hắn không có thì giờ để mà nghĩ vơ nghĩ vẫn đến chuyện yêu đương tình tự. Chiều hôm ấy, trên đường về nhà, bỗng dưng ánh mắt đen láy kia lại hiện lên trong đầu hắn. Quái thật! Hắn buột miệng nói thành tiếng, “Chẳng lẽ mình lại bị cặp mắt kia ám ảnh sao?” Hắn tự nhủ. “Buồn cười. đến nổi khuôn mặt cô bé ra sao mình cũng chẳng kịp nhìn cho rõ, chỉ nhớ mỗi đôi mắt ấy mà cứ khéo nghĩ vẩn vơ! Tiếp tục đọc