Our Woman in Saigon

nuocmattruocconmua

Our Woman in Saigon– Larry Engelmann
Người phụ nữ của chúng ta ở Sài Gòn. Larry Engelmann

Nguyệt Thu Hồ dịch

“Sooner or later…one has to take sides. If one is to remain human.”
“Sớm hay muộn gì… chúng ta phải chọn một phe. Nếu muốn giữ nhân tính ”
Graham Greene, The Quiet American (1955)

Ngọc Hà, tên của bà, có nghĩa là dòng sông ngọc thạch. Tuy Lê Thị Ngọc Hà là tên chính thức nhưng đối với William Johnson, giám đốc CIA cuối cùng ở Sài Gòn, tên bà đã đổi thành “Holly”, bắt nguồn từ cách phát âm sai của ông về họ Lê (mà ông đọc trại thành Lee). Theo thói quen của người Mỹ, ông đã đổi tên bà thành – Hà Lê – nên đọc trại thành Ho-lee (Holly).

Bà sinh ngày 16 tháng 6 năm 1941 tại Huế. Lê Hà là con gái đầu lòng trong một gia đình (cha là chức sắc trong thành phố) gồm 11 người con – năm gái và sáu trai. Là chị cả, theo truyền thống Việt Nam, bà có bổn phận phụ giúp mẹ trông coi nhà cửa, nấu nướng và chăm sóc tất cả các em.Trong vai chị cả bà phải bỏ qua những sở thích cá nhân để tập trung vào tình hình sức khỏe, chuyện học hành và ngay cả chuyện mối mai dựng vợ gả chồng cho các em.

Em trai của mẹ Lê Hà, cậu Vĩnh Lộc, là anh em họ của Cựu Hoàng Bảo Đại. Vì thế ông được danh vị “hoàng tử” của triều Nguyễn và rất quan trọng trong các liên hệ gia đình giữa triều đình Huế và các viên chức Pháp ở các tỉnh thành. Ông theo học trường quân sự tại Pháp và tốt nghiệp trường huấn luyện Sĩ quan tại Phú Bài (Huế) trước khi trở thành phụ tá tín cẩn cho Hoàng đế Bảo Đại. Ông được thăng chức rất nhanh trong quân đội thời Pháp thuộc và trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Việt NamCH) sau khi Pháp rời Đông Dương (1954-1955). Đến cuối thập niên 60 ông đã giữ chức TrungTướng và Giám đốc trường Đại học Quốc phòng của Việt Nam. Đến năm 1975 ông trở thành tổng tham mưu trưởng của quân đội chính quyền miền Nam.

Ở cấp tiểu học Hà Lê theo học tại một trường dòng Pháp ở Đà Lạt. Năm 1959 bà tốt nghiệp thủ khoa tại trường trung học Couvent des Oiseaux. Tới lúc này bà đã thành thạo 3 thứ tiếng: Việt, Pháp và Anh. Mùa thu năm 1959 bà ghi danh vào trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Trong học kỳ đầu tiên, bà tham gia vào kỳ thi tuyển sinh của Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand. Bà đạt số điểm cao nhất và được trao tặng học bổng toàn phần từ Đại Học Victoria. Trong số hai mươi sinh viên Việt Nam được Đại học Victoria cấp học bổng năm đó chỉ có một mình Hà Lê là phụ nữ.

Tại đại học Wellington bà chọn khoa Sinh Hóa và cũng theo học 2 môn nhiệm ý văn học Anh và văn học Nga. Bà tốt nghiệp ưu hạng vào năm 1963 và được chấp nhận vào chương trình nghiên cứu hậu đại học của trường. Năm 1968 bà đã được trao bằng tiến sĩ Sinh Hóa và bổ nhiệm làm giảng viên cho trường.

Hà Lê đã từng là chủ tịch của Hội sinh viên Việt Nam của Đại học Victoria trong bốn năm. Trong vai trò này, bà thường xuyên tham dự các phiên họp của Quốc hội, gặp gỡ thủ tướng và các viên chức chính phủ cao cấp khác. Bà cũng theo dõi các cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề New Zealand có nên đưa quân tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Việt Nam. Sau một cuộc biểu tình chống đối việc New Zealand gửi quân đến Việt Nam xảy ra trước tòa nhà Quốc hội, Hà Lê kêu gọi các thành viên của Hội sinh viên Việt Nam gặp gỡ để cùng bàn thảo và tổ chức một cuộc biểu tình khác yêu cầu chính phủ New Zealand giúp đỡ miền Nam Việt Nam. Bà nhớ lại: “Việc này đã gây tiếng vang vì báo chí và truyền hình New Zealand đã đăng tải và phát sóng việc đấu tranh của đám sinh viên Việt Nam. Sao đó New Zealand đã gửi quân đội sang tham chiến tại Việt Nam”. Nhưng sự đóng góp của New Zealand có phần khiêm tốn. Trong tổng số 3890 lính New Zealand tham dự, 37 người bị tử trận tại chiến trường Việt Nam.

Để làm tròn phần nào trách nhiệm của người chị lớn trong gia đình, Hà Lê đã giúp hai em trai vào học các trường đại học ở New Zealand. Một người em thứ ba gia nhập Không quân Việt Nam và đã được huấn luyện ở Lakeland, Texas.

Tháng Giêng và tháng Hai 1968 Việt Cộng và Bắc Việt tổ chức cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân vào miền Nam. Tại New Zealand Hà Lê chứng kiến và theo dõi cuộc chiến từng ngày qua truyền hình và báo chí. Trong khi đó mẹ và các em của bà đang ở Đà Lạt ăn Tết với cha, lúc đó là Quân Đoàn trưởng, Quân Đoàn II. Sau vài ngày Việt Cộng đã chiếm đóng và kiểm soát Đà Lạt từ 31/1 cho đến 09/2. Trong khi cuộc chiến đang tiếp diễn, gia đình của Hà Lê đã lẩn trốn và ẩn náu trong một trường nội trú Pháp. Nhờ thế họ thoát nạn. Việt Cộng đã hứa hẹn ban thưởng một số tiền lớn cho tông tích của cha bà.

Mùa hè năm 1968 Hà Lê trở về Việt Nam. Trong một buổi lễ cưới tại nhà thờ Đức Bà ở thành phố, bà kết hôn với Trần Bá Tước, một học giả trẻ và cũng là một sinh viên cùng trường tại Wellington. Cặp vợ chồng mới cưới cùng quyết định ở lại Sài Gòn, ổn định nhà cửa và đóng góp bằng mọi cách trong khả năng vào việc bảo vệ đất nước. Tước, tốt nghiệp về nghành tài chính, đảm nhận một chức vụ với Ngân hàng Trung ương của Việt Nam. Hà Lê đảm nhận giảng dạy 3 môn: vật lý, hóa học và sinh học tại một trường trung học Công Giáo. Nhưng sau sáu tháng làm cô giáo, Hà Lê từ chức để đi nhận việc tại Esso, Việt Nam, với vai trò trưởng phòng thí nghiệm.

Phó Giám đốc và cũng là nhân vật đầu não thứ hai của Esso Việt Nam là Đỗ Nguyễn. Ông đã từng làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và cho Esso Á Châu. Ông đã được gởi qua Hoa Kỳ học một năm về môn quản trị và kinh doanh xăng dầu. Khi về lại Sài Gòn, ông được mời gia nhập vào Ban chấp hành của Esso-Việt Nam, trong đó có tất cả bốn giám đốc điều hành nhưng Đỗ Nguyễn là người Việt duy nhất. Ông cũng giám sát các bộ phận cơ sở hạ tầng, tiếp thị và bộ phận cung cấp của Esso. Ông Đỗ trở thành người cố vấn chủ yếu cho Hà Lê trong công ty và tận lực giúp đỡ bà hoàn thành trách nhiệm của mình. Ngược lại bà cũng ghi nhận những nỗ lực về thời gian và kiên nhẫn của ông Đỗ trong việc hướng dẫn cho bà các hoạt động của phòng thí nghiệm và của công ty.

Năm 1971 Hà Lê được Esso đưa qua Mỹ ở một năm để tu nghiệp chuyên ngành và học hỏi thêm. Trong thời gian lưu trú tại Mỹ, một số bạn bè ở Việt Nam đã viết thư khuyên bà không nên trở về Việt Nam. Một người bạn đã thẳng thắn nói “Đất nước chúng ta sẽ sụp đổ. Hãy ở lại Mỹ. Bạn sẽ được an toàn và có một tương lai tươi sáng hơn.”

Bà đã trả lời “Nhưng tôi yêu rất yêu quê hương. Tôi không thể từ bỏ đất nước ở thời điểm quan trọng này.” Và bà khuyên bạn “Nếu bạn cứ suy nghĩ theo cách tiêu cực đó thì trước sau gì chúng ta sẽ mất nước sớm thôi.”

Nhưng bà đã giấu kín những suy nghĩ đen tối về tình hình đất nước và không hề san sẻ với ai. Sau này bà nhớ lại “Thật ra tôi cũng biết, nhiều người Mỹ hiểu rất ít về Việt Nam. Và họ thực sự chẳng thèm đếm xỉa gì đến một Việt Nam xa tít mù khơi. Đối với họ nó chẳng phải là một quốc gia hay một dân tộc mà chỉ là một cuộc chiến tranh ở xa mà dân Mỹ đã quá mệt mỏi, chán ngấy và không còn muốn tham gia nữa. Đa số những người tôi quen biết đã không muốn đề cập đến cuộc xung đột này. Tuy những người có dính líu ít nhiều với cuộc chiến qua sự có mặt của con trai, anh, em, cha, con gái tại Việt Nam cũng hiểu chút đỉnh. Nhưng đối với phần lớn còn lại, họ chỉ muốn dứt khoát hẳn với chúng tôi. Càng sớm càng tốt. Khi tôi đã cố gắng chuyện trò và giải thích cho người Mỹ biết về tình hình ở Việt Nam, họ đã làm lơ. Họ chẳng muốn nghe. Cho rằng họ biết rành về những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Nhưng thật sự họ chẳng biết gì cả. Họ đã không còn muốn gắn bó với chúng tôi nữa.”

Khi trở lại Sài Gòn, Esso giao thêm cho bà chức quản lý phần liên hệ cộng đồng của công ty cùng với chức trưởng phòng thí nghiệm. Bà rất hài lòng khi được thăng chức nhưng đồng thời cũng buồn bã và lo lắng cho vận mệnh đất nước càng ngày càng tệ hại hơn. Những nghi ngờ của bà về lời cam kết của Mỹ trong việc tiếp tục hỗ trợ cho miền Nam Việt Nam đã trở thành hiện thực. Vào tháng Giêng năm 1973, Hiệp định hòa bình Paris được ký kết, kết thúc việc tham gia trực tiếp của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Vào mùa xuân năm đó những lực lượng chiến đấu còn lại của Mỹ đã lên máy bay trở về nước.Trong khi đó các lực lượng khá lớn mạnh của Bắc Việt được phép giữ nguyên vị trí đóng quân trong phạm vi biên giới của Nam Việt theo Hiệp định Paris và phe Bắc Việt cam kết không tấn công và chiếm giữ thêm những khu vực khác của miền Nam. Đồng thời Bắc Việt cũng chấp nhận sự giám sát của một ủy ban quốc tế. Nhưng cả hai cam kết đã bị phá vỡ ngay sau khi các đội quân chiến đấu cuối cùng của Mỹ rời khỏi Sài Gòn.

Cùng thời điểm đó Hà Lê quen biết Bill Johnson. Khi nghe bà tâm sự về những quan tâm về tình hình đất nước, ông ta đã đưa ra một phương cách tích cực để giúp miền Nam vượt qua được những khó khăn sắp xảy ra.

Khi Hà Lê cùng bạn bè và một số nhân viên Esso tham dự một bữa ăn tối tại khách sạn Caravelle, tại đây bà gặp Bill Johnson. Johnson là một người Mỹ hấp dẫn, cao lớn và đẹp trai, có học thức, đa ngôn ngữ (ngoài tiếng Anh ông còn thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Ý.) Ông ăn nói rất chững chạc và có thẩm quyền với sự tự tin rõ ràng với kiến thức về chính trị và chiến tranh. Trong đàm thoại ông thường trích dẫn những kinh nghiệm sâu rộng của bản thân trong các vấn đề quốc tế. Ông thích hút ống điếu hơn là thuốc lá và có dáng vẻ của một nhà mô phạm (như hầu hết người Mỹ mà Hà Lê quen biết).Trong lúc thảo luận chính trị ông hay có khuynh hướng chêm vào một ít bài giảng, như thể đang đứng trong một lớp học hơn là ngồi trong một nhà hàng với bạn bè. Ông thường lưỡng lự giữa câu nói, cẩn thận đắn đo với cách dùng chữ để thu hút sự chú tâm của những người cùng bàn.

Ông cho hay là ông làm việc trong bộ phận chính trị của tòa đại sứ Mỹ. Vợ ông, Pat, cũng theo ông sang Việt Nam và hiện cũng làm việc trong sứ quán. Cặp vợ chồng này thường đi du lịch khắp nơi trên thế giới và họ cũng rất hiểu biết về chính trị, văn hóa châu Á và các vấn đề quốc tế. Họ có nhà ở khắp nơi như Mỹ, Nhật Bản, Nam Mỹ và châu Âu. Như dự đoán của Hà Lê, Johnson đã từng là một giáo sư đại học, và ông hy vọng một ngày nào đó sẽ có dịp trở lại với nghành nghề này.

William (Bill) E. Johnson sinh năm 1919 và lớn lên ở Loveland, Colorado. Cha mẹ đã ghi tên ông vào trường Hotchkiss ở Lakeville, Connecticut. Sau đó ông ghi danh vào Đại học Yale và tốt nghiệp năm 1942 chuyên nghành về văn học Anh. Ông kể lại “Thật ra trường phải gửi văn bằng đến cho tôi vì tôi đã lên đường nhập ngũ trước buổi lễ tốt nghiệp”.

Ông kết hôn với Jean Hanson, một người bạn cùng lớp ở Yale, một thời gian ngắn trước khi nhập ngũ. Johnson tham gia trường huấn luyện sĩ quan truyền tin và được chuyển giao cho cơ quan tình báo quân sự. Ông và các đồng đội của sư đoàn bộ binh thứ hai đã đổ bộ trên bãi biển Omaha vào 07 tháng 6, 1944. Ông nhớ lại “Trong suốt thế chiến thứ hai tôi luôn gắn liền với Sư Đoàn II. Tôi từng là một sĩ quan tùy viên cho một vị tướng và tôi đã từng tham gia vào thẩm vấn, trinh sát đặc biệt và tuần tra. “Ông được biệt phái trong một thời gian ngắn về Văn phòng phục vụ chiến lược ở châu Âu- theo ông nghĩ- do khả năng hơn người về ngôn ngữ của mình.

Sau chiến tranh Johnson nhận làm giảng sư phụ tá cho môn Anh Ngữ và văn học Mỹ tại Carleton College, ở Northfield, Minnesota. Từ trong khuôn viên yên tĩnh ở Carleton ông luôn theo dõi sự tan rã của khối liên minh trong Thế chiến II, sự hình thành của các quốc gia đàn em của Liên Xô và sự khởi đầu của chiến tranh lạnh. Ông đã ngày càng lo âu vì những biến động đang xảy ra và sự bình lặng và cô lập của đời sống khoa bảng tại Minnesota.

Năm 1948 sự viếng thăm của James Jesus Angleton, một đồng nghiệp OSS cũ, đã tạo cơ hội cho Johnson tham gia vào cuộc chiến tranh lạnh.

Johnson và Angleton gặp nhau tại Yale, nơi cả hai cùng viết bài cho tạp chí văn học Furioso. Năm 1948, Angleton đến Bệnh viện Mayo ở Rochester Minnesota để chữa trị bệnh trĩ. Trong khi hồi phục, ông đã đến thăm Johnson cũng đang ở gần đó. Cả hai cùng bàn thảo về tình hình ở Đông Âu và đặc biệt là về sự thiệt thòi của phe đồng minh vì Tiệp Khắc đã lọt về khối Cộng Sản. Một tuần sau khi về đến Washington, Angleton gọi điện thoại và mời Johnson tham gia vào một tổ chức mới- mà chính ông cũng góp một tay trong việc tạo dựng-nhằm đẩy lùi sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô. Đó chính là CIA-cơ quan tình báo trung ương. Johnson còn nhớ rất rõ ông đã rất nồng nhiệt và ngay tức khắc đã trả lời “Quỉ thần ơi!!! Chịu liền, chịu liền.”

Sau khi được huấn luyện, Johnson đã được chuyển giao cho phân bộ phản gián ở Vienna (Áo). Tại đây, ông đã gặp một đồng nghiệp, Patricia Long. Cô cũng được tuyển chọn vào CIA ngay từ Đại học Princeton. Hai người rất ý hợp tâm đồng nên họ đã yêu nhau. Cuối cùng, Johnson đã ly dị người vợ trước và thành hôn với Pat. Lúc đó họ trở thành cặp vợ chồng duy nhất cùng hoạt động chung với nhau trong CIA.

Cả hai cùng trở về Washington. Bill đã được giao phó một vai trò quản lý cấp cao cho phân bộ trông coi các hoạt động Phản Báo ở vùng Viễn Đông. Họ đã cùng nhau làm việc ở châu Á và tập trung mọi hoạt động và nỗ lực vào Việt Nam. Trong nhiều năm cứ mỗi tháng một lần họ phải bay qua bay lại giữa Washington, Sài Gòn và Tokyo. Cuối năm 1972 Johnson chuyển qua căn cứ CIA ở Sài Gòn để nhận lãnh một công tác ngắn hạn. Từ tháng 5/ 1973, công tác tạm thời này đã trở thành dài hạn.

Trước khi Johnson được giao phó công tác thì Thomas Polgar đã chỉ huy căn cứ CIA tại Sài Gòn được 10 tháng rồi. Thật ra hai người đã cùng làm việc chung ở Đông Âu vào những năm cuối thập niên 40 và thập niên 50 nên cả hai rất thân thiết với nhau. Lúc Johnson ở Sài Gòn, ông thường bàn bạc với Polgar về triển vọng của miền Nam Việt Nam. Johnson nói “Chúng tôi thường bàn thảo về Sài Gòn và dần dần chúng tôi đã đi đến suy nghĩ rằng tôi phải làm việc thường trực và dài hạn ngay tại Sài Gòn”. Ông chỉ đưa ra một điều kiện: nếu CIA đồng ý thuyên chuyển Pat qua Sài Gòn cùng hoạt động chung với ông. Cuối cùng, cấp trên đã chấp thuận cho Pat làm việc ở Sài Gòn nhưng không trực tiếp dưới sự điều hành của Bill. Pat sẽ làm việc dưới quyền của Polgar trong vai trò chuyên gia phân tích về Trật Tự Chiến Trường.

Trụ sở chính thức của CIA và phân bộ đều nằm bên trong tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. CIA duy trì năm trụ sở ở miền Nam: Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa, Cần Thơ và Sài Gòn. Ngoài ra còn có một nửa tá chi nhánh ở nông thôn. Vì trụ sở Sài Gòn được thành lập trong một tòa lãnh sự ngay kế phân bộ và nằm lọt trong khuôn viên của đại sứ quán nên Johnson kiêm cả vai giám đốc của trụ sở và nhân viên tham mưu của phân bộ. Ông được giao phó trách nhiệm tổ chức các cuộc hội họp của nhân viên.

Khi bắt đầu làm việc dài hạn ở Sài Gòn, Johnson đã nhận định về cơ hội sống còn của miền Nam như sau: “nếu Việt Nam tiếp tục nhận được viện trợ tài chính, hỗ trợ thiết thực của Mỹ về mặt quân sự, cùng với lời cam kết sẽ hỗ trợ không lực khi cần thiết, thì miền Nam vẫn có một triển vọng tốt đẹp”.

Một thời gian ngắn sau khi gặp nhau lần đầu, Pat Johnson mời Hà Lê đến thăm căn biệt thự của vợ chồng họ nằm khá gần tòa Đại sứ Mỹ. Từ buổi đầu gặp gỡ vợ chồng Johnson đã hiểu biết rất nhiều về Hà Lê – về cha và cậu của bà, Tướng Vĩnh Lộc và các mối quan hệ gia đình với cựu hoàng Bảo Đại, em trai trong Không quân, các hoạt động ở Wellington, chức vụ của Hà Lê tại Esso và những quan tâm của bà về số phận và tương lai của Việt Nam.

Qua các cuộc bàn thảo trò chuyện vợ chồng Johnsons đã thu hút Hà Lê nên bà rất thích gặp gỡ tới lui với cặp này. Đôi khi họ gặp nhau chỉ để trò chuyện, kể cho nhau nghe những ký ức về cuộc sống ở Mỹ và New Zealand và Bill cũng tường thuật lại những kinh nghiệm của các chuyến du lịch và kinh nghiệm của một giảng sư đại học.

Trong một thời gian ngắn các cuộc bàn thảo của họ xoay quanh vào chủ đề Việt Nam cùng triển vọng tồn tại – ngắn ngủi hay lâu dài của đất nước này .

Hà Lê cũng san sẻ mối bận tâm của mình về tệ nạn tham nhũng ở miền Nam và những tác động làm suy sụp tinh thần của những người đang chiến đấu. Bà đã kể lại những tin đồn mà theo đó không những chỉ người Việt mà ngay cả người Mỹ cũng nhúng tay vào trong phần lớn các vụ tham nhũng. Johnson đã cho rằng đó chỉ là tin bịa đặt để công chúng bớt chỉa mũi dùi vào tệ nạn tham nhũng đang tràn lan của người Việt. Hà Lê cũng không muốn làm mất lòng Johnson. Từ lâu bà đã đi đến kết luận rằng Johnson là một người đàn ông không thích bị chất vấn. Nhưng bà cũng hiểu rằng ông hoặc đã nhận tin tức sai lạc hoặc không trung thực trong nhận xét về việc làm sai trái của Mỹ. Để bảo vệ suy nghĩ của mình, bà chỉ nhẹ nhàng chỉnh Johnson. Theo bà gần đây có tin đồn cho rằng một nhân viên CIA phụ trách căn cứ ở Tây Nguyên đã bị bắt quả tang biển thủ ngân quỹ tài trợ cho các lực lượng người Việt tại địa phương. Bà cho biết số tiền bị đánh cắp cũng khá nhiều đồng thời bà cũng tiết lộ tên tuổi tình nhân người Việt của nhân viên CIA này. Người phụ nữ đó cũng dính líu vào vụ biển thủ. Bà quả quyết với Johnson rằng trong giới quân sự và chính trị Việt Nam hầu như ai cũng biết rõ chuyện này. Và bà đặt câu hỏi “người Mỹ đã giải quyết chuyện này như thế nào”. Té ra nhân viên CIA đó chỉ bị cho về hưu một cách êm thấm. Hà Lê nói thêm “nếu mọi người bên ngoài đều biết hết chuyện này thì ít nhiều nguồn tin này cũng lan tràn vào bên trong tòa Đại sứ Mỹ. Nhưng họ làm ngơ như thể mọi chuyện tham nhũng đều xuất phát từ người Việt và hoàn toàn không dính dáng gì đến người Mỹ.” Kể xong câu chuyện bà kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của Johnson. Nhưng ông chỉ nói rằng nếu có thật thì chuyện này đã đến tai ông nhưng ông chẳng hề biết ất giáp gì cả. Ông cũng nhắc nhở “Thành phố Sài Gòn đầy rẫy tin đồn có tính cách giúp vui chứ chẳng hề có thật.”

Sau sự việc họ bất đồng ý kiến với nhau về vấn đề tham nhũng của người Mỹ, Johnson đã tiết lộ cho Hà Lê biết là cả ông và Pat đều không thật sự làm việc cho văn phòng chính trị của tòa đại sứ. Cả hai đều là nhân viên của CIA. Ông chính là Giám đốc của phân bộ CIA tại Sài Gòn và Pat là chuyên gia phân tích. Ngược lại hoạt động tình báo là tay nghề của ông. Khi Johnson tiết lộ bí mật này Hà Lê lắng nghe rất chăm chú mà không hề tỏ lộ ra rằng bà đã biết rõ những chi tiết này ngay từ buổi đầu họ gặp gỡ.

Johnson nhắc lại một lần nữa, nếu muốn duy trì sự tồn tại của miền Nam thì giải quyết nhanh chóng chuyện tham nhũng nội bộ là việc quan trọng nhất cần phải làm. Nhất là việc mua bán cung cấp gạo, vũ khí, đạn dược, phụ tùng và các sản phẩm dầu khí cho Việt Cộng. Người Mỹ cho rằng sự thất thoát các vật liệu do chính Mỹ bỏ tiền ra mua là một căn bệnh ung thư cần phải chữa trị càng sớm càng tốt. Ông muốn biết cụ thể những kẻ đầu não phá hoại là ai và cách thức ăn cắp của họ. Johnson tin rằng một số công chức cao cấp trong chính quyền miền Nam và các sĩ quan cao cấp của quân đội có dính líu tới nạn tham nhũng. Và ông muốn biết tên những người Mỹ đã hợp tác, nếu có. Ông ca ngợi khả năng gợi chuyện và lắng nghe kỹ lưỡng không bỏ sót chi tiết nào của “Holly”. Với sở trường đó và những chỗ quen biết của Holly qua Cậu Vĩnh Lộc và người em trai trong Không Quân Việt Nam, ông hy vọng bà có thể truy lần ra những tin tức có liên hệ đến sự mất mát của các nhu yếu phẩm Mỹ muốn viện trợ cho quân đội Việt Nam.

Ông đề cập thêm vấn đề thứ hai. Những hoạt động viên chính thức hay cảm tình viên của Việt Cộng không những chôm chỉa mà còn phá hoại phẩm chất của xăng, dầu, nhớt, nhiên liệu dành cho chiến đấu cơ mà Mỹ muốn cung cấp cho quân đội Việt Nam. Theo ông có lẽ không có cách chi chấm dứt mọi chuyện phá hoại.

Nhưng chắc chắn việc phá hoại có thể bị giảm bớt và nếu thực hiện được, điều này có thể giúp quân đội Việt Nam trở nên hiệu quả hơn, có triển vọng đảo ngược tình thế trong cuộc chiến chống lại miền Bắc. Do đó bằng mọi giá việc này cần phải tiến hành.

Theo ông, Hà Lê vừa mới được thăng chức làm trưởng phòng thử nghiệm và trong vai trò này cùng với các mối quen biết bên ngoài, rất dễ dàng tìm kiếm những tin tức liên quan đến những người đang ăn chặn hoặc phá hoại những sản phẩm xăng dầu kể trên.

Johnson đề nghị Hà Lê cộng tác bằng cách thu thập những tin tức quan trọng. Ông cũng khuyến cáo trước là công việc cũng có hiểm nguy. Một khi bị nhận diện là người cung cấp tin tức cho CIA, cuộc sống của Hà Lê sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Ngược lại ông cũng khẳng định nếu Hà Lê giữ kín chuyện này thì nguy cơ bị khám phá gần như không xảy ra. Johnson cũng hứa sẽ giữ kín miệng, không tiết lộ cho bất kỳ ai trong căn cứ CIA, đồng thời sẽ cất giữ rất ít hồ sơ dính dáng đến việc hợp tác của Hà Lê. Những hồ sơ liên quan đến công việc của Hà Lê sẽ do chính ông thường xuyên tiêu hủy.

Nhưng Hà Lê là một người rất thận trọng. Bà không nhận lời đề nghị của Johnson liền tức thì. Nhưng cũng không từ chối. Bởi lẽ bà cần phải thảo luận với chồng và thân phụ. Johnson cũng thấu hiểu và cho bà một tuần để suy nghĩ.

Hà Lê quyết định không nói gì với chồng. Nhưng bà đã thảo luận với thân phụ. Ông cụ đã chăm chú lắng nghe con gái. Sau khi cân nhắc, ông đã nhắc nhở Hà Lê vai trò của người chị cả trong gia đình là phải có trách nhiệm chăm nom cho đám em út. Bà cũng thưa với bố là bà không hề lãng quên bổn phận này. Nhưng bà cũng trình bày với bố nếu có thể làm một điều nào đó để hỗ trợ cho sự tồn vong của miền Nam cũng có nghĩa là không những bà đã bảo vệ được quyền lợi của các em út trong gia đình mà còn cho tất cả người dân trong nước.

Thân phụ cũng đề cập đến những sơ hở trong mạng lưới tình báo của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Theo ông, CIA đã mua tin tức từ hàng trăm người Việt nhưng phần lớn những người này chỉ thu lượm tin tức từ báo chí trong nước rồi cung cấp cho CIA. Điều này mọi người đều biết rõ. Ông cũng khuyến cáo Hà Lê vì CIA không có khả năng giữ bí mật cũng như khả năng thu thập tin tức. Và ông cũng chẳng hề ngạc nhiên nếu những người cung cấp tin tức mà Mỹ đang tin tưởng cũng hoạt động ngầm cho phe Việt Cộng.

Hà Lê thưa lại rằng đó là lý do tại sao một người như bà có thể giúp ích cho người Mỹ và giúp ích cho quê hương. Bà có thể nghe ngóng, lượm lặt những tin tức mà người khác không hề có điều kiện để làm. Vì thế chuyện này cũng nên làm lắm chứ?

Thật ra bà chẳng mua bán gì cả. Vì Johnson chẳng hề hứa hẹn trả tiền hoặc đền bù gì.
Ông chỉ hứa tạo cơ hội để giúp đỡ miền Nam. Sau khi khuyến cáo bà nên lo lắng cho an toàn bản thân trước hết, luôn dòm trước ngó sau trong mọi hành xử và không nên liều mạng khi không cần thiết, thân phụ của Hà Lê đã ưng thuận cho phép bà cộng tác với Bill Johnson. Sau đó vài ngày Hà Lê cho Johnson hay là bà sẵn sàng cộng tác.

Lúc ấy bà đã giữ chức giám đốc phụ tá về liên hệ công chúng đồng thời cũng kiêm luôn trưởng kỹ sư hóa học và trưởng phòng thí nghiệm. Nhưng có một nhân viên cấp dưới tuy làm việc chung với bà mỗi ngày nhưng lại hay kiếm chuyện. Y cũng là một người lãnh đạo của công đoàn. Thoạt đầu bà cứ tưởng người này khó chịu vì y không thích làm việc dưới quyền một phụ nữ. Y rất mạnh miệng trong việc chê bai chỉ trích chính quyền miền Nam. Đôi khi y cũng kín đáo bày tỏ sự ủng hộ phe cộng sản. Khiến đôi lúc bà cứ tưởng y ta cố tình khiêu khích. Bà nhớ lại “Tôi có nói với y là nếu tiếp tục gây khó khăn thì tôi cũng dư khả năng ứng xử. Nhưng tôi không muốn căng thẳng như vậy. Chúng ta đều là người Việt và chúng ta nên tôn trọng và cư xử đàng hoàng với nhau. Chúng tôi có quyền bất đồng ý kiến về nhiều vấn đề. Nhưng chúng ta cũng có nhiều điểm tương đồng. Hãy tập trung vào việc làm và đừng đụng chạm gì đến chính trị tại công ty này. Tôi và anh đều tôn trọng lẫn nhau thì mọi việc đều yên ổn.”

Nhận thấy các nhân viên khác có vẻ nể vì người đại diện công đoàn này, bà bắt đầu để ý đến công việc của y. Trong một thời gian ngắn, bà phát giác ra anh ta cùng một số người làm chung đã phá hoại những thử nghiệm về xăng dầu. Theo lời bà “Mỗi khi có một cuộc hành quân qui mô trong rừng, mỗi lần một đơn vị quân đội di hành hoặc cuộc bành binh bố trận lớn, xà lan được điều động lên sông Long Bình để chuyên chở hàng nhu yếu phẩm, nhiên liệu cho máy bay, cho các xe tải. Nhân viên trong Esso đều biết rành về chuyện xà lan dầu, bởi vì trước khi được chuyển đi chúng tôi phải xét nghiệm phẩm chất. Mọi phá hoại và đình trệ đều bắt nguồn ngay tại đây.

Hà Lê giải thích “Các sản phẩm xăng dầu thường được tinh lọc từ các nhà máy bên Singapore. Sau đó chúng tôi sẽ xét nghiệm mẫu lấy từ các tàu chở dầu trước khi giao cho quân đội. Chúng tôi cũng kiểm định thêm một lần nữa khi các xe bồn và xà lan chở xăng dầu đến nơi nhận. Sự ô nhiễm có thể xảy ra tại thời điểm nhập khẩu hoặc trong quá trình vận chuyển hoặc tại nơi nhận hàng. Vì thế cần phải có nhiều lần xét nghiệm và nếu kết quả không như ý muốn tại một trạm, toàn bộ chu trình sẽ bị đình trệ. Quân đội và phi cơ sẽ không có nhiên liệu để vận chuyển. Và mỗi lần xà lan bốc dỡ hàng hóa ai cũng biết và từ đó họ có thể nhắn tin đến một ai khác để phe họ báo trước cho VC những gì sắp xảy ra hoặc gây ô nhiễm nhiên liệu khiến chiến dịch hành quân bị chậm trễ.

“Chúng tôi cũng có phòng xét nghiệm ở căn cứ quân sự Long Bình và ngay tại cơ sở của chúng tôi ở các phi trường Tân Sơn Nhất, Nha Trang, Qui Nhơn và Đà Nẵng. Ở mỗi nơi chúng tôi thường thiết lập một phòng thí nghiệm chỉ đủ khả năng thử nghiệm sơ sài mà thôi. Sau đó tự tôi xét nghiệm lại toàn bộ. Kết quả cho thấy không có ô nhiễm gì nhiều. Cho nên tự nhiên cùng một lúc, rất nhiều trường hợp xăng dầu bị ô nhiễm khiến tôi nghi ngờ có điều không ổn đang xảy ra”.

“Chúng tôi cũng thử nghiệm tất cả nhiên liệu của Campuchia và Lào cũng như miền Nam Việt Nam. Mỗi lần họ gửi mẫu sang cho chúng tôi, coi như máy bay của họ chờ sẵn trên phi đạo chỉ chờ kết quả ok là máy bay cất cánh ngay cho phi vụ. Trong một số trường hợp rắc rối khi nhiên liệu bị ô nhiễm hoặc một người lỡ tay làm rớt mẫu v..v thì mẫu mới sẽ phải được chở qua bằng máy bay, phiền hà lắm … Bất cứ điều gì có thể làm trì trệ chu trình thử nghiệm vài giờ hoặc thậm chí một ngày, vừa đủ thời gian để ai đó báo tin cho phe địch. Khi chúng tôi quyết định một đợt nhiên liệu đã bị ô nhiễm, chúng tôi phải tốn thì giờ chờ mẫu mới và đợt xăng dầu nhiễm bẩn đó sẽ bị hủy bỏ ngay lập tức.”

Dần dần Hà Lê nhận rõ rằng nhiên liệu đã không bị nhiễm bẩn trong lúc chuyên chở hoặc ngay giữa mặt trận. Việc phá hoại này được sử dụng như một chiến thuật trì hoãn và chỉ có thể xảy ra ngay tại phòng thử nghiệm mà thôi.

Bà nhớ lại “Một khi bắt đầu nghi ngờ tôi đã để ý và biết ngay những gì đang xảy ra một cách nhanh chóng. Tôi cũng rất ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi đã không nhận biết vấn đề này sớm hơn. Có lẽ tại tôi đã quá tin tưởng vào sự trung trực của mọi nhân viên trong nhóm xét nghiệm. Dĩ nhiên chúng tôi thường bất đồng về quan điểm chính trị và nhiều vấn đề khác. Nhưng tôi không hề nghĩ rằng những bất đồng này sẽ dẫn đến việc phá hoại ngay trong công ty. Tôi quyết định cứ mỗi lần xét nghiệm tôi sẽ lấy hai mẫu.” Và Hà Lê đã không cho bất kỳ ai hay biết về điều này. Bởi lẽ bà có thể nghĩ sai.

Trong khi các nhân viên xét nghiệm trên các mẫu chính thức, bà cũng thử nghiệm trên mẫu của riêng mình. Ngay lập tức bà nhận thấy sự khác biệt trong kết quả thử nghiệm của mình so với của nhân viên. Theo kết quả của bà mọi nhiên liệu đều tinh chất. Nghĩa là các cuộc không kích và chiến dịch tấn công có thể diễn ra ngay lập tức. Các mẫu do các nhân viên đã xét nghiệm lại bị ô nhiễm – nghĩa là phi vụ và các cuộc hành quân phải bị trì hoãn.

Khi nhận thấy sự khác biệt giữa các xét nghiệm của chính bà và những người đồng nghiệp, bà đã bình tĩnh yêu cầu nhiên liệu được xét nghiệm thêm một lần nữa “trước mặt tôi”.
Một số nhân viên phòng thí nghiệm đã phản đối, trong đó có người đứng đầu công đoàn – nhưng cuối cùng họ cũng làm theo lời yêu cầu của bà. Một số người tò mò. Một số người thắc mắc. Một số nhân viên đã hỏi “Có chuyện gì vậy? Bộ bà không còn tin tưởng kết quả xét nghiệm của chúng tôi? Bộ bà không còn tin tưởng khả năng làm việc của chúng tôi?”
Bà trả lời “Vấn đề không phải như vậy.”

Một kỹ sư hóa nói “Tôi đã làm việc ở đây lâu hơn bà.” Và bà đã trả lời, “Vâng, ông đã làm việc lâu hơn tôi. Nhưng bất cứ ai cũng có thể làm sai.” Khi một số nhân viên có vẻ bất ổn, bà giải thích “Xét nghiệm sai lầm sẽ tạo hậu quả. Hủy bỏ toàn bộ một lô hàng nhiên liệu có thể phí phạm hàng chục triệu đồng. Quí vị có hiểu vấn đề hao tốn này không? Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cho công việc của phòng thử nghiệm này. Tất cả trách nhiệm đè nặng trên vai tôi. Tôi cần phải thông báo là chính mắt tôi đã chứng kiến ​​các cuộc xét nghiệm và kết quả cho thấy xăng dầu không còn tinh chất. Chứ chẳng phải tôi không tin tưởng vào phẩm chất làm việc của các bạn. Tin tôi đi. Chỉ là vấn đề trách nhiệm mà thôi – trách nhiệm của chính tôi! Tôi chỉ muốn tận mắt chứng kiến ​​các xét nghiệm.” (Bà đã không đề cập đến việc chậm trễ cũng tạo thời gian cho phe địch biết trước về một cuộc hành quân sắp xảy ra.)

Bà nhớ rõ là nhân viên đã đồng ý xét lại các thử nghiệm. Kết quả lần hai thường khác hẳn kết quả lần đầu. Các nguyên liệu đều tinh chất. Bà kể thêm “Chúng tôi nghỉ ngơi một chút,” rồi xét nghiệm mẫu lần thứ ba. Kết quả lại tốt nữa. Tôi lên báo cáo với cấp trên “mẫu ok rồi.” Tôi đã cho Đỗ Nguyễn hay rằng các xét nghiệm cho thấy nhiên liệu không hề ô nhiễm. Ông ấy cứ hỏi tôi- lập đi lập lại- xét nghiệm mấy lần rồi. Tôi nói với ông ta đã thử ba lần rồi và có hai lần xét nghiệm cho kết quả tốt. Đôi khi ông Đỗ yêu cầu xét nghiệm thêm lần thứ tư và kiếm lý do trì hoãn. Tôi có cảm giác ông ấy có vẻ thất vọng khi kết quả cho thấy nhiên liệu tốt. Nhưng tôi đã phải thực hiện những gì ông ấy đòi hỏi.

Bà thông báo với Johnson những gì bà đã phát giác, nhưng không điềm chỉ một ai. Bà không muốn những kẻ bị nghi ngờ phá hoại phải đón nhận hậu quả. Mọi khiển trách từ người ngoài đối với bất cứ nhân viên trong bộ phận của bà sẽ khiến mọi người biết ngay bà là người chỉ điểm (bà biết rõ như vậy) . Do đó sự đóng góp của bà cùng sự nghiệp, cuộc sống của bản thân, cuộc sống của những người thân trong gia đình sẽ gặp nguy hiểm. Bà nói với Johnson bà cần thêm thời gian để theo dõi kỹ lưỡng hơn, để biết sự phá hoại đã lan rộng đến mức độ nào trong phòng thử nghiệm. Bà có thể ngăn chặn các sơ sót trong các bộ phận nếu bà có thể khám phá ra đường lối tổ chức và những nhân viên chủ chốt là ai. Johnson có vẻ hài lòng với những thành quả của bà và đồng ý chờ đợi trong khi bà tìm cách giải quyết để giảm thiểu sự chậm trễ trong việc cung cấp nhiên liệu.
Trong những tuần lễ kế tiếp bà tiếp tục xét nghiệm mẫu hai lần. Bà kể “Tôi giữ kín mối nghi ngờ trong đầu. Tôi không biết đường dây phá hoại lan rộng đến cỡ nào và tôi không muốn những nhân viên vô tội bị khiển trách và buộc tội. Tôi chắc chắn rằng các người phá hoại đã làm việc cho một người nào khác. Sau đó một tháng tôi cho hội họp tất cả nhân viên. Tôi bảo với họ “Quí vị cũng biết tôi mới vào công ty này. Nhưng tôi cũng đã ở công ty đủ thời gia để nhận biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi sẽ không nêu tên hay vạch tội bất kỳ ai. Tôi luôn tạo cơ hội cho mọi người. Vì tôi mới giữ chức vụ này nên tôi có thể bị sa thải nếu vấn đề này tiếp tục xảy ra. Với bằng cấp chuyên môn, không làm ở đây thì tôi vẫn dễ dàng kiếm việc làm tại công ty Shell hay CalTex . Nhưng về phần quí vị nếu đã bị sa thải, quí vị sẽ gặp khó khăn kiếm một việc khác. Tôi không đe dọa quí vị đâu nhé. Tất cả mọi sai lầm đều có lập biên bản trong chồng hồ sơ đây này.

Rồi bà tiếp tục “Hôm qua, chai và các mẫu nhiên liệu của máy bay phản lực 1A từ Campuchia đã bị đập bể, và bị ô nhiễm – những mẫu này đã bị phá hoại ngay tại đây trong phòng thí nghiệm của tôi! Điều này xảy ra liên tục. Và tôi không nghĩ rằng mọi sự việc hoàn toàn ngẫu nhiên. Tôi phải nghi ngờ vì chúng xảy ra quá thường xuyên. Bây giờ, tôi có thể bỏ qua và tha thứ cho tất cả mọi vấn để đã xảy ra tại đây nếu quí vị cam kết từ bây giờ trở đi quí vị sẽ hợp tác với tôi và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra. Tôi muốn mỗi vị ký tên vào biên nhận của mẫu mình đang xét nghiệm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về mẫu đó. Nếu có điều gì sai lầm xảy ra cho mẫu, chính người ký tên sẽ phải nhận lãnh mọi hậu quả. Đất nước đang có chiến tranh và nếu chúng ta phạm sai lầm ngay trong phòng thí nghiệm, chúng ta có thể bị đưa ra trước tòa án quân sự. Xăng dầu bị ô nhiễm có thể giết người. Ai cũng biết rõ điều này. Máy bay rớt. Xe tải không lăn bánh. Công việc sai lầm ở đây sẽ gây ra mất mát mạng sống ở nơi khác. Nếu không muốn nhận lãnh trách nhiệm này, tốt hơn, quí vị nên từ chức ngay từ ngày hôm nay. Nhưng bất cứ điều gì quí vị muốn, xin vui lòng đừng lập lại những trò lừa gạt này nữa. Vì làm như thế rất là ấu trĩ và gây chết người.

Bà giải thích thêm “Tôi cũng biết nhân viên của tôi được trả tiền hậu hỉ để làm chuyện này. Vào thời điểm đó dân nghèo dễ dàng bị giật dây bởi Cộng Sản. Xã hội lúc ấy có một khoảng cách khá lớn giữa người giàu và người nghèo gây ra lòng tham lam, sự ghen ghét và cảm giác về sự bất công trong cuộc sống. Toàn là những động lực rất mạnh mẽ. Phải kể thêm nỗi bất an. Nhất là lo sợ. Hầu hết các nhân viên của tôi đều có người thân thuộc còn ở nông thôn và gia đình họ sẽ phải trực diện với những trừng phạt của Việt Cộng nếu họ từ chối hợp tác. Không ai là không bị ràng buộc và tôi cũng biết rất rõ về điều đó. Không hợp tác với tôi có nghĩa là họ sẽ mất công ăn việc làm. Nhưng nếu không hợp tác với VC có nghĩa là những người thân sẽ bị mất mạng. Bạn thấy đấy, họ bị kẹt cứng. Bởi vì biết tình trạng khó xử này, tôi chỉ có thể giải quyết vấn đề trong một khuôn khổ hạn hẹp. Tôi phải cho họ một lối thoát. Vì vậy, tôi cố gắng giải thích thật rõ ràng những điều chúng tôi phải làm. Và trách nhiệm của tôi. Tôi cũng giải thích rằng tôi còn có cấp trên. Cuối cùng những lời kêu gọi và sự biết điều của tôi dường như có hiệu quả. Sau đó mọi việc đều tốt đẹp. Càng ngày càng ít nhiên liệu ít bị ô nhiễm khi xét nghiệm.

Nhưng những nỗ lực của Hà Lê dường như quá ít ỏi và muộn màng. Là giám đốc liên hệ công cộng, Hà Lê xem xét các tờ báo tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài. Sau đó bà đúc kết và tường thuật cho Tổng Giám đốc về tình hình chính trị, kinh tế và quân sự ở Việt Nam. Càng ngày tình hình miền Nam càng khiến bà lo lắng và quan tâm nhiều hơn. Trong những cuộc họp thường xuyên với Tổng giám đốc, Edwin “Ed” Ketchum, bà nhận thấy rằng ông ta dường như đã mất niềm tin vào tương lai của miền Nam Việt Nam. Vào mùa xuân năm 1975, câu hỏi liệu miền Nam sẽ tồn tại trong bao lâu nữa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Sau một lần đánh giá khá tệ hại, Ketchum đã muốn biết những suy nghĩ cá nhân của bà về tình hình quân sự. Bà nhớ lại bà đã tần ngần một lúc rất lâu rồi nói rất khẻ gần như là thì thầm “cứ cái đà này chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ sụp đổ.” Ketchum lắng nghe và không hề ngước lên nhìn bà. Ông đã đồng ý với bà. Ông chỉ trả lời nho nhỏ “ok” rồi đứng dậy bước ra khỏi phòng. Ngày hôm sau bà được thông báo về dự án di tản những nhân viên nòng cốt của Esso trong trường hợp quân Bắc Việt tiến gần đến ngoại ô Sài Gòn. Hà Lê cùng chồng và con trai 16 tháng đều nằm trong danh sách này.

Trong khi đó Johnson rất ngần ngại không muốn chia sẻ quan điểm ngày càng đen tối về tương lai của Nam Việt Nam với Hà Lê. Ông nghiệm ra rằng “Watergate đã thay đổi mọi chuyện”. Mùa hè 1974, một phụ tá cao cấp của một bộ phận khác ghé qua thăm Johnson. Johnson nhớ lại “Tại một bữa ăn tối ông ấy đã cập nhật hóa những gì đang xảy ra ở Washington cho tôi nghe. Trong quá trình thảo luận tôi nhận ra một điều rất rõ là toàn bộ bầu không khí ở Washington đã thay đổi, rằng quỹ viện trợ sẽ bị Quốc hội cắt giảm rất nhiều. Ngân quỹ chẳng mấy chốc sẽ hết sạch. “Và tệ hơn nữa,” khi đó lệnh cấm vận dầu đã xảy ra và đến cuối năm 1974 giá dầu tăng gấp bốn lần khiến Chính phủ Việt Nam gặp khó khăn trong việc cung cấp nhiên liệu cho không lực và bộ binh. Họ đã cắt giảm nhiều phi vụ và vận chuyển đường bộ chỉ vì không đủ xăng dầu. Thêm vào đó phần lớn lượng nhiên liệu tồn trữ thường bị phá hoại bởi một ai đó trong chu trình cung cấp.”
Johnson đã kết luận rằng “Chúng tôi và phe đối nghịch ở Moscow đã cùng nhận định rằng nếu lực lượng Bắc Việt tổng tấn công thêm một lần nữa như đợt 1972 thì lần này họ sẽ thành công dễ dàng hơn. Thảm họa đang chờ ở góc đường”.

Ngày 12/12/1974 cuộc tổng tấn công cuối cùng của quân Bắc Việt bắt đầu tại tỉnh Phước Long cách xa Sài Gòn khoảng 100km. Quân Bắc Việt đã hoàn toàn kiểm soát tỉnh lỵ này vào ngày 06/1/1975. Sau một thời gian ngắn, ngày 3/3 quân đội miền Bắc lại khởi sự tấn công Ban Mê Thuột. Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã tan hàng và rút lui. Các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía bắc của Trung Việt đều lọt vào tay địch và vào đầu tháng tư, mọi người đều thấy rõ là miền Nam sắp chấm dứt.

Từ tháng giêng cho đến đầu tháng ba năm 1975, Hà Lê tổ chức các chuyến ủy lạo đến thăm các tiền đồn quân sự gần biên giới với Campuchia và Lào và các tỉnh cực bắc của đất nước. Bà mô tả “Những nơi hiểm nguy mà lính Thuỷ Quân Lục Chiến và Bộ Binh đang đóng quân. Chúng tôi mang quà cáp để trao tặng và cho họ biết người ở hậu phương luôn hỗ trợ các chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Đôi khi tôi rất buồn trong những chuyến ủy lạo này. Những người lính đang chiến đấu và ngay cả những người đã hy sinh đều có tinh thần rất cao. Tôi thấy rất buồn vì tôi thấy rõ tình hình bên ngoài đang xấu đi. Tuy nhiên, những người lính này vẫn nuôi hy vọng trong tim là ít ra họ đang chiến đấu và hy sinh cho một chính nghĩa. Tôi rất đau khổ vì tôi biết rõ sự thật. Tôi thầm ao ước có đủ can đảm để tiết lộ sự thật phủ phàng là cái chết của họ hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng tôi đã giữ im lặng.

Sau những đợt ủy lạo chiến sĩ ở tiền đồn, bà đã khám phá “Nhiều bà vợ của các ông Tướng thuờng xuyên bán gạo và nhu yếu phẫm cho Việt Cộng để kiếm thêm tiền. Họ biết trước rằng họ sẽ xa rời đất nước này và họ muốn tích lũy thật nhiều tiền của trước khi đi. Trời oi, họ đã mua ba’n với kẻ thù, có tin được không?” Bà đã quá xấu hổ về những điều mà chính người đồng hương của bà đang thực hiện. Nên bà chẳng hề tiết lộ điều này cho Johnson.

Bà cũng đã quả quyết rằng một số lượng đáng kể về xăng dầu và nhiên liệu cho máy bay phản lực không bao giờ được chuyển giao cho quân lực miền Nam. Trong khi người Mỹ vẫn khăng khăng tệ nạn tham nhũng hoàn toàn do người Việt, Hà Lê vẫn nghi ngờ là người Mỹ cũng có dính dáng vào. Nhiều biên nhận cho các lô hàng dầu từ Singapore thực chất chỉ là “tàu giấy” và “xăng giấy”. Từ ​​năm 1973, hàng ngàn thùng sản phẩm dầu mỏ đã biến mất. Bill Johnson, báo chí Mỹ và công chúng Mỹ đã kết tội miền Nam về các sản phẩm mất tích này. Nhưng trong những lần chuyện trò với những người lính ở tiền đồn và với cha, em trai và cậu, Lê Hà đã tin chắc rằng tham nhũng không chỉ do người Việt. Người Mỹ cũng đã dính líu sâu xa vào các hoạt động tham nhũng ở Việt Nam.

Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Mỹ- thay cho MACV- cũng bắt đầu nghi ngờ. Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ đã được chỉ định để kiểm toán. Sau đó FBI bắt đầu việc điều tra. Việc tìm kiếm các sản phẩm dầu mỏ mất tích của FBI dẫn đến hoạt động của bốn người trong đó có một Mỹ, một Hồng Kông. Họ đã tẩu tán 4.400.000 đô la của ngân quỹ dành cho nhiên liệu cung ứng cho quân đội miền Nam. Ba trong số những người này chạy thoát nhưng người thứ 4, người Mỹ, đã bị bắt vào mùa hè năm 1975 ở West Virginia và buộc tội gian lận. Ông nhìn nhận đã hoán chuyển ngân quỹ dành để cung cấp sản phẩm dầu Nam Việt Nam. Số tiền 900.000 trong tài sản cá nhân đã bị Chính phủ Mỹ tịch thu và ông đã bị kết án 5 năm tù. Nhưng khi vụ biển thủ này được phơi bày, Nam Việt Nam đã không còn tồn tại.

Vào giữa tháng 3/1975, Hà Lê nhớ lại, “Chẳng ai còn hy vọng gì nữa”. Một người bạn thân của bà nói rằng vẫn còn hy vọng nếu chúng ta phân chia nửa phía bắc của miền Nam cho Bắc Việt và nửa phía nam còn lại dành cho một thể chế cộng hòa. Nhưng Hà Lê nói với người bạn “Không, điều đó sẽ không xảy ra. Chúng ta đã thua. Mọi việc đã kết thúc. Nam Việt Nam chấm dứt. Và nếu bạn có điều kiện chạy thoát nơi này bạn nên chuẩn bị ngay bây giờ”.

Đầu tháng 4 em trai của Hà Lê, đại úy không quân, đến thăm bà ở Sài Gòn và bày tỏ mối quan tâm nghiêm trọng của riêng mình. Ông nói “Chị là người lớn tuổi nhất trong gia đình. Nên chị phải cách nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho cha mẹ và em út còn lại vì tình hình càng ngày càng nguy hiểm. Đôi khi em thấy lo sợ lắm. Mỗi khi bay từ trên cao nhìn xuống em thấy tụi Việt Cộng ngụy trang với các nhánh cây đông như kiến bò trên các ngọn núi. Chúng ta thua cuộc rồi. Tụi nó không xa lắm đâu. Tụi nó đang bao quanh chúng ta đó. Nhưng mỗi khi em báo cáo chuyện này với cấp trên, ông ta đều giận dữ, la hét và chế nhạo em có trí tưởng tượng rất tốt. Cậu em trai của Hà Lê đã tử trận vào ngày 29/4/1975, ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Trong khi đó Bill Johnson đã lập kế hoạch để rời khỏi Việt Nam. Ông nói “Tất nhiên tôi phải lo thu xếp cho Pat rời Việt Nam. Ngày 20/4 cô ấy sẽ bay qua Bangkok. Tôi sợ rằng mình sẽ không thể làm tròn công việc của tôi nếu tôi bị chia trí vì phải quan tâm đến sự an toàn của Pat. Vì vậy tôi thu xếp cho cô ấy rời Việt Nam. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy rất cần sự có mặt và giúp đỡ của Pat, đặc biệt vào ngày cuối cùng.”

Việc di tản của người Mỹ và Việt Nam “thuộc diện có nguy cơ” càng trở nên lộn xộn khi tình hình tại Sài Gòn càng hỗn loạn. Johnson đã thông báo rằng cuộc di tản cuối cùng sẽ xảy ra vào thứ ba 30/4. Ông nói “Nhưng ngày kế của ngày cuối cùng hóa ra lại là ngày cuối cùng. Để rồi những người lẽ ra phải được bốc đi lại bị kẹt ở lại.” Hà Lê là một trong những người bị xui xẻo đó. “Pat có thể đóng một vai trò lớn trong những phút chót đầy rối rắm và lộn xộn để tổ chức những cú điện thoại, chuyển người đến các điểm di tản và những điều tương tự. Tôi đã cố gắng hết mức nhưng không cách nào lo liệu cho xuể.”

Vào sáng 29/4 trong khi Johnson chở các thành viên của một ủy ban giám sát quốc tế từ sân bay Tân Sơn Nhất đến khách sạn Đức ở Sài Gòn, qua radio của bên trong tòa đại sứ một người phụ nữ hét toáng lên “Johnson, xách đít trở về đây càng sớm càng tốt”.
Ông lấy theo duy nhất một túi xách tay và bảo tài xế đưa ông đến Đại sứ quán. Khi đến đó một đám người đông nghẹt đang bu quanh. Bác tài không cách chi đưa ông đến trước tòa đại sứ với đám đông như thế. Ông đành xuống xe cách đó hai con đường. Xong ông từ biệt tài xế và tặng luôn chiếc xe cho người này.

“Tôi chen lấn trong đám đông và tiến tới gần cửa sau của tòa đại sứ. Hầu hết những người Việt đang bu ở cổng sau đều nhận ra tôi. Đây là những người tuyệt vọng đang cố gắng tìm cách chen vào bên trong tòa đại sứ để lên trực thăng rời khỏi Việt Nam. Nhưng họ nhường lối cho tôi lách vào và lính gác mở cổng cho tôi. Khi đến nơi văn phòng đang bị cháy vì vậy tôi phải đi thẳng vào tòa nhà chính.”

“Trong văn phòng của tôi có một máy xé sợi và một máy đốt và ai đó trong lúc quá hăng say đã đốt tất cả giấy tờ hồ sơ khiến các vật dụng trong phòng cũng bị bốc cháy. Căn phòng không bị hư hoại hoàn toàn nhưng tất cả mọi thứ bên trong đã bị thiêu rụi. Chúng tôi nhận được điện tín từ Washington báo tin trọng pháo hiện đang bắn phá Tân Sơn Nhất sẽ quay hướng chỉa về khuôn viên tòa đại sứ lúc 6:00 chiều. Tin này xuất phát từ những liên lạc về thông tin mà NSA (Văn Phòng An Ninh Quốc Gia) đã thu xếp. Lệnh di tản đã được gởi đi trước khi chúng tôi có cơ hội để trả lời.

“Thủy quân lục chiến do trực thăng chở tới bắt đầu xuất hiện và bắt đầu canh gác xung quanh tòa Đại sứ. Đúng 6:00 chiều, chúng tôi đứng nhìn đồng hồ. Và ngay lúc đó một quả đạn bắn ngay vào phần trên của chung cư bốn tầng gần sát tòa đại sứ. Đây là điều duy nhất xảy ra vào lúc 6:00 giờ chiều. Chỉ một viên trọng pháo.

“Tôi bèn đi ra sân để giúp kéo người trèo qua mấy bức tường. Ở bên ngoài có hàng ngàn người đang tìm mọi cách để leo vào bên trong. Đồng thời bên trong nhân viên chúng tôi đang phá hủy mọi tài liệu. Khắp nơi máy đốt và máy xé làm việc liên tục. Tôi dành phần lớn thời gian gọi điện thoại cố liên lạc với những người ở quanh Sài Gòn và cho họ hay để họ rời Việt Nam hoặc tìm đường đến địa điểm tập trung. Hệ thống điện thoại chết tiệt lúc ấy đang bị kẹt cứng nhưng chưa đến nổi hoàn toàn tê liệt. Tôi không thể liên lạc với Holly (Hà Lê) và điều này khiến tôi rất lo lắng. Tôi lo cho bà ấy thật nhiều.

“Tôi chạy xuống cổng và nhìn bên ngoài để tìm Holly. Tôi cũng kéo thêm một số người cùng giỏ xách vượt qua bức tường. Buồn thãm lắm. Tình hình bấy giờ thật thê thãm. Tôi tiếp tục gọi điện thoại cho Holly nhưng không thành công. Thỉnh thoảng tôi lại chạy ra cửa và tìm kiếm bóng dáng cua Hà Lê. Nhưng cô ấy vẫn biệt tăm.”

Tối hôm đó, Johnson cùng với Frank Snepp, Tướng Charles Timmes và Ken Morefield (1 tùy viên của đại sứ Martin) leo lên trực thăng đi khảo sát tình hình chung quanh. “Lúc trực thăng vừa cất cánh, tôi nhìn xuống và nhận thấy xe cộ trong sân đều bị đốt. Lửa cháy sáng rực trong đêm. Tôi đã quá mệt nên ngủ thiếp đi và Timmes đã lay tôi dậy khi chúng tôi bay ngang qua kho đạn phế thải Long Bình. Lạy Chúa tôi, y như một màn pháo bông. Phía dưới chúng tôi là một biển lửa đang bùng nổ. Trong lúc chúng tôi đang ngắm nhìn cảnh tượng này, đột nhiên thấy dấu đạn đỏ bắn lên gần hướng chúng tôi, nhưng không trúng. Timmes nói điều này là rất lạ lùng vì chúng tôi dư biết Việt Cộng đã có hỏa tiễn SAMS nhưng họ không muốn bắn. Thay vào đó, họ bắn súng tự động như một kiểu dằn mặt để nhắc nhở chúng ta về những gì đang xảy ra. Làm như thể chúng tôi cần được nhắc nhở!!! Lúc đó trực thăng đã bay thoát khỏi tầm bắn và chúng tôi vẫn còn thấy dấu đạn bắn lên, lơ lửng một chút rồi rồi rơi xuống đất.

Johnson kể tiếp “Chúng tôi đã tạm dừng cánh ở Denver rồi bay qua Subic Bay. Sau đó chúng tôi được đưa tới Manila. Rồi qua Guam và chuyển vào một căn lều trong Orote Point để tìm kiếm những người thất lạc trong nhóm. Tôi tìm kiếm Holly nhưng không hề thấy bóng dáng của bà đâu cả. Tôi bắt đầu lo sợ. Điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Chúng tôi giao cho một cô gái vừa đạp xe vừa la lớn qua một cái loa. Cô ta chạy vòng vòng khắp trại đọc tên của tất cả nhân viên, thông báo nơi họ cần tập trung.” Trong những ngày cuối cùng của tuần lễ chót trước khi người Mỹ di tản, khi quân đội Bắc Việt tiến gần đến Sài Gòn, Johnson thường xuyên gọi điện thoại và quả quyết với Hà Lê rằng ông ta sẽ đem bà cùng chồng con ra khỏi Việt Nam và tất cả các hồ sơ giấy tờ liên hệ đến bà đều được hủy bỏ. Ông cho Hà Lê hay chính phủ Mỹ sẽ rút hết người Mỹ về nước vào ngày 30/4. Ông cũng hứa sẽ sắp xếp cho song thân của bà và những người em còn lại rời khỏi Việt Nam.

Lê Hà và chồng sống trong một khu nhà biệt lập của Ngân hàng Trung ương Việt Nam về phía Bắc của cầu Newport. Johnson đã dặn dò “Cứ ở yên trong nhà và chờ đợi cú điện thoại của tôi. Ông chỉ thị cho bà và chồng mỗi người chỉ nên xách một túi nhỏ khi di tản. Hai vợ chồng Hà Lê đã chuẩn bị xong túi xách và ở nhà chờ tin của Johnson. Họ không được thông báo cuộc di tản đã được dời sớm hơn 24 tiếng, khởi sự vào ngày 29/4 thay vì 30/4. Johnson đã không thể liên lạc với bà trong ngày 29 và cứ thế bà mòn mỏi chờ đợi một cú điện thoại không bao giờ tới.

Bà nhớ lại “Lúc 3 giờ sáng 29/4 chúng tôi nghe tiếng la ó khắp nơi và trong ánh sáng chạng vạng đầu ngày chúng tôi nhìn thấy những người lính Bắc Việt chạy khắp nơi. Nhưng họ chẳng thèm để ý đến chúng tôi.Tôi mới bàn với chồng “Chúng ta phải rời khỏi nơi đây ngay tức khắc. Chúng ta đi đến bờ sông, và nếu cần phải bơi qua chúng ta cũng bơi luôn. Nếu ở đây chúng ta sẽ chết cứng. Chúng tôi đi bộ đến sông – đi xe rất nguy hiểm vì hai phe đang đánh nhau ở hai bên cầu. Có con thuyền tam bản đang đưa người qua lại và họ đòi 100.000 đồng [khoảng $US 1700] nếu chúng tôi muốn qua sông. Tôi bàn với chồng giá cả bao nhiêu cũng phải đi qua sông. Tuy không có tiền mặt, nhưng chúng tôi có một số vòng vàng và các thứ có giá trị khác trong hai túi xách. Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để qua sông. Tới luc này trời sáng hẳn. Chúng tôi nhìn thấy hàng chục trực thăng Mỹ bay tới bay lui dọc theo sông từ phía Sài Gòn. Tôi đoán trực thăng đang chở người ra tàu Mỹ.

“Một khi qua sông, chúng tôi đã đến được nhà song thân.Ông vẫn còn ở nhà với mẹ tôi và ba em gái với bốn em trai. Tất cả đang lắng nghe radio. Chúng tôi nghe cậu tôi, Vĩnh Lộc, tuyên bố ông đang chỉ huy đội quân bảo vệ Sài Gòn và ông sẽ chiến đấu đến giờ phút chót. Mẹ tôi mới nói “thôi, không phải lo chi nữa, bây giờ con không cần phải rời Việt Nam.”

“Lúc đầu, tôi nghĩ song thân có thể chạy trốn về phía nam, đảo Phú Quốc và ẩn nấu tại đó cho tới khi cậu tôi (Vĩnh Lộc) và Quân đội miền Nam ổn định tình hình như họ đã thành công trong 1968 và 1972. Một khi Bắc Việt và Việt Cộng bị đẩy lùi, cha mẹ tôi có thể trở lại Sài Gòn.

Nhưng không hề có bất kỳ một chống trả nào ở Sài Gòn từ lực lượng quân sự của cậu tôi. Đài phát thanh Sài Gòn ngưng hoạt động hẳn. Tôi chẳng còn gì để hy vọng. Sự kết thúc của thế giới chúng tôi chỉ là trong gang tấc.Tôi bảo cha tôi nên rời khỏi nơi đây kẻo không còn kịp. Tiền thưởng của Việt Cộng dành cho sự bắt giữ ba tôi vẫn còn đó. Ông phải ra đi trước nhất. Ông phản đối và nói rằng ông không thể bỏ chúng tôi lại Việt Nam”.

Tại bến tàu đang có rất nhiều tàu rời Sài Gòn chở đầy người tị nạn. Mỗi người phải trả 200 đô Mỹ. Tất cả chúng tôi đều muốn ra đi, nhưng không có đủ tiền mặt. Phần lớn tiền bạc của chúng tôi bị kẹt tại ngân hàng. Chúng tôi gom góp được tổng cộng là 800 đô đủ cho 4 người lên tàu. Tôi nghĩ rằng cha tôi, người em trai (quân cảnh) và một cậu em trai khác -giám đốc sản xuất cho công ty sữa Foremost ở Sài Gòn – nên đi đầu tiên. Còn lại có 200. Tôi nói với chồng tôi nên ra đi nhưng ông ấy không chịu bỏ tôi ở lại. Tôi nói với một cậu em khác – từ Tân Tây Lan trở về Việt Nam cách đây sáu tháng- tôi muốn em ấy lên tàu luôn. Và đó là hết toàn bộ 800 đô Mỹ. Lúc đầu em trai tôi đã từ chối vì sợ rằng Cộng Sản sẽ giết vợ chồng tôi nếu chúng tôi bị kẹt lại. Nhưng mẹ tôi thuyết phục em và nói rằng nếu ở lại tình hình sẽ tồi tệ hơn cho gia đình. Vì vậy, em đã tham gia 3 người kia và rời khỏi Sài Gòn trên một chiếc thuyền dân sự. Phần còn lại của đại gia đình chúng tôi quay về nhà và chờ đợi những điều phần số đã an bày.

Bà nhớ lại “Sáng hôm sau – 30 /4 – lính Cộng Sản tràn ngập trong thành phố. Chúng tôi nghe tin là xe tăng của họ đã ủi sập hàng rào Dinh Độc Lập. Chúng tôi ra ngoài đường để nghe ngóng và khi thấy chiếc xe tăng và xe tải chạy đầy đường chúng tôi rất lo sợ. Tổng thống cuối cùng của miền Nam, Dương Văn Minh xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố rằng ông đã bỏ cuộc. Chúng tôi sợ đến độ muốn chết điếng. Chúng tôi đang sống trong một cơn ác mộng hãi hùng. Vâng, chúng tôi biết chuyện này sẽ xảy ra. Nhưng đồng thời không hiểu sao chúng tôi đã phủ nhận chuyện này. Cuối cùng, chuyện cũng xảy ra và rất ư đột ngột. Chúng tôi cứ tưởng Việt Nam sẽ như Campuchia và ít ra cũng một tháng chiến đấu sẽ diễn ra ở vùng ven biên của thành phố trước khi Sài Gòn bị thất thủ. Chúng tôi không bao giờ ngờ rằng Sài Gòn bị bỏ hoang và quân Bắc Việt ngang nhiên tiến vào thành phố như thế.”

“Ngày hôm sau, qua đài phát thanh và truyền hình những người có chức vị mới ra lệnh cho chúng tôi phải trở lại làm việc. Khi cả ba chúng tôi (chồng, người em và tôi ) quyết định đi làm trở lại. Chúng tôi ngồi lại và tôi đã kể cho họ nghe những điều tôi được nghe từ ông cụ: “họ sẽ muốn biết về cha, về những em trai và về gia đình của chúng ta. Đối với Cộng Sản, câu chuyện cả ba chúng ta kể phải giống y hệt nhau. Chúng ta phải đồng nhất trong mọi chuyện, chúng ta không thể nói dối và bị họ khám phá. Nếu họ biết sự thật về gia đình chúng ta, hoặc chúng ta bị thủ tiêu hoặc bị tống cổ lên vùng kinh tế mới ở một nơi xa xôi hẻo lánh.” Những điều này đã xảy ra ở Campuchia. Chúng tôi dự kiến mọi chuyện sẽ y như vậy ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi cùng ngồi lại và bịa đặt ra toàn bộ câu chuyện hư cấu về gia đình cùng những câu trả lời khi bị tra hỏi. Chúng tôi sao chép tất cả cho mọi thành viên trong gia đình. Rồi chúng tôi đã thức nguyên đêm để học thuộc lòng từng chi tiết. Chúng tôi sẽ khai rằng cha tôi có vợ lẻ nên ông cụ đã không sống chung với chúng tôi. Dĩ nhiên điều này không có thật nhưng đó là một chi tiết hay. Chúng tôi cũng bảo với họ rằng ông đã bỏ nhà đi lâu rồi và chúng tôi không hề biết nơi ăn chốn ở của ông. Và những người em trai khác đã bị chết mất tiêu rồi.”

“Chúng tôi đã học thuộc lòng mọi chuyện và và chúng tôi cũng thay phiên nhau thao dợt những câu trả lời. Cô em gái út của tôi lúc đó mới 14 tuổi nên chúng tôi đã ép cô học thật kỹ và trả lời mọi câu hỏi thật thông suốt. Tôi biết họ sẽ cố gắng chi phối em của mình, và họ sẽ chẳng bao giờ tin tưởng cô ngay cả khi cô được họ giao việc. Tôi kể cho em gái nghe về những người bạn ở miền Bắc đã từng làm việc chung với Cộng Sản mấy chục năm nhưng họ vẫn muốn đào thoát. Nên tôi dặn em không được tin bất cứ câu chuyện gì hoặc lời hứa nào. Bất kể họ dụ ngọt như thế nào cô ấy phải theo đúng câu chuyện chúng tôi bịa đặt ra.

“Chúng tôi trở lại làm việc. Chúng tôi bị tra hỏi khoảng hai mươi lần khi viết báo cáo về lý lịch gia đình và cá nhân. Họ đến tận nơi làm việc và đến thẳng nhà để điều tra. Chúng tôi phải tham gia các cuộc hội họp và mọi người cứ phải viết đi viết lại lý lịch cá nhân thật nhiều lần. Chúng tôi bị chất vấn gần như mỗi ngày về những chi tiết kê khai trong lý lịch cá nhân.

“Đỗ Nguyễn, người Việt Nam duy trong Ban chấp hành Esso và người cầm đầu bộ phận tổ chức, tiếp thị và cung cấp, đã chào mừng tôi ngay tại văn phòng của ông ấy khi tôi trở lại công ty. Bây giờ ông có tên mới cùng trang phục mới. Ông mặc bộ đồng phục của quân đội Bắc Việt và tự giới thiệu ông là Đồng chí Đồng Văn Chi. Ông cũng tự khoe rằng ông đã từng là đảng viên của Đảng Cộng sản và một hoạt động viên cho phe Cách Mạng trong hai thập niên qua. Tôi cũng biết được Cộng Sản đã sử dụng một trong những người cấp trên của tôi, Nguyễn Ngọc Châu, để phá hũy bồn lưu trữ và xe chở xăng dầu của Eso. Ông đã cung cấp cho một người anh bà con (cán bộ cộng sản nằm vùng ở miền quê) những tọa độ chính xác của cơ sở chúng tôi, xe chở dầu và thời khóa biểu giao xăng để sau đó mọi thứ đều bị hỏa tiễn phá hũy. Ông ta khá tự hào về thành quả của mình. ”

Bà kể thêm “Số cán bộ nằm vùng của phe địch hoạt động ngay trong Esso không chỉ 2 người này. Một số kỹ sư hóa học khác cũng là người cộng sản và bây giờ họ mới công khai tiết lộ danh tính và gốc gác thực sự. Qua cách kể chuyện, rõ ràng rằng họ đã không nói những điều này chỉ để lấy lòng chế độ mới hoặc vì muốn bảo vệ cho sự an toàn của gia đình ở vùng quê. Họ đã là tín đồ thực sự của Cộng Sản từ lâu lắm rồi.”

Hà Lê luôn lo ngại có ngày họ sẽ tìm ra danh sách những nhân viên của Esso được ưu tiên bốc đi khỏi Việt Nam. Bà được xếp dạng ưu tiên A. Ngày 29/4 Công ty Esso bên Mỹ đã đưa chiếc tàu Esso Adventure đến Vũng Tàu để di tản nhân viên ra khỏi Việt Nam. Nhưng rốt cuộc phe Cộng Sản đã tìm thấy danh sách di tản này. Một nhóm người đã đến thẳng nhà riêng của Hà Lê để làm việc. Bà được lệnh phải khai rõ công việc và chức vụ tại Esso và chức vụ của chồng trong ngân hàng. Sau khi cung cấp một bản báo cáo được chỉnh sửa cẩn thận về nghề nghiệp của mình và của chồng, bà đã được ở lại Sài Gòn nhưng chồng phải tham dự trại học tập cải tạo. “Họ tuyên bố rằng thật ra họ cũng muốn cho tôi tham dự trại cải tạo, nhưng thay vào đó họ cho phép tôi được học tập cải tạo ngay tại nơi làm viêc, nghĩa là tôi phải tham dự các cuộc học tập chính trị căng thẳng ròng rã trong ba ngày liên tiếp tại công ty. ”

Các viên chức cao cấp của chế độ mới tại thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý cho Hà Lê ở lại Esso vì chuyên môn và kinh nghiệm. Tuy vậy tiền lương bà được trả rất thấp chỉ bằng 2% mức lương trước kia. Mức thu nhập đó không cách chi nuôi sống nổi 3 người trong nhà: mẹ, cô em gái và Hà Lê. Vì vậy, họ đã bán hết mọi thứ của cải có giá trị – đồ trang sức, đồng hồ, chén đĩa, xe đạp, đồ gốm, quần áo và chiếc xe hơi. “Những người Cộng Sản và dân Bắc Việt xúm lại mua tất cả các món hàng này. Lúc đó giá cả thật có lợi cho người mua.”

Mùa thu 1975, một số cán bộ Cộng Sản cao cấp đến nhà và buộc tội bà đã từng làm việc cho Mỹ. Bà lo ngại họ đã tìm thấy hồ sơ giấy tờ của Bill Johnson. Nhưng may thay họ đã không hề nhắc tới Johnson. Họ vẫn tiếp tục nhắc tên Ed Ketchum và những quản lý người Mỹ khác tại Esso. Bà nói. “Tôi nhìn nhận rằng tôi đã làm việc cho Esso. Nhưng cũng xin nhắc lại rằng tôi đã được đào tạo chuyên ngành về khoa học và kỹ thuật. Vì người Mỹ cần một người có khả năng như tôi nên họ phải mướn và trả lương cho tôi mà thôi.”

Những đồng nghiệp của bà ở Esso hình như đã cho các thành viên của chế độ mới biết Hà Lê là một cấp trên rất tốt bụng và có khả năng giỏi trong phòng thí nghiệm. Họ nhớ lại cuộc bàn thảo về tính trung thực và liêm chính và trách nhiệm đè nặng trên vai bà. Khi bà còn là cấp trên chẳng ai trong số họ bị sa thải nên giờ đây họ cũng che chở cho bà.

Chế độ mới quyết định dùng bà cho mục đích riêng của họ. Vào cuối mùa hè một nhóm viên chức dầu khí Liên Sô đến thăm Sài Gòn. Bởi vì thông thạo tiếng Nga, Hà Lê được chọn để đón tiếp và dẫn dắt phái đoàn đi thăm viếng cơ sở lọc dầu của Esso. Vì phái đoàn Nga không biết tiếng Việt và không ai trong số các nhân viên còn lại trong Esso biết nói tiếng Nga, vì vậy bà đã trở thành người trung gian chủ yếu trong các cuộc thảo luận về lọc dầu, chu trình dây chuyền, kiểm tra và phân phối. Bà nhớ lại “Khi người Nga đến Sài Gòn các viên chức Việt Nam đã thực sự khép nép lo ngại. Họ xem người Nga như Quan lớn. Họ dùng xe limousine để đi đón các “đồng chí”. Khi bạn bè ở Sài Gòn thấy tôi ngồi chung xe với một nhóm người Nga, họ kết luận rằng tôi đã thân Cộng từ lâu. Khi thấy tôi mặc quần áo phương Tây và trang điểm để gặp gỡ phái đoàn Nga họ đều ngoảnh mặt quay lưng.”

Người Nga rất nể trọng những kiến thức chuyên môn và khả năng đối đáp lưu loát tiếng Nga của Hà Lê. Họ hỏi bà có sẵn sàng theo họ về Moscow để gặp gỡ với các viên chức Nga khác. Bà từ chối và cho biết vì chịu trách nhiệm cho mẹ, các em của mình ở Sài Gòn. Thêm vào đó bà biết rõ chế độ mới vẫn không hoàn toàn tin tưởng ở bà và chắc chắn rằng họ sẽ tìm mọi cách để không cho bà rời khỏi Việt Nam. Sau đó bà được khen thưởng và lương được tăng lên gấp đôi. Bà nói “cấp trên của tôi là một thượng tá trong quân đội Bắc Việt đã ba mươi năm, nhưng lương của ông còn ít hơn lương của tôi. Và ông không hiểu tại sao. ”

Từ lâu bà luôn chỉ trích sự tham nhũng của chế độ cũ tại miền Nam và của người Mỹ. Nhưng sau 30/4/1975 bà khám phá ra rằng những ông chủ mới của Sài Gòn còn tham nhũng gấp bội. Bà nói tiếp “Tôi đã rất vui mừng khi nhìn thấy họ tham nhũng, vì tôi biết tôi có thể lợi dụng nạn tham nhũng này để thoát khỏi Việt Nam. Bà tìm được một vài cán bộ cấp thấp không liêm chính, tham lam và hối lộ họ để làm giấy tờ giả có chữ ký của nhân chứng ở Hà Nội, xác nhận cha chồng là một anh hùng cộng sản trong những năm 1940 ở miền Bắc. Bà đem giấy tờ đến văn phòng của Ban Học Tập Cải Tạo tại dinh Độc Lập cũ. Bà hỏi cách thức nộp bản kiến ​​nghị cho chồng được thả ra khỏi trại cải tạo với lý do cha chồng là anh hùng liệt sĩ ở miền Bắc. Cán bộ phụ trách rất nghi ngờ và không muốn giúp đỡ. Bà tới lui văn phòng cả chục lần, lần nào cũng bị làm ngơ hoặc bị đuổi về.

Bà bèn trao tặng một món quà nhỏ cho người thư ký và lấy được địa chỉ nhà riêng của Trưởng Ban cải tạo. Bà liền đến nhà mang theo quà cáp và cả vàng miếng để trao tặng cho người vợ và than thở rằng bà rất đau khổ vì chồng bị bắt giam lầm trong trại cải tạo tại mà cha chồng lại là anh hùng liệt sĩ. Bà vợ đồng ý chuyển bản kiến nghị qua cho chồng (Trưởng Ban Cải Tạo). Kết quả chồng bà được ra khỏi trại và trở về nhà một ngày trước lễ Giáng sinh 1975.

Bà quyết định rời khỏi Việt Nam. Nhưng 1977 bà hạ sinh con trai đầu lòng và kế hoạch rời bỏ quê hương phải đình lại. Năm 1979 bà cố gắng ra đi nhiều lần nhưng đều thất bại. Với tên giả, giấy tờ tùy thân giả, bà đã trả tiền cho nhiều chủ tàu để vượt biên bằng đường biển đến Thái Lan hay Malaysia Lần nào bà cũng bị lừa gạt và mất tiền.

Cuối cùng bà đã trả một cán bộ cộng sản 30 lượng vàng cho mình và 5 lượng vàng cho con trai để xin được visa xuất ngoại trong một thời gian ngắn để chữa trị chứng bệnh nhiễm ký sinh trùng. Bà đã mướn bác sĩ viết chứng nhận cho bà cùng con trai đều mắc chứng bệnh này qua kết quả của các chẩn đoán và kết quả thử nghiệm. Bà mua vé máy bay của Air France tới Bangkok. Từ đó bà bay qua Tel Aviv, Paris và cuối cùng đến Berlin. Chồng bà đã quyết định không đi. Từ Đức, bà liên lạc với cha và các em trai đang ở Mỹ và được bảo trợ qua Mỹ đoàn tụ với họ trong năm 1980.

Hà Lê và con trai được nhập quốc tịch Mỹ. Bà cố gắng bảo trợ cho chồng qua Mỹ nhưng ông ta đổi ý và không muốn rời Việt Nam nữa. Họ quyết định ly dị và sau đó ông ấy lấy vợ khác. Hà Lê cũng tái hôn và có thêm một cô con gái. Bà được Esso nhận vào làm việc trở lại.

Cuối cùng bà cũng liên lạc và đến thăm Pat và Bill Johnson ở Boulder, Colorado. Bill đã nghỉ việc với CIA vào năm 1976 rồi chuyển về Boulder, Colorado 1977.

Hà Lê nói “Tôi không căm hận việc người Mỹ rời bỏ Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy buồn, rất buồn, về việc họ đã bỏ rất nhiều người Việt ở lại để gánh chịu đau khổ và chết trong trại cải tạo. Nhiều người Việt đã sát cánh chiến đấu với người Mỹ vì họ tin tưởng vào một đất nước tự do cho bản thân và gia đình nhưng rốt cuộc phải gánh lấy hậu quả. Sau năm 1975 rất nhiều người trong số những người may mắn sống sót sau cuộc chiến đã phải đánh đổi cho lý tưởng tự do bằng mạng sống của họ trong trại cải tạo.”

“Theo tôi người Việt rất là hư. Chúng tôi không biết quí trọng những gì đã có cho đến khi mất tất cả. Nếu có một cái gì quí báu, bạn phải cố gắng để giữ gìn, thậm chí hy sinh cho nó chứ không nên coi thường.Tôi e rằng nhiều người trong chúng tôi không biết quí trọng tự do. Và chúng tôi đã mất tất cả.”

Trong số ba người em đến Mỹ cùng với người cha của Hà Lê vào năm 1975, một trở thành luật sư ở San Jose, California, và một người khác đã đi làm trở lại cho công ty sữa Foremost và sau đó cho công ty California Dairies Inc tại Visalia, CA.

Người em thứ ba di cư sang Pháp và bắt đầu làm việc với máy tính.

Năm 1982 Hà Lê, cha và các em bảo trợ mẹ qua Mỹ. Tony Lê, con trai của Hà Lê hồi tưởng lại “hôm đó thật là vui “.

William E. Johnson qua đời vào 13 /11 /2005, hưởng thọ 86 tuổi.

Lê Thị Ngọc Hà qua đời ngày 30 /1/ 2010 thọ 69 tuổi.

2 thoughts on “Our Woman in Saigon

  1. Một nhân vật Nữ-Ngọc Hà! Sống và Làm việc rất đáng tự hào-SỐNG LỢI ÍCH cho bản thân-gia đình và cho cả mọi người xung quanh -Quá trình làm việc cũng vất vả lao đao!Nhưng lúc nào cũng TRÁCH NHIỆM LÀM ĐẦU Tính cách con người Cuối cùng vẫn nghiêng về gia đình nhiều hơn!Bản thân thì SỐNG HẾT MÌNH!Và chết trong Mãn nguyện?

Comment