CẬU UN “EM CHẢ! EM CHẢ!”

khuatdau

Ngay sau khi cái đám tang vĩ đại của ông bố vĩ đại trong giá rét vừa mới khô nước mắt, người kế tục phì đồn, qua thông cáo của bộ quốc phòng, đã ngạo mạn tuyên bố với cả thế giới rằng, sẽ không có gì thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Triều Tiên. Và rằng, những nhà chính trị ngu dốt (Mỹ) và những kẻ bù nhìn (Hàn Quốc) đừng có mà mơ tưởng hão.
Như thế, có nghĩa rằng Triều Tiên vẫn vét cạn hết tài lực trong nước để chế tạo bom nguyên tử và hỏa tiễn có gắn đầu đạn hạt nhân, tiếp tục hù dọa hai anh nhà giàu hàng xóm là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đầu năm mới, sau khi đã được bầy đàn thuộc hạ thề sẽ đem tính mạng của mình, chiến đấu tới giọt máu cuối cùng để bảo vệ cái ngai vàng tân hình thức, đại tướng Kim Jong Un chưa một ngày vào lính đã tới xông đất sư đoàn thiết giáp, một trong những sư đoàn hùng mạnh (hay ảo tưởng hùng mạnh) trong đội quân đông nhất thế giới (1,2 triệu người).
Có thể nay mai, cậu sẽ noi gương các đồng chí Việt Nam anh hùng, đánh cho Mỹ cút, Hàn nhào để giải phóng miền Nam. Rồi đây, trên 50.000 người đăng ký thi tiếng Hàn, những ai không trúng tuyển làm cu ly cho tư bản Hàn Quốc có thể sang bắc Hàn làm cố vấn quân sự.
Với đám dân sắp chết đói vì làm việc đến 12 tiếng một ngày không lương cũng đừng có mà mơ giấc mơ đổi đời bằng cách vượt biên qua ngã Trung Quốc. Hàng chục vạn binh sĩ được điều động lên phía bắc, kết thành một bức tường Bá Linh kiểu mới với vũ khí được trang bị tận răng, được lệnh bắn bỏ bất cứ ai có ý đồ hay nghi ngờ có ý đồ đào thoát khỏi cái trại súc vật. Chẳng những bắn bỏ không thương tiếc mà còn cắt tem phiếu, đem ra đấu tố cả ba họ liên lụy! Nghĩa là cứ một người vượt biên sẽ có ít nhất 50 người nữa phải chết đói hay chết rét trong trại cải tạo.
Đúng là phong kiến định hướng xã hội chủ nghĩa có khác, một thái tử vừa mới lên nối ngôi liền hỗn láo với lân bang và hăm dọa dân chúng thay vì như trước kia, nhún nhường với lân quốc và ân xá tù nhân để lấy đức.
Khi Kim Jong Il còn tại thế, các nhà bình loạn Việt Nam thường gọi đùa là Chí Phèo! Nhưng nay, một Kim Jong Un chưa tới 30 tuổi mà bụng đã to như thùng nước lèo, mặt búng ra sữa, thì cậu út cầu tự của họ nhà Kim lại rất giống với thằng Phước “em chả, em chả” được nuông chiều rất mực của bà phó Đoan!
Thế là bà cô đại tướng phải chiều, ông dượng nhân vật số hai cũng phải chiều, bộ chính trị lại càng phải chiều.
Bởi vì xem ra, cái chức đại tướng 4 sao chẳng là cái đinh gì đối với cu cậu, nếu không được sờ vào các nút bấm hỏa tiễn có gắn đầu đạn hạt nhân. Có được cái bảng điều khiển trong tay, cậu sẽ bấm búa xua như bọn trẻ con chơi game.
Èng! Èng! Này Tokyo cháy!
Èng, Èng! Này Seoul cháy!
Èng, Èng! Kìa tàu sân bay Mỹ nó nổ tung!
Đã quá đã!
Nên chi, khi Kim Jong Il vừa ngỏm cù đeo, Obama mặc dù vừa mới thở phào nhẹ nhõm vì Bin Laden và Gadaphi bị giết, đã phải cuống lên bởi một thằng oắt con đang sở hữu trong tay vũ khí giết người hàng loạt! Thực ra, không chỉ có Mỹ, Hàn, Nhật mà còn có cả Nga, Tàu…đều sợ xanh mặt vì sự ngứa tay nghịch phá của cậu Un “em chả”!
Và, nếu nhìn những bức hình hiếm hoi của các nhân vật vây quanh, ta có thể thấy được nét mặt đau khổ như bị bệnh trĩ của bọn họ. Không phải đau vì Il chết mà vì mình có thể bị toi mạng bởi thằng nhóc còn chí phèo hơn cả bố này.
Tuy nhiên, những kẻ nghèo rớt mồng tơi như hai lúa Việt Nam mình thì chẳng việc gì phải sợ.
Tại sao ư? Tại vì những trái bom nguyên tử và những hỏa tiễn đó thực ra là của anh ba Tàu cho mượn để che dấu cái sự yếu đuối bất lực của bắc Hàn ( nếu ngon đã giải phóng nam Hàn từ khuya rồi). Đó là chưa kể, với một sư phụ chuyên làm đồ dỏm, thì chắc gì đó là đồ thiệt. Mà dẫu cho là đồ thiệt thì chắc gì con cháu Tào Tháo lại chịu giao ngòi nổ cho một thằng “em chả” mới lên ba đã đòi nghịch súng!
Thế giới sẽ không vì Kim Jong Un mà xảy ra thế chiến thứ ba. Thế giới chỉ có thể sẽ cười to hơn vì những trò “em chả” “em chả” và thương xót dân Triều Tiên hơn vì lại phải tiếp tục sống dưới một chế độ vừa hà khắc vừa khùng điên.
Cả vận mệnh của hai mươi bốn triệu người trao vào tay một thằng “em chả” như thế, thật đáng hổ thẹn.
Nếu không có Nga, Tàu chống lưng, nếu không có Libya (khi Gadaphi chưa chết), Cu Ba (để tang 3 ngày) liên danh ma quỷ…thì bắc Triều Tiên đã tự hòa nhập hòa tan từ lâu rồi trong một Hàn quốc giàu mạnh.
Nhưng, lại thêm một chữ nhưng sướng tái tê, cũng có thể sau khi uống hết những chai rượu Tây trong hầm và xem hết mấy chục ngàn bộ phim Mỹ của Kim Jong Il để lại, một sáng đẹp trời nào đó, bỗng Un bất ngờ đuổi hết cái đám ngu trung mà quay ngoắt 180 độ, bắt tay với Nam Hàn để thống nhất đất nước.
Biết đâu đó, thánh nhân nhiều khi đãi kẻ khù khờ!

KHUẤT ĐẨU

Advertisement

TIẾNG CÒI TÀU

buithanhxuan

Mưa rả rích. Bức vách trống trước hở sau không che đủ kín căn nhà ọp ẹp nằm cạnh đường tàu. Gió tạt hơi lanh vào thổi tung bức màn ngăn đôi bên này, bên kia căn phòng không lớn dành cho ba người. Chị và đứa con trai bốn tuổi một bên. Phần còn lại là của anh.
Chiếc võng treo ở chái bếp phía dưới. Qúa nửa khuya rồi nhưng anh vẫn nằm đong đưa, mắt lim dim không ngủ chờ đến giờ chở chị về. Như người ở trọ. Hằng ngày anh có nhiệm vụ chở đi bất cứ đâu chị yêu cầu. Trông họ như vợ chồng nhưng thực ra không phải vậy. Cũng không phải mèo mã gà đồng hay rổ rá cạp lại. Cũng không là già nhân ngãi, non vợ chồng. Chỉ là những con người khốn khổ tìm dựa vào nhau mà sống.
Còn phải hơn một tiếng nữa chị mới xong ca đêm nay. Chiếc võng kêu cọt kẹt. Âm thanh nghe buốt tim. Anh đếm từng tiếng rít giữa sợi giây và cái móc sắt.
Bốn trăm mười ba. Bốn trăm mười bốn….
Hai mươi tuổi, anh lên đường gia nhập quân đội tham chiến tại Campuchea khi đang học năm thứ ba đại học Bách khoa. Ba năm lăn lộn trên chiến trường, rừng núi là nhà. Thỉnh thoảng cùng vài đồng đội vào buôn làng chọc ghẹo mấy cô gái Thượng. Xuất ngũ trở về bỗng nhiên ngẫn ngẫn ngơ ngơ, nửa khôn nửa dại.
Đây là đêm thứ bao nhiêu trong hơn một ngàn đêm anh chờ chị..
Chiếc võng đong đưa. Năm trăm hai bảy. Năm trăm hai tám..
Chị là một goá phụ, lớn hơn anh hai tuổi. Chồng chị chết trong trại cải tạo bốn năm trước . Hai mươi sáu tuổi, chị bơ vơ tuyệt vọng nhưng đứa con thơ dại thúc giục chị phải sống, phải chiến đấu từng ngày cho con được tồn tại. Một thời tiểu thư kiêu sa chân yếu tay mềm biết làm sao. Khốn khổ đẩy chị ra đường bán cái mình có. Khách hàng của chị thường là đám đàn ông lái xe, Nhất là đám quá cảnh sang Lào. Bọn này lắm tiền nhưng ít học lại ưa huyênh hoang, khoác lác. Thời hoàng kim của đám ít chữ nhưng may mắn. May mắn của bọn chúng cũng là một phần may mắn của chị
Anh nửa dại nửa khôn nhưng được cái hiền lành. Lúc khôn nói chuyện như nhà hiền triết. Lúc dại lại gọi tên Y’ Hien, Y’ Lo, Y’ Lắc đố mà biết anh gọi ai. Rồi họ gặp nhau, anh có thêm công việc chạy thồ còn chị đỡ tốn một khoản tiền khá lớn cho việc đi lại.
Ngày tháng qua. Cứ tưởng mọi việc như thế nhưng không dễ cho hai con người cô đơn sống gần nhau
Tủ thuốc lá đặt bên đường là bình phong cho cái sự cần cù, chân chính của chị. Hằng ngày chị ngồi ở đó. Thỉnh thoảng anh lại thay mặt những khi chị cần phải đi. Chiều nay chị co ro trong chiếc áo lạnh bạc màu, ho sù sụ. Đứng bên cạnh có tên tài xế nói giọng Bắc bảo cần chị đêm nay..
Cót két! Cót két! Tiếng võng cứa vào tim. Anh lầm bầm “ Đ. mẹ! Đời sao khốn nạn thế.”
Ba năm rồi anh sống chung trong căn nhà cùng chị và đứa trẻ. Những đêm yên lành, anh bên này chị bên kia không nghĩ ngợi, không ham muốn. Anh thản nhiên như không nghe không thấy mỗi lúc chị tiếp những gã đàn ông nhơ nhớp trên chiếc giường của chị. Tấm màn phất phơ tuột ra phơi bày trước mắt anh đôi chân chị xoạc dài nửa trên nửa dưới. Tiếng rên xiết, thở hì hục của gã đàn ông bóp chặt lồng ngực anh.
Có khi anh nhìn thấy gã đàn ông ôm ghì lấy chị thật chặt, từ hôm trước đến hôm sau ở trên giường với hắn. Làm tình, rồi nghỉ nói chuyện, chuyện chán lại làm tình. Anh biết chị bải hoải, chỉ hắn là sung sướng thỏa mãn. Một đêm là bao nhiêu cuộc mưa gió. Chị cố làm hắn thỏa mãn để ngày mai không phải sống trong địa ngục.
Anh đau thắt lồng ngực. Sờ xuống bụng dưới của mình, cười miễn cưỡng.
Anh trở mình trên võng, đạp chân vào vách. Chiếc võng lại đong đưa. Sao thế này? Đã bao lần anh mất ngủ lúc phải đợi chị về. Anh thương chị. Người phụ nữ mãnh mai, yếu đuối này buộc phải làm cái việc nhơ bẩn đáng khinh. Anh giận chị. Từ lâu anh đã khuyên chị bỏ nghề để anh đi làm nuôi chị và đứa trẻ. Chị bảo không muốn sống bám vào anh.
Mưa vẫn rơi đều đều, chậm rãi. Anh đang ngấu nghiến nỗi đau. Tiếng võng rít gắt gỏng như tiếng còi xe.
Nhưng rồi anh cũng chẳng làm được việc gì để giúp đỡ ngoài cái việc hằng ngày chở chị đi đến nơi nào đó. Nơi có gã đàn ông xa lạ giày xéo thân xác chị. Anh giận chị, không rõ nguyên nhân vì sao. Nhưng rõ ràng chuyện của chị như thế xảy ra hằng ngày là hiển nhiên. Anh thù hận những gã đàn ông ấy. Căm ghét chúng, những tên nằm đè trên bụng chị. Anh hình dung và ghê sợ chị còn phải chịu trận những kiểu hành hạ đòi hỏi quá đáng. Có phải đó là nhiệm vụ, là con đường duy nhất để tồn tại cho mỗi ngày qua đi.
Tiếng còi tàu thét lên trong đêm mưa. A! tiếng còi của chuyến tàu thứ tư vừa chạy qua đây. Gần đến giờ phải đi chở chị về.
Thôi được rồi, thưởng thức đi đã. Nỗi đau thân phận đâu có ngọt ngào.
Không có một tia hy vọng cho cả ba người, anh cũng cố tin và trân trọng vào những đồng tiền chị kiếm được mang về là lương thiện. Những món ăn đạm bạc hằng ngày có một mùi hấp dẫn như trên bàn tiệc nhà giàu sang trọng.
Ba ngàn hai trăm bốn bảy. Ba ngàn hai trăm bốn tám…
Tiếng cót két phát ra giữa sợi dây và chiếc móc sắt đều đều cứa ngọt trái tim anh. Mười lăm phút nữa anh sẽ bật dậy đi chở chị về.
Người ta nói tình yêu là thứ gì đó không thể giải thích được. Nhiều tối anh lại đong đưa trên chiếc võng rồi khóc, rồi cười. Tình cảm anh dành cho chị nó không rõ ràng như những thứ chị mang về. Nhưng có thứ gì đó đang vỡ trong lồng ngực khi anh nhớ lại đôi mắt đọng đầy nước mắt của chị sau đêm bị người đàn ông hành hạ vì không làm cho hắn thoả mãn. Trong mắt chị không hề có một hận thù nào mà chỉ toàn nỗi đau.
Ba ngàn ba trăm mười lăm. Ba ngàn ba trăm mười sáu..
Tiếng cót két nhỏ dần rồi im bặt. Anh lịm dần trong giấc ngủ mê
Cuộc đời sao quá bất công. Anh đã phí tuổi trẻ của mình trong những năm lăn lộn trong núi rừng. Không biết mình đã hi sinh giảng đường đại học cho cái gì. Dưới làn tên mũi đạn anh trở về hình hài nguyên vẹn nhưng lại mất đi nhiều thứ. Những thứ bình thường của một con người anh cũng chẳng còn được bao nhiêu. Đáng lẽ anh đã có một gia đình êm ấm, một người vợ xinh đẹp và một địa vị xã hội chứ không phải cái thân phận sống bám vào người phụ nữ làm đĩ. À, mà không! Chị là một con đĩ có học thức, có lương tri hơn khối con mẹ đỏng đãnh phết sơn, trong đầu đặc sệt những tính toán đời thường. Một con đĩ bất đắc dĩ như chị hơn khối mẹ khoác lác trí tuệ nhưng không biết mình đang nói gì. Những ngôn từ cao siêu phát ra từ những cái mồm thối tha, bẩn thỉu.
Với chi, anh biết cuộc chiến đã lùi xa và sự khủng khiếp để lại của nó là điều chị không thể hình dung và tưởng tượng ra trước đây. Điều đang xảy ra với chị bây giờ nó kinh khủng hơn vết thương lở loét bởi chiến tranh. Không có máu đổ, không băng bó nhưng lại đau đớn hơn ngàn vết cắt. Nó không là cơn sốt nhưng nóng rát. Không là cái rét nhưng tê dại. Nó là sự đánh mất nhân phẩm, giá tri. Nó tạo nên sự hỗn loạn, hoang mang của người thua cuộc chịu khuất phục bởi những kẻ cao ngạo đôi khi đến tàn độc của người chiến thắng. Chiến tranh chưa hẳn đã tàn độc. Con người là nhân tố tạo nên điều này.

Vĩnh Nguyên, tên thằng con trai sáu tuổi của chị cứ quấn lấy anh. Nó mừng rỡ gọi Ba khi anh đi đâu trở về. Có lẽ nó giống cha bởi nó có khuôn mặt không giống chị. Thằng bé đẹp như thiên thần, đáng yêu quá.
Anh bắt đầu nhớ mỗi khi chị vắng nhà. Chẳng biết vì sao anh lại nhớ người phụ nữ một con làm đĩ này. Chỉ biết rằng sau một lần cãi vã anh nhận ra rằng mình đã yêu chị nhưng lại không đủ can đảm tôn vinh cái hạnh phúc mà mình có thể với đến được. Một điểm sáng le lói thúc giục anh bước tới giành giật lại chị từ phía những người đàn ông khốn kiếp kia. Anh đã không đủ can đảm làm điều này để giành giật chị khỏi những bàn tay bẩn thỉu, đê tiện ấy
Phải quay về. Phải trở lại. Anh cần có một gia đình êm ấm. Chị cần có anh chở che và quên đi những tháng ngày cơ cực không được làm người tử tế.
Tiếng còi tàu thét vang!
Tiếng kẻng đánh thức trong doanh trại quân đội bên kia đường khiến anh choàng tỉnh. Tiếng vội vã của bánh sắt siết trên đường ray. Năm giờ sáng trời vẫn tối đen. Anh giật mình, hối hận vì đã lỡ ngủ quên, bật người đứng dậy, xô mạnh cánh cửa bước ra ngoài.
Có tiếng rên yếu ớt bên cạnh bụi cây dâm bụt trước nhà. Chị đang nằm vật dưới sân nền ẩm ướt, bàn tay nắm chặt nhánh cây đến bật gãy. Anh hốt hoảng chạy về phía chị, bế thốc thân hình mềm nhũn. Trong ánh đèn đường loang loáng dưới mưa anh nhận ra vết bầm trên khuôn mặt tái xanh. Ôm chặt chị vào lòng anh chạy như điên, băng qua hai ngã tư đến trạm xá. Anh gào lên khi hơi lạnh từ thân thể chị thấm vào cơ thể mình.
Chị bất động và có cái gì như đang vỡ, tan dần khi anh ôm chị bước qua cánh cửa trạm xá.
Mọi thứ lịm tắt. Nước mắt anh chảy trên khuôn mặt tái xanh và đôi mắt chưa kịp khép lại của chị.

*****
Ba mươi năm sau
Anh bây giờ là một doanh nhân thành đạt, đã có một gia đình hạnh phúc cùng người vợ thuỷ chung cùng hai con trai. Con trai đầu Trần Vĩnh Nguyên là kỹ sư xây dựng đi du học ở Pháp về, còn cậu em đang là sinh viên kiến trúc tại Singapore.
Ngôi nhà bên đường ray tàu lửa đã được sửa sang lại nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc cũ. Giữa nhà có bàn thờ của chị. Vợ chồng anh hằng ngày về nhang khói cho chị. Di ảnh người phụ nữ vẫn luôn nở nụ cười duyên dáng, đôi mắt long lanh ẩn sau cặp kiếng cận nhìn vợ chồng anh như muốn gởi gắm điều chị chưa làm được cho con mình.
Đôi khi lúc gần sáng anh một mình chạy xe về thắp nhang cho chị. Nghe tiếng bánh sắt siết trên đường ray lòng anh đau đớn lắm. Anh nhìn chân dung chị trên bàn thờ, vẫn mĩm cười không oán trách.
Tiếng còi tàu u u vang lên trong đêm gần sáng nhắc nhở anh tháng ngày khốc liệt đã qua. Nó vang mãi như bản giao hưởng dài vô tận.
Quên được không?
Thời gian trôi nhanh đi một khoảng dài trong đời người, anh vẫn khắc khoải đợi tiếng còi tàu. Nó mênh mang, day dứt năm này qua năm khác.
Làm sao quên !
Đà Nẵng 17/08/2014
Bùi Thanh Xuân

BẦU TRỜI RỖNG

thuyvi

Lần nào cũng vậy, cứ hễ xem lại hình ảnh khủng bố ngày 9 tháng 11 năm 2001 là lòng tôi sôi lên mang đầy phẫn hận. Vì mang tâm cảm như thế nên mới đây, hôm tuần rồi có dịp được ghé sang New York tôi cố tình chọn chiếc váy đỏ thẫm màu máu mặc đi cùng áo đen tuyền tang tóc để viếng nơi thảm sát.

Đúng là New York lúc nào cũng nhộn nhịp với từng đoàn du khách đông nghịt và cư dân thì hối hả trong những sinh hoạt mọi ngày nên xe cộ như bị mắc nghẽn không lối thoát trong những con đường chật chội dọc ngang như mạng lưới vì thế những người ở xa như chúng tôi không làm sao kiếm được chỗ đậu xe để tôi có thể bước chen trong dòng người về phía tòa nhà chọc trời cao 80 tầng bằng kính và thép đang được xây cất trên nền đổ nát hình dáng vươn cao lên như con phượng hoàng cất cánh từ tro tàn như lòng hằng mơ ước.

Tòa nhà mới này đáng lẽ mang tên the Freedom Tower, sau được đổi một tên khác nhưng tôi lại đặc biệt thích tên này.

Tòa nhà Freedom Tower đã ngạo nghễ vươn cao trên nền trời ở phía nam quận Manhatttan trước tầm mắt nhìn vòi vọi tiếc nuối của người viết sau khung cửa xe từ từ chạy qua con đường đầy nhốn nháo.

Theo báo chí đây là một tòa nhà hình tháp bút, cao 541 mét, xây ở tây bắc khu đất này. Để đề phòng trường hợp bị tấn công bằng xe bom, 20 tầng phía dưới cùng sẽ không có cửa sổ, xây bằng bê tông cốt sắt và bao quanh bằng kính. Những tầng phía dưới cùng của tòa nhà sẽ chỉ để chứa những hệ thống như máy phát điện hoặc điều hòa không khí.

Cũng bao gồm trong dự án là một đài tưởng niệm, ghi tên hàng ngàn nạn nhân của hai vụ khủng bố vào Twin Towers đã được khánh thành vào ngày 12 tháng 9 năm ngoái. Bên cạnh đó đài tưởng niệm ghi khắc tên hàng ngàn nạn nhân trong vụ khủng bố thảm sát được che phủ bằng bóng mát của hàng trăm cây sồi với một thác nước mang một ý nghĩa nào đó.

Không đến được nơi tôi muốn đến nhưng may mắn thay khi ghé viếng tượng Nữ Thần Tự Do, tôi tình cờ được đến khu dành để tưởng niệm 746 dân cư tiểu bang New Jersey bị giết được mang tên “Bầu trời rỗng” tại công viên Liberty State.

Tôi bước từng bước ngắn chiêm ngưỡng khu tưởng niệm mô phỏng hai khối Twin Towers làm bằng loại thép không gỉ cao 9 mét, mang ý tưởng thật độc đáo nằm bên này Hudson River lồng lộng gió nước, với tâm trạng bùi ngùi chăm chú đọc tên những người bị giết và thấy khuôn mặt tôi buồn bã hiện lờ mờ trên trên vách thép trắng loang loáng thật lạnh lẽo hai bên như đi giữa khung cửa hẹp. Tôi thẩn thờ nhìn quanh như thấy đâu đây những khuôn mặt chưa nguôi ngoai lòng xót thương về cảnh chết bất ngờ đầy kinh hoàng của các nạn nhân vô tội trong biến cố thảm sát ngày 11 tháng 9 năm 2001 hôm đó.

Tự dưng tôi cảm thấy khó thở, một cảm giác mệt mỏi đen tối mãnh liệt và tuyệt vọng trùm lên người tôi như một lớp sóng. Tôi thấy ngột ngạt và có ý muốn khuây khỏa nỗi lòng bằng cách bước ra ngoài đi dạo trong không khí ấm áp và mát mẻ trên con đường giống như lối đi trong một hoa viên dưới bầu trời huy hoàng mùa hạ. Đang đi, tôi sựng lại. Hai mảnh sắt màu nâu nhám sù sì được đặt trang trọng trước mắt mà ai cũng biết đó là những mảnh vụn được giữ lại từ toà tháp đôi đổ nát. Hai mảnh sắt vụn đó ai cũng biết là chứng tích của gần 3000 thân thể người dân vô tội bị giết nát bấy, là chứng tích của dòng máu đỏ thắm của 84 quốc gia, là chứng tích của hàng vạn đứa trẻ mồ côi, là chứng tích của hàng vạn cảnh đau thương không có ống kính hay ngòi bút nào có thể ghi lại đầy đủ mọi góc cạnh tác hại của thảm nạn khủng bố của ngày hôm đó….

Bỗng nhiên nước mắt chao động lấp lánh sau cặp kính mát khiến tôi chập chờn thấy khung cảnh trước mắt trở nên dật dờ như một thế giới mông lung. Khoảnh khắc trôi nổi giữa mịt mù như hòn đảo giữa đại dương làm tôi ngầy ngật như bị xô đẩy cuốn trôi quay tròn như trong con xoáy.

thụyvi
(Hầm Nắng, ngày 7 tháng 9 năm 2012)

CHIỀU ĐANG CHẬP CHOẠNG…

tonnuthudung

( truyện dành cho trẻ con)

Tóc Đuôi Gà ngồi đong đưa trên bức tường đá thấp, ngắm nắng chiều đang rơi dần về bên kia núi . Cảm giác mệt mõi , buồn bã ngập tràn khuôn mặt bầu bầu của nó. Nó chỉ muốn ngồi ở đây, chờ Nhóc đạp xe qua, nó sẽ ném mấy quả thông khô để Nhóc giật mình, loay hoay nhìn quanh tìm kiếm… và khi thấy Nó thì cười thật tươi , khoe cái răng cửa mẻ …
Nhưng nó biết, chiều nay Nhóc đi học Anh văn, Nhóc ngồi cạnh Sóc Nâu, Nhóc và Sóc Nâu là một đôi bạn cùng tiến do cô Giang chia trong lớp, hai đứa sẽ luôn conversation với nhau như hai con két màu mè sặc sỡ.
– Hello !
-Hi !
-How are you ?
-Thank you, I’m very well .
( Hoặc nhão nhè nhão nhẹt ):
-Not very well. I have a cold ( I’m sick , sad , angry …. Đủ thứ đau thương khác !!!)
Đại khái vậy … Nhưng đôi mắt Nhóc sáng rực lên và rèm mi của Sóc Nâu thì chớp chớp điệu đàng như đang đứng trên sân khấu . Nhiêu đó đủ để Tóc Đuôi Gà thấy ghét đến độ không thèm đi học nữa mặc cho cô Giang tới nhà hỏi han và Nhóc đã rất ngạc nhiên khi Tóc Đuôi Gà nghỉ ngang xương. Tóc Đuôi Gà ra tối hậu thư :
– Tui đi bơi vào mấy chiều Ba , Năm , Bảy . Nhóc có đi với tui không ?
– Ngày khác đi Tóc Đuôi Gà, Mấy chiều đó mình phải đi học Anh văn mà !
Xời , học Anh văn !!! Tóc Đuôi Gà rất muốn khóc và muốn hét lên : Đồ phản bội. Nhưng vốn bản tính kiên cường và can đảm , Tóc Đuôi Gà chỉ mím môi , lạnh nhạt , hững hờ :
– Vậy thì thôi.
Những chiều Ba , Năm , Bảy , Tóc Đuôi Gà nhào xuống hồ bơi , bơi đến mệt nhoài… dù Nó chẳng việc gì phải tập bơi điên cuồng đến vậy … nhưng nếu không bơi thì Nó biết làm gì cho qua cái thời gian trống rỗng đó ??? Nó không có bạn , khi đi theo Nhóc , bạn Nhóc là bạn Nó , và khi Nó đã quyết định không chơi với Nhóc nữa thì nó ghét lây bọn bạn của Nhóc luôn !
Tóc Đuôi Gà đã âm thầm để ý rằng Nhóc đã lân la nối lại các mối quan hệ cũ mà trước đó Nhóc đã từng bực dọc khi bị bọn họ mưu toan bán đứng vài lần … chỉ vì bây giờ họ đang là bạn của Sóc Nâu…
Rất vô tình như nhiều lần khác , Nhóc hỏi :
-Tóc Đuôi Gà cần gì tập bơi nữa . Bạn đã bơi giỏi như con rái cá rồi còn gì !!! Bạn đi học Anh văn với bọn mình cho vui
Bọn mình !!! nghe mà ngứa lá gan , Tóc Đuôi Gà hất cái cằm tròn tròn lên , kênh kiệu :
– Môn Anh văn lúc nào tui chẳng đứng đầu lớp , cần gì học cho phí thời gian ?
– Nhưng đi học vui lắm , bọn nó nhắc bạn hoài …
Vui lắm !!! Nhắc bạn hoài !!! Tóc Đuôi Gà biết tỏng ai vui ai nhắc , nhưng như đã nói Nó là một Kịch sĩ tài ba nên vẫn ngụy trang khuôn mặt rất bình thản , dửng dung. Nhóc luôn là một cậu bé chơn chất , hiền lành , dễ bị tác động từ người khác nên không bao giờ có thể dấu giếm được điều gì trước cái cách hạch hỏi thầm lặng của Tóc Đuôi Gà , Nhóc thành khẩn khai báo :
– Tui biết nhà Sóc Nâu rồi , hôm qua bạn ấy mệt nên tui chở bạn ấy về… Sóc Nâu có hỏi thăm Tóc Đuôi Gà , bạn ấy thích Tóc Đuôi Gà lắm đó !!!
Tóc Đuôi Gà muốn cào cái mặt ngốc nghếch của Nhóc như ngày xưa còn nhỏ xíu , nhưng bây giờ lớn rồi , đâu tiện… Nó giận dữ nắm chặt bàn tay lại để khỏi làm chuyện đó , những móng tay bấm mạnh vào lòng bàn tay rướm máu đau rát
Nhóc vẫn vô tình ( hay cố tình chọc tức ? ) :
– Sóc Nâu rất hiền và nhát cáy… Bạn ấy không dám bơi, không biết đi xe đạp , không hiking giỏi như Tóc Đuôi Gà , bạn ấy muốn nhờ tui chỉ !!!
Giận quá , không nhịn được , Tóc Đuôi Gà cười khẩy :
-Con trai bao giờ cũng thích mê mệt trước những cô gái yếu ớt , nhát gan , ngốc nghếch… vì vậy bọn nó mới tha hồ tỏa sáng , mạnh mẽ này , tài ba này , thông minh này , anh hùng này , trượng phu này …
Một loạt này …này… của Tóc Đuôi Gà làm Nhóc choáng váng và nín khe trước những nhận xét nhọn hoắt đầy gai góc ấy … Tóc Đuôi Gà bao giờ cũng mau chóng nhận ra cốt lõi vấn đề và không ngần ngại lôi tuột sự thật ra ánh sáng ( dù quá nhiều lần Nó đã không muốn làm vậy với đứa bạn thân của mình ).
Nhưng Nhóc cũng đâu phải là một đứa ngu ngốc để dễ dàng chịu thua …Nhóc nhìn thẳng vào đôi mắt đang nheo lại vì giận dữ , bình thản dằn từng tiếng một :
-Có thể bạn nói đúng… Nhưng bạn cũng không được phép cứ bắt buột người khác phải giống mình. Bạn thật đáng ghét . Bạn nghĩ bạn là ai chứ ???
Rồi cảm thấy như chưa đủ đô để ngấm vào cái đầu cứng như đá của Tóc Đuôi Gà , Nhóc phang tiếp ( đầy trí thức ):
– Tính cách quyết định số phận . Bạn hãy coi chừng …
Tóc Đuôi Gà đau điếng nhìn tên phản bạn… Thay vì hét lên : Đồ phản bội thì Tóc Đuôi Gà líu qíu nói lầm :
-Đồ biến thái !!!
Hết bình thản nỗi ( hay giả vờ bình thản ) . Nhóc tái mặt sững sờ…Tình thế vô phương cứu vãn. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi , chưa bao giờ Tóc Đuôi Gà nung nấu một ước mơ cháy bỏng là được xô Nhóc từ đỉnh Pudding Stone này xuống hồ nước dưới kia để Nhóc vỡ tan tác ra từng mãnh vụn.
Vì không làm được điều đó , nên Tóc Đuôi Gà tháo kính ra khỏi mắt , để phòng khi có vài giọt nước mắt vô tình rơi ra , Nó sẽ đổ thừa vì không mang kính nên gió cứ thổi hoài để bụi bay vào mắt … Nõ nhảy xuống khỏi bờ tường đá :
– Tui về đây, A-di –os –has-ta –mà-nha-nà…
Nó tuông ra lắp bắp một tràng tiếng Mễ mà Nhóc không hiểu Nó nói gì và đã học khi nào …nhưng chắc chắn không hề là một lời xin lỗi…và chạy như bay xuống dốc …Gió tạt về phía Nhóc những sợi tóc vàng hoe, lòa xòa , cuồng loạn…
Cho dù bạn là ai , kiên cường đến đâu,hãy cho phép mình yếu đuối một lần, để tựa vào ai đó, nếu không bạn sẽ ngã gục mất thôi… Ai nói ??? Tóc Đuôi Gà lắc đầu xua đuổi cái lời khuyên mà nhiều lần Nhóc gật gù tâm đắc …
Bạn là ai ???Là ai ??? Tôi là Tóc Đuôi Gà …Tóc Đuôi Gà…Tóc Đuôi Gà… Nó hét lên trong gió lộng…những tiếng vọng âm u trong núi cũng gầm gừ vang theo…Đừng dừng lại , Tóc Đuôi Gà tự trấn tĩnh mình…Đừng bao giờ ngừng lại khi đang trên đà chạy…Đừng bao giờ ngừng lại, mặc kệ Nhóc và đám nhân gian lộn xộn phía sau lưng…
Chiều đang chập choạng vào đêm …
( Trích NGÀY HÔM QUA)

DẠ KHÚC XÁM

tonnuthudung1.
Lá thư nằm hờ hững trên bàn làm việc nhiều ngày cho tới khi tôi mở ra. Tôi hơi ngạc nhiên chứ không bận tâm gì cho lắm từ những lá thư vô thưởng vô phạt thường nhận được hằng ngày . Nhưng nhạc Vivaldi buổi sáng hôm nay đã làm cho mọi bực dọc đều trở nên mềm mại dễ thương… Tôi không định trả lời, tôi không muốn có một mối tương quan hệ lụy nào nữa với chung quanh… Nhưng chắc Hắn sẽ buồn vì chờ đợi một hồi âm biền biệt … Không có sự thất vọng nào làm vui vẻ cả . Hắn buồn ??? Ồ , tôi có chủ quan lắm không ??? Biết đâu Hắn chỉ chửi thề um lên rồi quên đi mọi chuyện ???… Nhưng nhạc Vivaldi đã làm tôi trở nên tử tế như một thiên thần và dịu dàng như một tình nhân …
Dịu dàng như một tình nhân … Câu này làm tôi nhớ Thụy , rất nhớ. Những lần chúng tôi cãi nhau , Thụy hay bực dọc :Tại sao em không bao giờ có thể dịu dàng như một tình nhân được nhỉ ?Và tôi luôn cáu kỉnh : Nếu muốn em vẫn có thể… nhưng như thế anh sẽ lẫn lộn em với vài người khác !
Tôi không nhớ Thụy nữa . Tôi đang nói tới gã họa sĩ.
Thành phố này , mùa thu , mưa lá vàng trên các con đường vắng…mỗi buổi trưa , tôi áo trắng , choàng khăn nỉ đỏ lang thang băng qua phòng vẽ của Hắn để đến ngồi ở góc cuối hàng hiên của quán cà phê Starbucks, tôi yêu chỗ ngồi quen thuộc này dưới tàng phượng tím…Từng cơn gió cuốn những chiếc lá li ti rơi lao xao thật đẹp…và mây… khi ngước lên , mắt tôi chạm tới những tảng mây cuồn cuộn rủ nhau về tận cuối trời .
Phòng làm việc của tôi đối diện với phòng vẽ của Hắn , có lần bực bội vì không tìm ra một từ chính xác để dịch cho thoát các ẩn ngữ trong các thứ gọi là Siêu Hình Tình Yêu Siêu Hình Sự Chết của Schaupenhouer, tôi ném bút và băng qua đường lơ đãng nhìn bâng quơ mấy bức tranh qua lớp cửa kính , gã họa sĩ trẻ rất ngầu với mái tóc ánh bạch kim và bộ râu điệu đàng kiểu Clark Gable đã mở cửa và gọi tôi :
– Nhỏ , vào hẵn đây mà xem .
Tôi đã thầm rủa gã hơi khùng … Nhưng tôi không giận với lầm lẫn ấy vì dân bản xứ thường không phân biệt được tuổi tác của dân Châu Á…nhất là dân Châu Á nhỏ con mà điệu đàng như tôi.
Nhưng Hắn dễ thương lắm. Khi biết tôi làm việc ở tờ báo bên kia đường ,tôi đang phụ trách phần dịch thuật…tôi đang dần bị nhiễm độc bởi thứ gọi là Chết là gì nếu không phải là nghỉ sống ? Yêu là khởi đầu cuộc sống… Mới khởi đầu thôi thì làm gì có chuyện sống mệt nhoài cần phải nghỉ ngơi … ???
Hắn chăm chú nghe tôi nói bằng cái vẻ hoài nghi đầy lễ độ và lập tức thay đổi danh xưng :
– Tôi chỉ thích H.Hesse, bà có nghe câu này chưa : Dù bị đau đớn khổ sở quằn quại , tôi vẫn thiết tha yêu thương trần gian điên dại này …
Tôi cười , tôi ít khi muốn bày tỏ chính kiến của mình với người lạ, nhưng Hắn đã rất ngây thơ mở ra cho tôi thấy hết mọi ngóc ngách của tâm hồn. Tôi không muốn nói với hắn rằng : Đó chỉ là một yêu thương mù quáng… nếu tôi bị khổ sở đau đớn quằn quại , tôi sẽ bằng mọi cách thoát khỏi nó ngay lập tức… Nhưng như đã nói tôi không hề thích bày tỏ chính kiến với người lạ nên tôi chỉ hờ hững trả lời cũng bằng cái vẻ hoài nghi lễ độ như Hắn vậy :
– Thế sao , thế sao !!!
2.
Sau lá thư là một bức tranh : Một con ngựa trắng , chạy điên cuồng trong sa mạc , giữa màn đêm , trên lưng chỉ chở duy nhất một đóa hồng … Tôi đến phòng vẽ để tỏ lòng ngưỡng mộ và cảm ơn. Tôi nói :
-Tôi rất cảm động về món quà sinh nhật này , tôi thấy đẹp và rất thích dù chẳng hiểu gì về hội họa
Hắn nhún vai :
– Thích là đủ rồi , công việc bà ra sao ?
– Mang lại đôi chút tăm tiếng và tai tiếng
– Bà đang viết gì vậy ? nếu đó không phải là điều bí mật ?
– Dịch Siddharthar.
– Trời , đó là một trạng thái mệt mõi, trầm uất , hãy coi chừng …
Ngần ngừ một chút , Hắn nói thêm cho rõ nghĩa :
– Thật điên dại khi đem tâm cảm mình nhận chìm vào tâm cảm một người xa lạ , dù điều đó đem lại những checks lương !!!
– Bởi vậy tôi mới cần phải nghỉ ngơi .
– Bằng cách nào đây ??? Một cuộc du lịch ? Một giấc ngủ ? Một chai rượu manh ? Hay một người tình ???
Một lần nữa tôi lại nhận định Hắn rất thông minh nhưng có lẽ cũng khùng khùng, thật tội , Hắn còn trẻ quá và cũng khá đẹp trai.
– Ồ không , tôi chỉ muốn một bức tranh để khi nhìn vào tôi thấy quá khứ mình hiển hiện…Soi bóng mình tôi thấy trái tim đau vậy đó thôi mà !
– Bà chọn đi , tôi có hơn 200 bức , tôi sẽ biếu không lấy tiền. Bức tranh này lão thị trưởng rất thích và đòi mua, nhưng lão là một trọc phú ngu đần không xứng ngắm tranh tôi.Bà có thích ?
– Không , tôi không thích tranh tĩnh vật , dù đó là TĨNH VẬT BUỒN
-Hay bức này , chân dung người tôi yêu CHARLES BRONSON của NGƯỜI LỮ HÀNH TRONG MƯA kỷ niệm. Chắc bà cũng có một thời như vậy !
Tôi bật cười vì tính hài hước của Hắn :
-Không , tôi chỉ yêu OMAR SHARIF.
– Vậy tôi sẽ vẽ hắn cho bà, thật tuyệt vọng trong vai DOCTOR ZHIVAGO nhìn theo chiếc xe ngựa đưa LARA về xa khuất nghìn trùng ???
– Không .
-Bà quả là một khách hàng khó tính. Tôi muốn hút một điếu thuốc , được chứ ?
-Tự nhiên đi !
Điếu thuốc làm hắn trở nên thông minh hơn :
-Này bà , hay thế này…bà viết đi , về điều bà muốn…Sau đó , tôi sẽ cố mà vẽ cho hợp . OK ?
3.
Cuối cùng , tôi viết DẠ KHÚC XÁM và khá tin tưởng vào tài năng của Hắn để biến ký ức tôi thành một bức tranh.
Sau một tháng đi du lịch trở về , tôi đến phòng vẽ, tôi bàng hoàng khi phòng vẽ không còn nữa …Người bảo vệ khu nhà đã đưa tôi những bức phác thảo dở dang kèm theo lá thư chẳng có một chữ nào ngoài hàng địa chỉ của một bệnh viện tâm thần ở LOS.
Gã Họa Sĩ đâu rồi với DẠ KHÚC XÁM của tôi ?

Tôn Nữ Thu Dung

Phía cuối con đường.

tranthitrucha

Con nhóc đã nghĩ về anh suốt thời thơ ấu và đến tận bây giờ!….Nhưng anh yêu thương nó với tình yêu của người anh dành cho cô em gái dịu dàng như những cơn mưa đầu mùa và ấm áp như những giọt nắng vàng ươm, đủ để cho cây lá xanh non và hoa cỏ mượt mà…
Ngày 1/4 anh gọi về cho nó
Nhóc à, em khoẻ không?
Em không được khoẻ.
Sao vậy?
Em không biết, hình như trong em luôn có một đứa trẻ trong em cứ muốn oà khóc tức tưởi, cô độc…
Nín đi nhóc , chờ anh về hãy khóc, để anh dỗ nhóc…
Anh lại xạo nữa rồi.
Thật, anh đang ngồi trên xe, khuya nay sẽ về tới thành phố và sáng mai có thể sẽ đón em trước cổng trường đại học để uống cà phê với em ở một quán nhỏ xinh đẹp gần trường em rồi, ngày mai em học mấy giờ?
Chỉ có hai giờ đầu anh à…sau đó em nghỉ cả ngày và cả ngày mai.
Ôi, vậy tốt rồi, anh sẽ đi cùng trời cuối đất với em trong thời gian đó…
Anh à, mình chỉ đi uống cà phê thôi phải không anh ?
Ha ha…em tôi!…vâng cô nhóc ạ , chỉ caphe và tôi sẽ ôm chầm cô nhóc mà hôn lên trán như ngày xưa…không có gì thay đổi.
Và em có còn là em gái của anh không?
Vẫn y chang…
Rồi chúa có phạt không anh?
Chúa nhân từ lắm nhóc à, Thiên chúa là tình yêu mà, với Giu đa chúa chỉ nói : Ngươi chỉ dâng cho ta nụ hôn này hay sao? Còn anh, anh sẽ quì trước Chúa mà xin con xin dâng lên Người nụ hôn lén này để chuộc lỗi lầm của con.
Xe đến đâu rồi anh?
Đang quẹo vào vách núi rồi nhóc à, chắc sẽ không có wifi để anh nói chuyện với nhóc nữa đâu, chờ anh nghe Nhóc…
Thượng lộ bình an anh thân yêu!…
Cuộc trò chuyện đã hết, con nhóc ngồi thừ trước những giáo trình chuẩn bị cho đợt thi tốt nghiệp. Vậy mà đầu óc con nhóc trống rỗng, lúng túng chẳng biết làm gì trước làm gì sau. Anh Hai ơi, như thế này là sao? sao trái tim em cứ mãi bất an?

Suốt đêm con nhóc chập chờn trong giấc ngủ, trái tim bệnh hoạn của nó co thắt dữ dội, Chúa ơi, xin người hãy cứu con, sao con không thấy hạnh phúc mà chỉ thấy đớn đau?!…
Buổi sáng thức dậy thật sớm, ngồi thật lâu trước bàn trang điểm, con nhóc vẫn thấy mắt nó trong vắt, má ửng hồng. Nó chọn cho mình bộ áo dài hoa vàng như nắng, chỉ có màu này là hợp với nó nhất và đó cũng là màu anh yêu thích. Nó sẽ đi bên anh như con nhóc ngày xưa vẫn lon ton bên anh trên khắp ngóc ngách ngõ hẻm, nơi nó chỉ có mỗi một việc là ghi trên bản cá độ bi da của anh và đám bạn ham chơi.
Suốt hai ngồi bên khung cửa của giảng đường, nó ghi chép như một cái máy, lời giảng bài của giảng viên trên bục giảng vang vang nhưng đầu óc nó trống rỗng, hoang vắng cho đến khi tiếng trống báo hết giờ vang lên. Nó đến bên chiếc ghế đá ở gần cổng trường chờ đợi…thời gian thật nặng nề…đành phải gọi cho anh thôi
Anh Hai đến chưa ?
Có tiếng cười quen thuộc vang lên:
Nhóc ơi, quên hôm qua là ngày cá tháng tư rồi hở nhóc?
Hình như thế giới này đang chao đảo, nếu muốn khóc thì hãy oà khóc như một đứa trẻ chứ không được gục ngã. Hãy đau đến tận cùng một lần này nửa rồi thôi.

Đêm cứ kéo dài thăm thẳm, con nhóc viết cho anh:
Anh thân yêu!
Thật sự anh là người luôn luôn đúng và chuẩn mực, lí trí trong anh thật vững vàng, đó là điều đáng khâm phục và anh đã đùa một cách thật ngoạn mục …
Em chưa bao giờ ân hận và hối tiếc, em chỉ tiếc là những điều bí mật của riêng em, em đã chôn giấu nó từ thời thơ dại…nếu còn còn giữ lại thì em còn có niềm kiêu hảnh…Hòn đá đã ném vào mặt sông yên tịnh…sao tránh khỏi sự xao động và vòng tròn lẩn quẩn…em đã đánh mất chính em và em ghét điều đó…Anh có thể cười vì anh chiến thắng!…Không sao đâu , rồi sẽ qua thôi mà, thời gian sẽ lắng lại …Dòng sông sẽ lấy lại sự tỉnh lặng và trôi về biển…

Miên ơi!
Anh xin lỗi em!…những lời em viết làm anh buồn quá!
Em trong anh vẫn là cô bé của tuổi mười ba ngày ấy nhưng hoàn cảnh đã thay đổi rồi em biết không?!….
Anh không nghĩ tình cảm của anh đáp lại em lại mang cho em nhiều đớn đau hơn hạnh phúc như vậy…Anh và em không thể sở hữu nhau trong tình yêu, thật vậy rồi, nhưng vẫn có thể trao nhau những tình cảm đẹp.
Anh cũng hiểu, anh làm em bất an. Bất an đến nỗi em phải viết cho anh những lời nặng nề. Nặng nề tới mức anh cảm thấy có tội, cái tội đã đáp lại tình cảm của em, đã lại xộc vào đời em một lần nữa, đã lại bóp nghẹt trái tim ốm yếu của em …
Thế mà, anh lại phạm vào điều mình đã tự nhắc mình, Miên ơi!
Chúng ta vẫn dành cho nhau những thương mến, những quí trọng, những điều đẹp đẽ… mà không phá vỡ cuộc sống của chúng ta bây giờ. Điều đó đâu có quá khó , phải không em! Miên ơi, anh nghĩ em làm được, anh làm được, chúng ta làm được.
Để không đánh mất nhau một lần nữa!
Được không em, cô nhóc của anh, Miên của anh, của ngày xưa và của bây giờ!

Em hiểu rồi anh Hai, em xin lỗi đã làm anh buồn, em sẽ không thế nữa. Em vẫn là cô em gái ngoan của anh Hai. Kí ức chỉ để hoài niệm vậy mà em đã ngu ngốc khoát cho nó một chiếc áo thật lung linh để rồi cứ yêu hoài chiếc áo ấy và anh Hai vẫn bảo với em rằng ta không thể nào sống bằng hư vô nhóc ạ!….anh Hai à, có lẽ em sẽ không lẫn quẫn bên chân để làm phiền anh hai nữa đâu, vì như thế buồn và chông chênh lắm. Cuộc sống không thể chỉ là những nỗi buồn ám ảnh của kí ức, cuộc sống phải được tô vẽ lên bằng những gam màu tươi sáng, nỗi nhớ chỉ là những thoáng bất chợt như một cơn gió đi qua để lại chút mùi hương dìu dịu và một chút se lòng, thắp lên cho đời thêm da diết để em vẫn còn một góc nhỏ kỉ niệm trong trẻo, tinh khôi, trọn vẹn trong tim…bye anh Hai thân yêu!.. Em trở về thế giới của em để tìm lấy bình yên !…

Thật tréo ngoe!…khi con nhóc đã tìm về thế giới bình yên của nó, thì anh lại chờ đợi tin nhắn, chờ đợi tiếng chuông điện thoại mà anh đã cài đặt bằng âm thanh quen thuộc của bản serenata nhưng dường như nó đã tắt hẳn. Và anh không thể nào tập trung cho công việc hằng ngày của mình nữa, Giấc ngủ của anh cứ như bị đánh thức liên tục vào lúc nửa đêm rồi cứ trăn trở, bâng khuâng cho đến sáng, những bữa cơm anh có cảm giác như mình đang nhai rơm, Trái tim anh đập những nhịp đập bất an, anh gầy rộc đi…Không nén được lòng, anh đành gọi cho con nhóc. Chuông đổ liên tục nhưng con nhóc không bắt máy…Và cuối cùng anh bay về thành phố cũ và đứng trước cổng trường đợi con nhóc.
Con nhóc lửng thửng ôm cặp đi ra, dáng gầy như hạc, mắt ngơ ngác buồn, anh thấy nao lòng…Có nên gặp nó không? Gặp để làm gì? Nhóc ơi, em là phần tinh khôi nhất trong tâm hồn mà anh muốn giữ lại, anh không muốn làm nhóc khổ, cuộc đời đã xua đuổi anh trôi dạt về một phía không có em,
anh biết nhóc buồn anh lắm nhưng biết làm sao khi anh đã lỡ chọn cho mình một cuộc sống bình yên với công việc và gia đình…
Thôi đành vậy nhóc ơi…Anh không có quyền gặp lại nhóc, không có quyền làm nhóc đau thêm một lần nữa, hãy để cho vết thương lành, rồi nhóc sẽ quên, có một chàng trai trẻ yêu thương nhóc chân tình và đem lại hạnh phúc cho nhóc vì nhóc xứng đáng được như thế.

Miên ơi, thôi em về đi, anh sẽ đứng đây nhìn theo bóng em khuất nẻo ở phía cuối con đường, anh đã làm cho em khóc nên trái tim anh đã rỉ máu tự bây giờ!….

TRẦN THỊ TRÚC HẠ

GIÀ ƠI, CHÀO MI !

thuyvi

Với tóc bạc trắng, gò má cao, mắt sáng đầy thông minh, sống động, khó có ai nghĩ bà Daphne Selfe đã 83 tuổi. Không chỉ là người mẫu ảnh cho tạp chí, siêu mẫu lớn tuổi này còn thường xuyên được các tạp chí mời phỏng vấn, chia sẻ câu chuyện về bà.
10525661_751890984856980_6160342644644478377_n

Bà Daphne Selfe sinh ra tại Berkshire và bắt đầu sự nghiệp người mẫu từ năm 1950 ( lúc bà 20 tuổi ) sau khi chiến thắng trong một cuộc thi người mẫu do tờ báo địa phương tổ chức. Daphne cho biết, bà không bao giờ nghĩ rằng mình đẹp dù có đôi lần người ta nói rằng bà có ngoại hình ưa nhìn. Tuy nhiên, chỉ chừng đó cũng đủ để bà tự tin theo đuổi công việc của một người mẫu. Daphne chưa từng trải qua một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nào nhưng bà vẫn trụ vững trong nghề.

Daphne Selfe không chịu nhiều áp lực như các người mẫu trẻ, bà Daphne nói bà cảm thấy thương những người mẫu trẻ hiện nay vì những sức ép mà họ gặp phải, nhất là nỗi lo sợ hết thời vì cái già xồng xộc tới.

Daphne đã từng làm người mẫu quảng cáo cho các thương hiệu nổi tiến như Dolce & Gabbana, Tata-Naka, Michiko Koshino, Nivea, Olay.

Trước khi giành chiến thắng tại cuộc thi tìm kiếm siêu mẫu do một tờ báo địa phương tổ chức, Daphne làm việc tại một cửa hàng quần áo và cũng không thật sự xinh đẹp. Daphne Selfe cho biết, thời của bà, các người mẫu được đào tạo rất bài bản và chuyên nghiệp, họ được dạy cách đi đứng sao cho chuẩn xác nhất.
Năm 1954, Daphne Selfe lập gia đình và vẫn tiếp tục nghiệp người mẫu. Mãi đến những năm 60, sau khi sinh con, Daphne Selfe bắt đầu “phì” ra, vì thế bà quyết định không làm người mẫu thời trang nữa mà chuyển sang nghiệp diễn xuất.

Nhưng khi được hỏi, vào thời điểm hiện tại, liệu bà có sợ mình đã quá già để làm người mẫu? Daphne Selfe lại rất bình thản: “Theo tôi, niềm đam mê mới là thứ quan trọng nhất. Tôi đang già đi mỗi ngày, đó là điều hiển nhiên. Vậy tại sao phải lo lắng về nó? Tôi thấy những người trẻ bây giờ rất hay than phiền. Nhưng tôi thì khác. Tôi luôn cố gắng vui vẻ và không bao giờ gắt gỏng…”

Bà Daphne bắt đầu sự nghiệp người mẫu tính đến nay đã được 62 năm. Điều đặc biệt là bà chưa từng trải qua một ca phẫu thuật thẩm mỹ nào và giờ vẫn tự tin với nhan sắc của mình. Bà còn thường xuyên tập yoga, ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước để giữ gìn vóc dáng.
Công việc người mẫu giúp cho bà Daphne Selfe kiếm được 1.600 USD/ ngày. Với bà Daphne công việc là niềm vui sống, và bà sẽ làm người mẫu đến khi không ai mời nữa. Tuy nhiên, rõ ràng với sự tự tin, chuyên nghiệp thì bà vẫn thường xuyên xuất hiện trên tạp chí để chia sẻ về mình.
Mới đây, khi chụp ảnh cho Vogue, bà cũng không ngại nói thật với một người phụ nữ dành cả đời đứng trước máy ảnh thì bà Daphne vẫn rất sợ các đốm đồi mồi, bà thường mặc áo tay dài để che chúng.

“Tôi đã nhuộm tóc một lần lúc 40 tuổi nhưng rồi tôi không bận tâm nhiều đến màu tóc nữa. Tôi để tóc dài và thấy nó không tốn kém gì nhiều để chăm sóc, mọi người thấy nó đẹp vậy là tốt”

Nhìn những tấm hình của ” bà lão” 85 tuổi chúng ta thấy từ đầu tới chân da dẻ bà nhăn nheo như trái táo khô, vòng 1 vòng 3 xập xệ hết rồi nhưng ở bà vẫn toát lên, lấp lánh lên một phong thái thật đẹp, thật tự tin.
Một người phụ nữ đẹp, điều tất yếu phải là một phụ nữ có phong thái đẹp. Sắc đẹp thì tàn lụi nhưng phong thái thì không bao giờ mai một dù đã luống tuổi. Một phụ nữ có phong thái đẹp ngoài những nét đi đứng cử chỉ thanh lịch còn là người biết chọn những bộ quần áo đẹp. Chúng ta đừng lầm lẫn ở chổ quần áo đẹp là những bộ quần áo sang trọng, hào nhoáng mà đẹp ở chỗ nó làm tôn lên nét thanh thoát và sự duyên dáng của chúng ta.
Trong thời buổi hiện đại này lo gì những người bạn của thụyvi thua kém phong thái bà Daphne Selfe phải không?
Chắc vậy rồi chứ gì nữa.

thụyvi

thụyvi
( Hầm Nắng, giữa tháng 4 – 2012 )

HOA DẠI ( phần cuối )

nguyenthithanhduyen

…Tôi không nhớ chính xác mình đến phi trường Los Angeles mấy giờ
Hành lý từ quê nhà ra đi chỉ vỏn vẹn 1 va li,
Sau khi làm xong thủ tục, kiểm tra hành lý, tôi xếp hàng dọc theo hành lang ra phòng đợi, kiếm nơi dành riêng cho người hút thuốc và cũng vừa lúc gia đình nhìn thấy tôi, tất cả đều mừng vui , hỏi thăm bao nhiêu chuyện, tôi không kịp trả lời .
Ăn uống qua loa, tôi muốn sớm về San Diego
Suốt dọc đường tâm trạng tôi mệt rã rời .
Số phận cuộc đời thật đau buồn rơi nước mắt, nàng thường day mũi tôi và nói đàn ông chảy nước mắt rất mau quên, nhưng sẽ chung tình _ nếu anh ta không thể quên ( ôi thật vớ vẩn ! )
Sau những lúc trêu chọc như thế nàng thường hôn trán tôi dịu dàng, cảm giác bình yên vô cùng trong cuộc sống mệt mỏi .
Tôi nhìn bầu trời xanh thật xanh và những đám mây trôi loanh quanh nỗi nhớ, tóc em rối mềm trên ngực tôi, nụ cười em vút hân hoan cùng những yêu thương là khoảng khắc trái tim tôi ước muốn giữ chặt em mãi mãi ..

Biển luôn hồn nhiên, cảm xúc về biển chính là ký ức của mỗi chúng ta, con người thường gây nên nỗi đau cho Biển … nàng nói huyên thuyên và nhìn trừng trừng nụ cười huề vốn của tôi ( chẳng bao giờ tôi dại dột phản ứng trước vận tốc cảm xúc quá nhanh của nàng ) im lặng là câu trả lời hay nhất khiến nàng từ từ thôi nói .
Mỗi lần ra biển, tôi luôn lo lắng khi nàng muốn nhảy từ mõm đá cao xuống biển , hoặc lao vào con sóng lớn để bơi ra xa, thế nên đành ngồi bó gối trên bờ nhìn nàng bông nhông và bơi như nhái .
Nàng bắt tôi nằm im, sau đó tìm đủ các thứ rong rêu , vỏ ốc vỏ sò , lá dừa , đắp lên người tôi tạo thành một ý tưởng gì đó khiến nàng vui , có lần nghịch ngợm nàngcắn rốn tôi rồi nói giọng năn nỉ : chuồn chuồn cắn rốn mau biết bơi, em cắn anh là để anh bơi nhanh theo em nhé, biển đời nhiều giông gió, rồi cười ngất ( bố khỉ , vừa cải lương vừa đau điếng vừa thật dễ thương )
….. Đau cho đến bây giờ em có biết không ?

Tôi đặt tay trên thảm cỏ xanh mượt phần mộ của nàng, cảm giác nghìn trùng buốt đau , tâm trí tôi loang loáng màu máu đỏ của bức tranh, trút hết từ thân thể em, hơi thở em, mái tóc mềm rượi của em hất tung trên freeway 805 , tôi khóc tức tưởi và tức giận, cái thực tại mà tôi chịu đựng không nổi là chấp nhận : em … đã chết .
Bên kia , đồi HOA DẠI nở hết … rồi tàn đi không mùa nào nhất định .
Tình yêu của anh .
Rời San Diego, tôi đi …. chuyến bay đêm rất buồn
( bất cứ nơi nào lìa đời, mỗi ô đất nằm xuống Anh vẫn nhớ em )

NGUYỄN THỊ THANH DUYÊN

HAWAII…THƠM MÙI ỔI CHÍN.

tonnuthudung

1

Hồ Ly luôn trở về vào tháng 7. Cô ngồi vắt vẻo trên cành ổi sẻ, những trái ổi bé bỏng nhỏ xíu mà ngọt ngào thơm ngát cả một khoảng trời . Hồ Ly mĩm cười khi nghe tiếng kinh nhịp nhàng vọng từ ngôi nhà gỗ ở lưng chừng đồi , nơi có một căn phòng sơn màu da cam đậm… Án ta pha, bà pha thuật đà ta pha đạt ma ta pha bà pha… Câu kệ mà Hồ Ly đã thuộc lòng. Từ ngày còn nhỏ , bà ngoại đã bắt Hồ Ly đọc CHƠN NGÔN TỊNH BA NGHIỆP để trấn yểm một con ma nào đó – nếu có – đang rình rập để bắt hồn bắt vía cô cháu gái yêu quý của bà … Bà ta ra mi, ma phạ đà ta, ma ha ta đạt ta bà phạ … Hồ Ly không hề hiểu những câu tiếng Phạn nhưng hình như đọc bằng tiếng Phạn thì thấy cổ kính linh thiêng và vô cùng êm ả … đủ sức trục xuất những cô hồn vất vưởng …
Nhưng bây giờ những câu kệ đó đâu có phải để dành cho những oan hồn uổng tử đã lăm le theo cô ngày mới lớn mà là dành cho cô, trấn yểm cô từ một người mà cô đã -yêu- cho -tới- chết …

Kym hay chở cô bằng chiếc xe đạp court trong những chiều tan học nếu cả hai trùng thời khóa biểu và cô trốn được tụi bạn thường cùng về chung xe bus của trường. Cô ngồi trước đòn giong , tóc cô bay ngược ra sau vướng vào mắt môi Kym để anh ngạc nhiên : Tóc Hồ Ly thơm ngát mùi ổi chín . Cô cười , luôn tựa người vào cánh tay Kym đầy nương tựa . Cô có thể cùng Kym đi đến tận chân trời góc biển , cuối đất cùng trời bằng chiếc xe đạp court này .. Từ trên con dốc Phượng Vĩ của ngọn đồi đại học , Kym thả dốc và hét lên trong gió lộng :
– Nhắm mắt lại , Hồ Ly … Nhắm mắt lại và bay…bay…bay…
Cô cười như nắc nẻ, chỉ cần biết Kym đang ở cạnh cô là cô không sợ bất cứ một điều gì …bất-cứ-một-điều-gì…
Một lần thầy viện trưởng lái xe hơi về muộn , đi sau , thầy đã hốt hoảng khi thấy chiếc xe đạp như bay trên đồi xuống , thầy giận giữ ngừng xe cuối dốc đứng chờ… Thoáng thấy xe thầy dừng lại , Kym cua vào con dốc khác … Hôm sau ,thầy gọi lên văn phòng mắng :
-Nếu chiều qua thầy bắt được hai đứa , thầy sẽ xáng mỗi đứa một bạt tai.

Một lần khác , nhân sinh nhật Hồ Ly , Kym đã mang tặng cô chiếc chuông đồng Kym lấy từ gác chuông của Nhà Vĩnh Biệt. Món quà được cô nâng niu cất giữ qua rất nhiều năm tháng… cô treo trên giàn Hoàng Anh vàng rực , để mỗi lần gió đi qua , tiếng chuông đong đưa vang lên như những tiếng vó ngưa về ngang đồi rung lục lạc. Cô không dám hé môi nói với ai Kym đã lấy nó từ đâu !

Những kỷ niệm sâu nặng đã níu cô và Kym bằng một sợi dây bền chắc nhất. Đứng trên đồi cao nhìn xuống mặt biển xanh thẳm dưới chân mình , Kym nói :
-Khi nào Hồ Ly bơi được một mình ra tới Hòn Tre thì lúc ấy anh sẽ dẫn Hồ Ly theo .
Nhưng lời hứa đó đã không bao giờ thành sự thật , Hồ Ly không bao giờ có thể bơi một mình ra đảo Hòn Tre… trừ mấy lần cùng Kym và chiếc áo phao màu cam rực rỡ , Hồ Ly đã bao lần ngừng lại , mõi rã rời , thả ngửa người trên mặt nước , và Kym , vừa dỗ vừa dọa , vừa đẩy vừa dìu để cuối cùng Hồ Ly cũng bơi tới Hòn Tre … rồi lại bơi về .
Kym đã không kịp chờ để dẫn Hồ Ly theo dù đó là điều anh luôn mong mõi…
Hồ Ly ra trường đi dạy ở một nơi tận cùng biên giới của tỉnh… Mỗi chiều lang thang trên con đèo ngập màu hoa Ngũ Sắc , tựa người vào tấm bảng địa danh , bên này là Phú Khánh , bên kia là Nghĩa Bình… Hồ Ly nhớ ơi là nhớ ngọn đồi Đại Học ngút ngàn một màu cỏ Chong Chong xanh rợn.

Kym dạy Thuận Hải , anh vượt biển theo ghe của gia đình người bạn. Anh để lại cho Hồ Ly một chồng giáo án , mấy xấp bài kiểm tra chưa kịp chấm ( Hồ Ly vừa khóc nức nở vừa chấm bài cho học trò anh để trường có thể báo cáo mọi thành tích cho kịp vào dịp tổng kết 6 tháng đầu năm…) và lời nhắn nhủ : Gặp lại nhau bên kia bờ đại dương … mà anh không hề nhớ rằng Hồ Ly không thể nào làm việc đó khi chỉ còn lại một mình … anh đã không hề nhớ !

Hồ Ly trở về nhà anh , vào phòng điên cuồng lục soạn… những tập thơ chép tay của Hồ Ly . những trang nhật ký của ngày thơ dại, những món quà đầy ắp thương yêu… con búp bê bị tắt tiếng anh chưa kịp sửa, quyển Bắt Trẻ Đồng Xanh Hồ Ly tặng anh nhân kỳ truy lãnh tháng lương đầu tiên của lần đầu đi dạy … một tủ sách toàn những chữ ký bay bướm của Hồ Ly bên cạnh chữ ký như một nét phác thảo của anh… Mẹ anh nói trong nước mắt :
-Con đem về làm kỷ niệm.
Hồ Ly bỏ dạy , bây giờ thực sự Hồ Ly mới cần được chiêu hồn , cô ngơ ngơ ngác ngác như cọng rong phiêu bạt từ suối róc rách ra đại dương thênh thang… Lời hẹn hò của anh , Hồ Ly mang theo suốt cả cuộc đời mình : Gặp lại nhau bên kia bờ đại dương…

2

Từ vùng hải phận quốc tế , chiếc ghe mang biển số KH… xô lệch không còn nhìn rõ nhỏ xíu như chiếc lá trôi dạt nhiều ngày… Hồ Ly nằm như ngủ … Nắng đã thiêu đốt cô như một bức tượng phủ một màu muối trắng … sáng lóa như một ánh hào quang..Chiếc áo cô mặc loang nhiều vệt máu đã trở màu nâu sẫm… Không có hoa , không có nến , chỉ có nỗi buồn và một mặt trời rạng rỡ giữa đại dương bao la…và mây…mây trắng ngợp trời .
Hồ Ly đi tìm Kym theo lời hò hẹn… Gặp lại nhau bên kia bờ đại dương … Ở một nơi có màu Phượng Vỹ đỏ rực như trên ngọn đồi đại học mang tên Phượng Vỹ ngày nào … Một nơi có mùi hương ổi chín nồng nàn của ngày thơ dại… Nơi ấy chỉ có thể là Hawaii… thiên đường nhiệt đới.

3
Hồ Ly lại trở về trong tháng 7 và ngồi vắt vẻo trên cành ổi giận hờn … Mùa Phượng đã tàn rồi nhưng hương ổi thì còn thơm ngát ngọt ngào ướp tóc Hồ Ly như ngày thơ dại … Cô đăm đăm nhìn căn phòng màu cam đậm rực rỡ như căn phòng cũ của cô ngày xưa … Từ căn phòng ấy vang ra những bài kệ quen thuộc nhằm xua đuổi Hồ Ly … Án ta pha , bà pha thuật đà ta pha đạt ma ta pha bà pha… bà ta ra mi, ma phạ đà ta, ma ha ta đạt ta bà phạ…
Hồ Ly treo chiếc chuông đồng ngày cũ lên cành ổi sẻ, gió đi qua , tiếng chuông đong đưa hát như tiếng chân ngựa chạy trên đồi… Hồ Ly nghe tiếng Kym nói với một người nào đó( mà Hồ Ly thề đến chết thêm mấy kiếp nữa cũng không thèm nhìn mặt) :
– Em , hôm nay gió quá , mấy chiếc chuông gió vang thật buồn như tiếng chuông gọi hồn ai …
CHUÔNG-GỌI-HỒN-AI…
Cuối cùng thì Kym cũng nói được một câu làm Hồ Ly nhoẽn cười… nụ cười không hề có chút hồ ly mà ngập tràn nước mắt !

tôn nữ thu dung

CẢM ƠN NƯỚC MỸ

trantrungdao

Trong cuộc sống đa đoan và nhiều thăng trầm, trắc trở của tôi, biết bao nhiêu kỷ niệm, biến cố đã trôi qua trong đời kể từ ngày tôi bám vào chiếc xe ba bánh, xa ngôi làng Mã Châu, xã Xuyên Châu, Quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thân thuộc.
Những vui, buồn, hy vọng, tuyệt vọng đã đến và đi trong đời sống nhiều đến nỗi tôi không thể nào nhớ hết. Thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày đầu tiên của tôi trên đất Mỹ.
Trong trí nhớ của tôi vẫn còn in đậm hình ảnh chiếc Boeing của hãng Northeast bay ngược chiều kim đồng hồ đưa chúng tôi từ Manila đến phi trường Chicago vào một ngày cuối tháng 11 năm 1981. Giọng người nữ tiếp viên hàng không êm ái cất lên lời tạm biệt. Tôi không hiểu hết nhưng đại khái biết rằng cô ta vừa chào mừng chúng tôi sắp đặt chân lên đất Mỹ. Tôi tự nhủ, “quãng đời lưu vong thật sự sắp bắt đầu”. Bên ngoài trời đẹp nhưng xa lạ.
Như lời bà hướng dẫn viên người Phi dặn dò trước khi lên máy bay, chúng tôi, tay cầm chặt chiếc túi đựng hồ sơ tỵ nạn có chữ ICM thật lớn, sắp một hàng dài dọc theo hành lang phòng đợi để khỏi bị lạc.

Người đầu tiên ra đón chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt trẻ đẹp, có lẽ còn là sinh viên và đang làm việc cho cơ quan thiện nguyện. Một ông Mỹ già đẩy đến cho cô ta một thùng áo quần và lặng lẽ bỏ đi. Theo lịch trình đã được ấn định trước, tại Chicago chúng tôi sẽ được cấp phát áo ấm mùa đông trước khi chuyển máy bay về địa điểm định cư cuối cùng trong hành trình tỵ nạn. Trạm cuối của tôi là Boston.Tôi biết và kính trọng thành phố Boston văn hóa lịch sử, qua nhiều môn học, nhưng chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ là nơi tôi gửi gắm phần đời còn lại của mình.
Người con gái đẹp mà tôi không dám hỏi tên, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tất cả đều cùng một cỡ như nhau. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn chiếc áo ấm dày cộm rộng thùng thình hoàn toàn tương phản với bầu trời nắng chang chang bên ngoài.
Hiểu ý, với giọng Huế nhẹ nhàng, người đẹp dạy cho chúng tôi, những lưu dân đến từ vùng nhiệt đới, bài học đầu tiên về thời tiết nước Mỹ: “Ngó vậy mà không phải vậy đâu. Trời gạt mấy anh đấy. Ra ngoài không áo ấm vài phút là chết cóng”. Ngừng một chút, nàng cười tinh nghịch: “Ai không tin bước ra thử thì biết”. Nghe cô ta nói vui vui, tôi cũng định đáp lại bằng vài lời tán tỉnh nhưng chợt nhớ ra đây không phải là quán cà-phê trên đường Duy Tân cây dài bóng mát mà là thân phận hẩm hiu của một người tỵ nạn chân vừa chạm đất quê người, nên đành im lặng.

Đúng như lời cô gái Việt ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên suốt mùa đông dài rét buốt.

Đêm giao thừa của ngày Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ, không có bánh chưng xanh, không có rượu nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết trắng bị gió đùa vào cửa sổ.Người anh lớn tuổi nhất trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình hoa. Tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách.

Tôi thường gọi đất Mỹ nầy là đất tạm dung, trạm dừng chân của tôi và hàng triệu đồng bào tôi, trên quãng đường dài lưu lạc. Tôi trả thuế cho nước Mỹ căn cứ vào những lợi tức mà tôi thu nhập được. Đó không phải là một nghĩa vụ thiêng liêng theo kiểu “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã đóng góp được gì cho đất nước” (Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your country) của cố TT Kennedy. Nước Mỹ không phải là “country” của tôi. Tôi trả thuế nhưng đó không thể gọi là đóng góp. Đóng góp hàm ý nghĩa thiêng liêng, tự nguyện trong lúc trả thuế là một điều luật pháp bắt buộc tôi phải làm nhằm trang trải cho các khoản chi dùng công cộng.

Ngày tôi đưa tay tuyên thệ làm một người Mỹ vừa được công dân hóa sau năm năm thường trú, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn vui, tủi thẹn nhiều hơn tự hào. Một tên Mỹ da vàng không quê hương, không tổ quốc, ngơ ngơ ngác ngác giữa quê người, có gì đáng để mừng vui.
Viên thư ký sở nhập tịch hỏi tôi theo thủ tục có muốn thay cái tên cúng cơm của tôi bằng tên Mỹ. Tôi lắc đầu. Nhiều người đã chọn đổi tên. Một số người làm như thế chỉ để dễ kiếm công ăn việc làm nhưng cũng một số khác để chứng tỏ mình biết hội nhập vào đời sống Mỹ. Việt Nam, với nhóm người sau, đã đồng nghĩa với một thời quá vãng.
Tự do, vâng, tôi may mắn tìm được tự do nhưng đó chỉ là tự do cho chính bản thân mình. Ngồi trên thềm tòa nhà lịch sử Fanueil Hall ở Boston sau giờ tuyên thệ tôi làm bốn câu thơ lục bát để kỷ niệm ngày thành công dân Mỹ:
Mặt mày hớn hở vui tươi
Sao lòng nghe thẹn làm người tự do
Của nầy là của trời cho
Của ta đánh mất không lo đi tìm.

Năm 1999, vợ chồng tôi quyết định dời sang một tiểu bang khác nếu công ăn việc làm thuận tiện hơn. Tôi được một công ty chuyên về Internet ở miền Tây Nam phỏng vấn bằng điện thoại. Kết quả rất khả quan. Họ hứa hẹn rất nhiều, từ việc giúp chúng tôi di chuyển cho đến việc tạm cư trong thời gian đầu. Quyết định rời khỏi tiểu bang Massachusetts, về mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, là một quyết định lớn của gia đình tôi. Sau này tôi không rời tiểu bang mà chỉ dời sang thành phố khác cũng thuộc Massachusetts. Dù sao chúng tôi cũng quyết định bán căn nhà ở Dorchester cho một người quen.

Đêm cuối trong căn nhà cũ, lần đầu tiên tôi khám phá ra rằng nước Mỹ với tôi không phải là đất tạm dung. Cảm giác đêm cuối cùng, cách đây gần 20 năm khi tôi xa Sài Gòn, đã trở lại với tôi lần nữa. Tôi sắp sửa rời xa một căn nhà, một nơi chốn thân thương. Căn nhà trên đường Thornley Street là nhà của tôi, Dorchester là thôn xóm của tôi và Boston là thành phố của tôi. Nước Mỹ đã cho tôi nhiều hơn tôi trả lại cho nước Mỹ.Ân huệ mà đất nước nầy đã cho tôi không phải chỉ là tự do nhưng còn là cơ hội và hy vọng, những điều tôi đã không tìm thấy trên quê hương ruột thịt của mình. Hy vọng không phải là giấc mơ huyền ảo mà là một điều có thực và là chất sống cần thiết để nuôi dưỡng một con người phải không ngừng tranh đấu để sống còn như tôi. Nước Mỹ gắn bó với cuộc đời tôi nhiều hơn tôi gắn bó với nước Mỹ.
Đêm cuối trong căn nhà cũ, lần đầu tiên, tôi nghĩ về đất nước đã cưu mang tôi trong suốt gần 20 năm nhiều thay đổi của đời tôi với một tấm lòng biết ơn và trân trọng chân thành.
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi nằm nhớ lại bàn tay người lính hải quân Mỹ của chiến hạm USS White Plains vói xuống để nhấc thân hình ốm o, đói khát của tôi lên khỏi chiếc cầu dây đong đưa bên thành tàu. Chiếc cầu dây mong manh tôi bám để leo lên chiến hạm trở thành chiếc cầu biên giới, không chỉ cách ngăn giữa độc tài và tự do, của quá khứ và tương lai, mà còn giữa có quê hương và thiếu quê hương.
Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi mới sực nhớ ra rằng, tôi chưa bao giờ nói một tiếng cảm ơn những thủy thủ đã cứu vớt tôi trong đêm hãi hùng trên biển Đông năm ấy. Lẽ ra, ít nhất mỗi năm một lần, tôi nên gởi một tấm thiệp Giáng Sinh kèm theo lời cảm ơn về địa chỉ của chiến hạm USS White Plains ở bộ Hải Quân Mỹ. Tôi tệ đến nỗi một việc làm đơn giản như thế mà bao nhiêu năm qua tôi vẫn chưa làm được.
Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ tôi nằm ôn lại một khoảng đời 20 năm, từ hai bàn tay trắng đến khi có được một gia đình êm ấm. Nỗ lực của chính tôi không thể nào thành đạt nếu không có những cơ hội đã được mở ra từ xã hội Mỹ. Nước Mỹ là vùng đất của cơ hội và mọi người đều có quyền có một American Dream.
Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi nghĩ về con đường Dorchester mà tôi mỗi ngày mấy bận đi qua. Giống như đường Santa Clara ở San Jose, Bolsa ở Nam California, Colonial ở Orlando, đường Dorchester là xương sống của xóm Dorchester chúng tôi. Bao nhiêu người đã ăn nên làm ra cũng nhờ vào con đường nầy, mặc dù không phải ai cũng biết ơn nó, không phải ai cũng nhớ tới nguồn gốc của chính mình, không phải ai cũng nhớ đến những ngày đầu tiên đi sắp hàng mua từng vỉ cánh gà, từng gói mì ăn liền bằng Food Stamps trong cái rét căm căm của miền Đông Bắc.

Trên con đường đó mỗi buổi sáng tôi đã gặp hàng trăm em bé Việt Nam sắp hàng ở góc đường chờ xe bus đưa đến trường. Những chiếc xe bus màu vàng nối đuôi nhau đưa các em đến tương lai huy hoàng của nước Mỹ. Nói như cựu tổng thống Bill Clinton, các em là chiếc cầu của tương lai hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Các em may mắn quá. May mắn lớn nhất không phải chỉ vì các em được làm công dân của một cường quốc nhưng quan trọng hơn, các em không phải sống trong những ngày cháo rau khoai sắn như hàng triệu đứa trẻ cùng thế hệ các em bên kia bờ trái đất. Các em sẽ không bao giờ hiểu thế nào là “kế hoạch nhỏ”, “trồng cây, trồng người”. Các em sẽ lớn lên, vươn lên trong cuộc đời một cách hiên ngang, không sợ hãi.

Nhà văn Trần Hoài Thư đến Boston nhiều lần và cũng đã yêu mến một cách say mê con đường Dorchester như chính tôi đã và đang yêu mến. Anh Trần Hoài Thư có lần viết về thành phố Boston: “Con đường Dorchester qua những tiệm ăn, tạp hóa Việt Nam. Và một khu Việt. Và những gương mặt da vàng. Và những lời trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ vang trên bãi đậu xe. Đời sống vẫn bận rộn. Cõi lòng vẫn quay quắt. Nhớ nhung vẫn bão bùng. Bạn hữu mấy thằng trôi thất tán. Mấy thằng đợi một chuyến đò ngang…Cái mẫu số chung ấy là mẫu số của bất cứ người tị nạn nào trong chúng ta…Cám ơn Boston với những con tim kỳ diệu. Nếu không có những con tim này, tôi nghĩ, chắc chắn sẽ không có Trần Trung Đạo”.
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ có một quê hương. Ngoài quê hương Quảng Nam Đà Nẵng ở Việt Nam, tôi còn có một quê hương khác, quê hương Boston trên nước Mỹ này.

Trần Trung Đạo